Nhà Tôi - thơ Yên Thao. Hồng Vân ngâm
Nhà tôi
Bên kia vùng giặc đóng
Làng tôi đấy, sạm đen màu tiết đọng
Tre, cau buồn tóc rũ ướt mưa sương
Màu trăng vôi lồm lộp mấy khung tường
Nếp đình xưa, người hỡi đau gì không ?
Tôi là anh lính chiến
Rời quê hương tự dạo máu khơi dòng
Buông tay gầu, vui lại thuở bình Mông
Ghì nấc súng nhớ ơi, ngày đắc thắng
Chân chưa vẹt trên nẻo đường vạn dặm
Áo nào phai không sót chút màu xưa
Đêm hôm nay tôi trở về lành lạnh
Sông sâu mừng lấp lánh sao lưa thưa
Tôi có người vợ trẻ
Đẹp như thơ
Tuổi chớm đôi mươi cưới buổi dâng cờ
Má trắng mịn thơm thơm mùa lúa chín
Ai ra đi mà không từng bịn rịn
Rời yêu thương nào đã mấy ai vui
Em lặng buồn nhìn với lúc chia phôi
Tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ
Tôi còn người mẹ
Tóc đã ngả màu bông
Tuổi già non thế kỉ
Lưng gầy uốn nặng kiếp long đong
Nắng mưa từ buổi tang chồng
Tơ tằm rút mãi cho lòng héo hon
Ôi xa rồi, mẹ tôi
Lệ nhoà mí mắt
Mong con phương trời
Có lần chợt tỉnh đêm vơi
Nghe giòn tiếng súng nhớ lời chia li
Mẹ ơi, con mẹ tìm đi
Bao giờ hết giặc, con về mẹ vui
Đêm hôm nay tôi trở về lành lạnh
Sông sâu mừng lấp lánh sao lưa thưa
Ống quần nâu đã vá mụn giang hồ
Chắc tay súng tôi về mơ Nguyễn Huệ
Làng tôi kia, bên trại thù quạnh quẽ
Trống im lìm như một nấm mồ ma
Có còn không, em hỡi mẹ tôi già
Những người thân yêu khóc buổi tôi xa?
Tôi là anh lính chiến
Theo quân về giải phóng quê hương
Mái đầu xanh bụi viễn phương
Bước chân đất đặp xiêu đồn luỹ địch
- Này anh đồng chí
Người bạn pháo binh!
Đã đến giờ chưa nhỉ
Mà tôi nghe như trại giặc tan tành?
Anh rót cho khéo nhé
Kẻo lại nhầm nhà tôi!
Nhà tôi ở cuối thôn Đồi
Có giàn thiên lí, có người tôi thương.
1949
Theo bản in NXB Văn Học, 2000
(nguồn: sachxua.net. Hình minh họa: trên net)
Bích Huyền nói Chuyện với Yên Thao, Tác Giả Bài Thơ "Nhà Tôi"
*Bích Huyền (BH): Thưa thi sĩ Yên Thao, bài thơ Nhà Tôi của thi sĩ cũng như Đôi Bờ, như Đôi Mắt Người Sơn Tây, như Màu Tím Hoa Sim…BH đã hơn một lần nhắc tới trong chương trình Thơ Nhạc do BH phụ trách trên Đài VOA. Những bài thơ nổi tiếng ấy đã theo làn sóng người đitừ Bắc vào Nam năm 1954…
*Nhà thơ Yên Thao (YT): Cảm ơn chị Huyền. Cảm ơn về sự ưu ái của chị về bài thơ Nhà Tôi.Đây không phải là lời nói xã giao mà là xúc động thật sự của người làm thơ đã có được một bài thơ qua gần nửa thế kỷ rồi.Còn một năm nữa là đúng một nửa thế kỷ mà vẫn còn người nhớ, nhất là người đó lại ở phương trời xa như chị Huyền.
