2/10/14

Trường ca Hàn Mặc Tử


“từ chất thơ trong sáng buổi đầu, nhà thơ đã trải qua những cơn đau đớn quằn quại trước khi quay về yên nghỉ trong vẻ đẹp màu nhiệm thanh khiết. Đấy là hành trình thơ Hàn Mặc Tử mà tôi đã soạn thành một bản trường ca”.
(Phạm Duy)

Trường ca Hàn Mặc Tử . Phạm Duy Production . 1994
Trường Ca Hàn Mặc Tử gồm 9 ca khúc Phạm Duy phổ nhạc 9 bài thơ của Hàn Mặc Tử, được chia làm ba phần

- Tình Quê: gồm các bài Tình quê, Đây thôn Vĩ Dạ, Đà Lạt trăng mờ. Đây là các bài thơ được Hàn sáng tác khi còn chưa biết mình bị bệnh, lời thơ lãng mạn tươi trẻ.
- Trăng Sao: gồm các bài Trăng sao rơi rụng, Hồn là ai, Trút linh hồn, phổ các bài thơ Hàn viết khi biết mình mắc phải căn bệnh nan y, đang hàng ngày nhìn từng phần thân thể của mình bị tàn phá.
- Ave Maria: gồm các bài Ave Maria - Lạy Bà là đấng tinh truyền thánh vẹn, Hỡi sứ thần thiên chúa Gabriel, Phượng Trì, Ôi Phượng Trì phổ các bài thơ Hàn viết lúc cuối đời, khi tìm vào chốn bằng an nơi tôn giáo.

Album Trường ca HMT được phát hành ở Mỹ năm 1994, Phương Nam Phim phát hành ở Việt Nam 2011. Các ca khúc được Duy Quang, Thái Hiền, Thái Thảo và Tuấn Ngọc trình bày, với hòa âm của Duy Cường.

Tài biến hóa điêu luyện trong nét hòa âm của Duy Cường được phát huy tối đa qua album này, đưa người nghe đi từ cảm giác mênh mang, xa vắng với những giai điệu ngân nga êm ả trong phần mở đầu, đến những âm thanh thê lương rùng rợn trong phần hai với tiếng mèo rền chốn tha ma trong đêm tối, thể hiện khoảnh khắc đau đớn, tuyệt vọng trong cuộc đời người thi sĩ. Phần 3 trở lại sự nghiêm trang, thánh thiện với lời xưng tụng đấng tối cao. Âm nhạc trở nên xa vắng như lời kinh cầu nhưng vẫn mang lại cảm giác ấm áp huy hoàng. Hòa âm phối khí, cách thể hiện của ca sĩ và nội dung trong từng câu hát tạo thành một thể thống nhất tuyệt đối thể hiện hành trình thơ Hàn Mặc Tử: Từ chất thơ mộng ban đầu biến thành sự kịch tính rồi sau đó quay về vẻ đẹp thanh thoát.
(Trích bài giới thiệu album của Phương Nam phim trên mạng)


Nhân dịp 100 năm sinh Hàn Mặc Tử (1912-2012) Hiệp hội UNESCO và Tạp chí Xưa và Nay tổ chức giới thiệu trường ca Hàn Mặc Tử tại Hà Nội ngày 27/5/2012. Có thể (click) xem
- Lời giới thiệu của Dương Trung Quốc
- Lời giới thiệu của Trần Văn Khê

Mời nghe album



Thấy một bài viết về Trường Ca HMT trên vnmusic.com, lưu lại đây tham khảo. Ai thích thì click đọc.

TRƯỜNG CA HÀN MẠC TỬ - MỘT TÁC PHẨM THƠ PHỔ NHẠC LỚN TRONG SỰ NGHIỆP PHẠM DUY

Đoàn Xuân Kiên

Trong kho tác phẩm đồ sộ của Phạm Duy, thơ phổ nhạc có một vai trò rất đáng kể. Phải nhận rằng nhạc của ông đã làm bất tử một số những bài thơ, và ngược lại thơ đã gợi hứng cho ông viết những giai điệu mượt mà quyến rũ nhiều thế hệ người nghe.

Trường Ca Hàn Mặc Tử là công trình thơ phổ nhạc rất khác với những bài trước đây thường chỉ là những đoản khúc hoàn chỉnh riêng rẽ, dù có đặt chúng vào một tập hợp như Ðạo Ca, Ngục Ca, Hoàng Cầm Ca. Một công trình dài hơi và dài ngày, nếu cứ tính từ khi lần đầu tiên bài Tình Quê xuất hiện như một phụ bản trong tập san THẾ KỈ HAI MƯƠI (1960) tại Sàigòn.

Ngoài Phạm Duy ra, có Hải Linh và Viết Chung trước đây cũng phổ nhạc Hàn Mặc Tử, mỗi người một phong cách khác nhau. Nhưng cũng chỉ với Phạm Duy rất đáng chú ý vì tính cách đa dạng và thể hiện một phong cách đặc biệt. Trong Trường Ca Hàn Mặc Tử, có đủ các kỹ thuật phổ nhạc mà Phạm Duy thường vẫn sử dụng: lắp giai điệu vào lời thơ, biến thể các giai điệu để phát triển nhạc đề, và chuyển ý thơ thành điệu. Kỹ thuật lắp giai điệu và thủ pháp quen thuộc thường thấy ở thơ phổ nhạc: Bài Chiều Ðông phổ nguyên lời bài thơ Khoác Kín của Cung Trầm Tưởng là một thí dụ. Phải nói ngay là Phạm Duy rất hiếm khi phổ nguyên lời thơ của toàn bài, vì đòi hỏi của cấu trúc câu nhạc cũng có mà vì sự chọn lọc lời ca của ông cũng có. Vì vậy, bài thơ phổ nhạc của Phạm Duy thường phong phú về giai điệu và nhạc đề nhờ ở nghệ thuật gây ấn tượng qua những kết hợp kỹ thuật khác nhau.

