20/11/13

Hàn Mặc Tử - buồn thu

Hàn Mặc Tử (1912 - 1940) tên thật Nguyễn Trọng Trí, quê Quảng Bình. Thủa bé sống và học tiểu học ở Qui Nhơn, trung học ở Huế. 1934 - 1935 vào Sài gòn làm báo, đến 1936 bị bệnh phong phải vào nhà thương Qui Nhơn và mất ở đó.

Hàn Mặc Tử làm thơ từ khi mới 14 tuổi. Trong thời gian đầu thơ ông làm theo thể Thất ngôn bát cú Đường luật gởi đăng báo với bút danh Minh Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh. Về sau ông chuyển qua làm thơ mới, giọng thơ lãng mạn, lấy bút hiệu Hàn Mặc Tử, và cuối cùng là Hàn Mạc Tử. Sau khi bệnh, thơ ông chuyển dần qua tượng trưng, siêu thực, giọng thơ ngày càng lạ lùng huyền bí.

Nhà phê bình Đặng Tiến có nhận xét đại ý là xưa nay người ta chú ý đến Hàn Mặc Tử chủ yếu vì cuộc đời bi thiết của ông, mà không đánh giá đúng và đủ về cuộc đời thơ của ông. Người ta thêm bớt tạo ra bao huyền thoại về cuộc đời, đặc biệt về những mối tình của ông, trong lúc cái đáng nói hơn là đóng góp của ông cho nền thi ca Việt Nam thì làm còn khá sơ sài ..

Ai muốn tìm hiểu sâu hơn về Hàn Mặc Tử có thể tìm đọc khá nhiều tài liệu ở đây

Hôm nay mời đọc phần thơ Đường luật của ông. Phần sau đây trích từ bài viết của Quách Tấn. Phần ngâm thơ là tôi đưa thêm vào.

Hàn Mặc Tử vốn từ địa hạt thơ Đường luật bước sang địa hạt Thơ Mới, cho nên tuy vui duyên mới mà vẫn không quên hẳn tình xưa. Thỉnh thoảng Tử cũng làm đôi bài Đường luật. Và theo chỗ nhận xét của tôi, thì thơ Đường luật Tử làm sau này có phần trội hơn trước, phần nghệ thuật cũng như phần tình tứ. Ví dụ, 

Vịnh Đàn Nguyệt:

Hỏi cho mấy tuổi? Đáp mười lăm.
Non nước từng phen nổi tiếng tăm.
Bạc mạng đàn chơi đau nửa kiếp,
Đồng tâm tơ buộc chặt quanh năm.
Chường mình trước án trông đầy đặn,
Nép mặt trong hoa nói thỉ thầm.
Mười khúc đoạn trường say chửa tỉnh,
Thuyền ai thấp thỏm muốn ôm cầm!


Bài này tôi có gởi ra cho Tản Đà tiên sinh duyệt lãm. Tiên sinh rất thưởng thức và hứa sẽ phê bình trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy là tờ tuần san tiên sinh phụ trách mục văn chương. Nhưng rồi tiên sinh qui tiên, nên ý kiến của tiên sinh đối với bài thơ không được phổ biến.

Những thơ Đường luật Tử làm từ trước đến khi nhập tịch làng Thơ Mới, Tử đã dồn lại thành một tập gồm gần trăm bài, lấy tên là Lệ Thanh Thi Tập.

Trong tập Lệ Thanh, ngoài những bài Chùa Hoang, Gái Ở Chùa, và Thức Khuya được Phan Sào Nam tiên sinh ca tụng, còn nhiều bài khả ái.

Thơ Đường luật, Tử làm gần đủ các lối Thủ- Vỹ ngâm, Thuận-Nghịch độc, Song-Thanh, Song- Điệp... Lối nào cũng luyện. Tử có hai bài đọc xuôi đọc ngược được sáu cách. xin trích một bài, 


Cửa Sổ Đêm Khuya: (Trang Nhung ngâm)


Hoa cười nguyệt rọi cửa lồng gương,
Lạ cảnh buồn thêm nợ vấn vương.
Tha thướt liễu in hồ gợn bóng,
Hững hờ mai thoảng gió đưa hương.
Xa người nhớ cảnh tình lai láng,
Vắng bạn ngâm thơ rượu bẽ bàng.
Qua lại yến ngàn dâu ủ lá,
Hòa đàn sẵn có dế bên tường.


Sáu cách đọc bài này là:
- Đọc xuôi
- Đọc ngược,
- Bỏ hai chữ sau đọc xuôi,
- Bỏ hai chữ sau đọc ngược,
- Bỏ hai chữ trước đọc xuôi,
- Bỏ hai chữ trước đọc ngược.

Phải công nhận là tài. Tài nhất là đọc cách nào cũng hay.
Nhưng do đâu mà có bài ấy?

