Trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2014, Bộ trưởng Luận phát biểu đại khái là Dạy và học ngoại ngữ ở ta không giống ai.
Nói chung, xưa nay bài học tiếng Anh thường bắt đầu bằng một đoạn text, dài ngắn tùy trình độ, được chọn sao cho có chứa một số mẫu câu và từ mới, nhưng không quá nhiều. Giáo viên đọc to bài khóa vài lần, rồi cho ghi và tập đọc từ mới, giải thích các điểm ngữ pháp, sau đó là các bài tập sử dụng mẫu câu vừa học. Có thể có thêm phần giáo viên mở máy cho nghe Tây đọc bài khóa một hai lần, gọi là luyện nghe; gọi vài học sinh đóng vai nhân vật trong bài khóa đọc lại các câu đối thoại, gọi là luyện nói .. đại khái thế.
Không còn nghi ngờ gì nữa, cách học tiếng Anh kiểu truyền thống ấy không hiệu quả. Bởi trừ một số ít, còn thì sinh viên sau 10 năm học tiếng Anh, ra trường đi làm, sếp đưa tập tài liệu tiếng Anh tham khảo thì trợn mắt. ra đường gặp ông Tây balo hỏi gì đấy thì há há, ..
Các nhà giáo dục hiện đang tranh cãi về nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh học hoài không biết tiếng Anh. Người bảo do chương trình, do sách giáo khoa dở, cần viết lại hay mua luôn sách Tây về mà dạy. Người bảo do giáo viên kém chất lượng, cần phải chuẩn hóa, đào tạo lại. Người bảo do việc kiểm tra chất lượng học tiếng Anh không tốt, không tạo được động lực học tập.
Trong lúc chờ đợi các nhà ấy tranh luận, ta phải tự cứu mình thôi. Bởi trong thời đại hiện nay, không có tiếng Anh thì gì cũng khó. Đang đi học thì không ra trường được, không học thêm, không du học gì sất .. Ra trường rồi thì khó tìm được việc làm - giờ tuyển gì người ta cũng yêu cầu khả năng giao tiếp tiếng Anh, kể cả công ti, cơ quan của người Việt. Chưa kể đến biết tiếng Anh nghe Whitney Houston, nghe Taylor Swift, .. hát, cảm xúc cũng khác nhiều khi không hiểu ca từ, chỉ cảm nhận giai điệu. Chưa kể có thể nghe , xem đài báo Tây, đầu óc cũng bớt tù mù. Chưa kể những trường hợp đặc biệt khác. Hàng xóm có con rễ Đài. Mỗi lần tới thăm, bà ngoại chỉ cười cười xin-xia xin-xia .. May ông ngoại biết chút tiếng Anh, cùng con rễ vừa nói vừa hoa tay múa chân, vui đáo để ..
Nhưng liệu ta có thể tự cứu mình ? Cụ thể là, liệu ta có thể học giỏi tiếng Anh không ? Cần phải có năng khiếu đặc biệt hay điều kiện gì ? Tại sao học bao lâu không giỏi được ? Phải học như nào cho giỏi ?
1. Ta có thể học giỏi tiếng Anh không ? Cần phải có năng khiếu đặc biệt hay điều kiện gì ?
Không đòi hỏi năng khiếu đặc biệt gì, nhưng điều kiện thì có. Đó là lòng tin và sự kiên trì.
Trước hết phải tin mình không những học được, còn có thể học giỏi. Đây thực ra là một điều rất hiển nhiên về mặt logic: Một đứa trẻ Mỹ IQ cực thấp vẫn có thể nói tiếng Anh thì không lí gì ta không thể. Tuy nhiên sau nhiều năm học hành không kết quả, nhiều người mất đi lòng tự tin. Không tin mình có thể học giỏi thì làm sao học giỏi ?
Điều kiện tiếp theo là sự kiên trì. Với các bạn xưa nay vốn nhanh chán, hơi bị lười thì làm sao đây? Bạn phải chọn lựa thôi. Hoặc là yên phận, hoặc là một viễn tượng tốt đẹp hơn khi làm chủ được thứ ngôn ngữ này - học thêm, thăng tiến nghề nghiệp, mở mang kiến thức, dạy con, .. Tự bản thân phải đề ra những mục tiêu, cả dài hạn lẫn ngắn hạn. Những mục tiêu ngắn hạn phải thật cụ thể, gần gũi, khả thi. Kết quả đạt được sẽ giúp bạn thêm động lực để đi tiếp. Nhiều người lúc đầu học tiếng Anh chỉ vì không thể không học. Dần dần trong quá trình học thu được một số kết quả, thấy được sự ích lợi, sự thú vị của chính việc học tiếng Anh, đâm ra ham thích. Ham thích rồi thì sẽ không thiếu kiên nhẫn. Nghe kể nhà thơ Thu Bồn hồi thích một cô ở Huế, hơn tháng trời đêm nào cũng tới đứng trước nhà nàng, gió mưa cũng kệ, muỗi mòng cũng cam .. Chắc nhiều người cũng từng có cái kinh nghiệm như nhà thơ quá cố.