Bài thơ phổ gần như nguyên vẹn trong Trường Ca Hàn Mặc Tử là Ðây thôn Vĩ Giạ (gồm có ba khổ thơ thất ngôn) thật ra cũng phải tôn trọng cấu trúc của bài hát mà kết cấu như sau: đoạn một của bài hát gồm khổ một và khổ hai, đoạn hai gồm khổ một và khổ ba. Sự láy lại khổ thơ là một nghệ thuật gây ấn tượng bằng sự láy lại nhạc đề của phân khúc này. Kỹ thuật biến thể các giai điệu để phát triển rộng nhạc đề là thủ pháp đã được dùng trong khi phổ bài Tình Quê. Ông đã bố cục bài hát làm hai đoạn lớn có giai điệu không xa nhau lắm và nối chúng lại với nhau bằng bản lề rất khéo là hai câu thơ ngũ ngôn trong bài thơ nhưng đã phổ thành hai biến điệu khác nhau cho phù hợp với âm hành của câu nhạc. Sự tròng tréo các giai điệu trong hai đoạn có tác dụng nghệ thuật đặc sắc cho bài hát. Kỹ thuật mà Phạm Duy thường sử dụng là kỹ thuật chuyển ý thơ thành giai điệu.

Ðây là một kỹ thuật đòi hỏi khả năng thưởng ngoạn văn học ngõ hầu có thể nắm bắt được ý của câu đoạn hay cả bài thơ để chuyển thành giai điệu. Phạm Duy đã sử dụng kỹ thuật này mà hoàn thành những tác phẩm bất hủ như Tiếng Sáo Thiên Thai, Vần Thơ Sầu Rụng, Hoa Rụng Ven Sông...

Trong Trường Ca Hàn Mặc Tử, phần phổ nhạc nhóm bài thơ về Trăng là phần rất công phu nhờ sự biến ảo của giai điệu theo nhịp điệu phù hợp với tâm trạng trong thơ. Phạm Duy đã tổ hợp các bài thơ khác nhau theo một thứ tự do ông thiết định để làm bật lên trạng thái tâm hồn của nhà thơ trong phân khúc này. Không có được khiếu thưởng ngoạn thi ca sâu sắc thì không thể có được những bản thơ phổ nhạc như thế. Cứ so sánh lối tiếp cập của Hải Linh và Phạm Duy khi phổ bài thơ Ave Maria sẽ thấy ngay phong cách Phạm Duy: ông tước bỏ đoạn đầu của bài thơ mà Hải Linh đã dùng để phát triển nhạc đề cho bài hợp xướng: Ave Maria giầu tính cách tôn giáo: Như song lộc triều nguyên ơn phước cả...

Phong cách phổ nhạc ở đây đã phản ánh phong cách người nhạc sĩ. Bao trùm lên các kỹ thuật vừa kể là nghệ thuật gây ấn tượng qua sự nhấn mạnh nhạc đề. Ðây là điểm đặc sắc của nghệ thuật sáng tác Phạm Duy. Bài Ðà Lạt Trăng Mờ chẳng hạn, đã láy đi láy lại nhiều lần nhạc đề bài hát. Ta tìm thấy lại nghệ thuật ấy trong tất cả các phân khúc của Trường Ca Hàn Mặc Tử. Ấn tượng về câu nhạc được tô đậm trong trí người nghe là nhờ những sự nhấn mạnh nhạc đề như thế. Ðiều kỳ diệu là những câu hát được tô đậm bằng sự láy lại đã không hề tạo ấn tượng nhàm chán. Làm sao nắm bắt được nhạc đề của bài thơ phổ nhạc, hoàn toàn thuộc về sự bén nhạy của tư duy nghệ thuật của Phạm Duy. Nếu những bài thơ hay là những bài thơ có thần thì những câu thơ phổ nhạc của Phạm Duy trong Trường Ca Hàn Mặc Tử cũng có thần của chúng, tạo nên khí vị nhất quán khi nghe riêng từng bài hay lúc nghe toàn thể chín phân khúc. Ma lực cuốn hút của những phân khúc thơ phổ nhạc Trường Ca Hàn Mặc Tử là ở những đợt sóng cảm xúc xô đẩy tới lui như những đợt sóng khác nhau dào dạt đuổi bắt không ngừng.

Trường Ca Hàn Mặc Tử là một dấu mốc đặc biệt trong sự nghiệp sáng tác của Phạm Duy. Nếu thơ phổ nhạc nói chung đã là một gạch nối đặc biệt giữa văn học và nghệ thuật âm nhạc thì Trường Ca Hàn Mặc Tử còn có ý nghĩa một phác họa chân dung của một nhà thơ bằng âm nhạc. Giá trị của tác phẩm như vậy là đa dạng. Hãy chỉ nhìn tác phẩm trong địa hạt âm nhạc thôi, Trường Ca Hàn Mặc Tử cũng là một công trình đồ sộ: giai điệu phong phú, hòa âm tân kỳ, giọng hát nhã luyện. Tác phẩm để lại dư vị ngất ngây và những bâng khuâng không dứt về thân phận người thi sĩ quá cố mà cũng là của mỗi chúng ta. Ðạt được như thế không thể không có một khí lực âm nhạc dữ dội.


Nguồn: vnmusic.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)