31/7/14

Hoàng hạc lâu . Đồng Lệ


Hôm trước đã nghe Quỳnh Giao ca bài Hoàng Hạc Lâu của Cung Tiến. Có lẽ với người Việt, chẳng mấy ai ko biết đến bài thơ này của Thôi Hiệu. Ko thuộc cả bài thì cũng thuộc đôi câu

Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.


hay ít ra câu dịch tương ứng của Tản Đà

Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai


Nhạc sĩ Thành Trang có bản phổ nhạc dựa trên bản dịch này



Nếu phải chọn chỉ một nhà thơ trong số các nhà thơ làm thơ Đường luật của Tàu, có lẽ người ta ko chọn Thôi Hộ - sự nghiệp thi ca của ông còn kém xa so với Lý Bạch, Đổ Phủ ... Nhưng nếu phải chọn chỉ một bài trong số hàng vạn bài thơ Đường luật, nhiều người sẽ đồng ý chọn bài thơ Hoàng Hạc Lâu của ông, bài thơ mà chính Lý Bạch phải than - dù rằng đấy là một bài thơ thất luật. 

Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu ...


Nguyên tác bài thơ và âm đọc Hán Việt

黃鶴樓

昔人已乘黃鶴去,
此地空餘黃鶴樓。
黃鶴一去不復返,
白雲千載空悠悠。
晴川歷歷漢陽樹,
芳草萋萋鸚鵡洲。
日暮鄉關何處是,
煙波江上使人愁。
Hoàng Hạc Lâu

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Bài thơ đến nay nghe đâu đã có hàng trăm bản dịch, trong đó bản dịch của Tản Đà được biết đến nhiều nhất.

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai


Hoàng Hạc Lâu (黄鹤楼, ghi thêm bính âm Huang He Lou, và tên tiếng Anh để ai cần tiện gúc: Yellow Crane Tower) được xây dưng năm 223 ở Đông Ngô thời Tam Quốc, nơi hiện thuộc thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc bên Tàu, bên cạnh dòng sông Dương Tử. Theo một số tài liệu, ban đầu đây là một đài quan sát được sử dụng trong trận Xích Bích nổi tiếng. Sau chiến tranh do địa điểm đẹp, người ta biến cải thành một tửu quán, tao nhân mặc khách tụ bạ uống rượu bình thơ. Chính đám này tạo ra huyền thoại vị tiên cỡi hạc vàng dừng chân trên gò đất bên sông, để thêm duyên cho tên lầu Hoàng Hạc = hạc vàng. Gần 2 ngàn năm qua, lầu Hoàng Hạc đã hàng chục lần bị thiêu hủy, rồi tái thiết. Năm 1957, lầu bị dời khỏi vị trí cũ 1 km để lấy chổ xây cây cầu vượt sông Dương Tử. Năm 1981 khởi công xây lại lầu mới hoàn toàn bằng vật liệu hiện đại, đến 1985 thì hoàn thành. Lầu mới cao, to và được đánh giá là đẹp hơn lầu cũ. Nhưng nói cho đúng thì, nó chả còn dính dáng gì với Hoàng Hạc Lâu thời Thôi Hiệu, từ địa điểm cho đến kiểu dáng kiến trúc, ngoài cái tên lầu. Dù vậy, Hoàng Hạc Lâu cùng với Nhạc Dương Lâu ở Hồ Nam và Đằng Vương Các ở Giang Tây vẫn được xưng tụng là ba "đại danh lầu" của Tàu, hàng năm thu hút hàng triệu khách du lịch trong nước cũng như quốc tế.

Mời nghe Hoàng Hạc Lâu, ca khúc chủ đề trong Liên hoan Nghệ thuật Trung quốc lần thứ VIII tổ chức tại Vũ Hán, nhạc Mạnh Khánh Vân, lời Phan Gia Hoa do Đàm Tinh trình bày  



Lời ca thật đẹp. Chép ra một đoạn cho ai biết chữ Hán dễ theo dõi vì trên clip khó thấy.

她从画中来
彩云丹顶鹤
明月吹玉笛
紫气相引约
何来空悠悠
古今无已楚天秀
千杯恩 十年舞
此去漫天游
情悠悠 黄鹤楼
黄鹤楼 情悠悠
千年盼归 万古绝唱 ..
Tha tòng họa trung lai
Thải vân đan đính hạc
Minh nguyệt xuy ngọc địch
Tử khí tương dẫn ước
Hà lai không du du
Cổ kim vô dĩ sở thiên tú
Thiên bôi ân thập niên vũ
Thử khứ mạn thiên du
Tình du du hoàng hạc lâu
Hoàng hạc lâu tình du du
Thiên niên phán qui vạn cổ tuyệt xướng ..

Ai ko biết chữ Hán, muốn biết nghĩa thì chịu khó gúc nhé. Chữ nghĩa lem nhem chỉ hiểu lỏm bỏm, ko dám dịch :). Ai cần lyrics đầy đủ thì  vô đây

Trong clip sau, Đồng Lệ (童丽 Tong Li) và Quỳnh Giao lần lượt trình bày ca khúc Hoàng Hạc Lâu, một Tàu một ta.



