14/8/16

Nghệ thuật ngâm thơ trong truyền thống Việt Nam


Playlist sau gồm các video ngâm thơ đã làm và post trong mấy năm qua, lưu lại đây cho dễ tìm, thỉnh thoảng mời mọi người vào cùng nghe cho vui.



Nhìn lại, video up lên Youtube đầu tiên là vào ngày 1/12/10. Nhớ hồi ấy chơi blog bên Yahoo, tìm một giọng ngâm minh họa bài Tràng Giang của Huy Cân trên các trang quen thuộc như Youtube, nhaccuatui hay Zing không có, chỉ tìm được file mp3 trên một trang web nào đó, không biết làm sao đưa lên blog. Thế là ngồi mở Movie Maker có sẵn trong Win rồi mò mẫm làm .

Cứ thế, mỗi khi thiếu một file audio để minh họa lại ngồi làm, đến nay gom lại đã hơn trăm, tính cả ngâm thơ lẫn nhạc và mấy thứ linh tinh khác nữa trên cả hai kênh (có một thời gian quên pw, phải mở thêm kênh khác post bài), Ban đầu dùng Movie Maker, ít lâu chuyển qua dùng Proshow. Ban đầu một video dùng đến vài chục tấm hình chao qua liệng lại, rồi còn tỉ mẩn ngồi ghép từng câu thơ; sau thường mỗi video chỉ dùng một hai hình. Ban đầu làm trông xấu ỉn, sau này làm nhìn còn xấu hơn. Nhưng cộng lại cả hai kênh có gần một triệu lượt viu, cũng vui vui thấy có nhiều người thích nghe cùng những giọng ngâm, cùng những bài thơ ấy.

Mới đó đã gần 6 năm. Những người ngày ấy thường vào nghe ngâm thơ, không biết giờ có ai còn ghé lại.


gái Huế Lê Trần Ngọc Trân . Hình trên net

Giờ thì vừa nghe ngâm thơ vừa đọc trích đoạn từ hai bài báo tường thuật lại một buổi sinh hoạt nghệ thuật tại nhà GS Trần Văn Khê hồi ông còn sinh tiền với chủ đề

Nghệ thuật ngâm thơ trong truyền thống Việt Nam

Nghệ thuật ngâm thơ cũng lắm công phu

Từ lâu, thơ ca đã đi vào cuộc sống như một đấng tri kỷ hiểu trọn tâm sự buồn vui của con người. Ít loại hình nghệ thuật nào cô đọng, hàm súc như thơ, tựa hồ mọi cảm xúc như được dồn nén vừa khít trong bằng ấy con chữ. Có những bài thơ khiến nhiều người, nhiều thế hệ phải tấm tắc ngợi khen, thậm chí còn bàn luận chưa dứt bởi “ý ở ngoài lời”. Sự quyến rũ của thơ ca không chỉ nằm trên trang giấy, mà còn ở trong giọng đọc.

Ngâm thơ ra đời như một cách tiếp cận thơ qua thanh điệu, âm nhạc, để hiểu rõ và thẩm thấu trọn vẹn ý nghĩa của từng lời thơ. Ngâm thơ khác với đọc hay bình thơ. Đọc thơ đơn thuần là đọc lên bài thơ với giọng bình thường như khi trò chuyện, còn bình thơ được nhấn mạnh hay kéo dài những chữ quan trọng với tiết tấu chậm rãi, trau chuốt hơn.

Ngâm thơ thường không có tiết tấu, mỗi chữ trong câu thơ được ngân nga, lên cao xuống thấp, trầm bổng nhịp nhàng. Có lẽ chính vì yếu tố nhạc điệu linh hoạt ấy mà chỉ ở Việt Nam mới có nghệ thuật ngâm thơ độc đáo và đã trường tồn từ lâu đời (hơn mười thế kỷ). Do đặc tính ngôn ngữ và quy ước về vần điệu, thơ Việt Nam có thể được diễn ngâm, còn ở các ngôn ngữ khác người ta chỉ có thể đọc một cách diễn cảm chứ không thể nào ngâm được.

Theo GS.TS Trần Văn Khê, nghệ thuật ngâm thơ trong truyền thống Việt Nam có đủ mọi cung bậc, tiết tấu và làn điệu. Có thể kể đến ngâm xổng theo làn điệu hò - oan - liu - xứ, kiểu sa mạc theo thang âm xừ - xang - xê - cống - liu - ú, kiểu bồng mạc với thang âm hò - xang - xê - cống - liu hay kiểu tao đàn dùng để ngâm thơ mới.

