VI. Không phân biệt được các từ gốc Hán đã Việt hoá và các từ “thuần Hán”
Trong tiếng Việt, số từ gốc Hán chiếm tỷ lệ rất lớn, được ước tính vào khoảng trên dưới 60%. Chỉ riêng trong phạm vi những từ thông dụng, số từ Việt gốc Hán lên đến vài vạn. Chúng tôi đưa ra con số đó là dựa trên cuốn từ điển đang được nói tới ở đây. Dung lượng của cuốn này vào khoảng 15 000 từ, đúng là gồm những từ thông dụng nhưng còn thiếu rất nhiều. Nếu kể đến hệ thống thuật ngữ trong các khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và kỹ thuật thì số từ gốc Hán có lẽ lên đến con số 5, 6 vạn hoặc hơn nữa. Tuyệt đại đa số các từ gốc Hán đã được cha ông ta và chúng ta ngày nay sử dụng theo nguyên nghĩa trong tiếng Hán, nghĩa là, chúng cũng có mặt trong vốn từ của người Hán với cùng nghĩa như chúng ta đang dùng. Chúng tôi tạm gọi đó là những từ “thuần Hán”. Ngoài ra, có một số ít từ ngữ gốc Hán đã được Việt hoá mà ta có thể gọi là “nửa Hán nửa Việt”. Chúng tôi tạm chia làm nhóm theo các đặc điểm như sau:
Các cuốn từ điển Hán Việt thường bao gồm các từ (hoặc thành ngữ) thuộc nhóm thứ nhất. Khi chúng được giải nghĩa theo cách dùng trong tiếng Việt thì các soạn giả đều nêu nghĩa ban đầu của chúng. Các từ hoặc thành ngữ thuộc nhóm thứ hai và thứ ba thì không soạn giả nào đưa vào từ điển Hán Việt vì chúng không có mặt trong vốn từ ngữ của người Hán. Nhưng, trong một cuốn từ điển tiếng Việt hoặc từ điển về những từ Việt gốc Hán thì sự có mặt của chúng là cần thiết. Chỉ có điều là, khi gặp những trường hợp như vậy, soạn giả không thể điềm nhiên cắt nghĩa từng từ tố rồi giảng nghĩa của cả từ là xong. Cần phải nêu rõ đặc điểm của các loại này, bởi vì, chúng chỉ chiếm chừng 0,1% trong tổng số những từ gốc Hán nhưng có đặc điểm khác hẳn so với 99,9% số từ gốc Hán còn lại. Nếu không, người đọc sẽ thấy có điều mâu thuẫn và có thể hiểu sai hoặc sử dụng sai nhiều từ khác. Ví dụ, sau khi đọc các mục từ nội chiến (nghĩa là chiến tranh giữa những người trong cùng một nước), nội hoá (nghĩa là hàng hoá sản xuất ở trong nước), và nội thành (nghĩa là khu vực bên trong thành phố), người đọc hẳn sẽ thấy có sự đổi ngược vai trò của từ tố nội ở từ nội thành. Nguyên nhân của sự đổi ngược đó là ở chỗ, các từ nội chiến, nội hoá được cấu tạo theo đúng cách thức của người Hán, còn từ nội thành tuy cũng gồm hai từ tố gốc Hán nhưng lại được cấu tạo theo cách thức của người Việt. Nếu người biên soạn từ điển không lưu ý người đọc trong những trường hợp “Việt hoá” như vậy thì nhất định sẽ dẫn người đọc đến nhiều điều lầm lẫn. Chính vì không phân biệt được cách cấu tạo từ theo kiểu Hán hay Việt nên rất nhiều người, kể cả soạn giả, đã đánh đồng giữa “nhân chứng” và “chứng nhân”, như đã phân tích ở mục từ II. 11. Dưới đây, chúng tôi nêu ra hầu hết những từ thuộc loại này mà soạn giả đã đưa vào cuốn từ điển của mình nhưng không nêu được tính chất “Việt hoá” của chúng, tổng số là 29 từ. Ở những từ thuộc nhóm b) và c), chúng tôi không thể ghi chữ Hán kèm theo.
1. ám ảnh
Theo soạn giả, từ ám ảnh có hai nghĩa: a) lởn vởn luôn trong trí óc, khiến cho phải lo lắng không yên; b) quấy rầy ở bên cạnh. Chúng ta chỉ có thể chấp nhận nghĩa thứ nhất nhưng khó chấp nhận nghĩa thứ hai. Tuy ám ảnh là một từ gốc Hán, nhưng nó đã được “Việt hoá” nên mới mang nghĩa thứ nhất như vừa nêu, và ta hiểu rằng, đó là một động từ. Cứ cắt nghĩa theo các từ tố thì “ám” nghĩa là mờ tối, “ảnh” nghĩa là cái bóng, và “ám ảnh” nghĩa là cái bóng mờ. Quả thật, đó là nghĩa của từ này trong trong tiếng Hán từ xưa đến nay. Soạn giả không nhận ra rằng, đây là một từ gốc Hán đã bị thay đổi nghĩa, nghĩa là nó đã bị “Việt hoá”. Ngoài ra, ông còn gán cho nó một nghĩa mà người đọc khó chấp nhận là quấy rầy ở bên cạnh.
2. án mạng
Chúng ta thường dùng từ án mạng để chỉ vụ án giết người. Từ này gồm hai từ tố gốc Hán nhưng được liên kết theo kiểu tiếng Việt. Các từ tố ở đây đã trở nên “Việt hoá” và được đặt theo trật tự trong tiếng Viêt. Nó tương đương với từ mạng án trong tiếng Hán. Người giảng dạy tiếng Việt cần phải nêu rõ điều đó.
3. án thư
Theo cách nói đã quen thuộc của chúng ta thì án thư là cái bàn để đặt sách vở, đúng như soạn giả đã giải thích. Nhưng cái bàn thờ, tức là cái bàn để thắp hương thì chúng ta phải gọi là cái hương án chứ không thể gọi là cái “án hương”. Án thư cũng là một trường hợp "phá lệ" như ở từ án mạng, không theo đúng trật tự của các từ tố trong tiếng Hán. Người Trung Quốc vẫn gọi cái án thư của ta là thư án.
4. ca trù
Ca là hát, trù 籌 là cái thẻ (có thể bằng tre, bằng gỗ hoặc bằng các vật liệu quý hơn). Theo những tài liệu đáng tin cậy thì ca trù (cũng gọi là hát ả đào) là lối hát bỏ thẻ, trong đó, người nghe cảm thấy chỗ nào hát hay thì ném thẻ thưởng cho người hát (gọi là cô đào). Ðịnh nghĩa của soạn giả về từ “ca trù” quả là không có gì sai. Tuy vậy, ông cứ điềm nhiên coi từ này như mọi từ “thuần Hán” khác, không nêu được tính chất “nửa Hán nửa Việt” của nó. Ðó là một thiếu sót không nhỏ.
5. diêm sinh
Nghe qua từ này, hẳn nhiều người nghĩ rằng, đó là một từ trong tiếng Hán hoặc ít ra thì các từ tố cũng bắt nguồn từ tiếng Hán. Cũng từ dự cảm đó nên soạn giả đã nghĩ ra rằng, diêm là muối, sinh là sống, và giải thích rằng, diêm sinh là lưu huỳnh Chúng tôi đã tra cứu khắp các bộ từ điển lớn nhất của Trung Quốc, nhưng không hề thấy nơi nào có từ diêm sinh, trong đó, diêm là muối (鹽) và sinh (生) là sống, mà cũng không hề gặp từ nào tuy viết khác hẳn nhưng vẫn có âm là diêm sinh. Hẳn đây là một từ chỉ có trong tiếng Việt. Thật vậy, trong các từ điển như Ðại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (Sài Gòn, 1895) và Dictionnaire Annamite-Francais của J. F. M. Génibrel (Sài Gòn, 1898) đều có từ diêm sinh. Ở hai bộ từ điển này, chữ diêm 焰 trong tiếng Hán (nghĩa là ngọn lửa) được dùng để thể hiện chữ diêm trong tiếng Việt, còn chữ sinh thì được ghép từ chữ thạch (石) và chữ sinh (生) để nhắc rằng, đây là một chất khoáng chứ không hề có nghĩa là “sống”. Theo Huỳnh Tịnh Của thì diêm = vật dẫn hoả, giống như muối; và sinh = vật vàng vàng có mùi hôi khét, hay cháy, vật để làm thuốc súng; vị thuốc trị sang độc; lưu huỳnh. Génibrrel thì viết: diêm = sel de nitre, salpêtre (một chất muối khoáng có công thức hoá học là KNO3, thành phần chính của thuốc nổ thông thường); sinh = souffre (lưu huỳnh), và diêm sinh = nitre et souffre. Như vậy, cả hai học giả này đã giải thích giống nhau, và từ đó, chúng ta đủ căn cứ để khẳng định rằng, soạn giả hoàn toàn phạm sai lầm khi giảng nghĩa các từ tố diêm và sinh, như đã nêu trên đây. Theo soạn giả của chúng ta thì diêm sinh = lưu huỳnh. Quả thật, trong dân gian, người ta vẫn dùng từ diêm sinh để chỉ lưu huỳnh, đó cũng là một cách dùng theo thói quen, chúng ta không bác bỏ nó nhưng cũng phải lưu ý đến lời giải thích trong hai bộ từ điển của thế kỷ 19 kể trên.
Một điều thú vị là, trong từ điển của Huỳnh Tịnh Của đã có từ hộp diêm. Rõ ràng, từ này không hề chịu ảnh hưởng của tiếng Hán, bởi vì, hiện nay, người Trung Quốc gọi que diêm là hoả sài, và trước đây họ còn gọi bằng nhiều từ khác như hoả thốn, lân thốn, toại mộc, dương hoả, dương viêm đăng.
6. do thám
Theo soạn giả, từ tố do có các nghĩa: từ đó, bởi đó; noi theo; nguyên nhân. Còn từ tố thám có nghĩa là thăm dò, mà nghĩa đen là thăm dò nguyên nhân. Và, do thám nghĩa là thăm dò tình hình đối phương một cách lén lút. Với cách hiểu và cách giải thích của soạn giả thì từ tố do vốn có gốc Hán, và từ do thám là một từ gốc Hán hoàn toàn.
Mặt khác, chúng ta hiểu rằng, từ do thám gần như đồng nghĩa với các từ trinh sát hoặc thám thính, bởi thế, các từ tố do và thám đều có vai trò của động từ và có nghĩa gần giống nhau, cho nên từ tố do không thể có những nghĩa như soạn giả đã nêu. Khi xem xét tất cả những chữ Hán có âm Hán Việt là do, chúng tôi không thấy có chữ do nào là động từ và có nghĩa là trinh sát, và trong các bộ từ điển lớn nhất cũng không tìm thấy từ do thám. Nhưng, theo các từ điển Ðại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (Sài Gòn,1895) và Dictionnaire Annamite-Francais của J. F. M. Génibrel (Sài Gòn, 1898) thì trong chữ Nôm, ngoài chữ do 由 mà cha ông chúng ta mượn từ chữ Hán (để chỉ quan hệ về nguồn gốc hoặc nguyên nhân, mà nhiều khi có thể thay bằng bởi hoặc vì), còn có chữ do nghĩa là dò xét (được dịch sang tiếng Pháp là explorer). Ðó chính là nghĩa của từ tố do trong từ do thám. Hai bộ từ điển này còn cho biết, từ tố do với nghĩa như thế còn có mặt trong các từ (mà ngày nay không dùng nữa) như canh do (=trông coi và tuần tra ban đêm), đi do (=đi tuần tra), quân do (= quân đi thám thính). Vì từ tố do này không có gốc từ chữ Hán nên cha ông chúng ta phải mượn chữ du 游 của Trung Quốc để ghi âm một cách gần đúng và để phân biệt với chữ do 由 ở trên. Như vậy, trong từ do thám, chỉ có từ tố thám (nghĩa là theo dõi để biết tình hình) mới có gốc Hán, còn từ tố do thì không có gốc Hán, và tất nhiên, nó không có nghĩa là từ đó hay bởi đó... như soạn giả đã giảng giải. Ông hoàn toàn không biết rằng, từ tố do không có gốc Hán và đã liều lĩnh gán cho nó một cái nghĩa sai.
7. đô hộ 都護
Ðô nghĩa là thâu tóm, hộ nghĩa là che chở. Soạn giả định nghĩa rằng, đô hộ là thống trị và áp bức bóc lột một nước. Ðó là cách hiểu thông thường của chúng ta hiện nay về từ này, coi như một từ đã “Việt hoá”. Ðáng lẽ soạn giả phải nêu được nghĩa ban đầu của từ này. Ðối với người Trung Quốc, đô hộ không có nghĩa là thống trị hoặc áp bức một nước khác. Ðô hộ vốn là chức trưởng quan cai trị tại các thuộc quốc của các triều đình phong kiến Trung Hoa, được thiết lập từ thời Hán đến thời Ðường. Sau đó, người Việt Nam chúng ta mới gán cho từ đô hộ cái nghĩa là thống trị hoặc áp bức.
8. hoá giá
Chúng ta vẫn dùng từ hoá giá với nghĩa là định giá một cách chính thức đối với những hàng hoá đã cũ hoặc đang tồn đọng. Như vậy, hoá giá có thể là một động từ, hoặc là một danh từ chỉ hành động, trong đó, hoá có nghĩa là làm thành. Nhưng, soạn giả lại giải thích rằng, hoá = của cải, đồ buôn bán; giá = giá cả; và, hoá giá = thuộc về giá cả hàng hoá. Cách giải thích như vậy là hoàn toàn sai và còn khiến người ta tưởng rằng, hoá giá là một tính từ.
9. hậu môn 後門
Chúng ta thường dùng từ hậu môn để chỉ lỗ đít. Ðó chỉ là cách dùng và cách hiểu của người Việt Nam. Trong tiếng Hán, từ hậu môn thường được dùng với nghĩa là cửa sau, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, và rất ít khi được dùng với nghĩa là lỗ đít. Từ hậu môn của chúng ta được dịch sang tiếng Hán là giang môn 肛門. Hậu môn là một từ gốc Hán đã được Việt hoá để mang một nghĩa khác với nghĩa của nó trong tiếng Hán.
10. hậu sản
Hậu là sau, sản là sinh đẻ. Người Việt Nam thường dùng từ hậu sản để chỉ bệnh của phụ nữ sau ngày sinh nở. Nhưng hậu sinh lại có nghĩa là sinh sau chứ không phải là sau khi sinh đẻ hoặc sau khi ra đời Vậy thì hẳn là có sự mâu thuẫn giữa các trường hợp này mà chưa được giải thích. Chúng tôi nghĩ rằng, đây là hiện tượng Việt hoá một phần, bằng cách đặt các từ tố gốc Hán theo thứ tự của tiếng Việt. Theo tiếng Hán thì sản hậu mới là bệnh của phụ nữ sau khi đẻ, và trong tiếng Việt, người ta vẫn còn dùng từ này.
11. khang trang 康莊
Theo soạn giả, khang nghĩa là yên vui, mạnh khoẻ; trang nghĩa là trau chuốt, tức là trang điểm; và, khang trang nghĩa là rộng rãi và đẹp đẽ. Như vậy, các từ tố đã được giảng chưa đúng. Khang còn có nghĩa là rộng lớn (đó mới là nghĩa của từ tố này trong từ khang trang), trang 莊 nghĩa là nghiêm chỉnh, nghiêm túc (chứ không phải trang 妝 là trau chuốt). Chữ trang 莊 trong từ khang trang cũng có mặt trong các từ trang nghiêm, trang nhã, trang trọng. Trong tiếng Việt, từ khang trang thường được dùng để chỉ nhà cửa rộng rãi đẹp đẽ, nhưng trong tiếng Hán, nó được dùng để chỉ đường sá rộng rãi bằng phẳng và toả ra mọi hướng. Ðây cũng là một điều cần lưu ý.
12. khốn nạn 困難
Soạn giả cho biết, khốn nghĩa là cùng khổ, là khó khăn; nạn là tai vạ nguy hiểm; rồi ông nêu ra hai nghiã của từ này: 1) tội nghiệp, đáng thương; và 2) hèn mạt, đáng khinh bỉ. Ðó là những nghĩa mà người Việt Nam đã gán cho nó và đã quen dùng, hầu như chẳng dính dáng gì với nghĩa của các từ tố. Trong một cuốn từ điển lấy mục đích chính là giải nghĩa các thành tố Hán ngữ thì giải thích như trên là chưa đủ, vì chưa nêu rõ hiện tượng Việt hoá và không nêu nghĩa ban đầu của từ này (là nghĩa do các từ tố tạo nên). Trong tiếng Hán, khốn nạn nghĩa là vô cùng khó khăn cực nhọc.
