29/2/24

GA TÀU THỦY BẠCH ĐẰNG.

DỐT CHỮ, ĐỒNG HÓA HAY KÉM VĂN HÓA.

Mấy hôm nay cụm từ "Ga tàu thủy Bạch Đằng" (H1) đã làm nổi sóng mạng. Một số người chê là dốt chữ, mọt số khác thì tố cáo đây là âm mưu đồng hóa .. Thật vậy chăng?




1. Dốt chữ? 

Rất nhiều người chê dùng chữ "ga" cho trạm đón khách tàu thủy là "dốt chữ". Từ điển Tiếng Việt đã định nghĩa: 

Ga: Công trình kiến trúc làm nơi để hành khách lên xuống hoặc để xếp dỡ hàng hoá ở những điểm quy định cho xe lửa, xe điện hay máy bay đỗ trên các tuyến đường đi, đường bay”. (Từ điển Tiếng Việt Hoàng Phê)

Vấn đề là: Gọi "ga tàu hỏa", "ga hàng không" được, sao lại không gọi "ga tàu thủy" được? 

Ga là từ gốc Pháp "gare". Trong tiếng Pháp từ này không chỉ dùng cho ngành đường sắt, mà còn dùng cho ngành hàng hải  -- gare maritime (H2, Petit Larousse, 1992), và cả ngành hàng không (aérogare). 

Tiếng Việt mượn, ban đầu chỉ dùng cho ngành đường sắt: ga xe lửa, rồi mở rộng cho ngành hàng không, thì tại sao không thể mở rộng cho ngành hàng hải? Vì đâu cũng là "Công trình kiến trúc làm nơi để hành khách lên xuống hoặc để xếp dỡ hàng hoá"? 

Việc mở rộng nghĩa từ vẫn thường xảy ra, vì không phải cứ xuất hiện một sự vật mới lại đặt từ mới. Thời xưa, từ "bến" hẳn chỉ dùng với nghĩa là nơi đợi đò "bến đò". Đơn giản vì xưa chỉ có xe nhà, chưa có xe khách thì đâu có nhu cầu đặt từ gọi nơi mọi người đứng đợi xe. Đến khi có xe khách mới phát sinh từ "bến xe". Và xe chở khách cũng gọi là xe đò -- các từ "bến" "đò" đã được mở rộng nghĩa. Đặc biệt với từ nước ngoài, khi được mượn vào tiếng Việt nó có thể được mở rộng/thu hẹp nghĩa, thậm chí đổi nghĩa là chuyện rất bình thường. Bây giờ mà Nguyễn Văn Vĩnh sống lại, thấy chúng ta dùng từ "khốn nạn" hẳn phải trợn mắt, vì nghĩa trong tiếng Tàu của nó là "khốn khó", và cụ dịch nhan đề cuốn Les Misérables là "Những kẻ khốn nạn". Cũng như hiện nay, nhiều người hẳn rất khó chịu khi thấy trên sách báo dùng từ "cứu cánh" với nghĩa "cứu giúp", nhưng tôi e rằng ít lâu nữa, người bị cười chê sẽ là họ, những người dùng "cứu cánh" với nghĩa "mục đích cuối cùng"! 

2. Thừa từ.

Nhiều người cho đã có từ "bến" để chỉ nơi đợi đò, đợi tàu (thủy) rồi, việc đặt thêm một từ mới là thừa. Chỉ sợ sai, sợ thiếu, không sợ thừa. Nhiều sự vật vẫn có hai ba tên gọi, tùy nơi tùy lúc mà dùng, chẳng những không sao, có khi còn thể hiện sự tinh tế nữa. Đã có "ga tàu hỏa", "ga hàng không", nay có thêm "ga tàu thủy" cũng hay chứ, nó tạo thành một hệ thống thuật ngữ thống nhất trong ngành giao thông. Ta vẫn thường tự hào tiếng Việt có tính khái quát, hệ thống rất cao đấy thôi: với từ cá, chỉ cần thêm một định ngữ là ta có cá rô cá diếc cá tràu cá hồi cá chim .. không như nhiều thứ tiếng khác, mỗi loài cá phải đặt thêm một từ mới ..

3. Hổ lốn

Theo dõi trên mạng, thấy mọt lí lẽ khác được đưa ra là cụm từ "ga tàu thủy" là một cụm hổ lốn. Đọc được trên fb của một nhà báo:

 "Thiên hạ khắp nơi chứ không chỉ là người Sài Gòn, có cả những bậc trí giả, túc nho… đang nổi giận về cái cụm từ “Ga tàu thủy Bạch Đằng”.

Cơn giận có cơ sở vì đây là một cụm từ kỳ dị, kết hợp một mớ từ “hổ lốn”, “hằm bà lằng” gồm cả từ gốc tiếng Pháp (gare), tiếng Tàu (thủy 水) lẫn tiếng Ta (tàu). Ai học, chú ý ngôn ngữ tiếng Việt đều biết có một nguyên tắc cơ bản trong tiếng Việt: từ gốc Việt đi với từ gốc Việt, từ gốc Hán Việt đi với từ gốc Hán Việt… " (trích từ fb của một nhà báo)


Lâu nay có một ngộ nhận, rằng từ gốc Hán thì phải đi với từ gốc Hán, không đi với từ thuần Việt được ("Thuần Việt" được hiểu là từ không phải là từ Hán Việt hay từ gốc tây). Thật ra, các yếu tố Hán Việt (HV) khi được du nhập vào tiếng Việt thì tùy theo mức độ "thuần hóa" mà được đối xử khác nhau. Có yếu tố HV được dùng như một từ thuần Việt, tức có thể dùng độc lập trong câu. Có yếu tố HV chỉ có thể kết hợp với một yếu tố HV khác để tạo từ. Lại có những yếu tố nằm giữa hai loại trên, tức chưa đủ "quen" để dùng như độc lập, nhưng vẫn có thể kết hợp với một từ thuần Việt khác để tạo từ. Loại này không ít. Ví dụ: súng "trường", ông "giáo" ..., và cả tàu "hỏa", tàu "thủy". Từ lâu từ "ga tàu hỏa" đã được chấp nhận rộng rãi, thì "ga tàu thủy" có cấu tạo tương tự, sao lại bảo "hổ lốn"?

4. Đồng hóa hay kém văn hóa?

Nhiều người cho đây là âm mưu đồng hóa, nói rõ là "bắc hóa". 


Tôi không nghĩ người đặt ra cụm từ trên có ý đồng hóa, bắc hóa gì đâu. Họ chỉ nghĩ đơn giản đã có "ga tàu hỏa" thì giờ có thêm "ga tàu thủy" cũng được thôi. nhưng họ quên cái địa danh đi kèm phía sau "Ga tàu thủy Bạch Đằng". Hiện nay, cái "ga tàu thủy" ấy chỉ là một công trình trên bến Bạch Đằng. Nhưng với thời gian đủ dài, nó sẽ thay cho cái tên Bến Bạch Đằng. Với người Saigon, đây là điều khó chấp nhận. Họ đã từng mất "bùng binh", mất "Tân Sơn Nhứt", .. Nên với khả năng mất thêm một tên gọi thân quen, họ đã phản ứng mạnh mẽ trên mạng xã hội. 

Tôi nghĩ người đặt ra cụm từ "Ga tàu thủy Bạch Đằng" không dốt chữ, cũng không có ý đồng hóa gì gì. Chỉ là hơi kém văn hóa, không hiểu được với người bản thổ, một cái tên gọi có khi không chỉ là một tên gọi. Nên đã không biết tôn trọng các bản sắc khác biệt.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)