Nguyên tôi có viết trong Phụ Nữ Tân Ván một bài nói về thơ vua Tự Đức. Trong bài tôi khen bài thơ Vô Đề đọc được 6 cách của nhà vua. Tử xem thấy, viết thư bảo:
- Ai làm lại chẳng được mà khen.

Tôi đáp rằng tôi xin hàng và yêu cầu Tử cho nghe một bài. Tử liền gởi ngay vào hai bài là bài trên và bài Đi Thuyền, nhưng bài sau có phần gượng ép, không được thích khoái.

Kể lại chuyện này để bà con thấy tài về thơ Đường luật của Tử, và để chứng một lần nữa rằng lời khen của Sào Nam tiên sinh không chút quá đáng.

Song đem so những thơ trong Lệ Thanh Thi Tập cùng những thơ làm sau này, thì thơ sau này xuất sắc hơn. Như bài Đàn Nguyệt thượng dẫn, tứ thật mới, từ thật luyện, hơn hẳn những bài đã nổi tiếng trước kia.

Cũng thật là hay, bài Buồn Thu sau đây: (Trang Nhung ngâm)


Ấp úng không ra được nửa lời!
Tình thu bi thiết lắm thu ơi!
Vội vàng cánh nhạn bay đi trớt,
Hiu hắt hơi may thoảng lại rồi.
Nằm gắng đã không thành mộng được,
Ngâm tràn cho đỡ chút buốn thôi.
Ngàn trùng bóng liễu trông xanh ngắt,
Cảnh sắc về đông mắt lệ vơi!


Thơ Đường luật như bài này là đã nhập diệu.
Và trong bài này, câu kết có nhiều chỗ chép khác. Chỗ thì chép là :

Ngàn trùng bóng liễu trông xanh ngắt,
Chỉ có thông kia chịu với trời.


Chỗ thì chép rằng:

Ngàn trùng liễu rủ cây e lạnh,
Chỉ có thông kia chịu với trời.


Có những chỗ khác biệt như thế là vì câu thơ bị sửa đi sửa lại nhiều lần.
Ban đầu Tử viết là:

Ngàn trùng liễu rủ cây e lạnh
Đông tới rồi đây nước mắt vơi.


Nhiều người chê là trệ. Tử bèn sửa câu chót ra:

Chỉ có thông kia chịu với trời.

Ai nấy đều khen là câu thơ "khẩu khí". Tôi lại chê:
- Làm thơ kiểu Lê Thánh Tôn thì phiền lắm.
Tôi đã hất hủi bài Đau Bụng của tôi, mặc dù được một số bạn đọc rất thích.

Tử nói:
- Chớ người ta bảo rằng trệ không tốt.
- Chỉ có những anh thợ vụng mới sợ trệ, chớ anh mà còn sợ nỗi gì. Tôi đề nghị anh dùng câu cũ nhưng sửa văn lại cho thật chỉnh. Câu kết bài này phải là một tiếng khóc để cho những lời than ở trên được giải thoát.

Sau khi thảo luận, câu thơ được sửa lại là:

Ngàn trùng bóng liễu trông xanh ngắt,
Cảnh sắp về đông mắt lệ vơi.


Câu này riêng Tử và tôi thích, còn phần đông các bạn đều lấy câu:

Ngàn trùng bóng liễu cây e lạnh,
Chỉ có thông kia chịu với trời.


Bài Buồn Thu rất được truyền tụng trong làng Thơ Cũ.

Trong khoảng 1936-1939, những thơ Đường luật Tử làm không quá 5 bài. Tôi biết được rõ là vì những bài Đường luật đó, Tử vì tôi, "con người ngoan cố, bo bo giữ gốc tre làng", mà làm ra, để cho tôi khỏi "bị mồ côi một mình".

Nguồn: hocxa.com

Mời đọc thêm bài thơ hai bài thơ Đường luật của Hàn Mạc Tử:

Thức Khuya

Non sông bốn mặt ngủ mơ màng,
Thức chỉ mình ta dạ chẳng an.
Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối,
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn.
Khóc giùm thân thế hoa rơi lệ,
Buồn giúp công danh dế dạo đàn.
Trở dậy nôm na vài điệu cũ,
Năm canh tâm sự vẫn chưa tàn.


Cụ Phan Sào Nam bây giờ bị an trí ở Huế, sau khi xem thơ đã viết cho Tử: "Từ khi về nước đến nay, tôi được xem thơ quốc âm khá nhiều, song chưa gặp bài nào hay đến thế... Ôi hồng nam nhạn bắc, ước ao có ngày gặp gỡ để bắt tay cười lên một tiếng lớn, ấy là thỏa hồn thơ đó"...