Ngâm thơ còn tùy theo thanh giọng. Nếu ý thơ tươi vui, rộn ràng thì phải ngâm giọng xuân, ngược lại thì phải dùng giọng ai hoặc giọng oán để người nghe cảm nhận được nỗi buồn trong thơ. Điều này nghe qua không lấy gì khó khăn, nhưng sự thật lại đòi hỏi sự dụng công, khéo léo tài tình của người nghệ sĩ ngâm thơ. Họ phải phát cho rõ ràng câu chữ, không làm sai lệch ý nghĩa lời thơ mà vẫn lên bổng xuống trầm, ngân nga theo đúng làn điệu, giọng xuân hay ai, oán.

Với những người am tường văn hóa truyền thống, có thể nói ngâm thơ chính là món “đặc sản” của âm nhạc dân tộc giao hòa cùng thi ca. Ở nơi nào trên thế giới cũng có thơ, bài thơ nào cũng có thể tìm được người tri kỷ dù có phải vượt qua rào cản ngôn ngữ, nhưng nghệ thuật ngâm thơ như của người Việt thì dường như ít nơi đâu có được.


(trích từ tuoitre)

Ngâm thơ và hát thơ

Gần đây, trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật trong nước, thuật ngữ "hát thơ" được nhắc đến như là một cách trình bày mới mẻ để mang thơ ca đến với con người. Tuy vậy, bằng những phân tích của mình, GS - TS Trần Văn Khê cho rằng cách gọi "hát thơ" là chưa đúng theo mặt học thuật.

Theo giáo sư Khê, với một bài thơ nếu được đọc bình thường thì gọi là đọc thơ; đọc với tiết tấu chậm hơn, những chữ trong câu được nhấn mạnh hoặc kéo dài thì gọi là bình thơ; khi mỗi chữ trong câu được ngân nga, lên cao xuống thấp, trầm bổng và không có tiết tấu thì được gọi là ngâm thơ. Tuy nhiên, nếu là câu thơ lục bát trình bày theo phong cách Cò lả của Bắc Ninh (chữ thứ 2, 4, 6 lặp lại) thì được gọi là hát Cò lả.


Ngoài hát Cò lả, còn có các điệu hát như hát Xấp, hát Sa lệch, hát Đường trường, hát Cách (theo truyền thống hát chèo) hay hát Khách, hát Nam (trong truyền thống hát bội). "Chính vì thế, đó là cách hát theo những làn điệu dân ca đã có sẵn chứ không thể gọi là "hát thơ" như một số ý kiến gần đây đã đề nghị", giáo sư Khê nói. 

(trich từ vnexpress)

Đoạn sau đây trích đăng từ bài báo Ngâm thơ cũng lắm chuyện .. kỳ của nhà thơ Vương Trọng

Ở nước nào cũng có chuyện đọc thơ biểu diễn trước công chúng, nhưng ngâm thơ như ở Việt Nam thì ít thấy, bởi thế, ở các nước khác, không có động từ ngâm, nên ngâm thơ được dịch là hát (kể) thơ (chant or recite a poem).

Ngâm thơ thật hiệu quả khi thể hiện các thể thơ truyền thống, như thơ tứ tuyệt, thơ thất ngôn… và đặc biệt là thể thơ lục bát. Chỉ riêng thể thơ lục bát, ở nước ta đã có nhiều cách ngâm khác nhau, "Truyện Kiều" của cụ Nguyễn Du có một kiểu ngâm riêng, điều ấy chứng tỏ ngâm thơ ở nước ta phong phú đến chừng nào! Ngâm thơ là một cách hát thơ, nhưng nó khác hát các ca khúc ở chỗ người ngâm tự tạo lấy nhạc điệu và tiết tấu.

Mặt khác, không có một trường lớp chính quy nào dạy cách ngâm thơ như các trường thanh nhạc. Bản thân người nghệ sĩ phải tự mày mò tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước thông qua truyền khẩu.  (..)

Nhưng không phải nhà thơ nào cũng thích thơ mình được ngâm và thích nghe ngâm thơ, điển hình là nhà thơ Xuân Diệu. Nhà thơ Xuân Diệu không thích người khác ngâm thơ mình, và nói chính xác rằng, ông dị ứng với ngâm thơ!

Một lần cơ quan nọ mời ông nói chuyện thơ, phông màn, bàn ghế hội trường và kể cả buổi liên hoan sau buổi nói chuyện cũng đã được chuẩn bị chu đáo, thế mà khi đến nơi, thấy một nghệ sĩ ngâm thơ nổi tiếng đã đến trước, Xuân Diệu hỏi: "Cái cô T. kia đến đây làm gì?".

Sau khi nghe trả lời là để ngâm thơ minh họa, thế là Xuân Diệu đùng đùng bỏ về. Những người lãnh đạo cơ quan phải chạy theo, vừa giải thích, vừa níu kéo…, cuối cùng Xuân Diệu mới chịu ở lại nói chuyện, nhưng phải kèm theo một điều kiện: "Giờ làm việc, thì chỉ có mình tôi nói. Giờ giải lao, chờ khi tôi đi ra khỏi hội trường thì cô T. mới vào ngâm thơ"! Kể ra nhà thơ Xuân Diệu cũng quá cực đoan, chứ nghệ sĩ ngâm thơ có làm chi nên tội, trong khi số đông thính giả thích nghe ngâm thơ.  (..)

