3/5/15

Về một lỗi “kếch xù”?


Chắc nhiều bạn đọc quan tâm tới chuyên mục tiếng Việt còn nhớ một bài viết của cố GS Cao Xuân Hạo, đăng trên Lao Động, số báo Xuân Bính Tuất 2006, nhan đề “Lòng quyết tâm còn cao hơn núi”. (*)

Đã 4 năm rồi, riêng tôi, tôi không chỉ nhớ mà còn rất băn khoăn trước ý kiến mà GS đưa ra và phân tích.


Trong bài này, Cao Xuân Hạo dẫn một đoạn ca từ trong ca khúc Hò kéo pháo nổi tiếng (của Hoàng Vân): Dốc núi cao cao / Nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi… Theo ông, rất nhiều người thuộc lòng và say sưa hát bài này bao nhiêu năm nay mà “ít người để ý đến một cái lỗi ngữ pháp kếch xù” được gọi là “trùng ngữ (pleonasm)”:. Với lập luận rằng, viết lòng quyết tâm là thừa hẳn chữ “lòng”, bởi quyết tâm = “lòng kiên quyết làm bằng được (việc định làm)”, theo Cao Xuân Hạo, giải pháp đúng nhất là bỏ chữ “lòng” trong tổ hợp trên đi, cũng như bỏ chữ “rất” trong rất trắng nõn, bỏ “mặt trời” trong ánh nắng mặt trời, bỏ “nhất” trong chủ yếu nhất, v.v.

Tôi băn khoăn và trăn trở vì chính tôi cũng nằm trong số những người hồn nhiên hát bài Hò kéo pháo trên cũng như hồn nhiên nói những câu có chứa từ này (Chẳng hạn: Muốn hoàn thành tốt việc đó phải có lòng quyết tâm cao độ; Chúng tôi hăm hở ra trận với lòng quyết tâm và ý chí quyết thắng; Lòng quyết tâm làm chị không ngần ngại dấn thân vào gian khó,… ). Những cách dùng như vậy quen thuộc tới mức nếu ta tự ý bỏ chữ “lòng” đi thì lại thấy có vẻ như không ổn?

Ngẫm ra, trong tiếng Việt đang tồn tại rất nhiều trường hợp trùng ngữ kiểu này: cây cổ thụ (thụ = cây), bà quả phụ (phụ = bà), ngày sinh nhật (nhật = ngày), đường quốc lộ (lộ = đường), virus HIV (V = virus),… Đối chiếu một cách logic thì đây là những tổ hợp dùng sai vì thừa từ (trùng ngữ). Nhưng thực tế trong giao tiếp tiếng Việt bao năm qua các biến thể: cổ thụ / cây cổ thụ, quả phụ / bà quả phụ, sinh nhật / ngày sinh nhật,… vẫn song song tồn tại như không có chuyện gì xảy ra. Phải chăng do dùng sai quá nhiều nên thành thói quen khó bỏ (Giống như Lỗ Tấn nói, đầu tiên là chưa có đường, do người ta đi mãi mà thành đường)?

Theo tôi thì không hẳn thế. Các trường hợp quyết tâm, cổ thụ, sinh nhật, quả phụ… là từ Hán Việt được cấu tạo từ 2 (hay nhiều yếu tố), trong đó các yếu tố “tâm (lòng)”, “thụ (cây)”, “nhật (ngày)” ít dùng độc lập (Kiểu: Rừng này có nhiều thụ (cây) quá; Ba phụ (bà) cùng phát biểu ý kiến…). Vì thế, người Việt ít có điều kiện cảm nhận nghĩa “riêng lẻ” của chúng. Nếu chỉ nói nguyên văn kết hợp của nó sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới việc lĩnh hội.

Vì vậy, cần thêm một yếu tố thuần Việt đứng cạnh để “làm rõ”, không gây hiểu sai (Chẳng hạn, không phải ai cũng biết HIV là viết tắt trong đó có từ virus). Hơn nữa, việc thêm vào cũng giúp cho sắc thái của từ hay hơn, phù hợp ngữ cảnh hơn. Trong một bối cảnh trang trọng mà ta nói “Xin giới thiệu quả phụ X. lên phát biểu…” chắc không hợp tình hợp lí so với câu “Xin giới thiệu bà quả phụ X. lên…”. Tương tự, ta thử so sánh: “Bên chùa có một cây cổ thụ / Bên chùa, có một cổ thụ”; “Ngày sinh nhật Bác nắng đầy tiếng chim / Sinh nhật Bác nắng đầy tiếng chim” (chữ ngày ở đây nhấn mạnh vào khoảng thời gian cụ thể, đang nói tới).

Cũng cần phải nói thêm một điều, bản thân từ quyết tâm đã được Việt hóa trong quá trình sử dụng. Quyết tâm trong tiếng Hán là một danh từ. Nhưng vào tiếng Việt, nó còn mang nghĩa động từ (quyết tâm đi bộ đội, quyết tâm học thật giỏi). Nếu thế thì kết hợp lòng quyết tâm, lòng yêu nước, lòng trắc ẩn, lòng can đảm,… sẽ được coi là những danh từ theo cấu trúc “danh + động”, “danh + danh”, “danh + tính”,… và được chấp nhận như những tổ hợp từ mới.

Như vậy, trong ngôn ngữ, nhiều khi ta vẫn phải chấp nhận một số trường hợp thừa từ như một “độ dư cần thiết” để giúp cho việc trao đổi thêm rõ ràng, mạch lạc và hay hơn. Bản thân “sự thừa” và “sự thiếu” của ngôn ngữ đều có lí do của nó.

GS Cao Xuân Hạo đã khuất núi 3 năm rồi (2007). Với thế hệ chúng tôi, ông vẫn luôn luôn là một người thầy tài năng và đáng kính. Ý kiến trao đổi này của tôi thiết nghĩ chỉ là một vấn đề rất nhỏ, góp phần minh chứng thêm một điều: Bản thân ngôn ngữ trong quá trình sử dụng sẽ giúp chúng ta nhìn rõ hơn quy luật tồn tại và phát triển sao cho hợp lý của ngôn từ. Vì vậy cái lỗi “sai logic” mà GS Cao Xuân Hạo đưa ra cần phải trao đổi lại cho rõ.


PGS.TS Phạm Văn Tình

nguồn: laodong.com.vn

----
(*) có thể xem bài viết của Cao Xuân Hạo ở đây




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)