26/7/13

Giữ đời cho nhau - du tử lê

Mời nghe Vũ Hoàng RFA phỏng vấn Du Tử Lê về những ca khúc phổ thơ của ông. Sau đó nghe một số ca khúc phổ thơ, mỗi ca khúc đều có kèm bài thơ gốc. (Bài Ơn Em được cả Phạm Duy lẫn Từ Công Phụng phổ nhạc).



Những ca khúc phổ thơ của thi sĩ Du Tử Lê


Đọc bài phỏng vấn

Trong chương trình âm nhạc cuối tuần kỳ này, Vũ Hoàng xin trân trọng giới thiệu đôi nét về những tác phẩm nhạc được phổ thơ của thi sĩ Du Tử Lê.

Quý vị mới nghe trích đoạn ca khúc Khúc Thụy Du qua tiếng hát Thiên Kim – Nguyên Khang. Sau đây mời quí vị nghe buổi trò chuyện của Vũ Hoàng với thi sĩ Du Tử Lê.

Duyên nghiệp

Vũ Hoàng: Trước hết, cám ơn ông đã dành cho đài ACTD buổi trò chuyện hôm nay ạ. Vũ Hoàng muốn biết vì sao rất nhiều nhạc sĩ lại chọn thơ của ông để phổ nhạc. Có điểm đặc biệt gì trong những bài thơ đó mà rất nhiều trong số này đã thành công không thưa ông?

Nhà thơ Du Tử Lê:  Câu hỏi của Vũ Hoàng làm tôi cũng lúng túng. Chính bản thân tôi cũng không biết vì sao cả. Hồi đầu số người phổ nhạc bắt đầu là những ông như Nguyễn Hiền, rồi Phạm Duy, Phạm Đình Chương. Hồi ở Việt Nam trước năm 1975, thì lúc đầu tôi nghĩ đó là một cái duyên, nhưng sau đó, nhiều quá tôi cũng không biết làm sao. Câu trả lời rất thành thật thưa quí thính giả và thưa Vũ Hoàng.

Vũ Hoàng: Dạ vâng, Vũ Hoàng có nói chuyện với nhạc sĩ Từ Công Phụng thì được ông cho biết là trong thơ của thi sĩ có sự nhân cách hóa được những sự vật, những điều rất bình thường để biến nó thành như những con người trong thơ.

Nhà thơ Du Tử Lê: Có lẽ nhận định của nhạc sĩ Từ Công Phụng cũng là một nhận định. Nhưng như vậy, chúng ta sẽ nói sang phần kỹ thuật một chút, thì tôi hy vọng thính giả không khó chịu lắm.

Thơ thì có kỹ thuật của nó. Kỹ thuật căn bản của thơ là so sánh, vật này với vật kia, liên tưởng, liên tưởng vật này với vật khác, thứ ba là nhân cách hóa và thứ tư là ẩn dụ. Đồng thời tôi cũng chủ tâm linh động hóa những sự vật nó cố định. Nếu mình không nhân cách hóa được thì linh động hóa, cho nó một sức sống hay là một sự chuyển động thì đó là quan niệm của tôi, cũng tạm gọi là đặc biệt đi.

Vũ Hoàng: Thưa ông, Vũ Hoàng cũng không am hiểu nhiều về thơ, thì thấy rằng luật bằng trắc đôi khi phải rơi vào những giai điệu lên xuống của bài hát thì nghe mới xuôi được, không biết chuyện dấu, sắc hỏi huyền ngã… thi sĩ Du Tử Lê sẽ chọn và đặt như thế nào?

Nhà thơ Du Tử Lê: Câu hỏi rất là hay, hay lắm. Tôi không chú ý đến cái đó. Tôi lấy một thí dụ cụ thể nhé. Một trong những người trẻ phổ nhạc thơ của tôi là nhạc sĩ Trần Duy Đức, anh có phổ một bài khá thành công là bài Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu. Thì Vũ Hoàng thấy rằng ngay câu đầu tiên của tôi là 2 vần trắc đi với nhau: Ở – vần trắc, Chỗ – vần trắc. Chưa kể là ông Phạm Đình Chương hay anh Trần Duy Đức chọn phổ những bài thơ tự do, không có vần điệu, không đều đặn, không êm ả đâu. Khi tôi làm thơ thì không hề có chủ tâm để phổ nhạc, chưa bao giờ có ý định đó cả.

Vũ Hoàng: Vâng bản Khúc Thụy Du thì sao ạ?

