13/1/14

Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt (6)

Lê Mạnh Chiến (tiếp)

VIII. Giải thích sai các thuật ngữ liên quan đến khoa học tự nhiên

Trong cuốn từ điển này, số lượng thuật ngữ về khoa học tự nhiên vô cùng ít ỏi, chỉ khoảng vài chục, phần nhiều đều là những thuật ngữ khá thông dụng trong đời sống hàng ngày. Tiếc thay, hầu hết các thuật ngữ này đều được giải thích rất hời hợt và sai. Dưới đây là xin nêu 15 trường hợp đáng lưu ý để làm ví dụ.


1. an tức hương 安息香

Sau khi giải nghĩa các từ tố (an = yên ổn; tức = hơi thở; hương = hương thơm), soạn giả định nghĩa rằng, đó là vị thuốc đông y dùng để chữa bệnh ho. Nếu gọi đây là định nghĩa thì chúng ta có thể dùng câu này để định nghĩa cho rất nhiều vị thuốc đông y khác, mà thực chất là chẳng định nghĩa gì cả. Nên định nghĩa cho rõ ràng, có tính khoa học một chút, như sau: An tức hương là nhựa của cây cánh kiền trắng, còn gọi là cây bồ đề, có tên khoa học là Styrax tonkinense, được dùng làm thuốc trong đông y để chữa chứng viêm phế quản và chứng nẻ vú.


2. chỉ xác 枳殼

Theo soạn giả thì chỉ là cây bưởi, xác là vỏ, chỉ xác là vị thuốc làm bằng vỏ bưởi phơi khô (ta hiểu là vỏ của quả bưởi chứ không phải là vỏ của cây bưởi). Nhưng, chúng ta biết rằng, cây bưởi có tên chữ Hán là dữu 柚 và tên khoa học là Citrus grandis hoặc Citrus maxima. Tra cứu các tài liệu của Trung Quốc, chúng tôi được biết, chỉ 枳 là cây câu quất, còn gọi là xú quất (nghĩa là quất hôi hoặc quýt hôi), có tên khoa học là Poncirus trifoliata, thân cây không cao lớn, lá có ba thuỳ, quả nhỏ và chua. Chỉ xác là quả già của cây chỉ này được bổ đôi và phơi khô. Trong Ðông y, chỉ xá được dùng để chữa các chứng ho, hen, đờm, suyễn, đại tiện khó khăn và kiết lỵ ở trẻ con. Giáo sư Ðỗ Tất Lợi cho biết, cây chỉ 枳 để làm ra vị thuốc chỉ xác cũng có vài loài, đều thuộc họ Cam quýt. Người ta cũng lấy quả non phơi khô để làm ra vị thuốc chỉ thực 枳實. Như vậy, chỉ không phải là cây bưởi và chỉ xác không phải là vỏ bưởi phơi khô.


3. kinh lạc 經絡

Soạn giả cho biết rằng, chữ kinh có các nghĩa: sửa trị, đường dọc, sách vở, từng trải, thường. (Chúng ta hiểu rằng, trong từ kinh lạc, thì kinh có nghĩa là đường dọc). Còn chữ lạc thì ông cho rằng, đó là dây thần kinh, và, kinh lạc là hệ thống dây thần kinh nối liền các huyệt . Chúng tôi rất nghi ngờ về định nghĩa này, bởi vì hệ thống thần kinh thì do người phương Tây tìm ra và người Trung Hoa mới học hỏi trong mấy thế kỷ vừa qua, trong khi hệ kinh lạc là sản phẩm trí tuệ độc đáo của Trung Quốc mà người phương Tây hiện nay đang tiếp tục tìm hiểu. Bởi vậy, chúng tôi đã tra từ điển Từ hải và được biết như sau: Kinh lạc là mạng lưới các đường vận chuyển khí huyết (gần có nghĩa như là năng lượng, theo quan niệm của đông y) trong cơ thể. Kinh 經 là những đường chính chạy theo chiều dọc của cơ thể; lạc 絡 là những đường nối ngang giữa các đường dọc ấy; các huyệt châm cứu đều nằm trên mạng lưới kinh lạc. Hệ kinh lạc khác hẳn hệ thần kinh, và các đường kinh lạc không trùng với các dây thần kinh.