13. kinh nguyệt
Từ này được soạn giả định nghĩa không sai. Nhưng, không thể bỏ qua một điều là, trật tự các từ tố ở đây ngược với cách cấu tạo của các từ gốc Hán khác. Theo tiếng Hán thì phải gọi là nguyệt kinh. Phải chăng, soạn giả không nhận thấy điều đó nên mới điềm nhiên giải nghĩa mà không nêu nhận xét gì cả? Từ này đã được Việt hoá, các từ tố được sắp đặt theo thứ tự trong tiếng Việt.
14. lang bạt kỳ hồ 狼跋其胡
Ðây là một thành ngữ Trung Quốc. Soạn giả cho biết: lang = chó sói; bạt = chạy qua, nhảy qua; kỳ = cái ấy; hồ = phần dưới cằm; và, nghĩa đen của thành ngữ lang bạt kỳ hồ là: con chó sói nhảy qua cả cằm nó. Cứ theo cách giải thích của ông thì người ta ngỡ rằng, người Trung Hoa diễn đạt sao mà lúng túng, khó hiểu đến thế, và thành ngữ này có nghĩa gì? Sự thực thì không phải như vậy, mà lỗi là do soạn giả quá thông thái của chúng ta. Nay chúng tôi xin giải nghĩa lại như sau. Lang = chó sói; bạt = nhảy qua, bước qua; kỳ = của nó; hồ = cái yếm thịt ở dưới cằm và dưới cổ của con vật. Vậy, lang bạt kỳ hồ có nghĩa đen là: con sói bước qua (hay giẫm lên) cái yếm thịt dưới cổ nó, và nghĩa bóng là: lúng túng, vướng víu không gỡ được. Người Trung Quốc sử dụng thành ngữ này với nghĩa như thế.. Chúng tôi chưa biết tại sao người Việt Nam chúng ta lại sử dùng thành ngữ lang bạt kỳ hồ với nghĩa là đi xa và không có chỗ ở nhất định. Soạn giả không hiểu thành ngữ này trong tiếng Hán, tuy nhiên, ông đã nêu được cái nghĩa mà người Việt Nam thường dùng.
15. môi sinh
Chúng ta thường dùng từ môi sinh với nghĩa là môi trường sống của sinh vật. Trật tự các từ tố ở từ này không bình thường như ở các từ gốc Hán khác. Khi đã đưa những từ như vậy vào một quyển từ điển gồm tuyệt đại đa số những từ “thuần Hán” thì phải nói rõ nguyên nhân của sự khác biệt như vậy. Ðó là việc mà soạn giả phải làm. Từ môi sinh chỉ có thể dùng trong tiếng Việt mà thôi, bởi vì các từ tố của nó được đặt theo trật tự của tiếng Việt.
16. mưu chước
Chúng ta có thể đồng ý với soạn giả rằng, mưu là kế hoạch, là lo liệu, và tạm chấp nhận định nghĩa dài dòng của ông: mưu chước = cách lo liệu để giải quyết khó khăn. Nhưng soạn giả giảng giải rằng, chước = liệu cho ổn, thì thật khó đồng tình. Chước nghĩa là kế, là cách xử sự. Chẳng thế mà cụm từ tam thập lục kế đã được Nguyễn Du chuyển thành ba mươi sáu chước đó sao? Một điều đáng lưu ý nữa là, trong các bộ đại từ điển chữ Hán, không hề có từ mưu chước và cũng không hề có chữ chước nào có nghĩa là kế hoặc liệu cho ổn. Các bộ từ điển Ðại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (Sài Gòn, 1895) và Dictionnaire Annamite – Francais của J. F. M. Génibrel (Sài Gòn, 1898) đều có chữ chước 斫 với nghĩa là kế, là mưu mẹo. Chữ chước 斫 này cũng có mặt trong văn bản Truyện Kiều bằng chữ Nôm, ở các câu thơ như “Chước đâu có chước lạ đời” hoặc “ba mươi sáu chước, chước gì là hơn”. Nó vốn là một chữ Hán, có âm là chước, nghĩa là chém, là chặt, nhưng nó đã được dùng như một chữ Nôm để thể hiện âm chước trong tiếng Việt, với nghĩa là kế. Soạn giả cứ tưởng đó là một từ tố gốc Hán, và đã bịa đặt cho nó một cái nghĩa hoàn toàn sai.
17. mưu cơ
Mưu là mưu mẹo, cơ là khéo léo; mưu cơ là mưu mẹo khéo léo. Soạn giả đã giải thích như vậy, tuy đúng với cách hiểu và cách sử dụng từ này trong tiếng Việt nhưng chưa nêu được điểm khác thường trong cách cấu tạo của nó. Từ này chỉ tồn tại trong tiếng Việt, vì nó có trật tự ngược với từ cơ mưu trong tiếng Hán. Khi giảng giải những từ như vậy, nếu không nêu được sự khác thường của chúng thì người đọc sẽ cảm thấy có nhiều mâu thuẫn về cấu tạo của các từ gốc Hán và dễ hiểu sai các từ khác.
18. năng khiếu
Mới nhìn qua, nhiều người nghĩ rằng đây là một từ gốc Hán hoàn toàn. Hẳn là soạn giả cũng nghĩ như thế nên ông chỉ việc giải nghĩa các từ tố rồi nêu định nghĩa của từ mà không cần nói gì thêm. Theo ông, năng là sức làm việc; khiếu là năng lực hiểu biết; năng khiếu là khả năng hiểu biết nhanh chóng một ngành nghề. Thực ra, khiếu là biệt tài gần như bẩm sinh đối với một loại hoạt động nào đó. Từ tố khiếu này không có trong tiếng Hán. Trong số những chữ Hán có âm là khiếu, không có chữ nào mang nghĩa như thế. Các từ điển Việt Hán đều dịch: khiếu = thiên tài, tức là tài năng “trời cho”. Như vậy cũng phù hợp với cách hiểu mà chúng tôi vừa nêu, và cũng chứng tỏ nguồn gốc phi Hán của từ tố khiếu. Nên định nghĩa lại như sau: năng khiếu là tổng thể những phẩm chất sẵn có ở một số người, giúp họ hoàn thành tốt một loại hoạt động nào đó ngay cả khi chưa được học tập và rèn luyện trong hoạt động ấy. Vì không biết chữ Hán nên soạn giả đã coi khiếu là một từ tố gốc Hán và gán cho nó một nghĩa chưa thật xác đáng.
19. ngải cứu 艾灸
Soạn giả cho biết, ngải là tên cây, cứu là đốt bột lá ngải để chữa bệnh, và, ngải cứu là loài cây thuộc họ cúc, lá dùng làm thuốc. Giữa nghĩa của các từ tố và nghĩa của từ ngải cứu, có một điều gì đó hơi khác thường mà ta không thể làm ngơ, bởi vì ở đây, từ tố cứu có tác dụng làm rõ nghĩa cho từ tố ngải nhưng lại đứng ở sau, một điều không thể có ở các từ thuần Hán. Thật vậy, đối với người Việt Nam, ngải cứu là tên một loài thực vật rất quen thuộc, thuộc họ Cúc, có tên khoa học là Artemisia vulgaris, dùng để làm thuốc chữa bệnh. Người Trung Quốc gọi cây này là ngải 艾 còn từ ngải cứu 艾灸 thì được họ dùng để chỉ việc cứu (tức là đốt tại một huyệt trên cơ thể người bệnh, để chữa bệnh) bằng một mồi lá ngải. Phải chăng, cha ông chúng ta đã hiểu từ ngải cứu là cây ngải để cứu nên đã Việt hoá từ này và dùng chỉ nó để gọi loài thực vật ấy mà thôi.
20. ngoại lệ, ngoại ngạch, ngoại thành
Ngoại lệ là ở ngoài lệ luật quy định, ngoại ngạch là ở ngoài mức quy định, ngoại thành là ngoài thành phố. Người Việt Nam thường dùng các từ này với nghĩa như vậy, và soạn giả đã giải thích đúng. Nhưng, người đọc cẩn thận và có suy nghĩ sẽ hỏi rằng, vậy thì tại sao ngoại bang lại là nước ngoài chứ không phải là ngoài nước; ngoại cảnh là hoàn cảnh hay môi trường bên ngoài chứ không phải là ngoài hoàn cảnh hay ngoài môi trường. Ðáng lẽ soạn giả phải nói rõ rằng, trong các từ ngoại lệ, ngoại ngạch, ngoại thành, trật tự các thành tố của từ không còn đúng như trong tiếng Hán nữa, mà đã thay đổi theo kiểu Việt Nam, đó là những từ của Việt Nam.
21. nhãn quan
Mọi người thường cắt nghĩa rằng, nhãn nghĩa là mắt; quan nghĩa là nhìn kỹ; và, nhãn quan nghĩa là tầm mắt, với nghĩa bóng là tầm hiểu biết. Soạn giả cũng giải thích như vậy. Nhưng trong mọi bộ từ điển chữ Hán của Trung Quốc và cả trong các quyển từ điển Hán Việt, chỉ có từ nhãn quang 眼光 nghĩa là tầm hiểu biết, chứ không hề có từ nhãn quan. Nhãn 眼 không những có nghĩa là mắt, mà còn có nghĩa là nhìn; quang 光 nghĩa là sáng, là ánh sáng, và còn có nhiều nghĩa khác, trong đó có nghĩa là cảnh sắc, cảnh vật. Nghĩa đen của nhãn quang là cảnh vật nhìn thấy được, và nghĩa bóng là tầm hiểu biết. Lâu nay, đại đa số người Việt Nam thường nhầm lẫn, đều đọc là nhãn quan. Soạn giả vốn không biết chữ Hán nên không thể phát hiện được sự nhầm lẫn ở từ này.
22. nhân tình
Nhân tình nghĩa là tình cảm của con người. Ðôi khi người ta dùng từ nhân tình với nghĩa là người yêu, chủ yếu là trong ngôn ngữ thường ngày. Soạn giả cho rằng, nhân tình, trước hết, có nghĩa là người yêu. Thực ra, đó là cách hiểu và cách dùng của người Việt Nam, coi quan hệ giữa các từ tố ở đây giống như trong tiếng Việt. Người soạn từ điển phải chú ý giải thích trong những trường hợp như thế này. Trong tiếng Hán, tình nhân mới có nghĩa là người yêu.
23. nhất thiết 一切
Chúng ta thường dùng từ nhất thiết với nghĩa là nhất định, là dứt khoát, là không thể khác được. Soạn giả cũng định nghĩa như thế. Nhưng, trong tiếng Hán, nhất thiết nghĩa là tất cả, là mọi thứ. Vậy, từ nhất thiết trong tiếng Việt đã mang nghĩa mới, khác hẳn với nghĩa của nó trong tiếng Hán. Ðây là một điều cần chú ý nhưng soạn giả đã không đủ kiến thức để nhận thấy điều đó.
24. nội nhật
Soạn giả đã giải thích: nội là bên trong, nhật là ngày, nội nhật nghĩa là trong phạm vi một ngày. Ðó chính là cách hiểu từ này theo thói quen của người Việt Nam. Trong khi đó, nội chiến thì không phải là trong cuộc chiến tranh, nội khoá không phải là trong bài học, v.v. Nếu không nêu được nguyên nhân của sự khác biệt trong cách sử dụng từ tố nội trong các trường hợp này thì sẽ gây nhầm lẫn lung tung. Nội nhật là một từ gồm hai từ tố gốc Hán được ghép lại theo trật tự của tiếng Việt thì mới có nghĩa là trong phạm vi một ngày. Nếu nói theo kiểu Trung Quốc thì phải gọi là nhật nội.
25. nội thành, nội thị
Tuy soạn giả giải thích đúng nghĩa của các từ tố và nêu được nghĩa thường dùng của các từ này, nhưng ông không biết rằng, chúng là những từ đã được Việt hoá. Nhìn qua thì dễ nghĩ rằng, nội thành và nội thị là những từ gốc Hán. Thực ra, trong các tưf này, chỉ các từ tố là có gốc Hán, còn trật tự của các từ tố lại là của tiếng Việt, ngược với trật tự của tiếng Hán.
26. phục hoá
Phục hoá là một từ do người Việt đặt ra, có nghiã là trồng trọt lại ở những thửa đất đã bỏ hoang, trong đó, từ tố phục có nghĩa là khôi phục, phục hồi, và từ tố hoá nghĩa là ruộng bị bỏ không, chẳng trồng trọt gì cả. Chúng ta không bàn về nguồn gốc của từ hoá ở đây, nhưng nghĩa của nó là như thế. Tuy từ phục hoá được soạn giả định nghĩa đúng, nhưng giải thích rằng, hoá nghĩa là thay đổi, thì ông đã phạm một sai lầm hết sức nghiêm trọng.
27. sai nha
Soạn giả đã giải nghĩa đúng: nha là nơi làm việc của quan lại; sai nha là người hầu hạ ở các phủ huyện thời xưa. Từ này hẳn là đã được sử dụng trong tiếng Việt từ rất lâu rồi. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng từ này vài lần (Hàn huyên chưa kịp dã dề, sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao; Một ngày lạ thói sai nha, làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền). Nhưng khi giải nghĩa từ này với tư cách là một từ Việt gốc Hán, cần phải phải thấy ở đây có điều hơi khác thường. Chúng ta đều biết các từ nha lại, nha dịch, công sai... là những từ đồng nghĩa với sai nha, nhưng từ sai nha lại có trật tự ngược so với các từ vừa kể. Trong từ này, các từ tố gốc Hán đã được đặt theo trật tự của tiếng Việt. Người soạn từ điển phải nêu được nguyên nhân của sự đảo ngược đó để giúp người đọc tránh những lầm lẫn đáng tiếc.
28. thuỷ nông
Ðây là một từ gồm hai từ tố gốc Hán nhưng lại là một từ hoàn toàn của Việt Nam. Chúng ta đều hiểu rằng, thuỷ nông là công tác thuỷ lợi để phục vụ nông nghiệp. Soạn giả cũng hiểu như vậy. Ðiều cần chú ý ở đây là, từ này gồm hai từ tố gốc Hán, nhưng được cấu tạo theo kiểu của ta, và chỉ người Việt Nam mới hiểu theo nghĩa kể trên. Người Trung Quốc có thể hiểu thuỷ nông là làm ruộng nước. Khái niệm thuỷ nông của ta được gọi theo tiếng Hán là nông điền thuỷ lợi.
29. tiền khởi nghĩa
Từ tiền khởi nghĩa thường được hiểu là trước khởi nghĩa (tháng 8 năm 1945). Ngoài ra, từ tố tiền nghĩa là trước còn được dùng theo kiểu này trong một số từ khác như tiền cách mạng, tiền chiến, với nghĩa là trước cách mạng, trước chiến tranh (chống Pháp, ở Việt Nam). Tuy nhiên, trong đại đa số các trường hợp khác, như tiền án, tiền bối, tiền duyên, tiền đồ, tiền kiếp, tiền lệ, v.v. thì vai trò của từ tố tiền lại khác hẳn; chẳng hạn, tiền án không phải là trước vụ án, mà có nghĩa là bản án trước đó, v.v. Người soạn từ điển nên giúp độc giả phân biệt rõ những trường hợp khác thường để khỏi vận dụng sai.
30. tình chung
Ðọc đến từ này, kẻ viết bài này nhớ ngay đến câu thơ 791-792 trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:
Biết thân đến bước lạc loài,
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.
Chưa cần cắt nghĩa từng từ tố, âm hưởng của câu thơ cũng đã khiến người đọc cảm nhận rằng, “người tình chung” là người yêu chỉ có một ở trên đời, tình yêu đối với người đó như đã thấm vào máu thịt, không thể nào phai nhạt. Và như vậy thì từ tình chung không phải là một danh từ để chỉ mối tình bền chặt, thuỷ chung, mà đó là một tính từ.
Theo soạn giả thì tình là cảm xúc trong lòng, chung nghĩa là cuối, và, tình chung nghĩa là mối tình chung thuỷ. Nghĩ như vậy có lẽ chỉ vì ông vẫn thường nghe nói đến “mối tình chung thuỷ” nghĩa là mối tình trước sau như một (trong đó, chung 終 nghĩa là cuối, thuỷ 始 nghĩa là bắt đầu). Nhưng ông đã lầm to, mà lầm là phải, vì cứ dựa dẫm đoán mò thì thường chỉ có thể đúng ở những từ rất đơn giản.
