Vừa vào Tiền Vệ đọc mới biết Nohira Munehiro đã viết một luận án tiến sĩ trình tại ĐH Ngoại ngữ Tokyo về Phạm Công Thiện, và năm 2009 luận án đã được xuất bản với tựa Ý Thức Mới - Phạm Công Thiện, tư tưởng gia Việt Nam. Sau đây là Lời nói đầu của cuốn sách do Nguyễn Tiên Yên dịch, cóp lại từ Tiền Vệ.
LỜI NÓI ĐẦU
Bìa cuốn Ý Thức Mới - Phạm Công Thiện Tư tưởng gia Việt Nam |
Phạm Công Thiện là một trí thức Phật giáo đại biểu cho Nam Việt Nam thời chiến tranh Việt Nam. Từ khoảng giữa thập niên 1960 trở đi, khi những trước tác của ông liên tục xuất bản, thì tiếng tăm ông lan rộng đến mức trở thành một hiện tượng thịnh hành với tên gọi hiện tượng Phạm Công Thiện, thậm chí còn được tôn sùng như thần tượng của giới trẻ đang sống trong tuyệt vọng chiến tranh.[1] Thế nhưng đột nhiên ông mất tích khỏi Việt Nam vào năm 1970. Có thi sĩ gọi ông là ngôi sao băng.[2]
Về một Phạm Công Thiện như ngôi sao băng đột ngột xuất hiện ở Việt Nam, xé toang đêm tối của thời đại chiến tranh rồi bất ngờ biến mất, hầu như không được biết đến ngoài lãnh thổ Việt Nam, và ngay ở Việt Nam hiện tại cũng chưa có được một đánh giá nghiêm cẩn.[3] Tuy nhiên, theo như tôi thấy, ông không những mười phần xứng đáng để nghiên cứu lại như là nhân vật đã cật vấn rất căn nguyên về địa ngục chiến tranh Việt Nam ngay tại đất nước đương sự, mà tôi còn cho rằng tư tưởng ông đưa ra chứa đầy tính trọng yếu không thể nào bỏ qua được đối với chúng ta những kẻ đang sống trong thế giới hôm nay mà toàn thể địa cầu đã bị phủ kín bởi tri thức cận đại và khoa học kỹ thuật có nguồn gốc từ Tây phương. Cho nên, lẽ thường, tôi phải giới thiệu ông qua cách giải thích của riêng mình đối với tư tưởng nan giải của ông.
Điều trọng yếu cần phải quan tâm khi nghiên cứu tư tưởng Phạm Công Thiện chính là những tác phẩm mà ông đã viết, còn mấy thứ như kinh nghiệm từng trải, quá trình học tập hay công ăn việc làm chỉ dừng ở mức yếu tố thứ yếu. Tuy nhiên, với một nhân vật có thể nói gần như vô danh tại Nhật Bản, dầu sao chăng nữa, trước hết, tôi muốn giới thiệu thật đơn giản coi Phạm Công Thiện là nhân vật như thế nào. Để vậy, có lẽ phương pháp tốt nhất là trích dẫn nguyên văn mấy lời tự giới thiệu bản thân rất khác thường do chính ông viết vào những năm giữa tuổi 20. Trong thi tập Ngày Sanh của Rắn xuất bản năm 1966, bài tự giới thiệu được viết như sau.
Thật đúng với những gì tôi đã cảm nhận từ đoạn văn trên, Phạm Công Thiện - hay hậu thân của Rimbaud - là người nổi tiếng có lời nói và hành vi cực kỳ quá khích ở Nam Việt Nam nửa sau thập niên 1960. Không chừng chính từ mấy câu tự giới thiệu này mà ông bị mang ấn tượng phải chăng đây chỉ là một nhân vật ma mãnh tự xưng thiên tài, rồi thì nói năng ba hoa, liều lĩnh chống đối quyền uy. Có điều, tất cả không gì khác ngoài ngộ nhận.
