31/1/15

Chứng vĩ cuồng: Hiện tượng và căn nguyên


Ở tây từ rất lâu người ta đã biết đến chứng megalomania - tiếng Anh, có gốc Hi Lạp megalo (= to) + mania (= điên), tiếng Việt gọi là vĩ cuồng. Ở ta, gần đây nổi đình nổi đám thì có một ông BA tiếng Anh muốn làm cố vấn cho Saddam Hussein, một ông TS vật lí múa bút chép thơ gởi tham dự giải Nobel, một anh phú hộ bỗng dưng nổi hứng sáng tác sấm thi khắc trên cái "quốc tự" của mình. Đặc biệt trong thời đại facebook ngày nay, rất nhiều người bỗng dưng thấy mình là friend với bao chuyên gia nổi tiếng, sẵn sàng tham gia "tranh luận" tay-bo về các vấn đề quốc kế dân sinh, văn hóa giáo dục ... dù một chút mô tê về các khái niêm cơ bản liên quan cũng ko.

Mời nghe GS Cao xuân Hạo nói về hiện tượng và căn nguyên của chúng này. Như thường lệ, kiếm album nhạc gì để vừa nghe vừa đọc bài cho vui.


30/1/15

Dấu phẩy giá bao nhiêu


Nghe album A Day Without Rain của Enya
và đọc bài viết của GS Nguyễn Đức Dân nói về tầm quan trọng của dấu phẩy



29/1/15

Chuyện tình ở Đà lạt và Huế


Mời nghe hai bài thơ tình viết tại hai địa phương nổi tiếng thơ mộng - Nguyễn Duy với Đà Lạt một lần trăng và Thu Bồn với Tạm biệt Huế:



Đà lạt một lần trăng

Trăng ảo ảnh lập lờ trong sương trắng
ngọn gió nhà ai thấp thoáng ở bên đồi
tiếng móng ngựa gõ ròn trên dốc vắng
nghe mơ hồ một chiếc lá thông rơi

Em nhóm bếp bằng củi ngo chẻ nhỏ
ngọn lửa lấp đi khoảng vắng giữa hai người
tôi lơ đãng nhìn em nhìn lơ đãng
siêu nước pha trà vừa ấp úng sôi

Em biết chứ, chả ai lơ đãng cả
hòn than kia đang đỏ đến hết lòng
mà ngọn lửa cứ giả vờ le lói
mùi nhựa thông theo sợi khói đi vòng
...

Đà Lạt, 1984

*

Tạm biệt Huế

Bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ
nên chén ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu
những lăng tẩm như hoàng hôn chống lại ngày quên lãng
mặt trời vàng và mắt em nâu

xin chào Huế một lần anh đến
để ngàn lần anh nhớ hư vô
em rất thực nắng thì mờ ảo
xin đừng lầm em với cố đô

áo trắng hỡi thuở tìm em không thấy
nắng minh mang mấy nhịp Tràng Tiền
nón rất Huế mà đời không phải thế
mặt trời lên từ phía nón em nghiêng

nhịp cầu cong và con đường thẳng
một đời anh đi mãi chẳng về đâu
con sông dùng dằng con sông không chảy
sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu

tạm biệt Huế với em là vĩnh biệt
Hải Vân ơi xin người đừng tắt ngọn sao khuya
tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng
anh trở về hóa đá phía bên kia.


Huế 1980

Nguyễn Quang Lập có lần kể lại hoàn cảnh Thu Bồn sáng tác Tạm Biệt Huế, trích lại một đoạn đọc cho vui

Ít ai yêu đương mất thời gian như anh. Hễ mê cô nào Thu Bồn đeo đến cùng dù có mất cả năm trời. Mình đã chứng kiến Thu Bồn đứng dưới cửa sổ nhà chị H. ròng rã ba tháng trời, bất kể nắng mưa xứ Huế. Đêm nào cũng vậy, cứ 6 giờ là anh đến, đứng khoanh tay ngửa mặt nhìn lên cửa sổ và đọc thơ, đọc hết bài này sang bài khác cho đến 3 giờ sáng mới lủi thủi ra về. Tháng tám mưa Huế dai dẳng từ đầu hôm cho đến sáng, Thu Bồn cứ khoanh tay ngửa mặt giữa mưa hết đêm này sang đêm khác, thật sợ quá đi mất.

Vụ tình ái này Thu Bồn thất bại thảm hại. Mặc kệ Thu Bồn ngửa cổ nhìn lên dưới mưa lạnh xứ  Huế, chị H. trùm chăn ngủ ngon lành, không một lần mở cửa sổ nhìn xuống nói với anh một câu, dù là câu chê trách mắng mỏ. Ít khi Thu Bồn thất bại đắng cay như vậy, anh không được một chút gì kể cả một nụ cười của chị H. Bù lại anh có bài thơ Tạm biệt Huế cực kì nổi tiếng. Nhiều người bảo bài thơ đó Thu Bồn  viết tặng cô Châu, một người đẹp Huế. Không phải. Có thể Thu Bồn chép tặng cô Châu bài thơ Tạm biệt Huế nhưng bài này được ra đời sau vụ ái tình thất bại thảm hại của anh.  Giống Trịnh Công Sơn, những bài hát  tình hay nhất của anh Sơn đều là kết quả những mối tình đắng cay phần nhiều là thất bại; Thu Bồn chỉ có thơ hay với cô nào làm cho anh đau khổ. Yêu đương dễ dàng quá Thu Bồn chẳng có thơ, hoặc thơ cực dở.

(Nguyễn Quang Lập - quechoablog.wordpress.com)

Xuân An đã phổ nhạc bài thơ. Mời nghe Bảo Yến ca



Vài nét về nhà thơ Thu Bồn

Thu Bồn tên thật là Hà Đức Trọng sinh năm 1935 tại Quảng Nam. đi bộ đội từ năm 12 tuổi, ban đầu là liên lạc, sau là lính xung kích, pháo ... Rồi làm phóng viên chiến trường ở Liên khu 5, sau đó về làm ở Tạp chí Văn Nghệ. Ông mất năm 2003

Ông được biết đến nhiều với trường ca Bài ca chim Chơ Rao (1962). Trích một đoạn:


"Xưa kia tráng sĩ hề da ngựa
Ta nay uống cạn mấy rừng mưa
Độc huyền tráng sĩ xưa ca cẩm
Ta ôm xích đạo gãy vòng cung
Môi hôn ngọn gió thơm hoa trái
Núi cũng chiều ta đứng trập trùng.
Ta cũng không ham chi nghiệp lớn.
Bồ đào không có chẳng giai nhân
Cửa nhà thông thốc muôn phương gió
Túi rỗng nhiều phen bạn đỡ đần
Bơi qua biển lửa ta về lại.
Gọi Thái Bình Dương đến dạo đàn.
Những cung xưa cũ lời em hát.
Còn cháy lòng ta lửa thử vàng...
Ta như con dế nằm trên cỏ
Đợi uống từng đêm giọt ngọc sương
Châu báu trọn đời con dâng mẹ
Là trái tim đau lấm bụi đường
...”.


Nguồn các bài thơ: cop lại từ thivien.net, hình : net


28/1/15

Chữ và nghĩa: "Khôi Nguyên", "Hệ Lụy" và "Thuê Bao"?


Nghe nói chuyện chữ và nghĩa trong một chương trình của calitoday. Hôm nay là về ba từ khôi nguyên, thuê bao và hệ lụy



sơn dầu của Volegov



26/1/15

Tranh thủy mặc Trương Hán Minh


Sen - tranh thủy mặc Lý Khắc Nhu
Thủy mặc: thủy (水) là nước; mặc (墨) là mực. Tranh thủy mặc = tranh vẽ bằng mực nước, tức mực tàu, trên giấy hay lụa. Thủy mặc là ta gọi, còn người Tàu thì gọi là thủy thái họa 水墨畫; Nhật thì gọi là sumi-e (墨絵) hay suibokuga (水墨画); Hàn thì gọi sumukhwa (수묵화); tiếng Anh gọi là Ink wash painting - ghi lại thế cho ai cần tìm hiểu thêm dễ gúc. Tranh Thủy mặc bắt nguồn từ Trung Hoa, phát triển cùng nghệ thuật thư pháp rất đặc trưng của xứ sở này, nên ở đấy tranh thủy mặc còn gọi là quốc họa.

Mời nghe nghệ sĩ Việt Hồng chơi đàn tranh và đọc bài phỏng vấn họa sĩ Trương Hán Minh về tranh thủy mặc.


25/1/15

Nét Duyên Trong Dân Ca


Mời nghe Chương trình Còn Mãi Vời Thời Gian số 13 của HTV, chủ đề Nét Duyên Trong Dân Ca với GS Trần Văn Khê tham gia dẫn chuyện. Biểu diễn là các ca sĩ Vân Khánh, Thùy Dương, nhóm Phù Sa, .. và cả một số giọng ca dân gian độc đáo - nhà báo Phan Bá Chức, nghệ nhân ẩm thực Hoàng Anh..



tranh lụa của Lê  Thị Lựu

24/1/15

10 phút với Khánh Ly


Mấy hôm trước nghe tin chồng Khánh Ly mất, lang thang đọc được bài phỏng vấn Khánh Ly do Trịnh Vương Du thực hiện.
Mời nghe album và đọc bài phỏng vấn


23/1/15

Dân ca Việt nam


Bài viết về Dân ca trên mạng ko thiếu gì, nhưng tìm được một bài ko quá chuyên sâu để dọa khiếp các lazy lady, nhưng cũng ko quá sơ lược để đọc xong như chưa đọc thì ko dễ. Bài viết sau của GS Trần Quang Hải có lẻ đáp ứng được yêu cầu này.

GS Trần Quang Hải làm việc tại Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học (National Center for Scientific Research) Pháp, chuyên về dân tộc nhạc học (ethnomusicologist), đặc biệt về nhạc Việt Nam và nhạc Á châu.

(nhạc minh họa là bonus, ko có trong bài gốc)

22/1/15

Đôi mắt người Sơn Tây




Tranh thủy mặc Dan Zengxiu . Tì bà Liu Fang


Dan Zengxiu (Thạch Tăng Tú) sinh năm 1949 tại Thiên Tân. Sau khi tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Thiên Tân, ông qua Pháp du học, tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Abraham, Paris. Hiện là viện trưởng Học viện nghệ thuật Đại học sư phạm Thiên Tân, Hội trưởng ủy hội Thủy thái họa Thiên Tân, ...  Bận giảng dạy, ông vẫn thường xuyên gởi tranh tham gia nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài nước, tranh của ông có mặt ở nhiều bộ sưu tập trên khắp thế giới.

Nghe Liu Fang (Lưu Phương) độc tấu tỳ bà và ngắm một số tranh nude thủy mặc của Dan Zengxiu



21/1/15

Each leaf has a life (Wuna) . Tranh Guan Weixing



Guan Weixing (关 维 兴 Quan Duy Hưng) sinh năm 1940 tại Đôn Hóa, Cát Lâm, Trung Quốc. Tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Lỗ Tấn năm 1962, chuyên về sơn dầu và thủy thái họa (ta gọi là tranh thủy mặc). Tranh ông có mặt ở nhiều cuộc triển lãm, trong các bộ sưu tập ở nhiều nước trên thế giới. Các tác phẩm như "Holy mother in the world", "First look at the world", "Autumn fun", "Old farmer from Shanbei", "Youth", "Guard", "Girl in full dress", "Child fun" đã giành được nhiều giải thưởng danh giá quốc tế. Hiện là giám đốc Hội Mỹ thuật Trung Quốc, Phó chủ nhiệm hiệp hội Thủy thái họa Trung Quốc.

Mời nghe Wuna độc tấu cổ cầm và xem tranh của Quan Duy Hưng, người được tôn xưng là bậc thầy thủy thái họa Trung Hoa



Autumn Fun

Autumn Rhythm

Child Fun

First look into the world

Guard

Holy Mother

Tranh nude thủy mặc của ông cũng rất đẹp

Dream

Spring


Nude

Nude with floral hoop



19/1/15

Cớ sao "áo ấm" là "áo lạnh"?


Mạng vẫn còn tệ, nhưng nghe nhạc mp3 được.
Nghe Paul Mauriat chơi đàn và đọc bài viết của Nguyễn Đức Dân về một số hiện tượng có vẻ vô lí, mâu thuẫn trong tiếng Việt




17/1/15

Nhạc Anh Bằng . Bodyscape


Nghe Bích Huyền và Uyển Diễm nói chuyện về nhạc Anh Bằng. Bài phát làm 2 kỳ trong chương trình Câu chuyện thơ nhạc của VOA. File audio sau gom làm một, lấy trên trang web của giadinhhoangtrong.wordpress.com

Bích Huyền (VOA)


và ngắm vài bức ảnh bodyscape ... của Carl Warner (nhiếp ảnh gia Anh, bức 1), Allan Teger (Mỹ, bức 2, 3), Alex Waterhouse-Hayward (Canada - bức cuối) và các nhiếp ảnh gia khác. Hình lấy trên mạng

Bodyscape = body (thân thể) + landscape (phong cảnh). Bodyscape là những bức ảnh chụp thân người nhưng gây cho người xem ấn tượng như một bức tranh phong cảnh. 










