Huy Thục sáng tác Mưa Xuân dựa trên một bài thơ cùng tựa của Nguyễn Bính in trong tập Lỡ Bước Sang Ngang (1940). Đây là sáng tác đầu tay của Nguyễn Bính, viết năm 18 tuổi (1936), và được nhiều người đánh giá là một trong những bài thơ hay nhất của ông. Về sau (1958) ông có một bài thơ lấy tựa Mưa Xuân II, bài Mưa Xuân cũ vì thế đôi khi được gọi là Mưa Xuân I.
Nguyễn Bính rất có duyên nợ với ngày Tết - sinh mồng 3 Tết, mất đúng vào ngày cuối năm .. Ngày Tết, nghe nghệ sĩ Vũ Kim Dung ngâm bài thơ của ông
Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Ðặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: "Thôn Ðoài hát tối nay"
Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến anh
Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên
Mưa thấm bàn tay từng chấm lạnh
Thế nào anh ấy chả sang xem!
Em xin phép mẹ, vội vàng đi
Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe
Mưa bụi nên em không ướt áo
Thôn Ðoài cách có một thôi đê
Thôn Ðoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em
Chờ mãi anh sang anh chả sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Ðể cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng!
Mình em lầm lụi trên đường về
Có ngắn gì đâu môt dải đê!
Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya
Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giày
Hội chèo làng Ðặng về ngang ngõ
Mẹ bảo: "Mùa xuân đã cạn ngày"
Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ chèo Ðặng đi ngang ngõ
Ðể mẹ em rằng hát tối nay?
1936
Nguồn: Tuyển tập Nguyễn Bính, Nxb Văn học, 1986
(cop lại từ thivien.net)
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Cây xoan ở Trung, Nam gọi là thầu đâu, sầu đâu hoặc sầu đông. Cái tên cuối nghe thơ mộng, có lẽ do mùa đông cây rụng hết lá, cành trụi lủi; xương xẩu, tiêu điều. Thế nhưng khi xuân về, trời ấm lên, chỉ trong vài hôm, mầm non đã lấm tấm xanh cành. Đến tầm tháng ba tháng tư, cây bỗng sáng rực lên với những chùm hoa phơn phớt tím, phả vào ko khí một mùi thơm hăng hắc, nồng nồng. Được vài hôm, theo từng cơn gió, hoa rụng đầy mặt đất. Ít lâu sau, trên cành lắc lẻo những chùm quả xanh bóng. Trường tiểu học của tôi thủa ấy trồng rất nhiều sầu đâu. Khi những quả sầu đâu lớn cỡ trứng chim sẻ, nhiều trái đã chuyển qua màu vàng, là lúc bọn trẻ chúng tôi mỗi đứa lận lưng một chiếc ná cao su, chia phe, sẵn sàng hành động. Chờ lúc ông phu trường đi đâu đó vắng, chúng tôi đột nhập leo cây hái trái. Trái chín thì ăn. Trái sầu đâu khi chín khá ngọt, nhưng cơm mỏng dính. Chả sao, ko có gì ngon hơn bỏ miệng, lấy trái sầu đâu thay kẹo mút vậy. Trái xanh đắng nghét chẳng ăn được thì dùng làm đạn. Tay lăm lăm chiếc ná cao su, hai túi căng đạn, chúng tôi ra trận. Trên đường hành quân lắm lúc mất dấu quân địch, khi ấy thật xui xẻo cho con mèo, con chó hoặc con .. gái nào tình cờ lọt vào tầm ngắm.
Nghe Linh Hoa hát lại bản nhạc, và nghe nhạc sĩ Huy Thục nói về chuyện phổ nhạc bài thơ này.
CHÚC MỪNG NĂM MỚI!
Trả lờiXóaCHÚC K LUÔN KHỎE, TINH TUỆ VÀ VIÊN MÃN.
Cảm ơn HB. Chúc HB luôn tươi trẻ, da dẻ trắng xinh, thân hình thon gọn, bạc tiền có ngọn, v v :d
XóaCảm xúc lướt từ suốt mùa xuân, từ tháng giêng, khi là hoa xoan lấm tấm đến tháng ba phơn phớt tím hoa xoan, sang cuối xuân với trái xoan lúc lỉu từng chùm và kỉ niệm của tuổi thơ...Hình ảnh mùa xuân quê hương trong ta thật sống,thật tươi.
Trả lờiXóaChúc chủ nhà một năm cảm xúc chung chiêng như chùm hoa xoan tím!
Vâng, Tết ngồi đọc lại bài thơ của Nguyễn Bính gợi lại thật nhiều kỉ niệm, lòng cứ nao nao .. Cảm ơn nhà thơ - NB về bài thơ, Nhật Thành Hồ về lời chúc.
XóaHồi hôm ghé nhà thăm, ham đọc thơ quên mất chúc tết. Nhân đây, xin chúc cô một năm mới nhiều niềm vui nhé.