2. Thế tại sao học bao lâu không nghe không nói được ?
Trong bài báo dẫn trên, ông BT Luận nhận xét "Việc dạy ngoại ngữ ở ta không giống ai". Thật ra việc học tiếng Anh ở VN giống khá nhiều nơi. Theo dõi trên các diễn đàn học tiếng Anh, không thiếu học viên các nước kêu ca về việc học nhiều năm tiếng Anh vẫn không nghe nói được. Việc học kém tiếng Anh như này cũng không phải xảy ra mới bây giờ. Trước 1975 ở Nam cũng thế, dù bấy giờ thời khóa biểu dành nhiều thời gian cho Anh văn hơn (nhớ không lầm thì 6 giờ / tuần), và giáo trình học đều mua của tây cả. Thời 195x là bộ L' Anglais vivant, (sách của Pháp soạn dạy tiếng Anh cho người Pháp, ta lấy học ké). Thời 196x là Let' s Learn English và Practice Your English, rồi sau đó là bộ English For Today, đều của Mỹ. Nhưng trừ một số ít chịu khó tự luyện thêm ở nhà, còn thì phần lớn sau nhiều năm học tiếng Anh vẫn không nghe không nói được. Điều này thật ra cũng không quá khó hiểu. Nó là hệ quả tất yếu của cách học tiếng Anh truyền thống.
Ta không giao tiếp bằng tiếng Anh được chủ yếu là vì nghe không kịp người ta nói gì để trả lời, khi trả lời thì ấm ứ vì còn bận tìm từ đặt câu. Không nghe kịp vì thói quen dịch tiếng Anh ra tiếng mẹ đẻ để hiểu. Không nói kịp vì thói quen nghĩ trước câu trả lời bằng tiếng mẹ đẻ sau đó mới rị mọ dịch ra tiếng Anh rồi "đọc" ra. Đấy không phải là một cuộc giao tiếp bình thường. Trừ những trường hợp đặc biệt, còn bình thường không ai kiên nhẫn chờ ta dịch ngược dịch xuôi trong đầu để "đọc" ra một câu tiếng Anh có đủ chủ vị các thứ nhưng khó hiểu vì phát âm, ngữ điệu không đúng. Muốn giao tiếp bình thường bằng tiếng Anh cần phải nghe kịp, rồi nói như một phản xạ. Nói cách khác, phải nghĩ thẳng bằng tiếng Anh, không qua quá trình dịch xuôi ngược trong đầu.
Nhưng suy nghĩ bằng thứ tiếng khác với tiếng mẹ đẻ là một sự biến đổi về chất, mà việc tích lũy lượng theo kiểu học truyền thống là không phù hợp để tạo nên chuyển biến. Trên diễn đàn HVA có một bạn so sánh rất hay. Đại khái rằng học ngoại ngữ như muốn đun sôi nước, cần 10 phút. Ta cứ đun được dăm phút thì nghỉ, rồi lại đun tiếp, rồi lại nghỉ, lại đun, .. nước làm sao sôi ? Muốn học tiếng Anh giỏi, không có cách nào khác, phải dành thời gian đủ nhiều cho nó, bằng không thì cũng chỉ gom góp được một số kiến thức ngữ pháp, từ vựng. ..
Nhưng cụ thể thì tích lũy như nào, đủ nhiều là bao nhiêu ?
3. Vậy phải học như thế nào ?
Đã có rất nhiều phương pháp học được các trung tâm, giáo viên giới thiệu: học tiếng Anh bằng phản xạ, bằng ám thị, kiểu Úc, kiểu Mỹ, kiểu ngoài không gian, kiểu điên khùng (Crazy English), kiểu khỏe re (Effortless English) .. Hầu như mỗi trung tâm, mỗi giáo viên, thậm chí mỗi người học ít nhiều thành công đều có phương pháp, "bí quyết" riêng, Vào google gõ tìm với từ khóa "bí quyết học tiếng Anh" cho ra hơn 300 ngàn kết quả trong 0.30 giây.
