Lưu Quang Vũ ảnh vi.wikipedia |
Sau 1954 gia đình ông chuyển từ Phú Thọ về sông ở Hà Nội. Năm 1965 ông nhập ngũ, đến 1970 thì xuất ngũ, làm đủ nghề để kiếm sống - công nhân nhà máy cao su, thợ vẽ áp phích, ..
Từ 1978 làm biên tập viên Tạp chí Sân khấu.
Lưu Quang Vũ mất năm 1988 cùng với vợ (nhà thơ Xuân Quỳnh) và con trong một tai nạn xe hơi.
Sinh thời Lưu Quang Vũ nổi tiếng như là một nhà viết kịch chọc được vào những vấn đề xã hội nhức nhối, làm sôi động sân khấu bấy giờ với khoảng 50 vở kịch đủ loại.
Về thơ ông chỉ có 20 bài in chung với Bằng Việt từ 1968.
Chỉ sau khi mất, nhiều di cảo của ông mới được in ra: Mây trắng của đời tôi (1989), Bầy ong trong đêm sâu (1993), Di cảo (2008) .. người ta mới biết thêm ông là một nhà thơ với giọng thơ riêng, giàu cảm xúc, nhiều trăn trở, ..
Mời nghe một bản nhạc sáng tác trên ý một bài thơ của ông.
lyrics
Trái đất rộng bao thứ tiếng (í a)
Tiếng (í a) Việt quê ta, hồn nhiên, lời nói, thánh thót như lời ca (ơ) tiếng đàn
lời ca... tiếng đàn.
Mỗi (í a) sớm dậy thân thiết nghe bốn bề.
người (a í a) qua đường chung tiếng Việt cùng tôi.
Chưa thành chữ viết (í a) đã (í a) vẹn tròn lời nói
Vầng trăng cao, đêm cá bơi biệt tăm (ơ) sao mờ
biệt tăm... sao mờ...
Ôi tiếng Việt, như đất cày, như lụa.
Óng (í a) tre ngà, mềm mại như tơ.
Mát lịm tiếng suối (í a) heo (í) may gợi về
Đường xa, một tiếng nhớ (ơ) kìa nón ai thẳm xa (ơ) bên trời.
thẳm xa bên trời
Tiếng (í a) cha dặn khi lũ về bão dội,
Cánh (í) nôi mơ màng giọng mẹ à ơi.
Phiêu bạt xa lắc (í a) cuối (í á) bể cùng trời.
Người ơi! người có gọi khẽ tiếng Việt trong những đêm dài?
trong những đêm dài.
Ai (í a) lỡ đường quên giống nòi gốc nguồn,
trong (í a) tiếng Việt quay về cùng tôi!
Nguyên tác bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ qua giọng ngâm Phan Xuân Thi
Đọc thơ: Tiếng Việt
Tiếng Việt gọi trong hoàng hôn khói sẫm
Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về
Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm
Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.
Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng
Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya
Tiếng lụa xé đau lòng thoi sợi trắng
Tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê.
Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa
Khi hun thuyền, gieo mạ, lúc đưa nôi
Tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ
Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời.
“Ðá cheo leo trâu trèo trâu trượt”
Ði mòn đàng dứt cỏ đợi người thương
Ðây muối mặn gừng cay lòng khế xót
Ta như chim trong tiếng Việt như rừng.
Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa
óng tre ngà và mềm mại như tơ.
Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.
Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy
Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn
Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối
Tiếng heo may gợi nhớ những con đường.
Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng
Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta
Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất
Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già
Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng
Dưới cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi
Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán
Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời.
… Buồm lộng sóng xô, mai về trúc nhớ
Phá cũi lồng vời vợi cánh chim bay
Tiếng nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay
Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt.
Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết
Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi
Như vị muối chung lòng biển mặn
Như dòng sông thương mến chảy muôn đời.
Ai thuở trước nói những lời thứ nhất
Còn thô sơ như mảnh đá thay rìu
Ðiều anh nói hôm nay, chiều sẽ tắt
Ai người sau nói tiếp những lời yêu?
Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển
Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?
Ai ở phía bên kia cầm súng khác
Cùng tôi trong tiếng Việt quay về.
Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ
Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn
Trời xanh quá, môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi, tiếng Việt ân tình!
nguồn: thivien.net
Có thông tin cho rằng đây là một bài thơ hiếm hoi của Lưu Quang Vũ được đăng báo trong những năm người ta từ chối thơ anh. Để đăng được, biên tập phải sửa câu cuối: "Tiếng Việt ơi, tiếng Việt xót xa tình" của anh thành "tiếng Việt ân tình". Bản được công bố được coi là bản chính nên các tuyển thơ Lưu Quang Vũ về sau đều chép: "tiếng Việt ân tình" chứ không phải "tiếng Việt xót xa tình" như ý ban đầu của tác giả.
Thật may mắn câu thơ ngay khổ liền trước
Ai ở phía bên kia cầm súng khác
từ khác đã ko bị đổi thành giặc, địch, hay Mỹ Ngụy .. gì đấy. Để ngày nay ta còn thấy được trong cái thời mà một giọng hơi khác với dàn đồng ca lập tức bị chụp đủ thứ mũ thiếu lập trường giai cấp, mơ hồ địch ta, tư tưởng giao động, nhân đạo chung chung .. thì anh thanh niên Lưu Quang Vũ đầy trăn trở và vẫn đủ tự tin để có những suy nghĩ độc lập về cuộc chiến đang xảy ra trên đất nước mình ..