Ta thì nhạc của Cung Tiến, lời dựa trên bản dịch của Vũ Hoàng Chương. Còn Tàu thì ko biết do ai phổ nhạc bài thơ Thôi Hiệu, thấy nằm trong album 红豆生南国 (Hồng đậu sinh Nam quốc) của Đồng Lệ phát ành năm 2009. Hồng đậu sinh Nam quốc vốn là tựa một ca khúc trong bộ phim Hậu Tây du ký (2000), do Mao A Mẫn thể hiện, nhưng bản của Đồng Lệ cover sau đó được ưa thích hơn.



相思算什么,
早无人在意.
..
最肯忘却古人诗,
最不屑一顾是相思.
守着爱怕人笑,
还怕人看清 ..
Tương tư toán thập yêu
Tảo vô nhân tại ý
..
Tối khẳng vong khước cổ nhân thi,
Tối bất tiết nhất cố thị tương tư.
Thủ trứ ái phạ nhân tiếu,
Hoàn phạ nhân khán thanh ..

Tương tư là cái chi chi
Sớm chẳng còn ai để ý
..
Thứ đáng quên nhất là thơ cổ nhân
Thứ chẳng nên đoái hoài là tương tư
Giữ mối tương tư chỉ tổ người ta cười cho
Lại còn sợ người ta thấy
..

Thơ cổ nhân nhắc đến trong lời ca là bài tứ tuyệt của Vương Duy, mà câu đầu được mượn làm tựa cho bản nhạc

紅豆生南國,
春來發幾枝。
願君多采擷,
此物最相思。
Hồng đậu sinh nam quốc,
Xuân lai phát kỷ chi.
Nguyện quân đa thái hiệt,
Thử vật tối tương ti (tư).

bản dịch của Hải Đà trên thivien.net

Nước nam sinh đậu đỏ
Xuân về nở cành xinh
Chàng ơi hái nhiều nhé
Nhớ nhau tha thiết tình


Hồng đậu có màu đỏ, hình trái tim, với người Tàu cũng tương tự như hoa tigon với Tây, tương trưng cho tình yêu, nỗi nhớ nên hồng đậu còn được gọi là hạt tương tư.

Nghe album Hồng đậu sinh Nam quốc (8/2009) của Đồng Lệ




28/7/14

Chiều Moskva . Подмосковные вечера


ảnh: LeTheVinh-VNN

Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào
Rừng cây chim muông lắng suốt canh thâu
Hỡi em thấu chăng tình trong lòng bao trìu mến
Matxcơva đây chiều vắng thanh bình.
Hỡi em thấu chăng tình trong lòng bao trìu mến
Matxcơva đây chiều vắng thanh bình.
...


27/7/14

Quỳnh Giao . Đường chiều lá rụng


Đây là một bài tạp ghi Quỳnh Giao trên Người Việt 1/2/2013 viết về một nhạc phẩm của Phạm Duy, bản Ðường Chiều Lá Rụng., được đăng lại trên dainamax tribune
"Dainamax xin giới thiệu lại đây để chúng ta hiểu rõ hơn về Quỳnh Giao, khi lá đã rụng, người đã im... "
 Mấy clip nhạc là bonus.

(1946 - 2014)

Một buổi chiều cuối năm Quý Tị đầu năm 2013 chúng tôi cùng hát với nhau dù chỉ được một phần cả Ngàn Lời Ca của Phạm Duy. Trong có 24 tiếng để anh chị em tổ chức một buổi sinh hoạt impromtu mà trang nghiêm trong tinh thần tưởng niệm, Quỳnh Giao nhận lời hát Kỷ NiệmÐường Chiều Lá Rụng.

Kỷ Niệm là ca khúc vừa sáng tác xong là Phạm Duy đưa cho con bé (Quỳnh Giao) hát trên đài phát thanh. Hơn hai chục năm sau đó, khi mình còn ở miền Ðông và thực hiện lấy băng nhạc Hát Cho Kỷ Niệm theo lối thủ công nghệ, ông cẩn thận gửi lời giới thiệu qua một cassette. Ðấy là kỷ niệm khó phai, nghe lại là nhạt nhòa nước mắt.

Còn Ðường Chiều Lá Rụng là một dấu ấn khác của Phạm Duy, được ông viết khi còn trẻ, vào năm 1965, căn cứ theo tập nhạc “Hát vào Ðời” xuất bản năm 1969. Nhưng trong cuốn “Ngàn Lời Ca,” thì ông viết từ năm 1958, sau khi đi du học bên Pháp về. Ðiều này có lẽ cũng đúng, vì ông đã dùng những điều học được áp dụng cho ca khúc. Ðây là bài hát có nhạc thuật cao nhất của ông, với nét ngũ cung u uẩn và những chuyển đoạn liên tục, vừa khó hát, khó nghe và khó hòa âm.

Năm đó, khi vừa ráo mực, ông đưa tác phẩm cho nhạc sĩ Vũ Thành. Là trưởng phòng văn nghệ của đài Phát Thanh Sài Gòn và trưởng ban nhạc đại hòa tấu và hợp xướng Phương Hoa, Vũ Thành cũng cộng tác với đài Tiếng Nói Tự Do của Hoa Kỳ, chuyên phát các chương trình ra miền Bắc. Nổi tiếng khó tính, Vũ Thành lưỡng lự khi soạn hòa âm, vì Ðường Chiều Lá Rụng không dễ viết.