*BH : Không phải chỉ có một mình BH nhớ bài thơ ấy đâu ạ, mà còn rất nhiều người yêu thơ ở trong miền Nam nữa. BH xin cảm ơn thi sĩ cũng như cảm ơn những người chủ trương Giai Phẩm Mùa Thu Hà Nội.BH đã chép bài thơ Nhà Tôi trong tờ Giai phẩm này, phát hành năm 1964 tại Saigon. Hình như thế, năm đó…nếu BH nhớ không lầm!
*YT: Không biết có phải từ tập san đó hay sau này sao chép qua lại nên sau 1975, tôi có được đọc bài thơ Nhà Tôi, người ta có in sai nhiều chữ, chị Huyền ạ !
*BH:Thật là một điều đáng tiếc. Thế nhưng chắc thi sĩ cũng thông cảm, vì đây chỉ là một bài thơ được truyền miệng, được ghi nhớ trong trí tưởng…cho nên sự sai lạc hẳn là phải có.
Thưa thi sĩ YT, những từ ngữ dùng sai đó là những chữ nào ạ?
*YT: Trong đoạn đầu có câu: "Màu trăng vôi lồm lộp mấy khung tường "Màu trăng" chứ không phải "Màu trắng". Vâng, đây là màu của ánh trăng trải trên những khung tường. Và từ "mùa" trong câu "Má trắng mịn thơm thơm mùa lúa chín".Trong miền Nam có sách in là "mùi lúa chín".
*BH : Cảm ơn thi sĩ.Vâng, màu trắng và mùi lúa có vẻ rõ ràng và cụ thể quá ,phải không ạ?
Từ ngữ "Màu trăng" và "Mùa lúa chín" mà thi sĩ dùng để diễn tả ý thơ, theo BH đây là những từ ngữ rất thơ. Bát ngát một trời thơ.Rất đẹp.
Thưa thi sĩ, BH còn thấy có nơi dùng sai một chữ nữa trong câu cuối bài thơ "Nhà tôi ở cuối thôn Đoài …" "Đoài " viết hoa như một danh từ riêng ạ. Đúng ra là "thôn đồi":
Nhà tôi ở cuối thôn đồi
Có giàn thiên lý có người tôi thương …
*YT: Xin chị BH nếu có dịp một lần nữa phổ biến bài thơ Nhà Tôi trên đài VOA, hoặc trên báo chí ở nước ngoài, lưu ý hộ tôi những chữ sai ấy.
*BH: Dạ vâng. Bây giờ thì xin thi sĩ cho biết một chút về…"lý lịch" của mình cũng như về xuất xứ của bài thơ Nhà Tôi?
*YT: Tên cúng cơm của tôi là Nguyễn Bảo Thịnh, sinh ngày 21-1-1927 quê Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Nhà tôi tên Đỗ Thị Phú (chứ không phải là Hà) sinh 17-1-1929, quê Đại Gia, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây.Chúng tôi gặp nhau trong kháng chiến chống Pháp, cưới nhau ở Phú Thọ ngày 1-11-1953. Tôi và Phú đều là học sinh thoát ly gia đình đi kháng chiến.Bài thơ "Nhà Tôi" không phải là viết về chúng tôi. Chuyện thế này:
Năm 1949, tôi công tác văn nghệ tại Quân đội liên khu 3, theo một đơn vị đánh vào một đồn binh Pháp đồn trú cạnh sông ở một làng đồi.Trong lúc đợi chờ giờ nổ súng ,tôi trò chuyện với anh em và được biết ở đơn vị này có một cậu quê ở ngay làng đồi đó.Phía bên ấy đang còn mẹ và vợ. Cậu ta lấy vợ được chừng tháng thì chiến tranh bùng nổ.Chàng trai lên đường đi kháng chiến, chia tay người vợ trẻ. Trong câu chuyện, mấy lần cậu ta nhắc tới giàn Thiên lý của nhà mình.Tôi rất thích câu chuyện và viết nên bài thơ "Nhà Tôi".Có lẽ người viết đã hoà nhập được với người kể nên bài thơ được đông đảo anh em lính thuộc và nhanh chóng được phổ biến cả vào các chiến trường Nam Bộ. Không chỉ lính xuất thân từ nông thôn, cả những lính thành phố cũng tìm thấy thấp thoáng trong bài thơ những nét hợp với mình.