Sau này, trong di cảo ta còn gặp nhiều bài bộc lộ rõ hơn thái độ của Lưu Quang Vũ về cuộc chiến
Anh đã đi dằng dặc những ngả đường
Những rừng tối mịt mù muỗi độc...
Điều anh tin không có ở trên đời
Điều anh có không giúp gì ai được
Quán cà phê ngoại ô (4-1972)
Cơ sự làm sao đến nỗi này
Mông lung không đoán được ngày mai
Máu chảy thành sông thây chất núi
Bè bạn tan hoang mình rã rời
...
Mọi chuyện thiêng liêng thành nhảm nhí
Khắp nơi trí trá lọc lừa nhau
(Đêm đông chí uống rượu với bác Lâm và bác Khánh nói về những cuộc chia tay thời loạn)
Nếu như ta nhớ rằng trong những năm tháng ấy bài thơ Vòng Trắng của Phạm Tiến Duật nhẹ nhàng hơn nhiều
Bom nổ trên trời hiện lên những vòng đen
Nhưng mặt đất lại sinh bao vòng trắng
Tôi với bạn tôi đi trong im lặng
Cái im lặng lạ kỳ đêm sau chiến tranh.
Cái mất mát nào lớn hơn cái chết
Vòng trắng trên đầu thành một số không
Nhưng tôi biết ở trong vòng trắng ấy
Là cái đầu bốc lửa ở bên trong.
đã bị tờ Học Tập qui chụp
“Giữa lúc cần nói to lên niềm sung sướng tự hào về cái được vĩ đại của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thì nhà thơ lại chỉ thấy cái mất, chỉ thấy tang tóc đau thương và than thở…”.
và tác giả của nó đã bị kiểm điểm lên bờ xuống ruộng như nào, ta mới hiểu được sự độc lập và mạnh mẽ trong tư duy của Lưu Quang Vũ, và vì sao thơ ông viết phần lớn đều nắm trong di cảo, rất lâu về sau mới có thể ra mắt công chúng.
Mời đọc nguyên bài thơ (click để đọc):
Đêm đông chí uống rượu với bác Lâm và bác Khánh nói về những cuộc chia tay thời loạn
Nhang tàn lả tả rơi lưng cốc
Nhà lạnh trần cao ngọn nến gầy
Chăn rách chiếu manh quần áo lạ
Chuyện dài đêm vắng rượu buồn say
Gió hú ầm ào qua gạch vỡ
Người chết vùi thân dưới hố bom
Kẻ sống vật vờ không chốn ở
Lang thang trẻ ốm ngủ bên đường
Cơ sự làm sao đến nỗi này
Mông lung không đoán được ngày mai
Máu chảy thành sông thây chất núi
Bè bạn tan hoang mình rã rời
Thơ Khánh buồn như lòng đất nước
Thơ hay đời loạn chẳng đâu dùng
Vườn cũ cây tàn chim chết cả
Người chơi đàn nguyệt có còn không
Mọi chuyện thiêng liêng thành nhảm nhí
Khắp nơi trí trá lọc lừa nhau
Nước Pháp khôn ngoan nước Nhật giàu
Nước Mỹ lắm bom mà cực ác
Nước Nga hiềm khích với nước Tàu
Nước Việt đói nghèo thân cơ cực
Đất hẹp trụi trần vạn khổ đau
Tối đen thành phố đêm lưu lạc
Máy bay giặc rít ở trên đầu
Ba thằng da vàng ngồi uống rượu
Mặt buồn như sỏi dưới hang sâu
Chúng mình không có bom nguyên tử
Chỉ có thuốc lào hút với nhau
Thương nhà thương nước thương cho bạn
Không khóc mà sao cổ nghẹn ngào
Thôi nhé mai này tiễn Khánh đi
Đường xa bom phá tàu không về
Lênh đênh ai hát ngoài song cửa
Bài ca thanh bình đêm cũ
“Hoa lá quên giờ tàn
Mây trắng bay tìm đàn”
Ngày xưa yên ấm quá
Trẻ hát đồng dao trên phố
Con trai xách điếu đi cày
Con gái quang liềm gặt lúa
Bao giờ hết loạn người ơi
Cạn cùng nhau chén nữa
Tàn canh là xa xôi
Lòng như vầng trăng nhọn
Chém giữa trời không nguôi.
