Phương pháp luận là gì ? "
Từ điển từ và ngữ Việt Nam" đồ sộ, dày hơn hai ngàn trang của GS Nguyễn Lân không ghi nhận khái niệm này. Chúng ta không thể biết chính xác GS Nguyễn Lân "
đãng trí", hay đối với Nhà biên soạn từ điển nổi tiếng Việt Nam, thực tế không có cái gọi là
phương pháp luận. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến những sai sót để đời của GS Nguyễn Lân trong các cuốn từ điển lại chính là phương pháp luận.
GS Nguyễn Lân thiếu phương pháp luận đúng đắn để tiếp cận và giải quyết vấn đề.
Phương pháp luận hiểu đơn giản, ngắn gọn là
tổng thể những phương pháp nghiên cứu, vận dụng trong khoa học nói chung. Khi GS Nguyễn Lân biên soạn từ điển nghĩa là đang bước vào địa hạt ngôn ngữ học, từ điển học, thành ngữ, tục ngữ học... Công việc này thành công hay không, phụ thuộc vào phương pháp luận mà GS vận dụng. Và kết quả cuối cùng chính là thước đo cho phương pháp luận của soạn giả.
Nhìn lại phần lớn những sai lầm mang tính hệ thống của GS Nguyễn Lân, có vẻ như phương pháp tiếp cận thành ngữ, tục ngữ của GS Nguyễn Lân là không áp dụng phương pháp nào cả. Nói đúng hơn là Nhà biên soạn từ điển dùng "
phương pháp luận phỏng đoán", gọi theo ngôn ngữ thường ngày là "
đoán mò" ! Nhận xét này có vẻ như một sự mạo phạm tới bậc thầy ngôn ngữ học. Tuy nhiên, nếu đánh giá, nhìn nhận cụ thể những sai lầm của GS Nguyễn Lân, bạn đọc sẽ thấy, chúng tôi đã gọi đúng tên bản chất vấn đề. Và "
phương pháp đặc biệt" này được GS Nguyễn Lân áp dụng khá triệt để trong cả 3 cuốn từ điển "
Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam", “Từ điển từ và ngữ Hán Việt”và “Từ điển từ và ngữ Việt Nam”.
Thành ngữ, tục ngữ có quy luật cấu trúc, nguyên tắc ngữ pháp trong cách đặt câu và ngữ nghĩa của dân gian. Bởi vậy, dù ngắn hay dài, dù đầy đủ hay đã bị tỉnh lược, thành ngữ, tục ngữ vẫn giữ được cốt lõi vấn đề, giúp người ta nhận ra những thông điệp dân gian gửi gắm. Mặt khác, thành ngữ, tục ngữ có nhiều kiểu cấu trúc ngữ pháp, dùng nhiều thủ pháp nghệ thuật để biểu đạt nhiều góc cạnh ngữ nghĩa. Bởi vậy, trong tay người nghiên cứu phải có cả "
chùm chìa khóa" phương pháp luận. Thông qua việc phân loại, xác định cấu trúc, ngữ nghĩa của từng câu mà dùng chìa nào để mở. Tuy nhiên, với GS Nguyễn Lân, dường như thành ngữ, tục ngữ chỉ là những câu nói nôm na, những tập hợp từ lộn xộn. Bởi thế soạn giả đã tùy tiện thay đổi, gán ghép và cuối cùng là phỏng đoán, suy diễn nội dung, cách hiểu theo ý chủ quan của mình, bất chấp “
quy luật muôn đời” dân gian đã tổng kết:
- Câu "
Áo cứ tràng, làng cứ xã". "
Tràng" từ cổ nghĩa là cái cổ áo. Câu này được diễn giải:
cổ áo là bộ phận quan trọng nhất của chiếc áo, cũng giống như xã (trưởng) là người đứng đầu, cấp cao nhất của làng. Muốn nắm cái áo, cứ cổ áo mà cầm; muốn quản lý được làng, cứ ông xã (trưởng) mà nắm. Do không hiểu "
tràng" là cái gì nên GS đổi thành "Áo cứ
chàng, làng cứ xã" và cho rằng "
chàng" ở đây là chàng trai, người chồng. Ý là: việc giặt giũ, vá may quần áo cứ để cho chồng làm nên gọi "
áo cứ chàng"; việc của làng cứ ý vào ông xã (trưởng) nên gọi “
làng cứ xã”, rồi giải thích: "
Nói tính ỷ lại của người đàn bà, cũng như tính ỷ lại của người dân trong thôn xóm, không thấy được vai trò làm chủ của mình". Như thế, GS đã bất chấp quy luật cấu trúc ngữ pháp, ngữ nghĩa dân gian trong câu tục ngữ, biến chàng (trai) thành một bộ phận của cái áo. Rốt cuộc, câu tục ngữ đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu lại bị GS đoán là tính ỷ lại của người đàn bà và người dân trong thôn xóm. (Xin xem bài "
Tràng hay chàng, vạt áo hay cổ áo" trên Blog
tuancongthuphong).