Tình chung là một từ gốc Hán đã được Việt hoá, có lẽ nhờ ngòi bút của Nguyễn Du mà nó càng trở nên quen thuộc và có hồn hơn. Nó vốn là từ chung tình 鍾情 trong tiếng Hán, trong đó, chung 鍾 nghĩa là tụ lại, là đúc kết lại; tình 情 nghĩa là tình cảm, tình yêu, v. v., và, chung tình (là một tính từ) nghĩa là mang một tình yêu bền chặt như đúc thành một khối. Chúng tôi đã xem lại văn bản Truyện Kiều bằng chữ Nôm (bản Liễu Văn Ðường) thì thầy răng, từ tình chung được viết là 情鍾 trong đó, chữ chung 鍾 nghĩa là tụ lại, là đúc kết lại chứ không phải chữ chung 終 là cuối như soạn giả đã đoán bậy. Xin lưu ý rằng, trong chữ Nôm, cha ông ta cũng phân biệt hai chữ chung này.
Ở các câu 389-390 trong Truyện Kiều:
Duyên kia có phụ chi tình,
Mà toan sẻ gánh chung tình làm hai?
Nguyễn Du đã sử dụng từ chung tình với nghĩa giống như từ tình chung ở trên.
31. trị số
Soạn giả giải thích rằng, trị nghĩa là đánh giá, số nghĩa là con số, và, trị số là giá trị bằng số. Nên hiểu chữ trị như một danh từ, nghĩa là giá trị, thì đúng hơn. Cần chú ý rằng, đây là một từ nửa Hán nửa Việt gồm hai từ tố gốc Hán được sắp xếp theo thứ tự của tiếng Việt, tương đương với từ số trị trong tiếng Hán.
32. viên chức
Viên nghĩa là người đảm đương một trách nhiệm nào đó, chức là phần việc phải làm. Ta thường hiểu rằng, viên chức là người làm việc trong một cơ quan hoặc đoàn thể. Soạn giả cũng nêu định nghĩa như thế nhưng không thấy được rằng, đây là một từ gốc Hán nhưng đã Việt hoá. Cả hai từ tố đều có gốc Hán, nhưng ở đây, chúng đã được kết hợp theo trật tự của tiếng Việt. Từ này tương đương với từ chức viên trong tiếng Hán.
33. vu khống
Chúng tôi đã xem hàng chục quyển từ điển Hán ngữ mà chưa hề gặp từ vu khống. Theo các quyển từ điển Việt Hán do người Trung Quốc biên soạn thì từ vu khống trong tiếng Việt được chuyển thành từ vu cáo. Vả lại, người Việt Nam cũng có thể dùng từ vu cáo để thay cho từ vu khống, và chính soạn giả của chúng ta cũng định nghĩa hai từ này giống nhau. Như vậy, có lẽ từ vu khống chỉ tồn tại ở Việt Nam. Tuy nhiên, hẳn đây không phải là một từ được đặt sai, bởi vì, quả là chữ khống 控 có một nghĩa là tố tụng, là vạch tội (các từ điển Hán Anh thường dịch là appeal, accuse), đồng nghĩa với chữ chữ cáo 告 trong từ vu cáo 誣告. Ðiều buồn cười ở đây là, vì không biết chữ Hán nên soạn giả đã đoán rằng, khống nghĩa là hư không, tức là không có gì.
Thực ra, chữ không 空 mới có nghĩa là trống không, trống rỗng, hư không. Chữ này còn có nghĩa là để trống, và trong trường hợp đó thì phải đọc là khống (tuy một số từ điển vẫn đọc là không, nhưng từ điển Từ nguyên chú âm là khổ cống thiết, khứ, tống vận, nên phải đọc là khống mới đúng).
VII. Giải thích sai lệch các từ ngữ liên quan đến lịch sử và văn hoá
Nhóm từ ngữ có nội dung liên quan đến các khoa học xã hội và các hình thái ý thức xã hội có mặt rất ít trong từ điển này, chỉ ở con số vài ba chục. Phần nhiều là một số từ thường gặp trong sách giáo khoa lịch sử ở bậc trung học trở xuống. Tuy chỉ với một số từ ít ỏi nhưng vì soạn giả chỉ dựa vào trí nhớ hoặc đoán mò nên đã sai phạm rất nhiều trong việc giải nghĩa các từ hoặc các từ tố, gần như ở từ nào cũng có sai phạm. Chúng tôi xin nêu ra một số vị dụ.
1. ấm sinh 廕生
Soạn giả giải thích: ấm là chức quyền, là ơn huệ cuả cha ông để lại; sinh là học trò, và ấm sinh là danh vị phong kiến do cha làm quan to mà con trai được hưởng. Giải thích như vậy chỉ đúng ở từ tố sinh là học trò, còn từ tố ấm và từ ấm sinh thì giảng chưa đúng. Trong tiếng Hán, chữ ấm 廕 (hoặc 蔭) có nghĩa gốc là che chở và nghĩa thứ hai là được che chở nhờ quan chức và công lao của ông cha. Các từ điển lớn cho biết rằng, ấm sinh là người nhờ cha ông có công lao với triều đình nên được vào học ở trường Quốc tử giám để được bổ dụng (hoặc có thể thi Hội mặc dầu chưa đỗ cử nhân). Như vây, ấm sinh 廕生 phải là một loại học trò. Hơn nữa, không phải hễ cứ là con quan to đều được làm ấm sinh, bởi vì trong mỗi gia đình quan to, số người được hưởng ân huệ như vậy đều có quy định. Chẳng hạn, theo quy định của nhà Thanh, quan trong triều từ tứ phẩm trở lên, và quan địa phương từ tam phẩm trở lên mới có một người con trai hoặc cháu trai được nhận làm ấm sinh.
Có thể nêu vài ví dụ về các vị ấm sinh, tuy chưa đỗ cử nhân nhưng được thi Hội và đã đỗ tiến sĩ.
Nguyễn Thiện, sinh năm 1860 quê ở xã Ðường Long, huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên, tuy chỉ đỗ tú tài nhưng được làm ấm sinh để vào học ở trường Quốc Tử Giám nên được thi Hội và đã đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1892) tức là năm Thành Thái thứ tư. Ông được làm ấm sinh vì có ông nội là tiến sĩ Nguyễn Văn Duy, người đã chiến đấu ở Gia Ðịnh và đã tuẫn tiết khi thành này bị thất thủ.
Nguyễn Sĩ Giác, sinh năm 1888, quê làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Ðông, mồ côi cha, là cháu nội của tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp (Cơ mật viện đại thần, Tổng tài Quốc sử quán) nên được nhận làm ấm sinh, được coi là giám sinh thượng hạng. Tuy ông chỉ mới đỗ tú tài nhưng được thi Hội và đã đỗ tiến sĩ khoa Canh Tuất (1910) niên hiệu Duy Tân thứ tư.
2. cam lộ 甘露
Tuy soạn giả giải thích được rằng, cam 甘 nghĩa là ngọt, lộ 露 nghĩa là hạt móc đọng trên cây, nhưng ông đã giảng rất sai rằng, cam lộ nghĩa là nước phép của Phật. Thực ra, trước hết, cam lộ nghĩa là giọt móc ngọt. Người xưa tin rằng, trời cho móc ngọt là điềm lành, thiên hạ thái bình, cho nên, cam lộ có nghĩa là dấu hiệu của thời thái bình. Trong Phật giáo, từ cam lộ được dùng để chỉ giáo lý của Ðức Phật, chứ không phải là nước phép của Phật như soạn giả đã giảng giải. Hơn nữa, Phật không có nước phép. Chữ lộ露 này cũng có nghĩa là hiện ra (như trong các từ lộ diện, lộ thiên) và một số nghĩa khác nữa, trong đó có nghĩa là nước ngọt được chắt ép hoặc chưng cất từ hoa quả (tức là xi-rô), hay là nước ngọt do hoa và mầm lá tiết ra (gọi là mật hoa, mật lá). Bởi vậy, đôi khi người ta cũng gọi mật hoa là cam lộ.
3. cống sinh 貢生
Soạn giả giải thích: cống 貢 nghĩa là tiến dâng, sinh 生 là học trò, và, cống sinh là người thi đỗ hương cống thời phong kiến. Trong từ điển này không có từ hương cống, nhưng, theo Hán Việt từ điển của Ðào Duy Anh và vài cuốn từ điển khác thì hương cống là cử nhân từ trước thời Gia Long. Qua bài “Tổng luận về khoa cử ở nước Nam” trong sách Quốc triều hương khoa lục của Cao Xuân Dục, chúng ta được biết cụ thể hơn: Hương cống gọi là cử nhân, sinh đồ gọi là tú tài thì bắt đầu đổi gọi từ năm Mậu Tý, Minh Mạng thứ 9 (1828)”. Vậy, theo soạn giả thì cống sinh chính là cử nhân. Không đúng. Theo các từ điển của Trung Quốc, ở hai thời Minh và Thanh, các phủ, huyện, châu được chọn những người thi đỗ tú tài mà học giỏi để giới thiệu lên kinh đô học trường Quốc Tử Giám (sau này có thể thi tiến sĩ hoặc ra làm quan, mặc dầu chưa đỗ cử nhân). Như vậy cống sinh là người học trò chưa đỗ cử nhân nhưng được ưu tiên theo học trường Quốc tử giám để đi thi tiến sĩ hoặc ra làm quan như người đã đỗ cử nhân. Hán Việt từ điển của Ðào Duy Anh cũng giải thích rằng, cống sinh là người học trò giỏi do các tỉnh xét hạch lấy đậu, cấp lương ăn học để thi tiến sĩ, tức là được hưởng quyền lợi như cử nhân. Xin nêu một ví dụ:
Phan Dưỡng Hạo (1802 – 1849), quê ở xã Vân Tụ, huyện Ðông Thành (nay là huyện Yên Thành), tỉnh Nghệ An, thi Hương nhiều lần chỉ đỗ tú tài nhưng nổi tiếng học giỏi, được cử làm cống sinh vào học trường Quốc tử giám và thi đỗ thám hoa khoa Ðinh Mùi (1847), niên hiệu Thiệu Trị thứ bảy.
4. Cử nhân 举 人, cử tử 举 子
Theo soạn giả, cử có các nghĩa: cất lên; đưa lên, nổi dậy, thi đỗ; nhân nghĩa là người. Từ đó mà đi đến định nghĩa rằng, cử nhân là: 1. Người đậu chính thức khoa thi hương trong thời phong kiến; 2. Học vị đại học, trên tú tài, dưới tiến sĩ. Như vậy, theo soạn giả thì từ tố cử ở đây có nghĩa là thi đỗ. Chúng tôi nghĩ rằng, ông có hiểu sơ sơ về từ cử nhân rồi vận dụng chút hiểu biết ấy để đoán nghĩa của từ tố cử nghĩa là thi đỗ, nhưng đã đoán sai. Bởi vì, các từ điển lớn của Trung Quốc nêu gần hai chục nghĩa của chữ cử nhưng không nêu nghĩa này, mà chỉ giảng rằng, cử nghĩa là khoa cử khảo thí, nghĩa là việc thi tuyển (tương ứng với examination trong tiếng Anh) và cũng là cách gọi tắt của từ cử nhân. Dù chúng tôi có thể chưa tra cứu đến ngọn nguồn cũng vẫn đủ cơ sở để nói rằng, trong từ cử nhân 举 人 thì cử 举 hoàn toàn không có nghĩa là thi đỗ, như soạn giả đã ngộ nhận. Theo từ điển Từ nguyên thì nghĩa đầu tiên của từ cử nhân là tuyển dụng nhân tài, sau đó phát sinh nghĩa mới là người được tuyển dụng rồi sau nữa lại có nghĩa là người trúng tuyển kỳ thi ở các châu hoặc các tỉnh để được phép thi ở cấp trung ương. Như vậy, cử nghĩa là tiến dẫn, là tuyển chọn chứ không phải là thi đỗ. Trong lịch sử khoa cử ở Việt Nam, học vị cử nhân được sử dụng lần đầu tiên dưới thời vua Minh Mạng, từ khoa thi năm Mậu Tý 1828.
Trong từ cử tử 举 子 thì từ tố cử 举 lại có nghĩa là đi thi. Soạn giả đã định nghĩa đúng rằng, đó là người dự thi lối cử nghiệp. Nhưng theo ông, từ tố cử có nghĩa là thi đỗ. Ðiều đó cũng đủ chứng tỏ cái sai của ông, như chúng tôi vừa phân tích.
Ðộc giả có thể cho rằng, chúng tôi hơi câu nệ vào sách vở chữ Hán và có phần khắt khe đối với soạn giả. Xin độc giả hiểu rằng, nếu chỉ giải nghĩa mà thôi chứ không cắt nghĩa các từ tố thì chúng tôi không phải nói gì thêm ở hai từ này (và một số từ khác nữa). Nhưng vì soạn giả có chủ ý cắt nghĩa rành rọt từng từ tố để giúp người đọc hiểu thấu đáo các từ ngữ Hán Việt (cuối bài độc giả sẽ thấy đó là chủ trương từ đầu của ông) nên chúng tôi mới phải làm cái việc rất tốn công sức này, tuy không phải là vô ích.
5. dân tuý 民粹
Theo soạn giả, dân là người trong một nước, tuý nghĩa là say, rồi ông đưa ra một định nghĩa về từ dân tuý, tuy không sai nhưng rất dài dòng. Ðiều đáng chê trách là, ông không biết chữ Hán nhưng cứ đoán liều rằng, tuý nghĩa là say mê. Trong tiếng Hán, ở từ dân tuý 民粹 người ta dùng chữ tuý 粹 nghĩa là tinh hoa chứ không phải chữ tuý 醉 là say mê.
Phái dân tuý hay chủ nghĩa dân tuý là một trào lưu xã hội - chính trị ở Nga, xuất hiện trong những năm 70 của thế kỷ 19, coi nông dân (chứ không phải công nhân) là lực lượng cách mạng chủ yếu của nước Nga. Bắt nguồn ở từ narod trong tiếng Nga nghĩa là nhân dân (mà đại đa số dân Nga hồi ấy là nông dân), người ta đặt ra một từ là narodnichestvo, nghĩa là phái duy dân để chỉ trào lưu ấy. Từ này được dịch sang tiếng Anh là populism, tiếng Pháp là populisme, tiếng Hán là dân tuý chủ nghĩa 民粹主義 và tiếng Việt là chủ nghĩa dân tuý.
6. giám quốc 監國
Soạn giả cho biết: giám nghĩa là trông coi, quốc là nước. Các từ tố này đã được giải nghĩa không sai. Nhưng, khi thấy ông định nghĩa rằng, giám quốc là người đứng đầu một nước cộng hoà tư sản thì chúng tôi thấy rằng, hiểu biết của ông về lịch sử hãy còn non kém lắm. Ông lại càng mắc sai lầm khi viết rằng, Ngày nay người ta dùng từ “tổng thống” để thay từ “giám quốc”.
Theo từ điển Từ nguyên, giám quốc là người cầm quyền tạm thời khi vua vắng mặt. Từ những thời xa xưa, khi vua đi đánh dẹp ở xa thì thái tử thường làm giám quốc để trông coi việc nước. Cũng có trường hợp, vua mới lên ngôi còn quá nhỏ thì đình thần cũng chọn một người làm giám quốc. Ví dụ, năm 1908, Phổ Nghi lên ngôi vua nhà Thanh khi mới hai tuổi, đình thần đã cử cha của ông ta là Tải Thuần làm giám quốc.
Ở nước ta cũng đã từng có chức giám quốc. Cuối năm 1787, Vũ Văn Nhậm theo lệnh của Nguyễn Huệ ra bắc giết Nguyễn Hữu Chỉnh rồi lập Sùng Nhượng Công Lê Duy Cận (con vua Lê Hiển Tông, chú của Lê Chiêu Thống) làm giám quốc vì Lê Chiêu Thống đã chạy khỏi kinh thành để cầu cứu quân Thanh. Khi Nguyễn Huệ ra bắc giết Vũ Văn Nhậm, ông vẫn để Lê Duy Cận làm giám quốc.
Ðúng là hồi cuối thế kỷ 19, có người đã dùng từ giám quốc để chỉ chức tổng thống nước Pháp, nhưng đó chỉ là cách dùng tạm thời, gượng ép. Sang đầu thế kỷ 20, không ai gọi tổng thống Pháp là giám quốc nữa. Ngày nay, chúng ta vẫn phải gọi Tải Thuần và Lê Duy Cận là những ông giám quốc ở thời trước. Nếu gọi họ là tổng thống thì thật đáng xấu hổ.