Hôm trước đã đọc một bài thơ của LQV viết cho Xuân Quỳnh. Hôm nay mời đọc một bài thơ của LQV viết cho Nguyễn Thị Hiền. Đúng như bạn thân của ông, nhà nghiên cứu văn học Vương Trí Nhàn nhận xét
“Những bài thơ hay nhất của Lưu Quang Vũ chính là những bài thơ viết về họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, viết cho họa sĩ Nguyễn Thị Hiền”
những bài thơ viết cho người đàn bà này bao giờ cũng thiết tha da diết đến đắm đuối (mượn chữ của nhà thơ Vũ Quần Phương)
Tôi mong em từ ngày thơ xa lắc
Tôi tìm em trong bao trang sách đọc
Tôi đợi em trên mọi ngã ba đường
Tôi gọi em khản giọng những đêm sương
Tôi lầm lạc ngỡ em không có thực
Em thuở ấy nơi nào, em có biết
Sao ngày xưa ta chẳng đến cùng nhau
Mời đọc nguyên bài thơ:
Gởi Hiền Mùa Đông
(Tặng Nguyễn Thị Hiền)
Có lẽ bởi lòng nhiều tan vỡ quá
Gặp em rồi tôi vẫn chẳng dám tin
Sớm mùa đông tôi ra phố tìm em
Vẫn không hiểu vì sao em đã đến
Tôi mong em từ ngày thơ xa lắc
Tôi tìm em trong bao trang sách đọc
Tôi đợi em trên mọi ngã ba đường
Tôi gọi em khản giọng những đêm sương
Tôi lầm lạc ngỡ em không có thực
Em thuở ấy nơi nào, em có biết
Sao ngày xưa ta chẳng đến cùng nhau
Phút bàng hoàng nhớ hết mọi buồn đau
Tôi khóc trên tay em lặng lẽ
Tôi sợ lắm, mùa đông sương buốt thế
Em có là mãi mãi để tôi yêu
***
Như hai kẻ lạc loài nay nhận ra nhau
Em chẳng kể về những ngày xa cách
Anh nhìn em đoán thầm trong đáy mắt
Thấy nghẹn ngào khát vọng của đời anh
Giờ khắp nơi những tấm gương trong
Đã vỡ vụn sau dập vùi bom đạn
Người con giai yêu em
Đã chết ngoài mặt trận
Thành phố nghèo mùa đông
Ai cũng bàn về chiến tranh chấm dứt
Điều cần nói cùng em chưa nói được
Lòng anh buồn như một đóa ca dao
Những tượng thần trên vách đổ lao đao
Đêm khuya lắm, chắc rằng em đã ngủ
Nghe lại bài thơ Tiếng Việt qua giọng đọc của Vũ Thanh Sơn - dành cho ai nghe ngâm thơ mà buồn ngủ
Nghe lại lần nữa bản nhạc của Lê Tâm với clip Tiếng Việt - chuyện kể bằng âm nhạc và tranh vẽ do Lê Xuân Khoa cùng Nguyễn Tiến Dũng thực hiện:
Về chủ đề tiếng Việt, Phạm Duy có một ca khúc đặc sắc
Hồi bên Yahoo entry này có đến hơn 100 còm. Tiếc là hồi save lại ko cẩn thận nên còm bị cụt khá nhiều. Lưu lại một số còm kỉ niệm
Trả lờiXóa1
Tào Thăng[color="blue"]
Tiếng Việt ơi, tiếng Việt ân tình!
Xót xa tình nghe hay hơn Anh Khủng nhỉ?
Chủ đề là Tiếng Việt, bài thơ và bài hát đều rất hay nhưng Ngộ thấy còn hơi lấn cấn vì cả bản trên và một bản nữa dưới đây đều xuất hiện nhị hồ chứ không phải độc huyền cầm, rồi mực tàu, rồi chữ Nho...[/color]
------
Trả lời
Trong clip thấy có nhị hồ và cả đàn nguyệt.
http://img243.imageshack.us/img243/5444/ho1dv8.jpg
http://img128.imageshack.us/img128/8867/nguyet1xz5.jpg
Hai cây đàn này dù xuất xứ từ TQ nhưng đã du nhập vào VN từ lâu, và được xem là nhạc cụ dân tộc, có mặt trong dàn nhạc cung đình Huế, cả trong dàn nhạc tài tử Nam bộ - ở đây đàn nhị gọi là đàn cò và đàn nguyệt gọi là đàn kìm.
Thật ra như tên gọi chỉ rõ, nhị hồ là một loại đàn của người Hồ, du nhập vào TQ rồi từ đó đi qua Nhật, Triều và VN .. chư cũng chả phải của Tàu.
Nhưng vấn đề có lẻ ko phải là nhạc khí gì mà là nhạc khí đó tấu thứ nhạc gì ? Đàn bầu mà chơi Tiêu Cầm Khúc thì cũng là nhạc Tàu thôi.
Cuốn sách chữ Hán trong clip là cuốn Đại Việt Sử Kí Toàn Thư.
Chữ Tàu hiện diện khắp nơi ở VN, từ câu đối ở đình đến trang gia phả trong nhà; từ sách sử, thơ phú đến bài văn khắc trên bia mộ .. Và cũng như chuyện cây đàn, thật ra vấn đề là dùng chữ Tàu để viết cái gì ?
Các hình ảnh xưa cũ trong clip các tác giả dùng phải chăng là để minh họa sức sống của tiếng Việt - trải qua bao năm tháng, kể cả thời mà chữ viết chính thức là chữ Tàu thì tiếng Việt vẫn được giữ gìn, tồn tại và phát triển ?
2
Trả lờiXóa[color="blue"]Dr Tào Thăng
Ngộ cũng nghĩ như vậy, cảm ơn Anh khai tâm.
Anh có thấy tiếng Việt ta có vấn đề gì ở đây không nhé.
Thắng và thua là hai chữ phản nghĩa. Thua và bại là hai chữ đồng nghĩa. Vậy mà, hai câu nói: "Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán" đồng nghĩa với câu "Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán"? Không thể viết là "Ngô Quyền đánh thua quân Nam Hán"!!! Phải không nào? Rồi còn, "áo ấm " tương đương với "áo lạnh ", " nín thinh" giống như " làm thinh" trong khi ấm và lạnh phản nghĩa nhau, nín và làm cũng là những động từ đối nhau. Rồi ba hồi mấy ông dùng tiếng Hán như Quốc gia rồi đổi thành tiếng Nôm ra Nhà nước , Trực thăng (có thể không cần chữ máy bay phía trước) thành Máy bay Lên thẳng (phải có chữ máy bay phía trước), Thủy quân lục chiến thì đổi là Lính thủy đánh bộ , sao không gọi luôn là lính nước đánh đất ??? Lễ động thổ thì không thể sửa lại là Lễ động đất mặc dầu là thổ là đất ?
