21/12/22

HÁN-VIỆT KỲ ĐÀM

 1.

Vụ "cưỡng hôn" trong thang máy: Dùng từ đúng hay sai?
Hán-Việt thông dụng cho rằng cách dùng từ "cưỡng hôn" trong trường hợp này là KHÔNG SAI.
Trước hết, phải thừa nhận chúng ta đều nhất trí với nhau rằng thực tế có tồn tại một từ "cưỡng hôn" gốc Hán mang ý nghĩa là "ép cưới". Tuy nhiên, điều này không tương đương với việc nhất quyết không thể tồn tại một từ "cưỡng hôn" trong tiếng Việt mang một ý nghĩa khác là... ép người khác phải hôn mình, miễn là khi này ta xác định từ ấy không là một từ gốc Hán thuần tuý.
Ủa vậy cũng được hả ta? HVTD xin trả lời rằng: Tại sao không!
Theo tiến trình thời gian, mọi ngôn ngữ, không kể riêng tiếng Việt, đều cần thiết tạo ra những từ vựng mới để có thể gọi tên những khái niệm mới mẻ, bằng cách này hay cách khác. Như những bài viết trước, HVTD đã giới thiệu một số từ tiếng Việt cấu tạo bằng cách kết hợp cả yếu tố Hán-Việt lẫn yếu tố thuần Việt. Việc kết hợp yếu tố Hán-Việt và phi Hán-Việt (bao gồm từ thuần Việt và từ mượn ngôn ngữ khác tiếng Hán) cũng là một trong những cách để tiếng Việt tăng thêm từ vựng và có thể gọi tên những khái niệm mới, một ví dụ:
"Hoá" (化) là từ gốc Hán chỉ sự biến đổi thành một cái gì đó. Có một cấu trúc "+ hoá" thông dụng trong tiếng Hán, như lão hoá, nhân hoá,... Cấu trúc này được tiếng Việt vay mượn và có thể sử dụng theo cách riêng là ghép với một gốc phi Hán-Việt, như ô-xi hoá, trẻ hoá, thay vì dùng từ gốc Hán thuần tuý. Tương tự với cấu trúc "+ tặc", "+ kế",... Vì thế, cấu trúc "cưỡng +" không là ngoại lệ.
Bằng cách này, tiếng Việt có thể linh hoạt lựa chọn từ ngữ gần gũi với cộng đồng để ghép với yếu tố Hán-Việt còn lại, ví như dùng chữ "ô-xi" sẽ gần gũi hơn là "dưỡng khí" ("ô-xi hoá" thay vì "dưỡng hoá"). Vì vậy trong trường hợp từ "cưỡng hôn", chữ "hôn" thuần Việt đã được chọn vì người Việt không phải ai cũng hiểu chữ Hán "vẫn" có nghĩa là hôn để có thể sử dụng từ "cưỡng vẫn" như Trung Hoa.
Nhưng không may, từ "cưỡng hôn" lại đồng âm với từ Hán-Việt mang ý nghĩa khác, và dấy lên một cuộc tranh luận đúng sai và phê bình cách dùng từ "cưỡng hôn" trên các trang báo. Giờ đây, nhiều người cẩn trọng viết trong ngoặc kép cho chắc ăn hoặc thay hẳn thành cụm từ khác như "hành vi sàm sỡ" để tránh... vạ lây. Chúng ta bắt đầu dè dặt về hiện tượng đồng âm dị nghĩa hơn bao giờ hết, vì sợ mắc một lỗi-sai-nhưng-không-sai.
Tuy vay mượn nhiều từ mang gốc Hán, nhưng tiếng Việt vẫn luôn là một ngôn ngữ tự chủ từ trước đến nay, người Việt tự do tạo ra những bản sắc riêng cho tiếng nước mình. Trong nhiều trường hợp, chúng ta không thể khư khư dùng tiếng Hán để làm thước đo chuẩn mực, ví như chúng ta không thể nói chữ "cù lao" phải mang ý nghĩa "công lao cha mẹ" theo Hán-Việt chứ không được mang ý nghĩa "hòn đảo nhỏ" theo thuần Việt, hay ta không thể bắt buộc người Việt phải gọi đúng tên toà nhà có nhiều người chung sống cùng nhau là "chúng cư" theo Hán tự thay vì "chung cư". Người Việt không nhất thiết phải hiểu thêm ý nghĩa rằng "kinh tế" vốn dĩ là "kinh bang tế thế" mà ra, hay ta không phải viết đúng thứ tự các từ "nhiệt náo", "linh lung", "chế tiết" như nguyên bản chữ Hán của chúng,... Đó là những nét đặc sắc của tiếng Việt: học hỏi và cải biến có chừng mực, tự do và linh hoạt trong khuôn khổ cho phép.
