19/4/14

Thần, Người Và Đất Việt - Tạ Chí Dai Trường


Hôm trước có giới thiệu cuốn Sử Việt, đọc vài cuốn. Hôm nay cuối tuần đọc thêm một tác phẩm khác của Tạ Chí Đại Trường, cuốn Thần, Người Và Đất Việt.

Sách đã được xuất bản tại Việt Nam từ năm 1989, và vừa được nxb Trí Thức tái bản lần thứ 3 năm rồi.

Trong tác phẩm này tác giả khảo sát hệ thống thần linh của người Việt từ xưa đến nay. Bằng những kiến giải lí thú nhưng rất logic và thuyết phục, tác giả đã lột bỏ đi lớp áo mão rực rỡ của nhiuề vị thần, hiện nguyên hình là những ông đá, ông cây .. Khảo sát những vị nhân thần sơ khai đến các nhân thần chính danh thời cận đại, tác giả cũng chứng tỏ trong tâm thức người Việt luôn tồn tại một ông thần, dù đôi lúc bị ngụy trang ko dễ  thấy, từ đó dự báo chiều hướng phát sinh các vị thần mới trong tương lai - “Người ta chỉ có thể thay đổi chứ không thể hủy thần linh…

Trên mạng có bài viết khá thú vị của TS Nguyễn Thị Hậu viết về tác giả và cả cuốn Thần, người và đất Việt. Cop về đây mọi người đọc cho vui, thay lời giới thiệu.

click đọc: Gặp bác Tạ Chí Đại Trường

Lần đầu tiên tôi “gặp” bác Tạ Chí Đại Trường là vào năm 1992, tại nhà thầy Trần Quốc Vượng. Năm ấy thầy mới đi Mỹ về. Tôi từ Sài Gòn ra ghé thăm thầy. Ngắm nghía những giá sách đầy chật nhà thầy, tôi nhận ra ngay những cuốn sách mới. Có một cuốn mà vừa nhìn thấy tôi đã cầm lấy xem ngay bởi cái tựa sách và cả tên tác giả đều lạ. Đó là cuốn “Thần, người và đất Việt” – cuốn sách mà cho đến giờ tôi vẫn nhớ nhầm tựa sách, luôn đảo thứ tự 3 thành phần trên như “Người, đất và thần Việt” hay “Đất, thần và người Việt”… vì tôi thấy để kiểu gì cũng hay và… có lý.

Tất nhiên sau đó tôi xin phép thầy Vượng photo lại, và nó trở thành một trong số ít những cuốn sách nghiên cứu tôi rất thích, thường đọc đi đọc lại.

Bẵng đi rất lâu, tôi cũng không biết gì thêm về tác giả Tạ Chí Đại Trường và những công trình mới của ông. Cho đến vài năm gần đây mạng Internet phát triển, nhớ đến tên tác giả “là lạ” tôi vào Google tìm kiếm. Thiệt là may, tôi đã tìm thấy nhiều bài viết của ông trên một số Website, rồi sau đó tìm thấy trang Tachidaitruong.com. Bèn copy tất cả các bài viết của ông xuống và xem… từ từ.

Năm ngòai năm kia có 2 cuốn sách của ông được xuất bản trong nước, đó là cuốn sách nói trên “Thần, người và đất Việt”, và “Lịch sử một cuộc nội chiến”. Rồi năm nay thêm một cuốn nữa “Những bài dã sử Việt”… Thế là tôi có thêm cơ hội được “gặp” ông qua các công trình nghiên cứu lịch sử rất thú vị.

Biết bác Tạ Chí Đại Trường mới về Sài Gòn, tôi đã nhờ bạn giới thiệu cho tôi được gặp bác. Bác đã tặng tôi mấy cuốn sách của bác in bên Mỹ, lại còn chỉ dẫn cẩn thận những chỗ in lỗi làm tôi thật vui và cảm động, vì tôi không phải là người nghiên cứu chuyên về lịch sử, và chỉ là 1 trong số hàng trăm độc gỉả của bác. Được gặp và nói chuyện với bác, nghe bác kể về một số công trình  của bác  in trong nước và nhiều công trình khác, tôi hiểu rõ hơn vì sao mình lại quan tâm và thích thú như thế khi đọc những cuốn sách của ông.

