10/3/14

Chuyện xưa, chuyện nay (1)

Nghe đến triết học ai cũng ngán, vì với đa số người Việt ta, triết học đồng nghĩa với những tín điều về chủ nghĩa MácLê dạy ở nhà trường XHCN. Thật ra cách dạy triết học phản triết học ấy đã gây những phản cảm một cách oan uổng với bộ môn triết học. Có lẻ nhiều người sẽ nghĩ khác đi về triết học nếu được đọc loạt bài Trò chuyện triết học của Bùi Văn Nam Sơn.

Loạt bài này trước đây được đăng và lưu trên trang nhà của tạp chí Sài Gòn Tiếp Thị tại địa chỉ sgtt.vn, Tạp chí này nay đã đóng cửa, link trên đã bị
die. Loạt bài đã được xuất bản thành sách nhưng hiện nay hình như cũng ko phải dễ kiếm. May mắn là mấy ngày qua vào cache Google vẫn còn kịp lôi ra được một số bài. Nên đưa lên đây để lưu, ngoài ra để ai chưa đọc có dịp đọc loạt bài rất hay này, và hi vọng với khoảng hơn 10 bài sẽ được post lại ở đây, có người sẽ thấy hứng thú để tìm sách mà đọc thêm.

Chuyện xưa, chuyện nay
Bùi Văn Nam Sơn

SGTT: “Sống đã, triết lý sau” là câu nói luôn luôn đúng, và đó cũng là lý do vì sao không có thần đồng trong lĩnh vực triết học. Trong xu hướng toàn cầu hoá, cuộc sống càng muôn màu muôn vẻ, nhưng không thể hội nhập đầy đủ và an toàn nếu không có kiến thức nền về cội nguồn tư tưởng thế giới. Đó là lý do Sài Gòn Tiếp Thị mở chuyên mục Chuyện xưa, chuyện nay vào số thứ tư hàng tuần, do nhà nghiên cứu triết học, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn đảm trách. Có lẽ vì biết rằng chuyển tải những vấn đề triết lý – nhân sinh hóc búa đến với độc giả phổ thông là điều không dễ, ông đã phải rào đón bằng một lời dẫn dài... nguyên trang!


Tư tưởng đổi thay số phận

“Tư tưởng của chúng ta là số phận của chúng ta” (Arthur Schopenhauer, 1788 – 1860)

Có lẽ bạn ngán triết học vì nó khô khan, khó hiểu? Bạn ngại triết học vì nó thường tỏ ra áp đặt, giáo điều? Bạn xem thường triết học vì nó mông lung, vô bổ? Xin bạn hãy bình tâm một chút! Họp nhân viên lại, liệu kiến thức chuyên môn đơn thuần có đủ để giúp bạn “động viên” được họ? Bạn vẫn thường phải dùng đến những lời có cánh đó thôi! Giải quyết việc lương bổng hay… đền bù giải toả, chẳng lẽ người ta không một phút thoáng nghĩ đến khái niệm “công bằng”? Dạy bảo con cái đâu có thể chỉ dùng đến hai thứ duy nhất: cho roi cho vọt hoặc cho ngọt cho bùi? Nhìn chung, ta vẫn cứ “triết lý” hàng ngày giống như ông Jourdain luôn miệng làm “văn xuôi” mà không tự biết đấy thôi!

Triết gia Hegel bảo rằng ta vẫn có thể hô hấp và tiêu hoá mà không cần biết đến môn sinh lý học. Cũng thế, ta vẫn “triết lý” mà không cần đến triết học. Nhưng rồi dần dần, từ công việc trong đời thường, con người đặt câu hỏi về những gì tưởng như hiển nhiên. Từ xa xưa, ở phương Đông cũng như phương Tây, bắt đầu có sự phân biệt giữa những điều “ai ai cũng nói” với những điều một số ít người suy ngẫm lâu dài trước khi đi đến chỗ xác tín. Từ đó, triết học – cũng như mọi khoa học khác – không thể không bước vào “những tháp ngà”, nếu muốn có sự yên tĩnh để suy nghĩ, sự khách quan để nhận định.

Nhưng, thật ra, nhìn kỹ lại, những tháp ngà ấy ít nhiều đều được xây dựng nên từ những bụi bặm trần gian. Khổng, Lão, Phật, Jesus, Socrate… những nhà tư tưởng lớn đầu tiên của nhân loại đều là những kẻ lữ hành, chia sẻ và lăn lộn trong sự phức tạp khôn cùng của chúng sinh. Rồi cũng dần dần, triết học lại rời khỏi “tháp ngà”, đi vào cuộc đời để thực hiện các sứ mệnh của mình… Có khi thành công, có khi thất bại. Có khi tạo phúc, có khi gây hoạ. Và, cũng vì thế, nó luôn phải nhìn lại chính mình, tự phê phán, tìm con đường khác, phương thức mới…

Triết học trong cuộc sống ngày nay

Đời sống sôi động và cuộc cạnh tranh toàn cầu đầu thế kỷ 21 cho thấy: hơn bao giờ hết, thành bại, mất còn ngày nay phụ thuộc vào sáng kiến, ý tưởng và các chiến lược tư duy. Khi thế giới ngày càng… phẳng, khi thông tin, sự đào tạo và kỹ năng ngày càng đến được với mọi người, kiến thức thông thường không còn là lợi thế cạnh tranh nữa. Phương pháp, kể cả phương pháp mới, cũng không đủ giúp tạo nên lợi thế. Mạng lưới truyền thông toàn cầu nhanh chóng biến nó thành tài sản chung của mọi người!