[/color]
----
Trả Lời
áo ấm = áo lạnh, đánh thắng = đánh bại, nín thinh = làm thinh.
Vậy:
ấm = lạnh, thắng = bại, nín (ko làm) = làm ?
lại nữa: làm thinh khác làm ồn, trong khi thinh (thanh) = ồn; đánh bại khác đánh thua, trong khi bại = thua.
nghe có vẻ sắc sắc ko ko nhở ?
GS Trần Quốc Vượng viết:
Tiếng Việt dân gian cũng có khi đi vào thế giới vô ngôn của thiền sư VÔ NGÔN THÔNG, tổ sư của dòng thiền thứ hai của đất Việt, người Việt .
Thí dụ như: LÀM ỒN: Nghĩa là tạo ra âm thanh tức là làm thanh. Nhưng LÀM THANH (THINH): lại có nghĩa là IM TIẾNG
(trích từ Dân gian và Bác học trong tập Trong Cõi )
Thực ra thì sao ? Theo tôi nghĩ:
1. áo ấm = áo [để mặc cho] ấm, áo lạnh = áo [để mặc khỏi] lạnh. Trong hai cụm từ này, phần trong ngoặc [ ..] đã bị bỏ đi (vẫn ko gây hiểu sai ý) tạo thành các danh ngữ áo ấm, áo lạnh (và cả áo rét).
Tương tự với hai động ngữ đánh thắng, đánh bại.
2. Về nín thinh , Nguyễn Hưng Quốc có viết ở đây rằng theo Lê Trung Hoa thực ra nó chỉ là biến âm của từ Hán Việt hàm thanh .
(còn tiếp)
Còm em đâu? He he, anh K! :D
XóaHồi LQV làm bài thơ Tiếng Việt chắc em còn mặc zero-niki tắm mưa nhỉ :))
Xóa-----------
(trả lời tiếp còm dr taothang)
[color="blue"]Rồi ba hồi mấy ông dùng tiếng Hán như Quốc gia rồi đổi thành tiếng Nôm ra Nhà nước , Trực thăng (có thể không cần chữ máy bay phía trước) thành Máy bay Lên thẳng (phải có chữ máy bay phía trước), Thủy quân lục chiến thì đổi là Lính thủy đánh bộ , sao không gọi luôn là lính nước đánh đất ??? Lễ động thổ thì không thể sửa lại là Lễ động đất mặc dầu là thổ là đất ?[/color]@Dr Tao Thang
Đã có một thời người ta bài trừ hai chữ trực thăng và thay nó bằng mấy chữ máy bay lên thẳng, vì trực thăng là “từ Hán-Việt”, một thứ từ ngữ “ngoại lai”, “đi mượn của người Hán”, tức là từ của tiếng nước ngoài, còn lên thẳng là từ “thuần Việt”, là sản phẩm “cây nhà lá vườn” đáng tự hào của người Việt Nam “chính cống”, tức người “Kinh”, người “Giao Chỉ”, người “Keo” hay người “Yuôn”.
Việc sử dụng nhiều các từ Hán-Việt được nhiều người coi là một hành vi lạm dụng, thậm chí vô đạo đức, cần tránh đến mức tối đa, nhất là khi đã có sẵn những từ “thuần Việt” có thể dùng để thay thế, và việc thay thế này được coi là một nghĩa cử có tác dụng “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của mọi công dân nước Việt. Việc thay thế trực thăng bằng lên thẳng đã từng được đánh giá là “một thành tựu lớn lao trong việc bảo vệ nền văn hóa dân tộc”.
(Từ "Hán Việt" và "Thuần Việt" - Cao Xuân Hạo)
Thời cực đoan đòi dẹp hết các từ Hán Việt, thay bằng thuần Việt đã qua lâu rồi, ngày nay ngay một học sinh lớp 7 cũng đã được dạy (nhưng liệu có mấy đứa hiểu và nhớ nhỉ ? :-? ) giữa từ Hán Việt và từ thuần Việt tương ứng dù nghĩa có giống thì vẫn có sư khác biệt lớn về sắc thái biểu cảm, vì vậy vấn đề là sử dụng thế nào cho thích hợp chứ ko phải dẹp bỏ hay bênh vực. Nói anh Tèo và phu nhân thì lố bịch, nhưng nói Ông chủ tịch nước và vợ cũng buồn cười ko kém.
Ngoài ra khái niệm từ thuần Việt cũng không phải đã được hiểu thống nhất giữa các nhà nghiên cứu.
Về vấn đề này, ngoài bđd của GS Cao Xuân Hạo, có thể xem thêm bài này của GS Trần Trí Dõi
Em không đọc được bài ở trang Nhân Văn của Lê Trung Hoa, Nguyễn Hưng Quốc về "nín thinh". Nhưng nếu biến âm thì từ hàm thanh >>> làm thinh >>> nín thinh, là cả quá trình không dễ dàng gì. Và cũng có nhiều uẩn khúc nữa.
XóaVí dụ, ngay cả trong tiếng Trung thì dân Trung Hoa họ cũng rất ít khi dùng "hàm thanh" trong văn nói, điều này đi ngược thói quen của các nhà ngôn ngữ học, là khi đi mượn tiếng Hán-Việt thì thường chọn những từ giao tiếp rất thông dụng của xã hội.
