Bài viết của Quỳnh Giao trong loạt bài Suối Nguồn Tân Nhạc, cop lại từ trang
nguoi-viet. Một số ca khúc minh họa trong bài trên Youtube chưa có phiên bản tác giả giới thiệu, tạm thay bằng một phiên bản khác
Trịnh Công Sơn viết nhạc từ tuổi đôi mươi cho đến những năm gần đây, nên đã cho chúng ta một số lượng tác phẩm rất lớn. Như ở một triết gia đích thực, ở nơi ông nỗi ám ảnh lớn về đời người đã đưa đến ba loại đề tài lớn, là tình yêu, quê hương và thân phận con người, trong đó chiến tranh và đói khổ là sự ngột ngạt bao trùm lên tất cả.
Khi chiến tranh đã chấm dứt, và vận nước đã đổi thay, ông thiên về các đề tài mang nhiều triết tính về cuộc đời, nhưng thủy chung vẫn là người viết nhạc tình độc đáo nhất. Nhạc sĩ Văn Cao gọi Trịnh Công Sơn là "ca nhân về tình yêu" có lẽ là trong ý đó...
Từ góc độ của người hát và yêu nhạc, khi nhìn lại Trịnh Công Sơn viết cho tình yêu, Quỳnh Giao muốn được nói lên một sự kiện, đó là từ Trịnh Công Sơn trở đi, các tình khúc đã đổi khác rất nhiều, và nền tân nhạc phải cảm tạ ông về sự khai phá đó...
Nói về tình khúc Trịnh Công Sơn, ta hãy thử nhắm mắt lại để nhìn quanh mà xem... Gió mưa; nắng cát; sông biển núi non; sa mạc, công viên; lá vàng, sỏi đá; rong rêu, lộc nõn; phố vắng, tháp cổ; mây bay, tóc rối; thân xác, cây già, v.v... ngần ấy hình tượng tản mát đều lấp lánh siêu thực trong các tình khúc của ông.
Trịnh Công Sơn là một phù thủy về ngôn ngữ, và căn bản văn hóa Pháp mà ông hấp thụ từ khi còn trẻ có thể phần nào, dù chỉ phần nào thôi, giải thích khả năng dùng chữ đầy ấn tượng lạ kỳ của ông. Phần nào thôi, vì khả năng rất tự nhiên đó, có lẽ ông phải có từ tiền kiếp, nhất là trong lối sử dụng hình dung từ bóng bảy và hình ảnh bất ngờ mà có sức biểu cảm lớn, như trong hội họa.
Ông là một nhà thơ, trước khi là một nhạc sĩ. Ta hãy nghe Tuấn Ngọc trong bài
Ru Ta Ngậm Ngùi chẳng hạn, để bàng hoàng nhớ lại là 30 năm trước ông dùng chữ như thế nào...