Ăn, một từ kì thú


1.  “Ăn” là một từ cơ bản và có trong ngôn ngữ của mọi dân tộc.  Từ ăn trong  tiếng Việt cực kì lí thú, phản ánh quá trình nhận thức đặc biệt của người Việt về hiện tượng “ăn”.  GS Hoàng Tuệ có một bài viết rất hay trên Tác phẩm mới (1973) liên quan đến từ ăn. Đây là một gợi ý quan trọng để tôi viết bài này.

Thuở hồng hoang, tiếng nói của chúng ta có rất ít từ. Trong quá trình phát triển có  nhiều  từ mới được  thêm vào hoặc dùng  từ cũ với  nghĩa mới. Ăn là một từ điển hình có nghĩa được mở rộng.  Khởi thủy, “ăn” là một hành động của con người. Nghĩa của  từ “ăn”  được mở rộng dần dần theo cách lấy khuôn mẫu con người để nhận thức vũ trụ.

2.  Việt Nam tự điển (1931) của Hội Khai trí tiến đức định nghĩa:

(1) ăn là  cắn, gậm, bỏ vào miệng nhai rồi nuốt đi.

Loài vật cũng có hành động “ăn”. Có điều con rắn chỉ có nuốt con mồi. Con cóc, con thằn lằn  chỉ tợp một cái là con mồi  vào bụng chứ không  “cắn, gặm, nhai”. Vậy cần hiểu lại từ ăn khái quát hơn cho phù hợp với cả loài vật. Từ điển tiếng Việt (1992) của Viện ngôn ngữ học định nghĩa:

(1) ® (2)  ăn là  tự cho vào cơ thể  thức nuôi sống

Trong câu “Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ, thợ bồ ăn nan, thợ hàn ăn thiếc”(TN), có thể hiểu “ăn giẻ, ăn hồ…” để nuôi sống.  Nhưng người Việt còn có tục ăn trầu. Không ai nuốt trầu như Bill Gates khi tới thăm vùng quê quan họ, mà là nhai rồi nhả bã trầu…Vậy thì trầu không phải là thức nuôi sống. Ca dao có câu cá không ăn muối cá ươn. Cá nào có tự cho  muối vào cơ thể.  Nó  bị con người rắc muối lên ướp để  khỏi ươn, để tồn tại.  Lại nữa, đồ vật cũng “ăn”:  “Con tàu neo ở  cảng ăn hàng”; “Chiếc mô tô này chạy 100 cây số ăn hết 2 lít xăng.” Động cơ xe máy,  tàu thủy, máy bay,  … phải ăn xăng, ăn than  mới chạy được, mới tồn tại được.  Khái quát tiếp:

(2) ® (3) ăn là  tiếp nhận  chất để tồn tại.

Thậm chí trong khái niệm “ăn”, người Việt không chú ý tới ăn chất gì. Thi hào  Nguyễn Du lại cho ăn chất trừu tượng:  “Nói lời rồi lại ăn lời như không.”  Cũng  chả ai nghĩ  cho   ăn đòn, ăn roi  là để tồn tại. Chúng ta đi tới một  khái quát cực kì quan trọng:

(3) ® (4):  ăn là sự tiếp nhận.

Chết là tiếp nhận đất. Vậy nên ăn đất là ẩn dụ của cái chết.

3. Nghĩa của từ càng khái quát càng dễ dùng cho nhiều tình huống khác nhau. Ăn là tiếp nhận, và có dăm bảy đường tiếp nhận: chủ động,  bị động, đồng thuận hoặc theo tục luật.

Chủ động tiếp nhận với ý nghĩa không chính đáng, xấu xa là  ăn bám, ăn chực,  ăn hại, ăn ghẹ, ăn ké,  ăn báo cô; ăn bớt, ăn bòn, ăn vụng, ăn hoang,  ăn không, ăn dỗ (trẻ em), ăn quẩn, ăn quèo, “khôn ngoan thì kiếm ăn người, mạt đời thì kiếm ăn quanh” (TN)… Không ít hạng người có thủ đoạn ăn lưu manh, phi nghĩa: ăn cắp, ăn trộm,  ăn gian, ăn lường, ăn lận, ăn quịt, ăn hớt, ăn bửa, ăn chằng, ăn thông lưng (trong cờ bạc). Những tên đạo chích  và gái đứng đường thì ăn sương. Tục ngữ có câu  “Kiếp trâu ăn cỏ, kiếp chó  ăn của dơ”.  Những hạng kỳ hào, lý dịch, quan chức  ăn chặn, ăn chẹt, ăn cướp cơm chim, ăn tiền, ăn đút lót, ăn hối lộ (xưa gọi lịch sự là ăn lễ), được gọi chung bằng từ ăn bẩn. Từ đây, có cách chửi mắng là bảo một người “ăn cái nọ, ăn cái kia (ô uế, xấu xa)”.

Sự tiếp nhận bị động  là nước da ăn ảnh, ăn phấn, ăn đèn, ăn nắng, ăn gió. Có người  “mặc đồ đen lại ăn hơn đồ trắng”. Giấy sản xuất thời bao cấp rất xấu, thường bị  ăn mực.

Tiếp nhận theo qui luật, theo luật chơi, theo tục lệ  là sự tiếp nhận hợp lí. Đó là  ăn bổng, ăn lộc, ăn hương hỏa, ăn thừa tự, ăn bát họ, ăn cái; làm công ăn lương; làm ở hợp tác  xã  ăn công điểm.  Trong cá cược nói “đặt một  ăn ba”. Trong buôn bán, nói “hàng này đã ăn giá  300 ngàn”. Người làm trái tục lệ liền bị làng xóm kéo đến ăn vạ (ngả lợn gà ra ăn). Ăn vạ  còn nhằm bắt đền, tức tiếp nhận sự đền bù của  người khác.

Tiếp nhận từ cả hai phía thường mang nghĩa hài hòa:  Tủ này ăn mộng.   Những  người  ăn cánh  thường  nói ăn khớp nhau.  Đội bóng này chơi cực kì ăn giơ (jeu); chưa thấy hai tiền đạo nào chơi ăn ý nhau như vậy.  Dàn đồng ca này hát bè không ăn nhịp lắm…

4. Để ăn được một đối tượng  khác thì phải mạnh hơn. Từ đây ăn có ý nghĩa  là vượt trội, là thắng, là làm tiêu hao đối tượng. Đó là ăn tôm, ăn lèo, ăn chắn trong bài bạc, ăn  xe, ăn pháo trong đánh cờ, đánh bài. Rồi “Cờ bạc ăn nhau về sáng” (TN), “Anh ta thì ăn giải gì, có mà giải rút”,  “Về đầu óc, đứa em ăn đứt thằng anh”; “Đấu với nó sao được, nó sẽ ăn gỏi cậu”…  Từ đây thêm một dòng nghĩa mới: ăn là tiêu hao đối tượng. Đó là  nước ăn chân; gấu ăn trăng (hiện tượng nguyệt thực); acid ăn mòn kim loại; vải này ăn màu; buôn bán ế ẩm, bị ăn cụt vốn;  biển đã ăn vào 100 mét; đường kẻ này ăn sang trái; “Sơn ăn tùy mặt ma bắt tùy người”(TN)…

5. Từ “ăn” thường trực trong tâm thức người Việt. Và tiếng Việt  có nhiều từ ghép “ăn + X”, ở đó:

-  Có X  nói về duyên cớ ăn:  Ăn Tết, ăn tân gia, ăn hỏi, ăn mừng, ăn khao, ăn giỗ, ăn cơm khách, “Ăn có mời làm có khiến.” (TN);   “Mồng ba cá đi ăn thề, mồng bốn cá về cá vượt vũ môn” (cd)…

- Có X nói về tính chất, phương thức ăn:  ăn già, ăn non, ăn vặt, ăn vay, ăn đong…; ăn xó mó niêu, ăn xin, ăn mày cửa Phật; “ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối” (TN); “Những người  ăn xổi ở thì / Tiết trăm năm nỡ bỏ đi một ngày” (Truyện Kiều)…

- Khi ghép “ăn” với một động từ  X  khác,  như  ăn học, ăn tiêu, ăn mặc, ăn ngủ, ăn nói, ăn nhậu, ăn chia, ăn ngồi… vai trò của ăn  và X như nhau, những  tổ hợp này còn có thể  nói về một điều X khái quát:  Ăn chơi nói về chuyện chơi bời,  ăn ở nói về cách ứng xử trong cuộc sống,  còn ăn nằm chủ yếu  nói về chuyện hai người có quan hệ … “nằm” với nhau.

Con đường phát triển nghĩa của từ ăn phong phú là như vậy. Mong bạn hãy liên hệ với từ “ăn” trong ngoại ngữ mình biết và hãy thử dịch những ví dụ gặp  trong bài này xem bao nhiêu trường hợp có thể dùng eat (Anh), manger (Pháp), est’ (Nga) để dịch từ ăn của chúng ta.  Một điều đáng suy ngẫm: nhiều cách nói đặc sắc về từ ăn đang mất dần đi trong xã hội hiện đại.


Nguyễn Đức Dân

Nguồn khoavanhoc-ngonngu


16/1/15

Giới trẻ đang học cái thứ gần 100%... không phải là tiếng Việt


Cao Xuân Hạo

- Là người nói chuẩn tiếng Việt, ông có đau lòng khi tiếng Việt nhiều khi bị sử dụng sai nghĩa, sai ngữ pháp trên báo, đài, và ở đâu đó nữa...?

- Có. Nhưng sau hơn 50 năm được các dịch giả của các báo, đài tập dượt cho, bản năng phản ứng của "người bản ngữ" trước những câu nói ngô ngọng chỉ có thể có được ở cửa miệng những ông Tây mới học tiếng Việt được 3 tuần cũng đã dần dần cùn mòn đi. May thay, dù sao tôi cũng đã quá già để có thể bị cái giọng Tây lai ấy ảnh hưởng.

Chỉ thương cho những người Việt nhỏ tuổi sẽ bắt chước kiểu nói đó mà quên dần những phương tiện diễn đạt trau chuốt, chính xác và tinh tế của tiếng mẹ đẻ, cho đến khi đọc Kiều hay thơ Xuân Diệu không còn chút khả năng rung đùi nào nữa.

- Ông thấy tình trạng này còn có hy vọng khắc phục được nữa không?

- Tôi không đến nỗi bi quan như một số bạn đồng nghiệp cho rằng dưới những đòn nặng nề của "ba mũi giáp công" (nhà trường, truyền thông đại chúng và các nhà nghiên cứu), tiếng Việt chỉ vài mươi năm nữa là tuyệt diệt như một số ngôn ngữ bị người nói quên dần (để dùng tiếng Anh hay tiếng Tây Ban Nha).

Tôi tin rằng nếu ngay bây giờ chúng ta bắt đầu dạy tiếng Việt thật (chứ không phải tiếng Tây hoá trang bằng thí dụ tiếng Việt) ở nhà trường phổ thông, cái quá trình bi thảm ấy hoàn toàn có thể chặn đứng lại, chậm nhất là sau 20 năm.

- Ngôn ngữ thể hiện tư duy của con người, liệu có phải tư duy của chúng ta đang "có vấn đề" không, thưa ông?

- Đừng đặt vấn đề sâu như thế. Ở đây tôi chỉ muốn nói nhà trường đã dạy dỗ thế nào, các ông giáo sư, nhà nghiên cứu làm gì mà để môn tiếng Việt lâm vào một tình trạng đáng buồn như vậy.

Theo tôi, hiện nay thứ tiếng mà chúng ta đang dạy cho học sinh và sinh viên gần như 100% không phải là tiếng Việt, mà là tiếng Pháp hay một thứ tiếng Âu Châu điển hình nào đấy.

- Liệu đây có phải là thời tiếng Việt lâm nạn?

- Thực ra có những cuốn tiếng Việt tương đối chuẩn, như cuốn "Ngữ pháp tiếng Việt" in từ năm 1883 của Trương Vĩnh Ký, ông viết từ thời xưa nhưng còn hơn hẳn mấy ông ngôn ngữ bây giờ, những người chỉ sao chép ngữ pháp tiếng Âu Châu qua tiếng Việt.

- Là một dịch giả có uy tín ông nghĩ thế nào về tình trạng như là "dịch lấy được" của một số dịch giả hiện nay?

- Thú thật là tôi ít có thì giờ để đọc. Thỉnh thoảng xem trong tạp chí "Văn học nước ngoài" tôi thấy hình như các dịch giả quá ít chú ý đến câu văn. Hình như họ dịch quá sát nguyên bản mà không đọc lại cho kỹ xem văn Việt của bản dịch có ngô ngọng quá không.

- Sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng bản quyền cho Công ty văn hoá Phương Nam, ông đã yên tâm hoàn toàn về vấn đề tác quyền chưa?

- Chính bên Phương Nam cũng nói là họ sẽ gắng làm hết sức, chứ không thể đủ sức ngăn chặn hẳn hoạt động in lậu. Có những nhà xuất bản từng làm việc lâu năm với các bản dịch của chúng tôi như Nhà xuất bản Văn học chẳng hạn, họ làm việc rất đứng đắn, mỗi lần tái bản cuốn nào đều xin phép hẳn hoi và trả nhuận bút đầy đủ.

Nhưng nhà xuất bản của các tỉnh thì lại thường thấy hai việc này là hoàn toàn không cần thiết. Họ biết thừa rằng dù họ in lậu bao nhiêu thì chúng tôi cũng chẳng biết.

- Một câu cuối cùng, đến tuổi này ông sợ nhất điều gì?

- Sợ thì sợ nhiều. Nhưng cũng không sợ gì lắm vì có ai làm gì đâu mà mình sợ? Nhưng đúng là tôi cũng thấy buồn trước tình hình dạy, học và viết tiếng Việt hiện nay.

Quả thật hình như người ta coi thường công việc nghiên cứu và trau dồi tiếng Việt. Có lẽ ai cũng nghĩ rằng nói sao, viết sao hiểu được thì thôi. Chứ lời văn trau chuốt chẳng có giá trị gì trong thời đại của Internet này nữa. Nhược điểm có viết thành yếu điểm thì cũng đã chết ai chưa? Dùng cứu cánh để chỉ "phương tiện cứu vãn" thì phỏng có hại gì cho định hướng phát triển xã hội?

Nếu có nghe, đọc phương tiện truyền thông của ta mỗi ngày truyền bá dăm bảy trăm câu hoàn toàn bất thành cú, biết kêu ai bây giờ?

Theo Lao Động
Cop lại từ chungta.com


GS Cao Xuân Hạo (1930 - 2007) là một nhà ngôn ngữ học đồng thời là một dịch giả nổi tiếng. 

Tác phẩm
Truyện dịch: Chiến Tranh và Hòa Bình, Tội Ác và Hình Phạt, Con Đường Đau Khổ, Papillon, Nô tì Isaura ..

Sách ngôn ngữ học:
- Tiếng Việt – Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa,
- Tiếng Việt: Sơ thảo ngữ pháp chức năng, ..


(theo caoxuan.com)


15/1/15

Người đương thời ? Hãy đợi đấy!


Có khá nhiều từ dùng sai nhưng được dùng nhiều thành quen, lâu dần hóa đúng: đại bàng, chung cư, .. Một số từ đang tranh chấp, nhưng với đà phát triển của đài báo hiện nay, có lẽ ko lâu nữa cũng hóa đúng: đọc giả, thăm quan, yếu điểm (với nghĩa điểm yếu), cứu cánh (với nghĩa cứu giúp) .. Bài báo sau đây của tác giả Bùi Việt Bắc phân tích một số từ dùng sai hiện rất phổ biến: đỉnh olympia, (người) đương thời, ... Hình cây me chụp trước nhà, ko liên quan gì đến bài, chỉ để nhem thèm chơi ..


Nạn dịch sai đang phá hỏng tiếng Việt
(Phát hiện một số từ dùng sai trong tiếng Việt và chứng minh chúng do những người dịch đưa vào)

Có lần, một ông đồng nghiệp từng cùng đi làm chuyên gia xuất bản với tôi trong một nhiệm kỳ thông báo cuốn sách ông ấy vừa in. Trong đó ông dành 85 trang để liệt kê và phân tích các lỗi dịch sai của một cuốn sách khác. Ðiều đáng nói là người dịch sai hơi bị nhiều kia lại từng nhiều chục năm đứng trên bục giảng đại học để dạy chính môn dịch tiếng Anh. Ðể chia sẻ, tôi đưa ông một trang bản thảo cùng với photo nguyên bản: cả thảy 15 câu tiếng Anh mà dịch sai 14 lỗi! Và đây là trang bất kỳ tôi mở ra ngay sau khi nhận bản thảo. Người dịch này cũng khá lâu năm.

Tháng 11 năm 1999 tôi có viết một bài báo dẫn chứng Ðài Truyền hình Trung ương (ÐTHTƯ) dịch sai hơi nhiều. Trong bài báo đó tôi có gợi ý đổi tên chương trình Ðường lên đỉnh Olympia vì ở Hy Lạp không có đỉnh Olympia mà chỉ có đỉnh Olympus (ta gọi là Ôlanhpơ). Ba tờ báo lần lượt khước từ đăng vì họ không muốn đụng đến đồng nghiệp quá to lớn này. ÐTHTƯ độc quyền phục vụ hàng chục triệu người cả nước, cái sai của họ tác hại rất lớn.

Vai trò của công tác dịch thuật đối với sự phát triển của văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ, nâng cao dân trí… chắc chắn là không ai nghi ngờ cả. Cho nên nếu ta còn làm ẩu thì hậu quả sẽ vô cùng tai hại.

Tiếng Việt đang mất dần bản sắc do chúng ta phải nghe quá nhiều lối hành văn của những người dịch không thoát. Thí dụ “thú nhỏ nhất là một loài dơi đến từ Thái Lan” (trên một tờ báo to), “Ðội tuyển bóng đá Việt Nam đã bị thua trước đội Mianma 3-0” (trên một tờ báo khác), “Ban Văn hoá Giáo dục trong thành phần của Quốc hội”, “Những chiếctrên một cành cây đang tỏ ra rung rinh trước những cơn gió”, “Cụ Nguyễn Trãi được biết đến như một nhà thơ lớn”… Rất nhiều người không biết tiếng Tây mà vẫn có lối hành văn với những chữ thừa kiểu như vừa nêu.

Trong bài này tôi không nói về lỗi dịch sai của từng cá nhân (việc đó phải nhiều tập sách mới kể hết) mà đi thẳng vào những cái sai đã qua mắt gần như tất cả chúng ta, nghiễm nhiên đi vào tiếng Việt, được sử dụng rộng rãi, chưa có ai phát hiện, để làm sáng tỏ một trong những tác hại của dịch sai là phá hỏng tiếng Việt.

Có một từ mà tần số xuất hiện chắc chắn là hàng đầu trong lời nói hằng ngày, trên sách báo, phát thanh truyền hình, văn bản giao dịch, tài liệu khoa học… Có thể nói là mỗi chúng ta hằng ngày đều đụng đến.

Ðó là từ vi tính!

Từ này có nguồn gốc dịch sai.

Máy tính trước những năm bảy mươi to bằng cả gian nhà. Nhờ có phát minh ra bóng bán dẫn vào cuối những năm bốn mươi và vi mạch silicôn những năm sáu mươi mà vào đầu thập kỷ bảy mươi chiếc máy tính kích thước nhỏ đầu tiên ra đời. Ðó là tiền thân của toàn bộ thế hệ máy tính ta dùng bây giờ. Tại nơi sinh ra, nó được gọi là microcomputer (máy tính cực nhỏ). Tôi gặp cụm từ máy vi tính lần đầu tiên vào khoảng giữa những năm tám mươi trong quyển sách của một dịch giả lớn, nhưng chắc là không phải ông này đã dịch từ này đầu tiên. Với đà phát triển vũ bão của microcomputer cường độ sử dụng từ vi tính ở ta cũng theo đó mà tăng ồ ạt! Không hề có một ai do dự khi dùng từ này. Trên sạp báo thường có một tờ báo tên là Vi tính, một tạp chí là Thế giới vi tính.

Chúng ta đều biết trong các tổ hợp từ vi trùng, thế giới vi mô… thì vi bổ nghĩa cho từ đứng sau nó để đem lại ý nghĩa cực nhỏ: trùng cực nhỏ, thế giới cực nhỏ… Như vậy vi tínhtính cái cực nhỏ. Nhưng trong chữ microcomputer thì cái cực nhỏ là cái máy chứ đâu phải việc tính. Các loại máy tính bây giờ so với thế hệ cũ thì tất nhiên là cực nhỏ rồi. Còn việc tính ở đây đâu có nhỏ! Ðó là cái sai thứ nhất: Hiểu sai ý.

Cái sai thứ hai là chữ tính không phải là âm Hán Việt để mà kết hợp với chữ vi theo kiểu này! Cùng xuất hiện với từ microcomputer trong tiếng Anh còn có từ microplane (máy bay cực nhỏ). Nếu mà cứ dịch theo kiểu máy vi tính thì trong tiếng Việt ta còn có thêm máy vi bay (!)

Cái sai thứ ba là theo lôgíc thông thường nhất: Khi tất cả các máy tính đều vi cả thì việc gì phải gọi chúng là vi nữa! Ngay trong tiếng Anh, người ta chỉ gọi microcomputer lúc vừa mới xuất hiện để phân biệt với các máy tính thế hệ cũ, sau đó chỉ là computer thôi.

Bớt chữ vi, đỡ nhiêu khê lại tiết kiệm biết bao giấy mực và thời gian!

Có cụm từ mà tôi thấy phân vân ngay khi nghe lần đầu tiên. Ðó là tên bộ phim hoạt hình Nga nhiều tập Hãy đợi đấy. Phim hay, tiếc là dịch cái tên chưa đúng. Trong Từ điển tiếng Nga bốn tập do Viện tiếng Nga thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô xuất bản năm 1984, từ pogodit ngoài nghĩa là đợi còn một nghĩa khác nữa là lời đe doạ (khi ở mệnh lệnh thức). Thế thì phải dịch là Liệu hồn chứ. Về lời dịch này tôi đã trao đổi với vài đồng nghiệp người Nga, họ hoàn toàn nhất trí. Có người nói Hãy đợi đấy cũng ngụ ý lời đe doạ. Theo tôi thì đó là do nghe mãi thành quen. Nhưng cứ cho đó là lời de doạ đi nữa thì lời đe doạ này nghe èo uột quá, không giống với lời đe doạ tức đầy ruột như nội dung phim.

Từ đầu những năm 70 trong nhiều bài báo ở ta, tôi thấy tên tạp chí Nga Sovremennik được dịch là Người đương thời. Các dịch giả đã mắc một lúc hai cái sai.

Trong tiếng Nga danh từ Sovremennik chỉ có một nghĩa duy nhất là Người cùng thời mà thôi! Có nghĩa là những người sống cùng thời với nhau, không nhất thiết trong quá khứ hay hiện tại. Họ đã nhầm với một trong các nghĩa của tính từ sovremennưi là hiện thời, hiện nay. Còn cái sai thứ hai là diễn đạt tiếng Việt cũng sai nốt! Từ xưa đến nay chúng ta đều hiểu đương thờithời bấy giờ, thời đó, tức là quá khứ chứ đâu phải là bây giờ! Cho đến nay, tất cả các từ điển của nước ta và kể cả của Trung Quốc chưa thấy chỗ nào viết đương thời là thời đang diễn ra cả.

Ba mươi năm trôi qua, từ dịch sai, viết sai, đọc mãi, nghe mãi thành quen, thành khái niệm. Khi viết bài này tôi có hỏi một loạt dịch giả, nhà văn, biên tập… Họ đều trả lời: “Người đương thời là đang sống với chúng ta bây giờ, vì đương =đang. Ðương đại cũng thế”. Ðài truyền hình cũng có một chương trình mang cái tên sai tiếng Việt này nên số người hiểu sai do đó càng tăng nhanh.

Chúng ta đều biết trong các kết hợp Hán-Việt, các âm Hán chỉ kết hợp với Hán và tính từ đi trước danh từ. Tổ hợp từ này đọc lên nghe loảng xoảng như âm Hán-Việt, đáng tiếc là trong Từ hải (từ điển tiếng Hán), đương có 14 nghĩa nhưng không hề có nghĩa nào là bây giờ, đang diễn ra cả! Ðương=đang là của tiếng Việt chứ không phải tiếng Hán, đương tiếng Hán kết hợp với thời sẽ ra nghĩa khác. Trong tổ hợp từ “đương kim vô địch” thì từ tố kim mới là bây giờ, chứ không phải là đương. Ðương ở đây có nghĩa là đích thị. Nhầm lẫn chính là ở đây.

Cái sai của đương thời cũng như của thăm quan, yếu điểm, đọc giả

Tương tự, đương đại cũng được hiểu là đang diễn ra. Những người được hỏi còn giải thích: là những gì diễn ra trong vòng mươi, mười lăm năm lại đây. Hiểu như thế là chưa được chuẩn. Thứ nhất: nếu xem đươngđang thì nó là âm Việt, không thể kết hợp với đại vì đại là âm Hán-Việt. Thứ hai, những người soạn ngữ pháp tiếng Việt gọi đương=đang là hư từ (một dạng trạng từ), chỉ có thể đi kèm động từ hoặc tính từ chứ không thể bổ nghĩa trực tiếp cho danh từ. Thứ ba: đã là thời đại thì phải mang tính thời đại, không thể là giai đoạn ngắn trước mắt được!