Một số nghệ sĩ do thiếu khâu chuẩn bị, nghiên cứu tác phẩm nên đã ngâm sai thơ, không chỉ làm  tác giả bực mình mà còn gây phản cảm đối với những thính giả đã thuộc lòng bài thơ ấy. Trong bài "Tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật, có hai câu:

Không có kính, rồi không có đèn 
Không có mui xe, thùng xe có xước

Không biết vì sao, một nghệ sĩ lại ngâm thành: 

Không có mui xe, thùng xe có nước.

Khi tác giả góp ý thì nghệ sĩ nói rằng: "Em nghĩ là xe không có mui, không ngăn được mưa nên thùng xe có nước là chính xác chứ"? Phạm Tiến Duật chỉ biết cười!

Hay như bài thơ "Nhớ" của Hồng Nguyên, có đoạn:

Tôi nhớ
Giường kê cánh cửa
Bếp lửa khoai vùi…

để nhắc lại kỷ niệm của người lính khi đến nghỉ nhờ ở nhà dân, chủ nhà đã tháo cánh cửa xuống cho bộ đội kê làm giường. Thế nhưng một nghệ sĩ ngâm thơ lại ngâm thành:

Tôi nhớ
Giường kê cạnh cửa…

tức là nói cái vị trí kê giường (bên cạnh cửa)! Tác giả Hồng Nguyên vì qua đời quá sớm không nghe được điều này, còn thính giả chỉ biết lắc đầu tiếc nuối vì một dấu sắc đánh rơi thành dấu nặng, biến một tình tiết thú vị thành một chuyện thường tình!

Khi ngâm thơ, không chỉ ngâm sai từ, sai chữ làm thay đổi ý nghĩa câu thơ, mà kể cả cách ngắt nhịp không đúng có khi làm câu thơ tối nghĩa. Trong bài thơ "Sợi tóc hai màu" của tôi, có hai câu:

Trục thời gian tượng hình trước mặt
Ta đang ta, hay ta khác ta rồi?

Nhưng trong một bản in, người ta bỏ sót dấu phẩy ở câu thứ hai, biến thành: "Ta đang ta hay ta khác ta rồi?". Kể ra sai sót này cũng chưa đáng kể lắm, không ngờ một nghệ sĩ đã ngắt giọng sai và ngâm thành:

Ta đang/ ta hay/ ta khác/ ta rồi

để khi chính tác giả nghe cũng chẳng hiểu câu thơ ấy nói gì!

Cùng với đọc diễn cảm thơ (trên nền nhạc), ngâm thơ là một hình thức biểu diễn thơ hết sức đặc sắc của dân tộc ta. Ngoài hai hình thức trên, hiện nay một số nhà thơ trẻ còn thể nghiệm hình thức mới là diễn thơ, mà hai Ngày thơ Việt Nam gần đây đã diễn ra ở Sân khấu thơ Trẻ ở Văn Miếu. Một số khán giả ủng hộ, nhưng có người nghi ngờ hiệu quả của hình thức này, bởi thấy nặng về ngoại hình, chứ việc chính là truyền cảm xúc của tác giả cùng ý tứ của bài thơ đến với người nghe thì chưa làm được bao nhiêu, so với hai hình thức biểu diễn thơ truyền thống...

Tháng 3/2009
Vương Trọng


(trịch lại từ tonvinhvanhoadoc)


4 nhận xét:

  1. Nghe GS TVK ngâm thơ nè anh
    http://www.youtube.com/watch?v=KGY0vsiSckM

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đây là bài ông minh họa trong buổi nói chuyện ấy cho một lối "ngâm thơ mới", vừa ngâm vừa làm điệu bộ. Tuy nhiên anh thì thấy giống hát bội hơn.

      Nói chung ông này nói chuyện rất có duyên, kiến thức thì sâu rộng .. nhưng nghe ông ngâm (4, 5 bài gì rồi), chả có bài nào nghe hay cả.

      Xóa
    2. Anh đừng xem ổng múa bộ, chỉ nghe thôi xem sao !
      Đây là bài thơ duy nhất em nghe hết bài chỉ bởi vì tò mò xem ổng ngâm ra sao thôi. Truyện hay thơ em đều thích tự đọc. :)

      Xóa
    3. nằm ôm radio, nay là điện thoại nghe đọc truyện, ngâm thơ cũng là cái thú đấy em ah. Chưa kể vừa nghe vừa làm việc gì đấy .. một công đôi việc.

      Xóa
Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)