14/9/15

Từ chính tả tiếng Việt đến văn bản quy phạm pháp luật về ngôn ngữ và chữ viết

bài của GS TS Nguyễn Minh Thuyết,
cop về mọi người đọc cho biết và lưu làm tài liệu
   
SUMMARY
This article focuses on the analysis and discussion of the three issues which are attracting the attention of professionals and social opinions towards the spelling of Vietnamese today, and proposes policy recommendations for overcoming the three issues, namely: 1) The Vietnamese alphabet; 2) Rule for writing i/y and rule for using symbols and diachritis; 3) Rule for writing proper names.

TÓM TẮT
Bài viết này tập trung vào ba vấn đề đang thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn và dư luận xã hội về chính tả tiếng Việt hiện nay, từ đó kiến nghị giải pháp về chính sách để khắc phục. Ba vấn đề đó là: 1) Bảng chữ cái Việt; 2) Quy tắc viết i/y và quy tắc đặt dấu thanh; 3) Quy tắc viết tên riêng.

1. Bảng chữ cái tiếng Việt

Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, chữ cái là “kí hiệu dùng để ghi âm vị trong chữ viết ghi âm” [1]. Tiếng Việt có 29 chữ cái đơn và 10 chữ cái ghép là ch, gh, gi, kh, ng, ngh, nh, ph, th, tr. Trên bảng chữ cái tiếng Việt chỉ có 29 chữ cái đơn. Tên chữ cái không phát âm theo tiếng Latin là ai, bây, cây, … hoặc theo tiếng Anh là ây, bi, xi,… mà theo tiếng Pháp là a, bê, xê,…

Năm 1979, Việt Nam tiến hành cải cách giáo dục. Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 đổi tên 2 chữ cái giê [g] thành gờy grếch [y] thành y dài. Đổi giê thành gờ chắc là để khỏi lẫn “dê dưới” /  “dê trên”. Còn đổi y grếch thành y dài hẳn là để tránh một cái tên phức tạp mà nhiều người, kể cả một số người có học vấn, do không hiểu nghĩa (“chữ y của Hi Lạp”) nên đã phát âm thành y cờ-rếch, y cờ-lếch, y cờ-lét,

Đổi y grếch thành y dài nhìn chung không gây khó khăn gì. Gặp những tên viết tắt như YTECO (Công ti Xuất nhập khẩu Y tế TP Hồ Chí Minh), người Việt vẫn đọc là I TÊ CÔ (chứ không phải i dài tê cô). Tuy nhiên, việc đổi tên chữ g đã gây ra tình trạng thiếu nhất quán trong cách phát âm chữ cái này: Người ta gọi lớp 10 G là 10 gờ nhưng tổng thu nhập quốc nội (GDP) lại gọi là giê-đê-pê. Còn các nước G 7 người thì gọi là giê 7, người phát âm là gờ 7. Đặt trong so sánh với hàng loạt tên chữ cái ghi phụ âm tiếng Việt như bê, xê, dê, đê, pê, tê, vê (mô hình cấu tạo: X + Ê), gọi chữ g là gờ (mô hình cấu tạo: X + Ơ) cũng không phù hợp với yêu cầu về tính hệ thống của tên chữ cái. Nhưng mặt khác, chính yêu cầu về tính hệ thống trong cảm quan của người bản ngữ lại khiến một số người, trong đó có cả phát thanh viên, tự động sửa tên các chữ cái L, M, N khi đọc các tên tắt thành lờ, mờ, nờ, ví dụ: NMD (hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Hoa Kì) đọc thành nờ-mờ-đê hoặc nờ-mờ-đờ, chứ không phải là e-nờ em-mờ-đê (hoặc đọc lướt các âm ơ thành en-em-đê). Từ năm 2002, sách giáo khoa mới đã điều chỉnh cách gọi này, quay lại với tên cũ là giê. Nhưng quy định trong sách giáo khoa phổ thông không đủ hiệu lực để sửa một thói quen đã phổ biến trong xã hội.