Nguyên tác của Phạm Duy là nhịp ý dìu dặt thiết tha trên ton Si thứ với nhiều quãng năm giảm (quinte diminué) làm nhiều ca sĩ trẹo lưỡi. Hát đúng giọng thì phải xuống nốt Fa thăng thấp (dưới hàng kẻ ba dòng) và lên nốt Fa thăng cao nhất (dòng kẻ thứ năm). Vũ Thành sửa lại, dùng nhịp 4/4 theo lối chậm rãi kể lể của một bản Slow và viết nhiều nốt liên ba (triolet) trong toàn bài, rồi còn hạ một cung, tức là ton La thứ. Viết xong, Vũ Thành quyết định thu thanh cho chương trình của đài Tiếng Nói Tự Do để phát ra Bắc, và vì thế trong Nam mình không được nghe.

Ông chọn Thái Thanh để trình bày tác phẩm bất hủ này. Ðấy là một chọn lựa tuyệt vời.



Thường ngày Thái Thanh vẫn nổi tiếng là cường điệu. Bà làm cho ca khúc thổn thức rũ rượi hơn và nồng nàn hơn nguyên bản. Nhưng với Ðường Chiều Lá Rụng qua hòa âm Vũ Thành thì mọi lối quằn quại điệu nghệ bỗng nhiên biến mất. Bài hát quá khó, khiến bà phải cẩn trọng từng chữ, hát sai và không theo dàn nhạc thì Vũ Thành “quạt” ngay, chẳng nể nang ai cả!

Thái Thanh hát nghiêm chỉnh, lại có cả dàn phụ họa của Anh Ngọc, Nhật Bằng, Phượng Bằng, Kim Tước, Mai Hương và Quỳnh Giao nữa, nên ca khúc là một tuyệt chiêu.

*

Như có lần người viết đã kể, khi di tản năm 1975, tài sản duy nhất được Vũ Thành đem theo là một số băng ghi âm các ca khúc quý giá ông làm cho đài Tiếng Nói Tự Do. Trong đó có Ðường Chiều Lá Rụng.

Tại hải ngoại, khi thực hiện đĩa nhạc thứ hai với tên Tiếng Chuông Chiều Thu, Quỳnh Giao chọn Ðường Chiều Lá Rụng vì yêu mến tác phẩm trứ danh này. Nhưng đưa cho Duy Cường nghe tape nhạc Vũ Thành thì bị lắc đầu: “Em không bao giờ làm giống ai và chẳng bị ảnh hưởng của ai hết!” Ðúng quá chứ! Rồi Duy Cường cũng loay hoay mãi không viết được. Anh không chịu đổi qua nhịp Slow như Vũ Thành, dù nhịp này dễ hát hơn nhiều.

Cuối cùng Duy Cường hòa âm theo kiểu ad lib, là tự do, chẳng có nhịp gì hết.

Cái khó là xưa nay ca sĩ hát ad lib thì nhạc sĩ đệm theo, chứ bao giờ lại có sự ngược là nhạc sĩ đàn ad lib và ca sĩ phải hát theo! Cường nói: “Chỉ có chị mới hát theo dàn nhạc được, và vì chị nên em mới thử nghiệm điều này.”

Hôm thu âm tại phòng thu Tomlinson, Phạm Duy đến nghe.

Cô cháu hát thử câu đầu “chiều rơi trên đường vắng có ta rơi giữa chiều” bằng hai cách. Cách thứ nhất gần giống lối diễn tả của Thái Thanh, là láy vào chữ “vắng” và chữ “rơi.” Cách thứ hai là chỉ láy vào chữ “ta” mà thôi. Và hát rất đều giọng, nghiêm trang. Phạm Duy chọn cách thứ hai. Viết lại như vậy để chúng ta hiểu ý người sáng tác.
Cho tới giờ dường như số người hát Ðường Chiều Lá Rụng chỉ đếm trên đầu ngón tay của một bàn tay. Riêng Phạm Duy thì nhắc đến ba người là Thái Thanh, Kim Tước và Quỳnh Giao. Mà người nghe chắc cũng ít. Nhạc đã thế, lời ca lại chẳng nhắm vào cảm quan mà đầy não tính...



Quỳnh Giao đã viết nhiều nên không dám nói thêm về các lời từ của Phạm Duy khi ông đưa tình yêu lên tận cõi chết. Ðường Chiều Lá Rụng là một tiêu biểu rực rỡ và rã rời nhất với hình ảnh đầy chất siêu thực. Nhưng giờ đây, khi ông đã ra đi, mà mình hát lại với nước mắt lưng tròng thì ca khúc lại tái sinh như một bức họa.

Ông chuyển cung như dùng màu sắc để đổi ánh sáng và có nhiều câu báo hiệu lối viết sẽ thấy ở Trịnh Công Sơn về sau.

Một kỷ niệm cuối là khi ghi âm bài này với hòa âm của Duy Cường, Quỳnh Giao đã ỷ vào chỗ thân tình mà xin sửa một chữ ở câu cuối! Phạm Duy nghe lại, gật gù và cho phép!

