31/5/13

Hiên Cúc Vàng

Hiên Cúc Vàng là CD nhạc đầu tiên của Nguyễn Đình Toàn sau khi qua định cư ở Mỹ (1998), gồm 10 ca khúc được tuyển chọn trong gần trăm ca khúc ông viết trước đó ở Việt Nam, tất cả đều do Khánh Ly trình bày.
Về nhạc của NĐT, Tiểu Tử có mấy nhận xét rất xác đáng:

Nhạc Nguyễn đình Toàn không thể hát bằng giọng kịch, vì tự nó đã là những vở kịch bi thương của đời sống.  Không cần diễn thêm mà cần nhập nỗi lòng.
Khó khăn, nghĩ cho cùng không phải vì chữ khó hay chữ mới.  Cái chính xác trong ca từ của Nguyễn đình Toàn cũng còn là bề nổi.  Cái thơ trong cách nhìn cũng là cái còn dễ nhận ra.  Dấu vết nhà văn trong dòng nhạc Nguyễn Đình Toàn mới là điều gây nỗi khó khăn cho người hát.  Cũng vẫn cái tỉ mỉ nhức nhối, những ghi nhận nhậy bén, và cách dùng chữ làm cho chữ quen thành mới, chữ cũ thành chưa biết bao giờ.

(theo phovanblog)

30/5/13

Nguyễn Đình Toàn

Nhà văn Nguyễn Đình Toàn - tranh Tạ Tỵ
Nguyễn Đình Toàn sinh năm 1936 tại Hà Nội, 1954 di cư vào Saigon; viết cho nhiều báo .. và từng được giải Văn Học Nghệ Thuật ở miền Nam 1973 với tác phẩm Áo Mơ Phai.
Một số tác phẩm đã xuất bản: Chị em Hải (1961), Những kẻ đứng bên lề (1964), Con đường (1967), Giờ ra chơi (1970) ..

Ông còn nổi tiếng với vai trò người phụ trách chương trình Nhạc chủ đề ở Đài PT Saigon, với lối giới thiệu rất nhiều người thích

Với những giới thiệu hay dẫn nhập bằng cách viết (cách nói) riêng của mình; nhất là qua giọng nói, như một thủ thỉ tư riêng giữa hai người, qua làn sóng điện, họ Nguyễn trở thành một thứ “người tình không chân dung” của rất nhiều nữ thính giả. Đồng thời, ông cũng là “người bạn thiết” của rất nhiều thính giả thuộc nam giới. Với lớp thính giả này, ông như người đã nói thay họ những điều họ muốn nói về tình yêu, âm nhạc, thời thế. Kể cả những điều họ không có trong đầu, trước khi nghe chương trình của ông. (dutule.com)


Hãy nghe vài bài để xem cách ông giới thiệu một bản nhạc

Thở để chữa bệnh

nguồn hình: dohongngoc.com
Trong bài trước ta đã tìm hiểu Phương pháp dưỡng sinh Nguyễn Khắc Viện do chính tác giả, BS Nguyễn Khắc Viện trình bày.

Hôm nay mời nghe BS Đỗ Hồng Ngọc nói chuyện Thở để chữa bệnh.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền Thông – Giáo Dục Sức Khỏe Tp.HCM, Trưởng Bộ Môn Khoa Học Hành Vi và Giáo Dục Sức Khỏe, Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch. Ông từng quen biết BS Nguyễn Khắc Viện, được BS Viện chỉ cho phương pháp thở. Ông kể lại:

.. tôi cũng chỉ nghe để mà nghe chớ chẳng thực hành. Cho đến ngày tôi bị vố tai biến nặng,  phải nằm viện dài ngày, lúc đó tôi mới thử đem ra áp dụng.

Quả thật, có lắm điều kỳ diệu!

Nó làm cho tôi thảnh thơi hơn, ít nhọc mệt hơn và sức khỏe phục hồi tốt hơn.  Trong thời gian dưỡng bệnh, các bạn đồng nghiệp thương tình, cho rất nhiều thuốc, nhưng tôi chỉ chọn một vài món thực sự cần thiết, còn thì chỉ... dùng phương pháp thở để tự chữa bệnh cho mình.

Và cho đến hôm nay, khi đã hoàn toàn bình phục, thở có phương pháp đã thành một quán tính tự nhiên từ lúc nào tôi cũng không thể nhớ rõ. Xin ghi lại đây, như một sự biết ơn, về chuyện “thở” với nguyện ước rằng, sẽ có nhiều người “biết thở” đúng phương pháp, để nhờ đó có thể tự chữa bệnh và tăng cường sức khỏe cho mình.

Mời theo dõi buổi nói chuyện của BS Đỗ Hồng Ngọc

29/5/13

Con gái sông Lam




Anh Thơ trình bày ca khúc Cô Gái Sông Lam, Nguyễn Trọng Tạo phổ thơ Lê Tuấn Lộc

Con gái sông Lam
thơ Lê Tuấn Lộc

Nếu anh chưa về thành Vinh
Chưa biết em xinh đến thế
Khẽ khàng, nhẹ nhàng, e lệ
Con gái miền Trung dịu hiền

Nếu anh không nghe hát Dặm
Không biết giọng em trầm trầm
Con gái sông Lam muối mặn
Ngậm ngùi lại là gừng cay

Nếu anh không mê thơ phú
Sao mê giọng thơ miền Trung
Sâu, nặng, chậm, buồn, đầm đậm
Dài như đường vô miền Trung

Sông Lam có quanh co không
Sao em vòng vèo đến thế
Chối từ anh mà dịu nhẹ
Cứ như là em nhận lời

Không nghe giọng em sông Lam
Cứ ngỡ em người Hà Nội
Trắng ơi, trắng ơi là trắng
Váy dài đung đa đung đưa

Ngày xưa đi hát Phường Vải
Thế này thì ai chả mê
Ấy mà mời rượu khéo thế
Thế này thì ai muốn về

Sông Lam cứ như là quê
Em níu làm sao về được
Rượu ngon phải đâu là nước
Đành thôi. Ở lại mai về.


sông Lam - ảnh Google
Cùng với Núi Hồng Lĩnh, Sông Lam là biểu tượng cho xứ Nghệ - tức vùng Hoan Châu cũ, nay là Nghệ An + Hà Tĩnh. Xưa sông Lam còn có tến sông Cả

Sông bắt nguồn từ cao nguyên Xiengkhuang, Lào. Phần chảy trên lãnh thổ Lào gọi là Nam Khan. Phần chính của dòng sông chảy qua Nghệ An, phần cuối của sông Lam hợp lưu với sông La từ Hà Tĩnh, tạo thành ranh giới của Nghệ An và Hà Tĩnh đổ ra biển tại cửa Hội. Cụ thể, trên lãnh thổ Việt Nam, nó chảy qua địa phận huyện Kì Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương, Nam Đàn, giữa các huyện Thanh Chương, Hưng Nguyên, thành phố Vinh, Nghi Lộc của tỉnh Nghệ An rồi vào Đức Thọ, Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh của tỉnh Hà Tĩnh trước khi đổ ra vịnh Bắc Bộ.

Sông Lam có nhiều chi lưu, như qua khỏi Con Cuông thì có sông Hiếu, gần Bến Thủy thì có Ngàn Sâu, Ngàn Phố.

Ngoài sông Lam, Nghệ An còn có sông Cấm nhỏ hơn, chảy qua chân núi Cấm ở Nghi Lộc rồi ra cửa Lò. (theo wikipedia) 

28/5/13

Những con sông 2

Mời nghe tiếp

những con sông trong nhạc và thơ với Bích Huyền (2)


Hội Trùng Dương - PĐC - Thái Thanh 


Nhớ Con Sông Quê Hương - Tế Hanh - Trần Thị Tuyết diễn ngâm


Đọc thơ

Nhớ Con Sông Quê Hương - thơ Tế Hanh

Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng

Chẳng biết nước có giữ ngày giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỉ niệm của dòng trôi
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi
Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ

Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ
Sông của miền Nam nước Việt thân yêu
Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu
Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy
Bạn bè tôi tụm năm tụm bẩy
Bầy chim non bơi lội trên sông
Tôi dang tay ôm nước vào lòng
Sông mở nước ôm tôi vào dạ

Chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả
Kẻ sớm hôm chài lưới bên sông
Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng
Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến
Nhưng lòng tôi như mưa nguồn gió biển
Vẫn trở về lưu luyến bên sông

Tôi hôm nay sống trong lòng miền Bắc
Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc
Hai tiếng thiêng liêng, hai tiếng miền Nam
Tôi nhớ không nguôi ánh nắng màu vàng
Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc
Tôi nhớ cả những người không quen biết

Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây
Bỗng nghe dâng một nỗi tràn đầy
Hình ảnh con sông quê mát rượi
Lai láng chảy lòng tôi như suối tưới

Quê hương ơi lòng tôi cũng như sông
Tình Bắc Nam chung chảy một dòng
Không ghềnh thác nào ngăn cản được
Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước
Tôi sẽ về sông nước của quê hương
Tôi sẽ về sông nước của tình thương...