Vậy, sẽ thật bất công khi từ "cưỡng ôm" vẫn có thể tiếp tục được sử dụng một cách tự do tự tại vì không có từ gốc Hán đồng âm nào với nó cả, bạn nhỉ?
2.
Từ Hán-Việt gốc... Nhật Bản!
Chúng ta đều biết số lượng từ Hán-Việt trong tiếng Việt hiện đại chiếm một khối lượng lớn, được du nhập vào tiếng Việt thông qua nhiều thời điểm và nhiều con đường khác nhau. Trong đó, có một lớp từ Hán-Việt được người Việt tiếp thu chủ yếu qua con đường sách báo của người Trung Hoa, nhưng hoá ra lại có... gốc Nhật.
Chữ Hán được du nhập và sử dụng trong tiếng Nhật cùng với các ngôn ngữ khác trong khối đồng văn (Việt Nam, Triều Tiên, Hàn Quốc), là một nguồn từ vựng bổ sung để các ngôn ngữ này có thể gọi tên và diễn tả đầy đủ các khái niệm trong cuộc sống hơn. Theo thời gian, vào thời kì cận đại, nhu cầu tiếp nhận những kiến thức mới từ văn minh phương Tây đòi hỏi việc dịch thuật phải càng được đẩy mạnh. Các từ vựng sẵn có của tiếng Hán chưa có những khái niệm tương ứng với những thuật ngữ mới, vì vậy việc tạo ra các từ vựng mới là điều cần thiết bấy giờ. Và Nhật Bản chính là một bậc tiên phong trong việc này.
Trong bài viết “Từ Hán Việt gốc Nhật trong tiếng Việt” của GS-TS Trần Đình Sử, GS đã nhắc đến như sau: “Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết, các từ ngữ, thuật ngữ khoa học xã hội và nhân văn Trung Quốc hiện đại có tới 70% nhập từ tiếng Nhật (Xem Vương Bân Bân: Mối quan hệ giữa từ vựng Trung Quốc cận đại với Nhật Bản). Tác giả Vương Bân Bân nói: ‘Ngày nay hàng loạt khái niệm mà người Trung Quốc dùng để cao đàm khoát luận, bàn đông nói tây, phần lớn là từ ngữ do người Nhật làm ra cả’”.
Vào giai đoạn này, cả Trung Hoa và Nhật Bản đều nỗ lực để dịch các khái niệm mới sang Hán tự, nhưng cách dịch của người Nhật lại hiệu quả hơn hẳn. Người Trung ban đầu thực hiện 2 cách dịch, một là dịch theo lối phiên âm, ví dụ “romantic” thì dịch là “la mạn thế khắc”, “inspiration” dịch là “yên sĩ phi lí thuần”, “telephone” dịch là “đức luật phong”, hai là dịch nghĩa, ví dụ, “individualism” dịch là “cá nhân độc nhất giả”, “sosiologie” dịch là “quần học”, economie dịch là “lí tài”, “philosophie” dịch là “học lí”. Vương Bân Bân nhận xét: “Cùng một từ mà người Trung Quốc dịch phần lớn đều thất bại, còn người Nhật dịch thì thành công”. Các từ do người Nhật dịch vừa ngắn gọn, vừa hàm ý. Ví dụ đơn cử, sau năm 1917 người Nhật Tá Tá Chính Nhất dịch “inspiration” là “linh cảm”, thế là người Trung Quốc dùng theo.