Chiều tan trên đường tối, có ta như rã rời
Hồn ta như gò mối, đang chờ phút đầu thai.


Quỳnh Giao xin phép hát là “Hồn ta như gò mối, im chờ phút đầu thai...”

Lá đã rụng, ông đã im. Chúng ta đang chờ ông trở lại.

nguồn: dainamax tribune

Mời nghe một album nhạc Văn Cao, do Quỳnh Giao và Mai Hương trình bày




26/7/14

Chụp ảnh chân dung. Tip 4: Góc chụp và Sự nhìn nhận chủ đề

Hafoto

Tip 4: Camera Angle and Perspective (Góc chụp và Sự nhìn nhận chủ đề).

Tip này gồm có 4 phần: Camera Height, Head Positions, Framing, và Tilted Camera. Tip này bàn về "perspective" (tạm dịch là "cánh nhìn nhận chủ đề" CNNCĐ). Nói chung, vị trí đặt của camera ảnh hương đến "hình dạng của chủ đề. Hiểu rõ những qui tắc này sẽ giúp ta giữ đúng hay thay đổi (distorted) bề ngoài (appearance) của chủ đề khi cần.

25/7/14

Ai lên xứ hoa đào - Hoàng Nguyên

Hôm trước trong bài Thời tiền chiến .. có giới thiệu playlist trong đó có bài Ai Lên Xứ Hoa Đào của Hoàng Nguyên.

Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi,
Nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi.
Thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ,
Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ.
..
Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa
Cho tôi bớt mơ mộng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa,
Người về từ hôm nao mà lòng còn thương vẫn thương
Bao nhiêu năm tháng cũ mà hồn nào tôi vấn vương.
Giờ này nhìn sương khói mà thầm mơ màu hoa trên má ai. ..




Ai đấy đưa bài này vào playlist "nhạc tiền chiến" thực ra ko chính xác, nếu hiểu nhạc tiền chiến là các bản tân nhạc sáng tác trước chiên tranh chống Pháp 1945. Vì bản nhạc được Hoàng Nguyên sáng tác trong khoảng đầu thập niên 195x.

24/7/14

Quỳnh Giao


Ca sĩ Quỳnh Giao vừa mất 3 giờ sáng nay, 23 tháng 7/ 2014, thọ 68 tuổi.

Đọc tiểu sử, thấy cô đi hát từ 196x, chủ yếu cho các đài phát thanh. Hồi ấy ít khi nghe radio, nên mãi đến sau 1975 mới biết đến tên tuổi cô. Đâu như khoảng cuối 198x, BBC Viêt Ngữ có một loạt bài về lịch sử âm nhạc Việt Nam do Quỳnh Giao phụ trách. Ko chỉ được nghe điểm lại một cách hệ thống lịch sử tân nhạc Việt, mà còn được nghe những giọng ca nổi tiếng hát lại những bản nhạc yêu thích, vào thời điểm ấy chẳng dễ gì nghe được ở đâu - dù rằng, thiệt tình mà nói, nhạc từ những chiếc băng, dĩa cũ phát qua làn sóng ngắn BBC nghe lắm lúc thật tức mình. Bấy giờ nghe cô nói chuyện, cứ ngỡ cô người Bắc, sau này mới biết cô đích thực là một nàng tôn nữ, dòng dõi Tuy Lý Vương. Trong loạt bài này, thỉnh thoảng cũng được nghe Quỳnh Giao hát minh họa, giọng ca trong vắt, nghe thích ngay. Tiếc loạt bài rất giá trị này, BBC định in ra CD tặng thính giả, nhưng sau nghe nói kẹt về bản quyền gì đó nên ko thực hiện được. Từ khi có internet được nghe cô hát nhiều hơn. Đặc biệt còn được đọc nhiều bài viết mà cô gọi là Tạp ghi, ghi lại những kĩ niệm của cô với những ca nhạc sĩ, những cảm nhận của cô về các bản nhạc .. Gần đây còn được nghe cô trong chương trình Câu Chuyện Văn Nghệ trên Youtube.

Phần tiểu sử ngắn sau đây lấy lại từ Nguoivietonline

23/7/14

Romantique . Richard Clayderman đến Hà Nội


Vừa đọc được trên vnexpress tin Richard Clayderman sẽ đến Hà Nội từ 22/8 - 24/8/2014

Khi tới thủ đô Hà Nội vào ngày 22/8, Richard Clayderman sẽ có buổi giao lưu với Học viện Âm nhạc Quốc gia – đơn vị phối hợp tổ chức sự kiện. Trong đêm nhạc, ông cũng sẽ biểu diễn bên cạnh 8 thành viên trong dàn nhạc đàn dây Việt Nam do nghệ sĩ Bùi Công Duy làm trưởng nhóm. Tháp tùng Richard trong chuyến đi này là nhà soạn nhạc lừng danh Olivier Toussaint - người quản lý gắn bó với ông từ thời kỳ đầu sự nghiệp và đứng sau rất nhiều bản nhạc bất hủ của Richard.