4. dạ hợp 夜合

Nếu không suy nghĩ và tra cứu thật cẩn thận thì rất dễ tưởng lầm rằng, ở từ dạ hợp, soạn giả đã cắt nghĩa rất đúng. Theo lời ông thì dạ = ban đêm; hợp = thích hợp; và, dạ hợp là một loài cây cùng họ với ngọc lan, hoa trắng rất thơm, nở về ban đêm. Cách cắt nghĩa từ tố hợp như trên đã khiến ông tin rằng, dạ hợp nghĩa là thích hợp với ban đêm nên loài hoa này ắt phải nở về đêm! Ðó là một điều sai nghiêm trọng. Ðúng là chữ hợp 合 có một nghĩa là thích hợp, là phù hợp, nhưng nó còn có nhiều nghĩa khác nữa. Trước hết, nghĩa ban đầu của nó là khép lại, mà đó cũng chính là nghĩa cụ thể trong từ dạ hợp 夜合. Từ điển Từ nguyên nói về cây dạ hợp như sau: mộc bản, diệp trường, hoa thanh bạch sắc, hiểu khai dạ hợp, cố danh. Nghĩa là: thân gỗ, lá dài, hoa màu trắng xanh, trời sáng thì nở, ban đêm thì cụp lại, do đó mà có tên ấy. Như vậy, vào ban đêm, hoa dạ hợp không thể nở được, dẫu đã nở rồi cũng phải cụp lại. Ngoài ra, dạ hợp còn là một tên gọi khác của cây hà thủ ô, một loài cây leo được dùng làm thuốc trong đông y.


5. long diên 龍涎

Cách giải thích của soạn giả về long diên chỉ hợp với yêu cầu và trình độ của học sinh tiểu học. Theo ông, long = rồng, diên = nước dãi; nghĩa đen của long diên là dãi rồng; long diên là hương liệu giống như sáp, dùng làm thuốc. Bởi vì đối tượng chính của từ điển này hẳn không phải là học sinh tiểu học, bởi vậy, giải thích như thế thì quá mù mờ. Long diên 龍涎 còn gọi là long diên hương, tiếng Anh: ambergris) là một hợp chất giống như sáp, do một loài cá voi tiết ra, thường gặp ở dạng khối tròn nổi trên mặt biển, nặng từ 300-400g đến vài kilogram. Loài cá voi này có đầu rất to, gọi là cá nhà táng (tiếng Anh và tiếng Pháp gọi là cachalot). Long diên hương là một chất có mùi thơm, được dùng làm hương liệu, làm thuốc giảm đau, sát khuẩn, trị hen.


6. ngoại dịch (tiếng Anh: perilymph)

Soạn giả đã định nghĩa rằng, ngoại dịch là chất nước trong hốc xương tai trong của động vật . Ðịnh nghĩa này rất mù mờ và không khác gì mấy so với định nghĩa về nội dịch ở mục từ 11 dưới đây. Phải định nghĩa lại như sau: ngoại dịch là chất lỏng ở ngoài đường rối màng, ngăn cách đường rối màng với đường rối xương của tai trong. Xin giải thích thêm: đường rối màng (membraneuos labyrinth) là bộ phận cảm giác của tai trong, gồm một hệ thống ống màng vòng vèo; đường rối xương (bony labyrinth, osseous labyrinth) là hệ thống rãnh bên trong xương tai của động vật có xương sống, nơi chứa đường rối màng của tai trong.


7. nhãn áp 眼壓 (tiếng Anh: intraocular pressure; tiếng Pháp: pression intraoculaire)

Nhãn là mắt, áp là sức ép, ai cũng hiểu như thế, không có gì phải nói về các từ tố này. Nhưng, soạn giả đã nêu một định nghĩa hoàn toàn sai rằng, nhãn áp là áp suất của máu ở mắt! Ông hoàn toàn không hiểu rằng, áp suất của máu ở mắt hay ở bất cứ chỗ nào khác trên cơ thể cũng đều phụ thuộc vào sự co bóp của trái tim. Ðể đánh giá hoạt động của hệ tim – mạch, người ta chỉ cần đo huyết áp ở cổ tay chứ không cần (và nhiều khi không thể) đo ở các bộ phận khác trên cơ thể. Ðiều này chứng tỏ ông rất thiếu những tri thức cơ bản bình thường nhất.

Nhãn áp không phải là áp suất của máu ở mắt, mà là áp suất của chất lỏng bên trong nhãn cầu.


