12/1/14

Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt (4)

Lê Mạnh Chiến (tiếp)

IV. Dựa theo cảm thức chủ quan để “sáng tác” nghĩa cho các từ tố

Có một số chữ Hán được người Trung Quốc đặt ra để phiên âm các từ nước ngoài. Lại có những chữ Hán khác chỉ có thể ghép với những chữ nhất định nào đó để tạo thành một từ có nghĩa cụ thể. Bản thân các chữ (hay các từ tố) đó nếu đứng một mình thì chẳng có nghĩa gì cả. Vì không hiểu điều này nên soạn giả cứ ra sức cắt nghĩa hết mọi từ tố cho bằng được, và phải bịa cho chúng những cái nghĩa mà chúng không có. Ngoài ra soạn giả cũng mạnh dạn bịa ra nghĩa cho các từ tố trong một số trường hợp khác.

Ở phần trên, độc giả đã thấy soạn giả giảng sai nghĩa của hơn 50 từ tố, vì ông không đọc được chữ Hán mà chỉ đoán mò. Về thực chất, đó cũng là sự bịa đặt nghĩa cho các từ tố, nhưng vì các nghĩa đó thường là nghĩa của các chữ đồng âm với từ tố đang xét nên ta có thể biện bạch rằng, đó là sự “nhầm lẫn rất đáng tiếc”. Nhưng ở các trường hợp dưới đây thì đúng là soạn giả đã hoàn toàn bịa đặt, dẫu rộng lượng đến mấy cũng không thể dùng từ nào khác để gỡ tội cho ông. Xin kể ra vài chục trường hợp bịa đặt trắng trợn như thế mà chúng tôi đã phát hiện được.


1. anh vũ 鸚鵡

Theo soạn giả, anh nghĩa là tên chim, vũ nghĩa là con vẹt, và anh vũ nghĩa là con vẹt. Rồi ông nêu thêm từ cá anh vũ và cho biết rằng, đó là một giống cá nước ngọt ở ngã ba Hạc. Quả thật, anh vũ 鸚鵡 nghĩa là chim vẹt, nhưng các từ điển chữ Hán từ xưa đến nay đều không hề giải thích nghĩa của các từ tố anh 鸚 và vũ 鵡 , vì nếu chúng đứng tách khỏi nhau thì không có nghĩa gì cả, và chỉ khi đi liền với nhau mới có nghĩa là con vẹt. Soạn giả đã quá mạnh dạn gán cho mỗi từ tố ấy một nghĩa. Ngoài ra, nếu trong tiếng Hán cũng có từ anh vũ để chỉ một loài cá nước ngọt thì dạng chữ Hán của hai từ tố này cũng khác hẳn với hai chữ anh vũ trên đây, và tất nhiên, trong trường hợp này, vũ không thể có nghĩa là con vẹt.


2. bàn hoàn 盤桓

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã hai lần sử dụng từ bàn hoàn 盤桓 với hai nghĩa khác nhau. Ở câu 711-712:

Nỗi riêng, riêng những bàn hoàn,
Dầu chong trắng đĩa, lệ tràn thấm khăn.

thì bàn hoàn nghiã là vương vấn khôn nguôi, không dứt bỏ được. Nhưng ở câu 2399-2400:

Nàng rằng: “Thiên tải nhất thì,
Cố nhân đã dễ mấy khi bàn hoàn...”

thì bàn hoàn lại có nghĩa là quấn quýt bên nhau. Từ bàn hoàn 盤桓 có hai nghĩa như vậy.

Theo soạn giả, từ bàn hoàn có hai nghĩa: a) quanh quẩn không dứt ra được; b) quấn quýt với nhau. Giải thích như thế cũng tạm được. Tuy nhiên, theo chúng tôi, nên nói là “vương vấn không dứt ra được”, bởi vì “quanh quẩn“ thì có vẻ hữu hình quá, mà từ bàn hoàn thì chủ yếu là để diễn tả một trạng thái tâm lý, tình cảm.