Nhà thơ Du Tử Lê:  Vũ Hoàng có biết là trước khi phổ nhạc bài đó thì tôi và ông Anh Bằng hoàn toàn không biết nhau, ông đi mua sách của tôi, cuốn tôi tái bản bên này. Một buổi tối ông đi tìm tôi, tôi có một quán cà phê nho nhỏ, ông nói là xin gặp ông Du Tử Lê, tôi bảo tôi chính là Du Tử Lê đây, anh cần cái gì.

Chuyện vui lắm, tôi viết xuống rồi, bây giờ tôi kể lại cho Vũ Hoàng và quí thính giả nghe, thì ông nói tôi là Anh Bằng đây, tôi mới nói tôi biết anh, anh cần gì không. Thì lúc đó ông nói, tôi mới đi mua cuốn sách của anh, lúc đó còn anh anh tôi tôi và tôi phổ một bản nhạc mà tôi không biết hát. (cười). Vâng, tôi muốn đưa một cái rất tình cờ như vậy. Rất nhiều người nhạc sĩ khi họ phổ thơ của tôi, họ không biết tôi là ai cả, tôi cũng chẳng biết họ là ai cả.

Vũ Hoàng: Vâng, nó như một duyên số đến với nhau phải không ạ?

Nhà thơ Du Tử Lê:  Vâng, nó là một duyên nghiệp, nếu nó hay, nó sẽ chắp cánh cho bài thơ, thì mình gọi là cái duyên, nếu nó dở, nó giết bài thơ thì mình gọi là cái nghiệp. (cười).

Hơn 300 bài thơ được phổ nhạc

Vũ Hoàng: Bây giờ Vũ Hoàng quay lại thơ của chú, Vũ Hoàng biết rất nhiều nhạc sĩ phổ thơ của chú, thì chú có thống kê được bao nhiêu bài đã được phổ rồi không ạ?

Nhà thơ Du Tử Lê: Thống kê thì không thể thống kê được, ước lượng thì có thể được, riêng nhạc sĩ Anh Bằng đã khoảng trên 20 bài, nhạc sĩ Song Ngọc cũng phổ nhạc khoảng 50-60 bài, nhạc sĩ Trần Duy Đức cũng phổ trên 20 bài, anh Khang Thụy phổ thơ tôi khoảng 40 bài, nếu bây giờ tôi gom lại tất cả những bài thơ đó, thì con số sẽ không dưới 300 bài thơ.

Trong đó có một bài 4-5 người phổ, mỗi người cho bản nhạc một version (thể điệu) khác nhau. Tôi thí dụ bài Ơn Em, người đầu tiên phổ không phải là Từ Công Phụng, người đầu tiên là nhạc sĩ Phạm Duy, ông phổ điệu ballad có pha Tây Nguyên, ông giữ nguyên văn “Kiếp Sau Xin Giữ Lại Đời Cho Nhau”. Khoảng 2 năm sau, ông Từ Công Phụng thấy bài đó, thì ông nói rằng biết nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc rồi, nhưng ông nghĩ là ông có thể cho nó một version khác (thể điệu). Cũng giống một bức tranh, mỗi người nhìn một bức tranh khác nhau, khi phổ nhạc thì anh Từ Công Phụng cắt đi để khỏi trùng tên và chọn nhan đề Giữ Đời Cho Nhau.

Vũ Hoàng: Vâng, tuyệt vời ạ. Đó là điểm rất đặc biệt đấy ạ. Vũ Hoàng cám ơn thi sĩ rất nhiều đã dành thời gian cho buổi trò chuyện hôm nay ạ. Bây giờ bắt đầu vào phần âm nhạc, mời quí vị nghe lại bản Giữ Đời Cho Nhau do nhạc sĩ Từ Công Phụng phổ nhạc.
Trước khi chia tay, mời quí vị nghe bài hát: Dòng Suối Trăm Năm qua tiếng hát ca sĩ Trần Thái Hoà do nhạc sĩ Trần Duy Đức phổ nhạc. Vũ Hoàng xin chào và hẹn gặp lại quí vị trong chương trình tuần sau.