Đầu tiên là giọng văn của ông: nghiêm túc, khúc chiết nhưng không hiếm khi hóm hỉnh, có khi mỉa mai khi châm chọc, có lúc “cực đoan” thậm chí  đầy vẻ định kiến khi chê/ phê một ai đó. Nhưng giọng văn ấy cũng rất “có duyên”, lôi cuốn người đọc, có khi làm cho người đọc thầm tranh luận lại. Người đọc không chán, cứ xem đến cùng, xem đi xem lại, như trò chuyện với ông nhiều lần vậy. Giọng văn ấy lôi cuốn còn vì người đọc thấy được “lập trường” khoa học của chính tác giả. Tôi nhận thấy những cuốn sách nghiên cứu lịch sử, sách giáo khoa lịch sử được viết hay, hấp dẫn, lôi cuốn người đọc thì sẽ làm cho người đọc quan tâm, tìm hiểu và yêu thích lịch sử nói chung và sử học nói riêng.

Thứ hai, quan trọng hơn, đó là vấn đề tư liệu trong các công trình của ông. Ông tiếp cận các vấn đề, sự kiện lịch sử đầu tiên từ chính nguồn sử liệu vốn/ sẵn có. Và cách đơn giản nhất nhưng cũng là cơ bản và khoa học nhất là: Đọc kỹ sử liệu, không chỉ từng câu từng từ mà còn đọc trong sự liên hệ, liên kết các sự kiện, con người mà sử đã ghi chép lại. Để nhận ra, nhìn thấy những gì mà sử gia thời trước không viết ra bằng câu chữ, tức là đọc lịch sử như người cùng thời để hiểu những gì diễn ra đằng sau những câu chữ. Như ông bảo, tất cả những “phát hiện mới” của ông đều đã được ghi chép trong ĐVSKTT cũng như trong các bộ chính sử khác. Những phát hiện “tư liệu mới” của ông làm cho nhiều vấn đề, nhân vật lịch sử trở nên sáng tỏ hơn – nhất là làm ta hiểu hơn bối cảnh xã hội của sự kiện lịch sử - cái nhìn biện chứng hơn. Các vấn đề ông phát hiện, nêu ra liên quan đến những nhân vật, những triều đại lịch sử mà trước nay ta thường chỉ nhìn thấy mặt chủ đạo (ưu điểm hay hạn chế cơ bản, nổi bật, quan trọng nhất…) của nó. Nói cách khác là ông cho chúng ta một góc nhìn khác về lịch sử. Vẫn là những nhân vật sự kiện triều đại đó, nhưng gần gũi, dễ hiểu và cũng có những khiếm khuyết, hạn chế, sai lầm… rất đời thường, rất con người. Lâu nay ta hay nhìn các nhân vật lịch sử chỉ qua lăng kính chính trị. Nhưng họ còn là những con người “xã hội”, con người “gia đình”, con người “cá nhân”. Khi nhìn nhân vật lịch sử trong “tổng hòa các mối quan hệ xã hội” như vậy sẽ hiểu hơn những hành động hành vi, những thành công thất bại, quan trọng hơn là hiểu nguyên nhân nào dẫn đến những sai lầm của họ. Có như vậy mới thấm thía bài học kinh nghiệm từ lịch sử.

Thứ ba: Các công trình của ông thực sự là những công trình liên ngành: tiếp cận một vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, từ nhiều ngành nhiều tư liệu khác nhau, để tìm ra bản chất vấn đề. Nếu những góc nhìn ấy đều đi đến bản chất của vấn đề thì kết quả nghiên cứu là đúng. Còn nếu như mỗi góc nhìn cho thấy những “bản chất” mâu thuẫn với nhau thì hoặc, phải kiểm tra lại tòan bộ tư liệu, hoặc cách đặt vấn đề của mình là sai! Như vậy phương pháp liên ngành đòi hỏi người nghiên cứu phải thực sự khách quan (và dũng cảm) khi sử dụng kết quả, phương pháp của các ngành khác, bởi vì nó có thể làm phá sản ý đồ nghiên cứu của mình. Có lẽ vì vậy mà lâu nay có những công trình nghiên cứu luôn ghi rằng “sử dụng phương pháp liên ngành” nhưng thường là chỉ sử dụng kết quả nghiên cứu nào phù hợp/ ủng hộ ý tưởng của tác giả mà né tránh, thậm chí lờ đi những gì ngược với suy nghĩ của mình.