7. liêm phóng 廉訪
Nếu chỉ giải thích rằng, liêm = trong trắng, không tham ô; phóng = dò xét; và, liêm phóng = sở mật thám của thực dân Pháp - như soạn giả đã làm thì quá sơ sài và hời hợt, lại khiến người đọc tưởng rằng từ này chỉ mới xuất hiện dưới thời Pháp thuộc. Phải nói rõ thêm rằng, phóng ở đây là do đọc chệch từ chữ phỏng 訪 nghĩa là hỏi cho biết, tức là tìm hiểu sự việc (như trong từ phỏng vấn). Cơ quan liêm phỏng đã có từ rất lâu rồi. Năm 1285, nhà Nguyên đặt ra Túc chính liêm phỏng ty ở các đạo để xem xét công và tội của các quan. Năm 1325, vua Trần Minh Tông đặt Liêm phỏng ty ở các lộ. Năm 1400, Hồ Quý Ly đặt chức liêm phỏng sứ ở các lộ. Thời nhà Thanh cũng gọi án sát sứ là liêm phỏng sứ. Trong thời Pháp thuộc, sở mật thám được gọi là sở liêm phóng.
8. ngọc tỉ 玉璽
Tỉ 璽 là cái ấn của hoàng đế. Ngọc tỉ là cái ấn bằng ngọc của hoàng đế. Soạn giả nêu định nghĩa: ngọc tỉ là ấn của nhà vua, tuy không hoàn toàn sai, nhưng chưa chính xác lắm, vì ngọc tỉ phải là cái ấn bằng ngọc. Nhưng khi thấy ông đưa ra một ví dụ: Bảo Đại đã giao ngọc tỉ cho đại diện của chính phủ cách mạng, khi tuyên bố thoái vị, thì chúng tôi hết sức ngỡ ngàng, vì vua Bảo Ðại làm gì có ngọc tỉ. Cái ấn của ông ta là bằng vàng, tên gọi là “Hoàng đế chi ấn”, tức là “ấn của hoàng đế” chứ chưa bao giờ gọi là tỉ và cũng không phải bằng ngọc. Theo từ điển Từ nguyên thì ngọc tỉ nghĩa là Hoàng đế chi ngọc ấn, tức là ấn bằng ngọc của hoàng đế. Từ điển này còn cho biết thêm rằng, thời xưa, ở Trung Quốc, ấn được làm bằng vàng hoặc bằng ngọc, nhưng từ thời Tần về sau thì ấn được làm bằng ngọc. Ðó là việc ở Trung Quốc. Ở Việt Nam hình như chưa ai biết thời nào đã từng có ngọc tỉ; riêng ở triều Nguyễn thì chỉ có ấn bằng vàng mà thôi.
9. ngự lâm pháo thủ
Trước hết, xin nói thêm rằng, ngự lâm pháo thủ là từ mà cụ Nguyễn Văn Vĩnh đã dùng để chỉ lính hầu cận của vua nước Pháp hồi thế kỷ 17. Khi giải thích từ này, soạn giả phân tích như sau: ngự = thuộc về vua; lâm = rừng; pháo = súng lớn; thủ = tay. Do đó, ông đi đến định nghĩa: ngự lâm pháo thủ nghĩa là những người lính bắn súng lớn ở trong rừng của vua. Một định nghĩa thật ngô nghê buồn cười và rất sai. Trong sách Tam quốc diễn nghĩa, ở hồi thứ 24 có chỗ nói rằng, “Tào Tháo cho 3000 người tâm phúc sung vào ngự lâm quân, cử Tào Hồng thống lĩnh”. Ngự lâm quân cũng là cấm vệ quân, là từ dùng để chỉ đội quân chuyên việc phòng thủ kinh đô và bảo vệ nhà vua. Trong từ ngự lâm pháo thủ, ngự lâm nghĩa là lính ngự lâm, tức là lính bảo vệ nhà vua. Rất nhiều người đã biết tác phẩm Ba chàng ngự lâm pháo thủ của nhà văn Alexandre Dumas. Tên sách bằng tiếng Pháp là Les trois mousquetaires, nghĩa là ba người lính mang súng mousquet. Súng mousquet là loại súng dùng cho cá nhân nên có cỡ như khẩu súng trường, chỉ một người mang, nhưng khi bắn thì phải có giá đỡ, bởi vì nó vẫn là loại súng hoả mai, nghĩa là phải châm mồi lửa mới bắn được. Tuy nhiên, ở thế kỷ 17 thì nó là thứ vũ khí rất quý, nên được dùng để trang bị cho quân cấm vệ, tức là dùng cho lính ngự lâm. Mousquetaires nghĩa là những người lính mang súng mousquet, thời đó được dùng làm lính bảo vệ kinh thành và bảo vệ nhà vua. Bởi vậy, khi dịch Les trois mousquetaires sang tiếng Việt, nếu dịch cho đúng từng chữ thì chỉ cần dịch là Ba người lính mang súng hoả mai; nếu muốn thể hiện dúng tinh thần của nguyên tác thì chỉ cần dịch là Ba người lính ngự lâm cũng chính xác rồi. Nhưng ông Nguyễn Văn Vĩnh biết rằng, lính ngự lâm đến thời bấy giờ mới bắt đầu có súng, oai hơn hẳn trước kia, do đó, ông đã thêm các chữ pháo thủ để cho những anh lính này không bị nhầm lẫn với loại lính ngự lâm cầm gươm giáo “tầm thường” trước đó.
10. thái thú 太守
Soạn giả giải thích rằng, thái là rất, là tuyệt cao, là tiếng tôn xưng; thú là chức quan; thái thú là chức quan Trung Quốc xưa được cử đứng đầu một nước chiếm cứ được. Chưa nói đến sự hiểu biết quá mù mờ về từ tố thú, định nghĩa này vừa lủng củng vừa sai. Lịch sử cho biết rằng, từ thời Chiến quốc, thú là chức quan đứng đầu một quận, tôn xưng là thái thú. Các đời sau có khi đổi thành quận thú. Nhà Hán đặt nước ta thành quận Giao Chỉ của Trung Quốc nên tên quan đứng đầu quận này cũng được gọi là thái thú. Như vậy, thái thú là chức quan đứng đầu một quận thuộc Trung Quốc, do các triều đại phong kiến Trung Quốc đặt ra.
11. tham tụng 參訟
Theo soạn giả, tham nghĩa là dự vào, tụng nghĩa là đi theo, và, tham tụng là chức quan to thời Hậu Lê. Ðịnh nghĩa này không rõ ràng, hơn nữa, soạn giả đã bịa sai nghĩa cho từ tố tụng. Chữ tụng 訟 ở đây nghĩa có nghĩa gốc là bàn luận và có mặt trong từ tố tụng chứ không có nghĩa là đi theo. Tham tụn 參訟 nghĩa đen là "được dự bàn luật lệ". Ðó là chức quan to nhất trong phủ chúa Trịnh, được dự bàn việc trong phủ chúa Trịnh, giữ vai trò tể tướng.
12. thứ sử 刺史
Trong từ thứ sử, thứ nghĩa là sai khiến. Soạn giả đã nói đúng nghĩa của từ tố ấy, nhưng, thật đáng ngạc nhiên khi ông giảng rằng, sử nghĩa là quan coi việc chép sử, và, thứ sử là chức quan coi việc cai trị một quận. Chúng tôi nghĩ rằng, chữ sử ở đây không có nghĩa là lịch sử nên phải tra cứu thật kỹ. Theo từ điển Từ nguyên, chữ sử ở đây nghĩa là sứ giả (phái viên) của hoàng đế. Thứ sử vốn là chức quan quản lý một châu. Hán Vũ Ðế chia Trung Quốc (gồm cả một số vùng phụ thuộc, trong đó có nước ta) thành 13 châu, mỗi châu đặt một viên thứ sử. Thời đó, nước ta được gọi là quận Giao Chỉ, (nằm trong vùng Giao Chỉ, là một trong 13 châu thời ấy) do một viên thái thú (cấp dưới của thứ sử) đứng đầu. Viên thứ sử Giao Chỉ trông coi một vùng đất lớn hơn nước ta rất nhiều. Như vậy, chức thứ sử thời đó tương đương chức tổng đốc ở Trung Quốc gần đây. Từ thời nhà Tuỳ (581 - 618) về sau, thứ sử là tên gọi thay cho thái thú, cai quản một quận, tương đương với chức tri phủ của Trung Quốc sau này. Năm 931, khi Dương Ðình Nghệ tự xưng là Tiết độ sứ, ông đã cử Ðinh Công Trứ (cha của Ðinh Bộ Lĩnh) làm thứ sử Hoan châu.
13. tiên đan 仙丹
Theo soạn giả, tiên = người tiên; đan = thuốc viên; và, tiên đan = thuốc tiên. Trước hết, vì không hiểu gì về chữ đan 丹 cho nên soạn giả đành nói liều rằng, đó là thuốc viên. Thực ra, hoàn mới là thuốc viên. Cao, đan, hoàn, tán cơ mà! Từ đó, đủ thấy rằng, ông chưa thể hiểu từ tiên đan. Theo quan niệm của đạo giáo (taoism) ở Trung Quốc, tiên là người ở cõi trời, có cuộc sống trường sinh bất tử và có nhiều phép lạ. Ðan là tên gọi tắt của đan sa, tức là thần sa hoặc chu sa (xem mục từ 15 ở phần VIII dưới đây), một chất khoáng được các đạo sĩ dùng làm nguyên liệu chính để chế luyện thành thuốc có công dụng đặc biệt. Bởi vậy, chữ đan lại có nghĩa là thuốc được chế luyện theo một phương thức bí truyền, và, tiên đan nghĩa là thuốc trường sinh, mà theo đạo giáo thì người được uống nó sẽ trở thành tiên, sống mãi không chết.
Trong tiếng Việt, từ thuốc tiên thường có nghĩa là thuốc chữa bách bệnh (bệnh gì cũng chữa được), hoặc là thuốc chữa khỏi bệnh ngay chứ không có nghĩa là thuốc trường sinh.
14. tiền sử
Tiền là trước, sử là lịch sử, vậy nên soạn giả định nghĩa rằng, tiền sử là thời kỳ lịch sử trước khi có sử, rồi nêu ra một câu ví dụ: Ngay từ thời tiền sử nhân dân ta đã biết làm ruộng. Bên cạnh từ tiền sử, ta thấy có những từ như tiền án, tiền sự, tiền đồ, tiền vận, v.v, trong đó, từ tố tiền tuy có cùng một nghĩa là trước nhưng đóng vai trò khác hẳn, ví dụ, tiền án không phải là trước vụ án, mà nghĩa là vụ án từ trước. Từ tiền sử gồm hai từ tố gốc Hán nhưng được ghép lại theo kiểu Việt Nam. Nếu theo đúng quy tắc cấu tạo như ở những từ vừa kể thì từ tiền sử kia phải đổi thành sử tiền, như người Trung Quốc vẫn dùng. Vậy thì người biên soạn cũng phải có đôi lời chỉ bảo để cho người đọc khỏi thấy bối rối và khỏi vận dụng sai trong những trường hợp khác.
Ngoài ra, theo cách định nghĩa như trên thì người đọc hiểu rằng, tiền sử là một danh từ. Sự thực thì nó phải là một tính từ. Chính ví dụ do soạn giả đưa ra đã chứng tỏ điều đó. Ông viết: Ngay từ thời tiền sử... thì đúng, chứ ông không thể viết: Ngay từ tiền sử... Chúng ta có không ít cụm từ, trong đó, tiền sử đóng vai trò tính từ, như: người tiền sử, khảo cổ học tiền sử, v.v. Danh từ préhistoire trong tiếng Pháp hoặc prehistory trong tiếng Anh được người Trung Quốc dịch là sử tiền kỳ, sử tiền học, trong đó, từ sử tiền (tương ứng với tiền sử trong tiếng Việt) được coi như một tính từ. Trong các từ điển Hán Anh (hoặc Hán Pháp), từ sử tiền được dịch thành tính từ prehistorical (hoặc préhistorique)
Ðể cho chặt chẽ và hợp lý, trong từ điển nên viết rằng, tiền sử: (thuộc về) thời kỳ lịch sử trước khi có chữ viết, để thể hiện vai trò tính từ của từ này.
15. tiết độ sứ 節度使
Khi đọc đến định nghĩa: tiết độ sứ là chức quan cai trị một địa phương trong chế độ phong kiến, người đọc được biết quá ít về chức vụ này và không thể hình dung được vai trò, chức trách, quyền hạn, v.v. của nó. Trong thời buổi mà độc giả gồm vô số tú tài, cử nhân, tiến sĩ, họ đòi hỏi thông tin cụ thể, chính xác, thì định nghĩa qua loa này thật không đạt.
Tiết độ sứ là một chức quan do chính quyền phong kiến Trung Quốc đặt ra từ năm 710, thời nhà Ðường, nắm quyền về quân sự và dân sự ở một khu vực rộng lớn, tương đương một châu (đơn vị hành chính trực thuộc trung ương, tương tự như một tỉnh ở Trung Quốc hiện nay nhưng thường có diện tích lớn hơn) điều khiển các thứ sử (lúc này, thứ sử chỉ là quận trưởng). Thời đó, nhà Ðường cũng cử một viên tiết độ sứ để cai trị nước ta (nghĩa là coi nước ta như một tỉnh), gọi là Giao Châu tiết độ sứ. Năm 906, khi nhà Ðường sắp bị diệt vong, Khúc Thừa Dụ được cử làm tiết độ sứ ở Giao Châu. Năm 931, Dương Ðình Nghệ đánh đuổi được bọn tướng Nam Hán rồi tự xưng là tiết độ sứ. Chức tiết độ sứ bị bãi bỏ từ thời Nguyên.
16. trạng nguyên 状元
Trạng nguyên là người đỗ đầu khoa thi đình trong thời phong kiến. Nên biết rằng, rằng, ở Việt Nam, học vị trạng nguyên chỉ tồn tại đến năm Bính Thìn, năm Vĩnh Hựu thứ hai (1736) đời vua Lê Hy Tông thì chấm dứt, với người đỗ trạng nguyên là Trịnh Huệ, quê ở xã Sóc Sơn, huyện Quảng Hóa (nay thuộc huyên Quảng Xương), tỉnh Thanh Hóa, mặc dầu chế độ khoa cử của chế độ phong kiến Việt Namvẫn tồn tại đến 1919. Tuy nhiên, định nghĩa như thế có thể coi là tạm được. Ðiều đáng nói là, soạn giả chưa hiểu nghĩa của các từ tố trạng và nguyên vì ông cho rằng, trạng nghĩa là hình dáng, tình hình, bày tỏ; và, nguyên là đứng đầu. Ở đây, nguyên nghĩa là người đứng đầu (chứ không phải là đứng đầu). Ðành rằng chữ trạng 状 có các nghĩa như soạn giả đã nêu, nhưng đó không phải là nghĩa của từ tố trạng 状 trong từ trạng nguyên 状元. Nếu từ tố trạng có nghĩa như thế thì ta thật khó lý giải về nghĩa của từ trạng nguyên.
Theo từ điển Từ nguyên, chữ trạng 状 còn có nghĩa là tờ đơn, tức là văn bản đề đạt lên cấp trên để trình bày một sự việc hoặc yêu cầu một điều nào đó. Từ thời nhà Ðường, khi những người đã đỗ cử nhân muốn tham dự khoa thi đình, họ phải nộp đơn (trạng) cho bộ lễ, nếu thi đỗ, họ sẽ là tiến sĩ. Do đó, người đỗ đầu trong số các tiến sĩ (mà cũng chính là đứng đầu những người đã nộp tờ “trạng” để xin dự thi)) được gọi là trạng nguyên.
17. vương phi 王妃
Nhiều người nghĩ rằng, vương là vua, và vương phi là vợ vua. Soạn giả cũng hiểu sai như thế, rồi đưa ra ví dụ: Bà vương phi Dương Vân Nga trao long cổn cho thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Xin nói rõ rằng, chỉ ở những thời đại xa xưa, vương mới có nghĩa là vua một nước, ví dụ như Hùng vương, An Dương vương. Các vua ở Trung Quốc từ Tần Thuỷ Hoàng (thế kỷ III trước Công nguyên) trở về sau đều xưng là hoàng đế và thường phong tước vương cho con hoặc anh em mình. Ngay sau khi chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc, các vua nước ta từ Ðinh Tiên Hoàng trở đi cũng đều xưng là hoàng đế và cũng phong tước vương cho các con hoặc anh em. Phi là vợ thứ của vua (dưới hoàng hậu một bậc), hoặc vợ chính của hoàng tử. Chỉ vợ chính của người mang tước vương mới gọi là vương phi. Vợ thứ của vua dưới hoàng hậu một bậc thì gọi là hoàng phi chứ không phải là vương phi. Như vậy, soạn giả đã đưa ra một định nghĩa sai về từ vương phi. Ngoài ra, không thể gọi bà Dương Vân Nga là vương phi vì bà đã được Ðinh Tiên Hoàng phong làm hoàng hậu, và khi bà trao long bào cho Lê Hoàn thì con bà là Ðinh Toàn đang làm vua, bà đã là thái hậu.
a. Các từ tố đều có gốc Hán nhưng nghĩa của từ (hoặc thành ngữ) đã khác khá xa so với nghĩa trong tiếng Hán, ví dụ như từ khốn nạn, thành ngữ lang bạt kỳ hồ
b. Các từ tố đều có gốc Hán nhưng được sắp đặt theo thứ tự của tiếng Việt, tức là ngược với thứ tự trong tiếng Hán, ví dụ như các từ án mạng, án thư, môi sinh, ngoại lệ, v.v.
c. Một từ tố gốc Hán ghép với một từ tố “phi Hán” mà chúng tôi tạm coi là có “gốc Việt”, ví dụ như từ năng khiếu, phục hoá.
