18/8/16

Chiếc khăn rơi . Doãn Nho


Trường hợp như Hoa Sữa (trở thành big hit nhờ bản cover sau gần 10 năm) không phải là hiếm. Trên thế giới có thể tìm được hàng trăm ví dụ tương tự. Nhắc lại vài vụ cho vui.

El Condor Pasa trở thành quốc bảo của Peru chỉ sau khi được Simon & Garfunkel cover.
Respect mang về cho Aretha Franklin một Grammy, được Rolling Stone xếp thứ 5 trong số những bài hát hay nhất mọi thời là bản cover, trong khi bản gốc phát hành chỉ 2 năm trước thì không mấy ai hay.
More Than I Can Say ngày nay vang danh khắp năm châu bốn bể là từ bản cover của Leo Sayer 20 năm sau khi phiên bản gốc ra đời (1959).
Hoặc như I Will Always Love You. Ngày nay nghe tên bài hát người ta nghĩ ngay đến Whitney Houston. Thật ra bài hát vốn của Dolly Parton, cũng từng chếm ngôi quán quân trên bảng xếp hạng nhạc country Mỹ hai lần, lần đầu cho phiên bản gốc (1973), lần thứ 2 năm 1982 khi cô thu cho phim The best little whorehouse in Texas. Thế nhưng phải đợi gần 20 năm sau (tính từ khi ra đời), bài hát mới thực sự vang danh thế giới nhờ bản cover của Houston.
Một trường hợp thú vị khác, là với Nothing's gonna change my love for you trong album 20/20 (1985) của George Benson. Mặc dù George Benson là một danh ca với 8 giải Grammy trong tay, album 20/20 phát hành ra cũng nhận được dĩa vàng, nhưng bài hát vẫn không được quá chú ý. Hai năm sau, một ca sĩ "vườn" mới 17 tuổi  ở Hawaii cover, bài hát bỗng nổi tiếng khắp nước Mỹ, rồi toàn thế giới ..

Cô gái với chiếc khăn piêu . hình internet
Mỗi bài hát cũng có cái số phận, cái duyên của mình chăng ?

Một bài hát hay trước hết dĩ nhiên là do giai điệu do nhạc sĩ sáng tác. Nhưng sau đó bài hát có lọt tai người nghe hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Là giọng ca, là bản phối, là dàn nhạc thể hiện, là bè, múa phụ họa, là sân khấu, ánh sáng, âm thanh; thậm chí là trang phục tóc tai ca sĩ.. Và cả tâm trạng người nghe. Những năm cuối 197x cả nước đói vàng mắt, ăn gì ngon cũng lấm la lấm lét nhìn hàng xóm, nói gì lạ cũng đắn đo dù với người quen , .. toàn những chuyện chả chút lãng mạn nào, làm sao có không khí cho Hoa Sữa ?

Một trường hợp tương tự cũng xảy ra mấy năm trước với Chiếc Khăn Rơi.

Chiếc Khăn Rơi được Doãn Nho viết năm 1956, dựa trên giai điệu bài dân ca Tăng A Tim của người Xá (Khơ Mú) được một người bạn sưu tầm trao cho. Người thể hiện bài hát đầu tiên là Trần Chất, với Huy Luân đệm accordeon



Trần Chất hát kèm thêm cả tiếng Thái

Nghe con chim cúc cu
Kìa nó hót lên một câu rằng
Có một nàng ở trong rừng tìm trong rừng,
Kiếm trong rừng chiếc khăn piêu.
Chiếc khăn piêu thêu chỉ hồng
Để gió cuốn bay về đây
Chiêc khăn piêu thêu chỉ hồng
Để gió cuốn bay về đây vương trên cây. Sùy!


Chiếc khăn piêu thêu chỉ hồng .. chiếc khăn piêu là khăn đội đầu của con gái Thái. Thời thiếu nữ, các cô tự thêu khăn piêu cho riêng mình sao cho đẹp. Sau đó yêu ai thì tặng khăn, như vật hẹn ước. Người Xá không đội khăn piêu .. có lẽ do gió cuốn bay về ..

Bài hát về sau được đổi luôn tên thành Chiếc Khăn Piêu, nghe có chất dân tộc hơn, và được giới thiệu luôn là mang âm hưởng dân ca Thái!. Bài hát sau đó tiếp tục được phát nhiều lần trên làn sóng với các giọng ca Quý Dương, Hoàng Chè, Kiều Hưng, .. toàn là những giọng ca vàng của ca nhạc miền Bắc bấy giờ, chế độ ta vốn dành nhiều ưu tiên cho những gì dính dáng đến dân tộc.

Trong một bài phỏng vấn, Doãn Nho nhận xét version của Kiều Hưng thể hiện đúng nguyên bản ý tưởng của ông hơn cả.