Các từ Hán gốc Nhật không du nhập trực tiếp vào Việt Nam mà gián tiếp thông qua con đường sách báo Trung Quốc, sau đó được người Việt phiên âm mặt chữ ra thành từ Hán-Việt. Dựa vào “Từ điển từ ngoại lai tiếng Hán” do các tác giả Lưu Chính Đàm, Cao Danh Khải, Mạch Vĩnh Càn, Sử Hữu Vi biên soạn từ năm 1958, xuất bản năm 1984 tại Nxb Từ Thư, Thượng Hải, các nhà nghiên cứu đã xác định có trên 350 từ gốc Nhật ngày nay vẫn được sử dụng trong tiếng Việt. Các từ vựng về lĩnh vực xã hội, chính trị, khoa học, triết học, giáo dục chiếm một số lượng rất lớn, đánh dấu sự trưởng thành của ý thức xã hội về các mặt ấy.
Tuy nhiên cần làm rõ, dù có rất nhiều từ Hán gốc Nhật nhưng không phải tất cả đều được du nhập vào Việt Nam. Phần do tiếng Việt đã có sẵn những từ cùng nghĩa nên không cần vay mượn thêm nữa, phần do tiếng Việt vừa tiếp thu, vừa sáng tạo ra các từ của riêng mình (như thay vì mượn cả 2 từ “bi kịch” và “hỉ kịch” của người Nhật, người Việt chỉ vay mượn “bi kịch”, còn “hỉ kịch” thì người Việt sáng tạo ra chữ “hài kịch” thay thế, vì người Việt quan niệm hài kịch không chỉ là kịch “vui” nên dùng chữ “hỉ” thì chưa hợp bằng).
Các từ Hán-Việt gốc Nhật có thể được chia thành 2 loại chủ yếu như sau:
- Dùng yếu tố Hán kết hợp lại với nhau để tạo ra các từ mới mang nét nghĩa hiện mà không gây hiểu nhầm về nghĩa: công dân, dân chủ, tuyên truyền, tế bào, chân không,...
- Vay mượn thư tịch cổ Trung Hoa rồi gán cho một ý nghĩa mới, vì vậy cần phân biệt giữa nghĩa cổ xưa và nghĩa hiện đại: văn minh, văn hoá, tinh thần, tưởng tượng, cách mạng,...
Theo GS Trần Đình Sử, “loại từ thứ hai này chỉ là một lối vay mượn từ có sẵn từ xưa để dịch nghĩa một từ mới của các nước, đó là một ước lệ, thiết nghĩ nên hiểu theo nghĩa mới đó trong dòng chảy của từ vựng”.
Có thể thấy, từ Hán-Việt gốc Nhật đánh dấu một bước phát triển mới của từ Hán Việt, tạo nên tiềm lực của đời sống tinh thần và tư duy khoa học hiện đại. Trong bối cảnh mới, song song cùng các từ Hán-Việt gốc Nhật là các từ Hán-Việt có gốc từ những từ Hán mới do người Trung Quốc tạo ra và cả do người Việt sáng tạo cho riêng mình. Nhìn xa hơn, việc xác lập các từ có nguồn gốc Nhật sẽ góp phần để xác lập các từ Hán Việt gốc Việt, do người Việt sáng tạo ra. Đó hứa hẹn sẽ là một đề tài thú vị để chúng ta cùng nhau nghiên cứu!
Tư liệu tham khảo:
Trần Đình Sử, Từ Hán Việt gốc Nhật trong tiếng Việt, 2/2013
3.
Từ ngữ “Hán-Việt Việt tạo”: Tiếp thu song hành cùng sáng tạo
Từ ngữ tiếng Hán đã được các ngôn ngữ đồng văn vay mượn như một tất yếu lịch sử-xã hội. Bên cạnh đó, hệ thống ngữ âm tiếng Hán thời Vãn Đường dưới sự chi phối của hệ thống ngữ âm tiếng Việt để trở thành cách đọc Hán-Việt chính là một ưu thế khiến cho tiếng Việt tiếp nhận số lượng từ ngữ gốc Hán lớn hơn nhiều so với các yếu tố ngoại lai khác. Nhưng quan trọng nhất, hình trạng của tiếng Việt hiện nay đã cho thấy rõ rằng quá trình giao thoa giữa tiếng Việt với tiếng Hán không đơn giản chỉ là việc không có thì mượn hay mượn thế nào cũng được, mà đó chính là quá trình tiếp thu song hành cùng sáng tạo.