Các cuốn từ điển Hán Việt thường bao gồm các từ (hoặc thành ngữ) thuộc nhóm thứ nhất. Khi chúng được giải nghĩa theo cách dùng trong tiếng Việt thì các soạn giả đều nêu nghĩa ban đầu của chúng. Các từ hoặc thành ngữ thuộc nhóm thứ hai và thứ ba thì không soạn giả nào đưa vào từ điển Hán Việt vì chúng không có mặt trong vốn từ ngữ của người Hán. Nhưng, trong một cuốn từ điển tiếng Việt hoặc từ điển về những từ Việt gốc Hán thì sự có mặt của chúng là cần thiết. Chỉ có điều là, khi gặp những trường hợp như vậy, soạn giả không thể điềm nhiên cắt nghĩa từng từ tố rồi giảng nghĩa của cả từ là xong. Cần phải nêu rõ đặc điểm của các loại này, bởi vì, chúng chỉ chiếm chừng 0,1% trong tổng số những từ gốc Hán nhưng có đặc điểm khác hẳn so với 99,9% số từ gốc Hán còn lại. Nếu không, người đọc sẽ thấy có điều mâu thuẫn và có thể hiểu sai hoặc sử dụng sai nhiều từ khác. Ví dụ, sau khi đọc các mục từ nội chiến (nghĩa là chiến tranh giữa những người trong cùng một nước), nội hoá (nghĩa là hàng hoá sản xuất ở trong nước), và nội thành (nghĩa là khu vực bên trong thành phố), người đọc hẳn sẽ thấy có sự đổi ngược vai trò của từ tố nội ở từ nội thành. Nguyên nhân của sự đổi ngược đó là ở chỗ, các từ nội chiến, nội hoá được cấu tạo theo đúng cách thức của người Hán, còn từ nội thành tuy cũng gồm hai từ tố gốc Hán nhưng lại được cấu tạo theo cách thức của người Việt. Nếu người biên soạn từ điển không lưu ý người đọc trong những trường hợp “Việt hoá” như vậy thì nhất định sẽ dẫn người đọc đến nhiều điều lầm lẫn. Chính vì không phân biệt được cách cấu tạo từ theo kiểu Hán hay Việt nên rất nhiều người, kể cả soạn giả, đã đánh đồng giữa “nhân chứng” và “chứng nhân”, như đã phân tích ở mục từ II. 11. Dưới đây, chúng tôi nêu ra hầu hết những từ thuộc loại này mà soạn giả đã đưa vào cuốn từ điển của mình nhưng không nêu được tính chất “Việt hoá” của chúng, tổng số là 29 từ. Ở những từ thuộc nhóm b) và c), chúng tôi không thể ghi chữ Hán kèm theo.
1. ám ảnh
Theo soạn giả, từ ám ảnh có hai nghĩa: a) lởn vởn luôn trong trí óc, khiến cho phải lo lắng không yên; b) quấy rầy ở bên cạnh. Chúng ta chỉ có thể chấp nhận nghĩa thứ nhất nhưng khó chấp nhận nghĩa thứ hai. Tuy ám ảnh là một từ gốc Hán, nhưng nó đã được “Việt hoá” nên mới mang nghĩa thứ nhất như vừa nêu, và ta hiểu rằng, đó là một động từ. Cứ cắt nghĩa theo các từ tố thì “ám” nghĩa là mờ tối, “ảnh” nghĩa là cái bóng, và “ám ảnh” nghĩa là cái bóng mờ. Quả thật, đó là nghĩa của từ này trong trong tiếng Hán từ xưa đến nay. Soạn giả không nhận ra rằng, đây là một từ gốc Hán đã bị thay đổi nghĩa, nghĩa là nó đã bị “Việt hoá”. Ngoài ra, ông còn gán cho nó một nghĩa mà người đọc khó chấp nhận là quấy rầy ở bên cạnh.
2. án mạng
Chúng ta thường dùng từ án mạng để chỉ vụ án giết người. Từ này gồm hai từ tố gốc Hán nhưng được liên kết theo kiểu tiếng Việt. Các từ tố ở đây đã trở nên “Việt hoá” và được đặt theo trật tự trong tiếng Viêt. Nó tương đương với từ mạng án trong tiếng Hán. Người giảng dạy tiếng Việt cần phải nêu rõ điều đó.
3. án thư
Theo cách nói đã quen thuộc của chúng ta thì án thư là cái bàn để đặt sách vở, đúng như soạn giả đã giải thích. Nhưng cái bàn thờ, tức là cái bàn để thắp hương thì chúng ta phải gọi là cái hương án chứ không thể gọi là cái “án hương”. Án thư cũng là một trường hợp "phá lệ" như ở từ án mạng, không theo đúng trật tự của các từ tố trong tiếng Hán. Người Trung Quốc vẫn gọi cái án thư của ta là thư án.
4. ca trù
Ca là hát, trù 籌 là cái thẻ (có thể bằng tre, bằng gỗ hoặc bằng các vật liệu quý hơn). Theo những tài liệu đáng tin cậy thì ca trù (cũng gọi là hát ả đào) là lối hát bỏ thẻ, trong đó, người nghe cảm thấy chỗ nào hát hay thì ném thẻ thưởng cho người hát (gọi là cô đào). Ðịnh nghĩa của soạn giả về từ “ca trù” quả là không có gì sai. Tuy vậy, ông cứ điềm nhiên coi từ này như mọi từ “thuần Hán” khác, không nêu được tính chất “nửa Hán nửa Việt” của nó. Ðó là một thiếu sót không nhỏ.
5. diêm sinh
Nghe qua từ này, hẳn nhiều người nghĩ rằng, đó là một từ trong tiếng Hán hoặc ít ra thì các từ tố cũng bắt nguồn từ tiếng Hán. Cũng từ dự cảm đó nên soạn giả đã nghĩ ra rằng, diêm là muối, sinh là sống, và giải thích rằng, diêm sinh là lưu huỳnh Chúng tôi đã tra cứu khắp các bộ từ điển lớn nhất của Trung Quốc, nhưng không hề thấy nơi nào có từ diêm sinh, trong đó, diêm là muối (鹽) và sinh (生) là sống, mà cũng không hề gặp từ nào tuy viết khác hẳn nhưng vẫn có âm là diêm sinh. Hẳn đây là một từ chỉ có trong tiếng Việt. Thật vậy, trong các từ điển như Ðại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (Sài Gòn, 1895) và Dictionnaire Annamite-Francais của J. F. M. Génibrel (Sài Gòn, 1898) đều có từ diêm sinh. Ở hai bộ từ điển này, chữ diêm 焰 trong tiếng Hán (nghĩa là ngọn lửa) được dùng để thể hiện chữ diêm trong tiếng Việt, còn chữ sinh thì được ghép từ chữ thạch (石) và chữ sinh (生) để nhắc rằng, đây là một chất khoáng chứ không hề có nghĩa là “sống”. Theo Huỳnh Tịnh Của thì diêm = vật dẫn hoả, giống như muối; và sinh = vật vàng vàng có mùi hôi khét, hay cháy, vật để làm thuốc súng; vị thuốc trị sang độc; lưu huỳnh. Génibrrel thì viết: diêm = sel de nitre, salpêtre (một chất muối khoáng có công thức hoá học là KNO3, thành phần chính của thuốc nổ thông thường); sinh = souffre (lưu huỳnh), và diêm sinh = nitre et souffre. Như vậy, cả hai học giả này đã giải thích giống nhau, và từ đó, chúng ta đủ căn cứ để khẳng định rằng, soạn giả hoàn toàn phạm sai lầm khi giảng nghĩa các từ tố diêm và sinh, như đã nêu trên đây. Theo soạn giả của chúng ta thì diêm sinh = lưu huỳnh. Quả thật, trong dân gian, người ta vẫn dùng từ diêm sinh để chỉ lưu huỳnh, đó cũng là một cách dùng theo thói quen, chúng ta không bác bỏ nó nhưng cũng phải lưu ý đến lời giải thích trong hai bộ từ điển của thế kỷ 19 kể trên.
Một điều thú vị là, trong từ điển của Huỳnh Tịnh Của đã có từ hộp diêm. Rõ ràng, từ này không hề chịu ảnh hưởng của tiếng Hán, bởi vì, hiện nay, người Trung Quốc gọi que diêm là hoả sài, và trước đây họ còn gọi bằng nhiều từ khác như hoả thốn, lân thốn, toại mộc, dương hoả, dương viêm đăng.
6. do thám
Theo soạn giả, từ tố do có các nghĩa: từ đó, bởi đó; noi theo; nguyên nhân. Còn từ tố thám có nghĩa là thăm dò, mà nghĩa đen là thăm dò nguyên nhân. Và, do thám nghĩa là thăm dò tình hình đối phương một cách lén lút. Với cách hiểu và cách giải thích của soạn giả thì từ tố do vốn có gốc Hán, và từ do thám là một từ gốc Hán hoàn toàn.
Mặt khác, chúng ta hiểu rằng, từ do thám gần như đồng nghĩa với các từ trinh sát hoặc thám thính, bởi thế, các từ tố do và thám đều có vai trò của động từ và có nghĩa gần giống nhau, cho nên từ tố do không thể có những nghĩa như soạn giả đã nêu. Khi xem xét tất cả những chữ Hán có âm Hán Việt là do, chúng tôi không thấy có chữ do nào là động từ và có nghĩa là trinh sát, và trong các bộ từ điển lớn nhất cũng không tìm thấy từ do thám. Nhưng, theo các từ điển Ðại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (Sài Gòn,1895) và Dictionnaire Annamite-Francais của J. F. M. Génibrel (Sài Gòn, 1898) thì trong chữ Nôm, ngoài chữ do 由 mà cha ông chúng ta mượn từ chữ Hán (để chỉ quan hệ về nguồn gốc hoặc nguyên nhân, mà nhiều khi có thể thay bằng bởi hoặc vì), còn có chữ do nghĩa là dò xét (được dịch sang tiếng Pháp là explorer). Ðó chính là nghĩa của từ tố do trong từ do thám. Hai bộ từ điển này còn cho biết, từ tố do với nghĩa như thế còn có mặt trong các từ (mà ngày nay không dùng nữa) như canh do (=trông coi và tuần tra ban đêm), đi do (=đi tuần tra), quân do (= quân đi thám thính). Vì từ tố do này không có gốc từ chữ Hán nên cha ông chúng ta phải mượn chữ du 游 của Trung Quốc để ghi âm một cách gần đúng và để phân biệt với chữ do 由 ở trên. Như vậy, trong từ do thám, chỉ có từ tố thám (nghĩa là theo dõi để biết tình hình) mới có gốc Hán, còn từ tố do thì không có gốc Hán, và tất nhiên, nó không có nghĩa là từ đó hay bởi đó... như soạn giả đã giảng giải. Ông hoàn toàn không biết rằng, từ tố do không có gốc Hán và đã liều lĩnh gán cho nó một cái nghĩa sai.
7. đô hộ 都護
Ðô nghĩa là thâu tóm, hộ nghĩa là che chở. Soạn giả định nghĩa rằng, đô hộ là thống trị và áp bức bóc lột một nước. Ðó là cách hiểu thông thường của chúng ta hiện nay về từ này, coi như một từ đã “Việt hoá”. Ðáng lẽ soạn giả phải nêu được nghĩa ban đầu của từ này. Ðối với người Trung Quốc, đô hộ không có nghĩa là thống trị hoặc áp bức một nước khác. Ðô hộ vốn là chức trưởng quan cai trị tại các thuộc quốc của các triều đình phong kiến Trung Hoa, được thiết lập từ thời Hán đến thời Ðường. Sau đó, người Việt Nam chúng ta mới gán cho từ đô hộ cái nghĩa là thống trị hoặc áp bức.
8. hoá giá
Chúng ta vẫn dùng từ hoá giá với nghĩa là định giá một cách chính thức đối với những hàng hoá đã cũ hoặc đang tồn đọng. Như vậy, hoá giá có thể là một động từ, hoặc là một danh từ chỉ hành động, trong đó, hoá có nghĩa là làm thành. Nhưng, soạn giả lại giải thích rằng, hoá = của cải, đồ buôn bán; giá = giá cả; và, hoá giá = thuộc về giá cả hàng hoá. Cách giải thích như vậy là hoàn toàn sai và còn khiến người ta tưởng rằng, hoá giá là một tính từ.
9. hậu môn 後門
Chúng ta thường dùng từ hậu môn để chỉ lỗ đít. Ðó chỉ là cách dùng và cách hiểu của người Việt Nam. Trong tiếng Hán, từ hậu môn thường được dùng với nghĩa là cửa sau, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, và rất ít khi được dùng với nghĩa là lỗ đít. Từ hậu môn của chúng ta được dịch sang tiếng Hán là giang môn 肛門. Hậu môn là một từ gốc Hán đã được Việt hoá để mang một nghĩa khác với nghĩa của nó trong tiếng Hán.
10. hậu sản
Hậu là sau, sản là sinh đẻ. Người Việt Nam thường dùng từ hậu sản để chỉ bệnh của phụ nữ sau ngày sinh nở. Nhưng hậu sinh lại có nghĩa là sinh sau chứ không phải là sau khi sinh đẻ hoặc sau khi ra đời Vậy thì hẳn là có sự mâu thuẫn giữa các trường hợp này mà chưa được giải thích. Chúng tôi nghĩ rằng, đây là hiện tượng Việt hoá một phần, bằng cách đặt các từ tố gốc Hán theo thứ tự của tiếng Việt. Theo tiếng Hán thì sản hậu mới là bệnh của phụ nữ sau khi đẻ, và trong tiếng Việt, người ta vẫn còn dùng từ này.
11. khang trang 康莊
Theo soạn giả, khang nghĩa là yên vui, mạnh khoẻ; trang nghĩa là trau chuốt, tức là trang điểm; và, khang trang nghĩa là rộng rãi và đẹp đẽ. Như vậy, các từ tố đã được giảng chưa đúng. Khang còn có nghĩa là rộng lớn (đó mới là nghĩa của từ tố này trong từ khang trang), trang 莊 nghĩa là nghiêm chỉnh, nghiêm túc (chứ không phải trang 妝 là trau chuốt). Chữ trang 莊 trong từ khang trang cũng có mặt trong các từ trang nghiêm, trang nhã, trang trọng. Trong tiếng Việt, từ khang trang thường được dùng để chỉ nhà cửa rộng rãi đẹp đẽ, nhưng trong tiếng Hán, nó được dùng để chỉ đường sá rộng rãi bằng phẳng và toả ra mọi hướng. Ðây cũng là một điều cần lưu ý.
12. khốn nạn 困難
Soạn giả cho biết, khốn nghĩa là cùng khổ, là khó khăn; nạn là tai vạ nguy hiểm; rồi ông nêu ra hai nghiã của từ này: 1) tội nghiệp, đáng thương; và 2) hèn mạt, đáng khinh bỉ. Ðó là những nghĩa mà người Việt Nam đã gán cho nó và đã quen dùng, hầu như chẳng dính dáng gì với nghĩa của các từ tố. Trong một cuốn từ điển lấy mục đích chính là giải nghĩa các thành tố Hán ngữ thì giải thích như trên là chưa đủ, vì chưa nêu rõ hiện tượng Việt hoá và không nêu nghĩa ban đầu của từ này (là nghĩa do các từ tố tạo nên). Trong tiếng Hán, khốn nạn nghĩa là vô cùng khó khăn cực nhọc.
13. kinh nguyệt
Từ này được soạn giả định nghĩa không sai. Nhưng, không thể bỏ qua một điều là, trật tự các từ tố ở đây ngược với cách cấu tạo của các từ gốc Hán khác. Theo tiếng Hán thì phải gọi là nguyệt kinh. Phải chăng, soạn giả không nhận thấy điều đó nên mới điềm nhiên giải nghĩa mà không nêu nhận xét gì cả? Từ này đã được Việt hoá, các từ tố được sắp đặt theo thứ tự trong tiếng Việt.