27/5/13

Nguyên Sa - các bài thơ phổ nhac 2

Nguyên Sa - tranh Nguyên Khai
Nguyên Sa (1932 - 1998) tên thật là Trần Bích Lan nổi tiếng từ thập niên 1950 ở Nam với những bài thơ Áo Lụa Hà Đông, Paris Có Gì Lạ Không Em, Tuổi Mười Ba, Tháng Sáu Trời Mưa, .. .

Đã có hai entry về ông, hôm nay mời tiếp tục nghe một số ca khúc phổ từ thơ ông

26/5/13

Ánh Đạo Vàng - truyện, phim

Võ Đình Cường (1918-2008) pháp danh Nguyên Hùng, sáng lập viên của phong trào Gia đình Phật tử Việt Nam và là Trưởng ban Hướng dẫn GĐPTVN (1951 - 1981)
Ông còn là nhà báo, nhiều năm phụ trách tờ tuần báo Hải Triều Âm, Thiện Mỹ của GHPGVNTN trước 1975 và tờ Giác Ngộ (1976 - 1990)
Ông cũng là nhà văn với hơn mười đầu sách đã được xuất bản: Ánh Đạo Vàng (1945), Thử Hòa Điệu Sống (1949), Những Cặp Kính Màu (1964), ..
Ánh Đạo Vàng là cuốn truyện kể về cuộc đời của Phật Thích Ca.
Qua ngòi bút của Võ Đình Cường, đức Phật hiện ra không chút huyền bí, mà dung dị, gần gũi .. 
Thủa bé tôi đọc gần thuộc lòng cuốn này. Mấy hôm nay đọc lại vẫn thấy bùi ngùi, nhớ  ..
Ai có con nhỏ đang tuổi thiếu niên thì đây là một cuốn sách thích hợp để cháu đọc trong hè. Với các bé nhỏ hơn, hoặc cu bé nào lười đọc có thể nghe Hướng Dương đọc.

Đọc truyện: Ánh Đạo Vàng - Võ Đình Cường
Sách audio Người đọc: Hướng Dương
Phần 1
Phần 2
Phần 3
Phần 4
Phần 5
Phần 6

Năm 1998 truyện đã được chuyển thể thành phim cùng tên do Triệu Hoàng Quân đạo diễn với các diễn viên Công Hậu, Việt Trinh ..
Ánh Đạo Vàng - Sự tích Phật Thích Ca

25/5/13

Những con sông 1

Xưa nay dòng sông gợi hứng cho bao nhà thơ nhà văn cũng như nhạc, họa sĩ và cả triết gia .. , với đủ mọi cung bậc cảm xúc - từ hào hùng trên sông Lô, mơ màng trên sông Hương, bồng bềnh sảng khoái trên Cửu Long đến bi tráng bên bến sông Tống Biệt, day dứt đớn đau bên bờ Hiền Lương, ngậm ngùi với những hồi ức về những con sông quê, và cả chiêm nghiệm về lẽ biến dịch.. Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ ..

Bích Huyền có làm ba chương trình liền trên VOA về những dòng sông trong thơ, nhạc. Hôm nay mời mọi người nghe bài đầu nhé

24/5/13

Nhớ gì ?


Vậy anh K đạo Phật chính hiệu hen.
Huy Hiệu GĐPTVN

Trả lời cái còm này của em Di cho chuẫn xác ko dễ, bởi chữ chính hiệu khá mơ hồ.

Nếu hiểu chính hiệuthuần thành và ngụ ý  thường xuyên ăn chay niệm Phật, đi chùa mỗi rằm, mồng một .. thì thiệt tình tôi không phải là một Phật tử thuần thành.

Tôi ít đến chùa, có đến thì cũng đi lang thang ngắm hoa trong vườn chùa, ít khi vào lễ Phật. Nhìn ông Phật bệ vệ ngồi trên đài sen với đèn điện nhấp nháy nhức mắt, khói hương nghi ngút, bên dưới một đám đông sì sụp vái lạy tôi chả thấy giống tí nào với người Thầy tôi gần gũi đêm ngày ..

21/5/13

Thơ Nguyên Sa - các bài thơ phổ nhạc


1. Tuổi Mười Ba - Ngô Thụy Miên - Tuấn Ngọc



Tuổi Mười Ba
thơ Nguyên Sa


Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng?
Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay
Trời nắng ngọt ngào… tôi ở lại đây
Như một buổi hiên nhà nàng dịu sáng.

Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám?
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba
Tôi phải van lơn ngoan nhé, đừng ngờ…
Tôi phải dỗ như là… tôi đã nhớn.

Tôi phải đợi như là tôi đã hẹn
Phải thẹn thò như sắp cưới hay vừa yêu
Phải nói vơ vào rất vội: người yêu
Nếu ai có hỏi thầm: ai thế ?

Tôi nói lâu rồi.. nhưng ngập ngừng khe khẽ
Để giận hờn chim bướm chả giùm tôi
Nhưng rồi lòng an ủi “nắng chưa phai…”
Tình chưa cũ bởi vì tình chưa mới….”

Má vẫn đỏ, đỏ một màu con gái
Với những lời hiền dịu nhưng chua ngoa
Lòng vẫn ngỡ ngàng: tóc ướp bằng thơ
Sao hương sắc lên mắt mình thi tứ?

Và đôi mắt nhìn tôi ngập ngừng chia sẻ
Đôi mắt nhìn trời nhè nhẹ mây nghiêng
Tôi biết nói gì? Cả trăm phút đều thiêng
Hay muốn nói nhưng lòng mình ngường ngượng

Chân díu bước và mắt nhìn vương vướng
Nàng đến gần tôi chỉ dám… quay đi
Cả những giờ bên lớp học trường thi
Tà áo khuất thì thầm “chưa phải lúc….”

Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Tôi thay mực cho vừa màu áo tím

Chả có gì…. sao lòng mình cũng thẹn
Đến ngượng ngùng bỡ ngỡ… hay là ai ?
Trăm bức thư lót giấy kẻ dòng đôi
Mà nét chữ còn run (dù rất nhẹ)

Tôi đã viết hay chỉ thầm âu yếm kể
Tôi đã nhìn hay lặng lẽ say sưa?
Nên đêm vui sao cũng chớm buồn thưa
Và lo sợ khi lòng mừng quá đỗi

Rồi trách móc: trời không gần cho tay với
Và cả nàng hư quá, sao mà kiêu
Nên đến trăm lần: “Nhất định mình chưa yêu
Hôm nay nữa…. nhưng lòng mình sao lạ quá… 


2. Tháng Giêng và Anh - Ngô Thụy Miên - Vũ Khanh



Tháng Giêng Và Anh
thơ Nguyên Sa


Chào tháng Chạp, hôm nào thì đến Tết?
Em mặc áo xanh hay mặc áo thêu hồng
Bầu trời mây ở dưới áng mi cong
Em có muốn anh giữ giùm phân nửa?...

Tháng Giêng và anh vươn vai và mở cửa
Trời trên cao, em cũng ở trên cao
Tháng Giêng cho anh một nụ hoa đào
Anh gởi cho em một trời mộng tưởng...

Bài hát đó mang cho anh hò hẹn
Em nhớ mang vàng cho cúc, ngọc cho lan
Mang cầu vồng cho khoảnh khắc mưa tan
Và một chút vai em cho huệ trắng...

Con chim én cùng với thơ bay trong nắng
Trên môi anh dường có ngọn cỏ thơm
Là ngón tay nào trong mười ngón tay em
Có cả nụ hôn đầu quanh quất đó...