Mặt khác, "nín thinh", "làm thinh", "lặng thinh", "thinh không", và rất nhiều "thinh" khác, tính địa lý kiểu Đàng ngoài Đàng trong thì hầu như dân Bắc rất ít ai dùng những từ này, mà chỉ thấy nhiều ở Đàng trong, đặc biệt là càng xuôi về miền Tây thì nghe càng nhiều. Nên nếu là Hán-Việt, thì sự ảnh hưởng của nó phải tiếp cận miền Bắc trước mới phải.
Nói theo quan điểm bác Vượng thì vô chừng quá, Phật pháp vô biên, khó phản bác mà cũng quá khó để đồng thuận. Cũng chưa ai đặt giả thiết "thinh" chẳng phải là "thanh" đọc trại thành, mà thật ra có gốc Champa hay Khmer gì đó, hay chính là từ thuần Việt ko liên quan gì ngoại quốc... Nhưng dù sao thì quy nó về cho Hán ngữ, vẫn thấy có nhiều bất cập. Tỷ như, không lý nào cha ông ta chuyển tất cả các loại "thanh" thành tất cả các loại "thinh", nhưng lại chừa "thanh âm", thanh này thanh nọ, nhiều loại thanh khác vẫn còn ở lại...
Còn bác Cao Xuân Hạo thì phong cách nổi tiếng quá rồi. Chẳng biết cái thời mà họ đổi bảng chữ cái loạn cào cào châu chấu lên, cái thời gọi là cải cách, thì có công của bác ấy hay không. Nhưng đi đâu mà gặp những quy chụp kiểu "bảo vệ văn hóa dân tộc" hay "gìn giữ sự trong sáng tiếng Việt" thì đều nghĩ đến bác ấy ngay.
Nhưng nếu biến âm thì từ hàm thanh >>> làm thinh >>> nín thinh, là cả quá trình không dễ dàng gì. Và cũng có nhiều uẩn khúc nữa.
XóaĐồng ý!
"nín thinh", "làm thinh", "lặng thinh", "thinh không", và rất nhiều "thinh" khác, tính địa lý kiểu Đàng ngoài Đàng trong thì hầu như dân Bắc rất ít ai dùng những từ này . Cũng đồng ý. Tui chưa bao giò dùng! :D
Còn những cái khác, Ka đóng vai ngồi nghe hai chuyên da, ấy chết, chuyên gia thui.
Tui...nín thinh!
<3
[color="blue"]Em không đọc được bài ở trang Nhân Văn[/color]
XóaSorry, cóp lại còm cũ, ko để ý link bị chết. Bạn có thể click: vnthuquan để đọc bài của Nguyễn Hưng Quốc.
Tiếc rằng trong bđd Nguyễn Hưng Quốc chỉ điểm qua kết quả, và dẫn nguồn ở cước chú 2
[size="12"]2. Lê Trung Hoa, "Tìm nguồn gốc một số từ ngữ tiếng Việt qua các hiện tượng biến đổi ngữ âm", in trong cuốn Những vấn đề văn hoá, văn học và ngôn ngữ học (nhiều tác giả), nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1999: 211-225. [/size]
mà ko trình bày lập luận của Lê Trung Hoa.
Rất tiếc tôi cũng chưa đọc được bài này của Lê Trung Hoa nên ko rõ lập luận của ông về con đường biến âm từ hàm qua làm là như nào, nhưng sự tương ứng giữa thinh và thanh thì có rất nhiều: bính > bánh, chính > chánh, sinh thời > sanh thời ..
Việt Nam Từ Điển của Hội Khai trí Tiến Đức cũng cho nghĩa:
[color="blue"]Thinh: xem làm thinh.
Tiếng. Xem chữ "thanh"[/color]
.
Trong bđd Nguyễn Hưng Quốc ko trình bày lại lập luận của Lê Trung Hoa về sự biến âm từ hàm thanh thành nín thinh, nhưng đã sử dụng một số thí dụ của Lê Trung Hoa để viết về hiện tượng lí thú này.
Xóa[color="blue"]một hiện tượng rất phổ biến trong tiếng Việt: hiện tượng biến âm. Biến âm không phải chỉ vì nói ngọng, kiểu "long lanh" thành "nong nanh" hay "nôn nao" thành "lôn lao" như một số người ở một số địa phương nào đó. Biến âm cũng không phải chỉ vì phương ngữ, kiểu "về" thành "dề" như ở miền Nam, hay "nhà" thành "dà" như ở một số làng huyện ở miền Trung, "trung trinh" thành "chung chinh" như ở miền Bắc. Điều đáng nói hơn là những hiện tượng biến âm xuất phát từ những quy luật nội tại của ngôn ngữ, những sự biến âm có mặt ở mọi vùng đất nước và nếu không tự giác và tốn công truy lục, chúng ta sẽ không thể nào tái hiện được nguyên dạng của nó. Chúng ta dễ ngỡ biến âm là chính âm. Dễ ngỡ nó tự nhiên là thế. Ví dụ, để diễn tả tâm sự buồn nào đó dần dần giảm nhẹ đi, chúng ta hay dùng chữ "nguôi ngoai". Đúng ra là "nguôi hoai". Trong các từ điển cổ, "hoai" có nghĩa là phai nhạt. Nghĩa ấy, cho đến bây giờ chúng ta vẫn dùng trong chữ "phân đã hoai". "Nguôi hoai" là từ ghép chỉ sự phai dần của một nỗi buồn, một niềm đau. Tương tự như vậy, chữ "yếu ớt" chúng ta hay dùng ngày nay là do chữ "yếu nớt". "ớt" thì không có nghĩa gì cả. Trong khi "nớt" có nghĩa là sinh thiếu tháng, vẫn còn dùng trong từ "non nớt". "Yếu nớt", do đó, có nghĩa là yếu đuối, là non nớt. Chữ "nói mớ" thật ra là biến âm của chữ "nói mơ", nói trong giấc mơ. "Nước miếng" thật ra là biến âm của "nước miệng", nước chảy ra từ miệng, cùng cách kết cấu với các chữ nước mắt hay nước mũi. Chữ "to tát" hiện nay tất cả các từ điển đều viết với chữ T ở cuối, TáT; nhưng trong Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của thì lại viết chữ TáC kết thúc bằng C: "to tác", kèm theo lời định nghĩa là: thô kệch, lớn tác. Mà chúng ta đều biết chữ TáC có nghĩa là tuổi hay vóc dáng, như trong các từ tuổi tác, tuổi cao tác lớn, hay ngày xưa người ta nói bạn tác, tức bạn hữu; trang tác, tức cùng lứa, cùng tuổi với nhau.[/color]
Ngữ âm học lịch sử là một vấn đề thú vị, nhưng cũng rất khó ..