Và cụ họa thơ

Chợ lợi trường danh tớ chẳng màng
Sao ăn không ngọt, ngủ không an
Trăm năm ngăn đó tuồng dâu bể
Muôn họ nhờ ai kẻ chiếu chăn
Cửa sấm gớm ghê người đánh trống
Tai trâu mỏi mệt khách đưa đàn
Lòng sen đằng đẵng tơ sen vướng
Mưa gió bao phen gộc chữa tàn.


Mời nghe Linh Nhâm ngâm thêm bài Chuyến Đò Ngang: 



Chẳng hẹn hò sao gặp gỡ đây
Người thời như tỉnh kẻ như say
Trong veo làn nước soi đôi mắt
Xa tít quê nhà trở một tay
Tâm sự mới trao bờ đã đến
Nỗi niềm chưa cạn khách về ngay
Ba sinh duyên nợ âu như thế
Một chuyến đò đưa nghĩ một ngày.



Ghi chú tí về thơ Đường luật.

Thơ Đường luật là thể thơ làm theo luật đề ra từ đời Đường bên Tàu (618 - 907). 
Thơ Đường luật có 4 loại: Thất ngôn bát cú (7 câu, mỗi câu 8 chữ), thất ngôn tư tuyệt, ngũ ngôn bát cú, ngũ ngôn tứ tuyệt.

Luật thơ Đường khá phức tạp, dài dòng, ai muốn xem tóm tắt thì có thể vào đây ai muốn tìm hiểu kỉ hơn thì vào đây  .

Thơ Đường luật gọi là thơ cận thể, phân biệt với thơ cổ thể, không theo luật Đường.

Nói chung thì hoặc ko làm thơ luật, hoặc chấp nhận làm thơ luật thì phải cố theo đúng luật. Làm thơ luật mà ko đúng luật tất bị chê, đặc biệt các lỗi nghiêm trọng như thất vận, thất niêm, đối không chỉnh .. Tuy nhiên làm thơ ko phải là trò chơi chữ, mà để gởi gắm tâm tư tình cảm, thơ chỉ là phương tiện. Vì vậy rất nhiều trường hợp thi nhân chấp nhận sai luật để giữ đúng tình ý của mình. Ví dụ điển hình là bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, bài thơ mà tương truyền rằng, Lý Bạch khi đến Hoàng Hạc Lâu định làm thơ, đã thấy thơ Thôi Hiệu đề trên vách, đọc xong, vứt bút, ngửa mặt than rằng:

Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu..
(Trước mắt thấy cảnh không tả được
Vì Thôi Hiệu đã đề thơ trên đầu)

Bài thơ ấy như sau:

Hoàng Hạc Lâu

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,          
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.         
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,       
Bạch vân thiên tải không du du.              
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Đối chiếu với các luật thơ Đường thì bài thơ bị thất niêm thất luật thất vận thất đối .. (có thể cóp bài thơ đem vào trang này kiểm tra lỗi). Bài thơ Đèo Ba Dội nỗi tiếng của Hồ Xuân Hương cũng là bài thơ phạm khá nhiều luật. Còn rất nhiều bài thơ hay khác cũng rơi vào tình trạng thất luật như thế .. Ngay mấy bài thơ Đường luật trên đây của Hàn Mặc Tử dù được Tản Đà, Sào Nam khen ngợi, nhưng xét kỉ bài nào cũng bị niêm luật, vần .. ko chuẫn; chưa kể những lỗi  phong yêu, hạc tất, chánh nưỡu .. Tuy nhiên, chúng vẫn được nhiều người khen là thơ hay, được lưu truyền qua năm tháng, trong khi hàng vạn bài thơ được viết ra trong các trường thi của các ông đồ xưa niêm luật hẳn là chỉnh chu nhưng chẳng ai còn nhớ .. 

Mời nghe ngâm bài thơ Hoàng Hạc Lâu. Giọng ngâm chưa hay, nghe cho đỡ buồn thôi

5 nhận xét:

  1. Nghe Mai Thanh Vân ca Hàn Mặc Tử của Nhật Trường

    http://youtu.be/Sm1DmMwD51Y

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh20/11/13 22:45

      Hàn Mặc Tử quả tài hoa xuất chúng.
      Em đã đọc về thân thế và giai thoại về ông.
      Quả là tài hoa!

      Xóa
    2. Mời em đón xem series về HMT nhé.

      Xóa
    3. Nặc danh20/11/13 22:56

      Quy Nhơn có nhân vật nọ là nghệ nhân viết thư pháp bằng bút lửa trên gỗ, cũng là người cất công sưu tầm thơ và giai thoại về HMT, tổng hợp thành sách. Em quên tên người này, mai em sẽ tìm lại cuốn sách này, em được người bạn tặng.

      Xóa
    4. OK, có gì hay em post lên mọi người xem với nhé. tks trước.

      Xóa
Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)