8. nhiệt hạch 熱核 (tiếng Anh: thermonuclear, tiếng Pháp: thermonucléaire)

Từ phép suy luận thật đơn giản rằng, nhiệt là nóng, hạch là hạt, thế là soạn giả đưa ra cái định nghĩa: nhiệt hạch là nhiệt phát ra từ sự phá huỷ hạt nhân nguyên tử. Như vậy, ông đã coi từ nhiệt hạch là một danh từ, điều đó đủ chứng tỏ tầm mức hiểu biết của ông chưa tới những năm đầu của bậc trung học, khỏi phải bàn nữa. Từ nhiệt hạch không hề có vai trò danh từ. Nó là một tính từ, vốn được dịch từ chữ thermonuclear trong tiếng Anh (hoặc thermonucléaire trong tiếng Pháp) mà ra. Bởi vậy, nó phải nằm trong các tổ hợp từ như: phản ứng nhiệt hạch, năng lượng nhiệt hạch, vũ khí nhiệt hạch, bom nhiệt hạch, hoả tiễn nhiệt hạch, v.v. Nhiệt phát ra từ sự phá huỷ hạt nhân nguyên tử thì phải gọi là nhiệt năng hạt nhân, hay có người gọi là nhiệt năng hạch tâm, mà tiếng Anh gọi là nuclear heat, tiếng Pháp gọi là chaleur nucléaire, và tiếng Hán gọi là hạch nhiệt năng và không thể gọi là nhiệt hạch như soạn giả đã dạy. Phản ứng phá huỷ hạt nhân nguyên tử có tên là phản ứng hạt nhân hoặc phản ứng hạch tâm (hạch tâm nghĩa là hạt nhân nguyên tử), mà tiếng Anh gọi là nucleair reaction. Trái lại, phản ứng nhiệt hạch (thermonuclair reaction) là phản ứng tổng hợp hạt nhân, xẩy ra giữa các hạt nhân của các nguyên tố nhẹ khi chúng là những hợp phần của một chất khí ở nhiệt độ cao hàng chục triệu độ, kết quả là sẽ giải phóng năng lượng vô cùng lớn.


9. nhiệt hoá học

Theo soạn giả, nhiệt hoá học là ngành hoá học nghiên cứu nhiệt lượng sinh ra bởi những phản ứng hoá học. Ðịnh nghĩa như vậy hẳn là quá sơ sài và thiếu chính xác. Ðơn giản nhất cũng phải định nghĩa như sau: nhiệt hoá học là phân ngành của hoá học, chuyên nghiên cứu và phân tích những sự trao đổi nhiệt gắn liền với những phản ứng hoá học và những sự thay đổi trạng thái của vật chất.


10. nhiệt phân 熱分 (tiếng Anh: thermolysis, tiếng Pháp: thermolyse)

Nhiệt phân là sự chuyển hoá các hợp chất hữu cơ dưới tác động của nhiệt, có kèm theo sự phá huỷ chúng. Tiếc thay, soạn giả đã giải thích rằng, nhiệt phân là phép phân tích hoá học bằng nhiệt. Hiện tượng nhiệt phân nhiều khi xẩy ra ngoài sự mong muốn của con người, còn phép phân tích hoá học lại là việc mà con người chủ động thực hiện vì mục đích của mình. Hiện tượng nhiệt phân hoàn toàn không phải là phép phân tích hoá học bằng nhiệt như soạn giả đã nhầm lẫn.


11. nhu động 蝚 動 (tiếng Anh: peristalsis, tiếng Pháp: péristaltisme)

Theo soạn giả thì nhu nghĩa là mềm yếu, mềm dẻo, và, nhu động là từ y học chỉ cử động của ruột để đưa thức ăn xuống trong bộ máy tiêu hoá. Ðịnh nghĩa này của ông vừa thiếu chính xác vừa không tổng quát. Do không biết chữ Hán nên ông cứ tưởng rằng nhu nghĩa là mềm. Thực ra, trong tiếng Hán có đến ngót hai chục chữ có âm Hán Việt là nhu nhưng chỉ có một chữ nhu 柔 có nghĩa là mềm. Trong từ nhu động, nhu 蝚 có nghĩa là nhúc nhích như giun bò chứ không phải nhu 柔 là mềm như ông đã giải thích. Theo từ điển McGraw-Hill Dictionary of Scientific and Technical Terms (là từ điển giải thích các thuật ngữ khoa học và kỹ thuật bằng tiếng Anh, in hàng năm tại 18 thành phố trên khắp thế giới, rất đáng tin cậy) thì nhu động (peristalsis) là sự co duỗi nhịp nhàng của cơ trong ruột (hay trong các cơ quan khác có dạng ống mềm) dưới tác động phối hợp của những sợi cơ ngang và những sợi cơ dọc.


12. nội dịch (tiếng Anh: endolymph, tiếng Pháp: endolymphe)

Soạn giả nêu định nghĩa: nội dịch là chất nước ở tai trong của động vật. Ðịnh nghĩa này hoàn toàn không rõ ràng và cũng gần giống như định nghĩa về ngoại dịch mà soạn giả đã nêu (xem mục từ số 5 ở phần này), nó không cho biết nội dịch khác với ngoại dịch ở chỗ nào. Cần phải định nghĩa lại như sau: nội dịch là chất lỏng trong đường rối màng (membranous labyrinth) ở tai trong của động vật.


