31/12/19

Bài 3. Bộ thủ


Từ điển tiếng Việt, tiếng Anh sắp các mục từ theo thứ tự abc.
Nhĩ Nhã, bộ từ điển thời cổ đại của Tàu, sắp xếp các từ theo ý nghĩa: các từ về thiên văn, từ về địa lí, từ về y phục, ..
Hứa Thận là người đầu tiên, vào khoảng đầu thế kỉ thứ 2, trong cuốn Thuyết Văn Giải Tự của mình, dựa theo hình thức tự dạng, sắp xếp chữ Hán theo bộ.
Mỗi chữ Hán đều được xếp vào một (và chỉ một) bộ. Chữ trong cùng một bộ sắp thứ tự theo số nét tăng dần. Chữ đứng đầu một bộ gọi là bộ thủ (thủ = đầu), tên bộ được gọi theo tên chữ đứng đầu (bộ thủ), các chữ thuộc bộ nào thì trong tự dạng có chứa bộ thủ của bộ ấy.

Ví dụ với 10 chữ vừa học ở bài trước thì
- 人 从 众 thuộc bộ nhân 人
- 大  太 天 夫 夭 thuộc bộ đại 大
- 水, 汰 thuộc bộ thủy 水.
Trong chữ thải 汰 thì 氵 (tục gọi là ba chấm thủy) là một cách viết khác của bộ thủy 水, sau đây ta sẽ gọi là biến thể (viết tắt: BT).

Một số bộ thủ chữ Hán có một hay vài biến thể. Ví dụ
+ chữ thủy 水 ngoài biến thể quen thuộc 氵 còn có biến thể khác ít quen thuộc hơn, là 氺 .
+ chữ nhân 人 có hai BT là 亻 (tục gọi là bộ nhân đứng) và 儿 (tục gọi bộ nhân đi).
Các biến thể chỉ làm bộ nét, tức chỉ tham gia tạo chữ, không thể dùng riêng một mình như một tiếng trong câu. Ví dụ viết đại thủy 大水 [tàshuǐ] ( = lụt) , chứ không thể viết 大 氵(!).

Trong tác phẩm của mình, Hứa Thận đã chia gần 10 ngàn chữ Hán ông thu thập được thành 540 bộ. Việc sắp xếp theo bộ như thế tỏ ra thuận lợi hơn trong việc tra cứu chữ Hán, nên các nhà làm tự điển về sau tiếp tục áp dụng, phát huy và cải tiến. Số chữ Hán theo thời gian tăng thêm, nhưng được sắp xếp ngày càng hợp lí hơn, nên số bộ giảm dần, và giữ ổn định 214 bộ từ đời Minh đến nay.
Trước đây, muốn tra chữ Hán trong từ điển (xưa) cần nhận biết bộ thủ của nó, nếu không nhận ra bộ thủ, phải ngồi đếm nét, để tra theo số nét. (Ai từng ôm cuốn tự điển dày cả gang tay tra chữ Hán mới hiểu nỗi trần ai khi không biết bộ thủ!)
Ngày nay người ta thường tra cứu chữ Hán trên smartphone hay trên PC, các Từ điển Hán Việt giấy xuất bản sau này, người ta cũng thường sắp xếp theo thứ tự abc của âm Hán Việt, nên vai trò của bộ thủ không còn quá quan trọng như xưa. Dù vậy, như đã thấy trên, bộ thủ là thành phần cốt lỏi của mỗi chữ Hán, giúp nhận ra được cấu tạo, trường nghĩa của nó, nhờ đó dễ nhớ mặt chữ hơn. Vì lí do này, nhiều người chủ trương học chữ Hán, trước tiên phải thuộc lòng 214 bộ thủ. Tôi thì không nghĩ thế. Học luôn một lúc hơn 200 bộ thủ, dù có vè giúp trí nhớ, vẫn là một công việc vất vả, khá chán. Ta sẽ học dần các bộ thủ trong các bài sau mỗi khi gặp.
Tuy vậy trong bài này cũng xin giới thiệu 35 bộ thủ. Đây là các bộ thủ thông dụng, thường gặp; và quan trọng hơn, ít nét, nên rất tiện để giúp người mới học tập làm quen với cách viết chữ Hán, chuẩn bị cho bài sau, giới thiệu các quy tắc viết chữ Hán. Tôi có bịa ra bài vè, hi vọng giúp các bạn dễ nhớ hơn mấy chục bộ thủ này.

CỔN丨sổ, PHIỆT 丿phết, QUYẾT亅móc câu;
NHẤT 一 một, CHỦ 丶chấm, ĐẦU 亠 đầu, MỊCH 冖 che.
HÁN 厂 sườn, ẤT 乙 can ất, TIẾT卩 㔾 đốt tre,
NGHIỄM 广 hiên, PHƯƠNG 匚 tủ, HỆ 匸 che, MIÊN 宀 nhà.
QUYNH 冂 ngoài, KHẢM 凵 há, QUA 戈 cái qua.
TƯ 厶 riêng, HỰU 又 lại, BÌ 皮 da, NHẬP 入 vào.
CHỦY 匕 thìa, LỰC 力 sức, ĐAO 刀 dao;
NHỊ 二 hai, BÁT 八 tám, BAO 勹 bao, THẬP 十 mười.
Việc CÔNG 工 , KỶ 几 ghế, NHÂN 人 người;
TỊCH 夕 đêm, THỔ  土 đất, NHẬT 日 trời, NGUYỆT 月 trăng.

Phần giải thích chi tiết hơn sau đây chứa nhiều hình ảnh, nên tôi chuyển qua dạng ảnh jpg (cho fb) hoặc pdf (cho blog) để tiện post bài.



Trong 35 bộ thủ trên đây, các bộ cổn, bộ phiệt, bộ quyết, bộ chủ  丶 , đầu  亠 , mịch 冖 , hán  厂 ,  tiết 卩 , nghiễm  广 , hệ 匚  , phương 匸 , miên  宀 , quynh  冂 , khảm 凵 , khư 厶 , bao 勹  đều là các bộ nét (tức, như trên đã giải thích, chỉ tham gia tạo chữ; không dùng riêng một mình).


30/12/19

Hán tự thất thể.

 (Bài 2. Đọc thêm)

Những chữ Hán xưa nhất tính đến nay được tìm thấy trên các mai/yếm rùa, xương thú được gọi là giáp cốt văn (giáp = mai/yếm rùa; cốt = xương), cách đây khoảng gần 4 ngàn năm, vào đời nhà Thương. Đến đời nhà Chu, chữ được khắc trên các đồ dùng kim loại như chuông, vạc, gọi là kim văn (kim = kim loại). Từ thời Chiến Quốc (Thế kỉ V – III Trước TL) người ta dùng bút, ban đầu là một một vật đầu nhọn thân rỗng chứa mực, sau thay bằng bút lông; viết trên thẻ tre, da thú hay lụa. Cũng từ đây, chữ không còn gọi là văn, mà gọi là thư: triện thư, lệ thư với ý nghĩa chữ không còn là những nét vẽ tùy tiện nữa, mà qui về một số nét cơ bản chấm, phẩy, mác, sổ, móc, … ; được viết thứ tự trước sau theo những qui tắc nhất quán, rõ ràng.

Nhà Tần thống nhất Trung Quốc, quyết định dùng triện thư làm chữ viết chính thức trong cả nước, thống nhất tự dạng, loại bỏ dị thể (trước đó, nước Tàu chia thành nhiều nước nhỏ, nên rất nhiều chữ mỗi nước viết một kiểu). Lệ thư dù không được chọn làm chữ viết chính thức vẫn được nhiều người dùng nhờ đơn giản hơn, viết nhanh hơn. Đến thời nhà Hán giấy được phát minh, một thể chữ mới phát triển từ lệ thư xuất hiện phù hợp hơn với chất liệu mới này, gọi là khải thư, cũng gọi chân thư, là lối chữ dùng phổ biến hiện nay. Ngoài ra còn có thảo thưhành thư là lối viết tháu. Chữ thảo khó đọc, thường dùng viết nháp hoặc trong nghệ thuật thư pháp. Chữ hành ít tháu, dễ đọc hơn, nhiều người hiện vẫn dùng trong viết lách.


Bảy dạng chữ thủy 水 theo thứ tự Giáp cốt văn, kim văn, triện thư, lệ thư, thảo thư, khải thư và hành thư.

29/12/19

Nguyễn Văn Tý

Hôm nay đưa đám ns Nguyễn Văn Tý, tìm coi lại entry viết về ông, thấy link nhạc trong các bài cũ hỏng cả, ngồi làm lại playlist nghe cho tiện. Trong entry nói trên có phần tiểu sử của ông, giai thoại về bài hát Dư Âm nổi tiếng, cùng bài của Thy Nga trên RFA .. ở đây không viết lại.




27/12/19

Ru người trăm năm


Nguyễn Văn Tý vừa qua đời ở tuổi 94 tại nhà riêng ở Sài gòn vào chiều 26-12.

Nguyễn Văn Tý sinh 1925 (tuổi đúng là giáp tí - 1924), tại Vinh (quê gốc: Sóc Sơn, Vĩnh Phúc), cha là một trùm phường bát âm. Lớn lên học trung học ở Quốc học Vinh, được học nhạc với một số thầy tây ở đó.
1945 ông tham gia Việt Minh, thành lập đoàn kịch của Thanh niên cứu quốc Nghệ An,  rồi làm trưởng phòng Thông tin tuyên truyền Thanh Chương, và bắt đầu sáng tác ca khúc.

Ông sáng tác khá ít, nhưng có khá nhiều bài hay, được nhiều người yêu thích. Ngoài bài hát rất nổi tiếng Dư âm sáng tác thời kháng chiến nhưng được xếp vào dòng nhạc tiền chiến, ông chuyên sáng tác nhạc đỏ mang âm hưởng dân ca: Mẹ yêu con, Bài ca năm tấn, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Dáng đứng Bến Tre, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Em đi làm tín dụng, Mùa xuân cô đi nuôi dạy trẻ, ...

Ru người trăm năm ông sáng tác năm 1999, khi đã 75 tuôi.  Năm 2003 ông còn sáng tác Mối Tình Câm, và 2006 viết trường ca Mười Bông Hoa Trinh Liệt Giữa Ngã Ba Đồng Lộc phổ thơ Bùi Mạnh Hảo, sau đó ông bị tai biến mạch máu não lần thứ hai, ko còn sáng tác gì nữa.



Lời ca lấy từ bài thơ cùng tên của Trần Mạnh Hảo

Ru người trăm năm
Trần Mạnh Hảo

Ngủ đi người của anh ơi
Xin nhờ ngọn gió ru nơi em nằm
Anh ngồi thức với xa xăm
Tới em phải vượt hàng trăm tinh cầu
Lời ru nào sợ xa đâu
À ơi vũ trụ chìm sau mi dài
Bay bay hai cánh tơ ngài
Ngủ đi cặp mắt thức hoài chờ trông
Anh ru từng búp tay hồng
Xin nhờ ngọn gió bế bồng trên tay
Nâng niu mười nhánh sông gầy
Khép vơi thành nụ, xòe đầy thành hoa
Từng đi nghìn dặm sơn hà
Hai bàn chân của em là mùi hương
Cái hôn trên gót còn vương
Lời ru em hóa con đường em đi
Ngủ ngon khóe miệng thầm thì
Cháy tan trời đất cũng vì vành môi
Vuốt ve khe suối núi đồi
Ngủ đi da thịt ngời ngời thương yêu.
Tóc em anh đến trăm chiều
Bao nhiêu sợi tóc bấy nhiêu nỗi niềm
Tay anh em gối trăng liềm
Giấc mơ chớ hiện ra điềm bể dâu
À ơi cái ngủ đi đâu
Tình yêu ru đến bạc đầu chưa thôi
Cách xa như đất với trời
Đêm đêm anh lặng ru người trăm năm.
(Mình anh trong một thế giới, 1991)




24/12/19

We Wish You a Merry Christmas




We Wish You a Merry Christmas nguyên là bài hát trong trò chơi của trẻ em từ xưa ở miền tây nước Anh vào mùa giáng sinh. Chúng rồng rắn kéo nhau đi từ nhà này đến nhà khác vừa nhảy múa vừa hát chúc mừng giáng sinh và đòi quà

We wish you a merry Christmas
And a happy new year;
A pocket full of money,
And a cellar full of beer.

chúc giáng sinh vui
năm mới hanh thông;
tiền vô đầy túi,
và bia đầy thùng.