Rất nhiều người nghĩ đó là tôi viết về tôi, Bà xã tôi cũng nghĩ thế.
Không biết khi đã rõ sự thật này, những người yêu thơ có giảm đi sự mến mộ đói với bài thơ không?
*BH: Thưa thi sĩ, BH nghĩ rằng sự mến mộ bài thơ Nhà Tôi càng tăng thêm. Vâng, chỉ là tâm sự của một người lính trẻ thôi nhưng vì sự rung động tuyệt vời của bài thơ khiến cho ai đọc rồi cũng thấy như thấp thoáng có ngôi nhà của mình, có những người thân yêu của mình ở trong bài thơ.
Không nhất thiết chỉ là người lính đâu,thưa thi sĩ Yên Thao! Như BH chẳng hạn, rất yêu bài thơ này.Mỗi lần đọc bài thơ là mỗi lần trong lòng lại dâng lên một niềm xúc cảm vô cùng.Hình ảnh ngôi nhà của bố mẹ BH tại huyện Duyên Hà, tỉnh Thái Bình lại hiện ra rõ rệt.Rồi những lúc líu ríu cùng bố mẹ anh chị em chạy giặc Tây, thương cho người em trai ốm yếu không đủ sức khoẻ chạy loạn phải ở lại nhà…Rồi cảnh trên bờ đê nhập nhoạng tối, lố nhố bóng người bồng bế, gánh gồng. Tiếng súng,tiếng em bé thơ khóc, khói lửa chiến tranh…in sâu trong đầu óc trẻ thơ của BH. Đoạn đầu của bài thơ, đọc rồi muốn khóc:
Tôi đứng bên này sông
Bên kia vùng địch đóng
Làng tôi đấy xạm đen màu tiết đọng
Tre cau buồn tóc rũ ướt mưa sương
Màu trăng vôi lồm lộp mấy khung tường
Nếp đình xưa, người hỡi vui gì không?
Sau đó thì…ngôi nhà đẹp và ấm cúng của gia đình BH đã bị bom cày nát mất rồi !
*YT: Tôi đã hiểu vì sao chị BH yêu bài thơ của tôi. Cảm ơn những xúc động chân thành của chị.
*BH: Ở bên này có bán một CD ngâm thơ thu tại Việt Nam, tựa đề là "Những bài thơ bất tử", trong đó nghệ sĩ Bảo Cường diễn ngâm bài thơ Nhà Tôi.Ông ấy ngâm hay lắm nhưng rất tiếc lại ghi tên tác giả là Nguyễn Bính. Thi sĩ có CD đó chưa ạ?
*YT: Tôi không được biết, nếu chị sẵn và tiện thì gửi cho xin, tôi rất cảm ơn.Tôi chỉ biết có một bài hát từ Mỹ do Anh Bằng viết nhạc, Mạnh Đình ca dưới tiêu đề "Chuyện giàn thiên lý" đang khá phổ biến ở trong nước. Ai cũng cho là thơ của tôi phổ nhạc dù Anh Bằng có cải biên một số lời, rút ngắn lại.Vì người ta đã cải biên, đổi tên bài, không nhắc gì đến tác giả thơ nên bản quyền của tác giả thơ cũng mất luôn. Có anh em bảo tôi viết thư cho Anh Bằng ,song tôi không biết địa chỉ, mà cũng nghĩ viết làm gì?"Thế gian lẫn lộn đúng sai vẫn thường", quan tâm chỉ thêm mệt! Tuy nhiên đề nghị chị dịp nào gặp Anh Bằng cho Yên Thao gửi lời hỏi thăm.Chắc Anh Bằng cũng thích bài thơ ấy nên mới viết nên "Chuyện giàn thiên lý".