Nhưng khi cắt nghĩa các từ tố thì soạn giả đã trổ tài bịa đặt cho ăn khớp với định nghĩa của ông.Theo ông, bàn là quanh co, hoàn là uốn éo. Thật liều lĩnh và vô trách nhiệm. Bàn 盤 nghĩa là vòng vèo (nếu nói là quanh co thì cũng tạm được), nhưng soạn giả đã hoàn toàn bịa ra nghĩa cho từ tố hoàn. Chữ hoàn 桓 này có các nghĩa như sau: a) cột gỗ dựng bên cạnh các dịch trạm (tức là trạm chuyển công văn) hoặc các công thự để quy định vị trí đứng đợi; b) tên một loài cây thuộc họ bồ hòn; c) to lớn. Như vậy, từ bàn hoàn 盤桓 có nghĩa ban đầu là đi lại quanh quẩn cái cột mốc để mong ngóng. Về sau, nó có nghĩa mở rộng là bồi hồi, vương vấn, và quấn quýt.


3. bàng hoàng 彷徨

Theo cách dùng của chúng ta ngày nay, bàng hoàng nghĩa là choáng váng, không ổn định tâm thần. Soạn giả đã nêu được định nghĩa đúng cho từ bàng hoàng theo cách hiểu của người việt Nam hiện nay. Nhưng khi giải thích nghĩa của các từ tố bàng và hoàng thì soạn giả lại suy luận một cách tuỳ tiện, vì không biết mặt chữ nên không hiểu nghĩa của chúng. Theo ông, bàng = ở bên, bất định; và, hoàng = nghi hoặc. Nhưng trong tiếng Hán, từ bàng hoàng được viết là 彷徨 và có nghĩa là đi tới đi lui, bồi hồi do dự. Chữ bàng 彷 trong bàng hoàng 彷徨 khác hẳn chữ bàng 旁 nghĩa là ở bên cạnh; nó chỉ có thể đi theo chữ hoàng 徨 để tạo nên từ bàng hoàng 彷徨. Cả hai từ tố này đều không có nghĩa nào giống như lời giảng của soạn giả.


4. bàng quang 膀胱

Cả hai từ tố bàng và quang đều không có nghĩa là bọng đái. Chỉ khi chúng đi đôi với nhau để tạo thành từ bàng quang 膀胱 mới có nghĩa là bọng đái. Soạn giả vốn là bậc đại tài trong nghề nói mò, nên đã đoán liều rằng, bàng là bọng đái, và quang cũng là bọng đái. Quả là “điếc không sợ súng”.


5. biên đình 邊庭

Biên đình là miền biên giới. Nhưng soạn giả giảng giải rằng, đình nghĩa là cách xa. Chữ đình 庭 có nghĩa là cái sân, là nơi xử án, là công thự. Ngoài ra, trong hơn một chục chữ Hán có âm là đình thì không một chữ nào có nghĩa là cách xa cả, cho nên ở đây không thể có sự nhầm lẫn mà chỉ có sự bịa đặt liều lĩnh. Các từ điển của Trung Quốc giải thích rằng, biên đình có hai nghĩa: a) cơ quan nhà nước ở biên giới; b) biên cương. Trong tiếng Việt, biên đình thường mang nghĩa thứ ha, nghĩa là biên cương.


6. cà sa 袈裟

Cà sa là áo của các nhà sư tu đạo Phật, may bằng nhiều mụn vải màu khác nhau. Ðịnh nghĩa như vậy thì đúng, nhưng soạn giả lại giải thích rằng, cà = áo thầy tu; và, sa = áo thầy tu. Sự thực thì hai chữ cà sa 袈裟 này được đặt ra chỉ để phiên âm chữ kasaya trong tiếng Phạn (nghĩa là áo của nhà sư). Nếu đứng tách rời nhau thì cà 袈 và sa 裟 đều không có nghĩa gì cả.