Bài hát cũng từng được thu âm từ thế kỉ 18, trở nên nổi tiếng sau khi được nhà soạn nhạc đồng thời là nhạc trưởng Arthur Warrell (1882 - 1939) soạn lại và cho trình diễn trong một buổi hòa nhạc năm 1935.



Ngày nay, ngoài phiên bản của Arthur Warrell, còn nhiều phiên bản khác nữa, được nhiều ban nhạc trình diễn khắp nơi, trở thành một trong những bài hát được hát nhiều nhất vào dịp giáng sinh.

19/12/19

Phương Anh

Nghe Phương Anh đờn và ca mấy bài nhạc sến cho vui



Phương Anh sinh năm 1993 tại Buôn mê thuột. Theo học Nhạc viện Saigon, tham gia sân chơi Thần tượng Bolero mùa 1 (2016), được giải đồng. Năm 2018 cô được giải Mai vàng cho hạng mục ca sĩ hát nhạc âm hưởng dân ca.


ca sĩ Phương Anh. Photo: fb Phương Anh Official


16/12/19

Quê hương chùm khế ngọt

Coi lại, thấy link nhạc trong bài Quê hương chùm khế ngọt bị hỏng khá nhiều, ngồi sửa lại, và làm luôn playlist nghe cho tiện.

Trong playlist này có các bài hát phổ thơ Đỗ Trung Quân: bài Quê Hương của Giáp Văn Thạch, bài do Võ Tá Hân phổ nhạc, cũng lấy tên Quê Hương; và bài do Anh Bằng phổ nhạc, lấy tên Bài học đầu cho con, là tên gốc của bài thơ. Ngoài ra có một phiên bản tiếng nhật của bản Giáp Văn Thạch, nghe cho vui.

Ta cũng sẽ được nghe tác giả bài thơ đọc bài thơ của ông, trả lời RFA về nguồn gốc câu thơ cuối "sẽ không lớn nổi thành người". Sau đó nghe tiếp Hải Phượng hòa tấu đàn tranh với dàn nhạc ở Nhật, Trần Mạnh Tuấn chơi saxo, và Sáo Trần thổi sáo bản nhạc của Giáp Văn Thạch.





9/12/19

Một số phần mềm, trang web học tiếng Hoa:


+ https://chinese.yabla.com/chinese-pinyin-chart.php  Trang web giới thiệu pinyin chart gồm tất cả các âm vần tiếng Hoa, có phần hướng dẫn đọc bằng cách so sánh với âm tiếng Anh.

+ Dùng smart phone có thể tải app Pinyin Master hoặc app HelloChinese (đều free) để luyện nghe, đọc âm vần tiếng Hoa. Phần bài tập khá phong phú.

+ Từ điển online: Mới học bạn có thể tra các từ điển Hán Việt online:
- Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn http://vietnamtudien.org/hanviet/ Có thể tra theo âm Hán Việt hay chữ Hán hoặc tra theo bộ thủ. Có phần tập viết, phần phát âm (pinyin).
- Từ điển Hán Nôm: https://hvdic.thivien.net/ có thể tra theo âm Hán Việt, âm pinyin, hoặc chữ Hán. Có thể chọn tra chữ Hán hay chữ Nôm. Có phần tập viết, tự thể. Không có phần phát âm pinyin.
- dùng smartphone có thể tải app Từ điển chữ Hán sphoton của Đỗ Giáp Linh. Có thể tra theo âm Hán Việt hoặc pinyin hoặc tra bằng viết tay chữ Hán cần tra (rất tiện khi vào đền chùa gặp chữ Hán ko biết âm đọc). Nghĩa dựa trên cuốn TĐ HV Trích Dẫn, có thêm phần phân tích cấu tạo chữ, nhưng không có phần tập viết hay phát âm.

6/12/19

Vui

Đàn ông sinh ra để phụ nữ dựa dẫm.
- Dựa không được thì dẫm.

Đàn ông sinh ra để phụ nữ nhờ vả.
- Nhờ không được thì vả.

Phụ nữ sinh ra để đàn ông theo đuổi.
- Theo không được thì đuổi.

Phụ nữ sinh ra để đàn ông ăn hiếp.
- Ăn không được thì ..

rán mà nhịn thôi, manh động thì chết đấy.
(đọc trên mạng)

*
Nách chua lè, nhạc Ấn Độ



Bài gốc, không phụ đề bựa ngữ. Aaja Nachle tiếng Hindi có nghĩa là Hãy đến đây, cùng nhảy nào! là nhạc phim của bộ phim ca nhạc Ấn Độ cùng tên được phát hành tại Ấn và Mỹ tháng 11/2017.








5/12/19

nhạc sến

link nhạc trong bài Nhạc sến bị block cả, vừa làm lại playlist. Mời mọi người nghe lại ít bài nhạc sến cho vui. Còn nhạc sến là gì, mời vào đây, tham khảo nhạc sĩ Trần Chí Phúc trả lời Thy Nga trên RFA.



Khúc ca ngày mùa. Lam Phương
Gạo trắng trăng thanh. Hoàng Thi Thơ
Trăng rụng xuống cầu. Hoàng Thi Thơ
Thương về miền Trung. Minh Kỳ
Thành phố buồn. Lam Phương.
Ai ra xứ Huế. Duy Khánh
Ai lên xứ hoa đào. Hoàng Nguyên
Nha Trang. Minh Kỳ
Sài gòn đẹp lắm. Y Vân
Nỗi lòng người đi. Anh Bằng
Trăng tàn trên hè phố. Phạm Thế Mỹ

21/11/19

Vườn xưa

Nghe Trịnh Công Sơn kể một câu chuyện tình



Một hôm chàng ghé thăm nhà một người bạn cũ, đã rất lâu chưa gặp.

Người lên tiếng hỏi người có không
Người đi vắng về nơi bế bồng

Một chiếc thuyền hoa nào đã rước mất thuyền quyên ... Chỉ còn lại nơi vườn xưa một bông hồng trắng hờ hững, chiếc lá vàng quạnh quẽ như chuyện tình xưa ..

Một chuyện tình buồn man mác. Và chắc không ngắn như lời kể lại ..

Tế Hanh cũng có bài thơ mang tên Vườn Xưa kể câu chuyện hai người yêu nhau nhưng không được gặp mặt. bài thơ được nhiều người phổ nhạc. Nghe lại bản do Phạm Anh Dũng phổ.




Coffee on terrace. tranh Volegov

20/11/19

Bài 1. Âm vần tiếng Hoa. Pinyin


Âm vần tiếng Hoa
Tương tự tiếng Việt, một câu nói tiếng Hoa có thể có một hay nhiều tiếng, mỗi tiếng ứng với một âm tiết; viết ra chữ, mỗi tiếng ứng với một chữ.
Lại cũng giống tiếng Việt, trong tiếng Hoa mỗi âm tiết cũng có các thành phần:
- phụ âm đầu (thanh mẫu) [có thể có hay không]
- vần (vận mẫu)
- thanh (thanh điệu)
Hệ thống ngữ âm tiếng Hoa có 21 phụ âm đầu, 36 vần và 5 thanh.

Pinyin
Có nhiều cách ghi âm tiếng Hoa, thông dụng nhất là dùng hệ thống phiên âm pinyin. Đó là cách dùng các chữ cái latin a, b, c .. cùng với 4 dấu chỉ thanh điệu để ghi âm đọc tiếng Hoa.
Tiếng Hoa nói đây là chỉ Tiếng Hán Tiêu Chuẩn, hiện đang được nói ở Trung hoa lục địa, lẫn Đài Loan, và cả Singapore, Malaysia. Điều này sẽ trình bày thêm sau.

Còn giờ thì mời các bạn nghe một cô giáo trẻ xinh đẹp hướng dẫn cách phát âm tiếng Hoa. Học tiếng thì phải nghe trực tiếp mới quen tai được, không thể chỉ nghe mô tả ..
Playlist sau gồm 5 bài học và một bài ôn, chia ra thành 7 clip, mỗi clip chạy khoảng 15 phút. Một số bài có phần bài tập, phần đáp án các bài tập thường nằm ở phần comment bên dưới.

https://www.youtube.com/playlist?list=PLGFHzdaCORrxxFCEJUTsvpei1dGSBHsdF

Nếu mỗi ngày xem một clip (vài lần), thì trong một tuần là xong. Ai có ý định học tiếng Hoa để giao tiếp thì cần học kĩ bài này, luyện phát âm những âm vần cơ bản thật tốt. Thật ra nếu chỉ có ý định học nghe nói tiếng Hoa cơ bản, thậm chí chỉ cần học pinyin, không cần học chữ Hán cũng được.

*
Nói thêm về tiếng Hoa.
Người ta kể ngày xưa cụ Phan Bội Châu khi qua Nhật gặp nhà cách mạng Tàu Lương Khải Siêu hay các quan chức Nhật đều có thể nói chuyện với nhau .. bằng bút.
Không chỉ giữa người Việt với người Tàu hay người Nhật, mà ngay giữa người Tàu với nhau, người vùng này nói người vùng kia nghe cũng không hiểu được. Các vị anh hùng Lương Sơn Bạc hay các hiệp khách trong truyện Kim Dung tứ xứ gặp nhau vẫn có thể chuyện trò thì hẳn đều đã học Quan thoại (tiếng Anh: Mandarin), một thứ tiếng chính thức dùng chung trong cả nước Tàu ngày xưa, mà xét riêng về mặt ngữ âm, dựa chủ yếu trên âm Bắc Kinh. Hiện nay, hết thời vua quan, thứ tiếng quan phương ấy được gọi là tiếng Hán Tiêu Chuẩn; còn gọi là tiếng Phổ thông (ở Lục địa) hoặc Quốc ngữ (ở Đài Loan), hoặc Tiếng Hoa (ở Singapore, Malaysia - ở hai nước này, Tiếng Hoa là một trong các ngôn ngữ chính thức của họ).

Ở Hong Kong và Macao thì dùng tiếng Quảng Đông (Cantonese) làm ngôn ngữ chính thức.

19/11/19

Tự học chữ Hán

Xưa có học võ vẽ ít chữ Hán, nay quên gần hết. Hồi ấy học phồn thể, đọc theo âm Hán Việt.
Nay định học lại, nhân tiện học luôn cả giản thể, và âm Bắc Kinh. Học giản thể, để tiện tra cứu các tài liệu chữ hán trên mạng, phần lớn viết bằng giản thể. Học âm Bắc Kinh để, nếu có hứng, học vài câu đàm thoại tiếng Tàu, biết thêm một ngoại ngữ, cũng hay..

Nhớ cụ Nguyễn Hiến Lê có dạy, rằng cái gì chưa biết rõ thì hãy viết về nó. Nên tôi sẽ tự soạn tài liệu để học. Nội dung tập tài liệu này đại khái sẽ như sau:
1. Âm, vần tiếng Tàu. Phiên âm pinyin.
2. Lục thư. Giới thiệu 6 cách cấu tạo chữ Hán.
3. Bộ thủ. Ý nghĩa, công dụng. Giới thiệu vài bộ thủ.
4. Bút thuận. Các qui tắc viết chữ Hán.
Sau bốn bài mở đầu, bắt đầu từ bài thứ 5, mỗi bài sẽ giới thiệu một từ ghép, một thành ngữ, một câu danh ngôn hay một bài thơ, một đoạn văn .. thông qua đó, sẽ giới thiệu từ mới. Mỗi bài học sẽ có khoảng từ 5 -10 chữ mới.
Mai sẽ bắt đầu học.