Từ thủa thiếu thời Phạm Công Thiện đã đọc thông hiểu một lượng khổng lồ sách vở cổ kim Đông Tây bằng nguyên ngữ, và có dáng vẻ bác học đến nỗi người trong thiên hạ phải gọi là thần đồng, là thiên tài. Nhưng đâu chỉ dừng lại ở bấy nhiêu đó. Ông còn đấu tay đôi với tư tưởng của Nietzsche, Heidegger, Henry Miller, Suzuki Daisetz, Long Thụ; ông lại mạo hiểm phá hoại nền tảng suy tư siêu hình học Tây phương – nơi khởi nguồn của chiến tranh cận đại cũng như phân tâm học; ở chỗ tận cùng của ý thức và tồn tại ông tìm thấy tư tưởng hố thẳm cần phải đối chọi với địa ngục (naraka) của thời đại chính là chiến tranh Việt Nam. Hơn nữa, giống như Henry Miller, sự minh tuệ của ông luôn gắn liền với đời người. Ông không bị cầm tù trong ‘vọng niệm’ như là ‘thường thức’ và ‘tập quán’ – những thứ do thế giới ngôn ngữ hiện tại tạo ra đã trói buộc đời sống con người, ông đốt cháy đời sống tự do của mình, ông sống y nguyên như vốn có. Đoạn tự giới thiệu trên đã bày tỏ chân thật điều đó.
Như chính ông cũng đã ý thức được bản thân “chỉ đi một mình”, trong lòng thét gào rất chính trực và cực cùng cô độc bất chấp bị thế gian cự tuyệt không chút đồng cảm. Vậy thì cái tư tưởng đó thật sự là như thế nào? Bắt đầu từ đây, tôi sẽ đuổi theo quỹ đạo của ngôi sao băng này.
Cấu thành của sách
Đoạn văn tự giới thiệu của Phạm Công Thiện dừng lại ở những ghi chép cho đến giữa tuổi hai mươi khi tập thơ được xuất bản, nhưng ở Chương Mở Đầu, một lần nữa, tôi sẽ hết sức tóm tắt theo trình tự thời gian và muốn giới thiệu thật đơn giản về cuộc đời phiêu bạt từ lúc mới sinh cho đến tận hiện tại của ông,[5] chủ yếu dựa trên những gì ông đã viết trong các trước tác của mình.
Chương Mở Đầu giới thiệu cuộc đời ông đầy những thăng trầm, chỉ bấy nhiêu đó cũng thú vị lắm rồi, nhưng điểm mấu chốt của sách này nói chung không gì ngoài đương đầu với sự khó hiểu, và làm sáng tỏ tư tưởng của ông mà hầu như đã không được đặt thành vấn đề đích đáng. Có điều, chính vì tư tưởng của ông triển khai trên tiền đề là phải thông bác từng chữ Đông Tây kim cổ, vì thế nếu không có một tri thức tiền đề cỡ đó thì chắc chắn sẽ cảm thấy khó hiểu. Hơn nữa thuật ngữ mà ông sử dụng, ví dụ như thuật ngữ chủ yếu là Tính chẳng hạn, thoạt nhìn có vẻ đơn thuần nhưng thực ra bên trong ẩn chứa ý nghĩa độc đáo hoàn toàn khác với thông thường. Sẽ rất khó thâm nhập vào tư tưởng của ông nếu như không hiểu được những thuật ngữ như vậy có ý nghĩa ra sao, dù xét trên bề mặt hay xét về hình thức đi nữa, cho nên ngay từ đầu nhất thiết phải nát óc với những thuật ngữ độc đáo của ông coi chúng mang ý nghĩa là gì. Vì thế, Chương Một sẽ lấy vấn đề ‘ông đã suy nghĩ về chiến tranh Việt Nam như thế nào’ làm manh mối để giải thích về ý nghĩa của thuật ngữ chủ yếu Tính mà ông sử dụng. Sau đó, sẽ khảo sát xoay quanh sự lãnh hội của ông về ‘tư tưởng Heidegger’ và ‘Thiền’– là hai thứ đã làm tiền đề nghĩ ra thuật ngữ đó.
Chương Hai lấy trục chính là thuật ngữ Tính và Việt, tôi chọn ra Im lặng Hố thẳm như tác phẩm đại biểu của nửa sau thập niên 1960 đã đề xuất tư tưởng Việt Nam độc đáo ở thời đại chiến tranh Việt Nam, và cố gắng đọc hiểu trước tác nan giải này. Ngoài Tính và Việt vừa nói, còn tiến hành khảo sát chú trọng vào những cụm từ hay danh từ riêng mà tôi cho là tối quan trọng trong trước tác này như Im lặng Hố thẳm cũng là tên của trước tác; như Dịch hoá pháp – chữ mà Phạm Công Thiện chọn làm dịch ngữ cho ‘Dialektik’ của Long Thụ đối kháng lại Biện chứng pháp; và như Không Lộ - cũng là tên của một Thiền sư Việt Nam thời xưa. Ngoài ra, từ Chương Hai trở đi sẽ tích cực sử dụng Lý luận Phân tiết Ý nghĩa Ngôn ngữ của Giáo sư Izutsu Toshihiko để cố gắng làm rõ ràng thêm về ‘tư tưởng của Phạm Công Thiện đã coi thuật ngữ Tính đóng vai trò trung tâm’.
