9/1/15

Vợ chồng hay bợ chồng ?

Nghe Nguyễn Hưng Quốc nói chuyện chữ nghĩa cho vui.
Hình minh họa là thêm vào, ko có trên bản gốc

Nắp thạp đồng Đào Thịnh
hình: vietpicture.net
Trước đây, đã lâu lắm, đọc cuốn Ngôn Ngữ và Thân Xác của Nguyễn Văn Trung, tôi thấy tác giả giải thích hai chữ “vợ chồng” đại khái như sau: “Chồng” là chồng lên nhau, nằm lên nhau. Còn chữ “vợ”? Nguyễn Văn Trung chỉ viết bâng quơ, trong câu chú thích in cuối trang: “chữ vợ phải chăng là vơ, vớ, đọc trại đi, theo giọng nặng; nếu thế, chữ vợ chỉ thị việc quơ lấy quàng lên, vơ vào, phù hợp với việc chồng lên trong hành động luyến ái?”

Ðọc đoạn ấy, tôi hơi ngờ ngờ, nhưng rồi cũng bỏ qua, không chú ý mấy. Gần đây, tôi sực nhớ lại vấn đề ấy khi đọc cuốn Phương Ngữ Bình Trị Thiên của Võ Xuân Trang. Tôi được biết là ở Bình Trị Thiên, thay vì nói cái “vai”, người ta lại nói cái “bai”; thay vì nói đôi “vú”, người ta lại nói đôi “bụ”; thay vì nói “vải”, người ta lại nói “bải”; thay vì nói “vá” áo, người ta nói “bá” áo; thay vì nói “vả” (vào miệng), người ta lại nói “bả” (vào miệng), v.v.. Qua những sự hoán chuyển giữa hai phụ âm V và B như thế, tự dưng tôi nảy ra ý nghĩ: phải chăng nguyên uỷ của chữ “vợ” là... bợ? “Vợ chồng” thực ra là “bợ chồng”?

Tôi càng tin vào giả thuyết trên khi nhớ lại, trong tiếng Việt hiện nay, có cả hàng trăm từ nguyên thuỷ khởi đầu bằng phụ âm B đã biến thành V như thế. Nhiều nhất là từ âm Hán Việt chuyển sang âm Việt. Ví dụ: trong chữ Hán, chữ “bái” sang tiếng Việt thành “vái”; chữ “bản” sang tiếng Việt thành “vốn” và “ván”; chữ “bích” sang tiếng Việt thành “vách”; chữ “biên” sang tiếng Việt thành “viền”; chữ “bố” sang tiếng Việt thành “vải”; chữ “bút” sang tiếng Việt thành “viết”; chữ “bà phạn” sang tiếng Việt thành “và cơm”, v.v..

Theo Nguyễn Tài Cẩn, trong cuốn Giáo Trình Lịch Sử Ngữ Âm Tiếng Việt (sơ thảo), quá trình hoán chuyển từ B đến V kéo dài khá lâu cho nên hiện nay thỉnh thoảng cả hai biến thể B/V vẫn còn tồn tại song song với nhau, như: băm và vằm (thịt); be và ve (rượu hay thuốc); béo và véo; bíu và víu, v.v..