Liên quan đến tên chữ cái tiếng Việt còn có vấn đề đọc tên tắt các tổ chức theo nguyên ngữ của chúng hay theo tên chữ cái tiếng Việt. Ví dụ, khi gặp các tên tắt tiếng Anh như WTO hay YMCA (Hiệp hội Thanh niên Cơ Đốc giáo) thì có phải đọc là đâp-bliu-ti-âu hay oai-em-xi-ây không? Theo chúng tôi, đứng trong văn bản tiếng Việt, tất cả các chữ cái, dù là từ ngôn ngữ nào, cũng cần được phát âm theo tên tiếng Việt của chúng. Cụ thể là trong những trường hợp trên, các tên tắt sẽ được đọc là vê-kép-tê-ôi-em-mờ-xê-a (hoặc đọc lướt âm ơ thành i-em-xê-a).

Một vấn đề khác mới xuất hiện gần đây là ý kiến của anh em làm công nghệ thông tin đề nghị bổ sung 4 chữ cái F, J, W, Z vào bảng chữ cái tiếng Việt. Đề nghị này khó được tiếp thu vì chữ cái tiếng Việt chỉ có thể là những kí hiệu ghi lại âm vị (hoặc biến thể của âm vị) tiếng Việt. Việc bổ sung chữ cái vào bảng chữ cái không thuộc thẩm quyền của cấp Cục hay cấp Bộ như một số ý kiến lúc ban đầu mà ít ra cũng phải do Chính phủ quy định. Trên thực tế, 4 kí tự này từ lâu đã được dùng để phiên âm từ ngữ nước ngoài và đã có mặt trong các bộ chữ tiếng Việt sử dụng cho máy vi tính. Việc không bổ sung chúng vào bảng chữ cái tiếng Việt không hề ảnh hưởng gì đến giao tiếp xã hội và ứng dụng công nghệ thông tin.

2. Quy tắc viết i/y và quy tắc đặt dấu thanh

2.1. Quy tắc viết i/y

Trong tiếng Việt, khi đứng liền sau phụ âm đầu trong âm tiết mở, âm chính i được viết là I, trừ trường hợp đứng liền sau các phụ âm h, k, l, m, s, t hoặc trong các tên riêng có thể viết là I hay Y tuỳ theo ý muốn chủ quan của người viết hoặc của người mang tên riêng đó. Năm 1980, để đảm bảo thống nhất chính tả trong sách giáo khoa, Bộ Giáo dục đã phối hợp với Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam quy định tất cả các trường hợp âm chính [i] đứng liền sau phụ âm đều viết là i. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng đối với sách giáo khoa phổ thông. Trong các loại văn bản khác (văn bản quy phạm pháp luật, giấy tờ giao dịch, bản án và sách báo,…), mỗi người, thậm chí mỗi dòng viết một khác. Nhiều người viết tuỳ tiện vì không có ý thức về việc này. Nhưng có người thích viết y vì cho rằng y đẹp hơn i (lí do thẩm mĩ). Cũng có ý kiến cho rằng khi đứng liền sau phụ âm đầu trong từ Hán Việt thì âm i cần được viết là y [2].

Để khắc phục tình trạng này, cơ quan quản lí nhà nước cần sớm ban hành quy định thống nhất. Chúng tôi cho rằng quy định của Bộ Giáo dục và Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam là một giải pháp hợp lí vì nó dựa theo cách viết trong đại bộ phận các trường hợp âm i đứng liền sau phụ âm đầu (22 trường hợp) để xử lí 6 trường hợp còn lại, chỉ gắn với 6 phụ âm đầu h, k, l, m, s, t.

2.2. Quy tắc đặt dấu thanh (bỏ dấu thanh)

Trong tiếng Việt, các dấu huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng được đặt trên đầu chữ cái ghi âm chính, còn dấu nặng đặt dưới chân chữ cái ghi âm chính. Căn cứ khoa học của quy định này là sự gắn bó giữa thanh điệu với phần vần, đặc biệt là với âm chính. Điều còn chưa thống nhất là vị trí của dấu thanh trong trường hợp âm chính là nguyên âm đôi, được ghi bằng hai chữ cái.