14. lang bạt kỳ hồ 狼跋其胡
Ðây là một thành ngữ Trung Quốc. Soạn giả cho biết: lang = chó sói; bạt = chạy qua, nhảy qua; kỳ = cái ấy; hồ = phần dưới cằm; và, nghĩa đen của thành ngữ lang bạt kỳ hồ là: con chó sói nhảy qua cả cằm nó. Cứ theo cách giải thích của ông thì người ta ngỡ rằng, người Trung Hoa diễn đạt sao mà lúng túng, khó hiểu đến thế, và thành ngữ này có nghĩa gì? Sự thực thì không phải như vậy, mà lỗi là do soạn giả quá thông thái của chúng ta. Nay chúng tôi xin giải nghĩa lại như sau. Lang = chó sói; bạt = nhảy qua, bước qua; kỳ = của nó; hồ = cái yếm thịt ở dưới cằm và dưới cổ của con vật. Vậy, lang bạt kỳ hồ có nghĩa đen là: con sói bước qua (hay giẫm lên) cái yếm thịt dưới cổ nó, và nghĩa bóng là: lúng túng, vướng víu không gỡ được. Người Trung Quốc sử dụng thành ngữ này với nghĩa như thế.. Chúng tôi chưa biết tại sao người Việt Nam chúng ta lại sử dùng thành ngữ lang bạt kỳ hồ với nghĩa là đi xa và không có chỗ ở nhất định. Soạn giả không hiểu thành ngữ này trong tiếng Hán, tuy nhiên, ông đã nêu được cái nghĩa mà người Việt Nam thường dùng.
15. môi sinh
Chúng ta thường dùng từ môi sinh với nghĩa là môi trường sống của sinh vật. Trật tự các từ tố ở từ này không bình thường như ở các từ gốc Hán khác. Khi đã đưa những từ như vậy vào một quyển từ điển gồm tuyệt đại đa số những từ “thuần Hán” thì phải nói rõ nguyên nhân của sự khác biệt như vậy. Ðó là việc mà soạn giả phải làm. Từ môi sinh chỉ có thể dùng trong tiếng Việt mà thôi, bởi vì các từ tố của nó được đặt theo trật tự của tiếng Việt.
16. mưu chước
Chúng ta có thể đồng ý với soạn giả rằng, mưu là kế hoạch, là lo liệu, và tạm chấp nhận định nghĩa dài dòng của ông: mưu chước = cách lo liệu để giải quyết khó khăn. Nhưng soạn giả giảng giải rằng, chước = liệu cho ổn, thì thật khó đồng tình. Chước nghĩa là kế, là cách xử sự. Chẳng thế mà cụm từ tam thập lục kế đã được Nguyễn Du chuyển thành ba mươi sáu chước đó sao? Một điều đáng lưu ý nữa là, trong các bộ đại từ điển chữ Hán, không hề có từ mưu chước và cũng không hề có chữ chước nào có nghĩa là kế hoặc liệu cho ổn. Các bộ từ điển Ðại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (Sài Gòn, 1895) và Dictionnaire Annamite – Francais của J. F. M. Génibrel (Sài Gòn, 1898) đều có chữ chước 斫 với nghĩa là kế, là mưu mẹo. Chữ chước 斫 này cũng có mặt trong văn bản Truyện Kiều bằng chữ Nôm, ở các câu thơ như “Chước đâu có chước lạ đời” hoặc “ba mươi sáu chước, chước gì là hơn”. Nó vốn là một chữ Hán, có âm là chước, nghĩa là chém, là chặt, nhưng nó đã được dùng như một chữ Nôm để thể hiện âm chước trong tiếng Việt, với nghĩa là kế. Soạn giả cứ tưởng đó là một từ tố gốc Hán, và đã bịa đặt cho nó một cái nghĩa hoàn toàn sai.
17. mưu cơ
Mưu là mưu mẹo, cơ là khéo léo; mưu cơ là mưu mẹo khéo léo. Soạn giả đã giải thích như vậy, tuy đúng với cách hiểu và cách sử dụng từ này trong tiếng Việt nhưng chưa nêu được điểm khác thường trong cách cấu tạo của nó. Từ này chỉ tồn tại trong tiếng Việt, vì nó có trật tự ngược với từ cơ mưu trong tiếng Hán. Khi giảng giải những từ như vậy, nếu không nêu được sự khác thường của chúng thì người đọc sẽ cảm thấy có nhiều mâu thuẫn về cấu tạo của các từ gốc Hán và dễ hiểu sai các từ khác.
18. năng khiếu
Mới nhìn qua, nhiều người nghĩ rằng đây là một từ gốc Hán hoàn toàn. Hẳn là soạn giả cũng nghĩ như thế nên ông chỉ việc giải nghĩa các từ tố rồi nêu định nghĩa của từ mà không cần nói gì thêm. Theo ông, năng là sức làm việc; khiếu là năng lực hiểu biết; năng khiếu là khả năng hiểu biết nhanh chóng một ngành nghề. Thực ra, khiếu là biệt tài gần như bẩm sinh đối với một loại hoạt động nào đó. Từ tố khiếu này không có trong tiếng Hán. Trong số những chữ Hán có âm là khiếu, không có chữ nào mang nghĩa như thế. Các từ điển Việt Hán đều dịch: khiếu = thiên tài, tức là tài năng “trời cho”. Như vậy cũng phù hợp với cách hiểu mà chúng tôi vừa nêu, và cũng chứng tỏ nguồn gốc phi Hán của từ tố khiếu. Nên định nghĩa lại như sau: năng khiếu là tổng thể những phẩm chất sẵn có ở một số người, giúp họ hoàn thành tốt một loại hoạt động nào đó ngay cả khi chưa được học tập và rèn luyện trong hoạt động ấy. Vì không biết chữ Hán nên soạn giả đã coi khiếu là một từ tố gốc Hán và gán cho nó một nghĩa chưa thật xác đáng.
19. ngải cứu 艾灸
Soạn giả cho biết, ngải là tên cây, cứu là đốt bột lá ngải để chữa bệnh, và, ngải cứu là loài cây thuộc họ cúc, lá dùng làm thuốc. Giữa nghĩa của các từ tố và nghĩa của từ ngải cứu, có một điều gì đó hơi khác thường mà ta không thể làm ngơ, bởi vì ở đây, từ tố cứu có tác dụng làm rõ nghĩa cho từ tố ngải nhưng lại đứng ở sau, một điều không thể có ở các từ thuần Hán. Thật vậy, đối với người Việt Nam, ngải cứu là tên một loài thực vật rất quen thuộc, thuộc họ Cúc, có tên khoa học là Artemisia vulgaris, dùng để làm thuốc chữa bệnh. Người Trung Quốc gọi cây này là ngải 艾 còn từ ngải cứu 艾灸 thì được họ dùng để chỉ việc cứu (tức là đốt tại một huyệt trên cơ thể người bệnh, để chữa bệnh) bằng một mồi lá ngải. Phải chăng, cha ông chúng ta đã hiểu từ ngải cứu là cây ngải để cứu nên đã Việt hoá từ này và dùng chỉ nó để gọi loài thực vật ấy mà thôi.
20. ngoại lệ, ngoại ngạch, ngoại thành
Ngoại lệ là ở ngoài lệ luật quy định, ngoại ngạch là ở ngoài mức quy định, ngoại thành là ngoài thành phố. Người Việt Nam thường dùng các từ này với nghĩa như vậy, và soạn giả đã giải thích đúng. Nhưng, người đọc cẩn thận và có suy nghĩ sẽ hỏi rằng, vậy thì tại sao ngoại bang lại là nước ngoài chứ không phải là ngoài nước; ngoại cảnh là hoàn cảnh hay môi trường bên ngoài chứ không phải là ngoài hoàn cảnh hay ngoài môi trường. Ðáng lẽ soạn giả phải nói rõ rằng, trong các từ ngoại lệ, ngoại ngạch, ngoại thành, trật tự các thành tố của từ không còn đúng như trong tiếng Hán nữa, mà đã thay đổi theo kiểu Việt Nam, đó là những từ của Việt Nam.
21. nhãn quan
Mọi người thường cắt nghĩa rằng, nhãn nghĩa là mắt; quan nghĩa là nhìn kỹ; và, nhãn quan nghĩa là tầm mắt, với nghĩa bóng là tầm hiểu biết. Soạn giả cũng giải thích như vậy. Nhưng trong mọi bộ từ điển chữ Hán của Trung Quốc và cả trong các quyển từ điển Hán Việt, chỉ có từ nhãn quang 眼光 nghĩa là tầm hiểu biết, chứ không hề có từ nhãn quan. Nhãn 眼 không những có nghĩa là mắt, mà còn có nghĩa là nhìn; quang 光 nghĩa là sáng, là ánh sáng, và còn có nhiều nghĩa khác, trong đó có nghĩa là cảnh sắc, cảnh vật. Nghĩa đen của nhãn quang là cảnh vật nhìn thấy được, và nghĩa bóng là tầm hiểu biết. Lâu nay, đại đa số người Việt Nam thường nhầm lẫn, đều đọc là nhãn quan. Soạn giả vốn không biết chữ Hán nên không thể phát hiện được sự nhầm lẫn ở từ này.
22. nhân tình
Nhân tình nghĩa là tình cảm của con người. Ðôi khi người ta dùng từ nhân tình với nghĩa là người yêu, chủ yếu là trong ngôn ngữ thường ngày. Soạn giả cho rằng, nhân tình, trước hết, có nghĩa là người yêu. Thực ra, đó là cách hiểu và cách dùng của người Việt Nam, coi quan hệ giữa các từ tố ở đây giống như trong tiếng Việt. Người soạn từ điển phải chú ý giải thích trong những trường hợp như thế này. Trong tiếng Hán, tình nhân mới có nghĩa là người yêu.
23. nhất thiết 一切
Chúng ta thường dùng từ nhất thiết với nghĩa là nhất định, là dứt khoát, là không thể khác được. Soạn giả cũng định nghĩa như thế. Nhưng, trong tiếng Hán, nhất thiết nghĩa là tất cả, là mọi thứ. Vậy, từ nhất thiết trong tiếng Việt đã mang nghĩa mới, khác hẳn với nghĩa của nó trong tiếng Hán. Ðây là một điều cần chú ý nhưng soạn giả đã không đủ kiến thức để nhận thấy điều đó.
24. nội nhật
Soạn giả đã giải thích: nội là bên trong, nhật là ngày, nội nhật nghĩa là trong phạm vi một ngày. Ðó chính là cách hiểu từ này theo thói quen của người Việt Nam. Trong khi đó, nội chiến thì không phải là trong cuộc chiến tranh, nội khoá không phải là trong bài học, v.v. Nếu không nêu được nguyên nhân của sự khác biệt trong cách sử dụng từ tố nội trong các trường hợp này thì sẽ gây nhầm lẫn lung tung. Nội nhật là một từ gồm hai từ tố gốc Hán được ghép lại theo trật tự của tiếng Việt thì mới có nghĩa là trong phạm vi một ngày. Nếu nói theo kiểu Trung Quốc thì phải gọi là nhật nội.
25. nội thành, nội thị
Tuy soạn giả giải thích đúng nghĩa của các từ tố và nêu được nghĩa thường dùng của các từ này, nhưng ông không biết rằng, chúng là những từ đã được Việt hoá. Nhìn qua thì dễ nghĩ rằng, nội thành và nội thị là những từ gốc Hán. Thực ra, trong các tưf này, chỉ các từ tố là có gốc Hán, còn trật tự của các từ tố lại là của tiếng Việt, ngược với trật tự của tiếng Hán.
26. phục hoá
Phục hoá là một từ do người Việt đặt ra, có nghiã là trồng trọt lại ở những thửa đất đã bỏ hoang, trong đó, từ tố phục có nghĩa là khôi phục, phục hồi, và từ tố hoá nghĩa là ruộng bị bỏ không, chẳng trồng trọt gì cả. Chúng ta không bàn về nguồn gốc của từ hoá ở đây, nhưng nghĩa của nó là như thế. Tuy từ phục hoá được soạn giả định nghĩa đúng, nhưng giải thích rằng, hoá nghĩa là thay đổi, thì ông đã phạm một sai lầm hết sức nghiêm trọng.
27. sai nha
Soạn giả đã giải nghĩa đúng: nha là nơi làm việc của quan lại; sai nha là người hầu hạ ở các phủ huyện thời xưa. Từ này hẳn là đã được sử dụng trong tiếng Việt từ rất lâu rồi. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng từ này vài lần (Hàn huyên chưa kịp dã dề, sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao; Một ngày lạ thói sai nha, làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền). Nhưng khi giải nghĩa từ này với tư cách là một từ Việt gốc Hán, cần phải phải thấy ở đây có điều hơi khác thường. Chúng ta đều biết các từ nha lại, nha dịch, công sai... là những từ đồng nghĩa với sai nha, nhưng từ sai nha lại có trật tự ngược so với các từ vừa kể. Trong từ này, các từ tố gốc Hán đã được đặt theo trật tự của tiếng Việt. Người soạn từ điển phải nêu được nguyên nhân của sự đảo ngược đó để giúp người đọc tránh những lầm lẫn đáng tiếc.
28. thuỷ nông
Ðây là một từ gồm hai từ tố gốc Hán nhưng lại là một từ hoàn toàn của Việt Nam. Chúng ta đều hiểu rằng, thuỷ nông là công tác thuỷ lợi để phục vụ nông nghiệp. Soạn giả cũng hiểu như vậy. Ðiều cần chú ý ở đây là, từ này gồm hai từ tố gốc Hán, nhưng được cấu tạo theo kiểu của ta, và chỉ người Việt Nam mới hiểu theo nghĩa kể trên. Người Trung Quốc có thể hiểu thuỷ nông là làm ruộng nước. Khái niệm thuỷ nông của ta được gọi theo tiếng Hán là nông điền thuỷ lợi.
29. tiền khởi nghĩa
Từ tiền khởi nghĩa thường được hiểu là trước khởi nghĩa (tháng 8 năm 1945). Ngoài ra, từ tố tiền nghĩa là trước còn được dùng theo kiểu này trong một số từ khác như tiền cách mạng, tiền chiến, với nghĩa là trước cách mạng, trước chiến tranh (chống Pháp, ở Việt Nam). Tuy nhiên, trong đại đa số các trường hợp khác, như tiền án, tiền bối, tiền duyên, tiền đồ, tiền kiếp, tiền lệ, v.v. thì vai trò của từ tố tiền lại khác hẳn; chẳng hạn, tiền án không phải là trước vụ án, mà có nghĩa là bản án trước đó, v.v. Người soạn từ điển nên giúp độc giả phân biệt rõ những trường hợp khác thường để khỏi vận dụng sai.
30. tình chung
Ðọc đến từ này, kẻ viết bài này nhớ ngay đến câu thơ 791-792 trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:
Biết thân đến bước lạc loài,
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.
Chưa cần cắt nghĩa từng từ tố, âm hưởng của câu thơ cũng đã khiến người đọc cảm nhận rằng, “người tình chung” là người yêu chỉ có một ở trên đời, tình yêu đối với người đó như đã thấm vào máu thịt, không thể nào phai nhạt. Và như vậy thì từ tình chung không phải là một danh từ để chỉ mối tình bền chặt, thuỷ chung, mà đó là một tính từ.
Theo soạn giả thì tình là cảm xúc trong lòng, chung nghĩa là cuối, và, tình chung nghĩa là mối tình chung thuỷ. Nghĩ như vậy có lẽ chỉ vì ông vẫn thường nghe nói đến “mối tình chung thuỷ” nghĩa là mối tình trước sau như một (trong đó, chung 終 nghĩa là cuối, thuỷ 始 nghĩa là bắt đầu). Nhưng ông đã lầm to, mà lầm là phải, vì cứ dựa dẫm đoán mò thì thường chỉ có thể đúng ở những từ rất đơn giản.
Tình chung là một từ gốc Hán đã được Việt hoá, có lẽ nhờ ngòi bút của Nguyễn Du mà nó càng trở nên quen thuộc và có hồn hơn. Nó vốn là từ chung tình 鍾情 trong tiếng Hán, trong đó, chung 鍾 nghĩa là tụ lại, là đúc kết lại; tình 情 nghĩa là tình cảm, tình yêu, v. v., và, chung tình (là một tính từ) nghĩa là mang một tình yêu bền chặt như đúc thành một khối. Chúng tôi đã xem lại văn bản Truyện Kiều bằng chữ Nôm (bản Liễu Văn Ðường) thì thầy răng, từ tình chung được viết là 情鍾 trong đó, chữ chung 鍾 nghĩa là tụ lại, là đúc kết lại chứ không phải chữ chung 終 là cuối như soạn giả đã đoán bậy. Xin lưu ý rằng, trong chữ Nôm, cha ông ta cũng phân biệt hai chữ chung này.