Tháng Giêng và anh rủ nhau ngồi dưới phố
Tô môi hồng xin nhớ cánh sen non
Tháng Giêng chờ một chút lượng xuân em
Nụ cười đó, anh chờ xuân vĩnh viễn

Tháng Giêng và anh rủ nhau châm điếu thuốc
Điếu thuốc đầu năm và điếu thuốc đầu ngày
Vòng khói tròn khuyên phía trái, bên tai
Tà áo em có nhánh cười trong vũ điệu

Tháng Giêng và anh rót đầy trong ly rượu
Một góc trời âu yếm, khúc Bolsa
Yêu cuộn tròn trong tám chữ mây qua
Khi em tới lượn vòng trên mái tóc ...


3. Tháng Sáu Trời Mưa - Hoàng Thanh Tâm - Ngoc Anh



Tháng Sáu Trời Mưa
thơ Nguyên Sa


Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt
Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa
Anh lạy trời mưa phong toả đường về
Và đêm ơi xin cứ dài vô tận

Đôi mắt em anh xin đừng lo ngại
Mười ngón tay đừng tà áo mân mê
Đừng hỏi anh rằng: có phải đêm đã khuya
Sao lại sợ đêm khuya, sao lại e trời sáng…

Hãy dựa tóc vào vai cho thuyền ghé bến
Hãy nhìn nhau mà sưởi ấm trời mưa
Hãy gửi cho nhau từng hơi thở mùa thu
Có gió heo may và nắng vàng rất nhẹ

Và hãy nói năng những lời vô nghĩa
Hãy cười bằng mắt, ngủ bằng vai
Hãy để môi rót rượu vào môi
Hãy cầm tay nhau bằng ngón tay bấn loạn

Gió có lạnh hãy cầm tay cho chặt
Đêm có khuya em hãy ngủ cho ngoan
Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn
Nếu em sợ thời gian dài vô tận

Tháng sáu trời mưa, em có nghe mưa xuống
Trời không mưa em có lạy trời mưa?
Anh vẫn xin mưa phong toả đường về
Anh vẫn cầu mưa mặc dầu mây ảm đạm.

Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng
Tóc em mềm anh chẳng thiết mùa xuân
Trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân
Vì anh gọi tên em là nhan sắc

Anh sẽ vuốt tóc em cho đêm khuya tròn giấc
Anh sẽ nâng tay em cho ngọc sát vào môi
Anh sẽ nói thầm như gió thoảng trên vai
Anh sẽ nhớ suốt đời mưa tháng sáu


4. Mai Tôi Đi - Anh Bằng - Diễm Liên - Nguyên Khang ca



Paris
thơ Nguyên Sa


Mai tôi ra đi chắc trời mưa
Tôi chắc trời mưa mau
Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội
Nhưng chậm thế nào cũng phải xa nhau…

Mai tôi đi chắc Paris sẽ buồn
Paris sẽ nhìn theo
Nhưng nhìn thì nhìn đời trăm nghìn góc phố
Con đường dài thẳng mãi có bao nhiêu

Mai tôi đi dù hôm nay đang vào thu
Giòng sông Seine đang mặc áo sương mù
Đang nhìn tôi mà khoe nước biếc
Khoe lá vàng lộng lẫy lối đi xưa

Dù hôm nay giữa một ngày tháng bảy
Chiếc tháp ngà đang ướt rũ mưa ngâu
Sông Seine về chân đang bước xô nhau
Sẽ vịn ai cho đều giòng nước chảy

Dù mai kia
trong một đêm quá khuya hay một ngày sớm dậy
trên một con đò, bên một góc phố, dưới một luỹ tre
tôi sẽ ngồi kể chuyện nắng chuyện mưa
và có lẽ tôi sẽ kể chuyện Paris
để khói thuốc xám trên môi dăm người bạn
và trên môi tôi
điếu thuốc sẽ run trên những đường cong lận đận
điếu thuốc sẽ run như chân người vũ nữ vừa quen
đôi chân người mà tôi không dám nhớ cũng không dám quên
còn quay đảo giữa điệu nhạc mềm như khói thuốc…

Tôi sẽ hỏi trong những chiều giá buốt
những chiều mưa mây xám nặng trên vai
người con gái mắt xanh màu da trời
trên áng mi dài có quanh co tuyết phủ?

Rồi cả người
cả Paris nhìn tôi qua một nụ cười nhắn nhủ
nụ cười mềm như ánh nắng của cuộc chia ly
của một buổi sáng mai khi những người phu đổ rác bắt đầu đi
những thùng rác bắt đầu cọ vào nhau
với những tiếng kêu của một loài sắt lạnh
như những tiếng kêu của những chiếc đinh khô, những mình búa rắn
của những đôi mắt nhìn theo
và tôi cũng nhìn theo
không biết người ta vừa khâm liêm mình hay khâm liệm một người yêu

Dù người yêu không phải là người con gái có mớ tóc vàng

Nhưng cũng sợ phải viết những lá thư xanh về xứ Đũa son
nên tôi không dám hỏi:
tại sao mắt em buồn
tại sao má em đỏ
tại sao môi em ngoan
vì những ngón tay tô đỏ màu đũa son
đang muốn gắp cả đời người hạnh phúc

Và cả tôi cũng vẫn nghẹn ngào trong mỗi lần nói thật
mỗi lần nghe Paris hỏi tôi:
tại sao anh về
tại sao anh không ở?…

Nhưng dòng máu không thể chảy ngoài huyết quản
dù tôi yêu Paris hơn một người bạn yêu một người bạn
hơn một người yêu yêu một người yêu

Dù đêm nay tôi vẫn làm thơ
dặn những người con gái nhỏ đi về
trên hè phố Saint Michel
gò má đỏ phồng bánh graffen
để những hạt đường rơi trên má
lau vội làm gì cho có duyên

Dù đêm nay những người yêu nhỏ vẫn đi về
vẫn đôi mắt nhìn lơi lả hở khuy
cặp môi nghiêng trong một cánh tay ghì
mỗi chuyến métro qua vồi vội
giòng Seine cười ngoảnh mặt quay đi

Dù đêm nay tháp Eiffel
Vẫn kiễng mình trong sương khuya
nhìn bốn phía chân trời

Và đôi mắt tôi
Vẫn tìm đến trong một giờ hò hẹn

Và từ mai trên những lá thư xanh
tôi không được bắt dầu
bằng một chữ P hoa
như tên một người con gái ...


5. Nghe Đào Thúy ngâm bài thơ Tương Tư



Tương Tư
thơ Nguyên Sa


Tôi đã gặp em từ bao giờ
Kể từ nguyệt bạch xuống đêm khuya
Kể từ gió thổi trong vừng tóc
Hay lúc thu về cánh nhạn kia?

Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi , một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay?

Có phải mùa Xuân sắp sửa về
Hay là gió lạnh lúc đêm khuya
Hay là em chọn sai màu áo
Ðể nắng thu vàng giữa lối đi?

Có phải rằng tôi chưa được quen
Làm sao buổi sáng đợi chờ em
Hay từng hơi thở là âm nhạc
Ðàn xuống cung trầm, mắt nhớ thương

Buổi tối tôi ngồi nghe sao khuya
Ði về bằng những ngón chân thưa
Và nghe em ghé vào giấc mộng
Vành nón nghiêng buồn trong gió đưa

Tôi không biết rằng lạ hay quen
Chỉ biết em mang theo nghê thường
Cho nên cặp mắt mờ hư ảo
Cả bốn chân trời chỉ có em.

Thơ Nguyên Sa

Tôi biết thơ Nguyên Sa khá muộn. Thời cấp 1 cấp 2, nếu đọc thơ thì chủ yếu là ngêu ngao những bài thơ đã được Hoài Thanh tuyển chọn trong tập Thi Nhân Việt Nam. Những câu thơ như

Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Tôi thay mực cho vừa màu áo tím

cũng có đọc có biết, nhưng chẳng thấy nó khác gì hơn gì những bài thơ của Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thư .. và .. thua xa những bài thơ cuối chương mấy cuốn truyện Tàu .. Nên đời sau có thơ vịnh rằng ..:d

Cho đến năm học 11, dạy Văn là một cô giáo trẻ vừa mới ra trường.. Cô giáo nhưng người bé nhỏ, còn bé hơn vài bạn nữ trong lớp .. và đặc biệt cô quá xinh, giọng Bắc nhẹ và ngọt, tiếng cười thì trong vắt .. Đứa nào cũng mê, và chuyền tay nhau chép học thuộc lòng bài thơ của Nguyên Sa

Tôi trân trọng mời em dự chuyến tàu tình ái.
Trong một phút, một giây cuộc hành trình sẽ mở. Tôi mời em.
Trân trọng mời em cùng đi, cùng khai mạc cuộc đời.
Tôi mời em vứt bỏ lại đằng sau những kinh thành buồn bã với phong tục, thói lề, bạc vàng giả dối: muốn làm người yêu thì phải đổ Tú Tài.
Tôi mời em đi ngay. Không cần lấy vé. Không phải đợi chờ 

vì điều kiện du hành là những ngón tay lồng vào nhau và tâm hồn đừng đơn chiếc.