Kiếp Sau Xin Giữ Lại Đời Cho Nhau - Phạm Duy - Anh Dũng


Ơn em - Từ Công Phụng


Thơ: Giữ Đời Cho Nhau

ơn em thơ dại từ trời
theo ta xuống biển vớt đời ta trôi
ơn em, dáng mỏng mưa vời
theo ta lên núi về đồi yêu thương
ơn em, ngực ngải môi trầm
cho ta cỏ mặn trăm lần lá ngoan
ơn em, hơi thoảng chỗ nằm
dấu quanh quẩn dấu nỗi buồn một nơi
ơn em, hồn sớm ngậm ngùi
kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau

Khúc Thụy Du - Anh Bằng - Tuấn Ngọc


thơ: Khúc Thụy Du

Khi biến cố Tết Mậu Thân, 1968 xẩy ra, đó cũng là lúc cuộc tình của tôi và một nữ sinh viên trường Dược, ở Saigòn khởi đầu.

Đầu tháng 3-1968, tôi bị chỉ định đi làm phóng sự một tiểu đoàn TQLC đang giải tỏa khu Ngã Tư Bảy Hiền.

Lúc đó, cả thành phố Saigòn vẫn còn giới nghiêm. Trên đường đi, từ cục TLC ở đầu đường Hồng Thập Tự, gần cầu Thị Nghè tới khu Ngã tư Bảy Hiền, đường xá vắng tanh. Khi gần tới ngã tư Bảy Hiền, ngoại ô Saigòn, tôi thấy trên đường đi còn khá nhiều xác chết. Đó là những xác chết không toàn thây, bị cháy nám; rất khó nhận biết những xác chết là dân chúng, binh sĩ hay bộ đội CS.

Khi tới gần khu ngã tư Bảy Hiền, dù không muốn nhìn, tôi vẫn thấy rất nhiều mảnh thịt người vương vãi hai bên đường. Có cả những cánh tay văng, vướng trên giây điện…Rất nhiều căn nhà trúng bị bom, đạn. Đổ nát. Tôi cũng thấy những con chó vô chủ gậm chân, tay xương người bên lề đường… Tất cả những hình ảnh ghê rợn này đập vào mắt tôi, cùng mùi hôi thối tẩm, loang trong không khí.

Khi tới vùng giao tranh, tôi gặp người trách nhiệm cuộc hành quân giải tỏa khu chợ Bảy Hiền. Đó là thiếu tá Nguyễn Kim Tiền. Anh vốn là một bạn học thời trung học của tôi. Tiền cho biết, đơn vị của anh đang ở giai đoạn cực kỳ nguy hiểm. hai bên rình rập nhau, như trò cút bắt, để tranh giành từng gian hàng, từng ngôi nhà… Anh nói tôi phải rời khỏi khu chợ, lập tức. Vì anh không thể bảo đảm sinh mạng cho tôi, dù là bạn cũ….

Trên đường về, khung cảnh hoang tàn, đổ nát với xương thịt người vung vãi khắp nơi, cùng với mùi người chết sình thối…khiến tôi muốn nôn oẹ, một lần nữa lại gây chấn động dữ dội trong tôi…

Giữa tháng 3 – 1968, nhà văn Trần Phong Giao, Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn, gọi điện thoại vào phòng Báo Chí, cục TLC, hỏi tôi có thể viết cái gì đó, cho Văn số tục bản.

Gọi là “tục bản” bởi vì sau số Xuân, khi biến cố mồng 1 Tết xẩy ra, báo Văn ngưng xuất bản. Lý do, các nhà phát hành không hoạt động. Đường về miền tây cũng như đường ra miền Trung bị gián đoạn. Saigòn giới nghiêm. Tuy nhiên, ông nói, hy vọng ít ngày nữa, giao thông sẽ trở lại -  - Thêm nữa, không thể để Văn đình bản quá lâu.

Sau khi nhận lời đưa bài cho Trần Phong Giao, tôi mới giật mình, hốt hoảng.

Tôi nghĩ, giữa tình cảnh ấy, tôi không thể đưa ông một bài thơ tình, hay một chuyện tình. Mặc dù thơ tình hay chuyện tình là lãnh vực của tôi thuở ấy. Nhưng, tôi thấy, nếu tiếp tục con đường quen thuộc kia, tôi sẽ không chỉ không phải với người đọc mà, tôi còn không phải với hàng ngàn, hàng vạn linh hồn đồng bào, những người chết tức tưởi, oan khiên vì chiến tranh nữa…

Cuối cùng, gần hạn kỳ phải đưa bài, nhớ lại những giờ phút ở ngã tư Bảy Hiền, tôi ngồi xuống viết bài thơ ghi lại những gì mục kích trên đường đi.