Ở các câu 389-390 trong Truyện Kiều:
Duyên kia có phụ chi tình,
Mà toan sẻ gánh chung tình làm hai?
Nguyễn Du đã sử dụng từ chung tình với nghĩa giống như từ tình chung ở trên.
31. trị số
Soạn giả giải thích rằng, trị nghĩa là đánh giá, số nghĩa là con số, và, trị số là giá trị bằng số. Nên hiểu chữ trị như một danh từ, nghĩa là giá trị, thì đúng hơn. Cần chú ý rằng, đây là một từ nửa Hán nửa Việt gồm hai từ tố gốc Hán được sắp xếp theo thứ tự của tiếng Việt, tương đương với từ số trị trong tiếng Hán.
32. viên chức
Viên nghĩa là người đảm đương một trách nhiệm nào đó, chức là phần việc phải làm. Ta thường hiểu rằng, viên chức là người làm việc trong một cơ quan hoặc đoàn thể. Soạn giả cũng nêu định nghĩa như thế nhưng không thấy được rằng, đây là một từ gốc Hán nhưng đã Việt hoá. Cả hai từ tố đều có gốc Hán, nhưng ở đây, chúng đã được kết hợp theo trật tự của tiếng Việt. Từ này tương đương với từ chức viên trong tiếng Hán.
33. vu khống
Chúng tôi đã xem hàng chục quyển từ điển Hán ngữ mà chưa hề gặp từ vu khống. Theo các quyển từ điển Việt Hán do người Trung Quốc biên soạn thì từ vu khống trong tiếng Việt được chuyển thành từ vu cáo. Vả lại, người Việt Nam cũng có thể dùng từ vu cáo để thay cho từ vu khống, và chính soạn giả của chúng ta cũng định nghĩa hai từ này giống nhau. Như vậy, có lẽ từ vu khống chỉ tồn tại ở Việt Nam. Tuy nhiên, hẳn đây không phải là một từ được đặt sai, bởi vì, quả là chữ khống 控 có một nghĩa là tố tụng, là vạch tội (các từ điển Hán Anh thường dịch là appeal, accuse), đồng nghĩa với chữ chữ cáo 告 trong từ vu cáo 誣告. Ðiều buồn cười ở đây là, vì không biết chữ Hán nên soạn giả đã đoán rằng, khống nghĩa là hư không, tức là không có gì.
Thực ra, chữ không 空 mới có nghĩa là trống không, trống rỗng, hư không. Chữ này còn có nghĩa là để trống, và trong trường hợp đó thì phải đọc là khống (tuy một số từ điển vẫn đọc là không, nhưng từ điển Từ nguyên chú âm là khổ cống thiết, khứ, tống vận, nên phải đọc là khống mới đúng).
VII. Giải thích sai lệch các từ ngữ liên quan đến lịch sử và văn hoá
Nhóm từ ngữ có nội dung liên quan đến các khoa học xã hội và các hình thái ý thức xã hội có mặt rất ít trong từ điển này, chỉ ở con số vài ba chục. Phần nhiều là một số từ thường gặp trong sách giáo khoa lịch sử ở bậc trung học trở xuống. Tuy chỉ với một số từ ít ỏi nhưng vì soạn giả chỉ dựa vào trí nhớ hoặc đoán mò nên đã sai phạm rất nhiều trong việc giải nghĩa các từ hoặc các từ tố, gần như ở từ nào cũng có sai phạm. Chúng tôi xin nêu ra một số vị dụ.
1. ấm sinh 廕生
Soạn giả giải thích: ấm là chức quyền, là ơn huệ cuả cha ông để lại; sinh là học trò, và ấm sinh là danh vị phong kiến do cha làm quan to mà con trai được hưởng. Giải thích như vậy chỉ đúng ở từ tố sinh là học trò, còn từ tố ấm và từ ấm sinh thì giảng chưa đúng. Trong tiếng Hán, chữ ấm 廕 (hoặc 蔭) có nghĩa gốc là che chở và nghĩa thứ hai là được che chở nhờ quan chức và công lao của ông cha. Các từ điển lớn cho biết rằng, ấm sinh là người nhờ cha ông có công lao với triều đình nên được vào học ở trường Quốc tử giám để được bổ dụng (hoặc có thể thi Hội mặc dầu chưa đỗ cử nhân). Như vây, ấm sinh 廕生 phải là một loại học trò. Hơn nữa, không phải hễ cứ là con quan to đều được làm ấm sinh, bởi vì trong mỗi gia đình quan to, số người được hưởng ân huệ như vậy đều có quy định. Chẳng hạn, theo quy định của nhà Thanh, quan trong triều từ tứ phẩm trở lên, và quan địa phương từ tam phẩm trở lên mới có một người con trai hoặc cháu trai được nhận làm ấm sinh.
Có thể nêu vài ví dụ về các vị ấm sinh, tuy chưa đỗ cử nhân nhưng được thi Hội và đã đỗ tiến sĩ.
Nguyễn Thiện, sinh năm 1860 quê ở xã Ðường Long, huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên, tuy chỉ đỗ tú tài nhưng được làm ấm sinh để vào học ở trường Quốc Tử Giám nên được thi Hội và đã đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1892) tức là năm Thành Thái thứ tư. Ông được làm ấm sinh vì có ông nội là tiến sĩ Nguyễn Văn Duy, người đã chiến đấu ở Gia Ðịnh và đã tuẫn tiết khi thành này bị thất thủ.
Nguyễn Sĩ Giác, sinh năm 1888, quê làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Ðông, mồ côi cha, là cháu nội của tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp (Cơ mật viện đại thần, Tổng tài Quốc sử quán) nên được nhận làm ấm sinh, được coi là giám sinh thượng hạng. Tuy ông chỉ mới đỗ tú tài nhưng được thi Hội và đã đỗ tiến sĩ khoa Canh Tuất (1910) niên hiệu Duy Tân thứ tư.
2. cam lộ 甘露
Tuy soạn giả giải thích được rằng, cam 甘 nghĩa là ngọt, lộ 露 nghĩa là hạt móc đọng trên cây, nhưng ông đã giảng rất sai rằng, cam lộ nghĩa là nước phép của Phật. Thực ra, trước hết, cam lộ nghĩa là giọt móc ngọt. Người xưa tin rằng, trời cho móc ngọt là điềm lành, thiên hạ thái bình, cho nên, cam lộ có nghĩa là dấu hiệu của thời thái bình. Trong Phật giáo, từ cam lộ được dùng để chỉ giáo lý của Ðức Phật, chứ không phải là nước phép của Phật như soạn giả đã giảng giải. Hơn nữa, Phật không có nước phép. Chữ lộ露 này cũng có nghĩa là hiện ra (như trong các từ lộ diện, lộ thiên) và một số nghĩa khác nữa, trong đó có nghĩa là nước ngọt được chắt ép hoặc chưng cất từ hoa quả (tức là xi-rô), hay là nước ngọt do hoa và mầm lá tiết ra (gọi là mật hoa, mật lá). Bởi vậy, đôi khi người ta cũng gọi mật hoa là cam lộ.
3. cống sinh 貢生
Soạn giả giải thích: cống 貢 nghĩa là tiến dâng, sinh 生 là học trò, và, cống sinh là người thi đỗ hương cống thời phong kiến. Trong từ điển này không có từ hương cống, nhưng, theo Hán Việt từ điển của Ðào Duy Anh và vài cuốn từ điển khác thì hương cống là cử nhân từ trước thời Gia Long. Qua bài “Tổng luận về khoa cử ở nước Nam” trong sách Quốc triều hương khoa lục của Cao Xuân Dục, chúng ta được biết cụ thể hơn: Hương cống gọi là cử nhân, sinh đồ gọi là tú tài thì bắt đầu đổi gọi từ năm Mậu Tý, Minh Mạng thứ 9 (1828)”. Vậy, theo soạn giả thì cống sinh chính là cử nhân. Không đúng. Theo các từ điển của Trung Quốc, ở hai thời Minh và Thanh, các phủ, huyện, châu được chọn những người thi đỗ tú tài mà học giỏi để giới thiệu lên kinh đô học trường Quốc Tử Giám (sau này có thể thi tiến sĩ hoặc ra làm quan, mặc dầu chưa đỗ cử nhân). Như vậy cống sinh là người học trò chưa đỗ cử nhân nhưng được ưu tiên theo học trường Quốc tử giám để đi thi tiến sĩ hoặc ra làm quan như người đã đỗ cử nhân. Hán Việt từ điển của Ðào Duy Anh cũng giải thích rằng, cống sinh là người học trò giỏi do các tỉnh xét hạch lấy đậu, cấp lương ăn học để thi tiến sĩ, tức là được hưởng quyền lợi như cử nhân. Xin nêu một ví dụ:
Phan Dưỡng Hạo (1802 – 1849), quê ở xã Vân Tụ, huyện Ðông Thành (nay là huyện Yên Thành), tỉnh Nghệ An, thi Hương nhiều lần chỉ đỗ tú tài nhưng nổi tiếng học giỏi, được cử làm cống sinh vào học trường Quốc tử giám và thi đỗ thám hoa khoa Ðinh Mùi (1847), niên hiệu Thiệu Trị thứ bảy.
4. Cử nhân 举 人, cử tử 举 子
Theo soạn giả, cử có các nghĩa: cất lên; đưa lên, nổi dậy, thi đỗ; nhân nghĩa là người. Từ đó mà đi đến định nghĩa rằng, cử nhân là: 1. Người đậu chính thức khoa thi hương trong thời phong kiến; 2. Học vị đại học, trên tú tài, dưới tiến sĩ. Như vậy, theo soạn giả thì từ tố cử ở đây có nghĩa là thi đỗ. Chúng tôi nghĩ rằng, ông có hiểu sơ sơ về từ cử nhân rồi vận dụng chút hiểu biết ấy để đoán nghĩa của từ tố cử nghĩa là thi đỗ, nhưng đã đoán sai. Bởi vì, các từ điển lớn của Trung Quốc nêu gần hai chục nghĩa của chữ cử nhưng không nêu nghĩa này, mà chỉ giảng rằng, cử nghĩa là khoa cử khảo thí, nghĩa là việc thi tuyển (tương ứng với examination trong tiếng Anh) và cũng là cách gọi tắt của từ cử nhân. Dù chúng tôi có thể chưa tra cứu đến ngọn nguồn cũng vẫn đủ cơ sở để nói rằng, trong từ cử nhân 举 人 thì cử 举 hoàn toàn không có nghĩa là thi đỗ, như soạn giả đã ngộ nhận. Theo từ điển Từ nguyên thì nghĩa đầu tiên của từ cử nhân là tuyển dụng nhân tài, sau đó phát sinh nghĩa mới là người được tuyển dụng rồi sau nữa lại có nghĩa là người trúng tuyển kỳ thi ở các châu hoặc các tỉnh để được phép thi ở cấp trung ương. Như vậy, cử nghĩa là tiến dẫn, là tuyển chọn chứ không phải là thi đỗ. Trong lịch sử khoa cử ở Việt Nam, học vị cử nhân được sử dụng lần đầu tiên dưới thời vua Minh Mạng, từ khoa thi năm Mậu Tý 1828.
Trong từ cử tử 举 子 thì từ tố cử 举 lại có nghĩa là đi thi. Soạn giả đã định nghĩa đúng rằng, đó là người dự thi lối cử nghiệp. Nhưng theo ông, từ tố cử có nghĩa là thi đỗ. Ðiều đó cũng đủ chứng tỏ cái sai của ông, như chúng tôi vừa phân tích.
Ðộc giả có thể cho rằng, chúng tôi hơi câu nệ vào sách vở chữ Hán và có phần khắt khe đối với soạn giả. Xin độc giả hiểu rằng, nếu chỉ giải nghĩa mà thôi chứ không cắt nghĩa các từ tố thì chúng tôi không phải nói gì thêm ở hai từ này (và một số từ khác nữa). Nhưng vì soạn giả có chủ ý cắt nghĩa rành rọt từng từ tố để giúp người đọc hiểu thấu đáo các từ ngữ Hán Việt (cuối bài độc giả sẽ thấy đó là chủ trương từ đầu của ông) nên chúng tôi mới phải làm cái việc rất tốn công sức này, tuy không phải là vô ích.
5. dân tuý 民粹
Theo soạn giả, dân là người trong một nước, tuý nghĩa là say, rồi ông đưa ra một định nghĩa về từ dân tuý, tuy không sai nhưng rất dài dòng. Ðiều đáng chê trách là, ông không biết chữ Hán nhưng cứ đoán liều rằng, tuý nghĩa là say mê. Trong tiếng Hán, ở từ dân tuý 民粹 người ta dùng chữ tuý 粹 nghĩa là tinh hoa chứ không phải chữ tuý 醉 là say mê.
Phái dân tuý hay chủ nghĩa dân tuý là một trào lưu xã hội - chính trị ở Nga, xuất hiện trong những năm 70 của thế kỷ 19, coi nông dân (chứ không phải công nhân) là lực lượng cách mạng chủ yếu của nước Nga. Bắt nguồn ở từ narod trong tiếng Nga nghĩa là nhân dân (mà đại đa số dân Nga hồi ấy là nông dân), người ta đặt ra một từ là narodnichestvo, nghĩa là phái duy dân để chỉ trào lưu ấy. Từ này được dịch sang tiếng Anh là populism, tiếng Pháp là populisme, tiếng Hán là dân tuý chủ nghĩa 民粹主義 và tiếng Việt là chủ nghĩa dân tuý.
6. giám quốc 監國
Soạn giả cho biết: giám nghĩa là trông coi, quốc là nước. Các từ tố này đã được giải nghĩa không sai. Nhưng, khi thấy ông định nghĩa rằng, giám quốc là người đứng đầu một nước cộng hoà tư sản thì chúng tôi thấy rằng, hiểu biết của ông về lịch sử hãy còn non kém lắm. Ông lại càng mắc sai lầm khi viết rằng, Ngày nay người ta dùng từ “tổng thống” để thay từ “giám quốc”.
Theo từ điển Từ nguyên, giám quốc là người cầm quyền tạm thời khi vua vắng mặt. Từ những thời xa xưa, khi vua đi đánh dẹp ở xa thì thái tử thường làm giám quốc để trông coi việc nước. Cũng có trường hợp, vua mới lên ngôi còn quá nhỏ thì đình thần cũng chọn một người làm giám quốc. Ví dụ, năm 1908, Phổ Nghi lên ngôi vua nhà Thanh khi mới hai tuổi, đình thần đã cử cha của ông ta là Tải Thuần làm giám quốc.
Ở nước ta cũng đã từng có chức giám quốc. Cuối năm 1787, Vũ Văn Nhậm theo lệnh của Nguyễn Huệ ra bắc giết Nguyễn Hữu Chỉnh rồi lập Sùng Nhượng Công Lê Duy Cận (con vua Lê Hiển Tông, chú của Lê Chiêu Thống) làm giám quốc vì Lê Chiêu Thống đã chạy khỏi kinh thành để cầu cứu quân Thanh. Khi Nguyễn Huệ ra bắc giết Vũ Văn Nhậm, ông vẫn để Lê Duy Cận làm giám quốc.
Ðúng là hồi cuối thế kỷ 19, có người đã dùng từ giám quốc để chỉ chức tổng thống nước Pháp, nhưng đó chỉ là cách dùng tạm thời, gượng ép. Sang đầu thế kỷ 20, không ai gọi tổng thống Pháp là giám quốc nữa. Ngày nay, chúng ta vẫn phải gọi Tải Thuần và Lê Duy Cận là những ông giám quốc ở thời trước. Nếu gọi họ là tổng thống thì thật đáng xấu hổ.
7. liêm phóng 廉訪
Nếu chỉ giải thích rằng, liêm = trong trắng, không tham ô; phóng = dò xét; và, liêm phóng = sở mật thám của thực dân Pháp - như soạn giả đã làm thì quá sơ sài và hời hợt, lại khiến người đọc tưởng rằng từ này chỉ mới xuất hiện dưới thời Pháp thuộc. Phải nói rõ thêm rằng, phóng ở đây là do đọc chệch từ chữ phỏng 訪 nghĩa là hỏi cho biết, tức là tìm hiểu sự việc (như trong từ phỏng vấn). Cơ quan liêm phỏng đã có từ rất lâu rồi. Năm 1285, nhà Nguyên đặt ra Túc chính liêm phỏng ty ở các đạo để xem xét công và tội của các quan. Năm 1325, vua Trần Minh Tông đặt Liêm phỏng ty ở các lộ. Năm 1400, Hồ Quý Ly đặt chức liêm phỏng sứ ở các lộ. Thời nhà Thanh cũng gọi án sát sứ là liêm phỏng sứ. Trong thời Pháp thuộc, sở mật thám được gọi là sở liêm phóng.
