15/8/16

Phong Kiều dạ bạc


Ngồi nghe playlist ngâm thơ, gặp bài Phong Kiều Dạ Bạc. Đây là clip hồi ấy làm nhân bài gì đấy bên blog Dr Tào Thăng nói đến các từ chỉ màu đen - mực, mun, quạ, hắc, .., em Coco nhắc đến từ ô, rồi dẫn bài thơ này.

Mời nghe Tố Kiều Ngân ngâm Phong Kiều Dạ Bạc



楓橋夜泊

月落烏啼霜滿天
江楓魚火對愁眠
姑蘇城外寒山寺
夜半鐘聲到客船

Phong kiều dạ bạc

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Dịch thơ:

Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

(Nguyễn Hàm Ninh)

Bài thơ của Trương Kế. Ông sống thời Trung Đường - cùng thời với Thôi Hộ, Hàn Dũ .., đổ tiến sĩ năm 753, có ra làm quan, giữ một chức quan nhỏ. Ngày nay người ta biết đến ông chỉ qua một bài tứ tuyệt còn lưu lại là Phong Kiều Dạ Bạc, tuy nhiên chỉ với bài thơ duy nhất này, ông đã được xem là một nhà thơ lớn của Tàu. Nhà văn hóa Khang Hữu Vi (1858 - 1927), lãnh tụ phái duy tân dưới thời Mãn Thanh, đã cho khắc bia bài thơ đặt vào chùa Hàn Sơn. Ngôi chùa nhỏ ở ngoại thành Cô Tô không có gì đặc biệt nhờ bài thơ Trương Kế bỗng dưng thành danh lam, một địa điểm du lãm hút khách.

Bài thơ được liệt vào một trong số những bài thơ Đường hay nhất, nhưng cũng gây ra lắm tranh cãi hầu như ở từng câu từng chữ. Giang phong là hàng cây phong bên sông, hay là ngọn núi, cái chợ có tên Giang Phong ? Cũng vậy, ngư hỏa, sầu miên có thuyết cho là tên núi chứ không phải là ánh lửa thuyền chài, là giấc ngủ buồn phiền. ..

Đặc biệt ở câu cuối bán dạ chung thanh .. đã làm tốn rất nhiều giấy mực. Chuông chùa gì lại đánh lúc nửa đêm ? Học giả nổi tiếng Âu Dương Tu đời Tống cho là "Thi nhân tham cầu hảo cú nhi lý bất thông giả, diệc ngữ bệnh dã", đại ý nhà thơ ham câu thơ hay, viết chẳng kể gì hợp lí hay không. Nhưng cũng có người dựa vào cụm từ nguyệt lạc ô đề (= trăng lặn, quạ kêu) ở câu đầu để biện hộ, rằng trời lúc ấy đã sáng, tác giả đang lúc có gì lo âu mỏi mệt nên tưởng là nửa đêm .. Người ta còn kể cả một giai thoại để bênh vực nhà thơ, rằng ..

Bấy giờ Trương Kế trên đường chạy loạn (người thì bảo trên đường về nhà sau khi lạc đệ, nói chung là trong hoàn cảnh sầu lo), một hôm thuyền ghé bến Phong Kiều. Đêm thao thức không ngủ, ra ngồi trước mui thuyền nhìn chung quanh lấp lóe ánh lửa những chiếc thuyền chài, thấp thoáng trên bờ hàng cây phong mờ ảo dưới ánh trăng tàn, xa xa vẳng tiếng quạ kêu sương .. ông xúc cảnh bật ra hai câu thơ

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên

Nhưng rồi nghĩ mãi không ra ý để viết tiếp cho hoàn chỉnh một bài tứ tuyệt.

Cùng lúc, trên chùa Hàn Sơn, vị trụ trì cũng mất ngủ, ngồi nhìn trăng treo bên ngoài cửa sổ ngẫu hứng sáng tác hai câu thơ

Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tự ngân câu bán tự cung
(Mồng ba mồng bốn trăng mờ
Nửa dường móc bạc nửa như cung trời)

Rồi cũng tắc tị, gãi đầu. Tình cờ có chú tiểu thức giấc đi ngoài, thấy đèn phòng thầy còn sáng, ghé vào nghe kể cớ sự, bèn đọc:

Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thủy để bán phù không
(Một bình ngọc trắng chia hai
Nửa chìm đáy nước nửa cài từng không)

Thế là được một bài tứ tuyệt. Lúc ấy dù là nửa khuya, vị sư vẫn vui mừng bảo chú tiểu lên thỉnh chuông tạ ơn Phật đã độ trì cho thầy trò làm được bài thơ hay ..

Tiếng chuông vẳng đến, gợi hứng cho nhà thơ đang bí nghĩ thêm được hai câu tuyệt bút, hoàn thành bài tứ tuyệt của mình

Cô tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

*
Giai thoại nghe thật hấp dẫn, nhưng nhiều phần là bịa, để giải thích chuyện đánh chuông nửa đêm được hợp lí. Xưa nay nhà chùa chỉ có hai thời công phu sáng chiều, vào khoảng 3h và 19h (Võ Hồng có cái truyện ngắn Tiếng chuông triêu mộ - triêu = sáng, mộ = chiều tối, đã từng gt trên blog này). Việc đánh đại hồng chung thường giao cho các chú tiểu, và luôn phải đánh đúng giờ,có sai số cũng chỉ tính phút, không thể có chuyện tùy hứng mà dộng chuông. Trừ phi có những sự kiện bất ngờ, ví như .. chú tiểu nửa đêm dậy đi ngoài, đang ngái ngủ thấy ánh trăng tưởng đâu trời sáng đã đến thời công phu .. Chuyện hiếm gặp, nhưng không phải không thể xảy ra. Và chính nhờ tiếng chuông hiếm gặp này mà Trương Kế đã viết được bài thơ hiếm có. Các nhà cứ nghĩ gì gì cao xa rồi cãi nhau mấy trăm năm không dứt, thực ra sự việc có thể rất đơn giản, nửa đêm một chú tiểu đi tiểu .. biết đâu đấy.

Mời nghe Minh Trang chơi cổ cầm bài Phong Kiều Dạ Bạc do Vương Kiến Dân, giáo sư âm nhạc tại Nhạc viện Thượng Hải sáng tác trên cảm hứng từ bài thơ cổ



Nghe lại bản nhạc với Doãn Quần chơi cổ cầm cùng dàn nhạc




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)