Hihi hồi ấy chưa đổ Tú tài, bài thơ quá hợp  ..  Cũng xin nói thêm là thời ấy, cuốn Vòng Tay Học Trò đang gây scandal ..

Và từ ấy, mới thấy thơ Nguyên Sa hay ..

20/5/13

Tam Biet


Chiều nay nhận được mail một bạn blogger gởi lời chào tạm biệt.

Chiều hôm qua Chủ Nhật, ghé nhà cô em thấy đứa cháu đang ngồi trước một chồng sổ Lưu Bút, tay nắn nót viết viết vẽ vẽ .. mặt lúc cười cười, lúc bâng khuâng mơ màng .. Ko biết mười hai năm phổ thông cô cháu bé bỏng này đã kịp yêu ai chưa nhỉ, và có chàng trai nào thầm nhớ chưa .. chắc có ko ít, trông nó xinh thế kia .. Sắp thi đại học đến nơi mà để cả ngày CN viết lăng nhăng .. Mẹ nó càu nhàu. Tôi cười, bộ cô hồi xưa không thế chắc.

Uh, cũng những ngày cuối tháng Năm trời như đổ lửa, và phượng đỏ rực sân trường .. cũng ôm một chồng Lưu Bút bạn bè đưa cho về nhà viết viết vẽ vẽ .. Cuốn thì mấy dòng đùa nghịch, cuốn thì mấy câu thơ con cóc trêu ghẹo .. Có dăm cuốn không muốn trêu ghẹo, nhưng cũng không muốn sến - nghĩa là bày tỏ tình thân ái gì gì đấy, nên chỉ ký một chữ ký to đùng .. Có một chữ ký nét bút run run, không biết cô ấy có để ý và nhận ra không nhỉ .. mấy chục năm qua rồi ..

Cũng vì ko muốn sến, nên ngày ấy chả làm Lưu Bút, để bây giờ nhiều lúc ngồi ngẩn ngơ ước gì  ..

19/5/13

Nhạc sến hải ngoại

Solitude - Helena Wierzbicki

Mời nghe Bích Huyền để xem dòng nhạc sến theo chân người di tản qua tây như nào

Nhạc sến hải ngoại - Bích Huyền (VOA)



Hì, định chọn thêm vài bài nữa nhưng sợ con chim sẻ nhỏ rụng cánh mất .. nên nghe 4 ca sĩ hai dòng nhạc diễu hài tí cho vui, rồi nghe thêm Tạ Tình của Hoàng Thi Thơ qua tiếng hát Họa Mi

18/5/13

Một thoáng nhớ - Quang Dũng



Chưa gặp sao đành thương nhớ nhau?
Ðòi phen số mệnh cũng cơ cầu
Người đi mang nửa hồn đơn lẻ
Tôi về hoài vọng một đôi câu
Khói thuốc chiều sông, hỡi dáng người!
Phương nào đôi mắt ngó xa xôi
Nào ai biết được niềm u ẩn
Từng lắng nhiều trong những mảnh đời
...

Nghe Bích Huyền nói chuyện về thơ Quang Dũng trong một chương trình Câu Chuyện Thơ Nhạc trên Đài VOA.

17/5/13

Áo Lụa Hà Đông

Nguyên Sa - tranh Tạ Tỵ
Theo vi.wikipedia (và nhiều trang mạng khác, ví dụ ở đây, nhưng hình như cũng lấy lại từ vi.wiki - hay ngược lại), rằng Áo Lụa Hà Đông Nguyên Sa viết từ những cảm xúc do cuộc thi hoa hậu tổ chức tại Hà Nội năm 1930 dành cho những thiếu nữ Bắc Kỳ mặc áo lụa Hà Đông, và trong cuộc thi ấy một cô gái gốc nông dân Thái Bình đã đăng quang, để sau đó không lâu đã trở thành tình nhân của nhà vua Bảo Đại ..

Có lẽ cũng như bao chàng trai si mê sắc đẹp khác, dù đã trải qua hơn 20 năm sau, nhà thơ Nguyên Sa vẫn mơ tưởng đến nụ cười, ánh mắt khuynh đảo của hoa hậu đầu tiên và buộc ông phải viết bài thơ ca ngợi người đẹp mặc áo lụa ấy. Đến năm 1969, khi nghe câu chuyện về hoa hậu “thuần nông” phút chốc trở thành người yêu của ông vua cuối cùng Việt Nam, Ngô Thụy Miên đã viết nên ca khúc nổi tiếng “Áo Lụa Hà Đông” khi mới 21 tuổi, được phổ lời từ bài thơ của Nguyên Sa như để ngưỡng mộ những cô gái tựa như đóa sen vươn lên từ đầm lầy. (vi.wiki)

Không rõ giai thoại này có nguồn gốc như nào, nghe cũng hay, nhưng e thiếu cơ sở vì Nguyên Sa sinh 1932, tức hai năm .. sau cuộc thi. Tuy nhiên cho dù cảm xúc không phải từ chuyện tình Lọ Lem hiện đại ấy, thì hẳn cũng từ một người đẹp nào đó .. Và Ngô Thụy Miên chắc chắn cũng chia sẻ sâu sắc những cảm xúc ấy, phổ thành một ca khúc để đời ..

16/5/13

Như Ngọn Buồn Rơi

ảnh trên mạng
Tiếp tục nghe Thế Ngữ phân tích thêm một ca khúc của Từ Công Phụng. Rất tiếc không tìm được bản do Ý Lan trình bày, nên mời nghe giọng ca của chính tác giả TCP, Tuấn Ngọc, Hai Ly và Vũ Khanh. Riêng với Ý Lan mời nghe cô ca lại Như chiếc que diêm.

Cuối cùng là một bài viết của một người yêu nhạc Từ Công Phụng, mà rất nhiều ý trong đó dường như nói thay cho nhiều người  ..

15/5/13

Như Chiếc Que Diêm

tranh Nguyễn Thanh Bình
Thôi cũng đành một kiếp trăm năm đời người sẽ qua
Cũng đành một thoáng chiêm bao tình người cũng xa
Cũng phôi pha những điêu ngoa, theo vết môi cười tàn tạ

Thôi cũng đành một kiếp phong ba lệ tình cũng sa
Xuống đời ta những nguôi ngoai rồi người cũng xa
Cũng xa ta, cũng xa ta theo dòng nghiệt ngã mù lòa ..


Bài nói chuyện của Đoàn Thế Ngữ trên đài VOVN 4/8/2004 về ca khúc này của Từ Công Phụng

Như Chiếc Que Diêm - Đoàn Thế Ngữ (VOVN)


Như Chiếc Que Diêm - Khánh Ly


xem Lyrics

Thôi cũng đành một kiếp trăm năm đời người sẽ qua
Cũng đành một thoáng chiêm bao tình người cũng xa
Cũng phôi pha những điêu ngoa, theo vết môi cười tàn tạ

Thôi cũng đành một kiếp phong ba lệ tình cũng sa
Xuống đời ta những nguôi ngoai rồi người cũng xa
Cũng xa ta, cũng xa ta theo dòng nghiệt ngã mù lòa

Vì lời em sớm muộn gì cũng một lần gian dối
Tình anh sớm muộn gì cũng đưa vào tăm tối
Đời anh sớm muộn gì...
Đời em sớm muộn gì...
Tình ta sớm muộn gì... cũng hấp hối
Rót cho đầy hồn nhau, đắp cho đầy đời nhau
Những men nồng tình sâu rã rời

Thôi cũng đành như chiếc que diêm một lần lóe lên
Thắp đời em sáng lung linh, buồn một cõi riêng
Những đêm sâu, những canh thâu
Nghe nước mắt nặng giọt sầu

Thôi cũng đành như kiếp rong rêu một lần hóa thân
Cuốn về phong kín tim ta một đời chói chang
Những đam mê, những ngô nghê
Với tình người nhỡ lời thề

Thôi cũng đành như tấm gương tan mờ phai vết xưa
Xót dùm cho tấm thân ta ngựa bầy đã xa
Những đêm mơ thấy tan hoang
Hương tình vừa chớm muộn màng





Như Chiếc Que Diêm - Từ Công Phụng



Trang web Tu Công Phụng

13/5/13

Oxford Picture Dictionary

I. Oxford Picture Dictionary 

Jayme Adelson-Goldstein, Norma Shapiro
305 tr 21x28
- Từ điển có 4 000 từ và ngữ thường dùng, tập hợp theo chủ điểm sắp vào 12 unit, các từ, ngữ đều được minh họa đẹp mắt, sinh động.