Chương Ba sẽ luận về, ‘tính liên quan tư tưởng giữa Henry Miller, Heidegger và Phật giáo mà Phạm Công Thiện đã tìm ra’, và, ‘sự hình thành tư tưởng độc đáo của Phạm Công Thiện khởi từ đó’. Cụ thể trước hết, liên quan đến Thư ngỏ gửi Henry Miller tố cáo trạng huống chiến tranh Việt Nam, sẽ khảo sát về vấn đề nguyên do tại sao Phạm Công Thiện đã hỏi Miller câu hỏi tồn tại luận còn nặng ảnh hưởng của Heidegger. Tiếp theo, căn cứ trên tư tưởng của Heidegger và Miller mà truy tìm chân ý của mệnh đề táo bạo của Phạm Công Thiện: Sein của Heidegger chính là Cunt của Miller. Rồi khảo sát tư tưởng Việt Nam của Cái và Con – mà Phạm Công Thiện đã đề xướng – nghĩa là như thế nào, dĩ nhiên có liên quan mật thiết đến ý nghĩa của mệnh đề trên, nhưng ở đây ông đã lựa chọn Cái và Con gần gũi hơn trong tiếng Việt.
Từ những khảo sát về tư tưởng của Phạm Công Thiện cho đến đây, Chương Bốn chuyển sang khảo sát đặt trọng điểm vào sáng tác của ông. Tôi sẽ chọn ra những sáng tác cụ thể của ông – người coi mình không phải tư tưởng gia cũng chẳng phải triết gia mà là một thi sĩ, và suy nghĩ xem có thể tìm thấy tư tưởng gì ở đó, đối với ông thơ và nhà thơ mang ý nghĩa gì? Trước hết, Phạm Công Thiện là người đã phê phán Siêu hình học Tây phương như là nguyên nhân căn bản của chiến tranh Việt nam, như vậy ông đối chọi như thế nào đối với Tự ngã cận đại được hình thành ở nửa đầu thế kỷ XX trong văn học Việt Nam thông qua thuộc địa hoá của thực dân Pháp, đó là ‘khảo sát phương diện phá hoại trong tác phẩm của ông’ đặt trọng tâm vào tác phẩm Mặt trời Không bao giờ Có Thực. Kế tiếp, Phạm Công Thiện đã lý giải như thế nào về mối quan hệ giữa làm thơ và quê hương để rồi biến nó thành tác phẩm, đó là ‘khảo sát phương diện sáng tạo trong tác phẩm của ông’. Rồi ngược về tận nguồn cơn làm thơ mà đối với ông được gọi là Thơ hay Nguồn Trong Trẻo viết hoa, để từ đó nhìn xem thi nhân làm thơ và tư tưởng về quê hương như thế nào bằng tiếng mẹ đẻ, nhờ đó mới suy nghĩ về quan hệ tính căn nguyên của ‘ngôn ngữ’, ‘thế giới’ và ‘thi nhân’.
Chương Kết Thúc sẽ nhìn lại những khảo sát từ đầu, chỉ ra cho thấy bước đi của cuộc đời Phạm Công Thiện, là bước đi hướng về chỗ đồng nhất – hiện đang tiềm phục có thể siêu việt thời đại cũng như hai bờ Đông-Tây, nó hình như được đánh dấu nghĩa là Tâm cũng là Nguồn Trong Trẻo; và là sự mạo hiểm mà con người hiện đại hướng về chỗ bên trong bản thân mình vẫn đang chưa biết.
_________________________
[1]Trần Tuấn Kiệt đã viết như sau về mối quan hệ giữa trước tác của Phạm Công Thiện với giới trẻ trong chiến tranh Việt Nam:
“Ý thức Bùng Vỡ, Ý thức Mới đầy phẫn nộ, cuồng bạo của Phạm Công Thiện được tuổi trẻ đón nhận ồ ạt, ấy cũng vì tâm hồn người trai trẻ trong sóng gió muốn nương vào chiếc bè gỗ trên sóng gió mà đỡ bớt chới với trong Mê cung địa ngục.” (Trần Tuấn Kiệt, Tác Giả Tác Phẩm: Đời sống và tác phẩm các văn nghệ sĩ Việt Nam, Sài Gòn, 1973, tr. 26–27).