Phương pháp liên ngành luôn đòi người nghiên cứu phải đặt những câu hỏi Tại sao, như thế nào với ngay những suy luận của mình… Trong nghiên cứu lịch sử biết đặt câu hỏi đúng là đã thành công được hơn một nửa?  Nắm vững tư liệu lịch sử đó là chiều sâu, sử dụng tài liệu liên ngành đó là chiều rộng. Như vậy lịch sử sẽ hiện lên tòan diện hơn. Các công trình nghiên cứu lịch sử VN của bác Tạ Chí Đại Trường xuất phát từ góc nhìn rộng nhất: từ văn hóa Việt Nam, các thành tố của văn hóa như ngôn ngữ, tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa dân gian, huyền thọai, truyền thuyết… đều được bác sử dụng, miễn là nó cung cấp một cái gì đó để ông có thêm cứ liệu để hiểu đúng, giải thích một cách hợp lý về một sự kiện, một con người lịch sử, trên nền tảng nguồn Sử liệu mà ông đã khảo cứu vô cùng tỉ mỉ. Lịch sử là đời sống, đặt lịch sử trong bối cảnh văn hóa Việt Nam, do đó khi đọc tác giả Tạ Chí Đại Trường ta nhận thấy “sử học” và “sự thật” khá gần gũi nhau.

Lẽ dĩ nhiên không phải vấn đề nào tôi cũng đồng tình với cách hiểu của ông, nhưng đây chỉ là cảm nhận của riêng tôi và tôi thường chia sẻ với các sinh viên của mình. Bởi vì tôi nghĩ, kinh nghiệm quý báu của người đi trước trong nghiên cứu chính là cách thức tiến hành công việc, là phương pháp chứ không chỉ là việc tích lũy tri thức được bao nhiêu, nhất là hiện nay với mạng Internet tòan cầu. Tuy nhiên nếu có phương pháp đúng ta sẽ tự trang bị cho mình những kiến thức tốt, cần thiết cho công việc cũng như đáp ứng sự yêu thích của mình./.

Nguyễn Thị Hậu


Nguồn: vanchuongviet.org


link down ebook (dạng pdf) Thần, người và đất Việt

1 nhận xét:

  1. Tạ Chí Đại Trường vừa mất hôm qua, 24/3/2016, tại Sài Gòn, thọ 81 tuổi.

    [color="blue"]Nguyễn Huệ Chi nói: “Tôi bàng hoàng khi hay tin ông Đại Trường qua đời. Với tôi, ông ấy là người luôn ngẩng cao đầu, không chịu nghe mệnh lệnh của ai ngoài trái tin và con mắt nhìn sự thật”.
    “Ông Đại Trường là nhà sử học có tầm vóc và có nhiều khám phá về phương diện lịch sử Việt Nam trong giai đoạn trung đại, cận đại và hiện đại”.
    “Tiếc là có một quá trình dài từ năm 1975, giới khoa học xã hội miền Bắc nắm giữ tư thế ‘bên thắng cuộc’ nên không trao đổi học thuật với một nhà sử học chân chính của miền Nam như ông Đại Trường”.
    “Theo tôi, đấy là một thiệt thòi cho giới khoa học miền Bắc. Lẽ ra, nếu tiếp cận ông sớm, người ta đã nhận ra phải nhận thức lịch sử cho đúng và những gì phải thay đổi trong cách viết sử lâu nay”, giáo sư nói thêm.
    Ông Huệ Chi cũng cho hay: “Những người như ông Đại Trường cần phải được đặt ở vị thế xứng đáng để ông nghiên cứu và những phát hiện của ông được trân trọng. Nhưng có thể vì nhạy cảm chính trị mà người ta né tránh một tinh hoa của miền Nam như ông”. (BBC)[/color]

    Trả lờiXóa
Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)