Sách giáo khoa phổ thông và Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học xử lí những trường hợp này theo quy tắc sau:

– Đối với các kí hiệu ia, ua, ưa, tức là trường hợp nguyên âm đôi đứng trong những âm tiết không có âm cuối (âm tiết mở) thì đặt dấu thanh ở chữ cái thứ nhất ghi âm chính. Ví dụ: bìa, lụa, lửa,...

– Đối với các kí hiệu iê, uô, ươ, tức là trường hợp nguyên âm đôi đứng trong những âm tiết có âm cuối (âm tiết khép hoặc nửa khép) thì đặt dấu thanh ở chữ cái thứ hai ghi âm chính. Ví dụ: biển, chiều, thuyền, nhuộm, lượn,...

Đặt dấu thanh vào chữ cái nào trong những trường hợp nói trên chủ yếu là dựa vào lí do thẩm mĩ (đảm bảo sự cân đối).

Đây là một giải pháp hợp lí, chắc sẽ được giới nghiên cứu và anh em báo chí tán thành.

3. Quy tắc viết tên riêng

3.1. Quy tắc viết tên riêng Việt Nam

Quy tắc viết tên riêng Việt Nam trước những năm 60 của thế kỉ XX khá phức tạp. Cụ thể như sau:

– Chữ cái đầu của họ và tên người được viết hoa, còn tên đệm (nếu có) không viết hoa. Đối với họ kép hoặc tên kép thì các bộ phận được nối với nhau bằng gạch nối và viết hoa chữ cái đầu tiên của tiếng đầu tiên, ví dụ: Tôn-thất Thuyết, Hồ Xuân-hương,...

– Chữ cái đầu của tên địa lí được viết hoa; nếu tên gồm hai tiếng trở lên thì giữa các tiếng có gạch nối, ví dụ: Hà-nội, Thiên-mụ, Bến-thành,...

Vướng mắc lớn nhất trong việc vận dụng quy tắc này là không phải lúc nào cũng có thể phân biệt được tên đệm với một bộ phận của họ kép hay tên kép. Việc đặt dấu gạch nối giữa các bộ phận tạo thành tên riêng tuy có ưu điểm là xác định sự gắn kết chặt chẽ giữa các bộ phận ấy nhưng cũng cồng kềnh, không tiết kiệm. Vì vậy, từ những năm 60, người ta đã thống nhất viết hoa chữ cái đầu của mỗi bộ phận tạo thành tên riêng, kể cả tên người lẫn tên địa lí, đồng thời bỏ gạch nối giữa các bộ phận ấy, trừ trường hợp tên riêng là tiếng dân tộc thiểu số có bộ phận cấu tạo gồm nhiều âm tiết. Ví dụ: Tôn Thất Thuyết, Hồ Xuân Hương, Hà Nội; Kơ-pa Kơ-lơng, Y-rơ-pao, Ê-đê,...

Theo quy tắc này, tên tổ chức, danh hiệu vinh dự, huân huy chương, giải thưởng,… cũng được viết hoa chữ cái đầu của mỗi bộ phận tạo thành tên riêng ấy. Ví dụ: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Nhà giáo Nhân dân, Huân chương Lao động, Giải thưởng Khoa học Nhà nước,…

Tuy vậy, vẫn có những trường hợp không dễ giải quyết, cần trao đổi sâu thêm. Đó là trường hợp danh từ chung được nhìn nhận như một danh từ riêng hoặc một bộ phận của danh từ riêng, cụ thể là:

– Tên một số thiên thể như trái đất, mặt trăng, mặt trời. Sách giáo khoa Địa lí chủ trương viết hoa chữ cái đầu của mỗi bộ phận tạo thành tên các thiên thể này để thống nhất với cách viết tên các thiên thể khác, ví dụ: Sao Kim, Sao Mộc, Sao Thổ,… Nhưng rất khó hình dung là tác phẩm văn học và sách giáo khoa Ngữ văn cũng viết hoa từ Mặt Trời trong câu thơ Ngày ngày mặt trời đi qua trên Lăng / Thấy một mặt trời trong Lăng rất đỏ;

– Tên các ngày lễ tết trong năm như nguyên đán, trung thu. Vấn đề đặt ra là nếu coi những từ này như tên riêng và viết hoa chúng thì tên các ngày lễ, tiết khác trong năm như thanh minh, đoan ngọ, hạ chí, đông chí, … có viết hoa không?

