2/10/14

Dân ca ví dặm xứ Nghệ


Ví, dặm là đặc sản của người xứ Nghệ - xứ Nghệ ở đây dùng để chỉ vùng đất Hoan Châu xưa, gồm hai tỉnh Nghệ An và Hà Tỉnh bây giờ.

Ví thuộc thể ngâm vịnh, thường được hát tự do, ngẫu hứng; sâu lắng trong điệu ví đò đưa, trữ tình trong điệu ví phường vải, và cả nghịch ngợm, hài hước trong điệu ví mục đồng, ví ghẹo ..

Dặm trái lại, có tiết tấu phách nhịp rõ ràng. Thường thì mỗi bài dặm được chia thành từng khổ, mỗi khổ 5 câu, mỗi câu 5 từ.

Từ 2012, Liên hoan Dân Ca Ví Dặm Xứ Nghệ được tổ chức hàng năm luân phiên tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tỉnh. Có thể xem trọn Liên hoan lần lần I tổ chức tại Vinh (2012), lần 2 (2013) tại Hà Tỉnh tại Youtube.

Ít thời gian thì xem playlist dân ca ví dặm, thích bài nào xem bài ấy



Ai quan tâm đến khía cạnh văn hóa của ví, dặm thì mời click đọc bài biên khảo của Nguyễn Văn Hạnh

VÍ DẶM XỨ NGHỆ TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA HỌC

Nguyễn Văn Hạnh [1]

Cũng như ở nhiều quốc gia Đông Nam Á, ở Việt Nam, văn hóa dân gian luôn giữ một vài trò quan trọng trong tiến trình hình thành và phát triển văn hóa dân tộc, góp phần làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Điều này có nguồn gốc trong cơ tầng văn hóa và cấu trúc xã hội của cư dân nông nghiệp lúa nước. Về điểm này, văn hóa Việt Nam có những khác biệt nhất định so với hai nền văn hóa lớn ở phương Đông là Ấn Độ và Trung Quốc. Không thể nào hiểu được văn hóa Việt Nam, hay hẹp hơn là văn hóa một vùng miền, nếu không bắt đầu từ văn hóa dân gian. Được nhìn nhận là một trong những khu vực văn hóa hình thành sớm, văn hóa xứ Nghệ có những nét đặc thù, mà trước hết là trong văn hóa dân gian. Với hàng ngàn năm hình thành và phát triển, cộng đồng cư dân xứ Nghệ đã kiến tạo nên một vùng văn hóa dân gian phong phú, đa dạng trên cả hai lĩnh vực văn hóa tinh thần và văn hóa vật chất. Trong  đó, ví dặm được xem là một “đặc sản”, một điểm nhấn đặc sắc, góp phần làm nên dấu ấn văn hóa xứ Nghệ trong đời sống văn hóa Việt Nam.

