Mời nghe album và đọc bài phỏng vấn
TVD: Sau hơn 40 năm trình diễn dưới ánh đèn sân khấu, chị nghĩ thế nào về nghề ca hát?
KL: Ở tuổi này, tôi có quyền nói rằng không môt nghiệp dĩ nào đòi hỏi ở người mang nó trên vai nhiều gánh nặng như thế. Đức độ, khiêm cung, thông minh, nhịn nhục, chịu khó, chịu khổ, biết chờ đợi, biết người, biết mình. Yêu ca hát như một tôn giáo, biết nghe lời phải, biết nghe lời chê, chú ý mọi sự phê bình. Hiểu rõ những điều trái, phải, đúng, sai từ mọi người nhất là từ bạn bè...song trên hết tôi tin vào số mệnh, và so với những nghề nghiệp khác, so với ca sĩ của thế giới trình diễn bao la, ca sĩ Việt Nam không có bao nhiêu. Với tôi, đây là một nghề nghiệp tuyệt vời và lương thiện. Hãy yêu nghiệp dĩ này và theo đuổi cho đến cuối đời.
TVD: Có một bài báo ví chị là một trong hai ca sĩ "vốn quý của đất nước" chị có nhận như vậy không?
KL: Được làm con người, tôi nghĩ tất cả mọi người đều là vốn quý của đất nước. Cá nhân tôi, không xứng đáng. Nếu có, chỉ có nghĩa với gia đình.
TVD: So với ca sĩ của những nước tân tiến, họ vừa giầu và được mọi giới tôn vinh như thần tượng. Là ca sĩ của một dân tôc nghèo, đất nước lại có chiến tranh hằng thế kỷ, chị tủi thân hay hãnh diện?
KL: Tôi không hề buồn tủi hay mặc cảm vì mình là môt ca sĩ Việt Nam. Dẫu trong đời sống...sống trên đời này, người giầu sang...sướng hơn người nghèo khó...Tôi cũng biết, tiền không mua được hạnh phúc nhưng không nên...không có tiền, cái phương tiện giúp cho chúng ta đỡ phải nghĩ và cãi nhau, bỏ nhau. Những người nổi tiếng trong giới ca nhạc sĩ ngoại quốc dĩ nhiên là danh vọng, tiền bạc để đâu cho hết, nhưng rồi có thấy ai hạnh phúc đâu. Cái thế giới họ sống gồm toàn những người không lương thiện. Họ là những người cô đơn. Có người không gia đình, bạn bè, con cái. Họ nghiện ngập rồi chết hoặc họ tự đi tìm cái chết cho chính họ, như một giải thoát, mà cũng có thể vì họ quá giầu, cái gì cũng có, cũng biết, chỉ có...cái chết là chưa, nên...họ thử. Chúng ta là giống da vàng nên không ham và không ngớ ngẩn như thế.
TVD: Suy nghĩ của chị về điều một số người gọi là nhạc phản chiến?
KL: Ở bất cứ cảnh huống nào Hoà Bình cũng là điều mọi người mơ ước. Nhất là tôi. Có lẽ vì là đàn bà, tôi không có những ý nghĩ xa hơn cái cửa nhà mình. Tôi lại có con trai và có người yêu là lính. Tôi mong cầu sự bằng an cho những người tôi yêu thương là điều tự nhiên. Xin đừng trách cứ gì tôi. Đó là bản tính của tôi. Không bị ảnh hưởng bởi ai mà cũng không bao giờ thay đổi.
TVD: Nhạc Trịnh Công Sơn có phải là nhạc phản chiến không?
KL: Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết ca khúc Da Vàng đó cũng có thể là niềm mơ ước của nhiều người. Điều mơ ước của một người nhạc sĩ nhất thiết phải giống người khác? Và người nghệ sĩ có quyền nói lên điều mình mơ ước không?
TVD: Chị là người cùng Thanh Tuyền, Giao Linh sang hát đầu tiên ở Đông Đức, thành phố Lipzig, khi Bức Tường Bá Linh vừa sụp đổ. Buổi hát tạm gọi là "Lịch Sử" ấy có mang tới cho chị kỷ niệm nào đáng nhớ?