– Tên các ngành khoa học, môn học, cấp học như ngữ văn, tiểu học, trung cấp,… Nếu viết hoa những từ này thì có viết hoa tên các ngành nghề trong xã hội, cấp bậc của đơn vị hành chính như nông nghiệp, xây dựng, tiện, nguội hayxã, huyện, tỉnh, … không?

– Các trường hợp vốn là danh từ chung đứng trước một tên địa lí đơn tiết, ví dụ: Hồ Gươm, Biển Đông, Làng Vây,... Xu hướng song tiết hoá tên riêng khiến người ta coi cả tổ hợp song tiết mới là một cái tên đầy đủ và viết hoa cả hai âm tiết ấy.


3.2. Quy tắc viết tên riêng nước ngoài

Trên sách báo và các văn bản nói chung thường có 4 cách viết tên riêng nước ngoài:

(1) Dịch nghĩa sang tiếng Việt và viết hoa theo quy tắc viết hoa tên riêng tiếng Việt. Ví dụ: Biển Đen, Hồ Chết, Địa Trung Hải, Hội Chữ Thập Đỏ Quốc tế,…;

(2) Phiên âm qua âm Hán Việt. Ví dụ: Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Thượng Hải, Luân Đôn, Thuỵ Sĩ,…;

(3) Phiên âm trực tiếp, theo cách phát âm của nguyên ngữ. Trong trường hợp này, người ta viết hoa chữ cái đầu của mỗi bộ phận tạo thành cái tên đó; nếu bộ phận tạo thành tên gồm nhiều tiếng thì giữa các tiếng có gạch nối. Ví dụ: Vích-to Hu-gô, Crix-tô-phô-rô Cô-lôm-bô, Pa-ri, Mát-xcơ-va,…;

(4) Giữ nguyên dạng nếu nguyên ngữ sử dụng chữ Latin hoặc chuyển tự nếu nguyên ngữ sử dụng hệ chữ khác. Ví dụ: Victor Hugo, Christophoro Colombo, Paris, Moskva,… Trong trường hợp tên tổ chức được viết tắt thì giữ nguyên dạng hoặc chuyển tự tên tắt đó, ví dụ: WTO, UNICEF, ASEAN, MGU,…

Vấn đề gây tranh cãi hiện nay là nên phiên âm trực tiếp hay viết nguyên dạng (và chuyển tự). Thực ra vấn đề không mới vì nó đã được đặt ra và giải quyết từ hàng chục năm trước với quy ước: Sách báo, tài liệu phổ cập dùng hình thức phiên âm trực tiếp để việc tiếp nhận thông tin của đông đảo công chúng, trong đó không ít người chỉ mới biết đọc biết viết, không bị trở ngại. Còn sách báo, tài liệu chuyên môn thì giữ nguyên dạng hoặc chuyển tự các tên riêng nước ngoài. Trong thời kì hội nhập và bùng nổ thông tin hiện nay, các tên riêng nước ngoài xuất hiện trên sách báo, tài liệu ngày càng nhiều, càng liên tục nên cũng cần bổ sung biện pháp mới: Khi sử dụng hình thức phiên âm trực tiếp, bên cạnh những tên phiên âm nên chua tên nguyên dạng để tạo điều kiện cho người đọc nắm được chính xác những tên riêng đó và tiện tra cứu khi cần thiết.

Để tránh phiên âm lộn xộn, Chính phủ cần giao cho một cơ quan hướng dẫn nguyên tắc phiên âm (giao Viện Khoa học Xã hội Việt Nam chẳng hạn) và theo nguyên tắc đó hướng dẫn cách phiên âm những tên riêng nước ngoài xuất hiện hằng ngày (giao Thông tấn xã Việt Nam chẳng hạn).