Trình bày rõ như thế, để ai thấy thích, hợp thì xin mời vào cùng học cho vui.

Trên bài, có mấy chữ in nghiêng, ý nghĩa chắc nhiều người đã biết. Dù vậy, cũng xin nói qua chút, để tiện theo dõi các bài sau, .

Chữ Hán, chữ Nho, chữ Nôm
Chữ Hán là chữ của người Hán (người Tàu, người Hoa, người Trung Quốc). Người Việt thường gọi là chữ Nho, vì trước đây người Việt dùng thứ chữ này để học kinh thư đạo Nho.
Chữ Nôm là chữ do người Việt đặt ra, dựa trên chữ Hán, để ghi âm tiếng Việt.
Người Hàn (Triều) người Nhật xưa cũng như người Việt, dùng chữ Hán và đọc theo cách của mình; ở Hàn gọi là Hanja, ở Nhật gọi là Kanji. Về sau hai nước cũng đã tạo ra được bộ kí tự riêng của mình, nhưng chữ Hán vẫn tiếp tục giữ vai trò đáng kể. Hiện nay ở Nhật cũng như ở hai miền Hàn quốc, học sinh phổ thông được quy định phải học ít nhất khoảng 2 ngàn chữ Hán.

Phồn thể, giản thể
Từ xưa để viết được nhanh, người ta đã lược bớt nét. 
Thời Quốc Dân Đảng nắm quyền ở Hoa lục đã đưa ra danh sách 324 chữ Hán thường dùng được lược bớt nét, nhưng không được ủng hộ mấy. Phải chờ sau khi Mao nắm quyền ở Hoa lục, với lí do giúp dân dễ học, nhanh chóng thoát mù, việc giản hóa mới được đẩy mạnh. 
Để giản hóa một chữ, người ta hoặc bỏ bớt nét, hoặc thay bằng chữ đồng âm, một dị thể có sẵn, hoặc đặt ra chữ mới ít nét hơn. Tính luôn những chữ có từ trước, khoảng hai ngàn chữ đã được đơn giản hóa, gọi là giản thể; phân biệt với dạng viết cũ gọi là phồn thể. Trong số 3500 chữ Hán thường dùng, khoảng 1100 chữ có giản thể.
Ngày nay Đài Loan, Hồng Kong, Macau vẫn dùng chữ Hán phồn thể làm chữ viết chính thức; ở Hoa lục, Malaysia, Singapore thì dùng giản thể. 
Ngày càng nhiều người, cả ở Hoa lục, tỏ ra tiếc nuối khi dùng giản thể thay phồn thể, biến một thứ chữ mà mỗi chữ như một bức tranh có ý nghĩa sâu xa với logic nội tại chặt chẽ thành một thứ kí hiệu thuần túy, vô hồn. Dù vậy thì hiện nay kho tài liệu chữ Hán khổng lồ trên mạng hầu hết đều viết bằng giản thể.

Âm Hán Việt
Tiếng Hán Việt là tiếng Việt có nguồn gốc là tiếng Hán được du nhập vào đời Đường, tức khoảng thế kỉ thứ IX, bấy giờ quan lại nhà Đường trực tiếp cai trị nước ta. Từ đầu thế kỉ thứ X, VN giành được độc lập, không còn học trực tiếp với người Tàu nữa, nên không cập nhật những biến đổi ngữ âm của họ, mà giữ nguyên cách đọc thời Đường, được Việt hóa ít nhiều cho phù hợp ngữ âm Việt, lưu truyền đến ngày nay, tạo ra lớp từ vựng gọi là tiếng/từ Hán Việt.
Những tiếng Hán du nhập trước đó không đọc theo âm Đường thì gọi là tiếng Hán Việt cổ, ví dụ xưa (âm Hán Việt: sơ), bố (HV: phụ), buồng ( Hán Việt: phòng); nhen (âm HV: nhiên) ...
Những tiếng Hán du nhập sau đời Đường, đọc theo phương ngữ nào đó của Tàu, như mì chính (HV: vị tinh), màn thầu ( HV Man đầu) cũng không được coi là tiếng Hán Việt.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, từ Hán Việt chiếm khoảng hơn 70% kho từ vựng tiếng Việt.
Âm Hán Việt là âm người Việt đọc các từ Hán Việt này. Có thể nói cách khác: Âm Hán Việt là âm đọc chữ Hán đời Đường, có bị biến đổi ít nhiều do ảnh hưởng ngữ âm tiếng Việt.

Âm Bắc Kinh, pinyin (mai tiếp)

*

wow, cuối cùng rồi cũng đã bắt đầu thực hiện lời hứa đã lâu với nhiều bạn. Hứa, để có động lực thúc đẩy làm việc, nhưng vẫn lần lữa đến giờ. Sorry!

18/11/19

214 bộ thủ chữ Hán diễn ca.

Học chữ Hán tôi vẫn chủ trương học bộ thủ thông qua chữ, học chữ thông qua câu; không bỏ công học ngay từ đầu 214 bộ thủ vừa chán vừa khó nhớ.
Nhưng lâu rồi có đứa cháu học tiếng Nhật, về nhà than thở cô bắt học 214 bộ nhưng khó nhớ qua, trên mạng cũng có mấy bài vè giúp trí nhớ nhưng trúc trắc khó đọc. Nên đã bịa ra một bài vè giúp cháu, chuyện này đã kể ở đây.
Đặt vè xong, in đưa cho nó, coi như hết việc. Hồi hôm tình cờ ngồi coi lại, dựa theo góp ý của bạn đọc, sửa lại thành phiên bản 2.0 này :) Post lên cho ai cần.

1. CỔN丨sổ, PHIỆT 丿phết, QUYẾT亅móc câu;
NHẤT 一 một, CHỦ 丶chấm, ĐẦU 亠 đầu, MỊCH 冖 che.
HÁN 厂 sườn, ẤT 乙 can ất, TIẾT卩 㔾 đốt tre,
NGHIỄM 广 hiên, PHƯƠNG 匚 tủ, HỆ 匸 che, MIÊN 宀 nhà.
QUYNH 冂 ngoài, KHẢM 凵 há, QUA 戈 cái qua.
TƯ 厶 riêng, HỰU 又 lại, BÌ 皮 da, NHẬP 入 vào.
CHỦY 匕 thìa, LỰC 力 sức, ĐAO 刀 dao;
NHỊ 二 hai, BÁT 八 tám, BAO 勹 bao, THẬP 十 mười.
CÔNG 工 công, KỶ 几 ghế, NHÂN 人 儿 亻người;
TỊCH 夕 đêm, THỔ  土 đất, NHẬT 日 trời, NGUYỆT 月 trăng.

11. MỘC 木 cây, THỦY 水 氵nước, BĂNG 冰 冫băng;
KIM 金 vàng, HỎA 火  灬  lửa, VIẾT 曰 rằng, THI 尸 thây.
KHẨU 口 mồm,  VÕNG 网 罒 罓 lưới, VI 囗 vây;
TRUY 夂 sau, TUY 夊 chậm, CỦNG 廾 chắp tay, THỊ 示  礻thần.
UÔNG 尢 yếu, YÊU 幺 nhỏ, KỶ 己 bản thân;
ĐẨU 斗 đong, THỐN 寸 tấc, rìu 斤 CÂN, MÃNH 皿 bồn.
CAN 干 khiên, HUYẾT 血 máu, cửa MÔN 門 ;
PHỘC 攴 攵 đánh, TRẢO 爪 vuốt, ẤP 邑 阝thôn, PHỤ 阜 阝đồi.
TỰ 自 từ, CỮU 臼 cối, CÁCH 鬲 nồi;
BỐC卜 bói, PHIẾN 片 miếng, THẦN 臣 tôi, CHI 支 cành.

21. KHÍ 气 hơi, TƯỜNG 爿tấm, SINH 生 sanh;
CUNG 弓 cung, DẶC 弋 bắn, ĐẤU 鬥 (斗) tranh, HỘ 戶 nhà.
TỬ 子 con, THỊ 氏 họ, PHỤ 父 cha
HIỆT 頁 (页) đầu NỮ 女 gái, LÃO 老 già, CÂN 巾 khăn.
SAM 彡 lông, KỆ  彐 彑 nhím, VĂN 文 vằn;
HÀO 爻 hào, ĐÃI 歹 tệ, THỰC 食 ăn, SĨ 士 trò.
CAO 高 cao, TIỂU 小 nhỏ, ĐẠI 大 to;
NHA 牙 răng, THIỆT 舌 lưỡi, TỈ 比 so, TRƯỜNG 長 (长) dài.
THỦ 首 đầu, MỤC 目 mắt, NHĨ 耳 tai;
THỦ 手 扌tay,  KIẾN 見 (见) thấy, MA 麻 gai, BỐI 貝 tiền.

31. MÂU 矛 mâu, BÁT 癶 đạp, CHU 舟 thuyền,
SƠN 山 non, THẠCH 石 đá, ruộng ĐIỀN 田 , XUYÊN 川 巛 sông.
CÁCH 革 da, NHỤC 肉 thịt, MAO 毛  lông;
SUYỄN 舛 sai, KHIẾM 欠 thiếu, VÔ 无 không, GIÁC 角 sừng.
XÍCH 彳 đi, DẪN 廴 bước, CHỈ 止 dừng;
TÚC 足 chân, TẨU  走 chạy, VÔ 毋 đừng, HUYỆT 穴 hang.
HÀNH 行 đi, SƯỚC 辵 辶 bước, LÝ 里 làng;
ĐÃI 隶 kịp, CHÍ 至 đến, HOÀNG 黃 vàng, TRÚC  竹 tre.
NGƯU 牛 牜trâu, KHUYỂN 犬 犭chó, XA 車 (车) xe
NGÕA 瓦 ngói, NGỌC 玉 ngọc, Á 襾 覀 che, NHI 而 mà.

41. SẮC 色 màu, DIỆN 面 mặt, lúa HÒA 禾 ;
XỈ 齒 răng, TỊ 鼻 mũi, VI 韋 (韦) da, TÂM 心 忄lòng.
CỐT 骨 xương, NẠCH 疒 bệnh, gió PHONG 風 .
CỐC 谷 hang, NHỰU 禸 dấu, LONG 龍 (龙) rồng, VŨ 雨 mưa.
MẠCH 麥 (麦) mì, ĐẬU 豆 đậu, QUA 瓜 dưa;
Áo Y 衣 衤, MỄ 米 gạo, MỊCH 糸 (纟) tơ, LỖI 耒 cày.
TRÃI 豸 sâu, SƯỞNG 鬯 rượu, TÂN 辛 cay ;
THỈ 豕 heo, chim ĐIỂU 鳥 (鸟), PHI 飛 (飞) bay, TRÙNG 虫 trùng.
Cá NGƯ 魚 (鱼), MÃ 馬 (马) ngựa, ĐỈNH 鼎 chung;
CHUY 隹 chim, LẬP 立 đứng, DỤNG 用 dùng, dê DƯƠNG 羊

51. THỬ 黍 kê, THẢO 艸 艹cỏ, thơm HƯƠNG 香 .
VŨ 羽 lông, DẬU 酉 dậu, vuông PHƯƠNG 方 , PHẪU 缶 sành.
THÌN 辰 thìn, CỔ 鼓 trống, ÂM 音 thanh;
CHỈ 黹 may, XÍCH 赤 đỏ, THANH 青  xanh, đen HUYỀN 玄 .
CỬU 韭 rau hẹ, THÙ 殳 giáo, THỈ 矢 tên;
NGÔN 言 lời, DUẬT 聿 bút, HẮC 黑 đen, TRIỆT 屮 mầm
BƯU 髟 tờ, THẤT 疋 匹 tấm, BIỆN 釆 phân.
LỘC 鹿 hươu, HÔ 虍 da cọp, THÂN 身 thân, TỀ 齊 (齐) bằng.
QUỶ 鬼 quỷ, DƯỢC 龠 sáo, ngọt CAM 甘 ;
LỖ 鹵 (卤) muối, MÃNH 黽 (黾) ếch,  THỬ 鼠 chuột lang, QUY 龜 (龟) rùa.