KL: Khi Bức Tường Bá Linh sụp đổ - một sự kiện lịch sử - chúng tôi có mặt gần như ngay sau đó. Mặc dù bị nhiều ngăn trở từ toà Đại sứ Việt Nam ở Bá Linh, chúng tôi cũng có mấy trăm khán thính giả. Một cô gái tặng tôi một cánh hoa hồng bằng vải. Tôi ôm cô và nói chị cũng là người Hà Nội. Cô gái nói ngày mai em phải về Hà Nội rồi nhưng em không sợ em nhất quyết phải lội bộ tới đây để nghe chị hát, dù phải chịu rủi ro. Tôi lại ôm chặt cô hãy hôn Hà Nội giùm chị và nói rằng chị rất nhớ Hà Nội...Chúng tôi ôm nhau khóc. Cả mấy trăm người khóc. Ban nhạc khóc. Ban tổ chức khóc. Thanh Tuyền bước ra sân khấu, nước mắt còn ngắn dài. Hát xong, hai em trai người Hà Nội bưng đến đãi chúng tôi một nồi cháo gà. Rời khỏi rạp, dưới trời đông lạnh giá, hai em từng tay xách nồi đi qua cầu. Khi từ giã mọi người, tôi nghe tiếng tôi vang vang đâu đó. Từ trong xe nhìn lên căn chung cư cũ kỹ tám tầng, rất nhiều cánh cửa sổ mở và chiếc radio cassette kê nửa trong nửa ngoài đang phát bài Biển Nhớ như một lời tiễn biệt. Hạnh phúc đó, làm sao quên.
TVD: Chị cũng là người đầu tiên hai lần sang hát ở Moscow, Ba lan, Tiệp Khắc. Khán giả ở bên đó, đa số là du học sinh miền Bắc và dân đi làm lao động thuê, trình độ thưởng ngoại âm nhạc miền Nam của họ như thế nào?
KL: Tôi rất thích thú đi hát ở những nước xa để thay đổi không khí. Nhất là ở các nước Đông Âu như Nga, Ba Lan, Tiệp Khắc. Những địa danh tôi chỉ thấy trong sách vở, chỉ nghe nói đến và thành phần khán giả hoàn toàn xa lạ dù cũng là Việt Nam với nhau cả.
Hát ở Tiệp nhiều lần. Cách hành xử, đối đãi và nghe chúng tôi giống như ở Đông Đức. Vui vẻ, ồn ào, vô tư đúng như người Hà Nội.
Ở Ba Lan, hí viện sang trọng, ghế bọc nhung đỏ, mỗi ca sĩ một phòng riêng. Hình như rạp hát này do Nga sô xây đền cho Ba lan sau thế chiến thứ II. Không khí trang nghiêm nhưng không nặng nề. Một sự im lặng chưa từng thấy ở bất cứ buổi trình diễn nào khiến cho chúng tôi, người hát, người nghe và những tình khúc hoà nhập lại một. Khi tiếng nhạc, tiếng vỗ tay đã ngừng, tôi nghe được cả tiếng thở dài như bật ra từ nỗi ngậm ngùi dấu kín dài lâu. Các anh chị em ở Ba Lan rất hết lòng với chúng tôi nhưng không ồn ào, xả láng như ở Tiệp và Đông Đức.
Ở Nga lại có những cái vui bất ngờ khác. Rạp hát chơ vơ đứng một mình. Không nhà cửa chung quanh. Ngoài một sân ci măng lớn trước cửa thì chỉ còn nhìn thấy cỏ là cỏ. Phương Trinh và tôi đến trước giờ hát chừng 3 tiếng. Từ phi trường chúng tôi đi ngay tới rạp...Ồ, còn mấy tiếng nữa hát mà sao không có ai, không có lấy một cái xe nào vậy em...Bầu Thăng không nói chỉ nhìn tôi cười...chị vào dùng tô miến gà cho đỡ đói, làm ly cà phê cho tỉnh táo, chị và Phương Trinh đừng lo gì cả. Chúng tôi vào sau hậu trường ngồi ăn và sửa soạn nhưng trong lòng cứ lo ngay ngáy...dầu gì cũng thể, dầu bể cũng kêu cạch cạch...sao mà trong ngoài im ắng quá thế này. Mười mấy tiếng đồng hồ bay, tôi nuốt miến như nuốt rơm. Chỉ nhờ ly cà phê bình tĩnh chờ đợi ...Thăng chạy vào...Chị chuẩn bị nhé...Chuẩn bị. Chuẩn bị cái gì. Chẳng nghe động tĩnh nào cả, chuyến này chắc...bỏ mạng ở Nga Sô rồi. Hát cho bàn với ghế nghe à. Ngày mai thôi, cả cái xứ Bolsa sẽ biết, sẽ được một trận cười sung sướng hả hê...Nhưng không ngờ, rạp đã đầy không còn một chỗ trống và các anh chị em ở Nga yêu chúng tôi một cách hơi có phần...mạnh bạo. Tôi đứng lại sân khấu trong giờ giải lao để chụp hình. Tôi tưởng tôi bị xé nát ra làm nhiều mảnh. Mấy trăm CD cùng Poster chẳng biết Thăng giao cho ai, bán lúc nào, chỉ thấy vô Thăng giao tiền cho tôi đầy đủ và tặng tôi một dây chuyền, một vòng đeo tay khoảng 1,000 đô Mỹ. Tôi không dám nghĩ ở Tiệp, Ba lan và Nga tôi lại được yêu như thế. Toàn nhạc Trịnh mà thôi.