- Hầu hết cuối mỗi trang đều có phần Practice Activities giúp người học tập sử dụng các từ vừa học, có cả các ghi chú ngữ pháp đơn giản ..

Phần Index của sách Tây thì khỏi cần khen. Không biết bao giờ sách VN làm có được cái index như thế nhỉ ..

Sách dành bất kỳ ai muốn nhanh chóng nắm được vốn từ cơ bản.

Trên trang chủ OUP thấy để giá $24.94. Ở VN giá khoảng 200 000 đ, có thể đặt mua online, chẳng hạn tại ELT, vinabooks, ..

12/5/13

Diva 2 - Diva miền Nam trước 1975

Musician - tranh Angelito Antonio 
Nghệ sĩ Việt Nam được hâm mộ về phương diện nào thì được báo giới tặng danh hiệu ngợi khen về phương diện ấy (sau đó thì danh hiệu được dân chúng công nhận luôn) ví dụ như Thái Thanh với giọng hát cao vút, luyến láy tuyệt vời, hơi ngân dài, được xưng tụng là “Tiếng hát vượt thời gian”.

Mời nghe Thy Nga nói chuyện tiếp về Thế Nào là Diva, lần này là các diva ở Nam trước 1975

11/5/13

Giọt lệ cho ngàn sau - Từ Công Phụng 2


Tu Cong Phung - Le van Huong vẽ 
Tối thứ bảy, trời mưa lất phất ..

Ngồi nghe chương trình nhạc chủ đề về Từ Công Phụng do Duy Trác thực hiện trên VOVN.

Âm nhạc Từ Công Phụng - Duy Trác (VOVN)



nghe thêm một số bản nhạc trong CD Giọt Lệ Cho Ngàn Sau của Tuấn Ngọc (1994) với phần hòa âm do Duy Cường.




Âm nhạc truyền thống Huế 5 - Ca Huế

Ca Huế - anh: internet
Hôm nay mời nghe một đoạn phim tài liệu để tìm hiểu tiếp về Ca Huế

Ca Huế là một thể loại âm nhạc cổ truyền của xứ Huế, Việt Nam, bao gồm ca và đàn, ở nhiều phương diện khá gần gũi với hát ả đào.

Nếu kinh đô Thăng Long xưa từ trong cung phủ đã có một lối hát cửa quyền phát tán thành một dòng dân gian chuyên nghiệp là hát Ả đào và vẫn thịnh đạt dưới thời vua Lê chúa Trịnh, thì kinh đô Phú Xuân sau này, hoặc là đã từ trong dinh phủ của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong phát tán thành một lối gọi là ca Huế (gồm cả ca và đàn). Vậy cũng có thể gọi Ca Huế là một lối hát Ả đào của người Huế, một lối chơi của các ông hoàng bà chúa xét trên quan điểm tiếp biến trong tiến trình của một lối hát truyền thống và tiến trình lịch sử từ Thăng Long đến Phú Xuân-Huế.

Mời xem phim

Ca Huế trên đất cố đô - vanhoaviettv


Mời nghe thêm một vài làn điệu ca Huế

Ban hợp ca Thăng Long

Pham Duy và Ban Hop ca Thang Long
Ban hợp ca Thăng Long gồm anh em gia đình họ Phạm: Phạm Đình Viêm (Hoài Trung), Thái Hằng, Phạm
Đình Chương (Hoài Bắc), Khánh Ngọc (vợ Phạm Đình Chương), Thái Thanh là ban nhạc nỗi tiếng nhất tại sàigon thời trước 1975, chuyen trình bày các nhạc phẩm của Phạm Duy (chòng Thái Hằng), Phạm Đình Chương và các nhạc phẩm tiền chiến tại phòng trà Đêm Màu Hồng .. Ai muốn tìm hiểu thêm về ban nhạc có thể đọc trích đang hồi ký của Phạm Duy ở cuối bài, còn giờ xin mời nghe một số nhạc phẩm nỗi tiếng được ban Thăng Long trình bày

10/5/13

Em mãi là hai mươi tuổi

nhà thơ Quang Dũng
Em mãi là hai mươi tuổi
Ta mãi là mùa xanh xưa
Những cây ổi thơm ngày ấy
Và vầng hoa ngâu mưa thu
Tóc anh đã thành mây trắng
Mắt em dáng thời gian qua
.. 


Sông ơi! Dài sao
Rộng ơi! Biển cả
Thôi em nước mắt
Đừng rơi lã chã

Em mãi là hai mươi tuổi
Ta mãi là mùa xanh xưa
Giữ trọn tình người cho đẹp

9/5/13

Đôi bờ . Два берега



Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai?
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm thu về một sớm mai
..
Xa quá rồi em người mỗi ngả
Đôi bờ đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?


Có lẽ không phải ngãu nhiên mà Phạm Định Chương lấy 4 câu đầu này của Đôi bờ kết hợp với ba khổ cuối của Đôi mắt người Sơn Tây để phổ thành bản nhạc nổi tiếng - Đôi mắt người Sơn Tây. cả hai bài Quang Dũng đều viết cho một người ..

8/5/13

Tình ca du mục . Those were the days


Thuở mình yêu nhau quán xinh là chốn xưa
Hẹn hò vui bên nhau xây mối duyên đầu
Cười đùa bên nhau biết bao nhiêu niềm ấm lòng
Và mơ tương lai lứa đôi dệt mộng xa xôi ...


Mời nghe Ngọc Hạ trình bày bản nhạc Nga Дорогой длинною "Dorogoi dlinnoyu" , Nguyễn Quốc Trị viết lời Việt (2006) trích từ DVD Asia 49.

Như lá thu vàng

7/5/13

Đôi mắt người Sơn Tây


Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì

Vừng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương?

Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn thôi lại nối điêu tàn
Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ
Em có bao giờ lệ chứa chan

Mẹ tôi em có gặp đâu không
Những xác già nua ngập cánh đồng
Tôi có thằng em còn bé dại
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông

Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Cho nhẹ lòng nhớ thương
Em mơ cùng tôi nhé
Bóng ngày mai quê hương
Đường hoa khô ráo lệ.

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn quanh Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng

Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa
Đã hết sắc màu chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta?

Phú Quang - thơ phổ nhạc 5

Dương cầm lạnh - Thùy Dung ca - Dương Tường đọc thơ


Dương cầm lạnh - thơ Dương Tường

Chờ em đường dương cầm xanh
dậy thì nõn dương cầm phố

Chờ em đường dương cầm sương
chúm chím nụ dương cầm biếc

Chờ em đường dương cầm sim
vằng vặc nụ dương cầm trinh

Chờ em đường dương cầm khuya
ôi cái im đêm thơm mộng

Chờ em đường dương cầm trăng
ứa nhụy, lạnh dương cầm xuân

Chờ em đường dương cầm mưa
giọt giọt lá buồn dạ khúc

...Xào xạc lòng tay khuya
Anh về lối dương cầm lạnh


Có một vài điều anh muốn nói với em - Ngọc Anh ca


Hoa Bất tử - thơ Trương nam Hương

Hẳn có ngày người sẽ bỏ ta đi
May mắn quá câu thơ còn ở lại
Núi cô đơn sám hối trăng thề

Rồi câu thơ nguội lạnh bỏ ta đi
Vớt vát mãi chỉ nỗi buồn ở lại
Biển bơ vơ lạc lối buồm về

Cuối cùng buồn cũng lén bỏ ta đi
Hoe hoét nắng...
hoang hoa...
chiều cỏ dại
thơm như không hay biết điều gì

Hình như gió
Ngược tìm năm tháng đấy
Hát dông dài
Hoa bất tử ơi....