Xét trên dòng chảy chuyển di từ tiếng Hán sang tiếng Việt, ta có thể xếp thành 3 cấp độ của lớp từ ngữ Hán-Việt trong tiếng Việt:
1. Yếu tố Hán-Việt: Đó là các đơn vị ngữ pháp nhỏ nhất, gốc Hán, có kích thước ngữ âm là một âm tiết, được đọc theo cách đọc Hán-Việt và được sử dụng trong tiếng Việt. Ví dụ: thiên, địa, nhân, vô, bất, sơn, thuỷ,... Theo cách gọi của ngôn ngữ học, đây được xem là các “hình vị”, với đặc điểm là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa, là đơn vị cơ sở để tạo thành từ nhưng không độc lập về cú pháp (tức khổng thể dùng trực tiếp để giao tiếp mà cần các yếu tố kết hợp khác).
2. Từ ghép Hán-Việt (không kể đến các từ ghép Hán-Việt gốc Nhật): Các từ ghép này bao gồm 2 lớp từ. Một là các từ mượn nguyên khối từ tiếng Hán, ví dụ: thiên hạ, địa phương, vô lý, thuỷ triều. Hai là các từ do người Việt tự tạo bằng cách vay mượn các yếu tố Hán-Việt và/hoặc mẫu cấu tạo tiếng Hán, người Hán không sử dụng những từ này trong ngôn ngữ của họ, ví dụ: đoàn viên, ca sĩ, hoa hậu. Lớp từ thứ 2 ở trên sẽ được bàn sâu hơn ở phần tiếp theo của bài viết này.
3. Thành ngữ Hán-Việt: Cách gọi này ám chỉ những thành ngữ chứa đựng toàn bộ yếu tố cấu tạo là từ Hán-Việt, bao gồm cả các thành ngữ vay mượn nguyên khối từ tiếng Hán hoặc dị bản của chúng trong tiếng Việt và các thành ngữ do người Việt tự tạo trên cơ sở Hán-Việt. Đối tượng này cũng sẽ được nói thêm vào phần tiếp sau của bài viết.
Bàn sâu hơn về các từ ghép Hán-Việt, điều đáng nói là bên cạnh các từ được vay mượn nguyên khối, người Việt cũng đã sáng tạo hoặc cải biến cho mình một lớp từ riêng, có thể được gọi là các từ “Hán-Việt Việt tạo”. Lớp từ ghép này có thể được phân tách ra thành 2 phân nhóm dựa trên mô hình cấu tạo từ, một nhóm dựa trên mẫu cấu tạo từ của tiếng Hán, nhóm còn lại dựa trên mô hình cấu tạo từ tiếng Việt. Đặc điểm chung của 2 nhóm này đều là sử dụng hoàn toàn các yếu tố Hán nhưng theo cách kết hợp riêng hoặc trật tự riêng của người Việt mà không xuất hiện trong từ vựng của người Hán. Với nhóm dựa trên mẫu cấu tạo từ tiếng Hán, khi nhận ra khả năng phái sinh từ vựng của các mô hình tồn tại trong cách nói của người Hán, người Việt đã tiếp thu rồi sau đó thay đổi các yếu tố, ghép với yếu tố chưa từng có tiền lệ kết hợp để tạo ra khái niệm mới. Ví dụ, dựa trên mô hình “x + sĩ” để chỉ người chuyên làm công việc nào đó như “y sĩ”, “nhạc sĩ” mà người Việt sáng tạo ra từ “ca sĩ”, “nha sĩ”. Với nhóm dựa trên mô hình cấu tạo từ tiếng Việt, đặc điểm chính của các từ này đó là chúng đi theo trật tự sắp xếp các yếu tố trong từ ghép của tiếng Việt. Ví dụ như các từ “sử tiền”, “chiến tiền” trong tiếng Hán, người Việt đã thay đổi trật tự thành “tiền sử”, “tiền chiến”, hay các từ do người Việt tự tạo ra như “tiền trạm”, “truyền hình”, “phát thanh”, “trường học”.
Ấy là còn chưa xét đến các trường hợp từ ghép Hán-Việt đẳng lập và từ láy Hán-Việt. Ở đây sẽ không xét đến các từ ghép đẳng lập dùng để chỉ tập hợp như “quần áo”, “hoa quả” vì có thể hiểu chúng theo kiểu “quần và áo”, “hoa và quả”. Chúng ta sẽ xét các từ ghép và từ láy mà trong đó các yếu tố của chúng đi liền cạnh nhau. Một phương thức thường gặp đối với các từ này là hiện tượng đổi trật tự sắp xếp so với nguyên bản chữ Hán như “nhiệt náo > náo nhiệt”, “thích phóng > phóng thích”, “cáo tố > tố cáo”, “linh lung > lung linh”. Một phương thức phổ biến hơn là người Việt tự tạo ra các kết hợp, như “suy nghĩ”, “hãm hiếp”.