Trong tiếng Hán hiện đại người ta có dùng từ đương đại nhưng không phải là khoảng thời gian ngắn đang diễn ra. Một giáo sư Hán ngữ giải thích cho tôi rằng đương đại được xem là từ 1949, để phân biệt với hiện đại được xem là từ 1911 (hoặc 1919). Ta có thể thấy đương ở đây không phải là đang mà là ở tại, giống như trong đương cục, đương đạo. Ðại ở đây tôi cho là cách hiểu ngầm của thời đại Này cũng như khi nói người giàu nhất hành tinh thì hành tinh đây mọi người đều hiểu ngầm là hành tinh Này, tức là Trái đất.

Tạp chí Ogoniok, trong tất cả các bản dịch ở ta là Ngọn lửa nhỏ. Tên này đem lại ý nghĩa và ấn tượng gì (?) khi trong tiếng Nga nghĩa bóng Ogoniok là chất lửa, nhiệt tâm!

Từ sotrudnik (Nga) tôi chưa thấy ai dịch khác là cộng tác viên trong khi sotrudnik là những người cùng công tác chính thức trong một cơ quan còn cộng tác viên là người ngoài cơ quan, chỉ cộng tác mà thôi.

Trong nền văn hoá phương Đông có con vật linh thiêng tưởng tượng là con rồng. Chúng ta đều hình dung được hình hài và bản chất của nó: mình dài, có vảy, không cánh nhưng bay trong mây, phun ra mưa…, không hề gây ác, là biểu tượng của sự cao sang hùng vỹ, của vua chúa.

Trong kho tàng huyền thoại phương Tây có con quái vật hình thù gớm ghiếc: mình ngắn, bụng to, có cánh, phun lửa, tác quái hại dân. Nó có tên là dragon trong tiếng Anh, tiếng Pháp và drakon trong tiếng Nga. Trong các truyện cổ thường có các anh hùng diệt dragon cứu dân. Theo hình hài các hoạ sỹ mô tả, tính chất kể trong các truyện cổ cũng như theo định nghĩa trong các từ điển giải thích của họ thì con dragon này chính xác là con chằn tinh trong tiếng Việt.

Con rồng không hề có trong văn hoá các dân tộc phương Tây. Ðáng tiếc là người phương Tây không hề nghĩ ra con vật tương tự con rồng. Khi phải dịch từ con rồng Trung Hoa ra tiếng phương Tây, các dịch giả không thể tìm được từ tương ứng nên họ đành phải chọn con chằn tinh để thay con rồng. Cú dịch này quả nhiên là có khiếm khuyết! Tuy nhiên ở mức độ ta có thể thông cảm được. Thứ nhất là vì không có từ thích hợp hơn và thứ hai là vì người đầu tiên dịch từ này có lẽ đã lâu lắm rồi, lúc đó sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nền văn hoá Ðông, Tây chắc hẳn rất mù mờ.

Còn các dịch giả cũng như những người làm từ điển của ta khi dịch con chằn tinh của phương Tây ra con rồng của ta thì đáng trách quá vì ta có từ để dịch đúng, và ta đang sống trong “đương đại” giao lưu!
Bây giờ chắc các bạn đã rõ tại sao mấy thập kỷ qua vườn cổ tích trẻ em Việt Nam vắng bóng gã chằn tinh. Chúng ta đều đã gặp con quái vật ăn thịt người này một lần trong truyện Thạch Sanh, sau đó là biệt tăm.

Hoá ra là những người làm từ điển và các dịch giả bắt chước nhau đeo mặt nạ rồng cho gã chằn tinh đáng ghét nên các em vẫn thường xuyên gặp chúng trong các phim hoạt hình, truyện tranh, cổ tích nước ngoài mà không biết, cứ tưởng đó là rồng. Còn cụ rồng kiêu hãnh vốn chỉ ngự ở các đền chùa và những nơi tôn nghiêm bỗng biến thành con quái vật khát máu. Oan này biết kêu ai?

Sai lầm này làm cho độc giả có khái niệm sai lệch về con rồng nói chung. Từ đó rõ là không nên dịch thành con rồng Cômôđô như mọi người đang làm mà phải dịch là con kỳ đà Cômôđô mới đúng.

Trong từ điển tiếng Anh chữ dream ghi rành rành hai nghĩa 1) là những gì ta thấy khi đang ngủ (giấc mơ). 2) là những gì ta chưa có mà rất mong muốn có (ước mơ). Từ lâu lắm rồi, tôi thấy những người dịch ẩu cứ gặp từ dream là dịch luôn giấc mơ, không thèm phân biệt ngữ cảnh. Hậu quả là người đọc thấy mãi quen mắt rồi cũng dùng luôn một chữ để diễn đạt cả hai ý như người Anh luôn. Bây giờ thì không phải chỉ thấy trong các bản dịch nữa mà thấy và nghe khắp nơi.

Tương tự như vậy, trong tiếng Anh chữ queen phải mang hai nghĩa là hoàng hậu và nữ hoàng. Trong tiếng ta thì đường đường hai chữ tách bạch, vậy mà nhiều người dịch vẫn không đếm xỉa. Thậm chí có những bài báo, để nói về một người mà dòng trên đang là hoàng hậu, dòng dưới đã là nữ hoàng rồi. Cũng như vậy, gần đây không phải một lần tôi đọc và nghe thấy “… cô phóng viên đã trở thành công chúa…” (vì lấy hoàng tử). Con dâu với con đẻ mà không phân biệt!

Một số từ cùng có mặt trong vài thứ tiếng nhưng trong mỗi thứ tiếng lại có những nghĩa riêng chứ không hoàn toàn như nhau. Các dịch giả không để ý điều này đã dẫn đến những cái sai đáng tiếc. Thí dụ trong tiếng Nga chữ universitet có nghĩa là trường đại học tổng hợp (ÐHTH). Ở Liên Xô cũng như ở ta trước đây trường ÐHTH chỉ có các bộ môn khoa học. Còn chữ university trong tiếng Anh lại có nghĩa là trường đại học nói chung, vì ở Anh, Mỹ… không phân chia như ở Nga. University có thể đào tạo cả kỹ sư, bác sỹ và cán bộ khoa học. Thế mà rất nhiều người vẫn cứ dịch university ra ÐHTH.

Tương tự như vậy, từ tekhnika trong tiếng Nga và từ technics trong tiếng Anh không hoàn toàn đồng nghĩa. Cái nghĩa là tập hợp những kiến thức khoa học áp dụng vào thực tiễn để thiết kế, chế tạo, hoàn thiện các máy móc… của từ tekhnika trong tiếng Nga lại hoàn toàn tương ứng với khái niệm technology trong tiếng Anh. Cho nên người ta chỉ nói science and technology chứ không ai nói science and technics. Khi hai miền nước ta thống nhất, cái mà trong Nam gọi là công nghệ thì ngoài Bắc gọi là kỹ thuật. Dễ hiểu thôi, vì trong Nam dịch từ technology của Anh, Mỹ còn ngoài Bắc lại dịch từ tekhnika của Nga. Ngày nay ta có xu hướng dùng từ công nghệ nhiều hơn là kỹ thuật trong nghĩa này. Bởi vậy ta mới có Bộ Khoa học và Công nghệ.

Có một Nhà xuất bản tên là NXB Khoa học và Kỹ thuật. Tên này tôi không dám chê lỗi thời, mặc dù nó là của Bộ Khoa học và Công nghệ. Ðiều tôi muốn mạo muội góp ý là cái tên tiếng Anh để giao dịch của nó là Science and Technics Publishing House. Cái tên Anh này tôi nhìn thấy đã trên 30 năm và ngay từ lần thấy đầu tiên tôi đã ái ngại cho nó.

Trong tiếng Việt ta, ai cũng biết thành phần là một từ Hán-Việt có nghĩa là một phần để hợp thành một cái gì đó; là một bộ phận, một phần tử để cấu tạo nên một tổng thể nào đó. Thí dụ “protein là một thành phần dinh dưỡng của đậu nành”.

Còn từ sostav trong tiếng Nga thì có nghĩa ngược lại là tổng thể của các thành phần. Ðiều này có thể thấy trong bất kỳ quyển từ điển tiếng Nga (Nga-Nga) nào. Thế mà không hiểu sao các từ điển Nga-Việt đều ghi sostav là thành phần. Và hậu quả là không biết bao nhiêu lần tôi đọc hoặc nghe những câu đại loại “Ucraina là một nước cộng hoà nằm trong thành phần của Liên Xô”. Khác nào nói: “Khi tôi còn nằm trong bụng của đứa con của mẹ tôi”.

Dẫn chứng còn nhiều lắm nhưng để gói gọn vấn đề lại, tôi xin đưa hai câu chuyện do một ông đồng nghiệp khả kính góp vui.

Trong Từ điển kỹ thuật tổng hợp Anh-Việt và Nga-Việt chữ metallography dịch là kim tương học. Thực ra là kim tướng học. Tướng là cái mặt như trong chữ chân tướng. Ðây là khoa học nghiên cứu kim loại thông qua cấu trúc của nó nhìn thấy qua kính hiển vi. Hậu quả là tất cả sách vở tài liệu về kim loại học gọi đây là kim tương học và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có một bộ môn có tên là kim tương học. Biết bao thế hệ kỹ sư, tiến sĩ, cán bộ giảng dạy, nghiên cứu đều gọi là kim tương học!

Hà Nội ta có một đường phố nhỏ gọi là phố Lê Ðại Hành. Hoá ra chẳng có ông vua nào lấy hiệu Ðại Hành cả, mà ông vua nào cũng được người ta gọi là đại hành, khi ông ấy chết rồi mà chưa chôn. Ðại hành tức là đang thực hiện chuyến đi lớn, nói rõ hơn là đang đi sang thế giới bên kia! Một nhà sử học nào đó dịch bài văn điếu, trong đó gọi ông Lê Hoàn là Lê Ðại Hành, nên những nhà sử học khác cứ đinh ninh cho rằng đây là đế hiệu của ông ta!

Hai câu chuyện trên cho thấy nếu ta để ý và chịu khó tra cứu thì sẽ phát hiện mà loại bỏ được nhiều cái nhiêu khê. Câu chuyện thứ nhất tôi đã đi xác minh, là hoàn toàn có thật. Còn câu chuyện thứ hai, có lẽ xin nhường cho các nhà sử học.

Biên tập sách dịch đã trên ba mươi năm, tôi có may mắn được quan sát sự nẩy sinh của nhiều từ, ngữ trong khu vườn tiếng mẹ đẻ, phát hiện đôi điều thú vị để hôm nay tâm sự cùng bạn đọc. Những cái sai tôi phát hiện trên đây đã đi vào tiếng Việt, không biết có ai nghi ngờ không mà chưa thấy ai nói đến. Một số từ sai này đã cắm rễ sâu rồi, nhổ ra chắc không dễ. Chúng làm ngôn từ bớt chính xác, lệch lạc khái niệm, giảm tính lôgic, tính khoa học và tính thẩm mỹ của tiếng Việt.

Xin thử nghĩ mà xem, con rồngcon chằn tinh cũng như nhau, thời đó với thời bây giờ cũng chỉ là một, thành phần với tổng thể cũng thế thôi, nữ hoàng chính là hoàng hậu, gọi thái phicông chúa thì đã sao, giấc mơ khác gì ước mơ, đợi đấy cứ hiểu là liệu hồn, tướng biến thành tương… Rõ ràng là những từ dùng sai này xoá nhoà các khái niệm rành mạch đã định hình từ trước đây. Theo tôi hiểu thì một ngôn ngữ có tính khoa học cao sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng trong mọi lĩnh vực cũng như có tác dụng hình thành tư duy lô gích cho thế hệ trẻ. Và điều cuối cùng này rất quan trọng đối với việc tạo lập dần năng lực sáng tạo trong tương lai của các em.

Ngôn ngữ luôn luôn vận động, phát triển. Bao giờ cũng có xu hướng một số từ bị đào thải, một số từ mới mọc ra… Gặp từ mới mà ta không thận trọng lựa chọn, không kiểm soát chặt chẽ thì mảnh vườn ngôn ngữ được nhiều thế hệ đi trước vun đắp, chăm chút sẽ mọc lên những loài cỏ dại, dây gai, nấm độc chèn ép che khuất những hoa thơm lá đẹp mà sau này mất nhiều thời gian mới phục hồi lại được.

