1/9/16
Suối nguồn tân nhạc 4. Thời chiến tranh (1965-75)
Nếu có một khoảng cách thời gian đủ dài để nhìn lại, thì thời kỳ chiến tranh từ 65 đến 75 có thể là giai đoạn u buồn và nhiễu nhương nhất của tân nhạc Việt Nam. Trong thời kỳ đó, nếu quả rằng đã có lúc tiếng hát át tiếng bom, thì bom đạn vẫn là sự hủy diệt gieo rắc trên cả hai miền, là những vành khăn tang xé vội phủ ngập các vòng hoa chiến thắng, và ảnh hưởng ngược vào ca nhạc.
Trong thời kỳ này, nhìn từ thế giới tân nhạc ra, người ta có thể chứng kiến sự ra đời của nhiều thể tài liên quan đến chiến tranh và đến đời sống con người ở bên ngoài chiến cuộc.
Trước hết, về chủ đề chiến tranh thì nói chung, nếu tại miền Bắc và trong hàng ngũ những nhạc sĩ từ Bắc vào hỗ trợ chiến trường miền Nam, ta có thấy một xu hướng sáng tác có hệ thống nhằm động viên tinh thần chiến đấu của người cầm súng, thì ở trong Nam, loại ca khúc mang đặc tính chiến dịch như vậy chỉ là nỗ lực cá nhân đơn lẻ. Và nếu có tồn tại, như trường hợp nhạc Nguyễn Văn Ðông hay Trần Thiện Thanh, thì cũng do giá trị nghệ thuật và tâm lý của tác phẩm.
Ðây là thời kỳ của các ca khúc như Trường Sơn Ðông, Trường Sơn Tây, của Tấm Áo Chiến Sĩ Mẹ Vá Năm Xưa hay Tiếng Chày Trên Sóc Bom Bo của Hoàng Việt, Nguyễn Văn Tý hay Xuân Hồng tại miền Bắc; của Mấy Dặm Sơn Khê, Tình Thư Của Lính hay Người Tình Không Chân Dung của Nguyễn Văn Ðông, Trần Thiện Thanh và Hoàng Trọng ở trong Nam. Sự khác biệt đó trong xu hướng sáng tác có lẽ xuất phát từ sự dị biệt của hai hệ thống chính trị văn hóa ở hai miền nay đã thành đối nghịch.
Một khác biệt thứ hai đáng đào sâu hơn, chính là hiện tượng đặc thù chỉ thấy trong tân nhạc miền Nam. Ðó là những bài ca kết án chiến tranh oán thù, mà người ta gọi là "nhạc phản chiến."
Trong thể tài này, Phạm Duy đã có một chỗ đứng riêng biệt với một số ca khúc như Kỷ Vật Cho Em và nhất là Mười Bài Tâm Ca. Nhưng, cũng trong thể tài này, Trịnh Công Sơn mới là nhạc sĩ gây nhiều ảnh hưởng nhất, với những tác phẩm có giá trị nghệ thuật về cả lời lẫn nhạc, để than thở về thân phận con người thời chiến, về nỗi chết phi lý trong cuộc tương tàn.
Khi nhìn lại chặng đường thảm khốc này của đất nước, và ở bên ngoài những lý luận về lẽ thắng bại, người ta đều có thể thấy nổi bật tinh thần yêu nước nồng nàn ở cả hai miền. Và trong khi tân nhạc miền Bắc vẫn có âm hưởng của một khúc quân hành không hoài nghi mệt mỏi, thì tân nhạc miền Nam lại có những câu hỏi mang tính siêu hình về lẽ tử sinh của đời người, hay triết lý về nỗi oan khiên của định mệnh, hoặc cả phản ứng coi chiến tranh như một tai trời ách nước...
Tuy nhiên, ngay giữa khi chiến cuộc lan rộng ở khắp nơi, đời sống vẫn có những đòi hỏi của nó, và tại miền Nam, nhiều nhạc sĩ đã ngưng than khóc về cảnh đổ vỡ chết chóc để tìm về với tuổi thơ hay ước mơ thanh bình thời cũ. Ðây là thời kỳ Phạm Duy viết nhiều ca khúc cho tuổi thơ, mà ông gọi là Bé Ca, Nữ Ca, hoặc cả loạt bài Tục Ca như một lối phản kháng đầy phẫn nộ...
Cũng thời kỳ này, các phòng trà ca nhạc đua nhau mở cửa tại các thành phố lớn miền Nam và nhiều sáng tác đã được viết ra trong không khí đầy thi vị của phòng trà, ở ngoài tầm đạn réo bom rơi. Cứ như vậy, người ta viết nhạc cho thành phố, viết nhạc cho lính chiến, người ta thương nhớ vì chia ly tang tóc, người ta tìm về kỷ niệm, hát cho tuổi thơ, và ôm ấp niềm đau nhược tiểu bị đẩy vào cảnh tương tàn. Và người ta viết và hát cho tình yêu, khắc khoải như trong cơn mê...
Tại miền Bắc khắc khổ và điêu tàn, người ta cũng bắt gặp những sáng tác dù không nhiều thì vẫn hàm chứa đôi chút tình cảm ngậm ngùi, buồn bã. Thời kỳ này có Phú Quang, một nhạc sĩ có nét nhạc rất cá biệt, đã để lại nhiều sáng tác không mấy xa lạ với không khí u uẩn được nghe ở trong Nam. Tiêu biểu nhất có bài Nỗi Nhớ Mùa Ðông.
Cũng trong thời kỳ này, miền Nam đã chứng kiến sự nhập cuộc của binh lính Hoa Kỳ, và tân nhạc phổ thông Mỹ gây ảnh hưởng từ cộng đồng chiến binh Mỹ ra ngoài xã hội. Y như trường hợp đã thấy từ 30 năm về trước, giới trẻ là thành phần đầu tiên đã nhanh chóng cảm nhận được yếu tố mới đó của nhạc ngoại quốc.
Cho nên, từ đầu thập niên 70 trở đi, ta đã chứng kiến ở trong Nam sự hình thành của một phong trào tân nhạc mới mẻ, mà người ta gọi là "nhạc trẻ." Những nhạc sĩ trẻ đã nổi tiếng trong thời kỳ này có Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Trường Kỳ hay Nam Lộc... Họ vừa sáng tác vừa trình diễn với phong thái mới lạ và thu hút được cảm tình của giới trẻ, chính yếu là ở các thành phố miền Nam... Vào một kỳ tới, chúng ta sẽ nói tới hiện tượng này trong khuynh hướng nhạc ngoại quốc.
Quỳnh Giao xin kính chào tạm biệt quý vị và xin hẹn tái ngộ trong chương trình tới của Suối Nguồn Tân Nhạc Việt Nam.
Quỳnh Giao
Nguồn: nguoi-viet.com
Gió . ảnh của Manolis Tsantakis
Playlist sau gồm một số bài hát được gt trong bài. Với 10 bài Tâm ca của Phạm Duy, chỉ đưa vào 2 bài Tâm ca 1 (Tôi Ước Mơ) và 4 (Giọt Mưa Trên Lá), Ca Khúc Da Vàng của TCS cũng chỉ lấy một bài. Riêng bài Nỗi Nhớ Mùa Đông của Phú Quang thì Quỳnh Giao lại nhầm. Bài này PQ phổ nhạc bài thơ của Thảo Phương sau khi đã vào sống ở Saigon, tức sớm nhất cũng là vào 1986.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Chèn EmoticonsHình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)
Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>
Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:
:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng
Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)