13. phức số 複 數 (tiếng Anh complex number, tiếng Pháp: nombre complexe)

Phức số (cũng gọi là số phức) là một số có dạng a+bi, trong đó, a và b là những số thực, và i2 = -1. Rủi thay, soạn giả định nghĩa rằng, phức số là số tính không theo hệ thập phân, ví dụ, số giờ tính ra phút là một phức số.

Ðây là một khái niệm toán học rất quan trọng trong chương trình trung học.


14. san hô 珊 瑚

Soạn giả cho rằng, san là tiếng ngọc chạm nhau; hô nghĩa là ngọc; và, san hô có hai nghĩa: 1) động vật thuộc ngành xoang tràng sống định cư thành tập đoàn san hô ở bờ biển, cơ thể có bộ xương cũng bằng chất khoáng, kết thành từng khối theo hình cành cây; 2) bộ xương của san hô. Ðịnh nghĩa như vậy, vừa dài dòng, vừa lủng củng, mà thực ra là chưa định nghĩa gì cả, bởi soạn giả đã sử dụng từ san hô để định nghĩa cho san hô. Theo nghĩa thứ hai thì "san hô nghĩa là bộ xương của san hô”, thật là bí hiểm! Chúng tôi đã tham khảo vài bộ từ điển khoa học trên thế giới và xin nêu định nghĩa như sau: San hô là bộ xương bằng đá vôi, thường có hình cành cây, do các tập đoàn động vật ruột khoang có tên là "trùng san hô" (Anthozoan) tiết ra. Chữ san 珊 này trong tiếng Hán không có nghĩa riêng như soạn giả đã bịa ra, nó chỉ có mặt trong hai từ là san san 珊珊 và san hô 珊瑚. San san là từ để mô tả tiếng va chạm giữa cái thẻ ngọc đeo ở thắt lưng (ngọc bội) và quần áo. Chữ hô 瑚 cũng không có nghĩa riêng, nó chỉ được dùng để tạo nên từ san hô mà thôi.


15. thạch anh 石英

Soạn giả dạy rằng, "thạch anh là khoáng chất dạng kết tinh trông óng ánh". Ðó không phải là định nghĩa, mà chỉ là một nhận xét về thạch anh. Có thể nêu định nghĩa: thạch anh là một khoáng vật tạo đá, trong suốt, thường không có màu, là đioxit silic SiO( kết tinh.


16. thạch tín

Thạch là đá, tín là tin, thạch tín là hợp chất của asen chứa nhiều độc tố. Ðó là lời giảng của soạn giả. Thật là một lời giải thích rất hời hợt, chẳng nêu được một đặc điểm nào để phân biệt thạch tín với các chất khác. Thực ta, tên gọi đúng của khoáng chất này là tín thạch 信石 (vì nó được tìm thấy ở Tín Châu, nay thuộc vùng Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc), có thành phần chính là As2O3, rất độc, được dùng làm thuốc tiêu đờm, chữa sốt rét. Tín thạch còn được gọi tắt là tín, nhưng chữ tín 信 gồm chữ nhân 人 (hai nét bút ở bên trái của chữ tín 信 chính là biến thể của chữ nhân 人) ghép với chữ ngôn 言, do đó người ta còn gọi tín thạch là nhân ngôn 人言.


17. thần sa 辰 砂 (tiếng Anh: cinnabar, tiếng Pháp: cinabre)

Lời giảng giải của soạn giả về thần sa vừa sơ sài vừa sai hoàn toàn. Theo ông, thần nghĩa là ông thần, là linh diệu, là tinh thần; sa nghĩa là đá sỏi; và, thần sa là khoáng chất có màu đỏ tươi thắm, có hàm chất thuỷ ngân. Ðịnh nghĩa như vậy thì chỉ thích hợp với học sinh tiểu học. Ông chỉ nói đúng nghĩa của chữ sa, còn chữ thần mà hiểu như thế thì chỉ là sự đoán mò bậy bạ và là một sự bịa đặt tuỳ tiện của kẻ không biết chữ.

Thần sa là một hợp chất tự nhiên của lưu huỳnh và thuỷ ngân, có màu son đỏ, có công thức hoá học là HgS. Sở dĩ có tên là thần sa vì thứ khoáng vật này được tìm thấy ở Thần Châu 辰州 (thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc). Ở đây, chữ thần 辰 (nghĩa là buổi sáng, nhưng trong trường hợp này là tên của một vùng đất) không hề có nghĩa là ông thần hay tinh thần như soạn giả đã ngộ nhận. Cũng khoáng chất này nhưng không phải là sản phẩm của Thần Châu thì gọi là chu sa. Trong Ðông y, thần sa hoặc chu sa được dùng làm thuốc an thần. Vì là một hợp chất của thuỷ ngân nên thần sa là một chất độc.