7. diêm vương 閻王

Diêm vương là vua của địa ngục, là thần chết. Ðiều này thì hầu như mọi người đều biết, nhưng diêm là gì? Diêm là lối gọi tắt của từ Diêm la, mà Diêm la trong tiếng Hán là phiên âm từ Yama trong tiếng Hindu, nghĩa là vua của địa ngục. Nhưng soạn giả lại cho rằng,"yama" là hai vua, tức là hai anh em coi địa ngục. Chúng tôi đã tra cứu các từ điển lớn của Trung Quốc, Pháp và Anh, Mỹ, đâu cũng diễn giải rằng, yama là vị thần chủ quản địa ngục trong tín ngưỡng của người Ấn Ðộ.


8. do dự 猶豫

Có lẽ mọi người Việt Nam, ai cũng hiểu rằng, do dự nghĩa là ngần ngại, trù trừ, không quyết tâm. Nhưng giải nghĩa từ này theo các thành tố của nó (do và dự) là một việc không dễ. Theo từ điển Từ nguyên, từ này "lấy âm làm nghĩa", tức là nghĩa của từ này vốn do âm của nó gợi nên, bởi vậy, cách viết của nó không thống nhất, ví dụ, có thể viết 猶豫 ﹐ 由預 v.v., vì các cách viết này đều được đọc là do dự. Trong cách viết của chúng tôi (và cũng là cách viết chính thống), chữ do 猶 vốn là tên một loài khỉ có chân ngắn, và dự 豫 vốn là tên một loài voi lớn. Bởi vậy, cũng có thuyết cho rằng, từ do dự 猶豫 là chỉ hai loài thú đó, chúng có tính đa nghi nên luôn luôn rụt rè ngần ngại trước mọi hành động. Riêng soạn giả thông thái của chúng ta thì cắt nghĩa rằng, do = cũng còn, cũng như; dự = từ trước. Các nghĩa này không ăn nhập gì với nghĩa chung của từ do dự. Ðó là một sự bịa đặt tuỳ tiện, thô bạo.


9. lâu la 嘍囉

Soạn giả nêu định nghĩa: lâu la là bọn tay sai của những kẻ tướng cướp trong chế độ phong kiến (cũ). Thực ra, chỉ cần nói rằng, lâu la là bọn tay sai của tên tướng cướp, thế là đầy đủ và chính xác hơn. Nhưng điều đáng nói ở đây là, ông đã tự ý bịa ra rằng, lâu nghĩa là cướp bóc, và la nghĩa là ăn cướp. Trong tiếng Hán, nếu chữ lâu 嘍 và chữ la 囉 tách rời nhau thì chẳng chữ nào có nghĩa riêng cả. Chữ lâu 嘍 không hề có nghĩa là cướp bóc, và cũng chẳng có nghĩa gì khác. Chữ la 囉 cũng vậy. Khi chúng ghép với nhau thành từ lâu la thì mới có nghĩa là tay sai của tên tướng cướp (không nhất thiết là trong chế độ phong kiến).


10. mã não 瑪瑙, agate

Soạn giả giải thích: mã = thứ đá quý; não = thứ đá; và, mã não = thứ đá quý rất cứng, có nhiều lớp màu khác nhau. Giải nghĩa các từ tố như vậy quả là tuỳ tiện. Bản thân chữ mã 瑪 và chữ não 瑙 nếu đứng riêng rẽ thì chẳng có nghĩa gì cả chứ không hề có những nghĩa như soạn giả đã nêu. Ngoài ra, định nghĩa về mã não do soạn giả đưa ra cũng rất mù mờ. Mã não là một loại đá rất cứng, có thành phần chủ yếu là oxit silic SiO2, là một loại thạch anh có những dải hoa văn màu sẫm (chứ không phải có nhiều lớp màu khác nhau).