Xứ Nghệ là tên chung của vùng đất Hoan Châu, (gồm hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) có từ thời nhà hậu Lê, có chung một văn hóa – văn hóa Lam Hồng, với hai biểu tượng: núi Hồng, sông Lam. Văn hóa xứ Nghệ được hình thành bởi cộng đồng cư dân nông nghiệp sống trên một vùng rộng lớn, phía Bắc giáp Thanh Hoá, phía Nam giáp Quảng Bình, phía Tây tựa lưng vào dãy Trường Sơn, phía Đông nhìn ra biển. Từ xa xưa, dải đất này từng được xem là “địa linh, nhân kiệt”, “danh tiếng hơn cả Nam Châu” với sông dài, biển rộng, núi cao. Nhận xét về đất và người nơi đây, sử gia Phan Huy Chú viết: “Con người ở đây rất cần kiệm và hiếu học, vật sản thì quý báu và hiếm lạ, thần núi và thần biển đều linh dị, khí thiêng non sông kết thành nhiều bậc danh hiền”. Theo chiều dài lịch sử, vùng đất này đã trải qua nhiều thay đổi, cả về hình hài vóc dáng, và tên gọi, như: Việt Thường, Hoan Châu, An Tịnh (thời cổ, trung đại) hay Nghệ Tĩnh, và giờ đây tách thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Tuy nhiên, từ góc nhìn địa - văn hóa - lịch sử, đây vẫn là một vùng  văn hóa thống nhất, có tính đặc thù, khu biệt với các khu vực văn hóa khác ở Việt Nam. Từ rất sớm, dọc theo hai bờ sông Lam, từ thượng nguồn đến hạ lưu đã hình thành nên những xóm làng trù phú. Với xứ Nghệ, núi Hồng, sông Lam không chỉ là  bức tranh thiên nhiên sơn thủy hữu tình mà còn góp phần tạo nên bản sắc cho một vùng văn hóa. Vốn là vùng đất "biên ải","viễn trấn", nguồn gốc cư dân xứ Nghệ khá đa dạng. Tuy nhiên, sau hàng ngàn năm lịch sử, nơi đây đã hình thành nên một cộng đồng cư dân có tính thống nhất cao độ, với danh xưng người Nghệ. So với cư dân ở các vùng miền khác, người Nghệ có những đặc điểm riêng, dễ nhận biết: về tiếng nói, âm sắc của người Nghệ đục và nặng, khó nghe, khó bắt chước; về tư duy, người Nghệ thường không uyển chuyển, thường cứng nhắc, rạch ròi, dứt khoát đến cực đoan, bảo thủ; về hành động, người Nghệ quyết liệt, hăng hái, bản lĩnh đến mức liều lĩnh; về ứng xử hàng ngày, thường không thích hình thức, phô trương mà chuộng sự giản dị, mộc mạc. Những đặc điểm đó có ở người bình dân, người trí thức, trong văn chương nghệ thuật cũng như trong ứng xử giao tiếp đời thường. Văn hóa là sản phẩm của con người, thuộc về con người, vì con người, là những gì còn lại của một chu trình lịch sử. Trầm tích văn hóa của một dân tộc, một vùng miền luôn gắn liền với lịch sử do con người tạo nên. Mọi thành tố của một nền văn hoá, cũng chính là mọi khía cạnh của cuộc sống con người. Từ cách nhìn đó, có thể nói, đất và người xứ Nghệ đã làm nên bản sắc văn hóa xứ Nghệ, mà trước hết là văn hóa dân gian.