Bóng chữ - Mỹ Linh ca


Bài thơ trên ghế đá - thơ Lê Đạt

Chia xa rồi anh mới thấy em
Như một thời thơ thiếu nhỏ
Em về trắng đầy cong khung nhớ
Mưa mấy mùa
mây mấy độ thu

Vườn thức một mùi hoa đi vắng
Em vẫn đây mà em ở đâu

Chiều Âu Lâu
bóng chữ động chân cầu.


Dạ Khúc - Quang Lý ca


Dạ Khúc - thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường

Có buổi chiều nào như chiều xưa
Anh về trên cát nóng
Đường dài vành môi khát bỏng
Em đến dịu dàng như một cơn mưa

Có buổi chiều nào như chiều qua
Lòng tràn đầy thương mến
Mang cả xuân thì em đến
Thắm nồng như một bông hoa

Có buổi chiều nào người bỏ vui chơi
Cho tôi chiếc hôn nồng cháy
Nỗi đau bắt đầu từ đấy
Ngọt ngào như trái nho tươi

Có buổi chiều nào không mộng mị vây quanh
Nửa vành mi cong hờn dỗi
Em xõa muộn sầu trên gối
Rối bời như mớ tơ xanh

Có buổi chiều nào hình như chưa nguôi
Vầng trăng sáng màu vĩnh viễn
Em có lời thề dâng hiến
Cho anh trọn một đời người

Có buổi chiều nào như chiều nay
Căn phòng anh bóng tối dâng đầy
Anh lặng thầm như cái bóng
Hoa tàn một mình em không hay


Biển, nỗi nhớ và em - thơ Hữu Thỉnh - Ngọc Tân trình bày 


Thơ viết ở biển
thơ Hữu Thỉnh


Anh xa em
Trăng cũng lẻ
Mặt trời cũng lẻ
Biển vẫn cậy mình dài rộng thế
Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn

Gió không phải là roi
mà vách núi phải mòn
Em không phải là chiều
mà nhuộm anh đến tím
Sóng chẳng đi đến đâu
nếu không đưa em đến
Dù sóng đã làm anh
Nghiêng ngả
Vì em


nguồn các bài thơ: hoahb blog

6/5/13

Tống Biệt Hành

Thâm Tâm
Ngồi nghe ngâm Tây Tiến, chợt nhớ mấy bài thơ cũng giọng bi tráng ấy

Thâm Tâm với Tống biệt hành, bi tráng, nhưng nhiều bi mà ít tráng, bế tắc

Âm nhạc truyền thống Huế 4 - Ca Huế

Ca Huế trên sông Hương. Hình: net
Ca Huế là một thể loại âm nhạc cổ truyền Huế, gồm khoảng 60 làn điệu, bài bản của dòng âm nhạc dân gian, nhạc thính phòng và một phần của Nhã nhạc cung đình Huế theo hai điệu thức chính là điệu Khách và điệu Nam. Điệu Khách thì âm sắc vui tươi, rộn rã như cổ bản, long ngâm, phú lục, hành vân, long điệp… Còn điệu Nam thì sâu lắng, man mác buồn như nam ai, nam bình, tương tư khúc, vọng phu... Đi liền với ca Huế là dàn nhạc với bộ ngũ tuyệt gồm tranh, tỳ, nhị, nguyệt, tam; thêm vào đó là bầu, sáo và bộ gõ trống Huế, sanh loan, sanh tiền ..

Mời nghe Mặc Lâm nói chuyện với GS Trần Quang Hải về Ca Huế, sau đó mời tham dự hàm thụ một buổi Ca Huế trên sông Hương  :-D

Ai muốn tìm hiểu thêm về tính chất đặc điểm ca Huế có thể đọc bài viết của Tôn Thất Bình giới thiệu ở cuối.

5/5/13

Quang Dũng - Tây Tiến

Ảnh: vi.wikipedia
Quang Dũng (tên thật là Bùi Đình Diệm; 1921–1988) là tác giả của một số bài thơ nổi tiếng như Tây Tiến, Đôi mắt người Sơn Tây, Đôi bờ... Ngoài ra ông còn là một viết truyện, kịch, vẽ tranh, soạn nhạc .. và cũng từng giữ chức Đại đội trưởng trong Trung đoàn Tây Tiến trong kháng chiến chống Pháp

Sau 1954 ông làm biên tập viên cho báo Văn nghệ, sau đó là nhà xuất bản Văn học.

Trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm, ông bị gửi đi chỉnh huấn.

Những câu thơ bi tráng trong bài thơ Tây Tiến

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm


Bị qui kết là mang hơi hướng tiểu tư sản, thiếu tính chiến đấu, có hại cho tinh thần bộ đội .. Dù sau này, chính bài thơ Tây Tiến nghe đâu lại được khắc trên bia ở nhiều nghĩa trang liệt sĩ .. Từ đó, ông sống âm thầm trong thiếu thốn ..
Năm 2001, mừơi ba năm sau khi ông mất, ông đã được truy tặng Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật.
Ngày nay bài thơ Tây tiến được giảng dạy trong chương trình văn học lớp 12.

Từ Công Phụng - trên ngọn tình sầu

nhạc sĩ Từ Công Phụng. photo RFA
Từ Công Phụng sinh 1942, Ninh Thuận, viết ca khúc đầu tay Bây giờ tháng mấy năm 1960, lúc 18 tuổi, nỗi tiếng trong thập niên 1960, 1970 cùng với Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Lê Uyên Phương ...

Qua Mỹ định cư 1980, đến 2007 bị ung thư túi mật, phải cắt bỏ. năm 2010 bị ung thư gan, bs chẩn đoán giai đoạn cuối, sống không quá ba tháng ..  Nhưng đã qua khỏi và mới đây đã trở về VN tổ chức show nhạc 50 năm Tình ca Từ Công Phụng vào đêm 19.1 tại Nhà hát TP.HCM.
Sau 4/1975 nhạc của ông bị cấm lưu hành, đến 2003 một số bài mới được cấp phép trở lại .. 

Mời nghe bài phỏng vấn nhạc sĩ Từ Công Phụng của Vũ Hoàng (RFA) và nghe lại một số tình ca của ông.

Dịch thuật thời thổ tả

Sáng sớm lướt mạng, đọc bài viết của TS Vũ Thị Phương Anh viết về thảm họa dịch thuật, nhớ chuyện buồn cười mấy hôm trước - đưa câu tiếng Việt không can đảm, chỉ liều, nó dịch nicht mutig, nur Dosis :-D.
Thật ra thỉnh thoảng đùa vui, mình cũng nhờ dịch một câu nào đó ra tiếng Nga, tiếng Đức .. và kinh nghiệm là ko nên nhờ dịch từ tiếng Việt, mà nên nhờ dịch từ tiếng Anh. Có lẽ tiếng Việt nhiều từ đồng âm khác nghĩa, Gúc sẽ rất bối rối để chọn, và thường thì xác suất chọn từ đúng khá thấp - dù là chọn theo tần suất. Tiếng Anh gần gũi với Pháp, Đức, Nga, .. hơn tiếng Việt, rất nhiều từ cùng gốc Latin nên Gúc dễ chọn hơn. Cả dịch ra tiếng Việt cũng thế. Nhiều lyrics tiếng Ý tiếng Nga .. nhờ Gúc dịch qua tiếng Việt nhiều chổ đọc chả hiểu gì, nhưng nhờ dịch qua tiếng Anh thì dễ hiểu hơn.
Lưu lại entry của TS Vũ Thị Phương Anh lại đây tặng người bạn gv tiếng Anh. để bạn bớt ngạc nhiên khi đọc những câu dịch trời ơi của SV nhé  :-D 

4/5/13

Diva 1 - diva Tây

Chúng ta nghe nói đến từ diva nhiều, nhưng hiểu cho tường tận thì có thể nhiều người chưa rõ. Hôm nay nhờ Thy Nga (RFA) giải thích từ này, và nghe một số giọng ca diva Tây.

Kỳ này nghe Maria Callas, Edith Piaf, Dalida và Céline Dion. Lần tới nghe tiếp Diana Ross, Whitney Houston, Christina Aguilera, Mariah Carey,  ..