11. mạt sát 抹殺, 抹煞

Theo các từ điển của Trung Quốc, trong từ mạt sát, chữ sát có hai cách viết là 殺 và 煞. Soạn giả giảng giải rằng, mạt nghĩa là xoá bỏ, sát nghĩa là rất; và, mạt sát nghĩa là chỉ trích mạnh mẽ để làm mất phẩm giá người ta. Giải nghĩa từ tố mạt và định nghĩa từ mạt sát như vậy thì được, song, cho rằng, sát nghĩa là rất thì không đúng. Tuy mỗi chữ sát trên đây đều có nhiều nghĩa nhưng cả hai đều có một nghĩa giống nhau là làm tổn thương, là gây tổn hại. Vì vậy, mạt sát nghĩa là dùng lời lẽ thậm tệ để làm tổn hại danh dự và xoá bỏ giá trị của người khác. Ðành rằng chữ sát 煞 có một nghĩa là rất, nhưng trong từ mạt sát thì nó không mang nghĩa như vậy.


12. phổ quát 普括

Soạn giả giải thích rằng, phổ = rộng, khắp; quát = rộng ra; và, phổ quát là phổ biến rộng khắp. Ðịnh nghĩa từ “phổ quát” như vậy có thể coi là đúng, nhưng giải thích từ tố quát thì sai. Quát là bao gồm chứ không phải là rộng ra như lời giảng của soạn giả. Phổ quát nghĩa là bao trùm một phạm vi rộng rãi.


13. sa đà 蹉跎

Theo soạn giả, sa nghĩa là cát sỏi, đà nghĩa là lần lữa, và, sa đà nghĩa là mất thì giờ vô ích. Vì không biết chữ Hán nên ông cho rằng, sa là cát sỏi, đó là một sự bịa đặt liều lĩnh không có căn cứ. Các từ điển đáng tin cậy đều cho biết rằng, sa 蹉 nghĩa là ngã, đà 跎 thì không có nghĩa riêng mà chỉ có thể ghép với sa 蹉 để tạo thành từ sa đà mới có nghĩa. Từ sa đà 蹉跎 trong tiếng Hán thường có 3 nghĩa: 1) lỡ bước (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng); 2) bỏ phí thì giờ vô ích; và 3) buồn nản. Nghĩa thứ ba hầu như không có trong tiếng Việt.


14. thường xuyên 常川

Thường xuyên nghĩa là luôn luôn và đều đặn. Thường nghĩa là không lạ, là diễn ra luôn luôn. Nhưng, xuyên nghĩa là gi? Theo soạn giả thì xuyên nghĩa là thường đến, là không ngừng. Chúng tôi không có gan suy đoán liều lĩnh và coi thường độc giả như ông, nên phải tra cứu sách vở. Theo các từ điển của Trung Quốc, trong từ thường xuyên 常川, chữ xuyên 川 nghĩa là dòng sông. Nghĩa đen của từ thường xuyên là dòng sông chảy không ngừng.