 Cũng như các loại hình văn hoá dân gian khác ở Việt Nam, ví dặm xứ Nghệ được hình thành và phát triển trong môi trường văn hoá nông nghiệp lúa nước. Sự ảnh hưởng của nền văn hoá ấy có thể thấy ở cách thức tổ chức, nội dung và hình thức thể hiện. Nghĩa là nó không vượt ra ngoài quỹ đạo của dân ca, dân vũ. Tuy nhiên, là sản phẩm văn hóa của đất và người xứ Nghệ, ví dặm có những đặc trưng riêng, rất riêng,  khu biệt với dân ca các vùng miền trên cả nước. Thời gian, môi trường diễn xướng của hát ví gắn với lao động, không có những mùa, những  lễ hội riêng. Cách gọi tên, phân loại, cũng chỉ là tương đối, dựa trên nghề nghiệp của những người diễn xướng, như: ví phường vải, ví đò đưa, ví phường nón, ví phường cắt tranh, ví trèo non, ví phường bện võng, ví phường vàng, ví phường róc cau, ví phường lau mía, ví phường chắp gai đan lưới, ví phường củi, ví phường cỏ, ví phường măng, ví phường bẻ chè, ví phường bẻ ngô, ví phường buôn, ví phường nhổ mạ, ví phường gặt.... Gắn với mỗi dòng sông, mỗi chuyến đi lại có cách gọi riêng, như: ví sông Phố, ví đò đưa sông La, ví đò đưa sông Lam, ví đò đưa xuôi dòng, ví đò đưa nước ngược... Sự khác biệt trong giai điệu, khúc thức âm nhạc giữa các loại ví đó là không nhiều. Về thể thức và môi trường diễn xướng, hát ví xứ Nghệ vừa có nét phóng túng tự do của hình thức hát trong lao động, vừa bài bản, lề lối theo hình thức hát hội. Người diễn xướng thường là nam thanh, nữ tú nên nội dung lời ca nghiêng về đối đáp giao duyên. Thời gian và khung cảnh diễn ra hát ví linh hoạt, tuỳ vào công việc lao động. Chẳng hạn, ví phường vải thường diễn ra vào ban đêm, kéo dài thâu đêm suốt sáng với không gian trong nhà - ngoài ngõ; ví đò đưa diễn ra trong không gian trên bến dưới thuyền, hoặc giữa các thuyền trên sông nước; ví phường gặt, ví phường nhổ mạ, ví phường cấy thường diễn ra trên đồng ruộng... Hoàn cảnh diễn xướng, hoặc mang tính ngẫu hứng “đối cảnh sinh tình” trên bến dưới thuyền, hoặc những đêm hát phường, hội. Lề lối, cách thức cũng không thật khe khắt, chặt chẽ như hát Quan họ (Bắc Ninh).  Có thể xem đây như một “thú chơi” của những người bình dân, hoặc những nhà nho chuộng lối sống bình dân: hồn nhiên, mộc mạc, lạc quan yêu đời, lấy tình làm trọng, lấy nghĩa làm đầu. Trong số hơn 20 hình thức hát ví của dân ca xứ Nghệ, ví phường vải và ví đò đưa được xem là hai hình thức tiêu biểu, đặc sắc nhất. Từ rất sớm, một cộng đồng người xứ Nghệ đã hình thành và định cư, canh tác quanh lưu vực sông Lam. Gắn với nó là sự ra đời của nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt vải và nghề sông nước. Những chuyến đò ngược xuôi trên sông Lam, sông La không chỉ để trao đổi, lưu thông hàng hóa giữa những vùng miền ở xứ Nghệ, mà còn chở những câu hò, điệu ví đối đáp giữa trai gái trên bến dưới thuyền. Ở đó có những lời ca, những lối nói đã trở thành mòn sáo, được diễn lại, và có cả những lời ca được ứng tác trong quá trình diễn xướng. Tài năng, hồn cốt của người hát được thể hiện rõ nhất ở lời ca, giọng hát, chứ không phải là khúc thức âm nhạc. Đó là một cuộc chơi, mà những người chơi không cần nhìn rõ mặt, không cần biết thân phận của nhau, và không có gì phải ràng buộc. Ở đó có cả những ý tứ, nỗi niềm được trao gửi và có cả những câu hát bông đùa, tếu táo, thể hiện sự chất phác, hồn nhiên của người dân lao động. Tất cả đều bình đẳng, tự do.  Cũng có đặc điểm tương tự là ví phường vải, một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian gắn với nghề trồng dâu, nuôi tằm dệt vải, thường diễn ra ở những nơi non nước hữu tình. Ở xứ Nghệ, ví phương vải tập trung và nổi tiếng nhất là Nam Đàn, Đô Lương, Quỳnh Lưu (Nghệ An) và Đức Thọ, Can Lộc, Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Cũng như các hình thức dân ca nói chung, nội dung của ví phường vải mang đậm chất trữ tình. Tuy nhiên, do có sự tham gia của các trí thức nho học nên ví phường vải có những đặc tính riêng. Lời ca được trau chuốt, sử dụng nhiều điển tích, chơi chữ, ẩn ý, quy cách, hình thức phức tạp, chặt chẽ hơn. Thông thường, ví phường vải gồm bảy bước, ba chặng: Chặng một gồm 3 bước (hát dạo, hát chào, hát hỏi); chặng hai gồm 1 bước (hát đố hát đối); chặng ba gồm 3 bước (hát mời, hát xe kết và hát tiễn). Thực hiện đầy đủ các chặng các bước trên, mỗi cuộc hát ví phường vải thường kéo dài trong nhiều đêm. Ở đó có sự pha trộn ít nhiều giữa văn hóa bác học và văn hóa bình dân do sự tham dự của các nhà nho. Đây được xem là những điểm khác nhau cơ bản giữa hát ví phường vải với các thể hát ví khác trong dân ca xứ Nghệ.Vai trò của các nhà nho trong cuộc hát là người đặt lời, dẫn dắt, còn diễn xướng vẫn là những nam thanh, nữ tú bình dân. Nói cách khác đó là quá trình dân gian hóa những sáng tác bác học. Thông qua hình thức hát đối đáp, người hát đã dân gian hoá một số hình thức nghệ thuật được coi là sản phẩm của văn học bác học như hình thức đố chữ, cách dùng dẫn ngữ là điển tích văn chương... Điều này không chỉ làm phong phú, sâu sắc hơn văn hóa dân gian mà còn góp phần làm tươi mới, sống động hơn cho văn chương bác học, khi tác giả của nó - những nhà nho, được tắm gội trong nguồn mạch dân gian. Nhờ đó sáng tác của họ phóng túng, tự do hơn. Nguyễn Du là một hiện tượng tiêu biểu cho mối quan hệ này.