[color="blue"]Ví dụ, ngay cả trong tiếng Trung thì dân Trung Hoa họ cũng rất ít khi dùng "hàm thanh" trong văn nói, điều này đi ngược thói quen của các nhà ngôn ngữ học, là khi đi mượn tiếng Hán-Việt thì thường chọn những từ giao tiếp rất thông dụng của xã hội.[/color]
XóaVề từ Hán Việt có thể chia thành các lớp như sau
1. từ Hán Việt dùng với nghĩa như nhau ở Tàu và Việt Nam
2. từ Hán Việt ở Tàu dùng với nghĩa khác, Việt Nam dùng với nghĩa khác
Thí dụ thủ đoạn Tàu dùng với nghĩa phương pháp, Việt dùng với nghĩa như thế nhưng hàm ý xấu
tử tế Tàu dùng với nghĩa kỉ càng, Việt dùng với nghĩa tốt bụng
Những từ thuộc lớp này được cho là người Việt dùng sai, thành quen.
3. từ Hán Việt do người Việt tạo ra, Tàu ko có, hoặc có nhưng dùng nghĩa hoàn toàn khác
Thí dụ Bác sĩ ở VN dùng với nghĩa là medical doctor, ở Tàu dùng với nghĩa Ph.D. Trong khi đó Y sĩ ở Tàu dùng với nghĩa medical doctor thì ở VN dùng chỉ nhân viên Y tế được đào tạo 3 năm.
Thuộc lớp từ này có: đặc công, thể công, công an, thúc bách, đại đội, tiểu đoàn, thiếu tá, hao mòn, ca hát, hiểm nghèo, thanh vắng, ca ngợi, người bệnh, tàu thuỷ, tàu hoả, cướp đoạt ...
Gõ còm xong, thấy thêm bài này về Từ Hán Việt, hình như là một luận văn, lưu livk để rảnh đọc:
XóaTừ Hán Việt trong Sách giáo khoa Ngữ văn 10 (Ban cơ bản)
HB qua thăm K đây!
Trả lờiXóaK vẫn sưu tầm đầy những kiến thức bỏ quên, ngủ quên để gọi Người!
HB phục K lắm rồi!
Khỏe nha K!
tks Ha Bang nhé.
XóaNhưng phục hay ko ko quan trọng bằng việc em có dành được thời gian để đọc bài ko :-?
Chúc HB cuối tuần vui khỏe nhé
Vũ.
Trả lờiXóaThơ em bị ảnh hưởng rất nhiều của Vũ.
Chàng trai đa tình, đào hoa, tài hoa, nhiều trăn trở và dày vò trong tâm tưởng, lý tưởng cho đến khi chàng gặp Quỳnh, người tình hơn chàng đến 7 tuổi thì mảnh ghép số phận mới được bắt đầu từ đó...
Vũ....
Anh làm em run rẩy vì Vũ chạm vào hồn em rồi.
Trong bút danh đầu tiên khi tham gia diễn đàn em lấy họ Vũ. Vũ HH là Vũ này đây anh...
Ah, hóa ra em mê LQV đến mức lấy tên ổng làm họ nick :-o
XóaThật ra, anh cũng thích thơ LQV hơn XQ. Vũ Quần Phương khi bình thơ LQV dùng từ một hồn thơ đắm đuối, anh thấy nhận xét này rất đúng, kể cả trong các trăn trở của mình, ông cũng đẩy nó đi rất xa, rất sâu .. Diều này đặc biệt đúng khi viết về tình yêu, nhất là tình yêu với bà Hiền - người đàn bà ko có tên, người đàn bà lấy nhau chẳng đặng ..
[color="blue"]Dr Tào Thăng
Trả lờiXóaTranh thủ chỉ giáo, Ngộ xin được hỏi tiếp Anh:
Trong tiếng Việt, ngựa đen thì gọi là ngựa ô , chó đen thì kêu là chó mực , mèo đen thì gọi là mèo mun , gà đen thì là gà quạ , mực đen là mực tàu , tóc đen thì hóa thành tóc nhung hoặc tóc huyền . Đã là màu đen rồi mà người Việt còn nhấn mạnh thêm mức độ đen như đen thủi , đen thui , rồi đen tuyền , đen thắm , tím đen , đen ngắt , đen bóng , đen sì , đen đủi , đen thẳm , đen óng , đen thùi lùi , đen kịt , đen dòn , ... Còn để chỉ màu ít đen hơn thì người Việt dung chữ đen hai lần: đen đen (sao gấp 2 lần mà lại ít hơn nhể?).[/color]
Trả lời:
ngựa ô = ngựa [đen như] quạ.