15. Xa cừ 硨磲 giant clam, tridacna

Theo soạn giả: xa = ốc to; cừ = vỏ ốc dày; và, xa cừ có hai nghĩa: 1) loài trai vỏ long lanh; 2) mặt trong của trai. Ở đây, ông cũng phạm sai lầm là bịa ra nghĩa cho chữ xa và chữ cừ. Cũng giống như các trường hợp ở ngay trên đây, hai chữ này chỉ dùng để tạo nên từ xa cừ, còn nếu đứng riêng rẽ thì chúng chẳng có nghĩa gì cả. Ngoài ra, khi viết rằng, xa cừ là mặt trong của trai, có lẽ soạn giả đã quá tiết kiệm lời nên chưa làm rõ nghĩa, hơn nữa, đó chưa phải là nghĩa đúng. Theo cách hiểu thông thường của người Việt Nam thì xa cừ (thường gọi là xà cừ) là lớp chất ngọc trai, có màu sắc óng ánh, ở mặt trong của vỏ trai. Trong tiếng Anh và tiếng Pháp, chất này được gọi là nacre, còn người Trung Hoa thì gọi là trân châu chất, tức là chất ngọc trai. Phải ghi nhận rằng, việc soạn giả nêu ra nghĩa thứ nhất (xa cừ = loài trai vỏ long lanh) tuy còn mù mờ nhưng cũng là một ưu điểm mà ta rất ít khi gặp trong quyển từ điển của ông, vì nhiều người chỉ biết xà cừ là vỏ trai óng ánh để khảm lên các đồ gỗ chứ không biết rằng, xa cừ là tên một loài trai. Nhưng, ở đây soạn giả cũng không biết loài trai ấy sống ở đâu, to lớn ra sao. Xa cừ là tên một loài trai rất to (có con nặng tới 250 kg), sống trên các đảo san hô ở Ấn Ðộ Dương và Thái Bình Dương, có tên bằng tiếng Anh là giant clam hoặc tridacna.


V. Không biết các trường hợp biến âm và nhớ sai âm đọc của các từ tố nên đã đoán sai nghĩa của chúng

Trong những từ tiếng Việt gốc Hán, có một số (rất ít) trường hợp, trong đó, một từ tố bị biến âm, được phát âm khác với âm Hán Việt thông thường của nó. Tiếc thay, soạn giả không hề biết điều đó, nên đã bịa đặt ra nghĩa khác cho các từ tố bị biến âm ấy. Lại có những từ tố mà soạn giả không hiểu, vì nghe người ta đọc sai nên ông đã chép sai rồi bám theo đó mà giải thích, và thế là giải thích sai. Những sai phạm như vậy chứng tỏ rằng, soạn giả chỉ hoàn toàn dựa vào trí nhớ không chính xác của mình mà không hề có khả năng và phương tiện tra cứu. Dưới đây là 13 trường hợp như thế. Ở những từ hoặc thành ngữ không có thật vì bị tác giả nhớ sai, chép sai, chúng tôi không được phép ghi chữ Hán.


1. ác ôn 惡棍

Theo soạn giả thì ác nghĩa là làm điều xấu với người khác, và ôn là bệnh dịch; và, ác ôn là kẻ hung dữ gây nhiều tội ác với nhân dân. Có thể chấp nhận định nghĩa như vậy về từ ác ôn, nhưng giảng giải rằng, 棍 là bệnh dịch thì sai nghiêm trọng. Bởi vì, từ mà chúng ta ngày nay gọi là ác ôn chính là ác côn 惡棍, do sự biến âm chút ít mà thành ra ác ôn. Chữ côn 棍 có nghĩa gốc là cái gậy và nghĩa mở rộng là kẻ vô lại; nó có mặt trong các từ du côn, côn đồ.


2. châu lỵ 州治

Ðó là nơi đặt cơ quan hành chính của một châu. Ðúng thế. Nhưng soạn giả giải thích rằng, lỵ là đến nhậm chức. Thật là sai lầm, bởi vì âm lỵ ở đây vốn là trị 治 nhưng do bị đọc chệch đi rồi trở thành thói quen, nay người ta thường gọi là lỵ. Nơi đặt cơ quan hành chính được gọi là trị sở 治所, hoặc chỉ gọi là trị 治, nhưng thường vẫn quen gọi là lỵ sở hoặc lỵ. Châu lỵ, huyện lỵ, quận ly, tỉnh lỵ vốn là châu trị, huyện trị, quận trị, tỉnh trị.