- Câu tục ngữ "
Mài mực ru con, mài son đánh giặc" đúc kết kinh nghiệm mài mực (Tàu) và mài son:
Mài mực phải nhẹ nhàng như ru con; mài son phải mạnh mẽ như đánh giặc. Do không hiểu thủ pháp so sánh, ẩn dụ đặc biệt của dân gian, GS đành đoán liều, bất chấp sự vô lý trong cách giảng giải: "
Nói các ông đồ ngày xưa ngày thường ngồi dạy học đồng thời giúp vợ làm việc vặt trong nhà, nhưng khi có giặc thì tham gia phục vụ quân sự" (!)
- Tương tự, câu "
Hay ăn nhà bếp, chóng chết quản voi". (Dị bản:
No ăn nhà bếp, chóng chết quản voi). Câu tục ngữ này có hai vế đối xứng, cấu trúc từ theo kiểu tiểu đối: "Hay ăn" (tính từ) đi với "chóng chết" (tính từ); "nhà bếp" (danh từ chỉ nghề nghiệp) đi với "quản voi"(danh từ chỉ nghề nghiệp) bị GS Nguyễn Lân đổi thành "
Hay ăn vào bếp, chóng chết quản voi". Thế là "
vào bếp" (động từ) bị đem đối với "
quản voi" (danh từ). Rốt cuộc chính GS Nguyễn Lân trở nên lúng túng khi nhận thấy sự vô lý của nó và thắc mắc: “
Hai việc này không ăn khớp với nhau”. Nhưng có lẽ GS liên tưởng tới câu “
Muốn ăn thì lăn vào bếp” nên phỏng đoán, giải thích bừa: "
Hay ăn vào bếp, chóng chết quản voi" (Quản một con voi dữ thì nguy hiểm) Hai việc này không ăn khớp với nhau, nhưng chỉ có nghĩa là tự mình làm lấy mà ăn là một chuyện tất nhiên".Thế nhưng câu tục ngữ đang xét được hiểu tương tự như câu “
Giàu thủ kho, no nhà bếp”. Nhà bếp thì hay được ăn (vì trực tiếp nấu ra đồ ăn thức uống); Quản voi thì dễ gặp nguy hiểm (vì có thể bị voi quật chết bất cứ lúc nào). Nghĩa bóng: Ai gắn bó với nghề nào thì được hưởng lợi trước tiên hoặc cũng bị nguy hiểm trước tiên từ nghề đó. (Có câu “
Sinh nghề, tử nghiệp” là vậy).
-Câu "
Vịt già, gà tơ" thuộc loại tục ngữ có cấu trúc đối sánh: Vịt với gà; già với tơ (non). Nhưng vì không xét đến quy luật cấu trúc câu, từ của dân gian là gì nên GS sẵn sàng để già (chỉ mức độ già, non) đối với to (chỉ khối lượng to, nhỏ). Rồi giải thích: "
Vịt già, gà to Ý nói vịt già thì ăn được, còn gà thì phải to béo, chứ gà già thì thịt dai".Cách giải thích này trở nên vô lý bởi gà "to béo" đâu có nghĩa là gà tơ, thịt không dai ? Ngược lại, con gà "to béo" hoàn toàn có thể là con gà già, đã đẻ nhiều lứa, thịt dai.