[2]Lời mô tả Phạm Công Thiện của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền. Nhà văn Mai Thảo ghi như sau trong hồi tưởng của ông:
Tôi nhớ bấy giờ là cuối năm 1970. Phạm Công Thiện, trong tư cách khoa trưởng Văn khoa Đại học Vạn Hạnh, lên đường đi Âu châu dự một hội nghị đại học quốc tế rồi đi luôn không bao giờ còn trở về Việt Nam nữa. Hết thảy chúng tôi đều sững sờ, khó hiểu. Riêng Thanh Tâm Tuyền không. Bảo tôi: “Anh phải nhìn thấy sớm muộn rồi Phạm Công Thiện cũng phải một lần bỏ đi như thế, đi hẳn thật xa, mất tích. Có như vậy mới đúng là Phạm Công Thiện. Chúng ta ít nhiều là những định tinh. Hắn hơn là một hành tinh. Hắn là một ngôi sao băng”. (Mai Thảo, Chân Dung: Mười lăm nhà văn nhà thơ Việt Nam, Văn Khoa xuất bản, California, 1985, pp. 146–147).
[3]Hiện tại trên homepage talawas – một diễn đàn văn hoá tư tưởng nghệ thuật của Việt Nam hiện đại do nhà văn Phạm Thị Hoài sống ở Đức làm tổng biên tập, có đăng tải một số tác phẩm xuất bản trước đây tại Nam Việt Nam của Phạm Công Thiện như Ý thức mới trong Văn nghệ và Triết học, Mặt trời Không bao giờ Có Thực, Hố thẳm Tư tưởng, Im lặng Hố thẳm, các bản dịch Heidegger Triết lý là gì?, Về Thể tính của Chân lý đã được số hoá từ năm 2006. Có thể duyệt xem tại địa chỉ http://www.talawas.org
[4](nd) Tác giả bỏ sót không dịch câu này.
[5](nd) Chú ý hiện tại ở đây là tính đến thời điểm sách này được xuất bản vào tháng 6 năm 2009, tức khoảng 2 năm trước khi Phạm Công Thiện qua đời tại Mỹ.
Còn sau đây là Mặc Lâm trong chương trình Văn Học Nghệ Thuật của RFA, làm năm 2011, ngay sau khi được tin Phạm Công Thiện mất
Cuối cùng, đọc một bài thơ của PCT chứ nhỉ ? Bài thơ sau đây in trong tập Ngày Sanh của Rắn ko có tựa, chỉ được đánh số IV. Tựa và bài thơ chép lại từ một bài báo của Thi Vũ, người đứng ra in tập thơ này lần đầu tại Pháp.
click để đọc thơ: Quế Hương
Trời mưa Nữu Ước cây mọc
Nhớ em trời mưa ngày tháng
Nhớ em đường hoang mái vắng
Nữu ước chỉ còn em trong giấc ngủ
Trên bến điện nghiến nát
Tim anh tràn máu
Con chim đã bay về rừng đạn
Em còn ca hát
Anh không còn làm thi sĩ
Anh chỉ còn em trong giấc ngủ
Anh chỉ còn máu để đổ vào tim em
Quê hương anh làm hỏa ngục yêu quí
Thiên đàng làm lá đổ trên những đường mòn
Trên bước chân em trong giấc ngủ
Trên đôi mắt cà phê đen của Greenwich Village
Tóc anh mọc dài để che chở em những lúc mưa rơi
Những lúc đông lạnh
Những lúc lá rụng
Những lúc chim chiều đi mất
Những lúc anh chỉ còn em
Quế hương là em trên hồ quế mọc
Trên hồ thơm cây quế
Cây Quế Hương
Mười năm rồi
Cây Quế Hương vẫn nở hoa trên tim anh
Trên hơi thở anh
Trên những bước chân buồn phố mẹ ngày xưa
Trên những bước chân chiều phố lạ hôm nay
Mưa làm tóc anh thơm
Thơm mùi cây quế
Nở hoa chiều ba mươi Tết
Khi em còn nhỏ
Khi anh còn trẻ
Cây quế mọc
Như mặt trời mọc
Mặt trăng mọc
Mặt em mọc
Và nở hoa
Trên đôi mắt anh khi còn trẻ
Khi anh còn ca hát
Bây giờ em còn ca hát
Hay em đã quên
Như anh đã quên
Cây quế
Cây quế hương
Mọc mười năm trước
Và vẫn mọc hôm nay
Giữa quán cà phê Ý Đại Lợi
Tại phố Greenwich Village
Giữa lúc đêm mưa
Khi anh còn nhớ