Thời tiền chiến trong tân nhạc Việt Nam. Lê Thương


Nhạc Tiền Chiến trước nay được hiểu rất khác nhau. Với một số người thì đấy là những bản tân nhạc lãng mạn xuất hiện trước 1945. Tiền chiến = trước chiến tranh chống Pháp . Với một số người khác thì nhạc tiền chiến ko chỉ có thế, mà còn tính thêm cả những ca khúc trữ tình lãng mạn xuất hiện trong kháng chiến như Dư Âm của Nguyễn Văn Tý .. và cả sau kháng chiến như Gởi Người Em Gái Miền Nam của Đoàn Chuẩn - Từ Linh (1956). Với một số khác, nhiều nhạc phẩm của Phạm Đình Chương, Cung Tiến .. sáng tác ở Nam thời 196x cũng được xếp vào dòng Nhạc Tiền Chiến. Thậm chí ko thiếu gì các album, playlist trên các trang web ca nhạc còn xếp các bản nhạc lính ở Nam vào loại Nhạc tiền chiến.
Lê Thương (1914 - 1996) là một trong những nhạc sĩ đầu tiên của nền Tân nhạc Việt, và cũng là một giáo viên từng phụ trách môn Nhạc sử ở trường Quốc Gia Âm Nhạc & Kịch Nghệ Sài Gòn. Bài viết sau đây của ông đăng trong một tuyển tập nhạc tiền chiến do Kẻ Sĩ xuất bản 1970, được đánh máy và in lại trên trang khanhly.net/phoxua, sau đó trang web dongnhacxua.com sử dụng lại.
Mời nghe nhạc và theo dõi ý kiến của Lê Thương về một thuật ngữ rất quen thuộc nhưng chưa được hiểu một cách thống nhất này.



22/7/14

Chụp ảnh chân dung. Hafoto. Tip 3: Basic Composition

Tip 3: Basic Composition.

Sau khi quan sát ánh sáng rồi, step kế tiếp là sắp đặt chủ đề ở đâu trên khung hình (subject placement). Đây là 1 kỹ thuật rất là quan trọng, vì nó hướng mắt người xem vào nơi mà mình muốn nhấn mạnh. Có những "rules" sau đây mà người chụp cần phải chú ý đến.

20/7/14

Chủ nhật buồn . Gloomy Sunday

Nghe lại bản nhạc trong album của Khánh Ly hôm trước

ThaiPhien Photo
Chủ nhật buồn đi lê thê
cầm một vòng hoa đê mê
bước chân về với gian nhà
với trái tim còn nặng nề
..

Chủ nhật nào tôi im hơi
vì đợi chờ không nguôi ngoai
bước chân người
nhớ thương tôi
đến với tôi thì muộn rồi

Trước quan tài khói hương mờ
bốc lên như vạn ngàn lời
dẫu qua đời mắt tôi cười
vẫn đăm đăm nhìn về người

Hồn lìa rồi nhưng em ơi
tình còn nồng đôi con ngươi

Nhắc cho ai biết cuối đời
có một người yêu không thôi
ơi hỡi ơi... người.

19/7/14

Giải ảo với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa


Giờ Giải Ảo là chương trình phát thanh hàng tuần bắt đầu từ tháng 10/2009 trên đài NVR ở Nam Cali, sau đó được đăng tải lại trên trang Dainamax Magazine, rồi dainamaxtribune.blogspot và mới đây đã được post lên Youtube. Nội dung chương trình là các cuộc phỏng vấn chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa do nhà báo Đinh Quang Anh Thái thực hiện, về những vấn đề lịch sử, văn hóa .. Những vấn đề xưa nay rất rất nhiều người vẫn thường nghĩ, tin và nói như đúng rồi, qua những phân tích của chuyên gia kinh tế nổi tiếng này, hóa ra là có vấn đề, cần phải nhìn nhận lại .. Có thể có nhiều điều ta chưa đồng ý với ông, nhưng qua những giờ giải ảo này người nghe vẫn có thể thu lượm được nhiều lợi ích, ko chỉ do những kiến thức sâu và rộng được trình bày, mà quan trọng hơn, cách đặt vấn đề, lối tư duy phản biện sâu sắc được trình bày mạch lạc, gãy gọn mà lắm lúc rất hóm hỉnh, duyên dáng sẽ gợi ý, thúc đẩy người nghe suy nghĩ, tìm hiểu thêm về vấn đề đã được đề cập ..

Playlist sau gồm một số chương trình nguoivietonline đã post lên Youtube. Chương trình hiện vẫn được cập nhật hàng tuần, ai quan tâm có thể tìm thêm trên Youtube, kênh của Nguoivietonline.





18/7/14

Kiếp sau


tranh Trần Trung Tín
Bù em một thoáng trời gần,
đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi!
Bù em góp núi chung đồi
thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ
Bù em xuôi có ngàn thơ,
vẫn nghe trắc trở bên bờ sông thương
Quên thôi, bông sẽ phai hường,
mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu.
Non sông bóng mẹ sầu u,
mòn trông ngưỡng cửa, chiều lu mái sầu
Thôi em xanh mắt bồ câu,
vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau ...