-Hoặc câu “
Màn hoa lại trải chiếu hoa, bát ngà lại phải chiếu ngà mâm son": Tả cái cảnh xa hoa của gia đình giàu sang ngày trước”. Nếu như GS Nguyễn Lân có phương pháp tiếp cận, tôn trọngnguyên tắc đặt câu, biểu đạt ngữ nghĩa của dân gian, GS đã chẳng đưa ra một dị bản sai, lủng củng, trùng lặp đến vậy. Ví như vế đầu đã có “
chiếu hoa”, vế sau không nhắc lại “
chiếu ngà” nữa mà phải đũa ngà.(Mà thực tế cũng không có chiếu nào gọi là “chiếu ngà”). Không phải “bát ngà” mà là bát ngọc. Bát ngọc đi với đũa ngà đặt trên mâm son mới đúng. (Màn đi với chiếu, bát đi với đũa). Bỗng dưng cho bát đi với chiếu: “
bát ngà lại phải chiếu ngà mâm son” là tùy tiện. Câu
Màn hoa lại phải chiếu hoa, Bát ngọc lại phải đũa ngà mâm son, ý nói: cái đẹp phải tương xứng, hài hoà, đồng bộ. Nói như Giáo sư: “
tả cảnh xa hoa của gia đình giàu sang ngày trước” là thiếu căn cứ và lạc đề.
Sai lầm ở dạng chép sai hình thức thành ngữ, tục ngữ rồi đoán mò, suy diễn thành ngữ, tục ngữ theo ý chủ quan chiếm một phần lớn và rất nghiêm trọng trong "Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam" của GS Nguyễn Lân (xin xem lại các kỳ
Dĩ hư truyền hư")
Đối với cuốn "
Từ điển từ và ngữ Hán Việt", “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” GS Nguyễn Lân vẫn “
tâm đắc” với phương pháp “
xem voi” để giải nghĩa từ nguyên. Kết quả là "
trật" nhiều hơn "
trúng". Xin lấy vài ba ví dụ trong hàng trăm trường hợp "
đoán trật" khi giải nghĩa từ nguyên của GS Nguyễn Lân (phần
gạch đầu dòng là của GS Nguyễn Lân):
-
Đèn huỳnh quang (Huỳnh: đom đóm; quang: ánh sáng).
Chữ “huỳnh” (煌)ở đây chính là cách đọc chệch của chữ hoàngdo kiêng húy (chúa Nguyễn Hoàng). Chữ "huỳnh" (hoàng 煌) do bộ hỏa (火) ghi nghĩa và chữ "huỳnh" (hoàng-皇 ghi âm) nghĩa là sáng sủa, sáng rực (ví dụ như huy hoàng 輝 煌). Còn chữ "huỳnh" (hoàng) với nghĩa đom đóm lại có tự dạng là 螢 (có bộ trùng 虫 ghi nghĩa). Có lẽ do đèn huỳnh quang có ánh sáng trắng giống ánh sáng trắng xanh của con đom đóm, nên GS đoán rằng chữ “huỳnh” này có nghĩa là “đom đóm”chăng ?
-
Bắc thần (bắc: phương bắc; thần: tinh thần) Ngôi sao sáng nhất trong chùm sao tiểu hùng tinh, giúp người ta xác định hướng chính bắc.
Chữ thần (辰) ở đây chỉ chung mặt trời, trăng, sao. Chữ thần (辰)này khi đọc là thìn lại có nghĩa là rồng - chi thứ năm trong thập nhị chi.Còn chữ thần trong tinh thần có tự dạng là (神), không liên quan gì đến bắc thần (北辰).
-
Thủy tạ (tạ: ngôi nhà xinh) Ngôi nhà xây trên mặt nước để làm nơi giải trí: Nhà thủy tạ ở Hồ Tây.
Chữ “tạ” (榭) trong thủy tạ có nghĩa là “cái đài có nhà ở”. Nhưng phải chăng do soạn giả ngắm nhà thủy tạ ở Hồ Tây thấy nó xinh xắn quá nên đoán rằng chữ tạ ở đây (có lẽ) nghĩa là ngôi nhà xinh (!?)