18. trung khu 中 樞

Dựa theo âm mà không biết dạng chữ Hán nên soạn giả đoán rằng, khu = địa hạt rồi đưa ra định nghĩa: trung khu = khu vực thần kinh của vỏ não có chức năng khác nhau nhưng cùng tham gia vào các quá trình tâm lý. Ông không biết rằng, ở đây, khu 樞 có nghĩa ban đầu là cái trụ xoay của cánh cửa (ngày xưa chưa có bản lề), có nghĩa mở rộng là phần hệ trọng nhất. Chữ khu 樞 này có trong tên cuốn sách Hổ trướng khu cơ 虎帳樞機 của Ðào Duy Từ. Ngoài ra, nó còn có âm là xu trong từ xu mật viện 樞密院 để chỉ cơ quan giải quyết những công việc trọng yếu của quốc gia thời xưa.

Ðịnh nghĩa về từ trung khu (thần kinh) do soạn giả nêu ra vừa dài dòng, vừa chứng tỏ sự hiểu biết lờ mờ của ông. Từ này tương ứng với từ nerve center trong tiếng Anh, đó là một nhóm tế bào thần kinh thực hiện một chức năng đặc thù.


19. vi điện tử

Vi điện tử là hạt điện tử rất nhỏ, đó là cách giải thích ngớ ngẩn và sai nghiêm trọng của soạn giả, khiến người đọc vừa buồn cười, vừa đau xót và xấu hổ thay cho ông, bởi vì, với trình độ hiểu biết quá kém cỏi như thế mà cũng cả gan dám dạy mọi người. Có lẽ ông muốn phân biệt với các điện tử khác lớn hơn chúng chăng? Xin thưa rằng, điện tử, tức electron, là một loại hạt cơ bản bền vững, là thành phần tích điện âm trong mọi vật chất thông thường, có khối lượng bằng khoảng 9,11 x 10-28 gram và điện tích khoảng -1,602 x 10-19 coulomb. Như vậy, điện tử có khối lượng và điện tích rất cụ thể, làm gì có thứ điện tử rất nhỏ khác nữa?

Từ vi điện tử vốn được dịch từ tính từ microelectronic(al) trong tiếng Anh (hoặc micro-electronique trong tiếng Pháp), nó chỉ có thể đóng vai trò tính từ, như trong các cụm từ như mạch vi điện tử, thiết bị vi điện tử, v.v. để chỉ mạch điện tử hoặc thiết bị điện tử có kích thước cực kỳ nhỏ bé.


20. vi kế

Soạn giả giải thích: vi = nhỏ bé; kế = cái đo, rồi định nghĩa: vi kế là máy đo vật cực nhỏ, và đưa ra ví dụ: Vi kế điện tử có thể đo những vật nhỏ tới 1/2000 m/m. Ðọc định nghĩa này, chúng ta chưa rõ có phải là đo kích thước của vật cực nhỏ hay không, rồi đọc tiếp đến thí dụ lại càng không thể hiểu được, vì m/m hoàn toàn không có nghĩa gì cả và không hề có đơn vị đo nào như thế. Cuối cùng, chúng tôi cũng hiểu ra rằng, đó là cái micrometre (mà người Trung Quốc gọi là trắc vi kế và ở ta được gọi là vi kế), là dụng cụ để đo bề dày và đường kính của các vật, với độ chính xác rất cao đến dưới 1/1000 mm (chứ không phải để đo các vật cực nhỏ). Ðây là một dụng cụ đo của các kỹ sư hoặc thợ gia công cơ khí chính xác, mà ở nước ta thường gọi là “pan me” (tức palmer, cách gọi của người Pháp, theo tên người sáng chế ra nó là Jean Louis Palmer). Ðịnh nghĩa và ví dụ do soạn giả nêu ra đều sai hoàn toàn.