16/7/14

Bên ni bên nớ . Cung Trầm Tưởng


Tương Phản


photo unknown
Đêm chớp ngày tàn
Theo tiếng xe lăn về viễn phố
Em ơi!
Sương rơi
Ngoài song đêm hạ
Ôi buồn phố xá…
Hoang liêu về chết tha ma
Tiếng chân gõ guốc: người xa vắng người
Em có nghe dồn giã
Bước ai vất vả
Bóng ai chập chờn
Hồn ai cô đơn
Say sưa tìm về ấm cúng
Em có nghe bi ai
Tình ai ấp úng
Thương ai lạc loài
Ăn mày xán lạn một ngày mai

Đêm nay say đất lở
Em có nghe rạn vỡ
Ra muôn mảnh ly rơi
Pha lê vạn chuỗi cười
Bên nớ dạ thành khoe tráng lệ
Trơ trẽn giai nhân phô loã thể
Bên ni phố vãng lòng ngoại ô
Em có nghe mơ hồ
Bước ai thao thức
Gõ nhịp hẹn hò
In dài ngõ cụt
Bóng ai giang hồ
Bên nớ bên ni đêm lạnh cả
Lạnh đêm mà chẳng lạnh vuông phòng

Em ơi bên trong
Dù chia ly đôi phút
Đồng mang nhớ đèo mong
Hai tâm hồn giam kín
Bốn mắt xanh bịn rịn
Anh ngồi làm thơ
Anh ngồi bấm đốt con thơ ra đời

Bên ngoài liếp ngỏ sương rơi
Bên trong kín gió ấm ơi là tình! …

15/7/14

Khoác kín . Cung Trầm Tưởng


Nhạc sĩ Phạm Duy kể lại cuộc gặp gở giữa ông và nhà thơ Cung Trầm Tưởng:

Cung Trầm Tương, Phạm Duy và Ngy Cao Uyên
Cung Trầm Tưởng, một thi sĩ trẻ vừa ở Paris về, đưa cho tôi mấy bài thơ để phổ nhạc trong đó có hai bài nói về mùa Thu và mùa Ðông Paris. So với nhạc tình thời đó, hai bài này rất mới lạ cho nên được các nữ ca sĩ trẻ đẹp như Thanh Thúy, Thu Hương, Lệ Thanh trình bày hằng đêm tại các phòng trà. Các Ðài Radio, các nhà xuất bản, các hãng làm đĩa hát đua nhau phổ biến những bài thơ phổ nhạc này của chúng tôi. Nó trở thành những tình khúc của một thời. Thời kỳ đẹp nhất của người Việt trong thế kỷ này chăng ?

Chưa bao giờ buồn thế . Cung Trầm Tưởng


Wistaria (2014) - tranh Volegov

Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa đông Paris
Suốt đời làm chia ly

Tiễn em về xứ mẹ
Anh nói bằng chiếc hôn
Không có gì lâu hơn
Một trăm ngày xa cách

Ga Lyon đèn vàng
Tuyết rơi buồn mênh mang
Cầm tay em muốn khóc
Nói chi cũng muộn màng
...
Mình anh đêm ở lại
Trời mùa đông Paris
Không bao giờ có sao
Trời mùa đông Paris
Chưa bao giờ buồn thế

14/7/14

Hướng dẫn chụp ảnh chân dung T 1&2 - Hafoto


Bài viết sau của Hafoto, nhiếp ảnh gia Việt kiều, thỉnh thoảng vẫn về tổ chức các lớp dạy nhiếp ảnh ở Saigon, đăng trên trang web cbs.com.vn, lưu trong máy đã lâu. Hiện trang này ko vào được, nên post lại đây cho ai cần tham khảo. Bài dài, sẽ post dần thành nhiều kì. 

20 essential tips for Portrait Photography

Những bài viết này được dựa trên kinh nghiệm cá nhân và những điều học hỏi được của các bậc đàn anh đi trước nên nó có tính cách chủ quan. Vì vậy rất mong nhận được những đóng góp phê bình của các bạn đồng nghiệp. Phần lớn những kỹ thuật này là dành cho nhiếp ảnh số (digital photography), tuy nhiên nó vẫn dựa trên nhiếp ảnh kinh điển.

13/7/14

nhạc sĩ Lê Thương


Lê Thương tên thật là Ngô Đình Hộ, sinh ngày 8/1/1914 tại Hà Nội, trong một gia đình có bố mẹ là nghệ sĩ nhạc cổ, nên ham mê nhạc, tham gia các phong trào ca hát từ bé. Ông là một trong những người khai sinh nền tân nhạc Việt, với tác phẩm Tiếng Đàn Âm Thầm viết năm 1934. Từ năm 1935 ông bắt đầu làm nghề dạy học. Trước ở Hà Nội, sau về Hải Phòng. Tại đây ông gặp Hoàng Quý, Hoàng Phú là các học sinh của mình, giúp đỡ họ trong việc học hành thêm nhạc lí, tham gia sinh hoạt cùng nhóm Đồng Vọng do Hoàng Quý và các bạn thành lập. Trong thời gian này ông viết Trưng Vương (1937), Một Ngày Xanh, Trên Sông Dương Tử, Bản Đàn Xuân, ...

