II. Giảng đúng nghĩa của các từ tố, nhưng giảng sai nghĩa của từ
1. âm đức 陰德
Theo soạn giả, âm là trái với dương, là nữ, là âm phủ, là ngầm, kín; đức nghĩa là đạo đức; và, âm đức nghĩa là ảnh hưởng đạo đức của tổ tiên đối với con cháu. Chúng tôi rất nghi ngờ định nghĩa này nên đã xem lại các từ điển Từ nguyên và Từ hải thì được biết rằng, âm đức cũng đồng nghĩa với âm công, nghĩa là công đức tốt đẹp nhưng kín đáo, không ai biết, chỉ có thần thánh biết mà thôi. Như vậy, âm đức không phải là ảnh hưởng đạo đức của tổ tiên đối với con cháu, như soạn giả đã định nghĩa.
2. bình sinh 平生
Bình sinh 平生 nghĩa là cả cuộc đời, là suốt đời. Theo soạn giả, bình là bình thường, sinh là sống, và, từ bình sinh có hai nghĩa: 1) trong cuộc sống hàng ngày; 2) sức sống vốn có. Thực ra, từ tố sinh ở đây có nghĩa là đời sống, là cuộc sống chứ không phải là sống. Khi nêu định nghĩa về từ “bình sinh”, định nghĩa thứ nhất tuy chưa đúng hẳn nhưng còn tạm được, định nghĩa thứ hai thì không đúng, mà chỉ là sự gán ghép chủ quan của soạn giả.
3. bố y 布依
Bố là vải, y là áo, soạn giả đã giải thích đúng hai từ tố này. Nhưng ông định nghĩa rằng, bố y = áo vải, người mặc áo vải thì chưa được. Ðịnh nghĩa như thế tuy không sai nhưng không đạt, vì chưa nói đến nghĩa mở rộng của từ này, mà nghĩa đó mới là nghĩa chính. Tôi đã có lần hỏi một số sinh viên về nghĩa của nhóm từ “người mặc áo vải” nhưng các em đều không trả lời được. Vậy, phải chỉ rõ thêm rằng, bố y nghĩa là thường dân hoặc như người ta thường gọi đùa là “phó thường dân” vậy.
4. cấm cung 禁宮
Soạn giả cho biết: cấm = không cho làm; giam; chỗ vua ở, và: cung = cung điện. Như vậy, các từ tố đều được giảng đúng nghĩa. Nhưng, có lẽ ông nghĩ rằng, nghĩa cụ thể của từ tố cấm ở đây giam (chứ không phải là nơi vua ở) nên đã đi đến định nghĩa về từ cấm cung: Nói về người thiếu nữ trong gia đình phong kiến luôn luôn phải ở trong phòng the, không được ra ngoài. Nếu quả như vậy thì ta chỉ cần định nghĩa rằng, cấm cung = giam hãm trong cung điện. Nhưng từ này không có nghĩa như thế. Ở đây, cấm nghĩa là chỗ vua ở, (như trong các từ cấm thành, cấm binh, cấm uyển...), cho nên, cấm cung hoặc cung cấm đều có nghĩa là cung điện của vua. Nghĩa của từ cấm cung như soạn giả đã nêu chỉ tồn tại trong khẩu ngữ dân gian. Người soạn từ điển không được phép coi đó là nghĩa đúng và nghĩa chính, mà chỉ có thể nêu thêm có kèm theo ghi chú.
5. củ hợp 糾合
Tuy đã cắt nghĩa các từ tố tương đối đúng, rằng: củ = sửa lại, kết hợp lại, xem xét; và, hợp = hợp lại; nhưng, lạ thay, «củ hợp» thì được định nghĩa là «tụ tập lại để làm điều bất chính» (!). Ðây chính là nghĩa của từ «cẩu hợp» 苟合, trong đó, «cẩu» 苟 nghĩa là qua loa, tạm bợ, như trong từ «cẩu thả» 苟且. Củ hợp nghĩa là tập hợp, là tụ hợp chứ không hề đồng nghĩa với cẩu hợp. Về từ tố hợp, ta nên nói rằng, hợp nghĩa là góp lại thì hay hơn.