Ô Từ điển Thiều Chữu cho 5 nghĩa trong đó nghĩa 1: con quạ, nghĩa 2: đen. dễ thấy nghĩa 2 chỉ là nghĩa phái sinh từ nghĩa gốc 1.
Nhưng vì sao người ta nói ngựa ô mà ko nói ngựa mực hay ngựa mun ? có lẻ ban đầu chắc cũng dùng nhiều kiểu ví von .. nhưng rồi cách ví ngựa ô được nhiều người thấy hay, học theo dùng, phổ biến và theo thời gian nó trở thành từ ghép cố định ngựa ô, các cách ví khác bị xem là ko chuẩn mực.
Từ Điển Thiều Chữu ngoài ngựa ô còn cho thêm thí dụ gà ô. Ko biết các địa phương khác như nào, địa phương mình thì ko thấy ái dùng gà ô mà chỉ dùng gà quạ, gà ác để chỉ giống gà đen ..
Đã có người nhận xét người Việt vốn ưa suy nghĩ hình tượng, cụ thể. Đây có thể xem là một minh chứng: ko thích nói trống không là ngựa đen, mà phải là ngựa ô = ngựa đen như con quạ, mèo mun = mèo đen như gỗ mun ..
[color="blue"]Đã là màu đen rồi mà người Việt còn nhấn mạnh thêm mức độ đen như đen thủi , đen thui , rồi đen tuyền , đen thắm , tím đen , đen ngắt , đen bóng , đen sì , đen đủi , đen thẳm , đen óng , đen thùi lùi , đen kịt , đen dòn , ... Còn để chỉ màu ít đen hơn thì người Việt dung chữ đen hai lần: đen đen (sao gấp 2 lần mà lại ít hơn nhể?)[/color]
XóaTrong tiếng Việt để làm giảm mức độ của một adj A người ta dùng các cách sau:
1. ghép với hơi, khá.
thí dụ hơi trắng, khá đen ..
2. lập từ láy dạng A'+A, trong đó A là adj gốc, A' là A bị biến thanh thành thanh bằng (huyền hoặc ko dấu). Thí dụ
nhẹ >> nhè nhẹ
Tương tự: trăng trắng, cưng cứng, nho nhỏ, hèm hẹp, be bé ..
Còn để tăng nghĩa thì có các cách sau:
1. kết hợp với rất, lắm ..
2. lập từ láy dạng A+A'
thí dụ: đen >> đen đúa, đen đủi
trắng trẻo, ngắn ngủn,
3. lập từ láy dạng A'+A, trong đó A' là A biến thanh thành thanh trắc (khác với trường hợp giảm nghĩa, A' mang thanh bằng)
Thí dụ: con >> cỏn con.
4. lập từ láy ba, láy tư
thí dụ: sạch sành sanh, ..
Còm cũ yahoo (tiếp)
Xóa4
[color="blue"]Yenvy
đen đen, xa xa: giảm nghĩa.
Nhưng ầm ầm, ào ào, ùn ùn, ... lại tăng nghĩa
Anh Khùng gth như thế nào ạ [/color]
Đúng là trong nhiều truòng hợp ta khó xác định kết hợp ấy dạng A'+A hay A+A' để nói nó làm giảm nghĩa hay tăng nghĩa .. Điều này tùy ngữ cảnh để cảm nhận thôi, đặc biệt khi nghe nói trực tiếp, ngôn ngữ hình thể, trọng âm từ .. góp phần giúp ta hiểu đúng ý người nói.
Thí dụ: với từ dài dài
1. cái áo này trông dài dài nhỉ = cái áo hơi dài
2. bà mà cứ la mắng tui hoài thế, tui bỏ nhà đi dài dài cho bà biết mặt nhé = đi lâu ko về (dọa vợ :d)
Trong bđd của NHQ có đoạn viết về từ nguyên của vợ-chồng rất thú vị, yahoo cũ có trích, giờ cũng trích lại mọi người đọc cho vui. Sau khi trích, mọi người còm vui nhưng spam quá xá, ko cop lại nữa.
Xóa[color="blue"]Trước đây, đã lâu lắm, đọc cuốn Ngôn Ngữ và Thân Xác của Nguyễn Văn Trung, tôi thấy tác giả giải thích hai chữ "vợ chồng" đại khái như sau: "Chồng" là chồng lên nhau, nằm lên nhau. Còn chữ "vợ"? Nguyễn Văn Trung chỉ viết bâng quơ, trong câu chú thích in cuối trang: "chữ vợ phải chăng là vơ, vớ, đọc trại đi, theo giọng nặng; nếu thế, chữ vợ chỉ thị việc quơ lấy quàng lên, vơ vào, phù hợp với việc chồng lên trong hành động luyến ái?" (tr. 40)
Đọc đoạn ấy, tôi hơi ngờ ngờ, nhưng rồi cũng bỏ qua, không chú ý mấy. Gần đây, tôi sực nhớ lại vấn đề ấy khi đọc cuốn Phương Ngữ Bình Trị Thiên của Võ Xuân Trang. Tôi được biết là ở Bình Trị Thiên, thay vì nói cái "vai", người ta lại nói cái "bai"; thay vì nói đôi "vú", người ta lại nói đôi "bụ"; thay vì nói "vải", người ta lại nói "bải"; thay vì nói "vá" áo, người ta nói "bá" áo; thay vì nói "vả" (vào miệng) , người ta lại nói "bả" (vào miệng), v.v... Qua những sự hoán chuyển giữa hai phụ âm V và B như thế, tự dưng tôi nảy ra ý nghĩ: phải chăng nguyên uỷ của chữ "vợ" là... bợ? "Vợ chồng" thực ra là "bợ chồng"?