12/7/14

Hòn Vọng Phu - Lê Thương


Nghe nói đâu đó bên Tàu cũng có Vọng Phu Đài, Vọng Phu Thạch, Vọng Phu Sơn .. Nhiều nước Đông Nam Á cũng có những hòn vọng phu của họ, chẳng hạn ở Borneo với ngọn Kinabahu cao hơn 4000m - Nhưng có lẻ ko đâu mật độ các hòn vọng phu dày đặc như xứ sở hình con giun xéo này. Không biết bao nhiêu nỗi mong chồng của người thiếu phụ thì kết thành một hòn vọng phu nhỉ, mà từ bắc vô nam có lắm Hòn Vọng Phu đến thế. Nàng Tô Thị ở Lạng Sơn. Người vợ ôm con chờ chồng trên núi Nhồi Thanh Hóa; hay cạnh dòng Nậm Giải, Nghệ An. Người đàn bà buồn bã trên núi Đá Bà Rầu ở Quảng Nam. Người mẹ bồng con trên núi Mẫu Tử ở Khánh Dương, Khánh Hòa;  trong dãy Núi Bà ở Phú Cát, Bình Định; hay trên núi Đá Bia ở Đèo Cả, Tuy Hòa; trên Vọng Thạch Đài ở Hà Tiên .. .  Tên hòn tên núi nhiều nơi có khác, nhưng vẫn là hình ảnh người vợ bế con mòn mỏi chờ chồng, đi ra từ một truyện tích dân gian đầy nước mắt nào đó.

Hòn Vọng Phu cũng là nhan đề một bản trường ca của Lê Thương, gồm ba bài

Hòn vọng phu 1: Đoàn người ra đi (Hương Mộc Lan xuất bản lần đầu vào năm 1946)
Hòn vọng phu 2: Ai xuôi vạn lí (Hương Nam xuất bản vào tháng 10 năm 1946)
Hòn vọng phu 3: Người chinh phu về (Dân Tộc xuất bản lần đầu vào năm 1949)

7/7/14

Linh hồn tượng đá


Linh Hồn Tượng Đá cũng là tựa một ca khúc của Mai Bích Dung - một nghệ danh khác của Lê Minh Bằng (Lê Dinh - Minh Kỳ - Anh Bằng). Chuyện kể rằng một chiều cuối tuần ba vị nhạc sĩ này rủ nhau ra Cap tắm biển. Trên đường trở lại Sài gòn tình cờ gặp ba cô gái xin quá giang. Về đến Sài gòn họ đưa nhau đi nhảy rồi chia tay, hẹn ngày tái ngộ ..  Nhưng rồi đợi mãi, ba nàng "như áng mây như cánh chim bay qua bầu trời .. " mất tăm. Ba người viết bài ca, kí tên Mai Bích Dung là tên ba nàng. Lời ca khá sến

Trên dốc đá tôi tình cờ quen nàng
Ngồi bên nhau gọi tên nhau để rồi xa nhau
E đã đến và đã đến như áng mây như cánh chim bay qua bầu trời
Ôi hình hài một vài giờ vui
..
Em ơi, em ơi thời gian gần gũi
Nào được bao nhiêu
Mà khi rời gót lòng đầy cô liêu
Nên xa em rồi tôi nhớ em nhiều
Em ơi, em ơi thà không gặp gỡ
Thà đừng quen nhau
Đừng cho hình bóng, đừng nhình nhau lâu
Tôi không ôm ấp kỷ niệm đớn đau
Tôi đứng đó như hình một pho tượng
Chờ ai đây đợi ai đây và tìm ai đây
Nghe nuối tiếc gào thét giữa muôn sóng khơi
Nghe trái tim rung lên bồi hồi
Mong gì gặp lại lần thứ hai ..


Nghe Tuấn Vũ, Đan Nguyên hay Chế Linh chắc nhiều người chịu ko thấu .. Nghe Duy Khánh vậy

Cảnh báo: coi chừng tử hình vì lịch sự

Trên YouTube vừa đăng một clip cho thấy thủ đoạn tinh vi của bọn tội phạm.



Lời khuyên của an ninh sân bay:

Ở sân bay, đừng bao giờ cầm hộ một chai nước hay bất cứ thứ gì cho ai cho dù chỉ vài giây, cho dù đó là người già hay phụ nữ mang thai. Bạn cũng có thể giữ phép lịch sự bằng cách nói với người muốn bạn cầm giúp rằng: “Hãy đặt nó xuống sàn hay chỗ nào đó, tôi sẽ để mắt tới nó giúp bạn” chứ tuyệt đối không cầm hộ.

Ko chỉ ở sân bay mà cả ở bến xe, ga tàu .. Hì, nhớ hồi xưa có thời gian đi buôn lậu, - thời ấy chỉ vài kí mì chính, vài cái quần bò, vài tút thuốc 555 .. là đại sự, là buôn lậu rùi .. - bao giờ cũng cầm theo điếu cày, bịch thuốc lào An Thái .. Lên tàu bày ra, lập tức vài chú bộ đội đi phép, trả phép tấp tới ... Mỗi khi liếc thấy công an lên tàu kiểm tra gần tới nơi là "gởi" balô nhờ anh bộ đội nào đó trông giúp tí để đi mua thuốc, restroom ..  CA thấy đám bộ đội đang ngồi hút thuốc lào tán phét thường bỏ ko kiểm tra, lỡ có kiểm tra thấy vài kí bột ngọt, vài cái quần bò thì cũng dễ thông cảm hihi

Lời khuyên của một cựu buôn lậu: :d Đừng để bị phiền phức, thậm chí bị kết án tử hình vì lịch sự.