Nhiều người nghĩ dịch là việc dễ ợt, chỉ cần học qua chương trình ngoại ngữ cơ bản là dịch được sách báo. Số khác lại nói dịch là cực kỳ khó. Theo tôi cả hai đều chưa đúng. Nhưng gộp cả hai ý kiến vào thì lại đúng: Có câu khó câu không, có bài khó bài không, có quyển rất khó dịch, có quyển rất dễ dịch. Một người khoe đã dịch 10 quyển sách thì điều đó cũng chẳng nói lên điều gì. Vấn đề là anh ta đã dịch gì và dịch như thế nào.

Do đó điều quan trọng nhất đối với người dịch và biên tập là chọn tài liệu dịch phù hợp về năng lực và sở trường. Còn trách nhiệm về dịch sai đương nhiên là biên tập gánh. Cũng như mất trộm thì tội ở bảo vệ vì kẻ trộm đã cao chạy xa bay từ khuya.

Chắc quý vị còn nhớ Công chúa hạt đậu, nhân vật của Andersen, nằm trên hai mươi tấm đệm mà trằn trọc không ngủ được chỉ vì có một hạt đậu chèn phía dưới cùng! Trong khi đó các nhà yoga Ấn Ðộ lại nằm ngủ ngon lành trên bàn chông. Những người này quả thật sung sướng. Tuy nhiên nghề dịch và nghề biên tập lại rất cần các công chúa hạt đậu. Tiếc thay, công chúa hạt đậu thì hơi ít, còn thuật sỹ yoga lại hơi nhiều.

Thực ra ai cũng có lúc dịch sai, do nhiều nguyên nhân. Lắm khi chỉ là do nhìn nhầm, hiểu nhầm, vào thời điểm mệt mỏi chẳng hạn. Nhưng dịch sai nhiều thì phải phê phán, phê phán quyết liệt. Nhiều người vì không hiểu thực tế này nên nảy sinh hai khuynh hướng. Một là quá tin tưởng người dịch nên cứ thản nhiên tiếp thu và truyền bá cái sai. Hai là, ngược lại, có người phát hiện được một hai lỗi sai ở đâu đó đã làm ồn ỹ lên, cứ như là tất cả các bản dịch khác đều tuyệt hảo hết ấy! Vậy sai với tỷ lệ nào thì phải phán quyết? Ðó chính là điều mà những người biên tập phải bàn.

Bên cạnh những tác hại hiển nhiên ai cũng biết, dịch sai còn là một trong những cách tàn phá tiếng Việt. Mong rằng những người làm công tác dịch thuật và biên tập hãy cẩn trọng hơn với bản dịch trước khi đưa đến với công chúng.

Bùi Việt Bắc

Bản rút gọn của bài viết này đã đăng trên báo Văn Nghệ số 1+2 năm 2005, bản đăng trên talawas là toàn văn bài viết.

Nguồn: talawas.org

14/1/15

Cấu trúc cú pháp của câu tiếng Việt: Chủ - Vị hay Đề - Thuyết?

Nhân bài Phong ba bão táp .. tìm hiểu thêm tí về Cú pháp tiếng Việt cho vui

Trong Việt ngữ học hiện đang tồn tại hai quan niệm bất đồng về việc phân tích cấu trúc cú pháp của cú và câu tiếng Việt:  phân tích theo quan hệ chủ - vị hay phân tích theo quan hệ đề - thuyết.  Sự bất đồng này kéo theo những hệ lụy nhất định, gây khó khăn cho việc việc dạy và học tiếng Việt như một bản ngữ và như một ngoại ngữ. Vì vậy, dù muốn hay không, giới Việt ngữ học cũng phải tiếp tục tìm cách giải quyết bất đồng này nhằm tìm ra được một cách tiếp cận thỏa đáng đối với việc phân tích cấu trúc cú pháp tiếng Việt để ứng dụng vào thực tiễn dạy và học tiếng Việt. Bài viết này là một cố gắng đi theo hướng đó. Nội dung của bài viết gồm 2 phần: Phần một trình bày tổng quan các quan niệm khác nhau về phân tích cấu trúc cú pháp của cú và câu tiếng Việt và những bất cập của các quan niệm này đối với việc phân tích cú pháp tiếng Việt.  Phần hai đề xuất một cách tiếp cận mới về vấn đề hữu quan, trong đó xác nhận vai trò của cấu trúc chủ - vị với tư cách là cấu trúc cú pháp của cú nhằm mã hóa nghĩa biểu hiện của nó  và vai trò của cấu trúc đề - thuyết với tư cách là cấu trúc cú pháp của câu nhằm tổ chức và truyền đạt một thông điệp.

1. Các hướng phân tích cấu trúc cú pháp của cú/câu tiếng Việt

1.1 Hướng phân tích theo quan hệ chủ -vị

            Đây là hướng phân tích cấu trúc cú pháp câu tiếng Việt phổ biến ở Việt Nam, hiện vẫn được sử dụng trong ngữ pháp nhà trường. Hướng phân tích này chịu ảnh hưởng cách tích phân tích cấu trúc câu theo quan hệ chủ - vị của ngữ pháp truyền thống châu Âu, đặc biệt là ngữ pháp tiếng Pháp. Trong các công trình nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt đầu tiên đi theo hướng này (Trần Trọng Kim 1936, Phan Khôi 1948, Bùi Đức Tịnh 1952), cấu trúc cú pháp của câu thường được mô tả qua khái niệm mệnh đề với nòng cốt là cấu trúc chủ - vị.  Theo Trần Trọng Kim (1936) thì: “phép đặt câu là phép đặt các tiếng thành mệnh đề và đặt các mệnh đề để lập thành câu” và “câu lập thành do một mệnh đề có nghĩa lọn hẳn, hoặc do hai hay nhiều mệnh đề”. Mệnh đề bao gồm hai thành phần chính là chủ từ (tiếng đứng làm chủ) và động từ hay tính từ (chỉ cái dụng hay cái thể của chủ từ); ngoài ra còn có túc từ phụ thêm cho chủ từ, động từ, tính từ (tr. 21-29). Để mô tả cấu trúc cú pháp của câu đơn, Phan Khôi (1948) đã xác định một danh sách thành phần câu đầy đủ hơn (gồm 6 thành phần: chủ ngữ, vị ngữ, tân ngữ, bổ túc ngữ, hình dung phụ gia ngữ phó từ phụ gia ngữ) trong đó chủ ngữ và vị ngữ được coi là hai thành phần chủ yếu của câu: chủ ngữ “nói về cái gì, ấy tức là “chủ thể” trong câu”, còn “vị ngữ thì” thuật thuyết “cái thế nào” về chủ ngữ ấy”. (tr.196-197). Điều đáng lưu ý là Phan Khôi đã thay thế các thuật ngữ chủ từ/động từ bằng các thuật ngữ chủ ngữ/vị ngữ, phản ánh đúng hơn bản chất ngữ pháp (chức năng chứ không phải từ loại) và tính cấp độ (ngữ chứ không phải là từ) của các thành phần câu hữu quan.  Bùi Đức Tịnh (1952) cũng cho rằng câu có một mệnh đề (tức câu đơn -NHC) gồm có hai phần: 1. Chủ ngữ: chỉ người hay vật được nói đến, 2. Tuyên ngữ: những gì để nói về người hay vật ấy” (tr.409).

           Quan điểm cho rằng cấu trúc cú pháp của câu (đơn) tương ứng với cấu trúc chủ - vị của mệnh đề ngữ pháp (cú) được các nhà Việt ngữ học kế thừa và phát triển theo những hướng khác nhau. Hầu hết các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục hướng lưỡng phân cấu trúc cú pháp của mệnh đề/câu đơn theo quan hệ chủ - vị và dùng các thuật ngữ cụm từ chủ - vị (Nguyễn Kim Thản 1964), kết cấu chủ - vị (Hoàng Trọng Phiến 1980), cụm chủ - vị (Diệp Quang Ban 1984) hay câu chủ - vị (Lê Xuân Thại 1994) để chỉ kiểu cấu trúc này. Tuy nhiên, một số tác giả khác lại cho rằng cấu trúc cú pháp của câu không phải là một kết cấu chủ - vị  mà là một kết cấu tiêu điểm (focal construction) có vị ngữ làm trung tâm và các bổ ngữ tiêu điểm (focal complement), trong đó chủ ngữ cũng chỉ là một loại bổ ngữ (L.C Thompson 1965), hoặc là một cấu trúc nòng cốt tối giản gồm vị ngữ cùng các tham tố của nó là chủ ngữ và bổ ngữ bắt buộc (Nguyễn Minh Thuyết & Nguyễn Văn Hiệp 1998).

            Mặc dù thống nhất dùng chủ ngữ và vị ngữ là hai thành phần chính của câu đơn/mệnh đề nhưng các tác giả theo hướng phân tích này chưa thống nhất với nhau về chức năng của chủ ngữ và vị ngữ. Một số tác giả cho rằng cấu trúc-chủ vị biểu hiện một sự tình, trong đó chủ ngữ thường biểu thị chủ thể của hành động (quá trình hay trạng thái) còn vị ngữ biểu thị hành động (quá trình, trạng thái của chủ thể). Chẳng hạn, theo Trần Trọng Kim (1936), “chủ từ” (chủ ngữ) biểu thị “cái thể của chủ từ” (tức chủ thể), còn tính từ và động từ thì chỉ “cái thể” (tính chất, trạng thái) và “cái dụng” (hành động, quá trình) của chủ từ (tr.21-29). Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê (1964) quan niệm câu đơn cú là câu diễn tả một sự tình, trong đó chủ từ biểu thị các chủ thể hay là “chủ sự” của sự tình.  Tương tự,  Diệp Quang Ban (1984) coi chủ ngữ là thành phần chính “chỉ ra cái đối tượng mà câu nói đề cập đến và hàm chứa hoặc có thể chấp nhận cái đặc trưng (hành động, trạng thái, tính chất,v.v…) sẽ được nói ở vị ngữ” (tr.119), còn vị ngữ là thành phần chính “nói lên cái đặc trưng vốn có ở vật hoặc có thể áp đặt hợp lý cho vật nói ở chủ ngữ” (tr. 142). Nói tóm lại, theo cách tiếp cận này cấu trúc chủ -vị có chủ ngữ (ngữ pháp) trùng với chủ thể lôgich (của sự tình).

            Theo một số tác giả khác thì cấu trúc chủ - vị không chỉ có chức năng biểu hiện sự tình mà còn có chức năng truyền tải một thông điệp (hay biểu hiện một phán đoán, nói theo cách nói của lôgich học), thậm chí chức năng chủ yếu của nó là truyền tải thông điệp. Khi nói về câu, Bùi Đức Tịnh (1948) cho rằng câu: 1.  Cho biết người hay vật được nói đến. 2.  Trình bày một việc xảy ra cho người ấy hay vật ấy hoặc một ý kiến của ta về người hay vật ấy. (Tôi nhấn mạnh –NHC). Trên cơ sở đó, tác giả đã định nghĩa chủ ngữ và vị ngữ bằng chức năng của chúng trong việc tổ chức thông điệp chứ không phải bằng chức năng biểu hiện sự tình: 1. Chủ ngữ: chỉ người hay vật được nói tới, 2. Tuyên ngữ: những gì để nói về người hay vật.  Theo cách hiểu này thì kết cấu chủ -vị có chủ ngữ không chỉ trùng với chủ thể lôgich mà cả với chủ thể tâm lý (“cái được nói tới”) của phán đoán. Sau Bùi Đức Tịnh, nhiều tác giả khác cũng nhấn mạnh đến chức năng tổ chức thông điệp của cấu trúc chủ -vị khi cho rằng chủ ngữ biểu hiện “sở đề” hay “cái nói đến” còn vị ngữ biểu thị “sở thuyết” hay “thuyết minh cho chủ ngữ” (Nguyễn Kim Thản 1964, Lê Xuân Thại 1994). Với cách nhìn này, hướng phân tích theo cấu trúc chủ -vị tiến gần đến hướng phân tích câu theo cấu trúc đề- thuyết. Tuy nhiên ngay cả khi thay đổi cách nhìn về chức năng của cấu trúc chủ -vị, mở rộng hơn ngoại diên của chủ ngữ và bổ sung thêm các chức năng khác như chủ đề, hay khởi ngữ…cách phân tích câu theo quan hệ chủ vị cũng chỉ bao quát được một phạm vi rất hạn hẹp các kiểu câu của tiếng Việt mà theo đánh giá của một số tác giả là khoảng 25% , thậm chí chỉ khoảng 15% (Tiểu ban tiếng Việt nhà trường, Hội Ngôn ngữ học TpHCM, 2004).