Trong sự ảnh hưởng của không gian văn hóa xứ Nghệ đối với các sáng tác của Nguyễn Du, không gian diễn xướng của ví dặm đã gợi cho thi nhân nhiều cảm hứng sáng tạo. Trong thời gian về sống ở làng Tiên Điền (Nghi Xuân – Hà Tĩnh), Nguyễn Du thường cùng trai làng phường nón đi hát ví giao lưu với các cô gái phường vải ở làng Trường Lưu (Can Lộc – Hà Tĩnh). Trong thời gian này, Nguyễn Du đã viết bài Thác lời trai phường nón trả lời bài Thác lời trai phường vải của Nguyễn Huy Quýnh. Bài thơ lục bát chan chứa tình cảm của chàng trai trẻ tài hoa, đa tình. Ở đó, ông sử dụng nhiều ngôn từ của dân ca ví dặm, gắn với nhiều địa danh non nước Hồng Lam. Cũng từ không gian ấy, Nguyễn Du đã cho ra đời bài Văn tế sống hai cô gái đất Trường Lưu được lưu truyền rộng rãi trong nhiều tầng lớp nhân dân. Ở chiều ngược lại, trong không gian diễn xướng dân ca ví dặm, những nghệ sĩ dân gian đã sử dụng hình thức lẩy Kiều để sáng tác những câu hát đối đáp mượt mà, sâu lắng. Sự tương tác giữa văn hóa dân gian và văn hóa bác học diễn ra một cách tự nhiên, mang đến những hiệu ứng tư tưởng, thẩm mỹ hết sức độc đáo.