Viết xong, tôi không tìm được một nhan đề gần, sát với nội dung!

Bài thơ dài trên 100 câu. Nhưng khi Văn đem đi kiểm duyệt, bộ Thông Tin đục bỏ của tôi gần 1/ 3 bài thơ.

Thời đó, tôi viết tay, không có bản phụ, nên, sau này khi gom lại để in thành sách, tôi không có một bản nào khác, ngoài bản in trên báo Văn (đã kiểm duyệt.)

Tuy còn mấy chục câu thôi, nhưng nội dung bài thơ, từ đầu đến cuối, vẫn là một bài thơ nói về thảm cảnh chiến tranh. Người phụ trách phần kiểm duyệt vẫn để lại cho bài thơ của tôi những câu cực kỳ “phản chiến” như: “…Ngước lên nhìn huyệt lộ - bày quạ rỉa xác người - (của tươi đời nhượng lại) - bữa ăn nào ngon hơn – làm sao tôi nói được…” Hoặc: “…Trên xác người chưa rữa – trên thịt người chưa tan – trên cánh tay chó gậm – trên chiếc đầu lợn tha…” vân vân…

Nói cách khác, tình yêu chỉ là phần phụ; với những câu hỏi được đặt ra cho những người yêu nhau, giữa khung cảnh chết chóc kia, là gì? Nếu không phải là những tuyệt vọng cùng, tất cả sự vô nghĩa chói gắt của kiếp người?

Như đã nói, thời gian ra đời của bài thơ cũng là khởi đầu của cuộc tình giữa tôi và một sinh viên đại học Dược…Tôi lấy một chữ lót trong tên gọi của người con gái này, cộng với chữ đầu, bút hiệu của tôi, làm thành nhan đề bài thơ. Nó như một cộng nghiệp hay chung một tai họa, một tuyệt lộ.

Bài thơ ấy, sau đó tôi cho in trong tuyển tập “Thơ Du Tử Lê (1967-1972).

Cuối năm, tập thơ được trao giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc, bộ môn thi ca, 1973.

Năm 1983, tôi cho tái bản cuốn thơ này sau khi được một độc giả du học tại Mỹ trước năm 1975, cho lại. Cô nói, tôi phải hứa in lại và dành bản đầu tiên cho cô…

Sau đấy, một buổi tối, nhạc sĩ Anh Bằng đến tìm tôi ở quán Café Tay Trái (tọa lạc ngay ngã tư đường Trask và Fairview.) Ông nói, ông mới phổ nhạc bài “Khúc Thuỵ Du.” Ông cho tôi quyền chọn người hát. Ông nhấn mạnh:

“Tôi có thể chỉ cho người đó hát…”

Thời gian đó, trong số bằng hữu giúp tôi điều hành Café Tay Trái, có nhạc sĩ Việt Dzũng. Lúc nhạc sĩ Anh Bằng đến tìm tôi, cũng là lúc Việt Dzũng có mặt; đang chuẩn bị cho chương trình ca nhạc buổi tối. Tôi giới thiệu hai người với nhau.

Khi ca khúc “Khúc Thuỵ Du” ra đời dạng casette, với tiếng hát của Việt Dzũng, tôi mới biết, nhạc sĩ Anh Bằng chỉ lọc, lựa một số câu thơ liên quan tới tình yêu mà, không lấy một câu thơ nào nói một cách cụ thể về chiến tranh, chết chóc… Chết chóc hay chiến tranh được hiểu ngầm, như một thứ background mờ nhạt.

Từ đó đến nay, thỉnh thoảng vẫn còn có người lên tiếng phản đối sự giản lược nội dung bài thơ của tôi vào một khía cạnh rất phụ: Khía cạnh tình yêu trong ca khúc “Khúc Thuỵ Du”…

Nhưng, hôm nay, sau mấy chục năm, nhìn lại, tôi thấy, ông cũng có cái lý của ông…

(1-30-2010.)
KHÚC THỤY DU
1.
như con chim bói cá
trên cọc nhọn trăm năm
tôi tìm đời đánh mất
trong vụng nước cuộc đời

như con chim bói cá
tôi thường ngừng cánh bay
ngước nhìn lên huyệt lộ
bầy quạ rỉa xác người
(của tươi đời nhượng lại)
bữa ăn nào ngon hơn
làm sao tôi nói được

như con chim bói cá
tôi lặn sâu trong bùn
hoài công tìm ý nghĩa
cho cảnh tình hôm nay

trên xác người chưa rữa
trên thịt người chưa tan
trên cánh tay chó gặm
trên chiếc đầu lợn tha
tôi sống như người mù
tôi sống như người điên
tôi làm chim bói cá
lặn tìm vuông đời mình

trên mặt đất nhiên lặng
không tăm nào sủi lên
đời sống như thân nấm
mỗi ngày một lùn đi
tâm hồn ta cọc lại
ai làm người như tôi ?