8. ngọc tỉ 玉璽
Tỉ 璽 là cái ấn của hoàng đế. Ngọc tỉ là cái ấn bằng ngọc của hoàng đế. Soạn giả nêu định nghĩa: ngọc tỉ là ấn của nhà vua, tuy không hoàn toàn sai, nhưng chưa chính xác lắm, vì ngọc tỉ phải là cái ấn bằng ngọc. Nhưng khi thấy ông đưa ra một ví dụ: Bảo Đại đã giao ngọc tỉ cho đại diện của chính phủ cách mạng, khi tuyên bố thoái vị, thì chúng tôi hết sức ngỡ ngàng, vì vua Bảo Ðại làm gì có ngọc tỉ. Cái ấn của ông ta là bằng vàng, tên gọi là “Hoàng đế chi ấn”, tức là “ấn của hoàng đế” chứ chưa bao giờ gọi là tỉ và cũng không phải bằng ngọc. Theo từ điển Từ nguyên thì ngọc tỉ nghĩa là Hoàng đế chi ngọc ấn, tức là ấn bằng ngọc của hoàng đế. Từ điển này còn cho biết thêm rằng, thời xưa, ở Trung Quốc, ấn được làm bằng vàng hoặc bằng ngọc, nhưng từ thời Tần về sau thì ấn được làm bằng ngọc. Ðó là việc ở Trung Quốc. Ở Việt Nam hình như chưa ai biết thời nào đã từng có ngọc tỉ; riêng ở triều Nguyễn thì chỉ có ấn bằng vàng mà thôi.
9. ngự lâm pháo thủ
Trước hết, xin nói thêm rằng, ngự lâm pháo thủ là từ mà cụ Nguyễn Văn Vĩnh đã dùng để chỉ lính hầu cận của vua nước Pháp hồi thế kỷ 17. Khi giải thích từ này, soạn giả phân tích như sau: ngự = thuộc về vua; lâm = rừng; pháo = súng lớn; thủ = tay. Do đó, ông đi đến định nghĩa: ngự lâm pháo thủ nghĩa là những người lính bắn súng lớn ở trong rừng của vua. Một định nghĩa thật ngô nghê buồn cười và rất sai. Trong sách Tam quốc diễn nghĩa, ở hồi thứ 24 có chỗ nói rằng, “Tào Tháo cho 3000 người tâm phúc sung vào ngự lâm quân, cử Tào Hồng thống lĩnh”. Ngự lâm quân cũng là cấm vệ quân, là từ dùng để chỉ đội quân chuyên việc phòng thủ kinh đô và bảo vệ nhà vua. Trong từ ngự lâm pháo thủ, ngự lâm nghĩa là lính ngự lâm, tức là lính bảo vệ nhà vua. Rất nhiều người đã biết tác phẩm Ba chàng ngự lâm pháo thủ của nhà văn Alexandre Dumas. Tên sách bằng tiếng Pháp là Les trois mousquetaires, nghĩa là ba người lính mang súng mousquet. Súng mousquet là loại súng dùng cho cá nhân nên có cỡ như khẩu súng trường, chỉ một người mang, nhưng khi bắn thì phải có giá đỡ, bởi vì nó vẫn là loại súng hoả mai, nghĩa là phải châm mồi lửa mới bắn được. Tuy nhiên, ở thế kỷ 17 thì nó là thứ vũ khí rất quý, nên được dùng để trang bị cho quân cấm vệ, tức là dùng cho lính ngự lâm. Mousquetaires nghĩa là những người lính mang súng mousquet, thời đó được dùng làm lính bảo vệ kinh thành và bảo vệ nhà vua. Bởi vậy, khi dịch Les trois mousquetaires sang tiếng Việt, nếu dịch cho đúng từng chữ thì chỉ cần dịch là Ba người lính mang súng hoả mai; nếu muốn thể hiện dúng tinh thần của nguyên tác thì chỉ cần dịch là Ba người lính ngự lâm cũng chính xác rồi. Nhưng ông Nguyễn Văn Vĩnh biết rằng, lính ngự lâm đến thời bấy giờ mới bắt đầu có súng, oai hơn hẳn trước kia, do đó, ông đã thêm các chữ pháo thủ để cho những anh lính này không bị nhầm lẫn với loại lính ngự lâm cầm gươm giáo “tầm thường” trước đó.
10. thái thú 太守
Soạn giả giải thích rằng, thái là rất, là tuyệt cao, là tiếng tôn xưng; thú là chức quan; thái thú là chức quan Trung Quốc xưa được cử đứng đầu một nước chiếm cứ được. Chưa nói đến sự hiểu biết quá mù mờ về từ tố thú, định nghĩa này vừa lủng củng vừa sai. Lịch sử cho biết rằng, từ thời Chiến quốc, thú là chức quan đứng đầu một quận, tôn xưng là thái thú. Các đời sau có khi đổi thành quận thú. Nhà Hán đặt nước ta thành quận Giao Chỉ của Trung Quốc nên tên quan đứng đầu quận này cũng được gọi là thái thú. Như vậy, thái thú là chức quan đứng đầu một quận thuộc Trung Quốc, do các triều đại phong kiến Trung Quốc đặt ra.
11. tham tụng 參訟
Theo soạn giả, tham nghĩa là dự vào, tụng nghĩa là đi theo, và, tham tụng là chức quan to thời Hậu Lê. Ðịnh nghĩa này không rõ ràng, hơn nữa, soạn giả đã bịa sai nghĩa cho từ tố tụng. Chữ tụng 訟 ở đây nghĩa có nghĩa gốc là bàn luận và có mặt trong từ tố tụng chứ không có nghĩa là đi theo. Tham tụn 參訟 nghĩa đen là "được dự bàn luật lệ". Ðó là chức quan to nhất trong phủ chúa Trịnh, được dự bàn việc trong phủ chúa Trịnh, giữ vai trò tể tướng.
12. thứ sử 刺史
Trong từ thứ sử, thứ nghĩa là sai khiến. Soạn giả đã nói đúng nghĩa của từ tố ấy, nhưng, thật đáng ngạc nhiên khi ông giảng rằng, sử nghĩa là quan coi việc chép sử, và, thứ sử là chức quan coi việc cai trị một quận. Chúng tôi nghĩ rằng, chữ sử ở đây không có nghĩa là lịch sử nên phải tra cứu thật kỹ. Theo từ điển Từ nguyên, chữ sử ở đây nghĩa là sứ giả (phái viên) của hoàng đế. Thứ sử vốn là chức quan quản lý một châu. Hán Vũ Ðế chia Trung Quốc (gồm cả một số vùng phụ thuộc, trong đó có nước ta) thành 13 châu, mỗi châu đặt một viên thứ sử. Thời đó, nước ta được gọi là quận Giao Chỉ, (nằm trong vùng Giao Chỉ, là một trong 13 châu thời ấy) do một viên thái thú (cấp dưới của thứ sử) đứng đầu. Viên thứ sử Giao Chỉ trông coi một vùng đất lớn hơn nước ta rất nhiều. Như vậy, chức thứ sử thời đó tương đương chức tổng đốc ở Trung Quốc gần đây. Từ thời nhà Tuỳ (581 - 618) về sau, thứ sử là tên gọi thay cho thái thú, cai quản một quận, tương đương với chức tri phủ của Trung Quốc sau này. Năm 931, khi Dương Ðình Nghệ tự xưng là Tiết độ sứ, ông đã cử Ðinh Công Trứ (cha của Ðinh Bộ Lĩnh) làm thứ sử Hoan châu.
13. tiên đan 仙丹
Theo soạn giả, tiên = người tiên; đan = thuốc viên; và, tiên đan = thuốc tiên. Trước hết, vì không hiểu gì về chữ đan 丹 cho nên soạn giả đành nói liều rằng, đó là thuốc viên. Thực ra, hoàn mới là thuốc viên. Cao, đan, hoàn, tán cơ mà! Từ đó, đủ thấy rằng, ông chưa thể hiểu từ tiên đan. Theo quan niệm của đạo giáo (taoism) ở Trung Quốc, tiên là người ở cõi trời, có cuộc sống trường sinh bất tử và có nhiều phép lạ. Ðan là tên gọi tắt của đan sa, tức là thần sa hoặc chu sa (xem mục từ 15 ở phần VIII dưới đây), một chất khoáng được các đạo sĩ dùng làm nguyên liệu chính để chế luyện thành thuốc có công dụng đặc biệt. Bởi vậy, chữ đan lại có nghĩa là thuốc được chế luyện theo một phương thức bí truyền, và, tiên đan nghĩa là thuốc trường sinh, mà theo đạo giáo thì người được uống nó sẽ trở thành tiên, sống mãi không chết.
Trong tiếng Việt, từ thuốc tiên thường có nghĩa là thuốc chữa bách bệnh (bệnh gì cũng chữa được), hoặc là thuốc chữa khỏi bệnh ngay chứ không có nghĩa là thuốc trường sinh.
14. tiền sử
Tiền là trước, sử là lịch sử, vậy nên soạn giả định nghĩa rằng, tiền sử là thời kỳ lịch sử trước khi có sử, rồi nêu ra một câu ví dụ: Ngay từ thời tiền sử nhân dân ta đã biết làm ruộng. Bên cạnh từ tiền sử, ta thấy có những từ như tiền án, tiền sự, tiền đồ, tiền vận, v.v, trong đó, từ tố tiền tuy có cùng một nghĩa là trước nhưng đóng vai trò khác hẳn, ví dụ, tiền án không phải là trước vụ án, mà nghĩa là vụ án từ trước. Từ tiền sử gồm hai từ tố gốc Hán nhưng được ghép lại theo kiểu Việt Nam. Nếu theo đúng quy tắc cấu tạo như ở những từ vừa kể thì từ tiền sử kia phải đổi thành sử tiền, như người Trung Quốc vẫn dùng. Vậy thì người biên soạn cũng phải có đôi lời chỉ bảo để cho người đọc khỏi thấy bối rối và khỏi vận dụng sai trong những trường hợp khác.
Ngoài ra, theo cách định nghĩa như trên thì người đọc hiểu rằng, tiền sử là một danh từ. Sự thực thì nó phải là một tính từ. Chính ví dụ do soạn giả đưa ra đã chứng tỏ điều đó. Ông viết: Ngay từ thời tiền sử... thì đúng, chứ ông không thể viết: Ngay từ tiền sử... Chúng ta có không ít cụm từ, trong đó, tiền sử đóng vai trò tính từ, như: người tiền sử, khảo cổ học tiền sử, v.v. Danh từ préhistoire trong tiếng Pháp hoặc prehistory trong tiếng Anh được người Trung Quốc dịch là sử tiền kỳ, sử tiền học, trong đó, từ sử tiền (tương ứng với tiền sử trong tiếng Việt) được coi như một tính từ. Trong các từ điển Hán Anh (hoặc Hán Pháp), từ sử tiền được dịch thành tính từ prehistorical (hoặc préhistorique)
Ðể cho chặt chẽ và hợp lý, trong từ điển nên viết rằng, tiền sử: (thuộc về) thời kỳ lịch sử trước khi có chữ viết, để thể hiện vai trò tính từ của từ này.
15. tiết độ sứ 節度使
Khi đọc đến định nghĩa: tiết độ sứ là chức quan cai trị một địa phương trong chế độ phong kiến, người đọc được biết quá ít về chức vụ này và không thể hình dung được vai trò, chức trách, quyền hạn, v.v. của nó. Trong thời buổi mà độc giả gồm vô số tú tài, cử nhân, tiến sĩ, họ đòi hỏi thông tin cụ thể, chính xác, thì định nghĩa qua loa này thật không đạt.
Tiết độ sứ là một chức quan do chính quyền phong kiến Trung Quốc đặt ra từ năm 710, thời nhà Ðường, nắm quyền về quân sự và dân sự ở một khu vực rộng lớn, tương đương một châu (đơn vị hành chính trực thuộc trung ương, tương tự như một tỉnh ở Trung Quốc hiện nay nhưng thường có diện tích lớn hơn) điều khiển các thứ sử (lúc này, thứ sử chỉ là quận trưởng). Thời đó, nhà Ðường cũng cử một viên tiết độ sứ để cai trị nước ta (nghĩa là coi nước ta như một tỉnh), gọi là Giao Châu tiết độ sứ. Năm 906, khi nhà Ðường sắp bị diệt vong, Khúc Thừa Dụ được cử làm tiết độ sứ ở Giao Châu. Năm 931, Dương Ðình Nghệ đánh đuổi được bọn tướng Nam Hán rồi tự xưng là tiết độ sứ. Chức tiết độ sứ bị bãi bỏ từ thời Nguyên.
16. trạng nguyên 状元
Trạng nguyên là người đỗ đầu khoa thi đình trong thời phong kiến. Nên biết rằng, rằng, ở Việt Nam, học vị trạng nguyên chỉ tồn tại đến năm Bính Thìn, năm Vĩnh Hựu thứ hai (1736) đời vua Lê Hy Tông thì chấm dứt, với người đỗ trạng nguyên là Trịnh Huệ, quê ở xã Sóc Sơn, huyện Quảng Hóa (nay thuộc huyên Quảng Xương), tỉnh Thanh Hóa, mặc dầu chế độ khoa cử của chế độ phong kiến Việt Namvẫn tồn tại đến 1919. Tuy nhiên, định nghĩa như thế có thể coi là tạm được. Ðiều đáng nói là, soạn giả chưa hiểu nghĩa của các từ tố trạng và nguyên vì ông cho rằng, trạng nghĩa là hình dáng, tình hình, bày tỏ; và, nguyên là đứng đầu. Ở đây, nguyên nghĩa là người đứng đầu (chứ không phải là đứng đầu). Ðành rằng chữ trạng 状 có các nghĩa như soạn giả đã nêu, nhưng đó không phải là nghĩa của từ tố trạng 状 trong từ trạng nguyên 状元. Nếu từ tố trạng có nghĩa như thế thì ta thật khó lý giải về nghĩa của từ trạng nguyên.
Theo từ điển Từ nguyên, chữ trạng 状 còn có nghĩa là tờ đơn, tức là văn bản đề đạt lên cấp trên để trình bày một sự việc hoặc yêu cầu một điều nào đó. Từ thời nhà Ðường, khi những người đã đỗ cử nhân muốn tham dự khoa thi đình, họ phải nộp đơn (trạng) cho bộ lễ, nếu thi đỗ, họ sẽ là tiến sĩ. Do đó, người đỗ đầu trong số các tiến sĩ (mà cũng chính là đứng đầu những người đã nộp tờ “trạng” để xin dự thi)) được gọi là trạng nguyên.
17. vương phi 王妃
Nhiều người nghĩ rằng, vương là vua, và vương phi là vợ vua. Soạn giả cũng hiểu sai như thế, rồi đưa ra ví dụ: Bà vương phi Dương Vân Nga trao long cổn cho thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Xin nói rõ rằng, chỉ ở những thời đại xa xưa, vương mới có nghĩa là vua một nước, ví dụ như Hùng vương, An Dương vương. Các vua ở Trung Quốc từ Tần Thuỷ Hoàng (thế kỷ III trước Công nguyên) trở về sau đều xưng là hoàng đế và thường phong tước vương cho con hoặc anh em mình. Ngay sau khi chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc, các vua nước ta từ Ðinh Tiên Hoàng trở đi cũng đều xưng là hoàng đế và cũng phong tước vương cho các con hoặc anh em. Phi là vợ thứ của vua (dưới hoàng hậu một bậc), hoặc vợ chính của hoàng tử. Chỉ vợ chính của người mang tước vương mới gọi là vương phi. Vợ thứ của vua dưới hoàng hậu một bậc thì gọi là hoàng phi chứ không phải là vương phi. Như vậy, soạn giả đã đưa ra một định nghĩa sai về từ vương phi. Ngoài ra, không thể gọi bà Dương Vân Nga là vương phi vì bà đã được Ðinh Tiên Hoàng phong làm hoàng hậu, và khi bà trao long bào cho Lê Hoàn thì con bà là Ðinh Toàn đang làm vua, bà đã là thái hậu.
nguồn: talawas.de
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Chèn EmoticonsHình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)
Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>
Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:
:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng
Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)