6. Ðịa Trung Hải 地中海
Ðịa là đất, là lục địa; trung là ở trong, ở giữa; hải là biển. Ðịa Trung Hải là biển ở trong lục địa. Chẳng cần phải học hành gì nhiều thì ai cũng biết như thế. Tuy nhiên, từ này đã trở thành tên riêng để chỉ một biển cụ thể, có diện tích 25 triệu km2, nằm ở phía nam Châu Âu, phía bắc Châu Phi, phía tây Châu Á, thông với Ðại Tây Dương qua eo biển Gibraltar và thông với Biển Ðỏ qua kênh đào Suez. Ðiều đáng ngạc nhiên là, sau khi giải thích rằng, Ðịa Trung Hải là biển ở giữa lục địa, soạn giả đưa ra một câu ví dụ: Biển Caxpiên của Liên xô là một địa trung hải. Như vậy, ông đã không định nghĩa được từ Ðịa Trung Hải, lại còn dùng từ này như một danh từ chung, với nghĩa là cái hồ lớn! Ngoài ra, nói rằng, biển Caxpiên của Liên Xô thì cũng chưa đúng, vì ngay cả khi Liên Xô chưa tan rã thì biển này có một phần thuộc chủ quyền của nước Iran, với diện tích 43 200 km2
7. hậu phi 后妃
Soạn giả giải thích rằng, rằng, hậu là vợ vua, phi cũng là vợ vua, và hậu phi cũng là vợ vua rồi đưa ra một câu để minh hoạ: Lịch sử khen bà hậu phi của vua Lý Thánh Tông là người đàn bà giỏi việc nước. Nêu thí dụ như vậy là càng tỏ ra không hiểu từ này, bởi vì hậu là vợ chính của vua, phi là vợ thứ của vua (hoặc vợ chính của thái tử), dưới hậu một bậc. Hậu phi là một danh từ tập hợp, chỉ chung đám vợ lớn vợ bé của vua chứ không chỉ riêng một bà vợ nào cả.
8. hoa liễu 畫柳
Ở đây, hoa nghĩa là bông hoa, liễu nghĩa là cây liễu. Soạn giả đã nêu đúng nghĩa của hai từ tố này. Nhưng, nói rằng, hoa liễu là bệnh lậu hoặc bệnh giang mai thì không đúng. Thực ra, các bệnh kể trên được xếp vào nhóm bệnh hoa liễu, còn từ “hoa liễu” không phải là tên một bệnh, nó được dùng như tính từ để chỉ một nhóm bệnh liên quan đến tệ nạn mại dâm. Hoa liễu là hoa và liễu, vốn dùng để chỉ đàn bà con gái mảnh mai xinh đẹp, về sau lại có nghĩa là chuyện bướm ong trai gái, như trong các thành ngữ “tầm hoa vấn liễu”, hay “liễu ngõ hoa tường”, v.v., và cuối cùng là chỉ gái mại dâm. Các từ điển tiếng Việt từ năm 1954 về trước (cả ở Sài Gòn trước năm 1975) và tất cả các từ điển chữ Hán từ xưa đến nay đều định nghĩa như thế.
9. linh sàng 靈床
Linh là thiêng liêng, là liên quan đến người chết; sàng là cái giường. Các từ tố này đã được soạn giả giải nghĩa đúng. Nhưng ông đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi cho rằng, linh sàng là giường thờ người mới chết chưa đem chôn. Nếu như vậy thì phải chăng ông cũng nghĩ rằng, ở hai câu trong Truyện Kiều:
Sang nhà cha, tới trung đường,
Linh sàng bài vị thờ nàng ở trên.
Nguyễn Du đã không hiểu từ “linh sàng »? Thật ra, chỉ có soạn giả không hiểu, chứ Nguyễn Du thì hiểu từ này quá chính xác. Từ «linh sàng» có hai nghĩa: 1) giường đặt thi thể người chết khi đám tang; 2) cái bàn nhỏ đặt trước bàn thờ, làm “chỗ nghỉ” cho linh hồn người chết khi chưa hết tang. Trong câu thơ trên đây, “linh sàng” mang nghĩa thứ hai.
10. linh xa 靈車
Các từ tố “linh” và “xa” (linh là liên quan đến người chết, xa là cái xe) đều được soạn giả hiểu đúng. Song, phải chăng, linh xa là « kiệu dùng để rước linh hồn người chết trong đám ma theo phong tục cũ », như ông đã dạy? Hoàn toàn không phải như vậy. Linh xa là chiếc xe chở quan tài hoặc chở hộp đựng hài cốt của người chết để đưa đi chôn.