2.

mịn màng như nỗi chết
hoang đường như tuổi thơ
chưa một lần hé nở
trên ngọn cờ không bay
đôi mắt nàng không khép
bàn tay nàng không thưa
lọn tóc nàng đêm tối
khư khư ôm tình dài

ngực tôi đầy nắng lửa
hãy nói về cuộc đời
tôi còn gì để sống
hãy nói về cuộc đời
khi tôi không còn nữa
sẽ mang được những gì
về bên kia thế giới
thụy ơi và thụy ơi

tôi làm ma không đầu
tôi làm ma không bụng
tôi chỉ còn đôi chân
hay chỉ còn đôi tay
sờ soạng tìm thi thể
quờ quạng tìm trái tim
lẫn tan cùng vỏ đạn
dính văng cùng mảnh bom
thụy ơi và thụy ơi
đừng bao giờ em hỏi
vì sao mình yêu nhau
vì sao môi anh nóng
vì sao tay anh lạnh
vì sao thân anh rung
vì sao chân không vững
vì sao anh van em
hãy cho anh được thở
bằng ngực em rũ buồn
hãy cho anh được ôm
em, ngang bằng sự chết

tình yêu như ngọn dao
anh đâm mình, lút cán
thụy ơi và thụy ơi

không còn gì có nghĩa
ngoài tình anh tình em
đã ướt đầm thân thể

anh ru anh ngủ mùi
đợi một giờ linh hiển

(3-68)


Dòng Suối Trăm Năm - Trần Duy Đức - Trần Thái Hòa


thơ: KHÚC HẠNH TUYỀN, NÚI SÔNG


chẻ đôi sông núi : đêm bưng mặt - -
mưa quấn khăn vào sâu ấu thơ /.
chẻ đôi thân thế : mù tăm tích /.
ta nghĩa trang nào ? chôn, cất nhau !?

chẻ đôi tâm thất : kênh, mương cạn - -
hương tóc truy tầm vai thất tung /.
tưởng ai oan khuất vừa quay gót !
xương, thịt, đời sau, máu rất buồn /.

chẻ đôi con gió : cây ly, biệt - -
tim chấn thương cùng môi tháng, năm /.
phạt ngang ký ức rừng, thao thiết - -
dòng suối trăm năm bỗng mất nguồn
.
1993


Quê Hương Là Người Đó - Phạm Đình Chương - Ý Lan


thơ: Quê hương là người đó

người nay xa xôi người bên kia trời
người nay xa xôi người bên kia đời
chân người có vui, những chiều cuối phố
mắt người có nguôi, những chiều mưa rơi

ta lang thang cảnh tình lữ thứ
ta thương đau đời cuốn theo giòng
biết bao lần ta đã gọi em
biết bao lần nắng lên chân thềm 

ta thương em mảnh hồn tan vỡ
ta thương em bèo vướng chân cầu
biết bao giờ ta có lại nhau
biết bao giờ gối chăn nhạt nhòa

ôi người quê hương một đời ta gọi
ôi người trăm năm đời đời biệt ly
quê hương ta, đã vốn là người đó
hấp hối mãi với mối tình xót xa!


1981

nguồn thơ, audio nhạc: dutule.com

13 nhận xét:

  1. Hôm nay em đỡ ốm rồi em qua thăm đại ca nè,đại ca ui!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì, đỡ ốm rùi, tức giờ phom đẹp rùi nhở :d
      Đùa thui, chúc mừng em khỏi bệnh. Cuối tuần vui nhé

      Xóa
    2. Anh ui!Mấy cái clip em muốn đăng nó cứ có cái gạch nối ở giữa nên đăng hoài không được.Giờ em sửa làm sao hả anh?
      http://www.youtube.com/watch?v=2Aq77c2q1-E

      Xóa
    3. Xin click vào link để xem liền chị Tam Anh lên đồng trên Youtube:
      Cô đôi Thượng Ngàn