Nếu không phải là GS Nguyễn Lân “đoán mò”, tại sao chữ với nghĩa vốn rành rành ra đó lại "trật lất hết trơn", "Râu ông nọ cắm cằm bà kia” như vậy ? (Xin xem lại bài "
Từ điển từ và ngữ Việt Nam" mục chữ cái nào cũng có sai sót" của Hoàng Tuấn Công trên blog tuancongthuphong)
Cũng vì sai lầm trong phương pháp luận mà GS Nguyễn Lân chủ trương giải thích từ nguyên một cách triệt để. Đến mức, GS tìm nghĩa từ nguyên cho cả những từ vay mượn ghi âm Hán Việt. Ví dụ: “
Câu lạc bộ (Câu: đều; lạc: vui; bộ: bộ phận - Do từ Anh club phiên âm ra tiếng Trung Quốc” (“Từ điển từ và ngữ Việt Nam”). Đã là từ phiên âm tiếng Anh thì từng từ đơn lẻ chỉ làm nhiệm vụ ghi âm chứ không ghi nghĩa. Việc giải nghĩa từng từ như trên là hoàn toàn sai về phương pháp luận. Bởi thế cái sai kiểu này của GS Nguyễn Lân mang tính hệ thống. Ta còn gặp một số từ phiên âm khác được GS Nguyễn Lân đem ra “
giải nghĩa từ nguyên” như:
bồ đề, nha phiến, bạch phiến....
Kiến thức, hiểu biết thấu đáo sẽ giúp soạn giả tìm ra phương pháp luận. Và phương pháp luận đúng đắn sẽ giúp soạn giả sử dụng hiệu quả kiến thức, hiểu biết. Nhưng có phương pháp luận trong tay mà thiếu kiến thức vẫn thất bại như thường. Bằng chứng là trong "
Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam", GS Nguyễn Lân cũng đưa ra tiêu chí xác định, nhận diện thành ngữ: "
Thành ngữ là những cụm từ cố định dùng để diễn đạt một khái niệm". Thế nhưng, do quan niệm đơn giản, máy móc rằng "thành ngữ là những cụm từ dùng để diễn đạt một khái niệm" nên GS Nguyễn Lân thu thập cơ man những cụm từ, thuật ngữ kinh tế, chính trị, ngoại giao, thể thao,...những danh từ, tổ hợp danh từ, quán ngữ...để đưa vào từ điển làm "
thành ngữ tục ngữ". Như:
Cách mạng xanh; Chạy đua vũ trang, Chiến tranh cân não; Chiến tranh chớp nhoáng; Chiến tranh lạnh; Chiến tranh tâm lý, Lãnh sự tài phán; Đấu vòng tròn; Khủng bố trắng; Khăn chữ nhất; Khăn đầu rìu;Khăn mỏ quạ; Khăn quàng đỏ; Khăn vành dây; Không chán mắt;Không chê được; Không tài gì; Không thể nào; Rất chi là; Rinh tùng rinh; Lễ lại mặt; Tuổi dậy thì,... (xin xem lại bài
Dĩ hư truyền hư kỳ cuối).