3. độc đắc 獨特

Từ này trong tiếng Hán vốn là độc đặc 獨特, trong đó, độc 獨 nghĩa là riêng một mình và đặc 特 nghĩa là một mình duy nhất. Hai từ tố này ghép với nhau để làm nổi rõ nghĩa riêng một mình duy nhất. Vì không biết chữ nên soạn giả đã giảng giải rằng, đắc nghĩa là được, và độc đắc là số lớn nhất trong một cuộc xổ số. Ðã cố ý cắt nghĩa từng từ tố mà lại cắt nghĩa sai thì còn gì là từ điển nữa?


4. đồng loã 同伙

Có lẽ ai cũng biết rằng, từ đồng loã có hai nghĩa: 1) người trong cùng một nhóm làm ăn với nhau (danh từ), và 2) cùng tham gia một nhóm làm ăn (động từ). Cả hai nghĩa này thường mang ý xấu. Soạn giả dạy rằng, loã nghĩa là cái bọc. Nhưng đó chỉ là sự suy đoán chủ quan của ông chứ trong ngôn ngữ Trung Hoa và Việt Nam chỉ có từ đồng loã 同伙, với dạng chữ Hán như chúng tôi đã viết, trong đó, loã là âm đọc chệch từ âm hoả 伙. Hoả nghĩa là lửa, là bếp. Theo binh chế ngày xưa, mười người thì nấu một bếp, tạo thành một hoả. Ðồng hoả nghĩa là người trong cùng một hoả, mở rộng ra, có nghĩa là bạn cùng làm việc. Chữ "hoả"火 ở đây thường được viết là 伙 (để chỉ người), và người Việt Nam ta thường đọc là loã. Ngoài ra, đồng loã còn được dùng như một động từ, với nghĩa là câu kết, là cùng nhau kiếm lợi. Ðó là nghĩa thứ hai, như trên đã nói.


5. Hợp chủng quốc 合眾國

Từ này đáng lẽ phải đọc là hợp chúng quốc (chúng 眾 nghĩa là nhiều), nhưng chữ chúng thường bị đọc sai thành chủng và trở thành thói quen. Soạn giả không vạch rõ được điều đó. Rồi ông giải thích rằng, chủng nghĩa là nhiều. May thay, vì chữ chủng ấy chính là chữ chúng, nghĩa là nhiều, nên lại không sai. Nếu là người biết chữ hẳn hoi thì phải nêu rõ sự biến âm rồi mới cắt nghĩa từng từ tố.


6. lãng công

Theo soạn giả thì ở đây, lãng là sóng nước, là phóng túng; công là công việc; và, lãng công là hình thức đấu tranh của giai cấp công nhân trong chế độ tư bản, bỏ việc làm, để yêu sách hoặc phản kháng điều gì. Chúng tôi đã xem xét kỹ chữ lãng thì thấy ngoài nghĩa phóng túng còn có nghĩa là phung phí, nhưng dẫu có thêm nghĩa ấy nữa thì cũng không thích hợp với định nghĩa của soạn giả về lãng công. Hơn nữa, với định nghĩa như thế thì công nghĩa là “làm việc” chứ không phải là “công việc”. Trong hầu hết các từ điển tiếng Việt, chúng ta đều gặp từ lãn công chứ không hề thấy có từ lãng công. Lãn 懶 nghĩa là lười nhác. Lãn công là làm việc một cách lười biếng để biểu thị sự bất bình. Ðó là một biến tướng của đình công. Cũng xin nói thêm rằng, chúng tôi đã tra cứu khá nhiều từ điển của Trung Quốc nhưng chưa gặp từ lãn công, mà chỉ thấy có từ đãi công 怠工 với nghĩa như từ lãn công của ta. Ðiều đó không hề làm cho chúng ta nghi ngờ về từ lãn công, bởi vì chữ đãi 怠 cũng có nghĩa là lười biếng, gần như đồng nghĩa với chữ lãn 懶 , mà người Việt Nam ta rất quen với chữ lãn nhưng ít người dùng chữ đãi, cho nên các cụ ngày xưa đã dùng từ lãn công để thay cho từ đãi công, hẳn đó cũng là điều hợp lý. Ngoài ra, hiện tượng lãn công có thể diễn ra ở mọi thời đại chứ không riêng gì trong chế độ tư bản.