6/7/14

Tu t’en vas - Alain Barrière




Elle était si jolie
Que je n'osais l'aimer
Elle était si jolie
Je ne peux l'oublier
Elle était trop jolie
Quand le vent l'emmenait
Elle fuyait la vie
Et le vent me disait...

Elle est bien trop jolie
Et toi je te connais
L'aimer toute une vie
Tu ne pourras jamais
Oui mais oui mais elle est partie
C'est bête mais c'est vrai
Elle était si jolie
Je ne l'oublierai jamais ..

Luyện nói tiếng Anh với VOA Speak Up

Với những người tự học tiếng Anh, speaking (nói) có lẻ là phần khó nhất. Ko có điều kiện tiếp xúc với người bản ngữ, ko có cả bạn để tập nói, tạo thành kỹ năng, phản xạ nói, nhiều người một bụng tiếng Anh, nhưng ra phố gặp anh Tây hỏi đường, ấp a ấp úng tìm từ đặt câu .. đến khi ngẩng lên định trả lời thì Tây đã bỏ đi cách cả 100 m. Hiện nay với chương trình VOA Speak Up trở ngại này đã có thể giải quyết ..
Sau đây là giới thiệu share từ face VOA Tiếng Việt.

VOA Speak Up dành cho những bạn muốn nâng cao khả năng nghe nói tiếng Anh một cơ hội trò chuyện với người bản xứ qua Google Hangout. Đặc biệt, đối với những bạn nào đang ôn luyện cho kỳ thi Toefl iBT hoặc IELTS, đây sẽ là dịp VOA có thể giúp các bạn kiểm tra thử khả năng nói của mình giống như bạn đang trong một bài thi nói của TOEFL thật (TOEFL Speaking Practice). Bên cạnh đó, các bạn còn có thể nhận được những nhận xét, góp ý về phát âm của mình từ VOA. Những bạn nào quan tâm và có hứng thú tham gia, hãy add VOA trên Google Hangout (VOATiengVietVideo@gmail.com) nhé!





5/7/14

Về soi bóng mình - Thái Phiên

Mời tiếp tục nghe nhạc và xem vài bức ảnh của Thái Phiên


Diễm xưa









Về Soi Bóng Mình nhạc của Ngô Thụy Miên, thơ MH Hoài Linh Phượng.



Tiếng hát người buồn, làm tôi muốn khóc
Trí tưởng chợt về... những tháng năm xưa
Tôi cúi mặt dấu giọt buồn trong tóc
Môi ngậm ngùi qua hàng lá bay mưa

Người đánh thức niềm đau nào trở dậy
Tuổi thơ xa như quá khứ mịt mù
Nghe thấp thoáng bước chân mình trở lại
Những con đường kỷ niệm đã hoang vu

Chỉ còn dấu chim trên bờ cát ướt
Thành phố hoa vàng hiu quạnh mùa đông
Cô bé ngày xưa... mắt tròn bỡ ngỡ
Cách biệt như đời của một giòng sông

Tiếng hát người buồn, nên hồn tôi... bỗng khóc
Khi được một lần nhìn lại tuổi tên
Khi được một lần soi mình rạng rỡ
Về một khoảng trời biền biệt chìm quên.


Bài thơ được tác giả viết khi nghe Trần Thái Hòa ca Nỗi Đau Từ Đấy, cũng là một bản nhạc của Ngô Thụy Miên




Cát bụi



4/7/14

Xuân thì - Thái Phiên


Thái Phiên tên thật Nguyễn Thái Phiên, sinh năm 1960 tại Huế. Tốt nghiệp kỹ sư lâm nghiệp và quản trị kinh doanh, nhưng Thái Phiên lại đi theo nghề nhiếp ảnh. Tay nghề của anh đã được khẳng định bằng tước hiệu E.VAPA (Excellence Artist of Vietnam Association of Photographic Artist), E.FIAP (Excellence Artist of International Federation of Photographic Art - Fédération Internationale de L’Art Photographique), đã đoạt hàng chục giải thưởng trong nước và quốc tế, với hàng trăm tác phẩm được chọn triển lãm tại hàng chục quốc gia, trong đó có hai tác phẩm "Xuân Thì" và "Lối Về" được trưng bày tại Viện Bảo Tàng Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật Tây Ban Nha - MIF.

Tập sách ảnh Xuân Thì gồm 71 bức ảnh nude chọn lọc và 20 bài viết ghi lại bối cảnh của một số bức ảnh, được in năm 2007, đem về cho Thái Phiên Cúp đồng VAPA (không có giải vàng và giải bạc) của Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và cho đến nay sách được tái bản 3 lần.

Sau đây là một số tác phẩm trích từ tập sách trên. Mời nghe lại Những Bài Không Tên của Vũ Thanh An và xem ảnh


Xuân Thì


Cat bụi


Hoa nắng

Huyền thoại thần Vệ nữ

Suối mát



Đồng cỏ hoang


nguồn ảnh: thaiphien.com