Ghi chú
- Chữ in hoa là âm Hán Việt, chữ thường là nghĩa. Một bộ có nhiều nghĩa, ở đây chọn ra nghĩa hợp vần, có thể không phải là nghĩa chính, nghĩa thường dùng của bộ ấy (nhưng điều này sẽ cố gắng hạn chế).
- Một số bộ có biến thể, ghi ngay sau dạng chính, ví dụ nhân 人 có hai biến thể là 亻 và 儿
- Một số bộ thủ có giản thể thì ghi trong ngoặc đơn, ví dụ: hiệt 頁 (页)
- Trên đây là 214 bộ thủ chữ Hán. Kanji (chữ Hán của Nhật) một số bộ viết khác, ai học tiếng Nhật cần lưu ý. vd:

Hộ 戶 dạng này ít dùng trong Kanji, dạng thường dùng hơn là: 戸. Cũng vậy:
Hoàng 黃 >> Kanji : 黄
Xỉ 齒 >>  歯
Hắc 黑 >> 黒

16/11/19

Vắng bóng người yêu

Vắng bóng người yêu là lời Việt do Phạm Duy soạn cho ca khúc Apres toi, ca khúc mang về cho ca sĩ Hi lạp Vicky Landros giải quán quân trong kì Eurovision Song Contest 1972. Bài này đã được giới thiệu ở đây
Hôm nay chỉ gom lại các clip trong entry cũ làm thành playlist nghe cho tiện. So với entry cũ, playlist này có thêm bớt một vài clip. Ngoài các phiên bản tiếng Pháp, Anh và Đức do chính Leandros trình bày, còn một số bản cover của các nghệ sĩ khác, kể cả một phiên bản piano của P. Mauriat. Riêng tiếng Việt thì ngoài phiên bản của Thanh Lan, nay thêm hai phiên bản của Kiều Nga và Elvis Phương. Nghe cho vui.




Thiếu nữ bên hoa sen. Sơn dầu của Nguyễn Sáng

15/11/19

Những lỗi sai phổ biến khi dùng từ Hán Việt

TTO - LTS: Khảo sát tần suất sử dụng tiếng Hán Việt cũng như những bất cập trong việc dùng từ Hán Việt trên truyền thông hiện nay, TS Lê Thị Bích Hồng (giảng viên cao cấp Trường đại học Sân khấu - điện ảnh Hà Nội) gửi đến Tuổi Trẻ bài viết này.
.
Lớp từ Hán Việt thường có sắc thái trang trọng, trong khi lớp từ thuần Việt lại bình dân và sinh động hơn. Nhiều từ Hán Việt đã được Việt hóa thông dụng, có từ đã biến đổi ý nghĩa.

Khi từ gốc Hán được Việt hóa

Nhiều người dùng mượn hình thức ngữ âm của từ Hán rồi thay đổi nghĩa, thu hẹp nghĩa, cho thêm nghĩa mới.

Ví dụ, “phương phi” nghĩa Hán là “hoa cỏ thơm tho”, người Việt hiểu sang “béo tốt”.

Tương tự, “khôi ngô” nghĩa “to lớn, cao to” sang nghĩa “mặt mũi sáng sủa, dễ coi”; “bồi hồi” nghĩa “đi đi lại lại” sang nghĩa “sự xúc động”; “đinh ninh” nghĩa “dặn dò” sang nghĩa “tin chắc, yên chí”; “lang bạt kỳ hồ” nghĩa “lúng túng, quanh quẩn tại chỗ” sang nghĩa “lang thang khắp nơi khắp chốn” (Theo Đặng Đức Siêu, Ngữ văn Hán Nôm)...

Từ “khuyến mãi” nay dùng thành “khuyến mại”. Cụm từ “kích thích nhu cầu tiêu dùng” rút thành “kích cầu” - từ này đang dần được chấp nhận. Từ “yêu cầu” là một động từ. Nhưng hiện từ “yêu cầu” hay được dùng với nghĩa danh từ. Ví dụ: “mục đích yêu cầu”...

Từ “đáo để” trong tiếng Hán có nghĩa là “đến đáy”, nhưng khi đi vào tiếng Việt nó lại có nghĩa là cách cư xử không đẹp, khiến người ta khó gần; hoặc có khi nó được dùng làm tiếng đệm nhằm nhấn mạnh ý nghĩa của tính từ giống như các từ chỉ mức độ “vô cùng”, “rất”, “lắm”... (Theo Hữu Đạt, Sai, đúng trong cách dùng từ Hán Việt và vấn đề "giải pháp").

Trên thực tế, các từ gốc Hán khi du nhập vào tiếng Việt hầu hết đã bị biến đổi do áp lực của cấu trúc tiếng Việt.

Chỉ sau một thời gian, bản chất Hán của các từ này đã bị tiếng Việt đồng hóa để không còn cái vẻ nguyên dạng ban đầu. Hoặc là nó bị biến đổi về ngữ âm, hoặc là nó bị biến đổi về ngữ nghĩa theo cách tri nhận mới của người Việt Nam qua cái vỏ âm thanh ban đầu. Hoặc nhiều tiếng Hán Việt bị hiểu sai; lâu dần, cái nghĩa hiểu sai được phổ biến hơn nghĩa tinh xác và do đó được công nhận là nghĩa đúng (Theo Bùi Đức Tịnh, Ngữ pháp Việt Nam giản dị và thực dụng).

Những lỗi thường gặp

Nhiều trường hợp người sử dụng chưa nắm được nghĩa của từ Hán Việt, khiến từ trở nên vô nghĩa hoặc dẫn đến sai trầm trọng.

Dùng từ sai vì không hiểu nghĩa gốc Hán Việt: nhầm lẫn giữa hai từ “khả năng” - năng lực của con người có thể làm được việc gì đó với “khả dĩ”. Từ “quá trình” là đoạn đường đã đi qua: “quá” là đã qua, “trình” là đoạn đường. Nếu viết từ “quá trình” dùng ở thì tương lai “quá trình thực hiện công tác sắp tới của tôi sẽ rất thuận lợi” là sai.

Có thể dùng từ “tiến trình” cho câu trên. Ta có thể viết “hôn lễ” (lễ cưới), “hôn phối” (lấy nhau). Nhưng nếu nói hôn phu, hôn thê, hôn quân lại mang nghĩa là người chồng u mê, người vợ u mê, nhà vua u mê...

Sai vì không phân biệt được tiếng Hán Việt với tiếng thuần Việt (tiếng Nôm): chữ “góa phụ” trong sách báo chỉ người đàn bà có chồng đã chết. Tính từ “góa” là tiếng Nôm không thể đặt trước danh từ “phụ”. Nên gọi là gái góa (toàn Nôm), hay “quả phụ” (toàn Hán Việt).

Từ “nữ nhà báo” thường được dùng trên các phương tiện truyền thông. Nhà báo là tiếng Nôm nên phải dùng văn phạm xuôi là “nhà báo nữ”, hoặc dùng ba từ Hán Việt là “nữ ký giả” hay “nữ phóng viên”.

Lạm dụng và dùng sai từ Hán Việt khá phổ biến khi kết hợp từ “tặc” (ăn cướp) với các từ khác như: tôm tặc, vàng tặc, cà phê tặc, đinh tặc... để chỉ những tên ăn trộm.

Cách dùng này sai về ngữ pháp (từ đơn thuần Việt không thể ghép với một từ đơn Hán Việt để thành một từ kép), sai về nghĩa: tặc là ăn cướp, đạo () là ăn trộm. Thay vì sính dùng từ Hán Việt, ta có thể nói là: bọn ăn trộm tôm, trộm vàng, trộm cà phê...

Hiện từ “đinh tặc” đang được nhiều báo chí dùng với tần suất lớn với nghĩa chỉ bọn rải đinh trên đường, trong khi “đinh tặc” chỉ có nghĩa là bọn ăn cướp đinh, chỉ bọn rải đinh trên đường là sai nghĩa...

Nhiều từ Hán Việt hiểu sai nên viết sai: từ “tham quan” nghĩa là đi chơi để ngắm cảnh thay từ “thăm quan”; “chấp bút” viết thành “chắp bút”, “lặp lại” viết thành “lập lại”, “trùng lặp” viết thành “trùng lắp”, “hằng ngày” viết thành “hàng ngày”, “thập niên” viết thành “thập kỷ”, “điểm yếu” thành “yếu điểm”...

Tất nhiên, khi xem xét tới tính sai, đúng của việc dùng từ Hán Việt, việc đối chiếu từ nguyên là việc làm có phần cứng nhắc, dễ dẫn đến việc làm mất đi tính năng động của từ Hán Việt với tư cách là một sự sáng tạo rất linh hoạt của người Việt Nam.

Từ Hán Việt tuy có nguồn gốc từ tiếng Hán, nhưng nó đích thị hoàn toàn là của người Việt Nam, được dùng theo cách của người Việt Nam. Nên hiểu đúng và dùng đúng ngữ nghĩa của từ Hán Việt là chúng ta đang góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, bổ sung, làm giàu thêm vốn từ vựng phong phú, nối dài nét đẹp văn hóa và chữ viết của người Việt.

Vai trò của báo chí trong chuẩn hóa và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt có ý nghĩa quan trọng. Bởi tiếng Việt là một trong số gần 50 ngôn ngữ đang được sử dụng rộng rãi nhất trái đất. Không phải tự dưng tiếng Việt có thể tồn tại và phát triển, trong khi đã có hàng ngàn ngôn ngữ và chữ viết của các dân tộc bị hủy diệt theo dòng chảy phát triển của nhân loại.

Nhiều người dùng chưa nắm được nghĩa từ Hán Việt

Từ Hán Việt là một loại từ đặc biệt trong vốn từ vựng tiếng Việt, là một bộ phận rất quan trọng của kho từ vựng tiếng Việt.

Lớp từ Hán Việt có khối lượng lớn, được sử dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, nghệ thuật...

Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ của khoa ngôn ngữ, có tới 16 hình thức sử dụng sai từ Hán Việt khá phổ biến hiện nay như: sai vì không hiểu gốc Hán Việt, sai vì cố ý sửa gốc của từ, sai vì không hiểu văn phạm giữa Hán Việt và Hán Nôm, sai vì dùng từ thiếu chính xác ngữ cảnh; dùng sai nghĩa từ thuần Việt lại tưởng từ Hán Việt, dùng từ Hán Việt vô nghĩa và lộn xộn, cóp y nguyên tiếng Tàu đang sử dụng và coi đó là từ Hán Việt, đảo ngược ngữ pháp hay cấu trúc từ Hán Việt, đảo từ ghép Hán Việt sai và không đúng cách, thiếu từ cho các thuật ngữ khoa học công nghệ hay chuyển nghĩa từ ngoại ngữ phương Tây sang...

LÊ THỊ BÍCH HỒNG
Nguồn: https://tuoitre.vn/hon-phu-hon-the-la-nguoi-chong-nguoi-vo-u-me-1216045.htm?

12/11/19

Tequila

Coi một thí sinh độc đáo trong kì American Got Talent mấy tháng trước. Anh nhận  được 4 yes trong khi chỉ lập lại ba lần một từ duy nhất



Nhìn cái mặt anh ta trên sân khấu đúng là không nhịn cười được.

Bài hát anh ta trình bày, Tequila, do Daniel Flores, cây saxo trong nhóm The Champs sáng tác. Đây là một bài hát mang phong cách RnR Latin, rất độc đáo với tiếng saxo nghe rất đã lỗ nhĩ, và lyrics thì chỉ mỗi một từ tequila được lặp lại ba lần (trong bản gốc dưới đây là do chính Flores hét).