*BH: Vâng, BH sẽ liên lạc với nhạc sĩ Anh Bằng để chuyển lời thăm của thi sĩ.
Thưa thi sĩ Yên Thao, sinh hoạt văn học nghệ thuật của thi sĩ hiện nay ra sao ?
*YT:Hiện nay tôi là chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Thơ Trào Phúng Hà Nội.Tôi ít làm thơ trữ tình (chỉ khi nào xúc cảm thật mới làm). Thơ trào phúng Yên Thao ký dưới nhiều bút danh:Nguyễn Bảo, Cử Yên, Lang Bang, Thái Dương…
*BH : Dự định của thi sĩ trong những năm tới là gì ạ?
*YT: Tôi đang tiến hành in một tập thơ trữ tình. Khi nào có sách, nhất định không quên gửi tặng chị và đài VOA.
*BH: Xin cảm ơn thi sĩ Yên Thao có nhã ý tặng sách và xin cảm ơn thi sĩ đã dành cho BH buổi chuyện trò lý thú này.
*YT:Mong được tiếp tục trao đổi qua thư với chị. Khi nào có diều kiện về thăm lại đất nước, nhờ chị quá bộ tới nhà chơi.Chắc nhà tôi cũng thích lắm vì qua chị, chúng tôi có thể biết tin tức về anh chị Đỗ Thúc Vịnh. Nhà tôi vẫn luôn nhắc đến. Hồi xưa anh Vịnh hay kể chuyện cổ tích và chép những bài thơ hay cho cô em bé bỏng Đỗ Thị Phú. Nay thì anh Vịnh đã đi xa…Đời người thật ngắn ngủi quá, phải không chị Huyền?
*BH:Vâng, cũng vì thế mà BH luôn nhủ lòng sống sao cho ý nghĩa. Một lần nữa xin cảm ơn thi sĩ Yên Thao. BH sẽ giới thiệu bài thơ Nhà Tôi trong Câu Chuyện Thơ Nhạc do BH thực hiện trên làn sóng VOA, hàng tiần vào 10g tối thứ sáu (giờ VN). Xin gửi lời thăm chị và hy vọng có một ngày không xa được về thăm VN, đến Hà Nội để được nhà thơ Yên Thao dẫn đến thăm nơi xưa có "Nhà tôi ở cuối thôn đồi, có giàn thiên lý có người tôi thương"…
Bích Huyền thực hiện (VOA 1998)
Đọc thêm một bài thơ của Yên Thao. Âm hưởng thơ thời kháng chiến type Quang Dũng, lãng mạn pha chút bi tráng của thời cuộc
Trả lờiXóaGiọt Lệ Màu Nâu
năm trước hành quân qua Phú Thọ
gặp em Hà Nội tản cư về
phố nhỏ Thanh Cù đêm ngủ đỗ
để rồi thương mãi quán cà phê
thăm thẳm đường lên núi nối rừng
sớm chiều bóng núi cõng trên lưng
cái vai lính trẻ hồn nhiên thế
mà cứ riêng mình lại nhớ nhung
thơ viết đầy trang chẳng gởi ai
mùa mưa biên giới suốt đêm ngày
mưa về đồi Cọ qua đèo Gió
ở đấy chừng mưa có giống đây ?
vui khoác ba lô bước mã hồi
đường thu vàng ngập lá vàng rơi
phố xưa quán cũ vành khăn trắng
máu đỏ chân nhang tím đất trời
gọi tách cà phê ngồi nhắc nhau
nghe từng giọt lệ nhỏ men nâu
trời đêm u hiển trung du lạnh
đom đóm bơ vơ lạc cõi sầu
Yên Thao