Tôi càng tin vào giả thuyết trên khi nhớ lại, trong tiếng Việt hiện nay, có cả hàng trăm từ nguyên thuỷ khởi đầu bằng phụ âm B đã biến thành V như thế. Nhiều nhất là từ âm Hán Việt chuyển sang âm Việt. Ví dụ: trong chữ Hán, chữ "bái" sang tiếng Việt thành "vái"; chữ "bản" sang tiếng Việt thành "vốn" và "ván"; chữ "bích" sang tiếng Việt thành "vách"; chữ "biên" sang tiếng Việt thành "viền"; chữ "bố" sang tiếng Việt thành "vải"; chữ "bút" sang tiếng Việt thành "viết"; chữ "bà phạn" sang tiếng Việt thành "và cơm", v.v...
[/color]
(còn tiếp)
(tiếp)
Xóa[color="blue"]Theo Nguyễn Tài Cẩn, trong cuốn Giáo Trình Lịch Sử Ngữ Ấm Tiếng Việt (sơ thảo), quá trình hoán chuyển từ B đến V kéo dài khá lâu cho nên hiện nay thỉnh thoảng cả hai biến thể B/V vẫn còn tồn tại song song với nhau, như: băm và vằm (thịt); be và ve (rượu hay thuốc); béo và véo; bíu và víu, v.v...
Chúng ta biết là hiện tượng tồn tại song song của hai biến thể như thế không phải chỉ giới hạn trong hai phụ âm B và V. Theo nhiều nhà ngôn ngữ học, ngày xưa, từ khoảng thế kỷ 17 trở về trước, trong tiếng Việt có một số phụ âm đôi như BL (blăng, blời...), ML (mlầm) hay TL (tlánh). Đến khoảng thế kỷ 18, các phụ âm đôi ấy dần dần rụng mất. Điều đáng chú ý là khi những phụ âm đôi ấy rụng đi thì chúng lại tái sinh thành một số phụ âm khác nhau. Ví dụ phụ âm đôi TL sẽ biến thành TR hoặc L, do đó, hiện nay, chúng ta có một số chữ có hai cách phát âm và hai cách viết khác hẳn nhau, cùng tồn tại song song bên nhau, đó là các chữ tránh và lánh; trộ và lộ, trồi và lồi, trêu và lêu, trũng và lũng, trộn và lộn, trọn và lọn, trệch và lệch, trèo và leo, tràn và lan, v.v... Trong khi đó phụ âm đôi ML sẽ biến thành L hoặc NH, bởi vậy, chúng ta cũng có một số từ tương tự, như lầm và nhầm, lời và nhời, lẽ và nhẽ, lát và nhát, lạt và nhạt, lớn và nhớn.(3) Trong những cặp từ tương tự vừa kể, có một số chữ dần dần bị xem là phương ngữ hoặc là cách nói cổ, càng ngày càng ít nghe, như các chữ Nhớn, Nhời, và Nhẽ. Thay vào đó, chúng ta sẽ nói là lớn, lời và lẽ. Tuy nhiên, những chữ khác thì cho đến nay cũng vẫn còn tồn tại khá phổ biến, ví dụ chúng ta có thể nói là rượu lạt hoặc rượu nhạt; nói lầm lẫn hoặc nhầm lẫn; nói một lát dao hay một nhát dao đều được cả.
Đặt trong toàn cảnh mối quan hệ giữa hai phụ âm B và V cũng như quá trình biến đổi phụ âm đầu như thế, chúng ta sẽ thấy ngay giả thuyết cho nguồn gốc của chữ "vợ" trong "vợ chồng" là "bợ" rất có khả năng gần với sự thật. "Vợ chồng" như thế, thực chất là "bợ chồng". "Bợ": từ dưới nâng lên; "chồng": từ trên úp xuống. Danh từ "bợ chồng" diễn tả tư thế thân mật giữa hai người nam nữ khi ăn ở với nhau. Cách gọi tên khá thật thà như thế kể cũng thú vị đấy chứ?
[/color]
[size="12"]3. Xem bài "Vài chuyển biến trong phụ âm đầu tiếng Việt và các hiện tượng láy từ liên hệ" của Nguyễn Phú Phong trên Tập san Khoa Học Xã Hội (Paris) số 3 năm 1977, tr. 73-80. [/size]
Lưu lại mấy đường link bài tham khảo
Trả lờiXóaBS Nguyễn Hy Vọng. Tự điển nguồn gốc tiếng Việt
http://chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Ngon-Ngu/Chu_Nho_voi_van_quoc_ngu/
Cao Xuân Hạo. Mấy nhận xét về chữ Quốc ngữ
Cao Xuân Hạo. Chữ Tây và chữ Hán, thứ chữ nào hơn?
Cao Xuân Hạo . Sách dạy tiếng Việt và tiếng Việt thật
Cao Xuân Hạo. Mấy vấn đề về văn hóa trong cách xưng hô của người Việt
Trịnh Hữu Tuệ. Một cách nhìn tiếng Việt ‚quái gở’?
Nguyễn Hưng Quốc. Một đặc điểm tiếng Việt.
Nguyễn Phú Phong. Về vấn đề láy từ trong tiếng Việt
Danh Từ hán Việt thường dùng
TỪ ĐIỂN HÁN VIỆT (Bản thử nghiệm, chưa xb) - Ngô Đúc Thọ