Tequila chiếm vị trí #1 cả trên hai bảng xếp hạng nhạc pop và R&B Billboard tháng 3/1958 chỉ sau hai tháng single được thu, và nhận được một Grammy cho hạng mục Trình diễn R&B hay nhất vào năm sau.

Bài hát viết trong phút ngẫu hứng của cây saxophone Daniel Flores, được đưa vào mặt B, bởi cũng không hi vọng gì nhiều. Lúc mới phát hành bài hát cũng chỉ gây được chú ý chút chút, nhưng sau khi một DJ ở Cleveland chơi, vị thứ Tequila mới bay bổng lên như tên lửa trên bảng xếp hạng, vượt xa bài hát được kì vọng, Train to nowhere, nằm ở mặt A.

Cho đến nay Tequila vẫn còn được yêu thích, vẫn còn được nhiều nghệ sĩ cover, sử dụng trong nhiều phim, trên show truyền hình, trong các trận tranh giải thể thao của nhiều trường trung đại học ở Mỹ, .. . Tác giả Danny Flores (đã mất năm 2006) được tôn xưng như là Bố già của rock Latin.





3/11/19

Trương Chi

Chuyện tình Trương Chi chắc nhiều người nghe. Tôi nghe kể chuyện lần đầu là vào năm lớp Ba. Cả lũ học trò há mồm nghe kể, đến khi kể xong, thấy nhiều cô bản rươm rướm nước mắt, có cô còn thút thít .. tôi lại thấy buồn cười.
Tóm tắt lại câu chuyện cho ai quên.

Ngày xưa có cô Mị Nương rất đẹp, con của ông quan rất to. Một hôm ngồi chơi, nàng chợt nghe tiếng hát, lòng mê mẫn sinh nhớ thương, thành bệnh. Ông cha thấy thế, tìm hiểu biết nguyên nhân, bèn cho mời  người hát tới nhà đứng ngoài phòng khách hát cho con gái nghe. Trong khuê phòng cô gái nghe xong quả nhiên hết bệnh, bèn ra gặp chàng trai. Tới khi gặp, nhác thấy chàng mặt rỗ răng vẩu thì vội vàng quay gót trở vô, ko kịp chào.
Trương Chgi, tên chàng trai, sau hôm ấy lại mơ màng bóng hình giai nhân, thành bệnh. Tiếng hát ngày càng thiết tha, nhưng ko còn làm động lòng giai nhân, để được mời gặp lại một lần. Cuối cùng thì một hôm đang hát, anh đứt hơi mà thác. Bạn bè đem chôn, mấy năm sau bốc mộ cải táng thấy chỉ còn lại một viên ngọc.
Cha Mị Nương tình cờ gặp viên ngọc thấy đẹp mua về, làm thành cái chén uống trà. Một hôm Mị Nương cầm chén rót trà, cầm lên định uống thì thấy trong chén hiện lên hình bóng anh thuyền chài ngày nọ, tai nghe văng vẳng tiếng hát năm xưa. Mị Nương chạnh lòng thương cảm, một giọt nước mắt rơi xuống, chén trà bỗng tan thành khói.
Nhiều người cho bối cảnh câu chuyện là vùng Kinh Bắc, nơi quê hương quan họ. Có bài Quan họ kể lại câu chuyện này:

Ngày xưa có anh Trương Chi
Người thì thậm xấu hát thì thậm hay
..



Chuyện tình Trương Chi từ lâu đã là đề tài gợi hứng cho nhiều thi, nhạc sĩ. Riêng trong nhạc thì ngay thời kì đầu của nên tân nhạc Việt đã có hai bài, một của Văn Cao và một của Phạm Duy.



Khối tình Trương Chi Phạm Duy



Nhạc sĩ lớp sau vẫn tiêp tục viết về Trương Chi & Mỵ Nương: bài hát của Tùng Châu & Lê Hựu Hà.



Chuyện tình Trương Chi, Mỵ Nương của Anh Bằng



Gab62 đây, trong "Phía tối tâm hồn tôi" của Phú Quang cũng nhắc đến chàng Trương Chi tội nghiệp



22/10/19

Lịch sử triết học


Sách thấy trên trang nhatbook.net, chưa đọc, lấy về để đây đã.
Thấy giới thiệu là giáo trình cho ngành giáo dục chính trị, ko biết có phải viết dưới ánh sáng của triết học Mác Lê ko?



https://drive.google.com/file/d/1PVgeOm1gtvv2IlU2D1m1fzqwAhKaRRIg/view

17/10/19

Một số tiếng bị nói trại do kiêng kị

Đọc trên mạng [*]:

"Vì phép kỵ húy mà ngôn ngữ Việt Nam đã bị đọc trại, và nếu từ ngữ nào bị đọc trại lâu ngày, dân gian sẽ quên tiếng chánh, chỉ nhớ tiếng trại. Theo Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, ba từ ngữ mà dân gian Việt Nam đã quên tiếng chánh là: Lị, Câm, và Tông".

Tiếng "tông" đọc thành "tôn" thì biết lâu rồi. Nhưng cọn Lị - lợicâm - kim thì lạ. Bài báo giai thích hai từ này:

"Lị vốn tên vua Lê Thái Tổ và phải húy trong suốt đời Hậu Lê (1428-1788). Vì cữ tên nhà vua này, người ta đã nói trại lị thành lợi trong mấy trăm năm, và hiện nay, chúng ta đã quen dùng tiếng lợi như trong các từ ngữ lợi nhuận lợi tức, danh lợi, quyền lợi,…mà quên hẳn tiếng chánh là Lị.
Về tiếng Câm, cũng giống trường hợp chữ Lị. Giáo sư cho rằng, vị thủy tổ nhà Nguyễn ở Nam Hà có tên chánh là Nguyễn Câm, vì kỵ húy nên đọc trại là Kim. Từ ngữ Kim đã quá thông dụng như kim hoàn, kim ngạch, kim thời mà quên hẳn tiếng chánh là Câm".

Thử tra lại Thuyết Văn:

利: 力至切. (lực chí thiết > đọc là lị)
金 (hoặc 今): 居音切 (cư âm thiết > đọc là câm)

Sau đây là một số tiếng bị đọc trại thường gặp, có tiếng có lẽ do kiêng kị, số còn lại ko rõ. Lưu lại cho nhớ đâu gốc đâu trại - lâu nay cứ nghĩ sơn chính, san trại!

Ánh - Yếng - Húy vua Gia Long: Nguyễn Ánh.
Bửu - Bảo - Húy vua Thành Thái là Bửu Lân.
Cảnh - Kiểng - Đông Cung Cảnh.
Chân - chơn
Chính - chánh
Chu - Châu - Nguyễn Phúc Chu.
Chủng - chưởng
Dung - Dong - Húy vua Thiệu Trị là Miên Dung.
Duyệt - Dượt -Tả Quân Lê Văn Duyệt
Đảm - Đởm - Tên húy vua Minh Mạng.
Đang - đương
Đường - đàng
Hoạt - Hượt - Nguyễn Phúc Hoạt (Khoát).
Hoàng - Huỳnh - Chúa Nguyễn Hoàng
Hoa - huê - Bông - Vợ vua Minh Mạng Hồ Thị Hoa.
Hoàn - huờn
Hồng - Hường - Húy vua Tự Đức là Hồng Nhậm.
Kính - kiếng - Nguyễn Hữu Kính (Cảnh)
Lĩnh - lãnh
Nghĩa - Ngãi - Chúa Nghĩa.
Nguyên - Ngươn - Chúa Nguyễn Phúc Nguyên
Nhậm - Nhiệm - Húy vua Tự Đức Hồng Nhậm.
Nhân - Nhơn - Danh tướng Đỗ Thành Nhân.
Phúc - Phước - Dòng họ Nguyễn Phúc.
San - sơn
Thái - Thới - Nguyễn Phúc Thái (Chúa Nghĩa).
Thì -Thời - tên lúc nhỏ của vua Tự Đức
Thụ - thọ
Thư - thơ
Tính - Tánh - Tướng Vũ Tính.
Tông - Tôn - Miên Tông (tên vua Minh Mạng)
Tùng - Tòng - Chúa Trịnh Tùng.
Tuyền - toàn
Vũ - Võ - Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát.
---
[*]http://www.erct.com/4-ChiaSe/SuuTam/Tinh_danh-05-Ky_Uy.htm

14/10/19

du tử lê

Du Tử Lê là nhà thơ ngày xưa tôi rất thích. Nhớ lần đầu được lãnh lương, cuốn sách đầu tiên mua là một tập thơ của ông. Những năm 198x đói khát, lên rừng làm rẫy, những chiều tối buồn hiu hắt một mình trong chòi vắng cũng ngâm nga mấy câu thơ của ông khi nhớ về một người con gái đã rất xa

hơi thở ngọt em một thời phong kín
nhớ nhung gì em buộc tóc chia đôi ..

Mới đây thôi, hôm 25/9 cũng vừa làm clip bài hát của Võ Tá Hân phổ nhạc bài thơ của ông

cõi tôi, cõi mịt, cõi mùng
thôi em có ghé xin đừng nghỉ, lâu
cõi đời đó, có chi đâu!

Nghe tin ông mất 7/10/19 định viết gì đấy ghi lại chút kỉ niệm, nhưng lười; lấy mấy tập thơ của ông ra đọc khỏe đầu hơn, và có lẽ cũng có ích hơn .. Hôm nay ghé trang fb của anh bạn, thấy kể chuyện ông bị người ta lấy thơ ông sửa lại rồi bù lu bù loa rằng ổng "thân cộng, hồi chánh" v.v. Ngứa tay còm phát.

Thật ra đấy ko phải là lần duy nhất. Ở hải ngoại cũng có một số người ko thích ông. Tính ông nhẹ nhàng, hiền lành, ko thích cái gì quá khích. Nên ko hợp với họ. Nên ko chịu vào hội của họ, tuyên bố nọ kia cho thêm khí thế. Nên thỉnh thoảng bị những người này chụp mũ nọ kia. Ông cũng buồn, nhưng chẳng mấy khi thanh minh thanh nga, cãi cọ. Từng bị kết án tử hình trên đài phát thanh giải phóng nên chẳng dễ gì bôi bẩn ông.

Tuy là SQ Tâm lí chiến, từng làm Thư kí tòa soạn tờ báo quân đội Tiền Phong, nhưng thơ ông không ít những bài phản chiến mạnh mẽ.

nhìn con mình lớn lên
trở thành một thứ đồ chơi
trong chiến tranh
như anh
một thứ đồ chơi
chưa bể
(Thơ viết khi con qua đời)

Khi kẻ tử trận tuổi chưa ngoài hai mươi mốt
hắn sẽ mang những gì về thế giới bên kia
(..)
hắn chợt nhớ thì ra mình còn quá trẻ
chết, khi không, chết chả làm gì
(..)

hồn đã đi nhưng mắt còn ngoái lại
nhìn vết chân mình
lắm kẻ đang theo!...
(Khi người chết trẻ)

Bài thơ Khúc Thụy Du sau này được Anh Bằng trích ra một số câu để soạn thành ca khúc nổi tiếng cùng tên, vốn là bài thơ dài ông viết trong dịp Mậu thân, cũng đã bị kiểm duyệt hồi ấy cắt bỏ đến một phần ba. Nhưng nhiều câu còn lại vẫn mang đầy tinh thần phản chiến,

như con chim bói cá
tôi lặn sâu trong bùn
hoài công tìm ý nghĩa
cho cảnh tình hôm nay

trên xác người chưa rữa
trên thịt người chưa tan
trên cánh tay chó gặm
trên chiếc đầu lợn tha
tôi sống như người mù
tôi sống như người điên

ở đây, ko còn là những câu hỏi chung chung, mà hỏi trực tiếp về ý nghĩa " cho cảnh tình hôm nay", cảnh tình những xác người chưa rữa, những bàn tay chó gặm ..  ý nghĩa của cuộc chiến tương tàn ông đang phải tham gia.