1.2. Hướng phân tích theo quan hệ đề - thuyết

       Hướng phân tích câu theo cấu trúc đề-thuyết xuất hiện trong Việt ngữ học trước hết do sự bất cập của hướng phân tích theo cấu trúc chủ -vị. Khi chuyển từ việc coi kết cấu chủ ngữ - vị ngữ có chức năng biểu thị sự tình sang chức năng truyền tải thông điệp (biểu thị một phán đoán hay nhận định), nhiều người nhà nghiên cứu theo quan điểm chủ -vị đã thấy rằng bên cạnh các kết cấu chủ -vị có chủ ngữ  trùng với chủ thể tâm lí (ví dụ: “Giáp biết chuyện ấy”.  “Họ giỏi lắm”) cũng có những trường hợp, chủ ngữ  không trùng với chủ thể tâm lý, ví dụ: “Cái gì Giáp cũng biết”, “Bộ đội họ giỏi lắm”, “Miệng ông ông nói,  đình làng ông ngồi…. Để phân biệt các chủ thể tâm lí không trùng với chủ ngữ (chủ thể ngữ pháp), các nhà nghiên cứu đã đề xuất thêm một thành phần câu mới là “chủ đề” (Trương Văn Chình- Nguyễn Hiến Lê 1964: 536), “khởi ngữ” (Nguyễn Kim Thản 1964), “đề ngữ” (Diệp Quang Ban 1984).  Như vậy, thực chất việc đưa thêm các khái niệm “chủ đề”, “đề ngữ” hay “khởi ngữ”…chỉ là một giải pháp tình thế nhằm khắc phục sự chênh nhau giữa chủ ngữ (ngữ pháp) và chủ thể tâm lí, và điều đó cũng cho thấy sự hạn chế của kết cấu chủ -vị nói chung và khái niệm chủ ngữ nói riêng.
        Để tránh những bất cập này của cách tiếp cận chủ -vị, với quan niệm coi câu là “một ngữ đoạn kết thúc, mang một thông báo hoàn chỉnh”, Lưu Vân Lăng (1970, 1986) đã đề xuất cách phân tích câu theo cấu trúc đề - thuyết thay cho cấu trúc chủ -vị, trong đó khái niệm đề được mở rộng, bao gồm không chỉ các chủ ngữ ngữ pháp điển mẫu (trùng với chủ thể lôgic và chủ thể tâm lí) mà cả một số trường hợp được các tác giả khác coi là khởi ngữ hay đề ngữ (Cái gì, anh giáp cũng biết) thậm chí là trạng ngữ (Xã bên, lúa tốt). Cấu trúc đề - thuyết được Lưu Vân Lăng phân biệt với cấu trúc thông tin cũ –mới của Lí thuyết phân đoạn thực tại và được áp dụng không chỉ cho câu mà cho cả cú. (Lưu Vân Lăng 1970/1998: 17). Chúng tôi sẽ quay trở lại vấn đề này ở phần sau khi đề cập đến mối quan hệ giữa cấu trúc chủ vị và cấu trúc đề- thuyết.
        Các tác giả cuốn Ngữ pháp tiếng Việt (UBKHXH 1983) cũng cho rằng nòng cốt cú pháp của câu đơn được xây dựng trên quan hệ đề- thuyết, bởi vì:
        - Xét về quá trình tư duy, quan hệ đề thuyết …biểu thị một phán đoán, một sự phản ánh tương đối của thực tại nhất định vào nhận thức. Phán đoán gồm 2 yếu tố là sự vật, hiện tượng hay chủ đề và điều thấy được, biết được nhận thức về chủ đề.
        -  Xét về quá trình thông báo, quan hệ đề -thuyết…biểu thị một thông báo trong một hoàn cảnh giao tiếp nhất định. Thông báo cũng bao gồm hai yếu tố: yếu tố thứ nhất chỉ ra người nói “nói về gì” và yếu tố thứ hai chỉ ra người nói “nói gì”. (UBKHXH Việt Nam 1983/2002:209)
           Tuy nhiên khi áp dụng vào thực tế phân tích câu thì các tác giả lại không đưa những trường hợp Lưu Vân Lăng cho là đề ngữ vào phần đề mà coi nó là thành phần tình huống (ví dụ, Xã bên, lúa tốt. - tr 239), hoặc thành phần khởi ý (ví dụ, Quyển sách này, tôi chỉ thấy bán ở đây. -  tr.243).  Vì vậy, cấu trúc đề - thuyết ở Ngữ pháp tiếng Việt của UBKHXH Việt Nam không khác nhiều lắm với cấu trúc chủ -vị  theo quan niệm của nhiều tác giả.
         Cao Xuân Hạo là người đầu tiên áp dụng một cách triệt để quan hệ đề - thuyết vào việc phân tích cấu trúc cú pháp câu tiếng Việt. Trong công trình “Tiếng Việt – Sơ thảo Ngữ pháp chức năng” (1991) Cao Xuân Hạo cho rằng cần phải thay cách phân tích câu tiếng Việt theo quan hệ chủ vị mà theo tác giả là đã được bê nguyên xi từ tiếng Pháp vào tiếng Việt do tư tưởng “dĩ Âu vi trung” bằng cách phân tích theo quan hệ đề- thuyết cho phù hợp với đặc điểm loại hình của tiếng Việt là một ngôn ngữ thiên chủ đề.  Theo đó, câu với tư cách là đơn vị “thông báo một mệnh đề” hay “phản ánh một nhận định” được cấu trúc hóa thành hai phần đề và thuyết, trong đó “đề là điểm xuất phát, là cái cơ sở, cái điểm tựa làm bàn đạp cho đà triển khai của câu” ở phần thuyết (Cao Xuân Hạo 1991/2004: 50-51). Với cách hiểu này, trong  cấu trúc đề - thuyết của Cao Xuân Hạo, phần đề không chỉ bao gồm các chủ ngữ điển mẫu (Tôi xem phim này rồi),  chủ đề hay khởi ngữ (ví dụ,  Tôi tên là Nam, Phim này tôi xem rồi) mà cả những trường hợp các tác giả khác coi là trạng ngữ (Mai, mẹ về. Ở đây mọi người đều làm việc), tình thái ngữ  (Theo tôi, Nam thế nào cũng trúng cử), thành phần câu ghép (Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy) hoặc bị gạt sang một bên như những trường hợp ngoại lệ (Chó treo, mèo đậy. Cần tái, cải nhừ) vv. Cách phân tích theo quan hệ đề - thuyết như vậy được Cao Xuân Hạo không chỉ áp dụng cho câu mà cả ngữ đoạn dưới câu là tiểu cú. Mặc dù còn nhiều tranh cãi nhưng không thể không thừa nhận rằng cách phân tích cấu trúc câu theo quan hệ chủ -vị của Cao Xuân Hạo đã giải quyết được hàng loạt các trường hợp bế tắc nếu phân tích theo quan hệ chủ vị (theo đánh giá của những người ủng hộ quan niệm này thì các câu kiểu này có thể lên tới 86%)  và mở ra khả năng ứng dụng vào việc dạy viết và chữa lỗi câu tiếng Việt cho người Việt và người nước ngoài theo một cách tiếp cận mới.
              Tuy nhiên, chấp nhận cách phân tích cú/câu tiếng Việt theo cấu trúc đề -thuyết nhưng lại loại bỏ hoàn toàn cấu trúc chủ -vị và các chức năng cú pháp truyền thống như chủ ngữ, vị ngữ, bổ ngữ…ra khỏi hệ thống ngữ pháp tiếng Việt chưa hẳn là một giải pháp thỏa đáng, đặc biệt khi xem xét vấn đề dưới góc độ loại hình và phổ niệm ngôn ngữ.  Bởi vì, thứ nhất, giải pháp này vạch ra một ranh giới quá rạch ròi, thậm chí gần như đối lập giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ được coi là chỉ có chủ đề mà không có chủ ngữ với các ngôn ngữ chỉ có chủ ngữ mà không có chủ đề, một sự đối lập mà ngay cả các tác giả đề xuất phân biệt các loại hình “thiên chủ ngữ” và “thiên chủ đề” cũng chưa nói tới. Thứ hai, nếu xem xét cấu trúc chủ -vị dưới góc độ lí thuyết điển mẫu, chúng ta có thể thấy rằng có hàng loạt các câu tiếng Việt tương ứng với câu có cấu trúc chủ -vị trong các ngôn ngữ khác, mặc dù giữa chúng có thể khác nhau về hình thức đánh dấu hay trật tự từ, và đó chính là cơ sở cho các nghiên cứu về loại hình học hình thái cách (phân biệt các ngôn ngữ đối cách với các ngôn ngữ khiển cách, tuyệt cách, tam phân hay trung hòa) hay loại hình trật tự từ (phân biệt các ngôn ngữ SVO, SOV, VOS, v.v) mà tiếng Việt không phải là một ngoại lệ về mặt loại hình. Thứ ba, nếu đối lập một cách triệt để cách phân tích cú pháp câu tiếng Việt với câu của các ngôn ngữ khác sẽ tạo ra những khó khăn nhất định về mặt ứng dụng, đặc biệt là trong việc dạy và học ngoại ngữ cũng như dạy và học tiếng Việt như một ngoại ngữ.
              Chính vì vậy chúng tôi cho rằng cần phải tìm một giải pháp mô tả cấu trúc cú pháp của cú và câu tiếng Việt trong đó có sự kế thừa cả hai hướng phân tích theo quan hệ chủ -vị và phân tích theo quan hệ đề - thuyết. Do khuôn khổ bài viết có hạn, duới đây chúng tôi chỉ trình bày những suy nghĩ bước đầu của giải pháp này.