Thì ra, đa số, có thể nói là tất cả những người Việt qua làm việc hoặc học hành, đều ở trong những chung cư. Ít người có xe hơi riêng, do đó, mọi người hẹn nhau cùng chờ những chuyến xe bus tới đón và đưa về. Hoa ở những vùng này rất đắt, đặc biệt là hoa hồng. Mùa đông, một đóa hồng giá 5 đô Mỹ, vậy mà chúng tôi không đủ sức ôm hết hoa...Tôi bỗng ao ước mọc thêm hai tay nữa để ôm lấy tất cả mọi người với những bông hoa đầy tình nghĩa nơi xứ lạ.
TVD: Chị nghĩ gì về từ Diva? Phải hát bao nhiêu năm và tồn tại bao nhiêu năm (như Agetha, Whisney Houston, Madona...) mới được kèm theo từ này mỗi khi nhắc đến tên của họ. Nếu có người gọi chị là Diva chị nghĩ sao?
KL: Tôi hiểu thế nào là Diva nhưng tại sao tôi lại nghĩ đến làm gì cái điều sẽ chẳng bao giờ liên quan đến tôi? Kể ra, trên thế giới, Diva không nhiều lắm đâu, còn nói tới Việt Nam, nếu có, tôi nghĩ, chỉ một người xứng đáng được xưng tụng là Diva, đó là cô Thái Thanh. Chấm hết.
TVD: Được biết khi còn ở Việt Nam, chị vẫn hoạt động xã hội, hát cho sinh viên, cho lính, cho trẻ mồ côi giúp học bổng cho học sinh nghèo. Ở Mỹ gần 30 năm, ngoài việc đi hát để sinh sống, nuôi con, chị đã giúp xây nhiều Nhà Thờ, Nhà Chùa và mấy năm nay, chị còn tổ chức hát để giúp 450 em mồ côi do các bà Sơ dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng ở Huế chăm sóc nữa, chị đã cảm thấy đủ chưa?
KL: Tôi vốn là người luôn luôn cảm thấy buồn và cô đơn. Tôi sống cô độc nhưng lại không muốn nhìn thấy những người khác đau đớn, buồn khổ. Vì tôi là người can đảm. Nợ đời nặng nhẹ phần ai nấy trả nhưng tôi là người may mắn hơn rất nhiều người, do đó tôi muốn ghé vai gánh thêm bất hạnh của những người kém may mắn, lại yếu đuối, thua thiệt quá nhiều trong cuộc sống. Tôi không phải là người hoàn toàn, hãy cứ xem đây như bổn phận của tôi. Bằng vào niềm tin của Thiên Chúa, tôi muốn được Người hiểu rằng...có những điều tôi làm mà không hiểu mình đã làm gì...chắc chắn, ai trong chúng ta cũng có những lúc làm như thế...và tôi cảm thấy sung sướng thoải mái khi vạn dặm xa xôi đến gây quỹ cho một ngôi Chùa. Hát và nói khô cả cổ trong những buổi văn nghệ có bán đấu giá cho nhà Thờ. Góp thêm 2 cái xe lăn gởi về Sài Gòn, biết đâu người nhận được lại có thể là một anh, em nào đó đã ngồi ở thảm cỏ quán Văn nghe nhạc Trịnh hơn 30 năm trước.
TVD: Hỏi lại chị một câu rất cũ, chị nghĩ gì về ông Trịnh Công Sơn?
KL: Ông Trịnh Công Sơn là một người Việt Nam. Tôi cũng là một người Việt Nam.
mai môt KL quay lại Bình Dương biểu diễn Khùng có đi xem ko nhỉ?
Trả lờiXóaKo. Anh xem KL ca live cũng khá nhiều lần rồi. Giờ thì lười, ngồi nhà nghe mp3 thôi
Xóa