Bây giờ nhìn lại, không ít người trách ông sao hồi ấy lại phản chiến. Thật ra hồi ấy, chứng kiến cảnh những bà mẹ già ôm xác con, những thiếu phụ trùm khăn sô ngất lên ngất xuống sau chiếc quan tài, những tên lính Mỹ say rượu bên những cô gái váy ngắn củn cỡn trong các quán bar mọc ra khắp nơi .. thì đêm đêm nằm trong tiếng vọng tiếng đại bác, chả mấy ai còn đủ lí trí lại ko chán ghét chiến tranh, ko muốn chúng chấm dứt đi, càng sớm càng tốt.

Ông ko thích CS, hẳn rồi.
Nhưng ko hề vì thế mà có cái nhìn quá khích về các văn nghệ sĩ miền Bắc. Lần nào về VN ông cũng gặp một số nhà văn, nhà thơ đang sống trong nước. Có nhiều cuộc gặp gỡ, chụp ảnh lưu niệm, xin thủ bút đã được ông công khai trên trang web của ông. Có nhiều cuộc gặp gỡ đã khởi đầu một tình bạn thân thiết. Bài thơ "Thơ ở Nguyễn Trọng Tạo" với lời đề tặng: và, Thương-Lắm; là một vd.

không thể biết bao giờ chúng ta được gặp lại nhau?
trên quê hương, đất nước của mình.
nhưng tôi biết:
chúng ta đã gặp nhau giữa trái tim Saigon: chữ, nghĩa.
(hàng trăm năm trước. cả nghìn năm sau).

Đấy là tư cách, là nhân phẩm của ông,
Nếu chúng ta biết rằng ở bên ấy, số người chống cộng quá khích ko ít, và độ hăng máu không kém gì những chiến binh AK47 ở đây. Tôi từng biết một người viết, cũng có ít tên tuổi ở hải ngoại, về VN tình cờ thấy người bạn cũ thuở hàn vi trong một quán ăn đã tìm cách lánh mặt, vì người này nay đã là một nhà văn đỏ. Anh ko ghét bỏ gì người bạn cũ, sẵn sàng gặp gỡ nhậu nhẹt nơi riêng tư. Nhưng ở chốn quán xá đông người thì .. hay là thôi đi, thời buổi này lỡ có đứa nào chụp cái ảnh hai người đang bù khú với nhau đưa lên fb lại rách việc.
Ông hiền lành, nhẹ nhàng nhưng sống có nguyên tắc, đủ mạnh mẽ để giữ chính kiến của mình.

77 năm, 77 cuốn sách ra đời. Ông là một trong số ít người trong số những văn nghệ sĩ nổi tiếng của miền Nam trước kia, vẫn còn tiếp tục sáng tạo mạnh mẽ và rất thành công khi đã rời quê hương. Những đổi mới trong nhịp thơ, đặc biệt trong lục bát, được ông tiếp tục. Những cách đánh dấu câu mới lạ độc đáo, ko chỉ thay đổi tiết tấu nhịp điệu câu thơ, còn làm thay đổi sắc thái ngữ nghĩa của những từ gnữ quen thuộc. Nội dung phần lớn thơ ông vẫn là tình yêu, nỗi chết; ngày càng sâu những chiêm nghiệm nhân sinh ..

*
Phía trên là cái còm viết trong fb một anh bạn, đã được bổ sung thêm ít thơ thẩn minh họa, ghi lưu lại đây kỉ niệm.

Năm ngoái, anh bạn quen đưa ông đọc entry giới thiệu một bài thơ của ông. Ông bảo ông đọc cả bài, cả comment bên dưới của bạn blog, và rất cảm động. Ông gởi tặng tập thơ .. Tiếc đã ko đủ siêng năng để gặp ông khi ông về VN, nói lời cảm ơn, quí trọng ..

 .. Nhìn lại lời đề tặng, vừa đúng một năm ..



8/10/19

Nỗi niềm người vợ


Hôm trước thấy clip một số chuyên gia hướng dẫn cách cho trẻ nhỏ uống thuốc. nên giới thiệu cho các bà mẹ, bà nội, .. vì cho trẻ uống thuốc luôn luôn là nỗi gian nan của các bà ..
- ủa, sao lại chỉ các bà? Bộ mấy ông bố cho con uống thuốc giỏi lắm hả?
- à ko. Nếu cho con uống thuốc khó quá thì ông bố sẽ bảo giao cho mẹ mày này!

*

- anh lấy giúp em cái dĩa, em đang dở tay ..
- ok, ở đâu em?
- tủ dưới bếp
- có 5 cái tủ, tủ nào?
- tủ thứ 2
- tính từ trái qua, hay phải qua?
- trái.
- ok, loại dĩa tròn hay xoài hay vuông?
- tròn.
- uh, nhưng loại lớn hay nhỏ hay ..
- thôi cảm ơn, để em lấy
- !!
Thầy dạy từ bé, ko biết thì hỏi, ko được dấu dốt. Hỏi thì vợ giận, chả biết đằng nào mà lần.
Nghe lời thầy hay vợ bây giờ? Nghe lời thầy thì rõ ràng minh bạch, nghe lời vợ thì phải tự mò mẫm  .. Hay các bà ưa mò mẫm?

*
Đọc được trong trang web của Tây.

A man was on a tour of the ancient Pyramids of Egypt while he was on vacation. By chance, he discovered a secret room. He left the tour group silently and started to explore the room. He found a dusty lamp and picked it up. He wiped the dust off the lamp and a genie appeared in a puff of smoke.
“For freeing me from my prison, I will grant you a wish. What will it be, sire?”
The man thought for a moment, then said, “I want a spectacular job, a job that no man has ever succeeded at or has ever attempted to do.”
“Allah Ka Zam! You’re a housewife!”

(dịch đại cho ai lười đọc tiếng Anh:)

Một anh chàng theo một đoàn du lịch thăm các Kim tự tháp cổ ở Ai Cập trong kì nghỉ hè. Tình cờ, anh chàng phát hiện một căn phòng bí mật. Anh chàng bèn lặng lẽ rời đoàn, khám phá căn phòng. Anh chàng tìm thấy một cây đèn đầy bụi, nhặt lên chùi sạch, và một ông thần hiện ra trong làn khói. "Vì đã giải thoát ta khỏi ngục tù, ta sẽ cho người một điều ước. Cậu chủ muốn gì?" Anh chàng nghĩ một lát, rồi nói: "Ta muốn một công việc gì đấy đặc biệt vĩ đại, một công việc mà chưa từng có một người đàn ông nào làm được hoặc từng cố gắng làm"
"Ô kê con dê, Úm ba la .. cậu thành một bà nội trợ!"

*


Sự khó xử của các bà vợ. Bênh con thì chồng giận. Chiều chồng thì con khóc.


5/10/19

Mười năm yêu em




Trầm Tử Thiêng tên thật Nguyễn Văn Lợi, sinh năm 1937 tại Quảng Nam. Lớn lên ông vào Sài gòn học sư phạm, đi dạy, được gần mười năm thì bị gọi nhập ngũ, vào cục Tâm Lý Chiến. Đến 1970 thì ông được về làm cho chương trình Phát thanh học đường. Sau 4/1975 ông bị cải tạo một thời gian, đến 1985 thì được ca sĩ Thanh Thúy bảo lãnh qua Mỹ, định cư tại Little saigon, Cali. Ông mất năm 2000.

Trầm Tử Thiêng có nhạc phổ biến bắt đầu từ 1957. Ông có một số bài rất nổi tiếng như Chuyện chiếc cầu đã gãy,  Kinh khổ, .. (trước 1975), Đêm nhớ về Sài gòn, .. (Mỹ).

Mười Năm Yêu Em là bài hát ông viết về mối tình của mình. Mười năm: 1975 khi cô ra đi - 1985 khi ông được qua Mỹ gặp lại.  Mười năm chia phôi ngăn cách một đại dương.

Mười năm yêu em thấm đời mộng mi
Mười năm yêu em ta thấu tình cuồng si ..

Mười năm, nhờ mối tình cuồng si ấy dù ông như chiếc lá cuốn theo cơn lũ đời, nhưng đã không chìm nghỉm

Từng đêm gian nan ta ngỡ mình sắp đuối
Nhưng em tình vẫn hát từ bến trời

Dù cách xa một đại dương những đêm dài mộng mị, ông vẫn ôm một niềm hoài mong. Nhưng khi qua được bên kia đại dương mới biết dường như trong ta em có điều tuyệt vọng, và em đã buông tay, tìm một bến bờ mới. Thôi vậy, em bình yên vui bên chồng con. Còn riêng ta ..

Mười năm yêu em cũng sẽ là mãi mãi
Xin em cùng ta hát để nhớ hoài


hồn ta bay trên đôi cánh reo mừng .. Photo in the net


2/10/19

The perfect man . người chồng hoàn hảo

Lang thang trên mạng đọc được bài thơ hay quá, hẳn là tiếng lòng của nhiều cô gái.

The perfect man is gentle
Never cruel and never mean
He has a beautiful smile
And keeps his face so clean.

The perfect man loves children
And will raise them by your side
He will be a good father
And a good husband to his bride.

The perfect man loves cooking
Cleaning and vacuuming too
He’ll do anything in his power
To express his love to you.

The perfect man is sweet
Writing poetry from your name
He’s a best friend to your mother
and kisses away your pain.

He will never make you cry
or batter you in any way
To hell with this stupid poem
The perfect man is ... gay.


mơ về một người chồng hoàn hảo. photo in the net

dịch đại, cho vui

Đàn ông hoàn hảo thì ga lăng
Ko bao giờ bần tiện, hung hăng
Chàng có nụ cười duyên rất mực
Và mặt mày luôn giữ trắng bong

Đàn ông hoàn hảo thì yêu con
Cùng bên nhau nuôi trẻ lớn khôn
Chàng sẽ là người cha tuyệt diệu
Kính, quí, yêu, chiều vợ hết lòng

Đàn ông hoàn hảo thì nấu ăn
Lau nhà, giặt giũ chẳng lăn tăn
Chàng làm mọi điều ko tiếc sức
Bày tỏ lòng thương vợ chứa chan

Đàn ông hoàn hảo thì ngọt ngào
Thơ làm tặng vợ cả chồng cao
Mỗi nụ hôn làm cơn đau biến
Cùng mẹ vợ chuyện trò vui sao!

Chàng chẳng bao giờ làm vợ khổ
Bạt tai đá đít gọi tao mày
Ôi chết tiệt cái bài thơ ngố
Đàn ông hoàn hảo thế thì gay.



29/9/19

Thuyền say




THUYỀN SAY

Cứ tưởng thuyền anh không chở gió
Mà sao lòng chật những mênh mang
Hay em thà như con nước nhỏ
Dâng ngập thuyền anh ngập ánh trăng

Phẳng lặng quá cuộc đời cũng chán
Mấy ngàn năm ngồi đợi gió sang
Thì cứ thổi cho ngày địa chấn
Mang kẻ chán đời lại trần gian

Vẫn là anh khô gầy bóng dáng
Lếch thếch lang thang kẻ không nhà
Hành khất một khung trời dĩ vãng
Lặng lẽ đi về rợn thây ma

Ở đây có ngàn thông hoa lá
Có sông trôi cho ngấn nước nhoà
Có phù du nhắc hoài mây xoã
Có bến bờ đợi bóng thuyền qua

Anh đừng ngại rêu buồn trên đá
Gió trên thuyền khi đầy khi với
Chỉ hương ấy muôn đời phóng tỏa
Ủ mấy phương trời chẳng tả tơi

Em có lỡ mang thân sóng tới
Hãy niệm tình làm chiếc thuyền say
Đời biết bao lần còn đắp đổi
Biển rộng bao giờ gặp thuyền say?

Nguyễn Thị Thanh Bình.