      Hì, trước làm entry về ca Huế, có phần hát chầu văn rất hay còn để dành, khi nào rảnh xem lại post mọi người coi, so sánh với cô đồng Tam Anh nhé :d

      http://www.tapchihuongviet.eu/web-Bilder/dillingen/tapchihuongviet_dilli_049.jpg

      Xóa
    4. Mời mọi người click vào link coi liền chị Tam Anh hát quan họ :d :

      Chiều Hội Lim

      http://www.tapchihuongviet.eu/web-Bilder/dillingen/tapchihuongviet_dilli_025.jpg

      p/s
      1. Nếu ở nhà, em gom lại làm entry riêng. Đưa lên bài thì ko có vấn đề gì.
      2. nếu post ở còm thì chỉ có thể đưa link như trên (dùng thẻ <a ref="link">)
      3. hoặc dùng lại code cũ.
      Dùng code mới anh gt có cái ưu là ko thẻ, nhưng khuyết là bị trở ngại này.
      Code cũ ko bị lỗi này nhưng phải dùng thẻ, và thỉnh thoảng trong điều kiện nào đó post hình, clip bị kẹt, mất còm.


      Xóa
    5. Ui! Đại ca mềnh đáng iu quá! Cám ơn anh nhiều! >:D<

      Xóa
    6. Hihi, em cũng rất đáng yêu. >:D< :d
      tks em đã cho nghe mấy bài hát

      Xóa
  2. Ban nãy em mới qua bên anh PĐ đọc và biết mấy vị tranh cãi bên đó.
    Em chả đọc vì ù tai và cũng chả biết gì. Nhưng cãi nhau là mệt. Tạng em nó bấy lắm cãi vã là em trốn biệt.

    Nghe chút nhạc vui cho đời nó lên mây đi đại K.
    Em chuẩn bị cho trẻ em đi tắm biển. Nemo bị ốm nên cũng k biết làm sao. Nó nôn và làm cả nhà hôi hám mấy hôm . Hy vọng nó k chết nếu không Bơ Cua Sữa nó giết em! :(

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh cũng có tìm hiểu trên mạng, thấy cún bị nôn có rất nhiều nguyên nhân, nhưng nếu đã tiêm phòng đầy đủ các bệnh nguy hiểm, đã xổ giun định kì rồi thì chả có gì lo đâu
      Nô nhà anh cũng thỉnh thoảng bị nôn, mấy hôm trở trời - thời tiết thay đổi. Thường thì nó tự ra vườn tìm nhai lá gì đấy rồi khỏi.

      Lại được đi tắm biển nữa hả, thích nhỉ. Chúc em cuối tuần vui vẻ nhé

      Xóa
    2. Nó còn bị đi ngoài mấy hôm nay, be bét. Cua hôm qua bị hai con chị bắt nạt ngồi ở nhà cả ngày trông chó trong khí hai kia đi tắm hồ. Về thấy Cu ôm chó với lại Nintendo mà thương. Không biết chó trông Cua hay Cua trông chó nữa.
      Em đi tầu đi anh ạ, vui lắm, như đi tầu chọ!

      Xóa
    3. bị cả đi tiêu lỏng nữa thì phiền rùi. Nhưng nó là cho già, chắc cũng chỉ bệnh tiêu hóa chứ ko phải những bệnh nguy hiểm như cún con.
      Uh, nếu có điều kiện, (time, sức khỏe) đi tàu chợ vui nhất - được tiếp xúc với đủ hạng người. Đi tàu sang, mỗi người mỗi giường .. cũng chán :d

      Xóa
  3. "vì sao anh van em
    hãy cho anh được thở
    bằng ngực em rũ buồn
    hãy cho anh được ôm
    em, ngang bằng sự chết "

    Hay quá đại K ơi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì, ba câu đầu thì tuyệt vời.
      câu cuối thì .. ép quá :d

      Hai câu tiếp theo của bài thơ thì kinh hoàng:

      tình yêu như ngọn dao
      anh đâm mình, lút cán


      yêu chi mà khiếp thế hở zời :-?
      hay mình không phải là myself mà là mình ơi hihi =))

      đùa thôi, ai từng sống qua những ngày tháng mậu thân ở một thành phố miền Nam nào đó ở miền Nam mới thấm thía hết những câu thơ này của du tử lê. Để hiểu bài thơ ít nhất cũng nên đọc bài viết ngắn về hoàn cảnh ra đời của bài thơ.

      Xóa
Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)