IX. Ðôi điều suy nghĩ khi đọc quyển từ điển nguy hại này

Bài này chưa thể vạch hết mọi điều sai lầm và tội bịa đặt dối trá trong quyển từ điển kia nhưng cũng đủ để đánh giá tầm mức tai hại của nó. Khi đọc những lời giải nghĩa vu vơ ngớ ngẩn và cẩu thả ở các mục từ, hẳn nhiều lúc người đọc cảm thấy rất buồn cười, nhưng là cái cười ra nước mắt. Chắc chắn rằng, quyển sách này gây ra nhiều điều nhức nhối, buộc chúng ta phải nghiêm khắc đánh giá về soạn giả. Bất cứ người nào có lương tâm, có trách nhiệm công dân và có nhân cách đều không thể đem những điều mà mình chưa hề hiểu biết, chưa hề học hỏi để thuyết giảng mọi người, coi đó như vốn kiến thức mà mọi người phải trang bị khi hoạt động trong xã hội ngày nay! Chắc chắn là từ cổ chí kim chưa từng có một người nào liều lĩnh đến thế. Mặt khác, đây là một sản phẩm của xã hội, nó đã và đang “sống được” trong xã hội của chúng ta, sự tồn tại của nó hẳn cũng có lý do và càng đặt ra nhiều vấn đề xã hội rất đáng lo ngại. Người viết bài xin miễn bàn thêm, và xin để cho quý vị độc giả suy ngẫm rồi tự rút ra những kết luận cần thiết.

Ðến đây, đông đảo bạn đọc thân mến vẫn chưa biết tên của quyển sách và tên soạn giả của nó. Ðó là một việc mà người viết bài này còn canh cánh bên lòng, coi mình có trách nhiệm phải trả lời. Kính mong quý vị bạn đọc giúp sức.


*


Phát hiện thêm một quyển từ điển khác dày hơn, phạm nhiều sai lầm hơn, cùng do một giáo sư biên soạn

Sau khi tạp chí Thế Giới Mới đăng bài “170 sai lầm trong một cuốn từ điển”, chúng tôi được vài độc giả mách bảo: phải chăng, cuốn từ điển chứa vô số sai lầm kia chính là Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân? Họ cho biết: quyển từ điển này chứa tất cả mọi sai lầm mà chúng tôi đã phân tích. Khi xem qua cuốn Từ điển từ và ngữ Việt Nam dày hơn 2100 trang (NXB Thành phố Hồ Chí Minh, nộp lưu chiểu tháng 3 năm 2000) thì chúng tôi biết ngay rằng, đó không phải là quyển sách mà chúng tôi đã xem xét. Nhưng, đúng là Từ điển từ và ngữ Việt Nam đã chứa gần trọn vẹn mọi lời giảng giải sai trái của hơn 170 trường hợp kia. Sở dĩ nói “gần trọn ven” là vì, có chưa đến một chục trường hợp, trong đó soạn giả không giảng giải các từ tố nên thoát khỏi cái tội bịa đặt nghĩa cho các từ tố mà ông vẫn thường phạm phải. Ngoài ra, Từ điển từ và ngữ Việt Nam còn phạm rất nhiều sai lầm khác ngoài những mục từ Hán Việt.

Nhờ sự gợi ý của các độc giả kể trên nên chúng tôi đã nhanh chóng xác định được rằng, cuốn sách mà chúng tôi đã phê phán cũng là của GS Nguyễn Lân, có tên là Từ điển từ và ngữ Hán Việt, do NXB Từ điển Bách khoa ấn hành năm 2002. Bản in đầu tiên của cuốn từ điển này do NXB Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 1989, và cũng có bản in năm 2003 của NXB Văn học. Chúng tôi chưa biết còn có bản in nào nữa hay không.

Trong Lời nói đầu, GS Nguyễn Lân viết:

Trong tiếng Việt, quá một nửa số từ và ngữ bắt nguồn từ chữ Hán. Ðó là những từ và ngữ Hán–Việt. Trừ một số rất nhỏ từ Hán – Việt đã có nghĩa khác với nghĩa từ nguyên (như lịch sự, tử tế, khốn nạn, đồng hồ...), tối đại đa số từ Hán – Việt vẫn giữ nguyên nghĩa gốc. Song hiện nay, phần lớn các thầy giáo, cô giáo, sinh viên, học sinh không biết chữ Hán. Nhiều người khi đọc hoặc giảng một bài cổ văn không biết nghĩa chính xác của nhiều từ, nên có thể hiểu lầm, giảng sai. Huống chi hàng ngày ở chung quanh chúng ta, nhiều người lẫn lộn từ nọ với từ kia như: yếu điểm với nhược điểm, báo cáo với bá cáo, giả thiết với giả thuyết, chân tu với trân tu, bàng bạc với bàn bạc, bàng hoàng với bàn hoàn, bàng quan với bàng quang, vãn cảnh với vãng cảnh. Có người đọc và viết huyên thiênhuyên thuyên, phong thanh (nghe phong thanh) là phong phanh, xán lạn sáng lạng... Nhiều người nói và viết câu kếtcấu kết... Gần đây, trên một tờ báo lớn, người ta đã viết vô hình trungvô hình chung... Ðể góp phần nhỏ bé của mình vào sự giữ gìn tính trong sáng của tiếng Việt và bảo đảm tính chính xác của từ ngữ, chúng tôi đã soạn cuốn Từ điển từ và ngữ Hán – Việt này.