Hoài niệ, sơn dầu của Ái Lan

25/9/19

Cõi tôi

Cõi đời đó, có chi đâu!



cõi tôi
gửi Nguyên Sa

cõi tôi, cõi nát, cõi tàn
cõi hoang mang, vội, cõi bàng hoàng, qua
cõi vui thân thể cỗi già
cõi lang thang mượn mái nhà hư, không
cõi xanh, cõi lạnh, cõi cùng
cõi con, muốn bỏ, cõi chồng, vợ, xa
cõi em muốn dạt chân về
cõi đau nhân thế, cõi thề thốt, quên
cõi nào, cõi thật ? tôi riêng ?
cõi đêm máu, chảy, cõi thương nhớ, trùng
cõi tôi, cõi mịt, cõi mùng
thôi em có ghé xin đừng nghỉ, lâu
cõi đời đó, có chi đâu!
(1-1977)

du tử lê

20/9/19

Tạ tình

Hôm trước nghe lại Xa Khơi, bài hát gắn liền với tên tuổi Tân Nhân (1932-2008), nổi tiếng từ thời 195x. Chuyện tình của cô với nhac sĩ Hoàng Thi Thơ (1929 - 2001) chắc nhiều người cũng đã nghe: Hai người cùng quê Quảng Trị, đi kháng chiến cùng hoạt động văn nghệ quen biết nhau, yêu nhau. Trong một lần Hoàng Thi Thơ về nhà xin tiền định đưa cô theo ra Hà Nội học Văn Khoa thì biết tin hai người anh vừa mới bị Việt Minh giết. Ông bỏ kháng chiến vào Sài gòn, mang theo hai người cháu mồ côi (chính là tỉ phú Hoàng Kiều và nhạc sĩ Hoàng Thi Thao sau này). Tân Nhân bụng bầu vẫn tiếp tục theo kháng chiến, tập kết ra Bắc; về sau lấy người khác, con cái thành đạt, bản thân cũng có nhiều danh vọng ..

Hoàng Thi Thơ vào Sài gòn ban đầu đi dạy tiếng Anh, dạy nhạc kiếm sống, về sau lập ban nhạc, tổ chức Đại nhạc hội, mở phòng trà .. Ông là một trong những nhạc sĩ thành công nhất ở Nam bấy giờ, từng đại diện VNCH dẫn những đoạn ca nhạc đi giao lưu văn hóa ở nhiều nước: Thái, Nhật, Đài Loan, Singapore, Anh, Pháp, .. Ông đang dẫn đoàn lưu diễn ở Nhật thì xảy ra sự kiện 30/4/75. Ông qua Mỹ định cư từ đó. Ông và Phạm Duy là hai nhạc sĩ từng bị tuyên án tử hình trên đài Giải Phóng. Sau 1975 cả một thời gian dài nhạc phẩm của hai ông bị cấm tuyệt. Từ 199x lệnh cấm mới cởi bỏ dần ..
Hoàng Thi Thơ sáng tác nhiều, được số đông thính giả ưa thích. Ông hình như cũng là người đầu tiên ở VN tổ chức các đoàn ca nhạc kịch, hát có múa minh họa ..

Nhớ hồi bé, trong các buổi ca kịch ở quê, bao giờ cũng nghe các anh chị biểu diễn bài Gạo Trắng Trăng Thanh, bọn con nít hay chế lại thành

Ai đang đi, trên cầu ga,
rớt xuống sông ướt cái quần nilon
Vô đây em, đợi quần khô anh sẽ đưa em về ..



Giờ nghe lại, thấy như hiện ra trước mắt không khí thanh bình thuở ấy: Bấy giờ trong làng chưa có máy xay, nên vào các đêm trăng, người ta tổ chức xay lúa giã gạo (vừa mát, vừa tiết kiệm dầu đèn). Các anh chị vừa làm vừa hò hát, bọn con nít chúng tôi cũng chơi đủ trò quanh quẩn gần đó, để chực chén chè đậu, chén cháo gà hay mấy củ khoai lang .. đãi thợ.

Giờ nghe lại thì thấy thích. Nhưng thời thanh niên thiệt tình rất ghét. Nghĩ cũng buồn cười, giờ lớn tuổi, nghe gì cũng thấy ít nhiều có cái hay. Thời trẻ thì không thế, gì cũng hoặc yêu hoặc ghét, ko có con đường thứ ba, chiết trung, yêu một tí ghét một tí .. Nhạc Việt thì chỉ nghe nhạc tiền chiến, nghe PD, TCS, TCP, LUP, NTM, .. ghét cay ghét đắng nhạc sến rũ rượi, hay nhạc rock điếc tai, nhạc twist nhảy nhót ồn ào .. Nói riêng, nhạc Hoàng Thi Thơ thì chế giễu là nhạc cà lăm!

Trên đồng lúa vàng, một bầy sơn ca. Trên đồng lúa vàng, chỉ mình đôi ta. Chỉ mình đôi ta, nhìn mây mây ngập ngừng. ..

Tôi yêu, yêu cô con gái với mái tóc huyền, má lúm lúm đồng tiền với nốt nốt ruồi, ruồi duyên, ..

Thuở ấy xa xưa có một nàng một nàng thiếu nữ. Một đóa hoa hồng tình phơi phới tuổi mới trăng tròn. ..

Ô ! ô ! sáng hôm nay trên quê hương tôi, quê hương xinh xinh quê hương hữu tình, quê hương xinh xinh quê hương hòa bình, ..

Từ kiếp nào ta ngỡ bơ vơ
Người ân tình sao nỡ xa ta
Từ kiếp nào tình nỡ tình sầu
Và lòng thì ngỡ lòng buồn
Lòng ngỡ lòng buồn vì lòng tìm mãi tình hồng
Tìm mãi tình hồng mà tình thì mãi mịt mùng
Ai đi tìm ai suốt đời.
Ai đi tìm ai suốt đời ...

Thế, nhưng giờ nghe lại, nhiều khi tự nhiên nước mắt cứ rưng rưng .. buồn cười thế.





14/9/19

Hoa tím ngoài sân

Tối thứ bảy mưa rả rích. Lang thang, nghe được một giọng ca trẻ, xinh xinh ..



Bài hát của Thanh Tùng kể về nỗi nhớ nhung của một anh chàng với một người em cũ. Năm xưa em đến đây, mặt trời hồng tươi, và mấy chú chim trên cây khế hót vang .. Giờ thì bàn chân ấy đã lãng quên con đường nhỏ, để anh chàng kia đứng nhìn cây khế hoa tím rụng ngoài sân mà lòng bàng hoàng ..

Ai vội đi, để ai còn đứng đó
Tìm bàn chân ai, trong tiếng lá rơi ..

rồi thảng thốt kêu lên

Em đừng đi! Xin em đừng đi!
Vì ai đó còn chưa nói với ai điều gì ..

Nói gì nữa hả anh chàng kia, có ích chi đâu. Cô em ngày nào đã có con đường mới để đi, những bông hoa khác đón mời ..

Cuối cùng thì anh chàng nhận ra mình đang viển vông, mong nhớ những điều không thực. Nhưng sao lạ lùng, biết thế, nỗi nhớ vẫn mênh mông ..

Lòng người lạ lùng
Lòng hay thương nhớ những điều hư không
Để rồi một ngày
Một ngày nhớ thương
Hóa thành mênh mông
Đôi bàn chân nào
Làm hoa tím để hoa tím rơi đầy sân...

Clip trên có lẽ thu bằng smartphone ko được tốt, giọng ca sĩ rất tình cảm nhưng cứ bị nhòe đi trong tạp âm .. Nghe lại bài hát với giọng ca Bằng Kiều thu tốt hơn




12/9/19

Xa khơi

Hồi chiều đi chơi, trên xe bạn mở cho nghe một bài hát. Giọng ca làm rợn hết cả người. Tối nay về tìm mở nghe lại, người vẫn nổi gai. Là bài này, với cô ca sĩ này



Xa khơi được Nguyễn Tài Tuệ viết năm 1962 để tham gia cuộc thi sáng tác hưởng ứng phong trào Đồng Khởi ở miền Nam do Đài TNVN tổ chức.

Nội dung bài hát là nỗi niềm của cô gái nhìn con nục con măng tung tăng lội giữa hai bờ mà chạnh lòng về nỗi chia xa ..

Kìa biển rộng con nục con măng
Lướt sóng liền đôi bờ tung tăng
Con chuồn còn bay nơi nơi
Con giang chiều gọi bạn đường khơi

Nhìn phương Nam con nước vơi đầy
Thương nhớ, nhớ thương anh ơi!

Bài hát được Tân Nhân thể hiện rất thành công, có lẽ do bài hát cũng nói lên nỗi niềm của chính cô - người đã chồng nhưng chưa kịp cưới của cô là Hoàng Thi Thơ bấy giờ đang ở nam .. Bài hát được thính giả rất yêu thích, đạt giải nhì (ko có giải nhất). Nhưng bị ách lại, vì bị phê bình là bài hát dù có nói lên được khát vọng thống nhất, nhưng thiếu tính tư tưởng, thiếu tính chiến đấu, thiếu tính sản xuất, .. Mãi đến sau 1975 bài hát mới được nhiều ca sĩ nổi tiếng cover, phổ biến rộng rãi.

Nguyễn Tài Tuệ chủ yếu viết nhạc ko lời, giao hưởng. Ca khúc chỉ có vài bài, Xa Khơi được coi là ca khúc để đời của ông. Xa Khơi cũng là ca khúc làm nên tên tuổi của Tân Nhân. Nghe lại giọng ca một thời




7/9/19

Có thương nhau mãi được không?

Nghe Lê Cát Trọng Lý hát



ai ơi nọong xương phai lài
ca ba sòong hâu chi hặc
căn lẩy lài pi bấu lê
.

Mùa thì đêm ngắn, nắng điên
Mùa thì mưa thấm, gió cay
Lòng người thay đổi
Như nắng mưa
đêm ngày

Cũng như thời thì tem phiếu đói đen
Thời thì sung túc đến quên
Người còn ai oán
Mình còn chân ướt
Đi từ trong buồn

Đồng nát sắt vụn bán đi
Đồng nát sắt vụn bán đi ..

---
mấy câu đầu theo lời ca phiên âm thôi, chả biết đúng sai. Nghe đâu là tiếng Thái, dịch ra tiếng Việt là
Anh ơi, em thương anh nhiều lắm.
Nhưng mà liệu hai ta có thương được mãi hay không?

3/9/19

khi cuộc tình đã chết


Khi cuộc tình đã chết
Còn lời nào cho vui ..



Nghe nhan đề bài hát, lại nhớ câu trong kịch Hamlet của Shakespeare: Oh love, oh life. Not life, but love in death. Ôi tình yêu ôi cuộc sống. Ko. Ko phải cuộc sống, mà là tình yêu trong cõi chết. Ca từ bài hát trích trong bài thơ của Du Tử Lê có nhan đề Lúc người chết.