 Nếu văn hóa, văn học dân gian là sự thể hiện khát vọng và ý thức dân chủ thì ví dặm xứ Nghệ là điển hình cho tính dân chủ. Ở đó không có luật lệ nghiêm nhặt, không có phân biệt trên dưới, sang hèn, và không có những điều cấm kỵ. Sự phóng túng trong tư tưởng được thể hiện ở ngôn từ, ở sự bình đẳng, gần gũi trong hình thức xưng hô. Trong diễn xướng, người hát thường sử dụng từ xưng hô ở ngôi thứ nhất, thứ hai số ít; dùng từ xưng hô mang tính định danh cụ thể; đưa tên riêng của các vai giao tiếp vào lời hát; dung nạp nhiều ngôn từ mộc mạc, dân dã. Một đặc điểm nổi bật của văn hóa truyền thống Việt Nam là vai trò của làng. Quan hệ xã hội của người Việt Nam chủ yếu là quan hệ dòng tộc, láng giềng. Làng không chỉ là đơn vị hành chính mà còn là nơi lưu truyền ngôn ngữ và văn hoá dân gian, nền tảng của ngôn ngữ và văn hoá dân tộc. Cây đa, bến nước, sân đình là những hình ảnh thân quen, trở thành biểu tượng đặc trưng của làng quê Việt Nam. Từ cách nhìn đó, có thể thấy, ví dặm thực sự đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành và bảo tồn các giá trị văn hóa làng quê xứ Nghệ. Đó là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian gần gũi, phổ biến, thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ, giúp người dân quên đi nỗi cực nhọc, cay đắng trong cuộc mưu sinh. Những câu ví mượt mà, đằm thắm không chỉ thể hiện nỗi niềm, trao gửi niềm thương nỗi nhớ mà còn gắn kết tình làng nghĩa xóm, đưa con người xích lại gần nhau. Mặt khác, tính bình đẳng dân chủ trong hình thức, ngôn từ của ví dặm đã góp phần xóa đi khoảng cách, tôn ti, phá vỡ tính khép kín của xã hội truyền thống. Có thể nói, đó là một phương thức giao tiếp độc đáo, đặc sắc ở các làng quê xứ Nghệ truyền thống. Nhiều giá trị tinh thần nhờ đó được lưu giữ và phát triển. Trong quá khứ, nhiều nhà yêu nước, nhà cách mạng đã mượn hình thức hạt ví để vận động, tuyên truyền, giác ngộ nhân dân. Tiêu biểu trong số đó là Phan Bội Châu, một chí sĩ yêu nước nổi tiếng những năm đầu thế kỷ XX. Nhiều câu chuyện kể về Phan Bội Châu đi hát phường vải còn lưu truyền trong dân gian xứ Nghệ.

Những phân tích diễn giải trên đây phần nào cho thấy vai trò của ví dặm trong cấu trúc văn hóa tinh thần truyền thống xứ Nghệ. Không thể hiểu một cách đầy đủ về văn hóa, con người xứ Nghệ nếu bỏ qua hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc này. Tuy nhiên, có một thực tế là ví dặm đang bị mai một, mất dần vị trí trong đời sống văn hóa hiện đại. Không gian ví dặm đã không còn bởi cuộc sống xô bồ và quá trình đô thị hóa đang diễn ra hàng ngày. Theo đó, những nghệ nhân, những câu ví ngày càng thưa dần trong sinh hoạt văn hóa nơi làng quê xứ Nghệ. Liệu ví dặm có biến mất khỏi đời sống hiện đại? Và làm thế nào để bảo tồn những giá trị tinh thần đặc sắc này? Như chúng ta đã biết, văn hoá có tính bền vững. Nó là sản phẩm của con người, tồn tại trong đời sống của con người, gắn với con người, và góp phần làm nên giá trị của con người. Sự phát triển của khoa học công nghệ và giao lưu hội nhập trong đời sống hiện đại đã phá vỡ tình trạng khép kín, biệt lập của các vùng văn hóa. Đó là một xu thế tất yếu. Quan niệm về bản sắc văn hóa cũng cần phải thay đổi. Bảo tồn các giá trị truyền thống không đồng nghĩa với phục cổ mà phải làm cho nó tươi mới hơn, phù hợp với nhu cầu của con người hiện đại. Một tâm lý phổ biến của con người, đặc biệt là ở các nước có nền văn hóa nông nghiệp như Việt Nam thường dị ứng với cái mới, dị ứng với cái khác. Niềm tự hào về truyền thống luôn gắn liền với nỗi lo lắng về sự mất đi cái cũ. Trong khi đó, yêu cầu đặt ra cho nền văn hóa hiện đại là bên cạnh giá trị truyền thống phải hướng tới những giá trị phổ quát của nhân loại. Nếu xét theo yêu cầu đó, việc bảo tồn các giá trị văn hóa tinh thần truyền thống như ví dặm cần phải có hướng đi khác. Với tư cách là một thể loại dân ca, ví dặm được cấu thành bởi ba yếu tố: lời ca, âm nhạc, phương thức diễn xướng. Trong ba yêu tố đó, lời ca và phương thức diễn xướng ít có khả năng được bảo tồn một cách tự nhiên. Nghĩa là nó không thể sinh thành và phát triển như trong truyền thống. Trong hoàn cảnh đó, việc vận dụng và phát triển âm nhạc ví dặm trong những sáng tác mới tỏ ra có ưu thế hơn. Đã có rất nhiều nhạc sĩ khai thác thành công chất liệu âm nhạc dân ca xứ Nghệ, nhất là ví dặm trong sáng tác ca khúc. Nguyễn Tài Tuệ với Xa khơi, Nguyễn Văn Tý với  Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Đinh Quang Hợp với Tiếng hát sông Lam, Tân Huyền với Câu hò trên đất Nghệ An, Trần Hoàn với Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh, An Thuyên với Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác... là những hiện tượng như vậy. Chất liệu dân ca xứ Nghệ đã được tái sinh, phát triển trong những khúc thức âm nhạc đầy sáng tạo. Nhờ đó, chỉ nghe giai điệu đã nhận ra hồn cốt của dân ca xứ Nghệ. Một phần bản sắc văn hóa xứ Nghệ trong dân ca ví dặm đã được bảo tồn. Đó là một hướng tìm tòi, thể nghiệm ít nhiều đã có thành công trong việc bảo tồn dân ca ví dặm. Bên cạnh đó, còn có thể nghĩ tới nhiều hình thức khác, như: sân khấu hóa ví dặm, đưa dân ca ví dăm vào trong trường học, hình thành các câu lạc bộ dân ca....  Tuy nhiên, dù theo hình thức nào thì việc bảo tồn phải gắn liền với kế thừa và phát triển, hướng tới những giá trị phổ quát của văn hóa tinh thần nhân loại.