Chúng ta biết là hiện tượng tồn tại song song của hai biến thể như thế không phải chỉ giới hạn trong hai phụ âm B và V. Theo nhiều nhà ngôn ngữ học, ngày xưa, từ khoảng thế kỷ 17 trở về trước, trong tiếng Việt có một số phụ âm đôi như BL (blăng, blời...), ML (mlầm) hay TL (tlánh). Ðến khoảng thế kỷ 18, các phụ âm đôi ấy dần dần rụng mất. Ðiều đáng chú ý là khi những phụ âm đôi ấy rụng đi thì chúng lại tái sinh thành một số phụ âm khác nhau. Ví dụ phụ âm đôi TL sẽ biến thành TR hoặc L, do đó, hiện nay, chúng ta có một số chữ có hai cách phát âm và hai cách viết khác hẳn nhau, cùng tồn tại song song bên nhau, đó là các chữ tránh và lánh; trộ và lộ, trồi và lồi, trêu và lêu, trũng và lũng, trộn và lộn, trọn và lọn, trệch và lệch, trèo và leo, tràn và lan, v.v.. Trong khi đó phụ âm đôi ML sẽ biến thành L hoặc NH, bởi vậy, chúng ta cũng có một số từ tương tự, như lầm và nhầm, lời và nhời, lẽ và nhẽ, lát và nhát, lạt và nhạt, lớn và nhớn. Trong những cặp từ tương tự vừa kể, có một số chữ dần dần bị xem là phương ngữ hoặc là cách nói cổ, càng ngày càng ít nghe, như các chữ nhớn, nhời, và nhẽ. Tuy nhiên, những chữ khác thì cho đến nay cũng vẫn còn tồn tại khá phổ biến, ví dụ chúng ta có thể nói là rượu lạt hoặc rượu nhạt; nói lầm lẫn hoặc nhầm lẫn; nói một lát dao hay một nhát dao đều được cả.

Ðặt trong toàn cảnh mối quan hệ giữa hai phụ âm B và V cũng như quá trình biến đổi phụ âm đầu như thế, chúng ta sẽ thấy ngay giả thuyết cho nguồn gốc của chữ “vợ” trong “vợ chồng” là “bợ” rất có khả năng gần với sự thật. “Vợ chồng” như thế, thực chất là “bợ chồng”. “Bợ”: từ dưới nâng lên; “chồng”: từ trên úp xuống. Danh từ “bợ chồng” diễn tả tư thế thân mật giữa hai người nam nữ khi ăn ở với nhau. Cách gọi tên khá thật thà như thế kể cũng thú vị đấy chứ?


(Trích từ SỐNG VỚI CHỮ do Văn Mới tái bản tại California 2013)
Nguồn fb Nguyễn Hưng Quốc

8 nhận xét:

  1. Nặc danh9/1/15 22:20

    Chưa cãi với anh xong vụ rên la, sang bài này lại thấy thêm một chuyện thiệt là...
    Ai nói chỉ có vợ mới "từ dưới nâng lên"?
    Ông nội này phải phổ cập lại cho ổng một số kỹ năng "bợ" mới được.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. là đang bàn nghĩa từ nguyên, nghĩa gốc mà em.
      Tất nhiên ở đây có cái tiền giả định rằng các cụ ngày xưa chỉ dùng tư thế ấy, hay ít nhất tư thế ấy là phổ thông nhất. Điều này thật ra cũng chỉ mới là tin tưởng, chưa có cơ sở chắc chắn chứng mình, Xem hình trên thạp đồng cũng khó phan biệt đâu nam đâu nữ

      Xóa
    2. Nặc danh10/1/15 10:11

      Thì đang bàn nghĩa từ nguyên, nghĩa gốc chứ sao anh?
      "Ðặt trong toàn cảnh mối quan hệ giữa hai phụ âm B và V cũng như quá trình biến đổi phụ âm đầu như thế, chúng ta sẽ thấy ngay giả thuyết cho nguồn gốc của chữ “vợ” trong “vợ chồng” là “bợ” rất có khả năng gần với sự thật. “Vợ chồng” như thế, thực chất là “bợ chồng”. “Bợ”: từ dưới nâng lên; “chồng”: từ trên úp xuống. Danh từ “bợ chồng” diễn tả tư thế thân mật giữa hai người nam nữ khi ăn ở với nhau".
      Cái tiền giả định của anh không có tí cơ sở nào đâu.