Cứ đọc những lời trên đây thì ai cũng ngỡ rằng mình đang có trong tay một cuốn từ điển rất đáng tin cậy, có thể giúp mọi người hiểu đúng và sử dụng đúng các từ ngữ Hán Việt, khắc phục được tình trạng hiểu sai và sử dụng sai ở rất nhiều từ ngữ. Nhưng, sự thực thì hoàn toàn ngược lại. Ông H. H. Phúc, người tố cáo với chúng tôi về những sai lầm nghiêm trọng trong quyển từ điển này cho biết: khi đọc qua chừng dăm chục trang, ông đã cảm thấy thất vọng hết mức, và càng đọc thì cơn phẫn nộ càng dâng lên. Hình như soạn giả chỉ đủ sức sửa chữa khoảng một chục sai lầm mà ông vừa nêu, chủ yếu là dựa vào vốn hiểu biết do kinh nghiệm mà có, vì rất nhiều từ khác mà nhiều người hiểu sai và sử dụng sai thì vẫn bị ông giải thích sai một cách thảm hại. Sản phẩm của ông chỉ có thể đưa đến hậu quả trái ngược với mục đích do chính ông đề ra.

Gần đây (tháng 10/2004), qua cuốn sách Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm (do NXB Trẻ ấn hành), chúng tôi mới được đọc bài “Ðọc lướt Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân” mà tác giả Huệ Thiên đã đăng trên tạp chí Văn, số 6 và số 8, tháng 9 năm 2000. Chỉ từ vần A đến hết vần C mà ông Huệ Thiên đã vạch ra được 117 chỗ sai. Chúng tôi cho rằng, sự phê phán của ông Huệ Thiên là xác đáng và xin nêu ra đây để quý vị độc giả tham khảo.

Đọc lướt Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân - Huệ Thiên
*

Như đã nói ở trên, mọi sai lầm trong cuốn Từ điển từ và ngữ Hán – Việt đều được mang gần như trọn vẹn sang cuốn Từ điển từ và ngữ Việt Nam. Bởi vậy, khi đọc bài của ông Huệ Thiên, chúng tôi nghiệm ra hai điều. Một là, chính mình còn bỏ sót khá nhiều lỗi đáng kể trong cuốn Từ điển từ và ngữ Hán – Việt, mặc dầu ông Huệ Thiên không khảo sát cuốn này. Hai là, ông Huệ Thiên mới “đọc lướt” nên chưa phát hiện được một số sai lầm nghiêm trọng khác, mà chủ yếu là ở các từ ngữ Hán Việt. Ví dụ, ông đã đọc từ vần A đến vần C trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam nhưng không phát hiện được sai lầm khi GS Nguyễn Lân giảng giải các từ ác ôn (từ tố ôn vốn là côn 棍, có nghĩa gốc là cái gậy, nghĩa bóng là kẻ vô lại, là côn đồ, rồi bị biến âm mà thành ra ôn, thì GS Nguyễn Lân giảng rằng ôn nghĩa là bệnh dịch) và anh hùng (hùng 雄 nghĩa là người tài giỏi thì ông “vận dụng kinh nghiệm” mà suy luận ra rằng, hùng nghĩa là con thú khoẻ nhất, bởi vì, cũng có chữ hùng 熊 nghĩa là con gấu).

Hai điều này cho phép đi đến kết luận:

Số từ phạm sai lầm (chứ không phải là số sai lầm, vì ở mỗi từ, ông Nguyễn Lân có thể phạm sai lầm ở 1 hoặc cả 2 từ tố, ở nghĩa của từ và cả ở ví dụ) trong Từ điển Từ và ngữ Hán Việt còn cần thêm nhiều công sức mới phát hiện hết.

Ở Từ điển từ và ngữ Việt Nam, ngoài hàng trăm sai lầm từ cuốn Từ điển từ và ngữ Hán – Việt mang sang mà chúng tôi đã đối chiếu, chỉ từ vần A đến vần C (chiếm khoảng 20% tổng số trang) mà ông Huệ Thiên đã vạch ra 117 sai lầm. Số sai lầm trong cả quyển phải là con số dăm bảy trăm hay hơn nữa.

Những quyển từ điển về tiếng Việt phạm quá nhiều sai lầm như vậy sẽ gây tai hại như thế nào đối với nền văn hoá và giáo dục của nước nhà? Các trường học, các thư viện, các thầy giáo, các bậc phụ huynh có nên sử dụng chúng làm công cụ để trau giồi vốn từ ngữ tiếng Việt cho bản thân mình và cho thế hệ trẻ hay không?

Ðộc giả hoàn toàn có thể tự trả lời những câu hỏi này.