7. lạc quyên 勒捐

Soạn giả cắt nghĩa rằng, lạc= vui mừng, quyên = giúp người. và, lạc quyên là yêu cầu những người có lòng tốt bỏ ra tiền, gaọ, quần áo... để giúp những người bị tai nạn như thiên tai, địch hoạ. Ông chỉ hiểu nghĩa của từ lạc quyên qua cách sử dụng từ này nhưng không biết nghĩa của các từ tố, đặc biệt là dựa vào âm lạc để đoán ra nghĩa vui mừng. Thực ra, từ này nguyên là lặc quyên 勒捐 trong đó, từ tố lặc có nghĩa gốc là cái dàm để chằng đầu và mõm ngựa, và có nghĩa bóng là gò ép, ép buộc; từ tố quyên có nghĩa là đóng góp. Như vậy, lặc quyên (mà nay ta quen gọi là lạc quyên) nghĩa là yêu cầu đóng góp tiền bạc, của cải... để làm một việc nào đó.


8. lưu chiểu 留照

Do không biết chữ Hán mà chỉ liều lĩnh đoán mò nên giải nghĩa sai là chuyện đương nhiên. Soạn giả giảng rằng, lưu = giữ lại; chiểu = văn bản; và, lưu chiểu là tác phẩm văn nghệ nộp cho cơ quan lưu trữ của nhà nước để làm tài sản chung. Nhưng, chẳng có chữ "chiểu' nào có nghĩa là văn bản cả. Hơn nữa, chúng ta biết rằng, chữ “chiểu” ở đây chính là biến âm của chữ chiếu 照, tức là đối chiếu, là so sánh để phát hiện thật hay giả hoặc đúng hay sai. Lưu chiểu là giữ lại bản mẫu của văn bản đã lưu hành để so sánh khi cần thiết. Mục đích chính của việc lưu chiểu là như thế chứ không phải để làm tài sản chung. Soạn giả đã không hiểu chữ chiểu và cũng không hiểu gì về từ lưu chiểu.


9. lỵ sở 治所

Soạn giả nêu được định nghĩa đùng: lỵ sở là trung tâm hành chính của một địa phương. Nhưng thật là sai lầm khi ông đoán rằng “lỵ” là đến nơi. (Chữ này có mặt trong từ lỵ nhậm 蒞任, nghĩa là đến nơi nhậm chức). Lỵ sở vốn là trị sở nhưng bị đọc chệch đi và đã trở thành thói quen. "Lỵ" ở đây chính là "trị" 治, nghĩa là cai quản, điều hành công việc, và cũng dùng để gọi tắt từ trị sở .


10. mại quốc cầu danh

Chúng tôi tưởng mình hoa mắt nên đã đọc nhầm mại quốc cầu vinh thành ra mại quốc cầu danh. Nhưng xem lại thì thấy rằng, chính soạn giả đã viết “mại quốc cầu danh”. Sau khi cắt nghĩa: mại = bán; quốc = nước; cầu = mong; danh = danh lợi, ông giảng giải rằng, đó là bán nước để mong được danh lợi. Rồi ông đưa ra một câu ví dụ: Lịch sử đã lên án những kẻ mại quốc cầu danh. Chúng tôi thấy thật buồn và xấu hổ thay cho ông, vì ở bất cứ sách nào (dĩ nhiên là trừ sách của ông), bao giờ cũng phải là nhóm từ “mại quốc cầu vinh”. Phải chăng, vì nghĩ rằng, làm điều xấu cũng có thể vừa thu lợi, vừa nổi danh nên mới có kẻ vứt bỏ lương tâm và danh dự hòng lừa bịp thiên hạn để cầu danh?