      Xóa
    3. Hì, nói nó ko có cơ sở thì chỉ ra nó ko có cơ sở ntn chứ.
      Đoạn trích trên là chứng tỏ người xưa hẳn có tư thế như thế nên mới sinh ra từ chồng, bợ. Còn ngày nay tư thế có thay đổi, thì cũng là chuyện khác. Ví dụ, Gò Vấp = ngya2 xưa ở đấy là cái gò trên mọc nhiều cây vấp. Ngày nay dù ko còn cây vấp nào, thậm chí đất cũng bằng phẳng, ko còn gò, thì đấy vẫn cứ gọi là Gò Vấp

      Xóa
    4. Nặc danh10/1/15 20:23

      Anh nói thế hóa ra có ngày có khả năng từ vợ, chồng sẽ phải đổi thành anh Sáu và chị Chín à?
      Há há.

      Xóa
    5. Ko thể. Bây giờ dù Gò Vấp có trồng đầy mai thì cũng ko9 thể biến thành Cây Mai

      Xóa
  2. Thật ra em cũng là người gốc miền Trung (BTT) và đã từng "thân chứng" rằng ba là va (đập), bịn là vịn, bíu là víu (níu), bớ là vớ, bơ là vơ (vào). bỗ là vỗ (tay) bun là vun (trồng) bo là vo (tròn), bung là vung (ra), béo(bẹo) là véo (người miền Nam gọi là "nhéo"), ben là ven ( tĩnh mạch) v. v. . Suy ra lập luận của ông này rất chi là logic
    Nhưng em thì thích hiểu theo kiểu Quảng Nôm nói lái, vợ chồng là. . . vọng chờ, kg vọng kg chờ là hết vợ hết chồng hehe

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đọc một bài thơ của Bùi Chí Vinh

      Đảo ngữ hành

      (Bùi chí Vinh)
      Hành đảo ngữ kể từ GIẢI PHÓNG
      Thi ca làm PHỎNG DÁI niêm vần
      Muốn in báo phải làm đầy tớ
      Nhưng ta nào phải kẻ lòn trôn

      Ta nào phải là ông Hàn Tín
      Phò Lưu Bang phản bạn lừa thầy
      KỸ SƯ vì thế thành CƯ SĨ
      THẦY GIÁO từ đây chịu THÁO GIÀY

      Họp ĐỒNG CHÍ thấy toàn ĐÌ, CHỐNG
      XÔ VIẾT ngày nay khoái XIẾT VÔ
      Hình treo LỘNG KIẾNG như LIỆNG CỐNG
      Để thằng TO DỰ hét TỰ DO

      Chú đeo BẢNG ĐỎ mà BỎ ĐẢNG
      Mượn SAO VÀNG che đậy SANG GIÀU
      CĂNG BỒNG nhờ nói CÔNG BẰNG nhỉ
      LƯU MANH nào lại chẳng LANH MƯU?

      Theo CHÍNH PHỦ ai ngờ CHÚ PHỈNH
      Vào CHIẾN KHU thì bị CHÚ KHIÊNG
      Mồm ĐÁNH MỸ mà tâm ĐĨ MÁNH
      TIỀN ĐÂU? chú chặn họng ĐẦU TIÊN

      GIÁO CHỨC đói meo đành DỨT CHÁO
      Làm NHÀ THƠ vô bót NHỜ THA
      THIÊN TÀI không đủ THAI TIỀN hả?
      CẤT ĐUỐC về quê CUỐC ĐẤT à!

      KHIẾN CHÁN ta làm thơ KHÁNG CHIẾN
      Gào THI ĐUA chú bịp THUA ĐI
      LÀM THƠ mà LỜ THAM mới nhục
      THÌ CẤY cày mất đất THẤY KỲ

      LÃNH TỤ sạch nhờ ôm TỦ LẠNH
      BẨN NGƯỜI DO bác BỎ NGƯỜI DÂN
      BÁC ĐI quá sớm thành BI ĐÁT
      NGHỆ SĨ tụi con NGHĨ XỆ quần…

      Võ Quê hình như cũng có cả một tập thơ nói lái

      Xóa
Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)