11. long nhãn 龍眼
Rất nhiều người hiểu lầm rằng, long nhãn nghĩa là cùi nhãn phơi khô. Soạn giả quyển từ điển này cũng hiểu lầm như thế. Thực ra, trong tiếng Hán, long nhãn 龍眼, mà âm phổ thông Trung Quốc là longyan (long 龍 là rồng, nhãn 眼 là mắt) là quả nhãn hoặc cây nhãn. Từ này đã được du nhập vào tiếng Anh để có từ “longan” nghĩa là cây nhãn hoặc quả nhãn. Tương tự như vậy, người Pháp gọi quả nhãn là longane và cây nhãn là longanier, cũng bắt nguồn từ “long nhãn” trong tiếng Hán. Các sách Ðại Nam quốc âm tự vị (của Huỳnh Tịnh Của) và Hán Việt từ điển (của Ðào Duy Anh) đều nêu đúng nghĩa của từ long nhãn. Có lẽ vì trong thuốc bắc có vị “long nhãn” mà người ta thấy đó là cùi nhãn nên cứ tưởng “long nhãn” nghĩa là cùi nhãn mà quên rằng, “long nhãn” chính là quả nhãn (hoặc cây nhãn). Soạn giả chỉ tiếp thụ được cách hiểu trong dân gian chứ không đọc được chữ Hán nên thường hay phạm phải những cái sai kiểu này.
12. nhân chứng 人証
Có lẽ chẳng cần giải thích thì ai cũng biết rằng, nhân là người, chứng là bằng chứng, là chứng cứ. Nhưng hiện nay, rất nhiều người, trong đó có soạn giả, đã không phân biệt được hai từ nhân chứng và chứng nhân. Họ hiểu rằng, nhân chứng hay chứng nhân cũng đều có nghĩa là người làm chứng. Chứng nhân thì dĩ nhiên nghĩa là người làm chứng rồi. Còn nhân chứng thì có nghĩa là bằng chứng do con người đưa ra. Cùng với nhân chứng, còn có vật chứng là chứng cứ thể hiện trên các vật thể. Thí dụ, bọn trộm cướp dùng búa đập cửa để vào một nhà hàng lấy của, cái cửa bị chúng đập vỡ bởi những nhát búa chính là vật chứng, nhiều người hàng xóm cho biết rằng, họ nghe tiếng búa nện vào cửa rất mạnh lúc ba giờ sáng, thì việc đó là nhân chứng, và chính các ông hàng xóm là những người làm chứng, họ là những chứng nhân.
13. nhũ danh 乳名
Nhũ là vú, là sữa, là cho bú; danh là tên. Soạn giả đã hiểu đúng nghĩa của các từ tố. Ðiều khiến chúng tôi rất ngạc nhiên là, ông đã định nghĩa rằng, nhũ danh là tên của phụ nữ đặt khi mới đẻ. Ðịnh nghĩa này khiến người đọc phân vân, không rõ có phải là người phụ nữ khi đẻ con thì được đặt một cái tên khác, hay là khi người phụ nữ mới ra đời (lẽ ra phải nói, khi em bé gái mới ra đời) thì được cha mẹ đặt cho một cái tên, gọi là nhũ danh? Nhưng khi thấy ông nêu ra một ví dụ quá cụ thể: bà Nguyễn Ðức Nguyên, nhũ danh là Phan Thị Nga, thì chúng tôi hiểu rằng, bà này chỉ có một nhũ danh, mặc dầu bà có nhiều con, vậy thì nhũ danh phải là tên được đặt cho bà khi bà vừa mới ra đời. Và, phải chăng chỉ riêng phụ nữ mới có nhũ danh? Ðể trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã giở từ điển Từ nguyên ra xem và được biết rằng, nhũ danh là tên đặt cho trẻ sơ sinh. Khi đứa trẻ đi học thì được thầy giáo đặt cho một tên khác, gọi là huấn danh hoặc học danh. Như vậy là, ai ai cũng đều có nhũ danh. Ðịnh nghĩa do soạn giả nêu ra vừa sai vừa dễ gây hiểu lầm, hoàn toàn không đạt yêu cầu.