Khi anh không còn khóc được
Nhưng anh vẫn còn máu để đổ vào những đêm khuya
Để đổ vào tám tách cà phê đen
Mà anh thường uống mỗi đêm
Tại Greenwich Village
Tại làng thi sĩ
Tại đường khói bay
Tại em trong giấc ngủ
Tại chiều ba mươi ở Việt Nam
Bây giờ anh ở xa Việt Nam
Đến mấy đại dương xanh
Anh xa Quế hương đến mấy phương trời cỏ mọc
Mấy phương trời quế mọc
Mấy phương trời em khóc
Em ơi
Em còn nói
Em còn phơi áo
Em còn đứng giữa phố buồn
Em còn cười
Cây Quế Hương vẫn mọc
Trên đầu anh
Trên mắt anh trong giấc ngủ
Trên môi anh
Trên mười ngón tay
Trên hai bước chân anh
Giữa đêm khuya ở Greenwich Village
Giữa lúc mưa
Giữa lúc anh buồn
Và hỏi
Anh đã làm gì cho chim
Anh đã làm gì cho lá
Anh đã làm gì cho cỏ
Anh đã làm gì cho những con đường
Anh đã làm gì cho những cánh đồng
Anh đã làm gì cho cây quế
Cây quế hương giữa chiều ba mươi Tết
Anh đã làm gì cho đời anh
Trả lời đi
Chim rừng
Lá rừng
Đường rừng
Cây Quế rừng
Mọc giữa hồ
Giữa Hồ Quế Hương
Anh vẫn ngồi đây
Anh vẫn còn thở
Vẫn uống cà phê
Vẫn nghe nhạc buồn
Vẫn trời mưa
Mưa trên phố đêm
Mưa trên quán cà phê Ý Đại Lợi
Mưa trên cây quế giữa hồ
Mưa trên chiến tranh
Của quê hương
Của Quế Hương
Của anh
Còn em.
nguồn bài thơ: Gio-0
Link đọc sách: Ý Thức Mới Trong văn Nghệ & Triết Học của PCT
Sao em đọc bài này cảm giác khô khan quá đi thôi.
Trả lờiXóaMấy nay thơ thẩn trăng sao, đụng tới cái gì phải nghĩ ngợi là ghét hà!
Trời ah, văn thơ PCT mà ko thơ mộng thì cái gì thơ mộng nữa hả trời. Em đọc lại mấy câu thơ anỳ đi
Xóa[color="blue"]Anh xa Quế hương đến mấy phương trời cỏ mọc
Mấy phương trời quế mọc
Mấy phương trời em khóc
Em ơi
Em còn nói
Em còn phơi áo
Em còn đứng giữa phố buồn[/color]
Bài thơ đủ cả trời trăng .. nhé
Khồng, khô khan thê thảm. Đau cả đầu.
XóaNói chung ông này triết quá, không thấm vô được. Lúc thì trăng sao lúc thì chiến tranh, hơ hơ...
Quay lại với ông Hàn cho nó khỏe thân.
:D
XóaHàn còn nhìu, nhưng sẽ post dần sau.
Sắp tới sẽ là PCT và những bản nhạc của Lê Khắc Thanh Hoài, người vợ đầu của ông
Tôi chia sẻ entry này lên face, bác Khung nhé! Chúc mùa Giáng sinh vui!
Trả lờiXóa(Chút chuyện riêng về 1 phần đời sống : Phạm Công Thiện có một người vợ Quảng Trị - người đồng hương của mình, trước khi ông "kết hợp" với Lê Khắc Thanh Hoài – người đã cùng đi một chặng đường 13 năm với Phạm Công Thiện )
Mời xem thêm thơ nhạc Phạm Công Thiện - Lê Khắc Thanh Hoài:
http://phamcongthien.com/index.php/poetry
tks bạn nhé.
XóaVề chuyện PCT có vợ người QT mình cũng có nghe loáng thoáng đâu đó, nhưng ko tìm ra nguồn tin cậy để dẫn ..
Cuộc đời PCT bị phủ quá nhiều huyền thoại, ngay bà LKTH đấy, vẫn có tin bảo: năm 1970 ông qua Phá cởi áo cà sa cưới bà vợ đầm ..
tks again, và chúc bạn một mùa Giáng sinh an lành
http://dutule.com/D_1-2_2-139_4-5811/nguyen-tien-yen-loi-noi-dau-trong-tac-pham-y-thuc-moi.html
Trả lờiXóaBên nhà ông Du Tử Lê có cái này anh!
Uh, giờ thì nhiều nơi đăng rồi .. trên website của Hội nhà văn tpHCM cũng có ..
XóaSách do Hương Tích của thầy Tuệ Sỹ xb, dự trù là năm 2014 đấy .. Bạn hiền đâu, có ghé vào đọc thì nhớ để sang năm tìm mua (hay xin :D)