Ta có thể chia thành 3 trường hợp từ ghép Hán-Việt Việt tạo như sau:
1. Từ ghép Hán-Việt Việt tạo bộ phận: đạo điện > dẫn điện, chu tế > chu cấp, thư báo > sách báo,...
2. Từ ghép Hán-Việt Việt tạo hoàn toàn: kí lục > biên bản, tá liệu > gia vị, biên tả > soạn thảo,...
3. Từ ghép Hán-Việt Việt tạo theo phương thức nói tắt: ngữ ngôn tài liệu > ngữ liệu, cao cấp ủy viên > cao ủy,…
Đặc biệt, khả năng phái sinh từ và khả năng kết hợp của các yếu tố Hán-Việt được người Việt tận dụng để tạo ra các từ được cấu tạo bằng yếu tố Hán-Việt (được đọc theo cách đọc Hán-Việt) tổ hợp với yếu tố phi Hán-Việt (bao gồm các từ thuần Việt, các từ mượn trực tiếp thông qua các ngôn ngữ khác Hán, các từ Việt gốc Hán được đọc theo âm cổ hoặc âm Việt hoá) theo mô hình cấu tạo từ tiếng Hán (cát tặc, ô-xi hoá, vôi hoá,...) hoặc theo mô hình cấu tạo từ tiếng Việt (trường đua, điểm đến,...).
Một cách sáng tạo từ Hán-Việt khác của người Việt đó chính là sáng tạo trên phương diện ngữ nghĩa. Người Việt gán cho những từ Hán-Việt những tầng nghĩa mới mà trong nhiều trường hợp các từ ấy được người Việt hiểu theo nghĩa gán ấy chứ không theo nghĩa vốn có. Ví dụ, “đô hộ” vốn là tên một chức quan xưa của người Hán, sau được người Việt gán thêm nghĩa “cai trị” mà chỉ có người Việt mới hiểu theo nghĩa này, hay “trường” vốn để chỉ một nơi đông người tụ tập thì người Việt hiểu theo nghĩa “nơi dạy học”.
Bàn nhanh về thành ngữ Hán-Việt, chúng đã có những điểm giữ nguyên và thay đổi như sau. Có thành ngữ giữ nguyên nghĩa (ác giả ác báo) hay được dịch hẳn sang tiếng Việt (khuynh quốc khuynh thành > nghiêng nước nghiêng thành). Có thành ngữ phát triển thêm nghĩa mới (cao lưu sơn thủy – tiếng Hán là “tri âm tri kỉ hoặc khúc nhạc hay”, tiếng Việt thêm nghĩa “núi sông, nơi thiên nhiên thanh tĩnh”). Có thành ngữ thay đổi (tác oai tác phúc > tác oai tác quái) và đặc biệt là có thành ngữ do người Việt tạo ra trên cơ sở tiếng Hán (hào hoa phong nhã, yểu điệu thanh tân).
Từ tất cả những phân tích bên trên, tất nhiên vẫn còn rất nhiều trường hợp mà ta chưa có thời gian bàn đến ở bài viết này, HVTD tin rằng chúng ta đã có thể nhìn thấy được việc vay mượn tiếng Hán vào tiếng Việt là một quá trình tiếp thu nhưng không tách rời sáng tạo. Điều đó không chỉ thể hiện tính linh hoạt của các ngôn ngữ, tính sáng tạo và chọn lọc của những người xây dựng tiếng Việt suốt hàng ngàn năm qua mà hơn hết còn là những nét riêng của tiếng Việt: hoà nhập nhưng không hoà tan!
Tư liệu tham khảo:
Phạm Hùng Việt, Lê Xuân Thại, Lý Toàn Thắng, Trịnh Thị Hà, Nguyễn Hoàng Anh, Nguyễn Thị Tân, Nguyễn Thị Huyền, Dương Thị Thu Trà (2018). Từ ngữ Hán Việt: Tiếp nhận và sáng tạo, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)