(Bài đã đăng trên Tạp chí KHXH Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, sô 4/2013; Đọc trong chương trình Văn nghệ, Đài Phát thanh truyền hình Nghệ An)


Tài liệu tham khảo

Đào Duy Anh (2001), Từ điển Hán Việt, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Nguyễn Chung Anh (1958), Hát ví Nghệ Tĩnh, NXB Văn sử địa.
Phan Huy Chú (1997), Hoàng Việt dư địa chí, Nxb Thuận Hoá.
Lê Hàm và tập thể tác giả (2000), Âm nhạc dân gian xứ Nghệ, Hội Văn nghệ dân
     gian Nghệ An.

Bùi Dương Lịch (1993), Nghệ An kí, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Phan Ngọc (1994), Văn hoá Việt Nam và cách tiếp cận mới, NxbVăn hoá,Hà Nội.
Nhiều tác giả (2001), Văn hóa học và văn hóa thế kỷ XX, Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, viện thông tin KHXH.
Vi Phong (1992), “Đôi điều về hát ví và sức mở của dân ca Nghệ Tĩnh”, Nghiên cứu văn học nghệ thuật, (số 6), tr. 32-37.
Lê Chí Quế (1990), Các thể loại trữ tình dân gian, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.
10.    Trần Ngọc Thêm (1997), Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguồn: blog Phan Thanh Vân



16 nhận xét:

  1. Playlist hiều bài ca hay quá, tiếc clip làm ko đẹp. Nghe lại một bài có lời ca rất Nghệ

    Chư thương anh lắm anh ơi, chư nhớ anh lắm anh ơi, chư thương đáo để khúc nhôi, chư nhớ ngao ngán trần đời, thương cí thuốc gói nì trầu cơi, chư nhớ cí thuốc mở trầu mời, mới vắng mặt một hồi, mà cí trán tui hắn đổ mồ hôi, chư trong cí ruột đã nóng sôi, chư bưng cơm ăn nỏ được, bưng nước uống không trôi, chư cầm lấy đụa thì đụa rớt, mà lấy đọi thì đọi rơi, chư ra tui ngong đất ngó trời, chư ra tui nhìn ngược ngó ơ xuôi, chư cha tui mì hỏi: tại mần răng rứa con ơi? chư mẹ tui cũng hỏi: chư tại mần răng rứa con ơi? Tui mì lặng lặng tui trả lời: vì tui thương anh vô kể, mà thiếp nhớ chàng ơ vô kể...