Hơn nửa thế kỉ sau tính từ ngày ra đời, Chiếc Khăn Piêu lại được Anh Thơ thu cho album Người Ơi Hãy Về (2009)



*
Bây giờ thì hay rồi. Rất nhiều báo chí khi nhắc đến Chiếc Khăn Piêu đều viết những lời có cánh "những năm 1980, 1990 người nghe say đắm với giọng nam ngọt ngào, ấm áp, đượm chất dân ca của nghệ sĩ Kiều Hưng ", rồi "Anh Thơ thổi sức sống của một cô gái trẻ vào ca khúc với giọng hát cao vút trong vắt tựa như tiếng chim giữa núi rừng đại ngàn, khiến ca khúc càng trở nên gần gũi với công chúng." ..

Thật ra thì là cho đến trước 2012, bài hát vẫn thường được hát trên đài tiếng nói, đài truyền hình, và hẳn cũng có một người thích, nhưng tôi e là không nhiều, Mỗi lần nghe những giọng hát khỏe đầy nội lực và đậm chất opera như Trần Chất, Kiều Hưng và cả Anh Thơ ca lảnh lót, liến thoắng, với những tiếng tiếng sùy tôi lại cứ nhớ đến Tiếng Đàn Ta Lư với tiếng hát Tường Vy .. và không khỏi nghĩ (thầm trong bụng) tình ca mà hát thế này thì chỉ có mà dành cho mấy lão già nặng tai.

Năm 2012 Tùng Dương mới thực sự là người thay da đổi thịt cho bài hát, làm nó sống lại, gây sốt khi giành được giải Bài hát tôi yêu năm ấy với 1.3 tỉ đồng tiền thưởng



Có một điều đáng nói. Tùng Dương hát cao từ đầu đến cuối, không có một đoạn trầm xuống như các ca sĩ trước đó hát theo đúng yêu cầu của bài hát gốc, nhưng nghe Tùng Dương hát vẫn mềm mại, mênh mang .. không bị chói, rít, gắt nghe thấy mệt như các version trước đó. Với những thay đổi bài hát -thêm, bớt, đảo khúc .. cùng với cách nhấn nhá mang phong cách jazz,  cùng với cách phối mới Tùng Dương đã làm bài hát trở nên lạ, mới và .. thành công, chinh phục người nghe hôm nay.

Trong một cuộc phỏng vấn chính nhạc sĩ Doãn Nho cũng cho biết ban đầu ông không thích vì thấy nó lạ quá. Chỉ sau khi vượt qua cái sức ì của tuổi 80, tìm hiểu và thấy được những đóng góp của Tùng Dương cho bài hát, ông mới bày tỏ sự thán phục và cảm ơn đối với anh ca sĩ trẻ này. Ông nhận xét về version Tùng Dương:  “Ở bản phối này, Tùng Dương không hát một đoạn trầm, quãng tám, khác so với một số ca sĩ khác. Đứng ở góc độ nào đó thì thấy mất đi một quãng trầm, màu sắc, độ rộng của âm hưởng đó bị thu hẹp lại nhưng bù lại thì cách phiêu, nhả chữ cùng với trang phục, ánh sáng... của Tùng Dương rất độc đáo. Bên cạnh đó, có những cách đảo nhịp do Tùng Dương sáng tác, tạo ra nghịch phách, rất lãng mạn, bay bổng, rất hợp với thẩm mỹ của giới trẻ”.

Sau thành công của Tùng Dương, nhiều ca sĩ khác cũng lần lượt cover bài hát, có cả một sao nhí, chỉ mới 11, 12 tuổi gì đấy cũng nhắm mắt lắc lư tỏ tình với người trong mộng ...

*

nhac sĩ Doãn Nho . hình trên net
Doãn Nho sinh năm 1933 tại Hà Nội, tham gia kháng chiến từ 1945 trong đội Thiếu niên cứu quốc. Hòa bình lập lại, ông được cử đi học sáng tác nhạc tại LX (1962 - 1964). Năm 1982 ông trở qua đấy để lấy bằng Tiến sĩ lí luận âm nhạc.

Ông bắt đầu sáng tác từ 1954. Bên cạnh ca khúc ông còn còn viết nhạc cho kịch, múa, phim; nhạc giao hưởng.

Ngoài ra, ông cũng viết tiểu luận, tham luận, phê bình âm nhạc cho các tạp chí. Hiện là đại tá hồi hưu.

Nghe lại Người con gái sông La (1972) phổ bài thơ của người từng là nguyên mẫu cho bức tranh nổi tiếng Em Thúy của Trần Văn Cẩn.



Nhưng nhắc đến Doãn Nho có lẽ người ta nhớ ngay đến Năm anh em trên một chiếc xe tăng (1971) phổ thơ Hữu Thỉnh



6 nhận xét:

  1. MTV thích nghe Tùng Dương hát bài này nhất, nhưng không thích ngắm cậu ý hát...:)
    Cám ơn Khung đã chia sẻ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ông này ăn mặc độc đáo nhưng mà .. xấu.

      Xóa
  2. Em thích phiên bản của Anh Thơ ! Phiêu ! :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ủa, thế bộ em nặng tai thiệt hả

      Xóa
    2. Sao em lại nặng tai ? :-?
      Rứa ai nghe Anh Thơ hát bài này đều nặng tai hết à ???

      Xóa
    3. thì thỏ thẻ tình tự mà như rứa thì chả bị năng tai là gì ?

      Xóa
Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)