2. Thử tìm một giải pháp cho việc phân tích cấu trúc cú pháp của cú/câu tiếng Việt

2.1 Cơ sở của giải pháp

              Thực ra các giải pháp kết hợp cả hai hướng tiếp cận chủ - vị và đề - thuyết để phân tích cấu trúc cú pháp của cú và câu tiếng Việt cũng đã được một số nhà ngôn ngữ học đề cập đến.  Trần Ngọc Thêm (1985), chẳng hạn, đã đưa ra giải pháp phân tích cấu trúc câu theo quan hệ đề - thuyết trong đó cấu trúc chủ - vị  đóng vai trò như các cấu trúc nòng cốt bộ phận của cấu trúc đề - thuyết. Tác giả đã xác định 4 kiểu cấu trúc đề - thuyết nòng cốt là: nòng cốt đặc trưng (C→V đ), nòng cốt quan hệ (C→Vq − B),  nòng cốt tồn tại (Tr →Vt − B), và  nòng cốt qua lại (xV → y V’), trong đó có 2 nòng cốt chủ vị hoàn chỉnh (nòng cốt đặc trưng và nòng cốt quan hệ) và một nòng cốt chủ vị không có chủ ngữ (nòng cốt tồn tại). Tuy nhiên, giải pháp này chỉ khác với cách phân tích theo quan điểm chủ -vị chỉ ở chỗ cấu trúc qua lại được coi như là câu đơn có một nòng cốt đề-thuyết chứ không phải là một câu ghép với hai nòng cốt chủ vị theo quan điểm truyền thống. Vì vậy, trên thực tế, giải pháp này chưa tiến xa hơn cách tiếp cận chủ - vị được bao nhiêu, đặc biệt là với những kiểu câu không phân tích được theo quan hệ chủ vị mà Cao Xuân Hạo và các cộng sự đã chỉ ra.
              Một cố gắng khác nhằm kết hợp hai cách phân tích chủ -vị và đề -thuyết được trình bày trong công trình “Ngữ pháp tiếng Việt” mới xuất bản gần đây của Diệp Quang Ban (2005). Trong công trình này, Diệp Quang Ban đã áp dụng mô hình ngữ pháp chức năng của M.A.K Halliday vào ngữ liệu tiếng Việt, theo đó cấu trúc câu tiếng Việt được phân tích thành 4 kiểu cấu trúc gồm 3 kiểu cấu trúc thực hiện chức năng (cấu trúc nghĩa biểu hiện với vị tố và các tham thể; cấu trúc thức với  biểu thức thức và phần dư, và cấu trúc đề - thuyết với hai thành tố đề và thuyết) và cấu trúc cú pháp (gồm chủ ngữ, vị tố và các loại bổ ngữ, đề ngữ và gia ngữ);  Ứng với các kiểu cấu trúc cú pháp, cầu trúc nghĩa biểu hiện và cấu trúc đề thuyết, theo cách nhìn của Halliday, tác giả phân biệt ba kiểu chủ thể có mặt trong câu: chủ thể ngữ pháp (chủ ngữ), chủ thể lôgich và chủ thế tâm lí (Diệp Quang Ban 2005: 50-51). Chúng tôi cho rằng việc phân biệt các bình diện phân tích cấu trúc theo cách  của Halliday là hoàn toàn cần thiết để tìm hiểu tính đa diện của cấu trúc câu, tuy nhiên sử dụng theo lối lồng ghép cả ba bình diện diện với 4 kiểu cấu trúc để phân tích cấu trúc câu tiếng Việt như Diệp Quang Ban đã tiến hành chỉ làm cho việc phân tích câu thêm rắc rối. Mặt khác như sẽ chỉ ra dưới đây, chức năng chủ yếu của câu không phải là biểu hiện sự tình mà là thông báo, vì vậy tiến hành phân tích cấu trúc nghĩa biểu hiện (với vị tố và các tham thể) và hình thức bề mặt tương ứng của nó cấu trúc cú pháp (gồm vị tố và các chức năng cú pháp) ở cấp độ câu chưa hẳn là một giải pháp đúng đắn.
            Vậy, có thể lựa chọn một giải pháp như thế nào cho việc phân tích cấu trúc cú và câu tiếng Việt dựa trên sự kết hợp hai cách tiếp cận chủ - vị  và đề - thuyết.  Từ các cách tiếp cận trên đây, chúng tôi thấy rằng trong việc phân tích cấu trúc cú pháp của câu tiếng Việt đã có một số sự nhầm lẫn  hoặc mơ hồ mà nếu không làm sáng tỏ thì khó có thể có  được một giải pháp phân tích cấu trúc câu hợp lí.  Trước hết đó là sự nhầm lẫn trong việc xác định chức năng và cấu trúc cú pháp của hai đơn vị ngữ pháp hữu quan là câu và cú (mệnh đề ngữ pháp).  Cho đến nay, hầu như tất cả các nhà nghiên cứu, dù theo quan điểm chủ -vị hay đề thuyết, đều cho rằng cú và câu có chức năng và cấu trúc cú pháp giống nhau, sự khác biệt chỉ nằm ở chỗ câu thì hoàn toàn độc lập (là một cú độc lập hoặc do nhiều cú kết hợp lại với nhau), còn cú có thể độc lập (câu đơn) hoặc không độc lập (bộ phận của câu ghép). Vì vậy, thậm chí nhiều tác giả  cho rằng việc phân biệt cú và câu là không cần thiết, nên đã thay thế cú bằng thuật ngữ “nòng cốt” để phân biệt câu đơn (câu có một nòng cốt) và câu ghép (câu có hai nòng cốt) (UBKHXH 1983, Trần Ngọc Thêm 1985, Nguyễn Minh Thuyết  Nguyễn Văn Hiệp 1998), hoặc đồng nhất cú với câu (Diệp Quang Ban 2005). Có lẽ chỉ có Lưu Vân Lăng và Cao Xuân Hạo  chú ý đến sự khác biệt giữa cú và câu. Theo Lưu Vân Lăng câu và cú giống nhau ở chỗ đều là những ngữ đoạn thuyết ngữ tính (phân biệt với ngữ không có thuyết ngữ tính) có cấu trúc đề - thuyết nhưng khác nhau về chức năng: cú là một “ngữ đoạn chưa kết thúc”, mới  “ít nhiều có chức năng thông báo”, còn câu là một “ngữ đoạn kết thúc, mang một nội dung thông báo hoàn chỉnh” (Lưu Vân Lăng 1975/1998: 16-18). Cao Xuân Hạo cũng cho rằng cú có cấu trúc đề - thuyết như câu nhưng khác câu “ ở chỗ nó không phản ánh một hành động nhận định, được thực hiện ngay khi phát ngôn để đưa ra một mệnh đề, mà biểu thị một cái gì được coi như có sẵn…” (Cao Xuân Hạo 1991/2004: 42).  Như vậy, cả Lưu Vân Lăng và Cao Xuân Hạo đều có chú ý đến sự khác biệt về chức năng của cú và câu nhưng lại không phân biệt chúng về mặt cấu trúc khi cho rằng cả hai đơn vị đều có cấu trúc đề- thuyết.
           Xuất phát từ quan điểm cho rằng các đơn vị ngôn ngữ khác nhau ở chức năng, và cấu trúc của một đơn vị bao giờ cũng được xây dựng để thực hiện chức năng của nó, chúng tôi thấy rằng để phân tích cấu trúc cú pháp của câu và cú, cần xét xem chúng giống nhau hay khác nhau về mặt chức năng.  Hiện nay, các nhà Việt ngữ học có nhiều cách hiểu khác nhau về chức năng của câu. Một số cho rằng câu có chức năng chủ yếu là biểu hiện sự tình (Trần Trọng Kim 1936, Trương Văn Chình- Nguyễn Hiến Lê 1964), một số khác cho rằng chức năng chủ yếu của câu là biểu hiện một tư tưởng trọn vẹn, một phán đoán hay một thông báo  (Nguyễn Kim Thản 1964, Diệp Quang Ban 1980/1987, UBKHXH 1983, Lê Xuân Thại 1994). Gần đây, dưới ảnh hưởng của cách tiếp cận chức năng, nhiều nhà nghiên cứu nói đến tính đa chức năng, đa bình diện của câu, theo đó câu có cả chức năng biểu hiện và chức năng thông báo (liên nhân hay trao đổi). Về chức năng của cú, ngoài các ý kiến của Lưu Vân Lăng và Cao Xuân Hạo đã đề cập ở trên, các nhà nghiên cứu khác có đề cập đến khái niệm này đều mặc nhiên coi nó giống với câu.
            Chúng tôi cho rằng với tư cách là 2 đơn vị ngữ pháp cú và câu có chức năng khác nhau về cơ bản.  Câu là đơn vị ngôn ngữ được người nói tạo lập trong các hoàn cảnh giao tiếp, vì vậy chức năng quan trọng nhất của câu là chức năng truyền đạt một thông báo chứ không phải là chức năng biểu hiện phán đoán hay biểu hiện sự tình. Khi người ta nói một câu là người ta đưa ra một thông báo (thông điệp): thông báo đó có thể là một phán đoán hay nhận định (trong câu tường thuật: Trời mưa/Trời không mưa), một câu hỏi (trong câu nghi vấn: Trời có mưa không?), một lời cầu khiến (trong câu cầu khiến: Trời mưa đi!) hay cảm thán (trong câu cảm thán: Trời mưa to quá!), v.v.  Cần phải phân biệt chức năng thông báo của câu nói chung với chức năng biểu hiện mệnh đề lôgich (phán đoán hay nhận định) của câu tường thuật. Chúng ta biết rằng, tiêu chí để phân biệt một câu có biểu hiện mệnh đề hay không là dựa vào giá trị chân ngụy. Theo đó, chỉ có câu tường thuật phi ngôn hành mới có chức năng biểu hiện mệnh đề, còn các kiểu câu khác (câu tường thuật ngôn hành, câu hỏi, câu cầu khiến, câu cảm thán) chỉ có chức năng thông báo mà không có chức năng biểu hiện mệnh đề (mặc dù ý nghĩa của chúng có liên quan đến nội dung mệnh đề). Vì vậy, nói câu có chức năng biểu hiện thông báo là đúng và như vậy là bao hàm cả chức năng biểu hiện mệnh đề của câu tường thuật, còn nói câu có chức năng biểu hiện mệnh đề là không ổn vì trên thực tế đó chỉ là chức năng thông báo riêng của một kiểu câu (câu tường thuật) mà thôi. Vì vậy. khi nói đến ý nghĩa của câu trước hết  phải nói đến ý nghĩa thông báo chứ không phải chỉ là nội dung mệnh đề. Ý nghĩa này luôn gắn với mục đích thông báo của người nói và mối quan hệ giữa người nói và người nghe. Mặt khác, chức năng cơ bản của câu cũng không phải là biểu hiện sự tình. Người nói nói ra một câu ở một tình huống nào đấy không phải để mô tả hay phản ánh về sự tình ấy vào tư duy mà là đưa ra một thông điệp về sự tình ấy cho người nghe (khẳng định, phủ định, hỏi, vv). Chức năng biểu hiện theo chúng tôi là của cú.
            Khác với câu, cú là đơn vị được tạo lập không phải để thông báo mà là để biểu hiện các sự tình, gắn với chức năng biểu hiện của ngôn ngữ. Xét về mặt chức năng, có thể nói cú giống với ngữ hơn là với câu: câu có chức năng thông báo còn cú và ngữ chỉ có chức năng biểu hiện. Điểm khác biệt giữa cú và ngữ chỉ là ở chỗ: cú biểu hiện các sự tình của thế giới ngoại ngôn và cấu trúc hóa nó trong cấu trúc nghĩa biểu hiện với vị tố trung tâm và các tham thể theo cách tri nhận của người bản ngữ, còn ngữ chỉ biểu hiện các phân đoạn của sự tình với tư cách là thành tố (vị tố và các tham thể) của cấu trúc nghĩa biểu hiện. Đó chính là lí do vì sao một số tác giả cho rằng cú không  có được “chức năng thông báo” hay “phản ánh một nhận định đầy đủ như câu” (Lưu Vân Lăng 1975, Cao Xuân Hạo 1991: đã dẫn). Với tư cách là đơn vị cú pháp có chức năng biểu hiện sự tình, cấu trúc nghĩa biểu hiện và cấu trúc cú pháp của cú được tổ chức phụ thuộc vào thế giới ngoại ngôn (khách quan) và phương thức tri nhận của một cộng đồng ngôn ngữ (chủ quan) hơn là phụ thuộc vào người nói và mối quan hệ giữa người nói và người nghe. Vì vậy, phân tích ý nghĩa biểu hiện và cấu trúc nghĩa biểu hiện với tư cách là sự phản ánh các sự tình của thế giới ngoại ngôn vào ngôn ngữ qua tư duy của người bản ngữ, nên bắt đầu từ cú chứ không phải từ câu. Thực tế nhiều nhà nghiên cứu coi nghĩa biểu hiện là của câu và phân tích nghĩa biểu hiện ở cấp độ câu, nhưng trong thực tế họ chỉ phân tích nghĩa biểu hiện của các câu tường thuật điển mẫu, tức là các câu có ý nghĩa và hình thức gần với cú nhất, mà bỏ qua việc phân tích cấu trúc nghĩa biểu hiện của các kiểu câu hỏi, cầu khiến hay cảm thán vì ở những kiểu câu này các sự tình được phản ánh rất mờ nhạt, phiến diện, (ở câu hỏi, nhiều tham  thể không được xác định và không được biểu hiện bằng một biểu thức qui chiếu, ví dụ: Ai nói đấy?, Anh làm gì?; ở câu cấu khiến vai chủ thế loại trừ ngôi thứ nhất, ngôi thứ ba hoặc bất động vật) thậm chí là không hề có (ví dụ trong các câu cảm thán: Ái. Ối).  Vì vậy chúng tôi cho rằng ý nghĩa biểu hiện gắn với chức năng biểu hiện là của cú.  Cú chỉ có chức năng thông báo và ý nghĩa thông báo khi được sử dụng như một câu và được tổ chức về mặt cấu trúc như một câu, và khi đó tất nhiên cú đã trở thành câu và vì vậy phải ứng xử với nó như câu.
         Từ sự phân biệt chức năng của cú và câu như vậy chúng tôi đề xuất đề xuất giải pháp phân tích cấu trúc cú pháp của cú và câu tiếng Việt như sẽ trình bày dưới đây.

2.2 Nội dung của giải pháp

2.2.1 Phân tích cấu trúc của cú tiếng Việt

              Xét theo quan điểm cấu trúc-chức năng, với tư cách là đơn vị ngữ pháp có chức năng biểu hiện sự tình, cấu trúc cú pháp của cú phải được xác lập phù hợp với chức năng đó. Vậy cấu trúc cú pháp đó của cú là gì: đề- thuyết hay chủ -vị. Cấu trúc đề -thuyết rõ ràng không phù hợp với chức năng này bởi vì nó được xác lập theo quan điểm thông báo: đề là “cái nói đến” hay là “xuất phát điểm” của câu, còn thuyết là bộ phận “nói về” hay “mang các thông tin” về đề.  Còn cấu trúc chủ -vị thì sao?  Các công trình nghiên cứu về loại hình học và phổ niệm ngôn ngữ cho thấy, việc mã hóa cấu trúc nghĩa biểu hiện của cú về mặt cú pháp ở các ngôn ngữ có những điểm tương đồng và khác biệt.  Điểm tương đồng đã được nhiều nhà nghiên cứu khái quát hóa thành các phổ niệm là: ở tất cả các ngôn ngữ, vị tố thường được mã hóa thành các vị ngữ (với trung tâm là vị từ), các tham thể thường được mã hóa qua các chức năng cú pháp như chủ ngữ, bổ ngữ hay trạng ngữ (được biểu hiện bằng danh ngữ, giới ngữ hay cú). Xét mối quan hệ giữa các chức năng cú pháp là chủ ngữ (CN) và bổ ngữ (BN) với các vai nghĩa của các tham thể, người ta nhận thấy có một xu hướng đồ chiếu (mapping) như sau:

      Tác thể > Đối thể  > Tiếp thể > Lợi thể > Công cụ > Vị trí  > Thời gian
CN    x       >    x        >       x      >       x    >       x      >     x      >      x
BN                    x        >       x      >       x    >       x      >     x      >      x

                                                                                                    (Dik 1981: 109)