Hệ thống âm vị và chữ viết của mỗi ngôn ngữ một khác, bởi vậy không thể đòi hỏi phiên âm hoàn toàn chính xác. Người Anh gọi Moskva (Москва) là Moscow, người Pháp gọi là Moscou, chẳng ai coi đó là chuyện “quê mùa”. Người nước ngoài cũng chưa bao giờ đặt vấn đề phải viết nguyên dạng tên người Việt, đất Việt và phát âm thật đúng các tên đó. Vì thế, yêu cầu người Việt Nam khi viết phải giữ nguyên dạng và khi nói phải phát âm thật đúng tên riêng nước ngoài là một yêu cầu vừa không thực tế vừa thể hiện mặc cảm tự ti rất nên khắc phục.

Còn để tránh những trường hợp liên tưởng đến nghĩa xấu thì có thể phiên âm “trại” đi một chút. Các nước người ta đều làm như vậy. Ví dụ, với những tên riêng Việt Nam như Huy, Khuy, người Nga đều viết trại đi là Ghiu (Гю) hay Khiu (Хю) cho khỏi liên tưởng đến từ tục.

4. Một số kiến nghị về chính sách

Từ những điều đã trình bày, có thể thấy chính tả và nói rộng ra là các vấn đề ngôn ngữ và chữ viết không thể chỉ giải quyết bằng các giải pháp chuyên môn mà rất cần những giải pháp về chính sách của Nhà nước. Tuy không “nóng” như các vấn đề kinh tế hay an ninh - quốc phòng nhưng những chính sách ngôn ngữ như phát triển tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số và ngoại ngữ có ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ độc lập, chủ quyền và trật tự an ninh. Bên cạnh đó, sự thống nhất về chính tả còn thể hiện trình độ văn minh của đất nước và năng lực quản lí xã hội của cơ quan nhà nước.

Bởi vậy, chúng tôi có một số kiến nghị như sau:

1) Để giải quyết những vấn đề trước mắt về chính tả, Chính phủ cần sớm ban hành quyết định chính thức về bảng chữ cái tiếng Việt và tiếng các dân tộc đã có chữ viết, về một số quy tắc chính tả còn thiếu hoặc chưa thống nhất. Bằng một quyết định của Chính phủ, có thể giao cho Viện Khoa học Xã hội Việt Nam chủ trì xây dựng nguyên tắc phiên âm tên riêng nước ngoài và Thông tấn xã Việt Nam dựa theo nguyên tắc đó chủ trì hướng dẫn phiên âm các tên riêng nước ngoài xuất hiện hằng ngày để thống nhất sử dụng trong phạm vi toàn quốc;

2) Để thực hiện đầy đủ chức năng quản lí nhà nước, Chính phủ cần giao cho một cơ quan cấp bộ phụ trách vấn đề ngôn ngữ và chữ viết. Ngôn ngữ và chữ viết thuộc lĩnh vực văn hoá, vì vậy, cơ quan thích hợp nhất phụ trách vấn đề này là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;

3) Để tạo cơ sở lâu dài cho công tác quản lí nhà nước và sự phát triển của ngôn ngữ dân tộc, Quốc hội cần ban hành một văn bản quy phạm pháp luật về ngôn ngữ và chữ viết. Hình thức văn bản thích hợp nhất với tầm vóc của vấn đề này trong điều kiện hiện nay là pháp lệnh.

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Liên hiệp Các hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam với tư cách thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có thể trực tiếp gửi đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ [3]. Tuy nhiên, yêu cầu đối với nội dung một văn bản đề nghị xây dựng pháp luật khá phức tạp, khó có thể soạn thảo trong thời gian ngắn với kinh nghiệm có hạn và kinh phí eo hẹp. Tốt nhất là Liên hiệp Hội gửi kiến nghị về luật, pháp lệnh thông qua một đại biểu Quốc hội. Kiến nghị đơn giản hơn đề nghị và chỉ đại biểu Quốc hội mới có quyền trình [4].