3/5/13

Renoir

Pierre-Auguste Renoir (1841 - 919) họa sĩ người Pháp, một trong những người tiên phong của trường phái Ấn tượng (Impressionism), tác phẩm hiện được trưng bày ở nhiều bảo tàng trên thế giới. Bức Bal au moulin de la Galette được bán năm 1990 với giá 78.1 triệu USD, hai bức khác của ông cũng đã được bán với giá hơn 70 triệu USD.

Renoir vẽ khá nhiều tranh nuy. Mời click nghe nhạc và ngắm loạt tranh Tắm của ông

La serenata - Tosti

Francesco Paulo Tosti  - Ảnh en.wikipedia
La Serenata là bản serenata của Tosti, một trong bốn serenata nổi tiếng nhất xưa nay (ba serenata kia là Serénade de Schubert, Serenata Rimpianto của Toselli và Eine Kleine Nachtmusik của Mozart)

Francesco Paolo Tosti (1846 – 1916) nhà soạn nhạc Ý, về sau đến sống, làm việc ở Anh, đến cuối đời mới trở lại quê hương và mất tại Rome.

La Serenata được ông sáng tác năm 1888, với phần lời do Cesareo. Mời nghe La Serenata do hai giọng tenor Pavarotti và Bocelli trình bày. Ta cũng sẽ nghe thêm một bản nhạc nữa của Tosti nổi tiếng không kém là Goodbye (lyrics: George J. Whyte-Melville), đôi khi cũng đươc trình bày bắng tiếng Ý với nhan đề Addio (lyrics: Rizzelli). Sau đó nghe thêm một số bản Dạ khúc của các nhạc sĩ Việt Nam

2/5/13

Thái Thanh nói chuyện nghề

Nghe tiếp Thái Thanh nói chuyện với Thụy Khuê về nghệ thuật cầm ca. Bài nói chuyện phát trên RFI hồi 2/1995. Ai muốn tìm hiểu thêm TT, mơì đọc thêm bài báo đăng trên thethaovanhoa.vn

Thái Thanh và nghệ thuật cầm ca - Thụy Khuê


Chuyện tình buồn


Tình sầu Du Tử Lê


Đọc: Những tiếng hát một thuở: Thái Hằng là chị, em là Thái Thanh

(Thethaovanhoa.vn) - Gần đây có thông tin nữ danh ca Thái Thanh mắc căn bệnh Alzheimer (một chứng mất trí phổ biến) và tình trạng sức khỏe đang ngày một yếu đi. Ở tuổi gần 80, dù đang chạy đua với quỹ thời gian mỗi lúc một cạn dần nhưng những ảnh hưởng từ giọng hát của bà còn rất lớn, Thái Thanh vẫn luôn được xem là một trong những diva hàng đầu của tân nhạc Việt Nam.

Hai nàng Kiều ở phố Neo

Thái Hằng, Thái Thanh là con gái của ông bà Phạm Đình Phụng. Thái Hằng (nghệ danh được nhà thơ Thế Lữ đặt) là con gái đầu lòng, tên thật là Phạm Thị Quang Thái. Còn Thái Thanh là con gái út trong nhà, tên thật là Phạm Băng Thanh. Việc anh chị em Thái Hằng đều trở thành những nghệ sĩ tên tuổi không phải là một điều lạ vì bởi song thân của họ là hai người rất sành nhạc cổ: thân phụ là một nghệ sĩ chơi đàn nguyệt có tiếng tăm, trong khi thân mẫu thì đánh đàn tranh, đàn tỳ bà, hát ả đào nổi tiếng ở đất Bắc. Bởi vậy dường như máu văn nghệ, mà cụ thể là máu âm nhạc hầu như đã có sẵn trong huyết quản của tất cả anh em Thái Hằng.

Thái Hằng - Thái Thanh
Năm 1949 gia đình ông bà Phạm Đình Phụng tản cư về khu chợ Neo (Thanh Hóa) lúc bấy giờ thuộc Liên khu IV. Tại đây, gia đình ông đã mở tiệm phở Thăng Long và chỗ này nhanh chóng trở thành chỗ tụ họp đông đảo của các văn nghệ sĩ đi theo kháng chiến thời đó, nhất là khi tiệm phở lại có bóng dáng mấy cô Kiều là hai chị em mà sau này sẽ nổi tiếng dưới hai tên hiệu Thái Hằng và Thái Thanh. Tại đây, nhạc sĩ Canh Thân làm những bài như Cô hàng cà phê và nhạc sĩ Phạm Duy, lúc bấy giờ đang còn là một ca sĩ nổi tiếng, thường qua lại ve vãn cô chủ tiệm Thái Hằng, người có đôi mắt buồn muôn thuở.

Cũng từ đây ban Hợp ca Thăng Long ra đời với thành phần phần ban đầu gồm: Thái Hằng, Thái Thanh, Hoài Trung (tức Phạm Đình Viêm), Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), sau đó có thêm Phạm Duy và Khánh Ngọc. Sau này, khi vào miền Nam, đây là ban hợp ca được xem là nổi tiếng nhất với trụ cột là tiếng hát Thái Hằng - Thái Thanh. Cần phải nói thêm rằng ở miền Nam trước đó, ngoài ban Hợp ca Thăng Long thì nổi nhất là tam ca Ngọc Lê Hà (Hoàng Lê và Khánh Ngọc là hai chị em ruột). Sau họ còn có thêm đôi song ca Tâm Vấn và Thịnh Thái. Nhưng dưới ánh đèn sân khấu, không ai sáng hơn Thái Hằng - Thái Thanh, những tiết mục của họ đều là những tiết mục ăn khách nhất, nhiều người đánh giá tiếng hát của hai chị em nhà họ Phạm là song phẩm, Thái Hằng kiều diễm, đoan trang còn Thái Thanh sắc sảo duyên dáng, chưa kể kỹ thuật thanh nhạc gần như là vô song và diễn ý tình bản nhạc trên sân khấu lại vô cùng quyến rũ.

Giọng hát của Thái Hằng gợi nên hình ảnh của một bà hoàng, còn giọng hát Thái Thanh lại gợi hình ảnh một quý phi. Và trên hết, tiếng hát của họ thực sự là những tiếng hát vượt thời gian

Ban Hợp ca Thăng Long chuyên hát những ca khúc vui tươi: Ngựa phi đường xa (Lê Yên), Sáng rừng, Hò leo núi (Phạm Đình Chương)… với cách hòa thanh khi ấy như một làn gió tiên phong, mở đường cho phong cách hát nhiều bè, hát đuổi cho nhiều ban hợp ca sau này trên sân khấu ca nhạc. Hoài Bắc - Phạm Đình Chương còn là người viết nhiều ca khúc bất hủ: trường ca Hội trùng dương, Ly rượu mừng... Họ cũng là ban hợp ca trình bày ca khúc sử thi đồ sộ Hòn vọng phu của nhạc sĩ Lê Thương với lối trình bày rất lạ thời ấy: xen trên nền nhạc, giọng diễn ngâm của Thái Hằng, Thái Thanh đưa Chinh phụ ngâm khúc vào, biến trường ca bi tráng của Lê Thương trở nên gần với thể loại nhạc kịch. Hai chị em Thái Hằng - Thái Thanh còn được thính giả Đài phát thanh Sài Gòn rất hâm mộ khi ngâm thơ trong chương trình Tao Đàn do thi sĩ Đinh Hùng phụ trách cũng như những bản song ca mà giờ này nhiều người vẫn còn nhớ đến.

Tuy vậy đến đầu thập niên 1970 thì Thái Hằng và Phạm Duy tách khỏi Hợp ca Thăng Long và lúc này ban hợp ca cũng tan rã, các nghệ sĩ trong nhóm đi theo những hướng riêng trên con đường âm nhạc của mình.

Thái Hằng - Tiếng hát thùy dương
Giọng hát của Thái Hằng từng được một nhà văn miền Nam mô tả: “Dẻo mềm như nhánh thùy dương, dù có bị gió lay động nhưng nó không lả lơi đùa cợt cùng gió như loại nhược lan, lệ liễu, cỏ bồng cỏ bồ” và quan trọng hơn là “ánh sáng trong giọng hát của chị là ánh trăng mát mẻ dịu hiền chứ không phải là ánh sáng bình minh rực rỡ huy hoàng trong giọng hát Thái Thanh”.