           Thang độ trên cho thấy,  các ngôn ngữ có xu hướng mã hóa tác thể bằng chức năng chủ ngữ, và mã hóa đối thể bằng chức năng bổ ngữ.  Nói cách khác cấu trúc chủ - vị có chức năng mã hóa cấu trúc nghĩa biểu hiện chứ không phải là biểu hiện một thông báo như cấu trúc đề-thuyết. Tuy nhiên, có sự khác biệt về phương thức mã hóa cấu trúc biểu hiện bằng cấu trúc chủ -vị ở các ngôn ngữ, biểu hiện ít nhất là ở hai phương diện: liên kết hình thái cú pháp (morphosyntactic alignment) và trật tự từ (word order). Về mặt hình thái-cú pháp, trên cơ sở nghiên cứu hình thức biểu hiện của ba chức năng cú pháp chính là A (chủ ngữ tác thể, ví dụ: Tôi đọc sách), S (chủ ngữ nghiệm thể, ví dụ: Tôi ngã) và O (bổ ngữ đối thể/bị thể, ví dụ: Tôi đọc sách), các nhà loại hình học đã chỉ ra rằng cách thức mã hóa các chức năng cú pháp để biểu thị các vai nghĩa là khác nhau ở các ngôn ngữ, trên cơ sở đó đã phân biệt 6 loại hình liên kết hình thái-cú pháp là: đối cách (A=S≠O), tác cách (A≠S=O), chủ cách ( A=O≠ S), tam phân (A≠S≠O) và trung hòa (A=S=O). Về mặt trật tự từ, những khác biệt về trật tự từ của các thành tố cú pháp trong cấu trúc chủ -vị (S, V, O) là cơ sở để các nhà loại hình học phân loại các loại hình trật tự từ khác nhau như SVO, SOV hay OVS… (Comrie 1989, Song Jung 2001).
              Quay trở lại với cú tiếng Việt, chúng tôi cho rằng cũng như ở các ngôn ngữ khác, cú tiếng Việt có cấu trúc cú pháp là cấu trúc chủ -vị có chức năng mã hóa cấu trúc nghĩa biểu hiện để phản ánh các sự tình ngoại ngôn. Cấu trúc cú pháp nòng cốt của cú có thể được mô tả bằng ba chức năng ngữ pháp cơ bản là  chủ ngữ (CN), vị ngữ (VN) và bổ ngữ (BN), trong đó vị ngữ  là trung tâm, chủ ngữ là thành tố bắt buộc thứ nhất (có ở mọi kiểu cú) và bổ ngữ là thành  tố bắt buộc thứ hai (chỉ có ở một số kiểu cú). Cần lưu ý khái niệm bổ ngữ ở đây được dùng như là thành tố bắt buộc thứ hai của vị ngữ về mặt cú pháp nên nó không ràng buộc với một vai nghĩa nào, mặc dù bổ ngữ điển mẫu thường có vai nghĩa là đối thể/bị thể.  Các cú điển mẫu (không đánh dấu) là các cú có các nòng cốt là cấu trúc chủ vị như sau:
              1.       CN – VN
                  1a. CN – VN (ĐT)              Nó chạy
                  1b. CN – VN (TT)              Trời đẹp
                  1c. CN -  VN (DT)              Nam 20 tuổi

            2.      CN – VN –  BN
                   2a. CN – VN (ĐT) – BN:   Nó đọc sách
                   2b. CN – CN (ĐT) – BN1 – BN2:  Mẹ cho nó tiền
                   2c. CN – VN (là)  - BN:    Nam là sinh viên

            3.  BN – VN – CN
                   3a. BN – VN (ĐT) – CN:   Trong túi có tiền
                   3b. BN – VN (là)  –  CN:   Phía trước là núi

              Các cú điển mẫu này có thể còn tiếp tục được phân chia thành thành nhiều tiểu loại khác nhau dựa trên sự khác biệt về nghĩa biểu hiện và hình thức của các thành tố cú pháp.
            Khi tham gia vào câu, dưới ảnh hưởng của việc tổ chức câu, các cú điển mẫu có thể thay đổi theo nhiều hướng khác nhau như: lược bớt các thành tố (Tôi đọc sách > đọc sách > sách), mở rộng bằng các phụ ngữ  (Hôm qua, tôi đọc sách trong thư viện), thay đổi trật tự các thành tố (Tôi đọc quyển sách này > Quyến sách này tôi đọc rồi), vv. Lúc đó, cú phải được phân tích từ góc độ chức năng và cấu trúc câu.

2.2.2 Phân tích cấu trúc cú pháp của câu tiếng Việt

           Khác với cú, câu là đơn vị có chức năng thông báo, tức là biểu hiện một thông điệp (chứ không phải biểu hiện một phán đoán), do đó cấu trúc cú pháp của câu cũng được xác lập phù hợp với chức năng này. Theo đó, chúng tôi tán thành quan điểm cho rằng cấu trúc cú pháp của câu được tổ chức dựa trên cấu trúc đề - thuyết, trong đó đề là bộ phận biểu thị “cái được nói đến” hay là “xuất phát điểm” của thông điệp (chứ không phải chỉ sở đề của phán đoán/mệnh đề lôgich) và thuyết là bộ phận mang thông tin mà người nói muốn nói về đề (chứ không chỉ là sở thuyết của phán đoán/mệnh đề lôgich). Cách phân tích đề-thuyết như vậy áo dụng cho tất cả các kiểu câu (tường thuật, nghi vấn, cầu khiến, cảm thán) chứ không phải chỉ cho riêng cho câu tường thuật như nhiều nhà nghiên cứu vẫn mặc định. Các vấn đề cụ thể khác như đặc điểm của đề và thuyết, phương tiện đánh dấu quan hệ đề - thuyết, cách thức xác định ranh giới đề- thuyết, các kiểu cấu trúc đề - thuyết của câu tiếng Việt, về cơ bản chúng tôi tán thành các kiến giải của Cao Xuân Hạo trong công trình Tiếng Việt – Sơ thảo ngữ pháp chức năng (1991/2004).những ý kiến khác biệt chúng tôi sẽ trình bày trong một dịp khác.
            Có một câu hỏi đặt ra ở đây là câu có quan hệ như thế nào với cú? Ở trên chúng tôi đã nói rằng cú có chức năng biểu hiện sự tình và có cấu trúc cú pháp tương ứng với chức năng đó là cấu trúc chủ -vị. Đó là chúng ta xem xét cú như một ngữ đoạn tĩnh trong sự độc lập tương đối với câu. Tuy nhiên trong thực tế giao tiếp, khi người nói sử dụng các câu có nội dung thông báo liên quan đến một sự tình nhất định do cú biểu thị (chẳng hạn đưa ra một nhận định hay một câu hỏi về một sự tình), các cú điển mẫu có thể được tổ chức lại theo mục đích phát ngôn của người nói. Chẳng hạn,  một cú điển mẫu CN – VN – BN như ‘Tôi uống cà phê” mô tả một sự tình “Tôi (Tác thể) uống (V tác động), cơm (Bị thể), tùy theo điểm nhìn để lựa chọn điểm xuất phát của người nói, có thể được tổ chức thành các câu có cấu trúc đề thuyết khác nhau “Tôi//uống cà phê rồi”, “Tôi//thì uống cà phê rồi”  hoặc “Cà phê// (thì) tôi uống rồi”, hoặc thêm vào một đề ngữ để biến cả cú thành một thuyết ngữ “Sáng nay//, tôi uống cà phê rồi”.  Như vậy cấu trúc chủ vị và  cấu trúc đề- thuyết  là khác nhau: cấu trúc chủ -vị là của cú gắn với chức năng biểu hiện, còn cấu trúc đề- thuyết  là của câu, gắn với chức năng thông báo. Cũng cần nói thêm rằng ngay cả khi cú chưa được phát triển thành một câu độc lập nhưng đã tham gia vào câu như một thành tố cú pháp (làm thành phần câu đơn hay bộ phận của câu ghép) thì cấu trúc cú pháp của cú cũng đã bắt đầu chuyển hóa từ quan hệ chủ -vị sang quan hệ đề -thuyết bởi vì lúc đó cú không phải được dùng với chức năng biểu hiện nữa mà bắt đầu được dùng với chức năng thông báo (ví dụ: Trời mưa (cú điển mẫu) >  Trời thì mưa mà vẫn phải đi làm. Trời mà mưa thì tôi không đi làm). Lúc đó cú có tính chất nửa cú, nửa câu nên có thể gọi là tiểu cú hoặc bán cú..
                                                                                               
            Tóm lại, khác với hai quan niệm phân tích cấu trúc chủ -vị và cấu trúc đề -thuyết đối lập nhau, xuất phát từ quan điểm cấu trúc-chức năng, chúng tôi cho rằng cần phân biệt trong tiếng Việt hai kiểu cấu trúc cú pháp của hai đơn vị khác biệt nhau về mặt cấu trúc- chức năng:  Cấu trúc chủ - vị là cấu trúc của  cú hay mệnh đề (clause), đơn vị cú pháp có chức năng cơ bản là biểu hiện các sự tình, gắn với chức năng biểu hiện của ngôn ngữ. Còn cấu trúc đề- thuyết là cấu trúc cú pháp của câu, đơn vị cú pháp có chức năng cơ bản là truyền đạt một thông báo, gắn liền với chức năng giao tiếp của ngôn ngữ.  Hai kiểu cấu trúc này nên được coi là bổ sung cho nhau chứ không loại trừ nhau trong hệ thống cú pháp tiếng Việt. Theo hướng tiếp cận này, việc phân tích cú pháp tiếng Việt đáp ứng được sự thỏa đáng trên cả hai phương diện loại hình và phổ niệm ngôn ngữ.


Tài liệu tham khảo: 

1.      Bùi Đức Tịnh. Văn phạm Việt Nam. Sài Gòn, 1952.
2.      Cao Xuân Hạo. Tiếng Việt - Sơ thảo ngữ pháp chức năng. Nxb KHXH,
      Hà Nội 1991       (Nxb Giáo dục tái bản 2004).
3.      Cao Xuân Hạo. Câu và kết cấu chủ-vị. T/c Ngôn ngữ, s.13/2002, tr. 1-20.
4.      Dik S.C. Funtional Grammar. Foris Publications. Đordrecht – Holland/
      Cinnaminson   –USA, 1981.
5.      Diệp Quang Ban. Cấu tạo câu đơn tiếng Việt.  Trường ĐHSP Hà Nội, 1984.
6.      Comrie B.  Language universal and linguistic typology. Basil Blackwell,
      1981/1989.
7.      Croft, W. Typology and universals, Cambridge University Press, 1990.
8.      Diệp Quang Ban .  Ngữ pháp tiếng Việt. Nxb Giáo dục, Hà Nội 2005
9.      Hoàng Trọng Phiến. Ngữ pháp tiếng Việt (câu). Nxb ĐH&THCN,
      Hà Nội 1990.
10.  LêXuân Thại. Câu chủ vị tiếng Việt. Nxb KHXH, Hà Nội,1994.
11.  Lê Xuân Thại. Mấy suy nghĩ về quan niệm Đề- Thuyết của GS Cao Xuân
      Hạo. T/c Ngôn ngữ, s.14/2002. tr 71-79.
12.  Lưu Vân Lăng. Ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb KHXH,  Hà Nội,1998.
13.  Nguyễn Hồng Cổn. Bàn thêm về cấu trúc thông báo của câu tiếng Việt. T/C
      Ngôn ngữ, s.5/2001, tr.43-53.
14.  Nguyễn Kim Thản: Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt.T2. Nxb KHXH,
      Hà Nội 1964.
15.  Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Văn Hiệp. Lý thuyết thành phần câu và thành
      phần câu tiếng Việt.  Nxb ĐHQG Hà Nội, 1998.
16.  Phan Khôi. Việt ngữ nghiên cứu.  Hà Nội, 1955 (Nxb Đà Nẵng tái bản 1997).
17. Song Jung.  Linguistics Typology- Morphology and Syntax. Pearson Education
      Limited, 2001.
18.  Thompson L.C.  A Vietnamese Grammar. University of Washington Press.
      Seatlte and London, 1965.
19.  Tiểu ban Tiếng Việt trong nhà trường (Hội Ngôn ngữ học Tp HCM). Ngữ pháp
       chức năng, cấu trúc đề thuyết và ngữ pháp tiếng Việt. T/c Ngôn ngữ,
       s.14/2005, tr 62-70 .
20.  Trần Ngọc Thêm. Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt. Nxb ĐH &THCN,
       Hà Nội, 1985.
21.  Trần Trọng Kim.  Việt Nam văn phạm.  Hội Khai trí Tiến đức, Hà Nội 1936
       (Nxb tái bản 2007).
22.  Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê. Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam.
       Đại học Huế, Huế 1963.
23. UBKHXHVN. Ngữ pháp tiếng Việt. Nxb KHXH 1983 (tái bản 2002).


(* )  Bài viết cho HNKH về Việt Nam học tổ chức tại  Hà Nội 12/2008

PGS.TS. Nguyễn Hồng Cổn

Nguồn: khoavanhoc-ngonngu.edu.vn