11. nữ sinh ngoại tộc

Nếu chúng tôi nhớ không nhầm thì câu này phải là “nữ nhân ngoại tộc” mới đúng. Câu này thường được hiểu rằng, đàn bà hoặc con gái là người của họ khác, tức là của họ nhà chồng, chứ không có vai trò và quyền lợi đáng kể trong gia tộc của bố mình. Soạn giả vốn quen dựa vào trí nhớ kém cỏi của mình mà không có khả năng tra cứu nên đã chép chữ “nhân” thành chữ “sinh” và giải thích rằng, ”sinh” nghĩa là “đẻ ra” rồi giảng giải: câu này nói về quan niệm phong kiến cho rằng con gái đẻ ra là thuộc bên ngoại và không có quyền lợi như con trai. Một lời giải thích thật tối nghĩa. Xin hỏi ông rằng, bên ngoại là bên nào vậy?


12. toạ sơn khan hổ đấu

Thành ngữ rất quen thuộc này đã bị chép sai. Ðáng lẽ phải là toạ sơn quan hổ đấu 坐山觀虎斗 nghĩa là: chờ cho hai kẻ thù tiêu diệt nhau, đến khi chỉ còn một kẻ thù đã suy yếu thì mới ra tay diệt nốt. "Quan" 觀 nghĩa là quan sát, là theo dõi, còn "khan" 看 chỉ có nghĩa là “xem". Soạn giả còn giảng giải rằng, thành ngữ này chỉ thái độ bàng quan của kẻ ngồi nhìn hai phía đánh nhau, hòng tìm cách có lợi cho mình. Thực ra, kẻ này chẳng hề bàng quan, mà đang theo dõi rất kỹ diễn biến của trận đấu. Chính vì soạn giả chỉ biết mang máng, không đọc được mà chỉ nghe lõm bõm nhưng đã vội lên mặt dạy đời rồi chép chữ "quan" thành ra chữ "khan" cho nên mới hiểu sai và giải thích sai như thế.


13. tông tích 蹤跡

Tông 蹤 nghĩa là dấu vết (đọc là tung thì đúng hơn), tích 跡 nghiã là vết chân. Nghĩa chung của tung tích 蹤跡 là dấu vết của một hành động, và có thể hiểu là lai lịch, là nguồn gốc của một sự việc hoặc của một nhân vật. Vì không đọc được chữ Hán, do đó không thể biết rằng, “tông” ở đây chính là do chữ “tung” 蹤 bị biến âm mà ra nên soạn giả đã giảng giải rằng, tông nghĩa là dòng họ. Chúng tôi đã tra cứu ở các từ điển Từ nguyên và Từ hải thì chỉ thấy từ 'tung tích" 蹤跡 với nghĩa như chúng tôi vừa giải thích, trong đó, chữ tung 蹤 có nghĩa là dấu vết (mà có khi được đọc là tông) chứ không phải chữ tông 宗 nghĩa là dòng họ.


14. tự lực cánh sinh 自力更生

Ở đây đã xẩy ra hiện tượng biến âm, chữ canh 更 (nghĩa là thay đổi) đã được đọc là cánh. Soạn giả đã không biết điều đó nên cứ điềm nhiên giải thích vu vơ rằng, cánh nghĩa là lần lượt. Ðây vốn là một câu khẩu hiệu của Trung Quốc, kêu gọi “hãy tự gắng sức thay đổi cuộc sống cho mình, hãy dùng sức của mình đểtự giải quyết mọi vấn đề của mình”. Các từ điển của Trung Quốc đều giải thích thành ngữ này như vậy. Soạn giả cho rằng, tự lực cánh sinh là tự mình mưu cuộc sống cho mình, không ỷ lại vào người khác. Lời giải thích này tuy không sai lắm nhưng không sát với tinh thần của câu khẩu hiệu.


nguồn: talawas.de

(còn tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)