Nhớ đọc được đâu đó trên mạng cuốn sách của một sinh viên Tàu kể lại bí quyết giúp cô từ học sinh kém tiếng Anh thời trung học trở thành một sinh vien giỏi tiếng Anh, xin được học bỗng du học Mỹ. Đại khái mỗi bài học tiếng Anh cô đều dịch ra tiếng Tàu, sau đó dịch ngược lại tiếng Anh. Nhờ chịu khó thế cô nhanh chóng thuộc từ, nhớ được các cấu trúc câu .. Nói thật, tôi cũng đã từng học theo cách này. Hồi ấy lên cấp 3 phải học thêm sinh ngữ 2 là tiếng Pháp. Năm lớp 10 .. bỗng dưng thích tiếng Pali, mua sách của thấy Minh Châu về tự học, tiếng Pháp chả đụng đến. Qua năm 11, chuẩn bị thi mới lo, bèn đem cuốn Cours de langue thức đêm thức hôm dịch xuôi rồi dịch ngược .. Nhờ chút vốn này, về sau này cũng rị mọ tham khảo được chút chút tài liệu cần thiết viết bằng tiếng Pháp. Nhưng nghe, nói tiếng Pháp thì .. không có gì.
Một vị GS kể hồi ông vượt biên qua Thái Lan, trong tay chỉ có cuốn từ điển. Ông dùng từ điển học tiếng Anh, nhờ đó vốn từ rất nhanh chóng giàu lên, vì học một từ, biết luôn cả họ nhà nó. Thời học phổ thông có đứa bạn thân cũng dùng từ điển học tiếng Anh. Nó đã học rất giỏi, hiện thỉnh thoảng một số nơi vẫn mời nó đi dịch hội nghị. Có thời, chả biết làm gì tôi cũng bắt chước đem cuốn Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh học cho vui. Cuốn này coi dày thế, với mấy chục ngàn mục từ, thật ra chỉ có khoảng 5 ngàn chữ (tự). Trong đó rất nhiều chữ có cấu tạo theo lối hình thanh, tức chúng chỉ khác nhau ở bộ thủ, phần còn lại chỉ âm thì giống nhau, nên số mặt chữ cần nhớ thực ra còn ít hơn rất nhiều. Sau 5 tháng thì học xong cuốn từ điển, dám thách một đứa bạn mở từ điển đố từ nếu sai trên 10% chịu thua chịu cafe. Nhưng sau một năm chả còn nhớ gì. Nay thì vào các đình chùa, nhìn hoành phi câu đối thấy chữ nào cũng quen, nhưng quên là chữ chi :d
Có những cách học hiệu quả với một số người này, nhưng không dùng được với người khác. Kinh nghiệm một ông nông dân trồng lúa giỏi ở Thái Bình chưa chắc đã dùng dược ở Bạc Liêu. Học tiếng Anh mà cứ chạy theo những bí quyết được những người tốt bụng chia sẻ trên mạng sẽ rất dễ bối rối, vì quá nhiều cách, và không khéo phí thì giờ khi theo một cách không phù hợp với điều kiện bản thân. Cần phải tìm một phương pháp có cơ sở khoa học, dựa trên những kết quả nghiên cứu về giảng dạy ngôn ngữ, về tâm lí giáo dục, .. đã được kiểm chứng, có khả năng thành công lớn. Nhưng trung tâm nào, thầy nào cũng vỗ ngực phương pháp mình là khoa học nhất, làm sao chọn được phương pháp đáng tin cậy ? Câu trả lời thật ra đã có sẵn. Ta nghe không kịp, nói ấm ớ vì không nghĩ thẳng được bằng tiếng Anh. Phương pháp nào giúp ta khắc phục hữu hiệu thiếu sót này, đấy là phuong pháp ta cần.
Nghe cô bé 5 tuổi nói về sự nghiệp và hôn nhân :d
I don't want to marry s/o who don't have jobs first. Men come asking me ? Running out. No, I don't want to marry you yet. I want to have jobs. And if he said: I will not come back to you. Fine, I finally dit it for me, It's my life. You're stop caring, I'm not good. I do not give anything for you and tell I have my job, I don't care invite to marry you. I don't care invite you to marry another me. I care and I do st that 's special. I don't want to marry s/o who don't have jobs first.
http://youtu.be/mGgXgjpDPSk
Trả lờiXóaCảm ơn bài chia sẻ rất thú vị ạ
Trả lờiXóaTài liệu TOEIC speaking and writing chuẩn nhất
Từ nối giúp tăng điểm WRITING TOEIC