Thái Hằng được nhớ rất nhiều qua những ca khúc như Gánh lúa, Bà mẹ quê, Tình hoài hương hay Về miền Trung, Tiếng hát Thiên Thai, Dòng sông xanh  (lời Việt của Phạm Duy)… Giọng hát của bà được đánh giá đạt đến mức điêu luyện hiếm có, chưa ai vượt qua được.

Suốt nhiều thập niên trước năm 1975, Thái Hằng còn là giọng ngâm thơ được yêu mến trong các chương trình thơ văn và thoại kịch trên Đài phát thanh Sài Gòn. Cho đến nay giới thưởng ngoạn âm nhạc Việt Nam còn nhớ giọng ca của bà qua những bản Tiếng sáo thiên thai, Tình hoài hương, Tình ca... của Phạm Duy.
Hoài Trung - Thái Thanh - Hoài Bắc
Ngoài vai trò một người mẹ của 8 người con, bà còn là người vợ mà nhạc sĩ Phạm Duy vô cùng kính trọng. Trong suốt nửa thế kỷ hôn nhân với Phạm Duy, dù vẫn biết ông là người đào hoa bậc nhất bà vẫn chưa bao giờ có một lời nói nặng nào. Nhạc sĩ Phạm Duy ca ngợi bà là vị thần hộ mệnh của mình, ông viết: “Bà là sự nâng đỡ của tôi trong phen sa ngã, là sự thanh bình của tôi trong nhiều sóng gió, là sự thành công của tôi trong cơn vật vã với đời, là nụ cười của nàng Mona Lisa kín đáo”…

Ca sĩ Thái Hằng không được nhắc đến nhiều bằng cô em Thái Thanh nhưng vẫn luôn nhận được sự kính trọng bằng giọng hát phi thường của mình. Sau năm 1975 bà vẫn đi hát nhưng chỉ là để giữ giọng phụ cho hai cô con gái là Thái Hiền và Thái Thảo hát chính. Và khi ca sĩ Duy Quang định cư hẳn ở Mỹ thì Thái Hằng hoàn toàn lui vào hậu trường và không bao giờ đi hát nữa.

Bà mất năm 1999 vì ung thư phổi. Thời gian đó, khi hay tin vợ mắc nan y, nhạc sĩ Phạm Duy đã bỏ tất cả mọi dự án âm nhạc để ở bên cạnh bà những ngày cuối đời. Ông nói rằng trong suốt cuộc hôn nhân này ông luôn chịu ơn bà và cho dù cuộc đời ông nhiều trắc trở nhưng tình nghĩa vợ chồng chưa bao giờ sóng gió, ông chưa bao giờ vắng nhà qua đêm và Thái Hằng chưa hề phải xa chồng, dù chỉ một ngày.

Thái Thanh: tiếng hát trên trời
Nhà văn Thụy Khuê viết rằng: “Thái Thanh là một danh hiệu, nhưng như có ý nghĩa tiền định: bầu-trời-xanh-tiếng-hát. Hay tiếng hát xanh thắm màu trời. Tiếng hát long lanh đáy nước trong thơ Nguyễn Du, lơ lửng trời xanh ngắt trong vòm thu Yên Ðổ, tiếng hát sâu chót vót dưới đáy Tràng Giang Huy Cận, hay đẫm sương trăng, ngừng lưng trời trong không gian Xuân Diệu, tiếng hát cao như thông vút, buồn như liễu đến từ cõi thiên thai nào đó trong mộng tưởng Thế Lữ”. Quả thực trong gia đình họ Phạm, Thái Thanh là nữ danh ca có tiếng tăm và để lại nhiều ảnh hưởng nhất, bà được xem là diva số một của làng nhạc Sài Gòn thời ấy.

Tên tuổi Thái Thanh lẫy lừng trên khắp các chương trình ca nhạc truyền thanh cũng như truyền hình, từ hãng đĩa nổi tiếng cho đến các phòng trà tiếng tăm ở Sài Gòn. Nói về “ngôi vị” của Thái Thanh trong giới ca sĩ Sài Gòn trước 1975 có lẽ không ai chính xác bằng người trong giới, đặc biệt là một trong các danh ca hàng đầu thời ấy, Lệ Thu. Năm 1970, nhân chuyến tham dự khai mạc Hội chợ Osaka, Nhật Bản, Lệ Thu đã trả lời báo chí rằng: “Nếu chị Thái Thanh có mặt ở đây và hát, mọi người sẽ cúi đầu khâm phục”. Được xem là đắt giá nhất trong giới ca sĩ ngày đó, Lệ Thu chỉ chấp nhận “nghiêng đầu” trước Thái Thanh.

Những gì thuộc về Thái Thanh rất khó bị lặp lại bởi những ca khúc mà bà ngân lên, kể cả những bài đã từng có người hát trước đó, như thể bà khoác lên cho chúng một chiếc áo mới, một cuộc đời mới. Nhiều người vẫn không thể thích ai khác ngoài Thái Thanh qua những ca khúc như Chuyện tình buồn, Kỷ vật cho em, Ngày xưa Hoàng Thị, Đêm màu hồng, Ru ta ngậm ngùi hay những sáng tác của Phạm Đình Chương và đặc biệt, là những nhạc phẩm của Phạm Duy. Ngay từ những ngày đầu tiên cất tiếng hát (khoảng 13, 14 tuổi) trong vùng hậu phương của thời toàn dân kháng chiến chống Pháp, Thái Thanh cũng đã hát nhiều nhất là nhạc của Phạm Duy. Sau khi hồi cư về Hà Nội rồi di cư vào Sài Gòn (khoảng giữa năm 1950) cùng gia đình, Thái Thanh bắt đầu nổi tiếng như cồn khắp Trung - Nam - Bắc qua những sáng tác của người nhạc sĩ đa tài này.

Nhạc sĩ Phạm Duy cho rằng: “Nếu không có Thái Thanh thì nhạc Phạm Duy cũng không được hay và nổi lên được như vậy”. Ông nhận xét: “Thái Thanh là giọng ca duy nhất hát nổi hai cao độ chạy dài tới 2 bát âm trong nhạc của tôi. Không những thế, cô có giọng hát rất truyền cảm”. Cũng như Khánh Ly làm nổi bật tên tuổi Trịnh Công Sơn, Thái Thanh đã đóng góp rất nhiều trong việc đưa nhạc Phạm Duy lên ngôi vị cao nhất tại Sài Gòn trước đây.

Lập gia đình với tài tử điện ảnh Lê Quỳnh năm 1956 và cuộc hôn nhân này tồn tại trong 9 năm, trong khoảng thời gian ấy bà sinh được 5 người con. Sau khi sinh con, Thái Thanh vẫn tiếp tục ca hát và ngày càng trở thành một đệ nhất danh ca của nền tân nhạc Việt Nam. Bà giữ cho mình một nhịp độ hoạt động rất quy tắc, như một vận động viên điền kinh, bền bỉ và dai sức. Bà luôn có trách nhiệm và rất coi trọng nghề nghiệp. Chính vì lẽ đó mà suốt một thời gian bà không cho phép con mình đến với nghiệp hát vì bà sợ đi trên con đường này phải trả giá và kiên trung ghê gớm. Phải đến khi qua Mỹ bà mới cho phép ái nữ Ý Lan, khi đã gần 30 tuổi, được đi trên con đường âm nhạc giống mình.

Thái Thanh sang Mỹ năm 1985 và năm 1995 bà đi hát lại, ở tuổi 61. Tuy vậy, đến năm 2002 thì bà quyết định kết thúc sự nghiệp. Đây đó cũng vài lần Thái Thanh đi hát nhưng chỉ mang tính chất giao lưu còn thì bà gần như không còn hoạt động âm nhạc nữa. Trong suốt sự nghiệp của mình, Thái Thanh gần như là ca sĩ có số lượng đĩa hát đồ sộ (với rất nhiều hãng đĩa lớn nhỏ) và số ca khúc mà bà thể hiện cũng đã hơn 500 bài và trong đó rất nhiều bài vẫn còn được yêu mến. Những cuốn băng cối Thái Thanh luôn là gạch đầu dòng đầu tiên của những người mê sưu tầm đồ cổ.
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
---
Trong bài có cụm từ Tiếng hát trên trời có lẻ mượn từ bài viết của Thụy Khuê Thái Thanh Tiếng hát lên trời