14. quan ngại 關礙
Quan là cửa ải, là đóng cửa; ngại là ngăn trở. Các từ tố này đã được soạn giả hiểu đúng. Nhưng, soạn giả lại định nghĩa rằng, quan ngại là e ngại vì có khó khăn thì không đúng. Quan ngại nghĩa là trở ngại, là cản trở. Tất cả các từ điển chữ Hán của Trung Quốc hiện nay và các từ điển Hán Việt từ trước đến nay đều giải nghĩa như thế. Từ điển Hán Việt của Nguyễn Quốc Hùng do Nhà sách Khai trí phát hành ở Sài Gòn cuối tháng 4 năm 1975 cũng giải nghĩa như thế. Nhưng ở nước ta hiện nay, rất nhiều người đã hiểu sai và dùng sai từ này. Có quyển từ điển giải thích rằng, quan ngại tức là quan tâm và lo ngại. Nếu cho rằng, từ “quan ngại” đã được “Việt hoá” với nghĩa là “e ngại vì có khó khăn” hoặc “quan tâm và lo ngại” thì người biên soạn từ điển cũng vẫn phải giải thích đúng nghĩa vốn có của nó.
15. tê giác 犀角
Loài thú da dày mà nhiều người gọi nhầm là tê giác (trong đó có soạn giả) có tên là tê 犀 hoặc tê ngưu 犀牛.Tê giác 犀角 nghĩa là sừng tê (hoăc sừng tê ngưu). Nhiều người quen gọi con vật này là con tê giác, lại gọi sừng của nó là sừng tê giác thì không đúng, vì « giác » đã là sừng rồi. Hiện nay, hầu như mọi người ở nước ta đều quen dùng từ “tê giác” để chỉ con tê ngưu, còn cái sừng của con vật này thì gọi là “sừng tê giác”. Sự dùng từ sai như vậy rất cần sửa chữa. Người soạn từ điển phải giúp mọi người hiểu từ ngữ cho đúng chứ đâu phải chỉ biết chép lại cách hiểu sai của nhiều người.
16. tự điển 字典
Ðịnh nghĩa rằng, tự điển là sách từ điển xếp theo chữ như chữ Hán (như soạn giả đã làm) hẳn là quá mù mờ. Những người biết chữ Hán bao giờ cũng phân biệt rất rõ tự điển và từ điển. Ðối với các hệ thống chữ viết không biểu âm (tức là gồm các con chữ không thể hiện được cách đọc, ví dụ như chữ Hán) thì việc nhận dạng các con chữ cùng với âm và nghĩa tương ứng của chúng là điều rất quan trọng, và tự điển được soạn ra để giải quyết việc đó. Tự điển là một loại sách công cụ, lấy “đơn tự” (tức là chữ đơn) làm đơn vị, được sắp xếp theo một trật tự nhất định, cho phép nhận dạng chúng và cũng cho biết cách đọc, nghĩa và cách sử dụng của chúng.
nguồn: talawas.de
(còn tiếp)
Tôi đã chia sẻ 2 bài viết cùng chủ đề này với bạn bè. Chắc nhà bạn sẽ được viếng thăm "hơi bị nhiều" :D
Trả lờiXóatks bạn. Rất hân hạnh được đón tiếp :d
XóaTừ điển mà còn soạn ẩu như thế thì còn nói gì đến những tài liệu khác, K nhỉ?
Trả lờiXóaỔng còn có cuốn Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt nam , nghe ổng giải thích cũng kinh hoàng. :d
XóaNgoài lề tí, con tê ngưu có phải con tê tê không anh?
XóaNghe bẩu sừng tê giác tốt cho đờn ông. Nhờ có chữ... tê chăng?
- con tê tê là con trút, loài thú nhỏ, người đầy vảy. người ta bảo vảy này dùng cho đàn bà trị tắc tia sữa và một vài công dụng gì đấy nữa.
Xóa- Hì, cái này từ tàu qua, nên chắc ko phải do suy diễn từ sự đồng âm vì 犀 con tê và 痹 tê trong tê liệt chữ Hán đọc khác xa nhau.
Anh đoán là do cái dáng rất tượng hình của nó. Cái này có lẽ cũng kiểu như con bửa củi :d
http://bmvpharma.com/wp-content/uploads/image/tegiac.jpg
Vậy mà ko pốt luôn con pửa kủi cho nó máu.
XóaHihi...
con bữa củi nhỏ tí, sao bằng con tê này hả :d
Xóa