Nghĩ về vô số sai lầm trong hai cuốn từ điển của GS Nguyễn Lân, chúng tôi nhớ đến các GS Lê Trí Viễn và Vũ Khiêu vì họ đã đóng góp những Lời giới thiệu khó quên.

Về Từ điển từ và ngữ Hán – Việt, Gs Lê Trí Viễn đã viết Lời giới thiệu, trong đó đã đánh giá rằng nó (Từ điển của Nguyễn Lân) hơn hẳn các từ điển Hán Việt đã có từ trước, rồi kèm theo những lời ca ngợi: ”Ưu điểm lớn nhất trong đó là nó thể hiện được trình độ tiếng Việt hiện đại trong lĩnh vực Hán – Việt... Với nội dung phù hợp với yêu cầu có giới hạn do tác giả đặt ra từ đầu, trong mảnh đất văn học, nó sẽ là một công cụ tra cứu rất quý không thể thiếu được đối với bất kỳ ai, trước hết là học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo, các nhà nghiên cứu, biên soạn khi muốn nắm được nghĩa chính xác các từ và ngữ Hán Việt trong tiếng Việt hiện nay.”

Trong Lời giới thiệu viết cho Từ điển từ và ngữ Việt Nam, Gs Vũ Khiêu đã dành nhiều lời để biểu dương trí tuệ uyên bác và vốn tiếng Việt vô cùng phong phú cùng với tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao cả của Gs Nguyễn Lân rồi kết thúc bằng những câu thật truyền cảm:“Hôm nay đọc bản thảo cuốn từ điển này, tôi xúc động nghĩ tới một trí thức tuổi đã cao mà vẫn đơn thương độc mã, cặm cụi suốt ngày viết viết, xoá xoá để cho ra cuốn từ điển này. Tác giả coi công trình của mình chỉ là một từ điển thông dụng mà thôi, nhưng tôi nghĩ rằng trí tuệ và tâm huyết của tác giả đã tạo ra một tác phẩm rất có giá trị mà cả xã hội đang mong đợị


Trước khi viết những Lời giới thiệu ngọt ngào, hai ông đã biết những gì về các quyển từ điển kia mà đưa ra được những lời tán tụng hấp dẫn đến thế. Phải chăng, khi giới thiệu sách, các ông chỉ cần đọc Lời nói đầu của tác giả để khẳng định giá trị của chúng một cách chắc chắn như đinh đóng cột rồi đưa ra những lời khen thật đẹp đẽ để tác động mạnh mẽ đến lòng tin của độc giả mà không cần nghĩ đến trách nhiệm to lớn đối với họ?


Tài liệu tham khảo chính:

Hán –Việt từ điển, Ðào Duy Anh, NXB Trường Thi, Sài Gòn
Hán – Việt tân từ điển, Nguyễn Quốc Hùng, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1975
Ðại Nam quốc âm tự vị, Huình Tịnh Paulus Của, Sài Gòn, 1896
Dictionnaire Annamite – Francais, J.F.M. Génibrel, Saigon 1898.
Quốc triều hương khoa lục , Cao Xuân Dục, NXB Thành phố Hồ Chí Minh
Quốc triều khoa bảng lục, Cao Xuân Dục, NXB Văn học, 2001
Cổ kim Hán ngữ từ điển, Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 2000
Cổ kim Hán ngữ thực dụng từ điển. Tứ Xuyên nhân dân xuất bản xã, 1989
Tân hiện đại Hán ngữ từ điển (Kiêm tác Hán-Anh từ điển), Hải Nam xuất bản xã.
Hán Anh đại từ điển, Thượng Hải Giao thông Ðại học xuất bản xã, 1999
Từ nguyên, Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1997
Từ hải, Thượng Hải từ thư xuất bản xã, 1995
McGraw-Hill Dictionary of Scientific and Technical Terms, Fifth Edition, 1996
Comprehensive Dictionary of Engineering and Technology, English-French, Editions de l’Usine, Paris, 1984


talawas chân thành cảm ơn nhà văn Trương Thái Du đã giúp biên tập phần chữ Hán theo font Unicode để độc giả có thể thuận tiện theo dõi.

© 2005 talawas

nguồn: talawas.de



2 nhận xét:

  1. cũng tại văn hoá việt mất gốc
    rồi bị lai căn qua những thời kỳ lịch sử + với ngữ âm địa phương,
    cho nên !
    rất khó chuẩn cho tiếng việt , (thiển ý cá nhân tôi vậy)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, bạn nói đến những vấn đề lớn mà chỉ trong vài dòng, có lẻ ít quá, nên chưa hiểu rõ ý bạn.
      Dù sao, cảm ơn bạn ghé chơi :d

      Xóa
Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)