Về hình thức, thành ngữ là một cụm từ, chưa phải là một câu như tục ngữ. Điều này đã được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nói đến. Tuy nhiên, cần hiểu thêm: thành ngữ không phải là cụm từ bình thường mà là
một cụm từ đặc biệt, có kết cấu chặt chẽ, tính khái quát, so sánh, gợi tả cao và đầy ẩn ý. Bởi thế, khái niệm mà thành ngữ diễn đạt cũng không phải là khái niệm bình thường mà là khái niệm đặc biệt. Nói cách khác, khái niệm mà thành ngữ nói đến không phải “
khái niệm chết" chỉ để gọi tên sự vật hiện tượng nào đó mà
có nghĩa hàm ẩn, nghĩa suy ra từ nghĩa đen của cụm từ được gọi là thành ngữ. Ví dụ câu "
Ếch ngồi đáy giếng". Nội dung, khái niệm thành ngữ nói đến không dừng ở nghĩa đen
con ếch ngồi ở dưới đáy giếng mà nhằm so sánh, ám chỉ
một người hiểu biết nông cạn, hạn chế, nên nhận thức sai về sự vật xung quanh. Trong khi cũng là cụm từ, cũng nhằm diễn đạt một khái niệm với lối ấn dụ, so sánh, nhưng "
Chiến tranh lạnh" hay "
Cách mạng xanh" mà GS Nguyễn Lân đưa ra không được xem là thành ngữ. Bởi nội dung cụm từ này chỉ dừng ở việc gọi tên một dạng chiến tranh, một kiểu cách mạng trong nông nghiệp. Hoặc
Khăn chữ nhất, Khăn đầu rìu, Khăn mỏ quạ ngoài ý nghĩa gọi tên các loại khăn theo hình dáng của nó thì các cụm từ này không mang nghĩa hàm ẩn nào khác. Hay
Không chán mắt, Không chê được; Không tài gì; Không thể nào...các nhà nghiên cứu xếp vạo loại “
quán ngữ” (từ quen dùng) chứ không phải thành ngữ.
Trong “
Đôi lời tâm sự thay lời tựa” của sách “
Từ điển từ và ngữ Việt Nam” GS Nguyễn Lân viết: “
Nhận thấy rằng sinh viên và học sinh các trường không có một từ điển tiếng Việt nào để tra cứu, một số chúng tôi đã quyết định cùng họp lại để giải quyết sự thiếu thốn ấy. Vì thế năm 1969, quyển Từ điển tiếng Việt đầu tiên của chế độ ta đã được ra mắt bạn đọc”. Từ điển là khoa học. Bởi thế, dù được biên soạn bởi ai, dưới chế độ nào đều phải đảm bảo tính khoa học, khách quan. Không rõ GS Nguyễn Lân quan niệm từ điển “
của chế độ ta” khác những gì với từ điển của những chế độ trước đó ? Ví như “
Việt Nam tự điển” của Hội Khai Trí Tiến Đức xuất bản năm 1931 đến bây giờ vẫn là công cụ hữu ích của các nhà nghiên cứu. Trong đó, chúng ta tìm thấy dấu ấn lịch sử của ngôn ngữ mà không thấy dấu ấn, bàn tay của chế độ thực dân phong kiến. Ở một khía cạnh nào đó, dường như GS Nguyễn Lân bị quan điểm giai cấp chi phối công việc của người làm khoa học. Ví như dân gian có tư duy, nhìn nhận, đánh giá sự vật, hiện tượng theo kiểu của dân gian. Tư duy đó tiến bộ, khoa học hay hạn chế đều mang dấu ấn lịch sử của quá trình nhận thức thế giới tự nhiên và mối quan hệ xã hội.
Nhiệm vụ của người làm từ điển là tập hợp và giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng, cách hiểu, cách dùng thành ngữ, tục ngữ dân gian một cách khách quan, đúng như nó vốn được đúc kết, được hiểu, được dùng trong thực tế. Thế nhưng, GS Nguyễn Lân lại
vi phạm nguyên tắc khách quan, khoa học đó khi đứng trên quan điểm giai cấp, cá nhân cực đoan, đả phá, phản đối nội dung nhiều câu thành ngữ, tục ngữ:
Đắng cay cũng thể ruột rà, ngọt ngào cho lắm cũng là người dưng Quan niệm cũ kỹ cho rằng người có họ với mình, dù ăn ở không tốt, cũng hơn là ngừơi dưng tử tế với mình.
Máu loãng còn hơn nước lã Quan niệm cũ cho rằng dù là họ hàng xa cũng còn hơn người dưng.
Máu mủ chẳng thương, thương thiên hạ hàng xứ Lời trách móc theo quan niệm cũ cho rằng có họ hàng với nhau thì phải đùm bọc, thương yêu hơn là đối với người dưng.