Cũng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, kiến nghị, đề nghị cần được gửi đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trước ngày 1 tháng 3 hằng năm, nếu có yêu cầu bổ sung chương trình xây dựng pháp luật toàn khoá của Quốc hội và chương trình xây dựng pháp luật năm tiếp theo.

Như vậy, việc trước tiên Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cần làm là kịp thời soạn thảo kiến nghị để tự mình hoặc thông qua Liên hiệp các hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam gửi đến một đại biểu Quốc hội.

Nếu được Quốc hội chấp thuận, Liên hiệp các hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam sẽ thành lập một ban soạn thảo và tổ biên tập giúp việc ban soạn thảo gồm các nhà chuyên môn về luật học và ngôn ngữ học để soạn thảo dự án pháp lệnh trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Soạn thảo một văn bản quy phạm pháp luật là một công việc đòi hỏi nhiều nỗ lực nhưng tác động của nó đến sự phát triển của ngôn ngữ và chữ viết là rất lớn. Chúng tôi mong nhận được sự hưởng ứng của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học. Về phần mình, chúng tôi sẽ hết lòng đóng góp vào công việc chung.

GS. TS. NGUYỄN MINH THUYẾT
Nguồn: Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư. Số 2 (22), 3-2013.

[1] Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, 2005. Tham khảo định nghĩa của Từ điển Larousse về chữ cái và bảng chữ cái: “Chữ cái (lettre) là kí hiệu dùng để viết các chữ mà tập hợp của chúng tạo thành bảng chữ cái” (Le Petit Larousse, 1993, p. 597); còn “Bảng chữ cái là danh sách các chữ dùng để ghi các âm của một ngôn ngữ và được liệt kê theo một thứ tự quy ước.” (Le Petit Larousse, 1993, p. 56)

[2] Nhưng trong các từ Hán Việt hi hữu, kiêng kị, liêm sỉ, sĩ diện, ti tiện,… âm i thường chỉ được viết là i. Đó là chưa kể hàng loạt trường hợp khác như ý chí, trí tuệ, thống trị, thi vị, hùng vĩ,… cũng là từ Hán Việt nhưng âm i không được viết là y.

[3] Theo quy định tại Điều 87 của Hiến pháp, “Chủ tịch nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền trình dự án luật ra trước Quốc hội. Đại biểu Quốc hội có quyền trình kiến nghị về luật và dự án luật ra trước Quốc hội”.

[4] Theo quy định tại Điều 23 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, “Cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật quy định tại Điều 87 của Hiến pháp gửi đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; đại biểu Quốc hội gửi kiến nghị về luật, pháp lệnh đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phải nêu rõ sự cần thiết ban hành văn bản; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản; những quan điểm, chính sách cơ bản, nội dung chính sách của văn bản; dự kiến nguồn lực, điều kiện đảm bảo cho việc soạn thảo văn bản; báo cáo đánh giá tác động sơ bộ của văn bản; thời gian dự kiến đề nghị Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua. Kiến nghị về luật, pháp lệnh phải nêu rõ sự cần thiết ban hành văn bản, đối tượng và phạm vi điều chỉnh của văn bản.”

cop lại từ: vietlex



Về vấn đề ghi tên riêng nước ngoài, có thể xem thêm: Trở lại một chút về vấn đề phiên âm

*
Nhân tiện, cop về từ trang dutule.com mấy qui ước khi đánh máy hiện được nhiều người thừa nhận:

1-Tất cả mọi dấu chấm (.), phết (,) chấm than (!), hai chấm (:), hỏi chấm (?), ba chấm (...) phải được đi liền với chữ sau cùng của câu thơ hay câu văn. Và phải có một space giữa các dấu với chữ đầu của câu kế tiếp.

Thí dụ: Nhạc phẩm hòa tấu này, hôm nay, trên những đường bay quốc tế, giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ, thỉnh thoảng, người ta vẫn còn được nghe lại.

2- Chữ đầu tiên sau hai chấm (:) phải viết hoa (capital)
Thí dụ: Chú thích: Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn từ trần...

3- Chữ đầu tiên sau ba chấm (...) phải có một space.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)