    http://youtu.be/LqKExFaeAGo

    Trả lờiXóa
  2. Năm ngoái em đi tập huấn trong Nghệ 5 ngày, về Thanh Chương nghe hát ví dặm mà ấn tượng mãi với mấy câu này:
    Chứ ngái ngôi chi mà anh nỏ về
    Hay là vì quê em nghèo đói
    Hay anh chê em vụng về câu nói
    Đất Thanh Chương nhút mặn chua cà
    Chắc có lẽ rứa mà anh chê
    Chắc có lẽ rứa mà anh nỏ về...
    Bữa nao có dịp về lại Thanh Chương... Anh đãi em 1 chầu đi nghe ví nha :D

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất sẵn lòng. Anh thích nghe hát ví, dặm dù ko phải dân Nghệ, mà chỉ là có người quen ở đấy.

      http://youtu.be/vjZg9x8r_30

      Xóa
    2. Hạt cại chi mạ nghe bụn thậy mộ!
      Căng cạ tai, nhực cạ ọc mợi hịu nà! Nọi cại giọng ni cựng cạ hạm!

      Xóa
    3. hì, giọng nghệ nặng tí nhưng dệ nghe hơn giọng xứ nẫu chứ bộ :d

      Có lần nghe đứa bạn xứ nẫu hỏi đứa em:
      - hồi này làm gì, mày ?
      - thi rớt đại học, iêm ở nhà ngày đi làm thơ, đim túi ôn bài seng nem thi lợ.

      Ngạc nhiên chưa. Thi hỏng còn ở nhà làm thơ :-? :))

      Xóa
    4. :-? :@) Không ở Nghệ mà lại kêu sẵn lòng đãi Ví... coi chừng ví thủng nha anh K.:D

      Xóa
    5. Ôi zồi ôi... em đưa cái mẹt có dấu hỏi seo nó lại tòi ra cái mặt heo pink thế nài :(( ...k biết hông có tội nha anh. Hic!

      Xóa
    6. Ko ở Nghệ cvẫn có thể đãi ví chứ. Nhờ người ta ví chứ.
      Anh ko phải dân Huế, vẫn từng đãi bạn đi đò nghe ca Huế trên sông Hương ..

      Hì, cái mặt heo dễ xương mà.

      Xóa
    7. Mà quên, đố LG, khi dân xứ nẫu nhà Mít nói đi làm thơ tức là đi mần chi ? :d

      Xóa
    8. Hic hic! bít chít liền á anh :p

      Xóa
    9. Kợ tui! Xứ nẫu tui nói dzậy gueng rầu, hông làm thơ lấy gì eng đở đim túi ôn bài seng nem thi lợ ???

      Đọc kỹ lại đoán đi Linh Giang!

      Xóa
    10. Coi cô em Ổi từ xứ Nẫu vô Sègoòng them chị Mít

      http://youtu.be/ps6wxlH3ExA

      Xóa
    11. Hic! Mít đơi Mít đơi! Ngừi xứ nẫu nhè guơ thiệc thè lém, có seo nói dảy thâu mè! Gẹp Mít lè Mít giúp thiệc tình luông é!

      Xóa
    12. Hì, ko biết LG đã nghe hiểu được chưa nhỉ ?

      Còn sau đây là mấy cái SMS nhìn lén trong điện thoại của hai người bạn dân Nghệ:

      - chu dang mac man chi rua
      - dang di choi ngoai duong, ko mac man chi
      - troi dat, ko mac man chi ma ra duong ha ?
      :))

      Xóa
    13. Chời ơi! có nhẽ LG phải đáp máy bay vào TP HCM rồi chạy xe ôm ra cầu Bình Lợi quá :((

      Xóa
    14. SMS đọc được trong đt một cô giáo

      - em ban gi ko
      - em ko ban ji. Chi la dang o truong daj

      Saigon dang mưa to, ko bận gì rủ Mít ra phổ lội nước là đủ chết :d

      Xóa
Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)