Vậy, chính tiềm lực trí tuệ, văn hoá tư duy, thái độ tinh thần được tích luỹ và tinh luyện của một cá nhân, một dân tộc, một nền văn hoá mới tạo nên được sự khác biệt trong những giờ phút quyết định. Chúng giúp mang lại sự sáng tạo trên nền tảng đạo lý và tỉnh thức.

Cho đến nay, sự ganh đua về ý tưởng thường chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực kinh tế. Nhưng, sự khác biệt lại ngày càng diễn ra ở những lĩnh vực không ngờ tới. Kinh tế, dù quan trọng đến mấy, chỉ là một phương diện của cuộc sống; chất lượng sống đích thực không thể quy giản vào phương diện kinh tế. Do đó, triết học có thể giúp ta có được những nhận thức để cải thiện chất lượng cuộc sống, đồng thời, cuộc đời và phong cách tư duy của những đại triết gia cũng là những gương mẫu cho ta học hỏi trên nhiều lĩnh vực. “Hình thức cao nhất của thành tựu bao giờ cũng là một nghệ thuật, chứ không phải là khoa học”– người nói được câu ấy là Theodore Lewitt, một tên tuổi lớn trong ngành… tiếp thị!

Gặp gỡ giữa triết học và các hình thức tổ chức cuộc sống

Điều trước hết cần nói về “nghệ thuật” này: không thể lãnh đạo công việc hay tổ chức cuộc sống bằng triết học. Triết học không phải là công cụ, không phải là phương pháp để chỉ đạo, quản lý. Làm như thế là yêu mà nên tội, làm như thế tưởng là tôn vinh nó mà thật ra là làm hại nó và vô tình làm hại chính mình. Là “công cụ”, nó sẽ giới hạn chân trời hoạt động và bắt con người phụ thuộc vào công cụ. Là “phương pháp”, nó sẽ bắt người theo phương pháp ấy làm tù binh! Trái lại, chỉ có thể từ triết học, tức từ thái độ được nuôi dưỡng bằng tư duy triết học: triết học giống như nhà tư vấn giúp ta có cái nhìn sâu vào hậu trường, vào tất cả mọi hậu trường. Do đó, ta không đến với triết học để tìm ra những giải pháp nhanh chóng, nhất thời mà để phát hiện những con đường xưa nay chưa biết để đi đến giải pháp. Nó là công việc của mỗi người, của riêng mỗi người. Chính trong tinh thần ấy, triết học thường được hiểu… “ba trong một”: triết học như là khoa học khai minh, giúp xoá bỏ những ảo tưởng, định kiến; triết học như là khoa học điều hoà, giúp cân đối mọi lối nhìn; triết học như là khoa học hành động, giúp định hướng cho mọi lựa chọn, quyết định.

Vậy, nói cụ thể, triết gia làm những công việc gì? Thưa bạn, họ làm giống hệt như chúng ta đang làm trong mọi lĩnh vực, chỉ có điều, với những phương tiện khác mà thôi. Nếu viên chức nhà nước làm việc với những quy định của pháp luật, nhà doanh nghiệp với của cải, tiền bạc, đối tác, người chủ gia đình phải đương đầu với những lo toan thường nhật, tìm những phương cách và phương tiện để giải quyết chúng, thì nhà triết học làm việc với những khái niệm và sự chiêm nghiệm. Nhưng bất kỳ ai cũng đều xoay quanh mấy công việc quen thuộc mà hệ trọng sau đây: hiểu hậu cảnh; quyết định có cơ sở; hành động có trách nhiệm; hoạt động có hiệu quả; truyền thông rõ ràng, sống thanh thản, hạnh phúc.

Sài Gòn Tiếp Thị dành cho chúng ta một không gian thân mật để hàng tuần trao đổi về các việc làm ấy, ở giác độ triết học. Để đổi không khí, mỗi tuần chúng ta sẽ làm quen với một khái niệm triết học hoặc với một triết gia nổi tiếng. Câu chuyện nghiêm chỉnh nào cũng cần trở nên vui vẻ, và câu chuyện vui vẻ có khi cũng cần trở nên nghiêm chỉnh. Bạn đồng ý thế không? Xin hẹn gặp lại tuần sau.

Bùi Văn Nam Sơn

(Nguồn:  sgtt.vn)

----------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)