Ba câu trên khuyên người ta phải biết yêu thương người thân, máu mủ, ruột thịt; đề cao tình cảm huyết thống, dòng tộc. Điều đó không có gì là xấu, là “
quan niệm cũ kỹ”. Bởi “
Gia đình là tế bào của xã hội”, con người trước tiên phải ý thức được tình cảm máu mủ, ruột thịt, phải biết yêu thương ông bà, cha mẹ mới có thể yêu thương anh em, bạn bè, đồng chí. Rộng hơn nữa là ý thức đồng bào, dân tộc rất đáng được trân trọng. Và thương yêu người thân không có nghĩa ghét bỏ người dưng. Người trong một nước thương yêu nhau không có nghĩa là ghét bỏ nhân loại. Như câu ca dao “
Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Vậy GS nghĩ sao ?
Với GS, tất cả những gì dính dáng tới xã hội cũ, phong kiến, quan lại, đàn ông đều là xấu xa, đều là cũ kỹ, lạc hậu. Ngược lại, những cái thuộc về ngày nay đều muôn phần tốt đẹp:
-
Bạc thì dân, bất nhân thì lính.
Lời phàn nàn của bọn quan lạitrong chế độ phong kiến, khi người ta đối xử không hậu hĩ với chúng.
-
Mẹ chồng không ai nói tốt nàng dâu Đó là hiện tượng khá phổ biến trong xã hội cũ, nhưng ngày nay trái lại, nhiều khi mẹ chồng yêu con dâu như con đẻ của mình.
-
Tài trai lấy năm lấy bảy, gái chính chuyên chỉ lấy một chồng Luận điệu ích kỷ của bọn đàn ông trong chế độ phong kiến.
-
Trai làm nên, năm thê bảy thiếp; gái làm nên thủ tiết thờ chồng Nói lên cái tính ích kỷ của bọn đàn ông trong chế độ đa thê thời phong kiến.
-
Mấy đời gỗ mục đóng nên thuyền rồng ý nói Bản chất xấu thì không thể trở nên người tốt. Tuy nhiên trong xã hội ta, nhiều người xấu được cải tạo cũng trở nên tốt.
Đọc những lời trên, chúng ta có cảm giác GS Nguyễn Lân đang lên lớp trong một tiết học có nội dung chống đế quốc phong kiến chứ không phải đang làm từ điển. Mặt khác, cách phê phán của GS cũng không đúng. Ví dụ câu "
Mấy đời gỗ mục đóng nên thuyền rồng" tục ngữ không nói đến việc "
bản chất xấu không thể cải tạo thành người tốt", mà ý nói
vật cũ nát, tầm thường thì không thể sử dụng vào việc lớn. Điều này có thực tế nghĩa đen và rất biện chứng. Thế nên sách Luận ngữ ra đời cách nay hàng ngàn năm đã viết: “
Hủ mộc bất khả điêu dã, phấn thổ chi tường bất khả ô dã” Nghĩa là:
Gỗ mục không thể chạm khắc, vách đất không thể tô vẽ (Luận ngữ - Công Dã Tràng).
Thậm chí GS Nguyễn Lân còn đứng trên quan điểm duy vật biện chứng của triết học Mác-Lê nin để áp đặt cho tư duy dân gian và phê phán nội dung nhiều câu thành ngữ, tục ngữ. Ví dụ câu: “
Dương làm sao, âm làm vậy” phần nào thể hiện tín ngưỡng, tôn giáo, thế giới quan của người xưa, đã không được GS giải thích, ngược lại bị “sổ toẹt” bằng một câu: “
lời tin nhảm của kẻ mê tín” !
Thực tế, dù làm nghề đào đất cũng phải nắm được thân đất mình đào là đất sét hay đất cát, đất sỏi đá hay đất tơi xốp, rồi mới tính chuyện nên sử dụng mai, thuổng, hay xẻng, xà beng để đào cho hiệu quả. Thật khó cho GS Nguyễn Lân bởi một khi
chưa có hiểu biết cần thiết về cơ sở ngôn ngữ học nói chung và thành ngữ tục ngữ nói riêng làm sao có thể nói đến việc lựa chọn phương pháp tiếp cận nào cho đúng ? Những sai lầm mang tính hệ thống trong các sách từ điển do GS Nguyễn Lân biên soạn có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Phương pháp luận chỉ là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại của GS Nguyễn Lân ở lĩnh vực biên soạn từ điển.