LÚC NGƯỜI CHẾT

hãy mang đi hồn tôi
một hồn đầy bóng tối
một hồn đầy hương phai
một hồn đầy gió nổi

hãy mang đi hồn tôi
một hồn đầy mắt đỏ
mưa nối liền vai người
buồn nối liền thân tôi
tình nối liền nỗi chết

hãy mang đi hồn tôi
một hồn đầy bão rớt
một hồn đầy điên mê
một hồn đầy mộ địa

hãy mang đi hồn tôi
một hồn đầy môi người
một hồn đầy tóc rối
một hồn đầy máu tươi
một hồn đầy tay siết
một hồn đầy ngực thơm
chân đưa lời cáo biệt

hãy mang đi hồn tôi
một hồn đầy côn trùng
một hồn đầy tháp chuông
ngân nga lời báo tử.

hãy mang đi hồn tôi
khi cuộc tình đã chết
còn lời nào cho vui
còn mắt nào cho tủi

hãy mang đi hồn tôi
một hồn đầy trái rụng
đời đã đời chia đôi
tình đã tình khốn nhục

trước khi người phải chết
nhớ một lần đêm nay
mưa đắp mềm vai người
buồn đắp mềm thân tôi
quanh ta đời đã lụn

(10-70)

Trước đó ông cũng có một bài thơ viết về cái chết

KHI NGƯỜI CHẾT TRẺ

Khi kẻ tử trận tuổi chưa ngoài hai mươi mốt
hắn sẽ mang những gì về thế giới bên kia
cây súng nặng hai tay cầm chẳng xuể
lựu đạn thừa không lẽ tặng mẹ cha
hạnh phúc chưa bao giờ bốc đầy vốc tay chim sẻ
tình yêu cũng không ngoài trí tưởng vu vơ

hắn tự hỏi bây giờ vì sao hắn chết
chân lý thường chỉ hiện một lần
ở phút lâm chung

hắn chợt nhớ thì ra mình còn quá trẻ
chết, khi không, chết chả làm gì
nhưng quá muộn đã ngang tầm vĩnh biệt
hơi thở cuối cùng là ân thưởng mang theo

hồn đã đi nhưng mắt còn ngoái lại
nhìn vết chân mình
lắm kẻ đang theo

1967
Du Tử Lê

Hơn nửa thế kỉ qua, ngồi đọc lại bài thơ, thấm hết nỗi buồn chiến tranh. chết, khi không, chết chả làm gì. Bên thắng cuộc hay bên thua cuộc cũng vậy thôi, những người chết, khi không, chết chả làm gì. Nỗi đau họ để lại cho người thân yêu cũng đã nguôi ngoai, còn chăng chỉ là một thoáng kí ức mong manh.
Những năm cuối 196x là những năm chiến tranh khốc liệt. Người thành phố lần đầu thấy xác chết nằm vương vãi trên đường phố, bên hè nhà, của cả hai bên. Và người ta bỗng dưng ngẫm ngợi nhiều về cuộc sống, về cái chết, về tình yêu, về thân phận ..
Khi kẻ tử trận tuổi chưa ngoài hai mươi mốt / hắn sẽ mang những gì về thế giới bên kia.
Ý thơ này sẽ được Du Tử Lê nhắc lại trong bài thơ Khúc Thụy Du viết một năm sau đó (1968), được Anh Bằng phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

Nghe lại bài hát Khi cuộc tình đã chết qua tiếng hát Quỳnh Giao


24/8/19

Đừng nhớ người xa


Lòng đã dặn lòng..
Đừng khóc biệt ly
Mà sao khi tạ từ..
Tràn mi nước mắt....
Phút chia tay
Vì sao cúi mặt
Để người quay lưng
Nghe tim mình quặn thắt..

lời ca sến rền rện .. nhưng kệ, cuối tuần trời mưa, nghe cho vui. Nhiều khi phải sến tí, ko lại bị chê khô ..



Tác giả bài hát là Vũ Thanh, được nhiều người biết đến qua bài hát Đắp Mộ Cuộc Tình. Còn cô gái xinh đẹp trình bày bài hát là Hoàng Thục Linh, từng là á hậu trong một cuộc thi sắc đẹp trong cộng đồng tại Arizona, và là con dâu của ông.

Hoàng Thục Linh, sinh năm 1991 tại đảo Pulau Bidong, hòn đảo của Mã Lai rất quen thuộc với các thân nhân bạn bè người vượt biên. Gia đình cô định cư ở Michigan năm 1992, sau đó dọn về Arizona. Ba cô đánh guitar bass cho một ban nhạc cộng đồng nên từ bé cô đã nghe nhiều hát nhiều nhạc Việt. Tám tuổi cô đã được lên hát trong các buổi sinh hoạt cộng đồng. Cô cũng được học piano, violon từ khi lên 9. Đến 2009 thì được trung tâm Vân Sơn mời cộng tác, tiếp đó là trung tâm Asia. Ngoài ra cô cũng được mời đi hát nhiều nơi ở Mỹ, Canada, Úc. Cô cũng đã cho ra một số CD nhạc.

Nghe Nguyên Khang nói chuyện tào lao với cô cho vui




17/8/19

Đời không còn có nhau . Diệu Hương


Quay lưng đi tôi mới biết là mất em thật rồi
Khi trong tôi tình yêu ấy còn tha thiết gọi mời
Đêm hôm qua tình còn đấy như hương hoa mùa xuân
Rồi tan tác như sương giăng chiều đông
Vòng tay lãng quên cơn đau trào dâng ..

Đời Không Còn Có Nhau là một ca khúc của Diệu Hương viết về nỗi đau bị bồ đá. Nghe Don Hồ khóc than cho vui



Tác giả Diệu Hương thì chắc đã quen thuộc với nhiều người qua bài hát Mình Ơi, Vì Đó Là Em, .. Diệu Hương sinh năm 1955 tại Huế, lớn lên và học phổ thông tại Đà Nẵng. Tốt nghiệp phổ thông cô lên Đà Lạt học ĐH Chính Trị Kinh Doanh, đang dở dang thì 30/4. Nghỉ học cô phụ mẹ bươn chải kiếm sống và tính chuyện vượt biên. Trong những ngày tháng bế tắc này cô tìm đến với âm nhạc để khuây khỏa. Sáng tác đầu tay của cô viết năm 1977 có nhan đề Tôi Muốn Hỏi Tại Sao

Sau mấy lần vượt biên không thành, cuối cùng đến năm 1990 cô cũng qua được Mỹ theo diện HO của cha, một sĩ quan chế độ cũ. Tại nơi đất khách quê người này sau những giờ làm việc kiếm sống, cô lại tìm đến âm nhạc  giải khuây. Bài hát đầu tiên sáng tác ở hải ngoại là Mùa Thu Nơi Đây (1990). Tiếp đó là Mưa Còn Rơi Mãi Vì Ai, Khắc Khoải, ..  Hai năm học ở Đà Lạt cũng để lại trong cô nhiều kỉ niệm với bài hát Đà Lạt Trong Niềm Nhớ. Cho đến nay cô đã sáng tác được vài chục bài hát, và đã ra được một số CD: Khắc Khoải (2000), Ở lại ta đi (2003), ... , Để mặc tôi yêu em (2011).

Mình Ơi có lẽ là ca khúc của Diệu Hương được nhiều người biết hơn cả. Bài hát cảm động, nói lên nỗi niềm của một người vợ khi người bạn đời mất, dường như cô viết như một sự chia sẻ với mẹ khi ba cô ra đi, từng được Ngọc Hạ, Ý Lan trình bày rất thành công  Nghe lại Mình Ơi do chính tác giả trình bày.




13/8/19

Khi em thoáng qua đời tôi


Khi em thoáng qua đời tôi
Để lại nỗi đau vội
Khi em đã quên cuộc vui
Còn sợi nắng u hoài ..


Lâu rồi, có người hỏi: Liệu có một cuộc tình vĩnh cửu? Tôi trả lời: Không và có.

Không, bởi cuộc tình là cuộc sống. Cuộc sống nào chẳng đổi thay, như con sông nào chẳng chảy?

Có, bởi lắm khi một thoáng bỗng hóa thành trăm năm.

Khi em thoáng qua đời tôi
Là bao lần trời giông bão về

Cuộc tình đem đến bão giông. Bão giông rồi sẽ qua đi, trời lại trong xanh, ngậm ngùi đọng mãi trong lòng ..

*
Tác giả bài hát, Mai Anh Việt sinh năm 1954 tại Sài gòn. Sau khi tốt nghiệp trung học thì ghi danh học Luật (1973), rồi được học bổng du học Đài Loan (1974). Năm 1976  qua Mỹ học nhạc và định cư tại đó cho đến nay. Ông bắt đầu sáng tác từ 197x, nhưng chỉ được biết đến nhiều qua một số ca khúc sau này, từ những năm cuối 198x.


Buổi chiều. Sơn dầu của Nguyễn Trung Tín (2009)

9/8/19

Đau xót lý chim quyên




Chim quyên ăn trái nhãn lồng
Lia thia quen chậu vợ chồng quen hơi ..

Hồi xưa, nghe câu ca dao cứ tưởng nhãn lồng là trái nhãn được lồng gói lại để tránh chim, sóc ăn, thường thấy ở nhiều nơi. Và cứ thắc mắc chim quyên ãn nhãn lồng thì có chi giống với hình ảnh mấy con cá lia thia dụi dụi miệng vào thành chậu, liên quan gì với chuyện vợ chồng. Nhưng hóa ra không phải. Tình cờ đọc được bài báo thấy Vũ Đức Sao Biển giải thích:

"Nhãn lồng trong ngôn ngữ Nam Bộ là dây lạc tiên hay dây chùm bao. Loại đọt của dây này được bà con luộc chín, ăn như một món rau luộc, có tác dụng an thần, dễ ngủ. Trái nhãn lồng được bao bọc bên ngoài bằng những nang lông. Muốn ăn được hạt nhãn lồng, con chim quyên phải mổ để phá vỡ các nang lông đó, rồi mổ cho vỡ vỏ bao của trái mới ăn các hạt ở bên trong.

Trái nhãn lồng chính là hình ảnh tượng trưng của xuân cung - chỗ kín đáo nhất trong thân thể phụ nữ".

Và ông có bài hát Đau Xót Lý Chim Quyên.

Như chim quyên chưa ăn trái nhãn lồng
Như lia thia chưa quen với chậu vàng.
Nên dầu biệt ly cũng chẳng ai buồn chi

Chim quyên chưa ăn trái nhãn lồng
Qua không thương bậu, bậu đừng thương qua.

Là khuyên nhau thế, nhưng thật ra có ko nhớ ko buồn được chăng? Qua ko thương bậu .. có mấy ai nghe hát mà tin?. Bởi cứ gì phải ăn nhau mới nhớ nhauMà thương nhau cứ gì phải ăn nhau.


tranh Nguyễn Thanh Bình

4/8/19

Trường Sa

Trường Sa tên thật là Nguyễn Thìn, sinh năm 1940 tại Ninh Bình. Năm 1954 ông theo gia đình di cư vào nam, sống ở Thủ Đức. Năm 1962 ông theo học khóa 12 SQ Hải quân. Ngày 30/4/1975 ông theo một chiến hạm đến đảo Guam, không tìm thấy gia đình nên trở về lại VN (bằng tàu VN Thương Tín nổi tiếng một thời). Về VN ông bị đi tù 9 năm. Ra tù ông vượt biên, lần đầu bị bắt, tù thêm 2 năm. Năm 1989 ông lại vượt biên, thành công, được qua tị nạn ở Canada.

Ông tự học nhạc từ sách, bắt đầu sáng tác nhạc từ 1965, bấy giờ ông giữ chức hạm phó tàu tuần duyên Trường Sa, nhân đó mà có bút hiệu. Những ca khúc đầu tiên của ông viết về tình yêu của người lính biển: Hành trang giã từ, Một Lần Xa Bến, Trên Đường Về Thăm Em, Chờ em trên bến, ..

Ông bắt đầu được chú ý từ năm 1967, với bài hát Rồi Mai Tôi Đưa Em.



Bài hát viết về một mối tình có lẽ vừa đi qua, gác vắng một chiều mưa vẫn còn gợi niềm chăn chiếu, gợi lại nhiều kỉ niệm

Chiều xưa em qua đây
Ru hồn nắng ngủ say
Lời yêu trót đong đầy

giờ chỉ còn

Bên hè phố, cây lá thưa, chim đã bay
Ngồi nghe yêu thương đi xa tầm tay

Giọng ca Lệ Thu đã lột tả hết được  nỗi quạnh vắng khi người yêu ra đi được tác giả gởi gắm trong bài hát, đã được người nghe đón nhận nồng nhiệt.

Hai bài hát tiếp theo nhay sau đó, Mùa thu trong mưa và Xin còn gọi tên em cũng được Lệ Thu thu âm đầu tiên, đã khẳng định tên tuổi ông trong lòng người nghe.

Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng
Chiều đong đưa những bước chân đau mòn
Chợt nghe mùa thu bay trên trời không
Còn ai giữa mênh mông đời mình ..



blog nhạc sĩ Trường Sa: http://ns-truongsa.blogspot.com/


Bình yên cafe sáng 3.8.19